Bài học Trung Dung sau Hội ngộ Sao Biển 2013 (Củ Nghệ)

BÀI HỌC TRUNG DUNG

sau Hội Ngộ SAO BIỂN 2013

Trước Hội Ngộ Sao Biển 2013 , Ban Tổ Chức muốn tỏ rõ tình đoàn kết giữa tất cả các thành phần tham dự Hội Ngộ nên đề nghị : Tất cả mọi người tham dự Hội Ngộ, nếu có dùng bia thì dùng chung một thứ bia, đó là bia “33”. Do BTC cung cấp bia có hạn định nên những lớp nào có tửu lượng cao, nếu có mang thêm bia theo thì cũng mang theo bia “33”.Sau Hội Ngộ lớp nào muốn dùng bia “hay” hay bia “dở” thì mặc sức.

Một lời đề nghị rất hay và chân tình. Nghe lời đề nghị này khiến Củ nhớ đến bài thơ  “anh ở đầu sông, em cuối sông…” và một đoạn trong bài thơ Trường tương tư  bằng chữ Hán: “ Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thủy”. (Nguyên văn bài “ Trường tương tư”  của Lương Ý nương là : “Ngã tại Tương giang đầu/ Quân tại Tương giang vĩ”)

Cùng uống chung một thứ rượu để nói lên tình đoàn kết, thì việc đó người xưa đã thực hiện rồi. Trong bài Bình Ngô đại cáo, vua Lê Thái tổ ( Lê Lợi) đọc sau khi quân ta chiến thắng quân Minh có câu: “ Đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm” (Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào).Câu ấy lấy từ một điển tích là ngày xưa có một vị tướng được một người tặng cho bầu rượu ngon, ông muốn chia sẻ bầu rượu ấy cho tất cả binh sĩ dưới quyền ông, nhưng rượu thì quá ít nên ông nghĩ ra một cách là ông tập họp binh sĩ ra đứng giữa dòng sông, còn ông lội ngược dòng sông lên phía bên trên binh sĩ và đổ bầu rượu ngon xuống dòng sông và tất cả binh sĩ dùng tay vốc nước sông có pha bầu rượu ngon ấy mà uống. Thật là một sáng kiến tuyệt hay !

Nhưng rồi cuối cùng lời đề nghị của BTC : “ Đồng ẩm tam tam bì tửu” (cùng uống bia “33”) không thực hiện được . Do có nhiều ý‎ kiến: Nào là bia “33” nặng đô nhiều anh em dùng chẳng đặng; nào là thế này ; nào là thế nọ. Sau đó BTC thả tự do , lớp nào muốn uống thêm loại bia gì thì tùy.

Ngoài ra còn một đề nghị khác  rất hay  là tất cả anh em CSB khi tham dự thánh lễ tại nhà thờ Ba Làng  đeo cà ra vát nhưng rồi lại bàn ra tán vào nên cũng đành thả tự do.

Tại sao những  đề nghị hay và dễ thực hiện như vậy lại không thực hiện được?

Nói như người xưa là chúng ta chưa thực hiện được đạo TRUNG DUNG. Thế nào là đạo Trung Dung? Đạo Trung Dung được giải thích rõ ràng trong sách Đại Học (Củ viết phiên âm chữ Hán ,để quí anh nào cần nguyên văn thì có mà sử dụng): “ Bất thiên chi vị TRUNG; bất dịch chi vị DUNG. TRUNG giả, thiên hạ chi chính đạo; DUNG giả, thiên hạ chi định lí” (Hễ cái tâm không chênh bên này, không lệch bên kia, ở được mức giữa gọi là TRUNG; còn như giữ thường thường một mực, không hay dời đổi thì kêu là DUNG. TRUNG là con đường ngay mà tất cả mọi người phải theo; DUNG là cái lẽ sẳn định nó quản trị tất cả mọi người).

Những người nghiên cứu đạo Trung Dung chưa thấu đáo thì cho đạo Trung Dung là  “đạo ba phải”. Đạo Trung Dung hướng về điều thiện , điều tốt chứ không a dua theo điều ác , điều xấu.

Làm lãnh đạo cần phải thực hiện đạo Trung Dung. Vua Thuấn là mẫu mực để những người làm lãnh đạo noi theo: “ Thuấn kỳ đại trí dã dư! Thuấn háo vấn, nhi háo sát nhĩ ngôn. Ẩn ác nhi dương thiện. Chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân. Kỳ tư dĩ vi Thuấn hồ!”. Cụ Đoàn Trung Còn dịch: ( Vua Thuấn là bực trí huệ quảng đại thay! Trong mỗi việc, ngài không hay tự chuyên, ngài ưa hỏi ý kiến người này, người kia, dẫu ai nói ra lời thiển cận, ngài cũng để tâm suy xét. Có ai bày tỏ điều xấu thì ngài ém đi mà chẳng tuyên bố, còn ai trưng ra điều lành hạp với đạo lý thì ngài tán dương. Trong những ý kiến lành có cái cao, có cái thấp, có cái lớn ,có cái nhỏ, có cái hậu,có cái bạc, ngài cầm lấy hai bề mà mà so đo, đoạn lựa mối giữa cho vừa với dân. Bởi ngài hành Đạo Trung Dung một cách sáng suốt và quảng đại như vậy, nên ngài mới đáng là vua Thuấn vậy thay!”

