Một tâm sự (Petrus Paulus Thống)

Một tâm sự

 

Cha Đào Quang Toản (68) thân mến,

Tôi rất cảm động khi được biết cha có ý định giúp đỡ tôi. Thật ra cha đã giúp đỡ tôi rất nhiều.

Mùa hè 69 với mảnh bằng Dự bị (tức năm thứ nhất) của Viện Đại Học Dalat và cái Bac II trong túi tôi từ Dalat xuống Nha Trang gặp Đức Cha Thuận “xin về” vì ý thức tu hành biến đâu mất chỉ còn cảm thấy thích thú hai món là Thiên văn (Astronomie) và hai cổ ngữ Do-thái và Hy-lạp mà thôi. Ban đầu  Đức Cha không cho, lại còn bắt tôi mặc áo dòng ngay và đi “probation” liền. Lạ thay tôi đã đồng ý. Nhưng hai giờ sau ngài lại đồng ý và sai tôi vào ở Foyer Đắc Lộ, 161 Yên Đỗ, Saigon để chịu sự giáo dục của các cha Dòng Tên. Nghe tôi kể chuyện này ông bạn già Nguyễn Kim Ngân (59) phán: “Đức Cha đã cho ông đi probation suốt đời đó.” Hoàn toàn chính xác! Tôi đã thi vào Đại Học Sư Phạm Saigon để rồi năm 1972 tốt nghiệp ra trường. Tôi đã về trình diện Đức Cha và theo chỉ thị của ngài tôi đã chọn nhiệm sở ở Khánh Hòa, dạy học tại trường Trung học Diên Khánh mãi tận trên Thành cách Nha Trang mười cây số, nhưng Đức Cha lại bảo tôi qua ở bên Tiểu Chủng Viện Sao Biển. Lạ lùng không sao hiểu nổi! Vì trú ngụ trong Tiểu Chủng Viện công việc dạy dỗ ở một trường Trung học lại không lấy gì nặng nhọc nên tôi đã vâng lời cha giám đốc Nguyễn Tôn Sùng dạy các chú lớp 68, 69-70, 71 và 74. Cái mộng trở thành “astronome” tan theo thời gian. Nhưng tôi lại được dịp học tiếng Do-thái và tiếng Hy-lạp trong ba năm trực tiếp với một giáo sư Kinh Thánh người Mỹ, Mục sư Orrel Steinkamp, của Thánh Kinh Thần Học Viện Tin Lành ở Hòn Chồng gần Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang. Thế mới biết “tầm nhìn chiến lược” của Đức Cha. Mãi đến hôm nay hai “linguae sacrae” này vẫn luôn là sở thích và trong một chừng mực nào đó là sở trường của tôi. Cách đây hai năm cha tổng đại diện giáo phận Vinh kiêm giám học Đại Chủng Viện Vinh Thanh, Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, vừa mới được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Giáo phận Vinh gần đây, có “gọi” tôi ra dạy cho các thầy hai môn này, nhưng tôi không đi được vì đường xa cách trở và vì chuyện “thê nhi”. Tiếc lắm thay! Tôi nhớ lời cụ Nguyễn Hiến Lê bảo rằng muốn giỏi về một môn gì thì viết sách hoặc dạy về môn ấy. Phần tôi, tôi thích dạy hai môn ấy mục đích chỉ để khỏi quên. Trường hợp của tôi hiện nay quả đúng là ba trong một. (1)Tôi đã từng là “giáo sư đệ nhị cấp”, rồi thì “thầy giáo tháo giày giáo chức dứt cháo”, có lúc (1992-2002) lại oai như ai là giáo sư Đại Chủng Viện, nhưng kết cục vẫn là “thầy giáo mất dạy”. Tôi bắt đầu làm cái nghề biên tập ở nhà xuất bản kiêm nghề “dịch giả không phải dịch thật” từ năm 86 đến năm 92. Và từ năm 92 đến nay tuy không làm ở nhà xuất bản nữa nhưng sách xuất bản của tôi vẫn thuộc kế hoạch của nhà xuất bản nhà nước. Tôi phải tiếp tục làm cái nghề chẳng thích chút nào vì tôi vốn chỉ thích đọc nguyên bản; không hề thích sách dịch. Tôi học tiếng Do-thái và tiếng Hy-lạp cũng chỉ vì muốn đọc Kinh Thánh trong nguyên bản. Nghe rất chảnh nhưng sự thật là thế. Dầu gì chuyện nghề nghiệp chẳng qua cũng chỉ để nuôi “ông anh ruột” mà thôi. (2)Nhưng tôi vốn là người ham chơi: mê sách, thích tắm biển, ưa nhìn sao, ít tiền nhưng ham du lịch đi đây đi đó ngó ngang ngó dọc, chỗ nào có nhà thờ cổ, chùa cổ, nhà cổ, tháp cổ thì mò đến. Từng tuổi này rồi mà vẫn ôm sách học cunéiforme (sumérien, accadien, ougaritique, éblaite), hiéroglyphe (égyptien). Toàn những thứ chẳng đẻ ra tiền! Ngày xưa cố Gervier đã từng chỉ mặt tôi: “Tu