Từ Rio de Janeiro về Rome, chuyển từ Thơ sang Văn

Từ Rio de Janeiro về Rome, chuyển từ Thơ sang Văn

 

Tại Ba Tây, dẫu có  ánh sáng và nhiều bóng tối, giáo hoàng Phanxicô đã khơi lên được một sức thúc đẩy truyền giáo cho Giáo hội. Nhưng tại Vatican, ngài gặp lại mọi chướng ngại như trước, từ trong giáo triều cho đến các hành lang. Và sắp sửa đây, một “giải pháp Ratzinger” về việc chịu lễ cho những người li dị và tái hôn.

 

Bài của Sandro Magister

 

Nguồn : http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350569?eng=y

 

 

ROME, ngày 31 tháng Bẩy năm 2013 – Giáo hoàng Phanxicô đã khôn ngoan dời cuộc họp báo hỏi đáp dành cho các nhà báo đi cùng với ngài vào cuối cuộc tông du, trên chuyến bay từ Rio de Janeiro trở về lại Roma.

 

> “Buonasera e grazie…”

 

Giả như ngài họp báo trên chuyến bay lúc đi, những đề mục như các hành lang, người đồng tính, người li dị, giáo triều, viện IOR nhất định sẽ độc quyền thu hút hết sự chú ý của giới truyền thông. Thay vì thế, ngay khi họ vừa đáp xuống Rio, giới truyền thông có thể chú tâm trước tiên vào chiếc xe của đức giáo hoàng. Xe này đã phạm một lầm lẫn, khi giao thông bị tắt nghẽn, và khi bị những người ngưỡng mộ ào tới. Những người hâm mộ này đã có thể nhoài người vào lòng xe, khi đó kiếng xe đã hạ xuống, mà chẳng sợ hãi gì.

 

Từ ngày đầu tiên này trở đi, các tường thuật về cuộc tông du của giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio đến Ba Tây chỉ là một gia tăng liên tục những thành công, đạt đến cao điểm là biến cố lập kỷ lục vào đêm canh thức và Thánh Lễ tại bờ biển Copacabana. Với vị giám đốc của tờ báo rất có quyền thế “La Civiltà Cattolica,” linh mục  Antonio Spadaro, dòng Tên, tờ “Corriere della Sera”đã kể lại :

Chứng kiến các giám mục đủ mọi hạng tuổi từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự một rừng người tụ tập nhanh chóng đáng ghi trong sách Kỷ Lục Thế giới, là một thời điểm rất quan trọng, bởi vì nó cho chúng ta thấy được cụ thể bằng mắt, hình ảnh một Giáo hội hiệp nhất đang chung một lòng tiến lên.”

 

Dĩ nhiên, việc phối trí ăn khớp giữa đêm Canh Thức Thánh Thể và Thánh Lễ do đức Giáo hoàng chủ tế tại Copacabana còn có thể được nhìn theo một cách hoàn toàn đối ngược lại. Đó là hình ảnh của một Giáo hội đã để cho hình thức của các giáo hội khác chi phối, với những “nhạc cảnh” đã làm cho chính cái hồn của Phụng vụ bị vỡ tung, với nào là các giọng đơn ca, các màn đồng ca, và những điệu nhạc có thể khiêu vũ theo được, mang sắc thái của phái “Tin Mừng” Ngũ Tuần. Một Giáo hội thay vì quyết tâm “lội ngược dòng” – mà giáo hoàng liên tục thúc đẩy phải làm cho được – lại đi bắt chước những hình thức diễn tả của các phong trào đặc sủng Tin Lành, đang làm sói mòn những  phần căn bản của nền tảng bình dân mình đã có tại vùng Nam Mỹ, đặc biệt là Ba Tây.

 

Hẳn là một sự suy diễn khi cho rằng những gì đã khai mào tại Copacabana đang tiêu biểu cho trào lưu phụng vụ mới của triều giáo hoàng đương kim. Nhưng vấn đề đã được đặt ra trước mắt toàn thế giới.

 

Trên chuyến bay trở về lại Roma, đức Phanxicô đã đụng chạm đến vấn đề khi ngài nói như sau, liên quan đến các phong trào đặc sủng cũng đang hiện diện trong Giáo Hội Công Giáo:

 

Vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 80, nhìn vào các phong trào ấy tôi không chịu được. Có lần tôi đã nói rằng những chuyện này khiến ta lầm lẫn một buổi cử hành phụng vụ với một trường dạy khiêu vũ samba! Sau đó tôi phải tìm hiểu chúng kỹ hơn.  Tôi đã thay đổi quan điểm.”