Trong một cơ quan, một tổ chức là một tập hợp “ con năm cha ,bảy mẹ” ; “ chín người mười ý”, nói tóm lại là trình độ, tánh khí khác nhau, cho nên để thống nhất đưa ra một quyết định hợp ý mọi người rất là khó. Các vị lãnh đạo trước khi đưa ra một quyết định gì cần phải “ Chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân” (Cầm lấy hai bề mà so đo, đoạn lựa mối giữa cho vừa với dân), có như thế công việc mới thành công.

Quán triệt Đạo Trung Dung cũng tạo ra cho chúng ta sự BÌNH TÂM mỗi khi tranh luận với nhau. Không phải tất cả những người thông giỏi đạo Nho đều đạt tới Đạo Trung Dung. Thời nhà Tống bên Trung Quốc, khi Vương An Thạch làm Tể tướng, ông thực hiện Tân pháp để cải cách đất nước. Lúc ấy ông Trình Hạo giữ chức Giám sát Ngự sử trong triều, thường ngồi ung dung nghị luận, bày tỏ những điều không tiện. Vương An Thạch có khi nghiêm sắc mặt, tỏ ý không bằng lòng. Trình Hạo từ tốn nói rằng: “Thiên hạ sự phi nhứt gia tư nghị, nguyện minh công BÌNH TÂM HẠ KHÍ dĩ thính chi!” ( Việc thiên hạ không phải là việc bàn riêng của một nhà, xin ngài BÌNH TÂM HẠ KHÍ mà nghe thì mới phải!)

Đạo Trung Dung mới nghe qua thì ai cũng cho là quá tầm thường ai là giữ chả được, nhưng sự thực thì không phải thế: “ Quân tử Trung Dung; tiểu nhơn phản Trung Dung. Quân tử chi Trung Dung dã, quân tử nhi thời trung; tiểu nhơn chi phản Trung Dung dã, tiểu nhơn nhi vô kỵ đạn dã.” (Bực quân tử, tức là hạng người có đạo đức, thì giữ được đức Trung Dung. Còn kẻ tiểu nhơn, tức hạng người kém đạo đức thì trái với đức Trung Dung. Bực quân tử giữ được đức Trung Dung là như vầy : bất kỳ giờ phút nào, người cũng giữ gìn cái tâm ở mức giữa (trung), không chênh bên này, không lệch bên kia, vì người biết tồn tâm dưỡng tánh, tỉnh sát Đạo lý, không bị hoàn cảnh cám dỗ. Còn kẻ tiểu nhơn thì trái với đức Trung Dung là như vầy: cái tâm nó chênh lệch, cái tánh nó tách khỏi Đạo, lòng tư dục nó xua đuổi theo cảnh ngoài, cho nên nó chẳng còn biết kiêng dè, sợ sệt chi cả).

Khổng tử nhận xét Đạo Trung Dung: “Trung Dung kỳ chí hỷ hồ! Dân tiển năng cửu hỷ.” ( Ôi Đạo Trung Dung là mức cao viễn thay! Thật là toàn thiện toàn mỹ. Đã lâu rồi, thế giáo suy vi, tình đời nghiêng ngã, cho nên ít người biết giữ Đạo ấy.)

Sau đi qua khỏi Ngọ môn ở Huế để vào điện Thái Hòa , du khách phải đi qua hai phường môn, trong mỗi mặt phường môn đều có bốn chữ Hán và trong đó có một mặt ghi : TRUNG HÒA VỊ DỤC.Những câu ấy chính là những câu châm ngôn để vua và các quan mỗi khi đi qua, nhìn thấy rồi khắc ghi vào lòng và hành động cho đúng. Câu này được rút ra từ sách Đại Học: “ Hỉ, nộ, ai, lạc chi vị phát, vị chi TRUNG. Phát nhi giai trúng tiết, vị chi HÒA. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bổn giả. Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo giả. Trí Trung Hòa thiên địa vị yên, vạn vật dục yên” ( Những mối tình như vui mừng, hờn giận, đau thương, khoái lạc khi chưa phát sanh nơi tâm ta, thì kêu là TRUNG; lúc bấy giờ cái tâm ta tự nhiên ở mức giữa, không chênh bên này, không  lệch bên kia. Tới chừng  đối cảnh mà chúng nó phát sanh một cách phải thế,  thì kêu là HÒA. (Tức như thấy ai bố thí thì ta vui mừng, gặp kẻ trộm cướp thì ta hờn giận, biết ai hoạn nạn thì ta đau thương, gặp người tài đức thì ta khoái lạc). TRUNG là cội lớn của thiên hạ, mọi người và mọi vật đều do nơi đó mà sanh nảy, tấn hóa. HÒA là đạo thông đạt của thiên hạ, mọi người và mọi vật đều y theo đó mà thông hành. Nếu mình tấn lên cho tới mức cực điểm của đức TRUNG và của đức HÒA, ắt mọi người và mọi vật trong trời đất đều được yên ổn trật tự, và vạn vật sẽ sanh sản nảy nở một cách thuận chiều.)

Mọi người trong xã hội đều cư xử một cách Trung Hòa  là đạt tới Đạo Trung Dung.

Khi viết bài viết này, Củ tôi cảm thấy ngượng ngượng vì tự xét, Củ tôi còn thuộc hạng tiểu nhơn chỉ “ Năng thuyết bất năng hành”. Nhưng dù sao, Củ tôi  cố gắng phấn đấu cho tới khi “ khảo chung mệnh” (chết già bình an) cũng rán với cho tới Đạo Trung Dung. Nếu Củ tôi mà chết “bất đắc kỳ tử” thì “đường tà xuôi dốc xuống đèo thuận chân”.

Phê rô Củ Nghệ – SB 74