CHẲNG AI MUỐN MÌNH LÀ KẺ TIỂU NHÂN CẢ! – Nguyễn Văn Nghệ 74

Chẳng ai muốn mình là kẻ tiểu nhân cả !

Trong một đoàn thể không nhiều thì ít cũng có một số người công khai hoặc ngấm ngầm tạo sự BẤT HÒA giữa các thành viên với nhau . Sách Luận Ngữ, thiên Tử Lộ, câu 23 ghi như sau: TỬ VIẾT:” QUÂN TỬ HÒA , NHI BẤT ĐỒNG ; TIỂU NHÂN ĐỒNG , NHI BẤT HÒA” (Khổng tử nói rằng;” Người QUÂN TỬ giao tiếp với người thì giữ niềm hòa lạc, nhưng chẳng đồng tình trong việc quấy; Kẻ TIỂU NHƠN giao tiếp với người thì đồng tình trong việc quấy, nhưng chẳng giữ niềm hòa lạc).Có niềm hòa lạc thì tình đoàn kết trong đoàn thể mới bền chặt. Người xưa có câu ví von cho sự chống báng nhau trong nội bộ ( câu ví tuy không thẩm mỹ nhưng rất là trực quan sinh động) TRÂU BÁNG TRÂU THÌ GIA HẠI CHO NHAU. CHÓ CẮN CHÓ DỄ LÀM CHI AI ĐẶNG?

Câu nói nôm na mà có hình ảnh thực tế linh động, ý nghĩa thâm thúy mà lại phổ thông

Tri túc – Thong dong

Đã mang lấy thân phận con người chắc ai cũng biết câu SANH KÝ TỬ QUY (sống gởi thác về). Cuộc sống này là sống tạm ,cho nên Chúa cũng nhắc nhở chúng ta :CÁC CON CHỚ QUÁ LO LẮNG…Chúa không cấm chúng ta LO LẮNG , Ngài khuyên CHỚ QUÁ . Vậy chúng ta nên dành ít thời giờ để THONG DONG , kẻo khi đau bệnh lại muốn THONG DONG thì khi ấy sẽ như thế nào?

Hôm qua Củ Nghệ đến nhà một ông bạn già 83 tuổi tán gẫu thấy ông bạn già đanh xem TẬP HƯƠNG THIỀN SỐ 2 do Thích Nhựt Chiếu chủ biên, Củ Nghệ mượn xem qua và thấy ở trang 71 có bài thơ tựa đề THONG DONG

của tác giả Nguyên Nguyên. Tựa đề THONG DONG rất là trùng khớp với Tín điều mà Củ đang ôm ấp :TÔI TIN CÁC THÁNH THONG DONG . Củ liền chép lại để gởi quý anh thích thơ thì đọc cho cuộc sống nó thêm phần THONG DONG

THONG DONG
Thong dong vào cõi chợ đời

Cơ trời, lẽ đất, việc người phù du

Mong manh cánh bướm Trang Chu

Chập chờn mấy độ ghé bờ tử sinh

Buồn vui một nỗi nhân tình

Gió vèo chiếc lá – Sắc hình không không

Về đi trí thoáng, lòng trong

Chuông chùa quê vọng, âm vòng …không…không…

Thờ Cha kính Mẹ

Vừa qua trên Mạng Vietnam. net có bài viết về gởi cha mẹ già vào nhà dưỡng lão có bất hiếu không? Trả lời cho câu hỏi ấy rất là khó cho những người đang ở trên mảnh đất hình chữ S này! Sách Luận ngữ có nói về việc dưỡng nuôi cha mẹ: Tử Du vấn hiếu:”Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính hà dĩ biệt hồ?”

( Ông Tử Du hỏi Khổng tử về đạo hiếu. Khổng tử đáp:”Đời nay hễ thấy ai nuôi được cha mẹ thì người ta khen là có hiếu. Nhưng những thú như chó ,ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nuôi cha mẹ mà chẳng kính trọng thì có khác gì nuôi thú vật đâu?”

