Vài nét chấm phá về Khu du lịch Suối Hoa Lan (Củ Nghệ)

Vài nét chấm phá về

Khu du lịch Suối Hoa Lan

       Hội Ngộ 55 năm Sao Biển được tổ chức trong hai ngày. Thứ ba 23/07/2013 gặp mặt nhau tại nhà thờ giáo xứ Ba Làng , anh em cùng nhau tham dự thánh lễ và ăn trưa. Sau ăn trưa anh em SB cùng nhau  di chuyển đến khách sạn Mường Thanh để gởi xe máy và cùng nhau lên xe của Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú để ra địa điểm Đá Chồng. Đá Chồng thuộc xã Vĩnh Lương gần với ranh giới tiếp giáp với xã Ninh Ích.

Từ Đá Chồng muốn đến suối Hoa Lan phải đi thuyền vượt qua đầm Nha Phu  mất khoảng hơn 40 phút. Sách Đại Nam nhất thống chí viết về vũng Nha Phu (sách gọi “vũng” chớ không gọi “đầm”) : “bao quanh hơn 70 dặm. Trong vũng có những hòn đảo đứng lô nhô như: đảo Trân Thị, Đảo Tiên, Đảo Thạch, Đảo Cù”. Trên bản đồ tỉnh Khánh Hòa hiện nay thì tên những đảo trong Đầm Nha Phu cũng đổi khác . Đó là  Hòn Cù Lao (gọi tắt là Hòn Lao, còn gọi là Đảo Khỉ, do trên đảo nuôi rất nhiều khỉ), Hòn Thị (hòn này lớn nhất), Hòn Sầm, Hòn Rớ, Hòn Lăng , Hòn Nứa.

Cửa biển thông vào Vũng Nha Phu gọi là Cửa Tấn Nha Phu. Cửa Tấn là cửa biển có đồn binh canh giữ. Cửa Tấn Nha Phu rộng 1800 trượng, sâu 5 trượng. Phía tả có mỏ Điệp Thạch (Đá Chồng) nằm bên chóp bán đảo Hòn Hèo, phía hữu có mỏ Tiên Kê ( nay gọi là Kê Gà  nhưng cũng có sách ghi là Cây Gà), nằm phía bắc khu du lịch bỏ hoang Rusalka. Cửa Tấn Nha Phu có đặt Tấn Thủ (giống như đồn Biên Phòng hiện nay), đứng đầu là Viên Thủ ngự và một Viên Hiệp thủ để tuần phòng ngoài biển và hộ vệ tàu thuyền ra vào cửa lạch.

Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định soạn xong năm 1806 gọi Vũng Nha Phu là Nha Tù. Tháng 2 năm Quý Tỵ (1833) triều đình nhà Nguyễn cho đổi tên tấn sở Nha Tù ở Khánh Hòa thành Nha Phu. Dân lái ghe bầu gọi Nha Phu là Nha Lỗ . Trong Hải môn ca do Bửu Cầm sưu tầm ghi khi dân ghe bầu đi qua vùng Ninh Hòa và Nha Trang có câu: “Sông ngang thủy thế mênh mang/ Qua miền Nha Lỗ phỏng trong nửa ngày/Đến Nha Trang một ngày chầy/ Lại thêm nửa ngày đến tiểu Nha Trang” ( Khánh Hòa có Đại Cù Huân và Tiểu Cù Huân. Đại Cù Huân là cửa biển xóm Bóng, Tiểu Cù Huân là cửa Bé – Tiểu Nha Trang).

Các vị thừa sai gọi Nha Phu là Nha Ru. Khi Giám mục Lambert de La Motte đến Nha Trang có ghé thăm họ đạo Nha Ru. Trong lá thư của thừa sai Marin đề ngày 31/05/1715 kể lại việc đắm tàu của người Hà Lan ở Hoàng Sa có nhắc đến địa danh Nha Ru: “…Trong thời gian đó, họ đã đáp vô Nam Hà và tiến tới cửa biển Nha Tlang, Nha Tlang xa Nha Ru độ một ngày đường bộ”.