 

Cũng hệt như thế, nhưng ngược lại, khi ngài bày tỏ sự ngưỡng phục đối với nền Phụng vụ Đông Phương:

 

Giáo hội Chính thống đã bảo tồn một nền phụng vụ rất mỹ lệ. Chúng ta đã mất đi quá nhiều ý thức về sự thờ phượng.”

 

 

NHỮNG CỘT MỐC

 

Tựu trung, những cột mốc trong chuyến tông du của đức Phanxicô là hai diễn từ vạch ra cuộc hành trình ngài muốn các Giáo hội tại Nam Mỹ và vùng Vịnh Caribê phải thực hiện.

 

Bài đầu tiên vào ngày 27 tháng Bẩy, khi ngài gặp các giám mục Ba Tây tại Toà Giám Mục Rio de Janeiro:

> “Dear brothers…”

 

Bài thứ hai vào ngày 28 tháng Bẩy, khi ngài gặp ủy ban điều hợp Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh:

> “Ringrazio il Signore…”

 

Đặc biệt bài diễn từ thứ hai là một bản chương trình hành động thực sự và đúng nghĩa, nhằm tạo ra sự chuyển hướng sang phía Phúc Âm Hóa trong sinh hoạt của Giáo hội tại châu lục này. Bài diễn từ giầu các ghi chú phân tích rất cá nhân, thêm vào tính cách bó buộc như luật. Ví dụ như hai định nghĩa sau đây đức Bergoglio rất thích áp dụng cho hai khuynh hướng đối nghịch nhau, cấp tiến và truyền thống, hiện đang có trong Giáo Hội:

 

Đề xuất mang sắc thái của thuyết Ngộ Đạo. Đây thường được thấy nơi các nhóm những người ưu tú, với đề xuất là phải ưu việt về phần tâm linh, nhưng lại tách biệt khỏi phần thể chất, để cuối cùng rơi vào những thái độ mục vụ kiểu “quaestiones disputatae – các vấn nạn đang bàn luận” (*) Đây chính là sai lạc đầu tiên của cộng đồng tín hữu tiên khởi, và thường tái xuất hiện suốt dòng lịch sử Giáo hội, nhưng dưới dạng mới hơn và được sửa chữa lại. Theo cách nói thông dụng, họ được gọi là “những người Công giáo được soi sáng” (vì hiện nay, họ là người kế thừa nền văn hoá thời đại Ánh Sáng).

 

Đề xuất mang sắc thái của thuyết Pêlagiô. Đề xuất này xuất hiện cách căn bản dưới chiêu bài phục hồi. Trước những sự xấu xa trong Giáo Hội, điều họ tìm kiếm chỉ hoàn toàn là một giải pháp thuần tuý kỷ luật, trong việc phục hồi các cách cư xử và thể thức đã lỗi thời. Những điều này không còn khả năng mang chút ý nghĩa nào nữa, cả khi xét dưới khía cạnh văn hoá. Trong vùng Châu Mỹ Latinh, đề xuất này được tìm thấy nơi những nhóm nhỏ, trong một vài công đoàn tu sĩ mới thành hình, trong những khuynh hướng nghiêng quá đáng về những “xác tín” giáo lý hay kỷ luật. Một cách cơ bản, đề xuất này mang tính chất tĩnh, mặc dù nó có thể tự cho là động “hướng nội’, hay cuộn-vào-trong. Nó nhằm ‘phục hồi’ cái quá khứ đã mất.“

 

 

 

VỀ GIÁO TRIỀU ROMA

 

Trở lại với cuộc phỏng vấn của giới báo chí trên máy bay, giữa nhiều chuyện khác đức giáo hoàng Phanxicô trình bày trong cuộc hỏi đáp lâu một giờ hai mươi phút, có một vấn đề liên quan đến cuộc điều tra trong giáo triều Roma, theo lệnh của đức Biển Đức XVI, giao cho ba vị hồng y  Jozef Tomko, Julián Herranz, và Salvatore De Giorgi:

 

Khi tôi đi thăm đức Biển Đức XVI tại Castel Gondolfo. Tôi thấy trên bàn viết có một cái hộp và một phong thư. Đức Biển Đức XVI cho tôi biết trong hộp chứa tất cả những lời khai của những người được ủy ban gồm ba hồng y lắng nghe trong vụ rò rỉ thông tin từ Vatican. Còn trong phong bì là những kết luận, bản đúc kết cuối cùng. Đức Biển Đức XVI đã đọc đến thuộc lòng. Đấy là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng tôi không sợ.”