es un rêveur!” (3)Sau 30/4/75 chán nản về Phan Rang tôi lên tháp Chàm Po Klong Girai thấy nơi cửa tháp dày đặc những chữ chi chi bèn nảy ý muốn đọc. Nay thì đã giải quyết xong ước muốn này rồi. Bọn nước ngoài vẫn gọi tôi là “Epigraphist-Palaeographer” mới chết người chớ. Đã đạt yêu cầu nên nay tôi đang có ý đồ muốn “ngâm cứu” Pre-Angkor, Funan, Pre-Funan. Ba trong một như thế mới sống được. Giỡn chơi như thế mà nay tôi cũng đã có tên trên bảy mươi đầu sách! Bỗng giật mình. Hóa ra mình đã phí hoài “tuổi thơ”. Toàn những chuyện không phải việc của mình! Ăn cơm nhà Chúa mòn răng mà chưa “đẻ” được cuốn sách đạo nào. Bèn có ý định làm sách đạo. Gần đây đã làm được một vài đầu sách. Nhưng đề tài tâm đắc thì mới thai nghén thôi. Đề tài gì ư? Nói trước bước không tới. Nhưng cha đã hỏi thì tôi phải nói. Có nhiều vấn đề, đời cũng như đạo, cần phải xem xét. “Ars longa vita brevis.” Tôi biết. Nhưng riêng vấn đề Công giáo Việt Nam thì đề tài chính vẫn là: Bản Sắc Người Công Giáo Việt Nam (L’identité des catholiques vietnamiens). Trong đó hai điểm nhấn chính là Truyền Thống Công Giáo Việt Nam và Sự Đóng Góp Của Công Giáo Trong Nền Văn Hóa Việt Nam. Tất cả nhằm nói lên, cũng hai điều. Điều thứ nhất: Công giáo Việt Nam đúng là chính thống, chính danh, trực thuộc Vatican, như bao Giáo hội Công giáo khác trên thế giới, nhưng có nét đặc trưng riêng, bị bách hại nặng nề không ai bằng nhưng vẫn thấm đậm bản chất dân tộc Việt; không hề ngoại lai hoặc lai căng. Điều thứ hai: Công giáo Việt Nam không chỉ đóng góp vào nền văn hóa Việt mà còn chính là văn hóa Việt. Tại sao nói nền văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng của Lão giáo, của Khổng giáo, của Phật giáo mà không nói được nền văn hóa Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của Công giáo? Vì sao không nói được rằng Công giáo Việt Nạm đã “góp công góp sức” trong việc hình thành nền văn hóa Việt hiện nay? Rõ ràng kinh kệ của chúng ta vẫn sử dụng một thứ ngôn ngữ thuần Việt, mà tôi quen gọi là tiếng Việt ròng, được thể hiện dưới hai hình thức chữ viết, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Hệ thống chữ Nôm nhà đạo của chúng ta  đã phát triển hoàn chỉnh. Trong khi đã có sách kinh bằng chữ Quốc ngữ mà vẫn có những dì phước còn đọc sách kinh bằng chữ Nôm. Nói chi đến các cha các cố. Và điều chắc chắn là nếu không có người Công giáo Việt thì sẽ không hề có chữ Quốc Ngữ. Và lợi ích của chữ Quốc ngữ như thế nào thì mọi người đã thấy. Không những Công giáo Việt Nam đã sản sinh ra chữ Quốc ngữ mà còn làm cho loại chữ viết này phát triển thông qua việc sử dụng thường ngày. Ngoài ra những hình thức thể hiện như ngắm, thơ, vè, tuồng, ca hát, múa… của người Công giáo Việt bao giờ cũng dựa trên giai điệu, cung bậc, ca từ và những hình thức diễn xướng của dân tộc. Nếu người Việt hãnh diện, thân thương và quen thuộc với tục ngữ ca dao như thế nào thì người Công giáo Việt cũng có thái độ tương tự đối với kinh kệ thường ngày của mình như vậy. Nếu bây giờ phải chọn ra một cuốn từ điển tiêu biểu nhất về ngôn ngữ và chữ viết Việt để “sánh bước” cùng các nước trên thế giới thì chắc hẳn đó phải là cuốn Dictionarium Anamitico-Latinum của Ạ.L.Taberd, xuất bản ở nhà in của.Marshnam, ở Serampore, năm 1838. Và ai có thể chối cãi vai trò của các trí thức Công giáo Việt Nam như Nguyễn Trường Tộ, Petrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của và cả những vị thừa sai người nước ngoài như Girolamo Maiorica, Alexandre.de Rhodes, P. Pigneau de Behaine, Jean-Baptiste Louis Taberd, Léopold Cadière, trong lãnh vực văn hóa.

