Ricca và Chaouqui, hai kẻ thù trong nhà

Ricca và Chaouqui, hai kẻ thù trong nhà
Ông là vị giám chức của IOR, cô là ủy viên để tái cấu trúc việc quản trị trong Vatican. Hai cuộc bổ nhiệm được đức giáo hoàng Phanxicô ao ước và quyết định. Tuy nhiên đấy lại chính là sự phủ định sống động chương trình dọn dẹp và canh tân của ngài.

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350582?eng=y
FrancyChaouqui

 

ROME , ngày 26 tháng Tám năm 2013 – Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ cuộc bổ  nhiệm bi đát đức ông Battista Ricca vào chức vụ “giám chức” của Viện Công tác Tôn giáo, và hơn một tháng trôi qua kể từ cuộc bổ nhiệm, cũng không kém phần bi đát, cô Francesca Immacolata Chaouqui ( xem hình) vào làm thành viên cho uỷ ban tái cấu trúc các văn phòng quản trị – kinh tế của Vatican.

Cả hai cuộc bổ nhiệm này đều do đức giáo hoàng Phanxicô thực hiện. Cuộc bổ nhiệm đầu tiên là do quyết định hoàn toàn rất ư là cá nhân của Ngài.

Và trong cả hai cuộc bổ nhiệm, lập tức ngay sau vụ việc, có những chống-chỉ-định trầm trọng được đưa ra ánh sáng  cho thấy trong vụ việc, đức giáo hoàng hoàn toàn không biết gì hết ngay từ đầu.

Vậy mà, cho đến nay là cuối tháng Tám, vẫn không thấy được chút dấu hiệu có sự sửa chữa nào.

*

Liên quan đến “vị giám chức” của nhà băng Vatican, sau cuộc bổ nhiệm, đức giáo hoàng Phanxicô đã nhanh chóng được nhiều vị đáng tin cậy thông tin cho biết về cái quá khứ đầy tai tiếng của khuôn mặt này, và về vụ che đậy mà ông ta đã và đang được hưởng tại Vatican. Ngài đã bày tỏ sự biết ơn của Ngài đến với họ.

Nhưng trong chuyến bay trở về sau chuyến tông du từ Batây, khi trả lời cho một nhà báo, đức giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio đã tránh né, không tỏ ra một lập trường rõ ràng về trường hợp của đức ông Ricca.

Những lời nói của đức giáo hoàng, được giới truyền thống toàn thế giới chọn ra và nhấn mạnh –  bằng vô vàn nhận xét thuận lợi tung ra ca ngợi sự “cởi mở” của ngài đối với những  người đồng tính – đã được cắt nghĩa như là không đưa ra lời phê phán nào:  “Nếu có ai đồng tính và tìm kiếm Thiên Chúa, và có thiện ý, thì tôi là ai mà dám xét đoán họ?

Sau khi về lại Roma vài ngày, đức giáo hoàng Phanxicô đã rõ ràng hơn. Ngài lệnh cho phủ quốc vụ khanh thông báo rằng đức ông Ricca “vẫn ở lại chức vụ mình.”

Và như vậy, cùng với ngài, sự mâu thuẫn gay gắt vẫn còn nguyên vẹn giữa công tác dọn dẹp và tái cấu trúc giáo triều Roma, mà đức giáo hoàng Phanxicô vẫn luôn miệng lập đi lập lại là Ngài rất muốn làm, và vị “giám chức” trong việc bổ nhiệm, người mà ngài vẫn tiếp tục tín nhiệm. Đây chính là một biểu tượng chính xác của những hạnh kiểm bê bối và của các “hành lang” quyền lực lẽ ra đã phải bị quét sạch.

*

So với vụ việc của đức ông Ricca, trường hợp của cô Francesca Immacolata Chaouqui lại khác. Phủ quốc vụ khanh Vatican đã có đầy đủ thông tin về cô ta nhiều tháng trước khi cô được bổ nhiệm, vào ngày 18 tháng Bẩy vừa rồi, làm thành viên trong ủy ban tái cấu trúc các văn phòng kinh tế – điều hành của Toà Thánh, với khả năng tiếp cận mọi tài liệu tối mật.

Nhưng trong chuyện thành lập ủy ban này và chuyện bổ nhiệm tám thành viên, đức giáo hoàng Phanxicô hành động độc lập. Phủ quốc vụ khanh không can dự vào, và chỉ nhân được tin sau khi chuyện đã rồi.

Phủ quốc vụ khanh đã được báo động sớm ngay từ mùa xuân năm 2012, nhờ một vài bài báo xuất hiện trên tờ báo cấp tiến Ý được nhiều người đọc, tờ “La Repubblica.”

Trong các bài báo này, người ta nằng nặc cho rằng Paolo Gabriele, viên thư ký của đức Biển Đức, bị bắt và kết án là đã ăn cắp của đức giáo hoàng một lượng lớn tài liệu mật, sau đó được tuồn ra cho báo chí. Ông không phái là người duy nhất trong giáo triều đã hành động như thế. Nhưng giống như ông và sau ông, có nhiều người khác vẫn còn làm, trong số đó có một phụ nữ.