Bài viết “Kỷ niệm 300 năm địa phận địa danh tỉnh Khánh Hòa với Giáo phận Nha Trang” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đăng nơi trang 24 – 25 Tuần báo Công giáo & Dân tộc số 1370 tuần lễ từ 16/08 – 22/08/2002 có ghi vào năm 1747 : “ Xứ Nha Ru (phủ Diên Ninh sau là phủ Ninh Hòa) có 6 họ đạo : Đồng Nai (150 giáo hữu), Chợ Cầu (40 giáo hữu), Hòn Tip (30 giáo hữu), Nha Ru (300 giáo hữu), Ke Neo (20 giáo hữu), Thổ Hà (40 giáo hữu)”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết chưa đúng vì vào thời điểm đó xứ Nha Ru thuộc Phủ Bình Khang chớ không phải Phủ Diên Ninh (phủ Bình Khang sau đổi thành Bình Hòa, rồi Ninh Hòa;  Phủ Diên Ninh sau đổi thành Diên Khánh).

Nha Ru là một cứ điểm truyền giáo quan trọng vào năm 1747 đã có 300 giáo hữu, vậy mà nay hỏi đến địa điểm ấy chẳng ai biết cả! Nha Ru cách Nha Trang một ngày đường bộ, vậy họ đạo Nha Ru nằm ở khu vực Hà Liên, Tân Tế nơi cửa sông Dinh đổ ra đầm Nha Phu chăng?

Nha Ru là người Việt mượn âm tiếng Chàm . Nhóm dân Malayo- Polynesien (ở VN có 5 dân tộc thuộc nhóm này: Chàm,  Rắc lay, Ê đê, Chu ru, Gia rai) họ gọi sông, nước là YA hoặc EA hoặc phiên âm ra tiếng Việt là “ Gia” như Gia Lai. Tiếng Chàm họ phát âm Nha Ru là YA RU cũng như Nha Trang họ phát âm là YA TRAN.

Bờ đông của đầm Nha Phu là bán đảo Hòn Hèo . Bán đảo Hòn Hèo nằm trên địa phận 3 xã : Ninh Phú , Ninh Phước và Ninh Vân. Trên bán đảo Hòn Hèo có trên 10 ngọn núi lớn nhỏ như hòn Tiên Du, hòn Phủ Mái Nhà , hòn Răng Cưa… và hòn cao nhất là Hòn Hèo (gần 900 m). Do vậy có câu: “ Hòn Hèo đội mũ/ Mây phủ Đá Bia/Cóc nhái kêu lia/ Trời mưa như đổ/Anh chê em nghèo khổ/Kiếm chỗ sang giàu/ Rồi mai sau anh sụp/ Như cái đầu cầu chợ Dinh”.

Tại sao lại gọi là Hòn Hèo? Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: “Cảng chi bắc, dao vọng nhất lý hữu Hòn Hèo sơn, thử sơn thổ sản HOA ĐẰNG , cố danh HÒN HÈO” (Phía bắc cảng cách chừng một dặm có núi Hòn Hèo, thổ sản của núi này là Hoa Đằng (mây hoa), nên mới có tên như vậy). Đằng có nghĩa là dây mây hoặc dây như Cát Đằng. Hoa Đằng là mây hoa . Những sợi mây già trên thân có rất nhiều đốm hoa . Mây hoa dùng làm vật dụng trong nhà , làm gậy, làm hèo…

Hòn Hèo là tên trong dân gian, sách của triều đình ghi Hòn Hèo là Hoa Đằng sơn (núi Hoa Đằng), nhưng đến năm 1841 vua Thiệu Trị lên ngôi và do mẹ vua tên là Hồ Thị Hoa nên tất cả những từ mang tên Hoa phải đổi thành Bông, Huê hoặc Ba . Ví dụ như Tu Hoa đổi thành Tu Bông. Hoa Đằng sơn thuộc tổng Phước Hà nên đổi thành Phước Hà sơn ,nếu không thì gọi là Huê Đằng sơn.

Suối Hoa Lan phát nguyên từ dãy Hòn Hèo. Tên suối Hoa Lan mới được gọi khi thành lập khu du lịch mà thôi. Trong các bản đồ Khánh Hòa xưa suối Hoa Lan có tên là suối Tử Sĩ . Ở suối Hoa Lan có bia ký Chàm , gọi là bia Lệ Cam. Hôm thứ tư 24 tháng 07 thầy Nguyễn Thành Thống, anh Tôn SB 60, anh Hạnh SB69-70 và một vài anh có đến chụp ảnh bia Lệ Cam. Người Pháp họ gọi là bia Lai Cam, chắc là họ phát âm chữ “ Lệ” thành chữ “ Le” và chữ “ e” trong tiếng Việt bằng chữ “ai” trong tiếng Pháp nên mới biến từ Lệ Cam thành Lai Cam chăng?