 

Về chuyện ngài nhận định thế nào về tình trạng sức khoẻ của giáo triều, đích thân ngài diễn tả như sau :

Tôi tin là giáo triều đã tụt hậu một chút so với mức giáo triều đã có một thời trước đây, lúc còn có vài nhân viên kỳ cựu trung thành biết công biết việc. Chúng ta cần cung cách làm việc của những nhân viên giáo triều kỳ cựu  ấy. Tôi thích những vị nói thẳng với tôi: “Tôi không đồng ý.” Họ là những cộng tác viên trung thành. Rồi có những người trước mặt tôi nhận xét về mọi việc là: “Tuyệt vời!”, nhưng có lẽ khi họ bỏ đi rồi, họ nói ngược lại.”

 

 

 

VỀ TRƯỜNG HỢP CỦA RICCA VÀ “HÀNH LANG ĐỒNG TÍNH” (**)

 

Một loạt các câu trả lời liên quan đến “các hành lang đồng tính” tại Vatican và trường hợp của đức ông Battista Ricca, được đức giáo hoàng chỉ định làm vị giáo chức trong IOR trước khi quá khứ tai tiếng của ông được phơi bày ra sánh sáng.

 

Không có thiên kiến chống lại những người đồng tính, nhưng các hành lang thì không. Chúng không tốt. Đó là thực chất những gì đức Phanxicô nói với các nhà báo.

 

Nói chung, về những người đồng tính, và các hành lang, chính đức giáo hoàng nói như sau:

Quá nhiều điều đã viết về hành lang đồng tính. Cho đến nay tôi chưa gặp thấy ai tại Vatican đã bị ghi là “đồng tính” trên thẻ căn cước của mình. Cần phải phân biệt giữa người đồng tính, người có khuynh hướng đồng tính, và ở trong hành lang đồng tính. Các hành lang, mọi  hành lang, đều không tốt. Nếu một người là đồng tính, mà với thiện chí tìm kiếm Thiên Chúa, thì tôi là ai mà xét đoán họ? Giáo Lý của Giáo hội Công giáo dạy rằng không được kỳ thị những người đồng tính, nhưng phải đón tiếp họ. Vấn đề không phải là mang khuynh hướng ấy, vấn đề là ở trong cái hành lang. Và điều này áp dụng cho ở đây cũng như áp dụng cho cả các hành lang buôn bán, hành lang chính trị, hành lang Tam Điểm.”

Trong trường hợp cá biệt của Ricca, ngài đã nói:

 

Về trường hợp đức ông Ricca, tôi đã làm những gì giáo luật dạy phải làm: điều tra sơ khởi. Nhưng không tìm thấy được gì về điều ngài bị kết tội. Chúng tôi đã không tìm thấy gì. Trong Giáo hội, có nhiều khi những tội phạm thời còn trẻ bị phanh phui rồi công bố. Chúng ta không nói đến những xúc phạm, đến tội ác như chuyện lạm dụng tình dục vị thành niên, vì đấy là một việc hoàn toàn khác hẳn, nhưng nói về tội. Nhưng, nếu một giáo dân, hay một linh mục, hoặc một nữ tu đã phạm tội, đã hoán cải và đã xưng tội, thì Chúa tha  thứ, Ngài quên đi. Và chúng ta không có cái quyền không quên đi, vì nếu không thế, chúng ta gặp nguy cơ Thiên Chúa có thể không quên tội chúng ta. Rất nhiều lần tôi nghĩ đến Thánh Phêrô đã phạm cái tội nặng nhất, ngài chối Chúa Kytô. Nhưng dẫu vậy, họ vẫn đặt ngài làm giáo hoàng. Nhưng tôi lập lại, chúng tôi đã không tìm thấy gì về đức ông Ricca. “

 

Đức Phanxicô đã không thêm một điều gì khác. Ngài không nói rằng những sự kiện được vin vào để chống lại đức ông Ricca là giả mạo. Ngài chỉ đơn giản nói về những sự kiện đó là “không tìm thấy được gì” trong những hồ sơ trình cho ngài tại Vatican.

