Lần đầu tiên, đức Phanxicô nói ngược lại đức Biển Đức
Ngài đã đụng đến điểm nhạy cảm của Thánh Lễ theo nghi thức cũ, Ratzinger cho phép mọi người có thể cử hành. Bergoglio lại ngăn cấm, chỉ cho phép một Dòng tu từng chiếu cố nhiều đến nghi thức này.
Bài của Sandro Magister
Nguồn : http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350567?eng=y
ROME, ngày 29 tháng Bẩy năm 2013 – Một điểm mà nhiều người đang rất nóng lòng mong đức Phanxicô đưa ra một nhận định, ngay khi ngài được bầu lên chức giáo hoàng, là quan điểm của ngài về Thánh Lễ theo nghi thức cũ.
Có những người đã tiên đoán có lẽ ngài sẽ không đi xa khỏi lề lối của vị tiền nhiệm. Vị này đã giải phóng việc cử hành Thánh Lễ theo nghi thức cũ, bằng cách coi đó là một nghi thức “ngoại thường” của nghi thức mới, qua tự sắc “Summorum Pontificum” ban hành ngày 7 tháng 7 năm 2007:
> Benedict XVI Liberalizes the Ancient Rite of the Mass – And Explains Why
và tài liệu hướng dẫn kèm theo sau đó “Universæ Ecclesiæ” ban hành ngày 13 tháng Năm năm 2011:
> Two Masses for a Single Church
Và ngược lại cũng có những người tiên đoán đức Phanxicô sẽ hạn chế – thậm chí còn hủy bỏ – khả năng cử hành Thánh Lễ theo nghi thức cũ trước Công Đồng Vatican đệ Nhị, dù với cái giá là đi ngược lại với quyết định của đức Biển Đức XVI, vẫn còn đang sống.
Khi đọc sắc lệnh do bộ tu sĩ của Vatican ban hành một thời gian ngắn trước khi đức Phanxicô đi tông du sang Ba tây, với sự đồng thuận minh nhiên của chính đức giáo hoàng , người ta phải đồng ý với những người theo quan điểm sau, hơn là những người theo quan điểm trước .
Sắc lệnh đề ngày 11 tháng Bẩy năm 2013, số nghị định thư là 52741/2012, và mang chữ ký của bộ trưởng thánh bộ Tu sĩ: hồng y Joao Braz de Aviz, một ngườì theo phong trào focolare, và chữ ký của thư ký bộ, Tổng giám mục José Rodríguez Carballo, một vị dòng Phanxicô.
Braz de Aviz là hàng giáo phẩm cao cấp duy nhất trong giáo triều mang quốc tịch Ba tây. Vì thế mà ngài tháp tùng đức Phanxicô trong chuyến tông du đến Rio de Janerio. Ngài nổi tiếng là một người cấp tiến, tuy rằng danh hiệu người hời hợt thích hợp với ngài hơn. Và có lẽ ngài là người đầu tiên sẽ ra đi khi cuộc canh tân giáo triều được đức Phanxicô loan báo thành hình.
Ngược lại, Rodríguez Carballo hoàn toàn được giáo hoàng tín nhiệm. Việc nâng ngài lên hàng thứ hai trong thành phần lãnh đạo của bộ đã được chính đức Phanxicô hậu thuẫn ngày từ thời gian đầu của triều giáo hoàng.
Vì thế, thật khó mà nghĩ rằng giáo hoàng Phanxicô lại không nhận thức được ngài đã chấp thuận điều gì khi người ta trình cho ngài xem sắc lệnh trước khi công bố.
Sắc lệnh chỉ định một vị ủy viên tông toà – vị đó là Fidenzio Volpi, thầy dòng Capucinô – làm Tổng Phục vụ các cộng đoàn dòng Anh Em Hèn Mọn Mẹ Vô Nhiễm
Và chính sự việc này là nguyên do gây nên ngạc nhiên. Vì các Tu sĩ dòng Phanxicô Mẹ Vô Nhiễm là một trong những cộng đoàn tu sĩ phát sinh từ trong Giáo hội Công giáo được phát triển rầm rộ nhất trong những thập niên gần đây, gồm cả chi nhánh dòng Nam và dòng Nữ, với nhiều ơn gọi trẻ, lan tràn trên nhiều châu lục, và cũng có một thí điểm tại Achentina.
Các tu sĩ Phanxicô này muốn trung thành với truyền thống, hoàn toàn vâng phục Huấn quyền của Giáo Hội. Trung thành quá mức đến độ trong cộng đoàn của các vị, các vị ấy cử hành Thánh lễ theo cả hai nghi thức, cũ và mới, cũng như tại hàng trăm cộng đoàn tu sĩ Phanxicô khác trên toàn thế giới – đan cử một ví dụ tiêu biểu: như cộng đoàn các tu sĩ Bênêdictô tại Norcia – áp dụng tinh thần của tự sắc “Summorum Pontificum” của đức Biển Đức XVI theo sát mặt chữ.
Nhưng cũng chính đấy là điểm khiến cho một nhóm ky khai trong nội bộ các vị ấy đã khơi lên cuộc tranh luận. Nhóm này đã kiện lên thẩm quyền tại Vatican, phàn nàn rằng nhà dòng của họ yêu thích quá sức việc cử hành Thánh Lễ theo nghi thức cũ, tạo ra hậu quả là họ tự biệt lập và khơi dậy chống đối ngay trong các cộng đoàn, gây nguy hại cho sự hiệp nhất nội bộ, và, tệ hơn nữa, làm suy yếu tinh thần “sentire cum Ecclesia – cảm thông cùng/với Giáo hội.”