Suối Hoa Lan thuộc khu vực làng Lệ Cam. Trong các văn bản chữ Hán tên đúng của làng Lệ Cam là LỄ CAM . Chữ “ Lễ” trong chữ Hán gồm chữ “dậu” và chữ “phong” (phong có nghĩa là được mùa) và Lễ có nghĩa là suối nước ngọt, như : lễ tuyền, lễ cam.

Muốn đến làng Lệ Cam phải đi ra khỏi Ngã Ba Trong Ninh Hòa rồi đi tiếp ra gặp cầu bắc qua sông Dinh ( nơi nhìn thấy nhà thờ Gò Muồng), rẽ phải men theo bờ sông rồi băng qua cầu Hội Phú  rồi rẽ phải đi về hướng đông nam đến làng Tiên Du rồi đến làng Lệ Cam. Trước năm 1975 Hòn Hèo là mật khu CM cho nên vùng Lệ Cam dồn dân qua sống gần làng Tân Thủy- Rọ Tượng . Bán đảo Hòn Hèo là nơi CM tiếp nhận vũ khí bằng đường biển vào. Hiện nay dân chúng về lại quê tái thiết lại xóm làng, đình miếu, có một số người không về quê cũ và định cư luôn ở vùng đất mới cho nên khách đi từ Nha Trang ra Ninh Hòa khi qua khỏi đèo Rọ Tượng khoảng vài trăm mét về phía tay phải có cổng ghi “ Thôn văn hóa Lệ Cam”.

Đi hết khu dân cư làng Lệ Cam có Lăng Ông. Lăng Ông không phải lăng cá voi mà là lăng của một vị hào phú giúp vua Gia Long chống lại Tây Sơn. Lăng có vòng thành rất lớn . Không thấy lăng mộ của chủ nhân mà chỉ có  tẩm thờ mà thôi nhưng nay cũng đổ nát bình địa  rồi. Ngoài ra còn có mộ của vợ ông ta nằm kế bên vòng thành. Có tấm bia chữ Hán bị nứt ngang. Từ lăng Ông đi bộ (rất khó đi) men theo đường điện trung thế khoảng vài cây số là đến suối Hoa Lan.

Mặt đông của bán đảo Hòn Hèo tiếp giáp với biển đông, thuộc địa phận hai xã Ninh Phước và Ninh Vân. Trước đây muốn đến xã Ninh Vân phải đi ghe thuyền .Cách nay vài năm đã mở con đường đèo dài hơn 10 cây số men theo mặt đông bán đảo Hòn Hèo từ làng Ninh Tịnh xã Ninh Phước đến với xã Ninh Vân. Xã Ninh Vân có Đầm Vân . Tại đây có khu du lịch An Lâm Ninh Vân Bay villas nổi tiếng . Khu du lịch này chỉ bằng tranh tre nứa lá mà thôi nhưng giá thuê phòng rất là đắt . Khu du lịch trải dài hơn 1500 mét bờ biển, gồm 35 villa với không gian mở hòa vào biển xanh cát trắng hay nép tựa vào các khối đá tự nhiên.

Một website nổi tiếng về việc chia sẻ thông tin các điểm đến du lịch là Trip Advisor bình chọn An Lâm Ninh Vân Bay villas  là khu nghỉ dưỡng tốt nhất Việt Nam và trao tặng “ Chứng chỉ xuất sắc năm 2013”