Những “mạc khải” liên quan đến vụ việc này không cho biết tên những vai chính. Bao gồm cả cuộc phỏng vấn vô danh mới nhất và nổi tiếng nhất, được công bố trên tờ “La Repubblica” số ra ngày 7 tháng Ba năm 2013, chỉ một vài ngày trước cuộc mật nghị bầu lên đức giáo hoàng Bergoglio.

Tuy nhiên, người được phỏng vấn, là một người hay nói, cứ thề sống thề chết mình là người đưa tin cho các bài viết trong tờ “La Repubblica”: đó là cô Francesca Immacolata Chaouqui, 32 tuổi. Bố là người Maroc, và mẹ là người vùng Calabria. Cô sống tại Roma, có gia đình. Từ năm 2007 đến 2009, cô làm việc trong phòng giao tế công cộng của tổ hợp luật quốc tế Pavia & Ansaldo, rồi từ năm 2010, trong văn phòng Orrick Herrington & Sutcliffe, và cuối cùng từ năm 2013, cô làm trong văn phòng của Ernst & Young, với một mạng lưới rộng rãi các giao tiếp có thực hoặc khoác lác với các nhà báo, chính trị gia, các nhà thương mại , các giám mục và hồng y.

Rồi trong những ngày mật nghị, khi căn tính của người đưa tin vô danh cho tờ “La Repubblica” cũng được vị thế vì quốc vụ khanh, đức Tổng giám mục Giovanni Angelo Becciu, bắt đầu để ý. Ngài phản đối tờ báo. Việc này quả thực đã làm ngưng việc phổ biến các bài báo có thể giúp truy nguyên cách rõ ràng đến cái “nguồn” là Chaouqui.

Vì thế, vào ngày 18 tháng Bẩy, tin tức về việc đức giáo hoàng bổ nhiệm cô chuyên viên về “giao tế công cộng” này vào ủy ban tái cấu trúc việc quản trị trong Vatican, đã làm sửng sốt đến lặng người những ai quan ngại đến cái lý lịch.

Nhưng, lẽ ra, cả những ai mù mờ chẳng biết gì, cũng có thể dễ dàng có được một khái niệm về nhân vật này. Chỉ cần mở trang Twitter của cô, nhìn vào lý lịch, và lướt qua các mẩu tin nhắn cô viết.

Người ta có thể góp nhặt ra được từ đó, giữa nhiều điều khác, rằng Francesca Chaouqui đã có liên hệ trực tiếp với Gianluigi Nuzzi, tay nhà báo đã nhận và công bố các tài liệu do viên thư ký bất trung ăn cắp được từ đức Biển Đức XVI, và cô đã miệt mài đưa tin cho trang mạng dagospia.com, một nguồn thông tin được nhiều người theo dõi tại Ý về những chuyện ngồi lê đôi mách và vu oan giá họa về Vatican.

Do thận trọng, vào ngày 23 tháng Bẩy, Francesca Chaouqui đã lấy hình của mình xuống (bức hình đăng trên), và vào ngày 10 tháng Tám, cô đã đóng trang Twitter của mình. Nhưng đã quá trễ, và đã đóng một cách không trọn vẹn .

*

Giả sử rằng cá nhân đức Francesco không biết cô Francesca Chaouqui, vậy ai đã thuyết phục đức giáo hoàng để ngài bổ nhiệm cô ta vào một chức vụ mang một trách nhiệm lớn lao như thế?

Giả thiết có lý nhất truy nguyên đến đức ông Lucio Ángel Vallejo Balda, thư ký văn phòng Kinh tế vụ Toà Thánh. Và từ ngày 18 tháng Bẩy, vị này còn là thư ký và tuỳ phái cho ủy ban mới thành lập với cô thành viên Francesca Chaouqui.

Đức ông Vallejo Balda, năm nay 52 tuổi, là người Tây Ban Nha, và là thành viên  giới linh mục của tổ chức Opus Dei, Huynh Đệ đoàn Thánh Giá. Sau khi tỏ ra có khả năng quản trị trong giáo phận Astorga, chính Ngài được nổi bật nhờ tổ chức thành công ngày Giới Trẻ Thế Gìới tại Madrid năm 2011, cùng với hồng y Antonio María Rouco Varela. Và nhờ vị hồng y này tạo điều kiện, trong cùng năm 2011, đức ông Vallejo Balda được đề bạt đến Roma trong chức vụ phó điều hành  Văn Phòng Kinh tế Vụ của Toà Thánh.

Tại đây quả thực Vallejo Balda đã nhảy vọt vượt lên cả bề trên trực tiếp của mình là hồng y Giuseppe Versaldi.  Vị hồng y này là người – giữa nhiều chuyện khác – đã bị thất thế vì thuộc nhóm đang mất dần uy tín của hồng y quốc vụ khanh Tarcisio Bertone.

Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên là vị giáo hoàng tân cử Bergoglio nhanh chóng nhận ra nơi đức ông năng nổ người Tây Ban Nha này một trong những người đáng tín nhiệm trong việc tái cấu trúc tổ chức hành chánh của giáo triều.

Và chứng cớ là vai trò nổi bật mà bản tự sắc của đức giáo hoàng nhằm thiết lập ủy ban đã phân công cho đức ông Vallejo Balda: không chỉ làm thư ký cho ủy ban, mà còn có vai trò “điều hợp, có quyền phân bổ và hành xử nhân danh và thay mặt cho ủy ban trong việc thu góp tài liệu, dữ kiện, thông tin cần thiết cho việc vận hành các công tác của ủy ban.”

Thậm chí người ta cũng có thể suy luận là đức giáo hoàng cũng đã tín nhiệm trao cho Vallejo Balda công tác chọn lựa và tuyển mộ các thành viên của ủy ban. Điều này có thể suy ra từ bức thư ngài thông báo việc bổ nhiệm từng người trong ủy ban: Từ cái cách đức ông này ghi chú thêm vào bản lý lịch của họ, nhắc đến ( bằng một thứ tiếng Ý lộn xộn) cuộc gặp mặt cá nhân của mình với vị này, hay vị kia.

Ví dụ, có ghi chú đã nhận định như sau, liên quan đến vị cựu ngoại trưởng của Singapore, George Yeo:

Ông là một người lịch lãm và chu đáo, nhưng có một kiểu trí thức rất mạnh, với một việc đọc sách rất rộng và am hiểu sâu xa về những thay đổi trong các tầng lớp kiến tạo của lịch sử. Khi tôi chuyện vãn với ông lâu dài về chuyện này một đôi lần, ông ta là và từng là, một người Công giáo nghiêm túc và có ý thức, với nhiều trực giác lạ lùng về đạo Công giáo mang nhiều bản sắc Trung hoa.”(*)

Và ghi chú về Francesca Chaouqui:

Nhiều năm kinh nghiệm trong lãnh vực cố vấn với quản trị về giao thiệp kinh tế và quản lý về các tương quan bên ngoài và bên trong cơ chế, lãnh đạo có uy quyền, dựa trên tài năng mạnh về giao tế và truyền đạt thông tin, và một khả năng cao về kiềm chế  các giao tiếp nhằm mục tiêu kinh doanh. Được hướng dẫn bởi một luân lý rất mạnh, và những nguyên tắc luân lý và giá trị.” (*)

Những bản lý lịch này – cùng với các địa chỉ điện thư cá nhân và số phone – gặp thấy ở một trong ba hồ sơ đính kèm gửi theo bức điện thư mật ngày 18 tháng Bẩy, mà đức ông Vallejo Balda công bố để bẩy thành viên khác trong uỷ ban biết trước việc công bố vào ngày hôm sau bản tự sắc của đức giáo hoàng nói về việc bổ dụng.

Hai hồ sơ đính kèm kia là văn bản của tự sắc, và bản phụ lục của tự sắc, cũng được đức giáo hoàng Phanxicô ấn ký, với các thể thức hoạt động dành cho ủy ban. Và có cả lời tuyên bố này:

Không được phổ biến và không được phân phát ra ngoài phạm vi ủy ban.”

Vậy mà tài liệu đầu tiên trong hai tài liệu đã được phổ biến ra công chúng ngày hôm sau. Còn tài liệu thứ hai thì không. Nhưng có thể đọc được nó tại trang www.chiesa:
> Disposizioni operative…

Trong điện thư ngày 18 tháng Bẩy, gởi đi lúc 9:41 sáng, đức ông Vallejo Balda yêu cầu người nhận giữ sự bí mật.

Nhưng lập tức sau đó, ngay trong ban sáng hôm đó, Francesca Chaouqui đã rõ ràng bị bắt gặp vi phạm chỉ  thị, khi cô ta chuyển tiếp bức điện thư gửi từ Vallejo Balda cùng với ba hồ sơ đính kèm này, đến cho một trong các người trong danh sách gửi thư của cô.

Có người nói rằng Francesca Chaouqui cũng thuộc tổ chức Opus Dei, ngang vai ngang vế với Vallejo Balda. Nhưng điều này không đúng.

Tuy nhiên có điều chắc chắn là cô ta thường xuyên lui tới các cơ sở tại Roma của Opus, kể cả nơi ở của thành viên thường trực Joaquín Navarro-Valls, người phát ngôn viên không quên được của đức Gioan Phaolô đệ Nhị .

___________

Đọc thêm bài ca tụng của José Manuel Vidal phác họa về đức ông Vallejo Balda, trên tờ  “Religión Digital”:

> Quién es Lucio Ángel Vallejo Balda, el nuevo “gerente del papa”

__________

Ghi chú

(*) Người dịch cố gắng đi sát với nguyên văn trong các trích dẫn này.

 

Nguyễn đức Khang chuyển ngữ