Lễ Động Thổ: Lời cảnh báo cuối cùng dành cho các vị bầu giáo hoàng.

 

Lễ Động Thổ:  Lời cảnh báo cuối cùng dành cho các vị bầu giáo hoàng.

Công báo chính thức của Toà Thánh đã vén màn bí mật về bài nguyện ngắm chia sẻ với các hồng y vào lúc khởi đầu  cuộc Mật Nghị, sau khi cửa đóng then cài. Đây là những đoạn quan yếu:

Bài của Sandro Magister

Nguồn : http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350575?eng=y

 

ROME, ngày 13 tháng Tám năm 2013 – Toà Thánh có một tờ báo chính thức mang tên “Acta Apostolicae Sedis – Công Báo Toà Thánh.” Báo được viết bằng tiếng Latinh, trong khi những tài liệu được in lại ở đấy trong ngôn ngữ nguyên thủy. Có thể đọc các số bào này trong trang mạng Vatican, bắt đầu từ năm 1909:
> Acta Apostolicae Sedis

Từ năm 2003 báo được phát hành dưới dạng từng tập nguyệt san nhỏ, được đánh số trang bắt đầu từ tháng Giêng mỗi năm. Tập nguyệt san mới nhất được in cũng là tập đầu tiên triều giáo hoàng của đức Phanxicô
> Acta Apostolicae Sedis, 5 aprilis – 3 Maii 2013

Giữa nhiều bài khác, có các bài về tiến trình Mật Nghị vào ngày 13 tháng Ba năm 2013 bầu lên đức giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio. Với một điều mới lạ so với những gì đã được biết.

Điều mới lạ là – trước đây được giữ kỹ trong vòng bí mật – là trọn vẹn bản văn một bài nguyện ngắm chia sẻ cho các vị hồng y bầu cử viên vào ngày 12 tháng Ba, sau khi cửa đã khoá chặt, ngay trước khi bắt đầu các vòng bầu phiếu.

Vị hồng y được trao trách nhiệm chia sẻ bài suy niệm là Prosper Grench, người đảo  Malta, thuộc dòng Augustinô, 87 tuổi, nghĩa là ngài không còn quyền bầu cử. Quả vậy, ngay sau bài suy niệm, ngài phải rời Nhà Nguyện Sistine .

Trọn vẹn bản văn bài suy niệm được in ở trang 352 đến trang 357 trong số “Công Báo Toà Thánh” đã nêu trên.

Mười đoạn trích dẫn bài suy niệm này được trích lại dưới đây. Theo ý của hồng y Grech, đó là những điểm liên quan tương  ứng với “những gì Đức Kytô muốn thấy  nơi Giáo Hội của Ngài .”

Ngày nay đọc lại, bỗng dưng nảy sinh một bài tập linh thao: thử xác định đức giáo hoàng Phanxicô, vào thời đầu triều giáo hoàng,  đã nỗ lực ở điểm nào hơn, điểm nào kém, và tại sao.

_________

 

“Công tác các ngài sắp thực hiện trong Nhà Nguyện Sistine này …”

Bài của Prosper Grech

[…] Tôi không có ý định vẽ ra căn cước của vị giáo hoàng mới, lại càng không muốn trình bày một chương trình hành động cho vị giáo chủ tương lai. Đấy là một công việc rất tế nhị thuộc về Chúa Thánh Thần. Trong mấy thập niên gần đây, Ngài đã làm quà cho chúng ta một loạt những giáo hoàng tuyệt vời thánh thiện. Chủ đích của tôi là rút từ trong Kinh Thánh một vài suy tư giúp chúng ta hiểu được Chúa Kytô muốn gì nơi Giáo hội Ngài. […]

TIN MỪNG KHÔNG NHƯỢNG BỘ

Sau khi Ngài sống lại, Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi khắp thế gian làm cho muôn dân trở thành môn đệ, và rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 29:19). Giáo Hội thực hiện công tác này bằng cách trình bày Tin Mừng không chút thoả hiệp, không pha loãng lời nói. […] Khi người ta đành lòng nhượng bộ Tin Mừng, người ta đã rút ruột bỏ hết “năng lực” của Tin Mừng, y như người ta tháo bỏ khối thuốc nổ trong quả lựu đạn. Cũng như đừng có ai sa vào cơn cám dỗ mà nghĩ rằng, vi người ta tin rằng Công Đồng Vaticanô đệ Nhị đã san bằng ơn cứu rỗi cho cả những người ở ngoài Giáo hội, nên sự cần thiết của phép Rửa chỉ còn là tương đối mà thôi. Ngày nay còn phải thêm vào tình trạng hờ hững của các Kytô hữu đã lơ là hoặc từ chối rửa tội cho con cái mình.