Nói đến Hòn Hèo mà không nhắc đến “ Ông Tây kiểm lâm” thì thật là một thiếu sót. Sao lại có chuyện Ông Tây lại làm kiểm lâm ở Việt Nam, bộ ở VN hết người rồi hay sao? Một Ông Tây hẳn hoi làm kiểm lâm và làm một cách nhiệt tình, không thèm ăn lương của Chính phủ VN. Ông tên là Sylvio Lamrche , quốc tịch Canada. Ông Tây này nói sành tiếng Việt, ông còn cho biết ngoài cái tên cha mẹ đặt cho ông, ông còn có biệt danh là “ fire monkey” và ông dịch ra là “khỉ lửa”. Ông giải thích : Tôi sinh năm 1956, tuổi Bính Thân, người VN gọi là tuổi con khỉ, thầy bói bảo tôi mạng Hỏa nên tôi “phong” cho mình luôn cái tên “khỉ lửa” vừa rất nóng nảy lại vừa rất máu lửa. Trong một chuyến du lịch, ông thấy ở Hòn Hèo có loài linh trường vọoc chà vá chân đen đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn săn bắt, nên ông tình nguyện làm người kiểm lâm để bảo vệ loài linh trưởng ấy.  Năm 2000 ông bán nông trại của ông ở Canada  và qua xã Ninh Phước mua một lô đất 10000 m2 gần bờ biển để thuận tiện làm kiểm lâm. Khu đất ấy ông đặt tên là JungleBeach. Ông có vợ Việt. Từ khi có sự hiện diện của ông ở Hòn Hèo, đàn linh trưởng ấy ngày một đông hơn.

Vừa qua địa danh Hòn Hèo  được nhiều người trong nước và ngoài nước biết đến do người ta kháo lên là nơi đây sản xuất ra “ thần dược” chữa ung thư . Đó là cây XÁO TAM PHÂN. Cây này thường mọc trong gộp đá. Do đồn là thần dược chữa ung thư nên giá một ký Xáo Tam Phân qua sơ chế lên cả triệu một ký. Giá cao nên nhiều người đổ xô đi khai thác Xáo Tam Phân về bán kiếm tiền, nên họ đã đào tận gốc trốc tận rễ làm cho bán đảo Hòn Hèo tan hoang. Trước đây bán đảo Hòn Hèo lắm mây hoa nhưng cũng do khai thác vô tội vạ nên mây hoa ở Hòn Hèo không còn nữa. Đúng là người dân mình chỉ biết hiện tại , không nghĩ gì đến “của để dành” cho con cháu cả . Họ lý luận : “ Đời cua, cua máy ; Đời cáy, cáy đào” hoặc : “ Thân trâu, trâu lo; Thân bò, bò liệu”.

 

Diện tích mặt đầm Nha Phu rộng khoảng 1500 ha , trước đây xung quanh đầm có khoảng 200 ha rừng ngập mặn , nhưng do phong trào đào hồ nuôi tôm nên tất cả rừng ngập mặn bị xóa sổ. Nay nhận thấy lợi ích của rừng ngập mặn nên người dân bắt đầu ý‎ thức và khởi sự  trồng lại rừng ngập mặn. Xung quanh đầm có nhiều bãi cọc gỗ hoặc cọc xi măng, cọc đó để nuôi vẹm xanh, nhưng do môi trường nước ô nhiễm nên có nuôi nhưng thu hoạch chẳng là bao.

Khu du lịch suối Hoa Lan nằm biệt lập với khu dân cư nên yên tĩnh . Những anh em nào thích yên tĩnh thì cho Hội Ngộ SB 2013 tổ chức tại đây rất là hợp tình. Củ hỏi thăm nhân viên ở đây là từ trước đến nay có số lượng người  của một  tập thể nào đến đây và ở lại qua đêm đông như cuộc Hội Ngộ SB 2013 đây không? Họ trả lời là chưa bao giờ có!

Một hình ảnh in đậm trong tâm trí của mỗi thành viên dự Hội Ngộ SB 2013 khi đi trên thuyền để rời khu du lịch suối Hoa Lan là những cánh chim hải âu. Chúng bay lượn quanh thuyền và dường như chúng ta với tay đụng tới chúng. Số lượng hải âu bay lượn quanh thuyền càng lúc càng đông. chắc là chúng  hòa với niềm vui của đại gia đình CSB tham dự Hội Ngộ SB 2013 tại khu du lịch suối Hoa Lan

Hẹn sẽ tái ngộ với những cánh chim hải âu trên Đầm Nha Phu vào năm 2018

Tạ ơn Chúa và Mẹ Sao Biển đã gìn giữ đại gia đình CSB bình an trong hai ngày  tham dự Hội Ngộ.

 Phêrô Củ Nghệ – SB 74