Củ đã từng chứng kiến cảnh con cái mắng nhiếc cha mẹ , anh em nạnh nhau trong việc nuôi cha mẹ dẫn đến việc bỏ cha mẹ sống vất vưởng vàtệ hại có loại con khi nói với cha mẹ lại tuôn ra toàn là tiếng ĐAN MẠCH !

Áo mặc bốn mùa Mẹ vá may

Nhơn ngày MẸ HIỀN sắp đến Củ xin chia hiệp lời tạ ơn Thiên chúa với những ai còn MẸ . Củ xin chia sẻ với quý anh công việc nuôi mẹ già mà Củ đã thực hiện. Mẹ của Củ mất ngày 24/11/2007 thọ 88 tuổi. Khi mẹ của Củ còn sống, Củ không bao giờ giữ tiền riêng, bán được buồng chuối trái dừa Củ đều giao cho mẹ già giữ, cần gì thì xin tiền mẹ già. Thấy vậy, bà dì ruột của Củ nói với mẹ Củ : Già cả mà còn giữ tiền làm gì nữa, giao cho nó giữ đi! Củ mới nói :Để cho mẹ của con giữ cho nó ấm túi.Tuổi già thường hay lo hết lo còn cho nên hay ky cóp cho vững bụng .Củ không thích những người con hay bòn tiền của mẹ già . Mặc dù biết trong túi mẹ có tiền nhưng con cái lâu lâu về thăm mẹ cho mẹ già năm ba đồng , mẹ già rất mừng, hoặc mua cho mẹ già bị bánh gói kẹo , sang hơn thì mua sơn hào hải vị cho mẹ thưởng thức ,nhưng phải nhớ khi mẹ hỏi giá cả bao nhiêu thì nói giá phân nửa thôi, nói đúng giá mẹ già sẽ cho là đắt và bảo là lần sau đừng mua nữa. Nhơn đây Củ xin trích một câu trong sách LUẬN NGỮ  nói bổn phận làm con: TỬ VIẾT:”PHỤ MẪU CHI NIÊN, BẤT KHẢ BẤT TRI DÃ. NHỨT TẮC HỶ, NHỨT TẮC DĨ CỤ”  Ông Đoàn Trung Còn dịch như sau :Khổng tử nói rằng: Làm con phải biết tuổi của cha mẹ mình. Nhớ biết như vậy, một là để vui mừng vì cha mẹ được sống lâu, hai là để lo sợ cho cha mẹ già yếu. Ông ĐTC chua thêm: Thế thường, người ta hay nhớ tuổi con mình,  hay quên tuổi của cha mẹ. Như vậy, sao đáng gọi là hiếu? Người có hiếu lúc nào cũng nên nhớ tuổi cha mẹ, trước để mừng cha mẹ được trường thọ, sau để dự phòng những chuyện đau yếu, chẳng may có thể xảy đến cho song thân