CỚ VẤP PHẠM CỦA THÁNH GIÁ

Việc công bố Tin Mừng về Nước Thiên Chúa được cụ thể hóa trong lời công bố “Chúa Giêsu Kytô, Người đã bị đóng đinh” (1 Cor 2:2). […] Chính cái cớ vấp phạm của Thánh giá này khiến cho cái “tính kiêu căng” của trí khôn loài người phải bẽ mặt, và buộc nó phải chấp nhận một sự khôn ngoan đến từ trời cao. Trong trường hợp này cũng thế, việc tương đối hóa con người của Chúa Kytô bằng cách đặt Ngài cũng ngang tầm với các “vị cứu thế” khác là đồng nghiã với việc tước bỏ hết cái bản chất của Kytô giáo. Chính việc rao giảng về sự vô nghĩa lý của thập giá, mà chỉ trong vòng chưa đầy ba trăm năm, nó đã triệt hạ gần hết các tôn giáo của đế quốc Roma, và mở lòng mở trí cho người ta thấy một viễn cảnh mới về hy vọng và sống lại. Thế giới hiện đại cũng đang khao khát một niềm hy vọng tương tự, vì nó đang chịu đựng đau khổ về một sự suy sụp hiện sinh.

GIÁO HỘI CỦA CÁC VỊ TUẪN ĐẠO

Đức Kytô bị đóng đinh liên kết mật thiết với Giáo hội bị đóng đinh. Đó chính là 
Giáo Hội của các vị tuẫn đạo, từ những vị tuẫn đạo trong các thế kỷ đầu tiên cho đến rất nhiều tín hữu trong một vài quốc gia, đã tự dấn thân vào chỗ chết chỉ vì đi dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. […] Chúa Giêsu đã tiên báo: “Nếu họ đã bách hại Ta, họ sẽ bách hại các con”(Ga 15:20), Vì vậy, bách hại là “quid constitutivum – cái làm nên bản chất” của Giáo Hội. […] Đấy là cái thánh giá phải vác. Nhưng bách hại không chỉ luôn luôn thuộc diện thể lý, mà còn sự bách hại của tính giả trá: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:11). Mới đây các vị đã có kinh nghiệm về chuyện này qua một vài luồng truyền thông không có thiện cảm với Giáo hội. Khi những chuyện tố cáo là giả dối, người ta không thèm để ý đến, mặc dù chúng gây ra đau khổ vô vàn.

KHI NHỮNG TỐ CÁO LẠI NÓI SỰ THẬT

Nhưng lại là một chuyện khác khi những lời tố cáo lại nói đúng sự thật về chúng ta, như xảy ra trong nhiều tố cáo về tội ấu dâm. Lúc đó chính chúng ta phải khiêm nhường trước mặt Chúa và loài người, và tìm cách nhổ bỏ sự ác từ tận gốc rễ bằng mọi giá, như đức Biển Đức XVI đã vô cùng xót xa mà phải làm. Và chỉ bằng cách đó chúng ta mới lấy lại được tính khả tín trước mắt thế giới và đưa ra được một gương sáng về sự thành tâm. Ngày nay, nhiều người không thể tin vào Chúa Ktô chỉ vì khuôn mặt Ngài đã bị lu mờ hay bị giấu sau một cơ chế thiếu mất tính trong suốt. Nhưng nếu gần đây chúng ta đổ lệ về nhiều biến cố khó chịu xảy đến trên hàng giáo phẩm và giáo dân, kể cả trong nhà của đức giáo hoàng, chúng ta phải coi những điều xấu xa này, dù có trầm trọng đến mấy, nhưng khi so với một vài điều xấu xa khác trong lịch sử Giáo Hội, chúng chỉ là những cơn cảm mạo. Và cũng như nhờ ơn Chúa giúp những điều xấu xa trong lịch sử đã được vượt qua, những khủng hoảng hiện tại cũng sẽ được vượt qua. Dù là cảm mạo, chúng ta cũng phải chữa trị cẩn thận để khỏi biến thành bệnh sưng phổi.