Năm ngoái cha Toản có gửi cho tôi, theo đúng yêu cầu, cuốn “Un Souvenir de la Persécution dans la Mission de Cochinchine Orientale”. Tôi đã “mừng hết lớn” vì tôi đang cần biết ai là người Tây phương đầu tiên tiếp xúc với người Chu-ru. Qua cuốn sách mỏng kể lại cuộc hành trình gian khó 21 ngày chạy bộ từ Láng-mun lên Lâm Đồng xuống Đồng Nai đến Sài-gòn để tránh Văn Thân năm 1885, tôi mới biết đó chính là cố Villaume (Cố Đề), một thần tượng của tôi. Tôi đang giúp một cha lazariste, cha Nguyễn Đức Ngọc ở giáo xứ Ka-đơn, Đơn-dương, viết về Người Chu-ru trong đó nhấn mạnh việc truyền giáo cho người Chu-ru ở Lâm Đồng. Chính cố Villaume là người đã chỉ cho Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) biết những kho tàng Chàm ở Ninh Thuận và Lâm Đồng. Và số tài liệu mà ông tiến sĩ người Chàm Po Dharma (Quảng Đại Đủ) gọi là “Tư Liệu Hoàng Gia Chàm” cũng do chính cố Villaume mách bảo cho. Phải nhờ đến cố thì Paul Mus của EFEO mới biết đường mà mò đến lấy. Người Phan Rang thường nói đến “Đồng Ông Cố”. Ông Cố là ông Cố Đề này đây. Còn chuyện Đập Nha-trinh nữa. Anh em nên ghé nhà thờ Tấn Tài (Dinh Thủy) đề quỳ bên mộ của cố mà cầu nguyện để Giáo Hội Việt Nam ta có những nhà truyền giáo như thế. Hiện đang cần những vị như thế. Sau đó thì chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ do cố xây, xưa nhất (1900), đẹp nhất, hoành tráng nhất, được bảo quản nguyên vẹn nhất, nói chung là nhất trong giáo phận Nha Trang.  Năm 1893 A.Yersin phải đi ngựa từ Nha Trang vào Phan Rang để “thỉnh giáo” cố Villaume đường lên Lâm Đồng. Cố Villaume thật là vĩ đại! Đáng lẽ phải xây tượng đài cho cố. Hôm trước tôi cũng có hỏi đến các Synodes là vì muốn biết tình hình Công giáo Việt Nam lúc bấy giờ ra sao mà các đấng làm thầy phải “họp hành ra nghị quyết” như thế. Hỏi về cuốn Lexique des Termes de Religion vì tôi vốn mê cuốn Sách (Kinh) Mục Lục, thấy tiếng Việt trong đó hay quá, một thứ tiếng Việt ròng không chê vào đâu được, trong khi hiện nay nhiều đấng lại chê là lạc hậu. Tôi muốn biết ngày xưa“các đấng” đã thống nhất các từ Công giáo như thế nào. Tôi đã gợi ý với Trần Duy Thực (65) chụp giùm cho tôi một bản ở Bibliothèque nationale de Paris, cha Toản cho tôi biết đã thấy ở đó, nhưng ông bác sĩ lại hẹn đến khi nào về hưu đã mới tính đến việc này! Giá mà cha Toản không ở Toulouse mà ở ngay Paris chắc là tôi đã sớm có được một “copie” của cuốn này rồi. Gần đây tôi đang chú ý đến các Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Các Vị Thừa Sai, Các Giáo Điểm Truyền Giáo Xa Xưa, Những Cuộc Bách Hại, Phong Trào Văn Thân. Đối với các vị thừa sai tôi đặc biệt chú ý đến các vị mà chúng ta có quá ít tài liệu như Francesco Buzomi , Francisco de Pina, Joao de Loureiro. Riêng vị thứ ba này, một nhà thực vật bác học, ngoài cuốn Flora Cochinchinensis tuy quá dày và chuyên môn nhưng đã có trên mạng, tôi đang cố tìm những “papiers inédits” của người nhưng không biết tìm đâu ra. Hy vọng bộ sách 10 cuốn Bibliothèque de la Compagnie de Jésus của Carlos Sommervogel giải quyết được. Nhưng tìm đâu ra bộ sách này đây? Không biết cha Trần văn Trợ Sj.