Kinh nghiệm của người xưa để làm ông gia – bà gia tốt

Mấy bửa trước Củ đã đề cập vấn đề “bên nào SUI – bên nào GIA”, nay Củ  xin kể cho anh em một câu chuyện kinh nghiệm của người xưa để làm ÔNG GIA – BÀ GIA TỐT.
Vua Đường Đại Tông bên Tàu có người con gái là Thăng Bình công chúa, nhà vua đã gả Thăng Bình công chúa cho công tử AI – con của Quách Tử Nghi .Cặp vợ chồng này lắm khi ‘” cơm không lành canh không ngọt”. Công chúa Thăng Bình đôi khi cậy mình là con của hoàng đế,  nên công tử AI bực mình nói : MÌNH ĐỪNG CÓ CẬY CON VUA, CHA TA KHÔNG THÈM LÀM VUA ĐẤY THÔI ! Công chúa đem câu ấy tâu lại với vua cha và nghĩ rằng vua cha thế nào cũng trị tội, nhưng vua Đường Đại Tông nói với công chúa: CHỒNG CON BẢO VẬY MÀ ĐÚNG ĐẤY. NẾU QUÁCH TỬ NGHI MUỐN LÀM THIÊN TỬ THÌ THIÊN HẠ ĐÂU CÓ VỀ TAY TA . Phần Quách Tử nghi sau khi nghe con nói vậy, bèn tức tốc lôi con vào triều dập đầu xin tha tội chết vì con mình có lời nói phạm thượng . Tưởng rằng cơn thịnh nộ sẽ đổ trên đầu dòng tộc mình , nhưng vua Đường Đại Tông đã kéo Tử Nghi lại kề bên và nói : “BẤT SI BẤT LUNG ,BẤT TÁC A CÔ A CÔNG ( chẳng ngây dại , chẳng điếc chẳng làm BÀ GIA – ÔNG GIA được! ) ( SI ; ngây dại ; LUNG : điếc, A CÔ: bà gia ; A CÔNG : ông gia ) Làm cha mẹ chồng ;cha mẹ vợ phải giả ngây dại, giả điếc khi con cái
mình có bất hòa và đem chuyện về kể lại (Vì khi kể thế nào cũng giành phần phải). Vì nếu nghe dễ đẫn đến SUI – GIA bất hòa . tốt nhất là nên BA MẶT GIÁP LỜI rồi mới minh định sự việc. CỦ thì chẳng có kinh nghiệm gì về SUI – GIA cả ! Con trai của Củ mới có 31 tháng tuổi mà thôi. Đây là câu chuyện mà Củ đọc được nên kể lại cho quý anh nào chưa hề nghe câu chuyện này đọc cho vui!

Cho con cái đi học kiếm năm ba chữ đặng  biết  cách đối nhân xử thế

Thời nay ,thế hệ trẻ nghe câu : CHO CON CÁI ĐI HỌC KIẾM NĂM BA CHỮ ĐẶNG BIẾT CÁCH ĐỐI NHÂN XỬ THẾ sẽ cười xì và bảo: NGƯỜI TA HỌC THIÊN KINH VẠN QUYỂN CHƯA ĂN THUA GÌ HUỐNG HỒ CÁI THỨ HỌC NĂM BA CHỮ!Vâng, tuy nói là KIẾM NĂM BA CHỮ nhưng ý nghĩa rất là bao quát thâm sâu. Tại sao ông bà ta không nói BẢY TÁM hoặc CHÍN MƯỜI CHỮ mà lại chỉ dừng ở NĂM BA CHỮ mà thôi? NĂM – BA tức là nói tới TAM CƯƠNG- NGŨ THƯỜNG.

NGŨ THƯỜNG là NHÂN – NGHĨA – LỄ-TRÍ -TÍN .Trong Nho giáo đức NHÂN được nâng lên hàng đầu. Có hơn 100 lần nhắc đến chữ NHÂN (lòng thương người) trong sách Luận ngữ. Ông Tử Cống hỏi Khổng tử: “Có một câu cách ngôn nào, có nghĩa tổng quát, mà trọn đời mình có thể làm theo chăng?”
Khổng tử đáp :KỲ THỨ HỒ! (Đó là chữ THỨ – chữ THỨ viết theo chữ Hán :trên có chữ “như” dưới có chữ”tâm”).Rồi Khổng tử quảng diễn chữ THỨ như sau: KỶ SỞ BẤT DỤC VẬT THI Ư NHÂN((Việc gì mình không muốn chớ làm cho người khác). Học NĂM – BA chữ chính là học đạo lý ,học lễ nghĩa . Khổng tử căn dặn :” Đệ tử nhập tắc hiếu,xuất tắc để; cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”( Kẻ đệ tử khi vào thì thảo với cha mẹ, khi ra thì kính anh chị và người lớn tuổi; làm việc chi thì phải cẩn thận và ăn nói chắc thật, thương tất cả mọi người, hay thân cận với người nhân đức. Làm bao nhiêu việc đó trước đã, nếu còn dư sức thì mới học qua văn chương). TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN được rút ra từ câu này!
Nguyễn Văn Nghệ 74