KHÓI CỦA SATAN TRONG GIÁO HỘI

Thần ác trong thế giới, cái  “mysterium iniquitatis – mầu nhiệm của sự gian ác” (2Thes 2:7) luôn luôn tìm cách len lỏi vào trong Giáo hội. Hơn nữa, chúng ta đừng quên lời cảnh báo của các ngôn sứ thời Israel cổ khuyên đừng tìm các liên minh với Babylon hay với Ai Cập, nhưng luôn luôn phải theo một chủ trương “ex fide – do lòng tin” hoàn toàn tín trung vào Thiên Chúa mà thôi ( xem Is 30:1; 31:1-3; Hos 12:2) và vào giao ước của Ngài. Hãy can đảm lên chứ ! Chúa Kytô đã vực tâm trí chúng ta dậy khi Ngài thốt lên: “Hãy tin tưởng, vì Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33). […]

LẠC GIÁO ĐANG ẨN KHUẤT

Công tác của vị giáo hoàng tương lai gìn giữ sự hiệp nhất của Giáo hội Công Giáo cũng là một công tác không lấy gì làm dễ dàng hơn. Giữa những người cực kỳ truyền thống quá khích và những người cực kỳ cấp tiến hết mình, giữa những linh mục phản chứng chống lại đức vâng lời và những người không nhận ra được các dấu chỉ thời đại, luôn luôn có cái nguy hiểm của những ly phái nho nhỏ, không những làm hại đến Giáo hội, mà còn đi ngược lại với ý muốn củaThiên Chúa. hiệp nhất bằng mọi giá. Nhưng hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất. Hiển nhiên là việc này không đóng chặt mọi cửa cho những cuộc tranh luận trong nội bộ giáo hội luôn hiện diện trong suốt dòng lịch sử của Giáo hội. Mọi người đều được tự do nói lên ý nghĩ của mình về công tác của Giáo Hội, nhưng những ý nghĩ ấy phải là những đề nghị đi theo đường hướng của cái “depositum fidei – kho tàng đức tin” mà đức giáo chủ cùng với toàn thể các giám mục có nhiệm vụ phải gìn giữ. […]

TỰ DO DỤC TÍNH VÀ TIẾN BỘ

Bất hạnh thay là nền thần học ngày nay phải chịu khổ từ  những tư tưởng mập mờ đang thống trị trong lãnh vực triết học, và chúng ta phải cần đến một nền tảng triết học vững chắc để có thể khai triển một tín lý mang một giá trị chú giải vững chắc nói một ngôn ngữ mà thế giới hiện đại hiểu được. Tuy nhiên, thường xảy ra là các đề nghị của nhiều tín hữu về tiến bộ của Giáo hội lại dựa trên một mức độ tự do hưởng được trong lãnh vực tính dục. Một vài lề luật và truyền thống hoàn toàn thuộc về giáo hội có thể thay đổi được, nhưng không phải mỗi một thay đổi đều có nghĩa là tiến bộ. Cần phải phân biệt xem những hành vi thay đổi như thế làm tăng tiến sự thánh thiện của Giáo hội hay lại làm lu mờ đi. […]

NHÓM ÍT NGƯỜI CÒN SÓT LẠI NÀY KHÔNG QUỲ GỐI TRƯỚC THẦN BAAL

BênTây Phương, ít ra tại Âu Châu, chính Kytô giáo đang gặp khủng hoảng. […] Ở đó đang ngự trị một sự vô tri và coi thường không chỉ đối với giáo lý Công giáo, mà còn đối với cả những điều sơ đẳng của Kytô giáo. Vì thế người ta cảm thấy cần một sự tân Phúc Âm hóa, bắt nguồn từ nội dung thuần tuý cơ bản của Tin Mừng và việc công bố suông cho những người chưa tin, tiếp nối bằng việc dạy giáo lý liên tục được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện. Nhưng Thiên Chúa chưa hề bao giờ bị sự lãnh đạm của con người đánh bại, và xem chừng như, trong khi họ đóng cửa không cho Ngài vào tại Âu Châu, Ngài lại mở cửa ở nơi khác, đặc biệt tại Á Châu. Và ngay cả bên Tây phương, Ngài vẫn còn giữ được cho Mình một số ít người còn sót lại trong Israel đã không chịu quỳ gối trước thần Baal, những người còn sót lại mà chúng ta gặp thấy chủ yếu trong các phong trào giáo dân, được phú cho nhiều đặc sủng khác nhau  tạo ra được một đóng góp mãnh liệt cho việc tân phúc âm hóa. […] Tuy nhiên, cần phải lưu tâm để những phong trào đặc biệt này không được  tin rằng Giáo hội đã đuối sức nơi họ. Nói cách vắn tắt, Thiên Chúa không thể thua sự lãnh đạm của chúng ta. Giáo hội là của Ngài, cửa Hoả Ngục có thể gây thương tích cho gót chân Giáo hội, nhưng không bao giờ có thể làm Giáo Hội chết nghẹt .

ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI ĐƠN SƠ

Còn có một yếu tố hy vọng khác trong Giáo hội, mà chúng ta không nên bỏ quạ đó là cái “sensus fidelium – cảm thức đức tin.” Thánh Augustinô gọi đó là “vị thầy trong nội tâm” nơi mỗi người tín hữu. […]Nó tạo ra từ tận đáy tâm hồn một sự phân định đúng sai. Nó làm cho chúng ta phân biệt một cách trực giác điều gì “secundum Deum – thuộc về Thiên Chúa” và điều gì đến từ thế gian và từ tên gian ác (1 Ga 4:1-6). […] Hòn than đức tin cháy nóng được lưu giữ sống động do hàng triệu tín hữu đơn sơ, không bao giờ được gọi là thần học gia, nhưng trong chốn riêng tư của kinh nguyện, suy tư, và lòng sùng bái nơi mình, họ có thể đóng góp những ý  kiến sâu sắc cho các mục tử của mình. Chính họ “sẽ là những người huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái” (1Cor 1:19). Điều này có nghĩa là khi thế giới, với tất cả các tri thức và sự khôn ngoan của mình, từ bỏ “logos – lời” của trí khôn nhân loại, thì “Logos – Lời” của Thiên Chúa vẫn chiếu sáng rực rỡ trong những tâm hồn đơn sơ. Lời này làm nên cái cốt tuỷ từ đó xương sống của Giáo Hội được nuôi dưỡng. […]

DƯỚI BÀN TAY CỦA CHÚA KYTÔ ĐẤNG PHÁN XÉT

Trong khi tuyên xưng Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, chúng ta lại không luôn luôn tính đến Ngài khi chúng ta hoạch định các chương trình cho Giáo Hội. Ngài siêu vượt trên mọi phân tích xã hội và mọi tiên đoán lịch sử, Ngài vượt trên các tai tiếng, các quan điểm chính trị nội tại, các tham vọng  và các vấn đề xã hội, là những điều đem các rối ren của mình làm cho khuôn mặt của đức Kytô bị lu mờ, khuôn mặt lẽ ra phải chiếu sáng qua cả những đám mây u ám nhất. Chúng ta hãy nghe thánh Augustinô nói: “Các Tông đồ đã thấy Chúa Kytô và đã tin vào Giáo hội mà các ngài không nhìn thấy; còn chúng ta thấy Giáo hội và phải tin vào Chúa Kytô mà chúng ta không nhìn thấy. Bằng cách gắn bó với những gì chúng ta thấy, chúng ta đi đến chỗ thấy đuợc Đấng bây giờ chúng ta không thấy” (Bài giảng 328, đoạn 3). […] Vào năm 1961, đức Gioan XXIII có cuộc triều yết với Ngoại Giao đoàn tại Nguyện Đường Sistine này. Ngài chỉ vào hình Chúa Kytô Đấng Phán Xét trong bức họa trên trần của Michelangelo, và ngài nói với các vị ấy rằng Chúa Kytô cũng sẽ phán xét các hành động của từng quốc gia trong lịch sử. Bây giờ quý vị đang ở trong cũng Nhà Nguyện ấy, dưới bức hình của Chúa Kytô đang giơ tay, không phải để đè bẹp, nhưng để soi sáng cho cuộc bầu phiếu, hầu việc bầu chọn xảy ra “theo Thần Khí” chứ không “theo xác thịt.” […] Chinh vì thế mà người được chọn không còn là của quý vị, nhưng hoàn toàn là của Ngài. […]

__________
Nguyễn Đức Khang chuyển ngữ