 

Nhưng vì – như đức giáo hoàng bây giờ đã biết rõ – mọi điều về những sự kiện ấy đã được tìm thấy trong các tài liệu tại toà Khâm sứ ở Montevideo và vào lúc các tài liệu này được gửi về Roma. Vậy cái kết luận đã quá rõ ràng: tại Vatican, một cuộc vận động đã xảy ra để giấu nhẹm các vết tích.

 

Đức giáo hoàng cũng không khẳng định lòng tin tưởng mình đặt vào đức ông Ricca, và tuyên bố vụ việc kết thúc. Không hề. Ngài nói những “tội lỗi thời niên thiếu” có thể được tha thứ. Nhưng chỉ cho những ai đã thật tâm xưng thú và thống hối, như Thánh Phêrô đã từng. Chứ không cho những kẻ nào đã và đang làm hết sức mình để giấu nhẹm chúng, ngụy trang chúng, loại bỏ chúng, với sự tiếp tay giúp đỡ của cả một cái hành lang vận động đầy quyền lực đến nay vẫn chưa chấp nhận mình thua cuộc. Một trong những cái hành lang vận động này, tính từ đi kèm không quan trọng, là cái hành lang đức giáo hoàng Phanxicô đã một lần tuyên bố ngài muốn nhổ bỏ tận gốc rễ ra khỏi giáo triều Roma.

 

Trong số báo mới nhất của tờ L’Espresso, tạp chí đã loan tin vụ việc này, đã viết ra không gì khác hơn những điều sau đây:

 

Không hề có những thù địch thiên kiến bất cứ ở đâu trong Giáo Hội chống lại những trường hợp đồng tính nơi những vị sống đời khiết tịnh, bao gồm các linh mục, giám mục, hồng y.  Điều này phổ quát rộng rãi đến độ một số các vị này đã và đang trong âm thầm  nắm giữ những vị trí quan trọng.

Điều Giáo hội không chấp nhận là những vị đã được thánh hiến ấy, đã từng tuyên bố công khai gắn bó giữ đời độc thân và khiết tịnh “vì Nước Trời,” không nên phản bội lại lời mình hứa.

Khi việc phản bội đã ra công khai, nó trở thành tai tiếng. Và để chữa lành, Giáo Hội đòi hỏi một hành trình thống hối, bắt đầu với sự ăn năn, chứ không phải với việc giả mạo giấy tờ, giấu nhẹm, lừa gạt, và càng tệ hơn nữa khi chuyện này được thực hiện với sự đồng lõa của kẻ khác, trong cái “hành lang” có nhiều quyền lợi chồng chéo nhau, cả hợp pháp lẫn không hợp pháp. “

 

 

VỀ VIỆC RƯỚC LỄ CỦA NGƯỜI LI DỊ VÀ TÁI HÔN

 

Cuối cùng điểm mới mẻ nhất trong cuộc họp báo với giáo hoàng Phanxicô. Bàn về việc rước lễ của người li dị và tái hôn:

 

Đây là một vấn đề thần học luôn luôn trở đi trở lại. Tôi nghĩ rằng đây là thời điểm của lòng thương xót. Người ly dị có thể rước lễ. Người đã li dị, nhưng đang ở trong cuộc hôn nhân thứ hai, không được rước lễ. Vấn đề phải được cứu xét trong toàn bộ tập tục mục vụ hôn nhân. Tôi đưa ra một nhận xét bên lề: Ví dụ, người Chính thống đi theo nền thần học Nhiệm cục Cứu Rỗi và cho phép một hôn nhân thứ hai. Vị tiền nhiệm của tôi  tại Bueros Aires, hồng y Quarrancino, luôn quen miệng nói rằng: “Đối với tôi, một nửa nố hôn nhân là vô hiệu, vì họ lấy nhau mà chẳng biết lấy nhau là lấy suốt đời, vì họ lấy nhau vì tiện ích xã hội.” Những nố này không thể giải quyết dựa trên mức thẩm định về tính vô hiệu: Các toà án giáo hội không đủ khả năng để giải quyết.”

 

Khi nói rằng điểm này “cần phải được tìm hiểu cặn kẽ,” đức giáo hoàng Phanxicô thông báo rằng “khi nhóm tám vị hồng y gặp nhau vào ba ngày đầu tiên của tháng Mười, chúng tôi cũng sẽ bàn đến việc làm sao để tăng tiến trong các tập tục mục vụ hôn nhân.

 

Và trong kỳ Thượng Hội Đồng Giám mục cũng tương tự:

Mười lăm ngày trước, tôi có gặp tổng giám mục Eterovic, thư ký của Thượng Hội Đồng, để chọn ra đề tài cho kỳ họp tới. Đề tài sẽ bàn về làm sao đức tin có thể giúp cho gia đình.”