Các giáo chức tại Vatican đã trả lời bằng cách gửi một quan sát viên toà thánh đến thăm. Và bây giờ là việc bổ nhiệm một ủy viên toà thánh.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là năm hàng cuối cùng của sắc lệnh ngày 11 tháng Bẩy :
“Thêm vào những điều trên, đức thánh cha Phanxicô đã chỉ đạo rằng mỗi tu sĩ dòng Anh Em Hèn Mọn Phanxicô Mẹ Vô Nhiễm đều được yêu cầu phải cử hành Phụng vụ theo nghi thức thông thường , và rằng, nếu có dịp thuận tiện phát sinh, việc sử dụng nghi thức ngoại thường ( Nghi Thức Cũ) phải được minh nhiên cho phép bởi các giáo chức có thẩm quyền, đối với từng tu sĩ và/hoặc từng cộng đoàn có đơn yêu cầu.”
Sự ngạc nhiên phát xuất do sự kiện là những gì được sắc lệnh ban bố ở đây đi ngược lại những xếp đặt đức Biển đức XVI đã đưa ra, về việc cử hành Thánh Lễ theo nghi thức cũ khi “không có dân chúng tham dự”, không cần phải xin được chuẩn thuận trước của bất cứ thẩm quyền nào.
“Ad talem celebrationem secundum unum alterumve Missale, sacerdos nulla eget licentia, nec Sedis Apostolicae nec Ordinarii sui – Về việc cử hành như thế theo Sách Lễ này hay Sách Lễ kia, linh mục không cần xin phép của Toà Thánh hay của Đấng Bản Quyền địa phương” (*).
Còn các Thánh Lễ “có giáo dân tham dự”, một vài điều kiện được đặt ra, nhưng quyền tự do cử hành luôn được bảo đảm.
Nói chung, để đi ngược lại một sắc lệnh của một bộ trong Vatican, có thể cần đến Toà Tối Cao Pháp Viện của Toà Thánh. Ngày nay đứng đầu Tối Cao Pháp Viện là một hồng y, Raymond Leo Burke, người Mỹ. Vị này được các nhà duy truyền thống coi như là bạn.
Nhưng nếu sắc lệnh lại là mục tiêu chấp thuận trong một dạng đặc biệt từ phía đức giáo hoàng, trong trường hợp này, việc nại đến Tối Cao Pháp Viện không còn được nêu ra.
Các tu sĩ Phanxicô dòng Mẹ Vô Nhiễm sẽ phải tuân theo luật cấm cử hành Thánh Lễ theo nghi thức cũ này, bắt đầu từ ngày Chúa Nhật, ngày 11 tháng Tám.
Vậy bây giờ điều gì sẽ xảy ra, không chỉ cho các tu sĩ ấy, nhưng đối với toàn thể Giáo Hội?
Đức Biển Đức XVI xác tín rằng cả “hai hình thức cử hành Nghi Lễ Roma đều bổ túc sung mãn cho nhau.” Ngài đã cắt nghĩa điều này trong một bức thư tâm tình, đi kèm theo tự sắc “Summorum Pontificum” gửi đến các giám mục toàn thế giới
> “With great trust and hope…”
Nhưng từ nay trở đi, chuyện này không còn được như thế nữa, ít là không phải đối với mọi người. Đối với các tu sĩ Phanxicô dòng Mẹ Vô Nhiễm, khi bị buộc phải cử hành Thánh Lễ chỉ theo nghi thức mới mà thôi, họ chỉ còn duy nhất một cách để tâm đắc với điều đức Biển Đức XVI từng hy vọng: là, qua nghi thức mới này cũng thế, họ “chứng minh một cách còn mạnh mẽ hơn trước giờ, tính chất thiêng thánh đã từng lôi cuốn rất nhiều người đến với nghi thức cũ.”
Sự kiện là một cột trụ của triều giáo hoàng Joseph Ratzinger đã rạn nứt. Vì một biệt lệ mà nhiều người sợ rằng – hay hy vọng rằng – sẽ nhanh chóng trở thành quy tắc.
__________
(1) Điều lạ kỳ là, có đến sáu năm sau khi được công bố, bản tự sắc “Summorum Pontificum” của đức Biển Đức XVI vẫn tiếp tục xuất hiện trên trang mạng của Toà Thánh chỉ trong hai ngôn ngữ, và là hai ngôn ngữ ít đưọc biết đến nhất : tiếng Latinh và tiếng Hungary.
__________
Trang mạng của các tu sinh Phanxicô Mẹ Vô Nhiễm:
__________
Có một cuộc tranh luận thấu đáo thuận và chống, bàn về tự sắc “Summorum Pontificum” trong một cuốn sách mới ráo mực in của giáo sư Pietro De Marco, đại học Florence và nhà Phụng vụ học Andrea Grillo:
Khi phê bình tự sắc của đức Biển Đức XVI, Grillo chối bỏ cả tính “bó buộc như luật” của nó. Vì trong nhận định của ông, Sách Lễ trước Công Đồng Vatican II đã bị bãi bỏ. Và vì thế không còn một lý do gì để biện minh cho việc sử dụng nó nữa.
Grillo dạy môn Thần học Bí Tích và Phụng vụ tại Giáo Hoàng Học Viện Atheneum Thánh Anselmô tại Rôma
Ghi chú
(*) Bản tự sắc nhắc đến Sách Lễ Roma của đức giáo hoàng Gioan XXIII công bố vào năm 1962, hay Sách Lễ Roma được đức Phaolô đệ Lục công bố năm 1970.
Xem Summorum Pontificum, art 2. tại :
Nguyễn đức Khang chuyển ngữ