(68) có biết bộ sách này không. Tôi vừa mới đọc xong cuốn “Christianisme et Colonialisme au Vietnam” và thấy Cao Huy Thuần quả là phiến diện, tuy đây là luận án tiến sĩ Sorbonne. Ông tiến sĩ này cần phải đọc Instructio (Huấn thị) 1659 kỹ hơn. Nếu không đọc được nguyên bản tiếng latinh thì đã có bản dịch tiếng Pháp của Bernard Jacqueline. Sẵn đây, nếu có thể, cha cho tôi một “copie” bản dịch tiếng Pháp này, để tham khảo. Cảm ơn cha trước. (Tôi đã có bản tiếng latinh trong cuốn sách của Henri Chappoulie rồi.) Gần đây cha đã gửi những files hình của tome 2 bộ Histoire de la Mission de Cochinchine – Documents historiques của A.Launay. Quả là kỳ công thế kỷ! Cảm ơn cha lắm lắm. Thực lòng tôi còn đang ao ước tome 1 và tome 3 nữa. Sao ôm đồm quá vậy? Tôi nghĩ rằng nếu ai muốn tìm hiểu về Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam thì ít nhất phải đọc hết 1627 trang của bộ sách này cộng với 600 trang của cuốn Histoire de la Mission du Tonkin (cuốn này có trên mạng) thì may đâu biết được phần nào vấn đề. Chỉ riêng một mảng đề tài nhỏ thôi  là các giáo điểm truyền giáo Hội An, Nước Mặn, Nha-ru, muốn tìm hiểu những nơi này thì cũng phải đọc trọn bộ sách kia mới biết được phần nào! Sắp tới đây anh em  CTCVSB sẽ có cuộc hội ngộ ở Suối Hoa Lan nằm trên Đầm Nha Phu. Danh từ Nha Phu ở đây chính là Nha-ru ngày xưa đó. Nhân dịp này tôi càng muốn tìm hiểu về Nha-ru. Để còn có cái gì đó khoe với anh em về giáo điểm này. Trong  cuốn sách viết về Đức Cha Lambert de la Motte cố B.Vachet đã viết: “Chúng tôi thấy một nhà thờ rất đẹp ở Niarouy”[bản dịch của Cao Kỳ Hương (64)]. Nhà thờ đó nằm ở đâu vậy? Tại sao lúc ấy, năm 1671, ở Lâm Tuyền (Chợ Mới) không có nhà thờ mà ở Niarouy (Nha-ru) lại có? Nhà thờ đó bị phá hủy lúc nào? Ai phá? Mấy tháng trước đây nhà sử học Nguyễn Văn Nghệ (74) có nói với tôi về địa danh Na-Gai, tiền thân của giáo xứ Cây Vông hiện nay. Trong tome 2, cố Gouge và cố Flory có đến nơi này vào năm 1734. Vấn đề là tại sao gọi là Na-Gai. Tôi đang lo giải quyết chuyện này đây. Tôi cũng đã tìm thấy trang nói đến địa danh Mo-Văn , tiền thân của giáo xứ Tân Xuân, Ninh Thuận ngày nay. Có thể nói đó là một giáo điểm lâu đời nhất của vùng Phan Rang Ninh Thuận. Năm 1746 cố Bennetat đã từng ghé nơi này. Còn nhiều điều lạ và thú vị khác nữa. Phải đọc mới biết. Muốn đọc phải có tài liệu. Lòng vòng và dài dòng là như thế. Tôi vốn cầu toàn và thích truy tận ổ. Cha thông cảm. Mới nhìn thì thấy tản mạn, vụn vặt, mông lung. Nhưng cha an tâm. Tất cả đều “phục vụ” cho đề tài nói ở trên. Tất cả phải trở thành hệ thống. Nguyễn Thành Thống là như thế.

Vậy nếu cha Toản có thương thì thương cho trót, tiếp tục gửi tiếp hai cuốn chưa gửi. Tốn công tốn sức lắm đấy. Mược! (Từ của Đức Cha Nguyễn Chí Linh 62 ngày xưa thường dùng). “Giáo-giác-dịch-dật” này muôn vàn hoan hỉ và biết ơn. Tạm ngừng ở đây. Chúc bình an.

Thân mến,

Petrus Paulus Thống (60).

(Lễ Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô năm 2013)