 

Trong những gì giáo hoàng Phanxicô đã nói, có một ám chỉ rõ ràng đến một giải pháp đã từng được vị tiền nhiệm, đức Joseph Ratzinger, đưa vào thực hành.

 

Đức Biển Đức XVI đã đề cập đến điều ấy trong một cuộc nói chuyện với các linh mục tại Aosta vào năm 2005, trong kỳ nghỉ hè đầu tiên trong tư cách giáo hoàng.

 

Nhưng trước cả khi ngài khai triển rộng rãi nó trong một tiểu luận vào năm 1998, sau này được nhấn mạnh hùng hồn trong lần in lại trong tờ “L’Osservatore Romano” số ra ngày 30 tháng Mười Một năm 2011.

 

Có hai điểm mới mẻ đã được đức Biển Đức XVI bàn đến:

 

Điểm đầu tiên là khả năng mở rộng việc giáo luật công nhận tính vô hiệu của các nố hôn nhân, được cử hành mà “không có đức tin” của ít nhất một trong hai người, mặc dù đã được rửa tội.

 

Điểm thứ hai là khả năng viện đến một quyết định “trong diễn đàn nội bộ“ để một người li dị nhưng vẫn giữ đạo Công giáo được rước lễ, nếu vì chuyện không biết đến tính vô hiệu của cuộc hôn nhân trước (vì một phán quyết đưa ra đã sai lầm, hay vì không thể minh chứng được tính vô hiệu của nố hôn nhân theo thủ tục toà án) đã đi ngược với xác tín theo lương tâm mình cho là cuộc hôn nhân đã vô hiệu theo khách quan .

 

Bài này lấy từ trang www.chiesa ngày 5 tháng Mười Hai năm 2011, ghi lại chương và câu trọn vẹn lý luận của đức Biển Đức XVI :

 

> No Communion for Outlaws. But the Pope Is Studying Two Exceptions

 

Bây giờ Đức Phanxicô nói rằng ngài muốn đem đến một kết thúc tốt đẹp cho cuộc hành trình đã được vị tiền nhiệm của ngài khởi sự.

__________

 

 

Program, texts, discourses, photos, videos of the voyage of Pope Francis:

 

> Apostolic Journey to Rio de Janeiro, 22-29 July 2013

__________

 

 

Ghi Chú

 

(*) “Quaestiones Disputatae – Các vấn nạn đang bàn luận” Thánh Thomas thường dùng hai chữ này để bắt đầu cho các suy tư thần học của ngài về từng đề mục, Ví dụ Quaestiones Disputatae  De veritate, Quaestiones Disputatae De potentia,  Quaestiones Disputatae De anima, Quaestiones Disputatae  De spiritualibus creaturis…

 

(**) “Gay Lobby” Thú thực, từ “Gay Lobby” ở đây rất khó chuyển ngữ.

 

Thông thường danh từ “lobby” là từ để gọi một cái hành lang.

 

Bên cạnh một phòng họp, thường có  hành lang phải đi qua để bước vào phòng họp. Các nhà vận động hay tụ tập tại đây để mong gặp và nói chuyện với các nhà bỏ phiếu để họ bỏ phiếu thuận hay chống lại một dự luật. Từ đó có danh từ thường gặp trên báo chí “lobbyist”.

Đó là nói về phương diện chính trị.

 

Còn ở đây, tại Vatican, hẳn là chỉ có các hành lang, nơi người qua người lại, gặp nhau đứng lại tán chuyện đôi ba câu. Có thể có những  người cùng chung công việc, cùng chung ban bệ gặp nhau tán gẫu, hay bàn chuyện. Hoặc có những  bạn thân nhau hay tới cùng một hành lang để trò chuyện.

Báo chí áp dụng từ “lobby” trong đời thường vào Vatican.

 

Dù đời thường sử dụng từ “lobby” với nghĩa “hành lang (nơi vận động)  một chuyện gì”

Nhưng chúng ta không thể hiểu từ “gay lobby” là “hành lang (nơi vận động) cho những người hay những việc đồng tính”

Quá lắm chúng ta có thể hiểu đó là “hành lang (nơi tụ tập của người) đồng tính”.

 

Nhưng làm gì có nhiều người đồng tính đến thế tại Vatican !?

 

 

Nguyễn đức Khang chuyển ngữ