Nỗi buồn và niềm vui của một Linh mục (Lm. Mi Trầm)

Nỗi Buồn và Niềm Vui

của Một Linh Mục

Năm nay, tôi 66 tuổi, 38 năm Linh Mục vào ngày 7.9.2013 và đúng 40 năm sáng tác Thánh ca. Lúc nầy có lẽ là lúc thuận tiện nhất để viết về “Nỗi buồn và Niềm vui của một linh mục” vì tôi đủ già để nói về cảm nhận của đời mình mặc dù văn tôi không lã lướt, không thi vị, rất đơn giản, chấm phết đúng ch. Chúa cho sao tôi nhận vậy…

Nỗi buồn và niềm vui của một đời Linh mục đã đồng hành với tôi suốt 38 năm và giúp tôi sống trọn vẹn sứ vụ mục tử của mình.

NỖI BUỒN

Tôi đi tu tại Tiểu Chủng Viện Sao Biển, năm 1959, lúc 10 tuổi. Năm 1967, tôi ra học trường Thiên Hựu (Providence ở Huế). Năm 1968, tôi lên học ở trường A’dran, Đà lạt và sau đó, tôi đi giúp xứ.
Tôi giúp xứ Sùng Nhơn, Bình Tuy. Khi tôi đi, tôi không biết xứ đó nằm ở đâu vì không thấy tên trong lịch. Cha xứ Sùng Nhơn người Chợ Mới về thăm nhà và dẫn tôi đến xứ của ngài, qua ngã Sài Gòn. Tối hôm đó, hai phe chào tôi bằng một cuộc đụng độ, vì nhà thờ nằm rất gần một đồn lính và cách rừng khoảng hơn một cây số.

Đây là một xứ xa xôi, nhỏ bé…Trong lễ, khi hát kinh Vinh danh, tôi hát một phe, cộng đoàn hát một phe vì khả năng của họ chỉ có thế… Tôi làm thầy giúp xứ trong một xứ xa xôi, nghèo. Tôi ở với cha Sinh, nghèo nhưng nhân đức…Tôi không buồn do xứ nghèo vì giáo dân rất có tình…Đi chợ mua nải chuối, ăn hết một nửa, còn một nửa mà thấy cha xứ đi Sài Gòn về là họ sẵn sàng “kỉnh” cha xứ. Và thầy giúp xứ được ăn nửa nải chuối ấy, và có khi ăn nhiều hơn cha xứ. Tôi không buồn vì nghèo…
Năm 1975, tôi làm phó xứ Hòa Nghĩa, một xứ lớn. Sau đó, tôi sang phụ trách xứ Hòa Yên, một xứ lớn, gần chợ, gần đường quốc lộ.

Năm 2000, tôi ở TGM Nha Trang… Năm 2006, tôi coi xứ Thanh Hải, Nha Trang, một xứ lớn… Không thể buồn vì xứ lớn thì khó mà nghèo.

Năm 2012, tôi sang Ngọc Thủy, 1600 giáo dân. Nhà xứ chưa ngon, nhà Giáo lý chưa có… Nhưng tôi không buồn vì chuyện thiếu cơ sở vật chất…

Thế thì đời linh mục của tôi buồn cái gì?

Một lần, tôi nói chuyện với cha xứ Hòa Nghĩa, lâu lắm rồi. Tôi là phó xứ, nhưng khi nói chuyện với nhau thì tôi đã là cha xứ Hòa Yên lâu năm. Tôi ở Hòa Yên đến 22 năm chứ không ít.

Cha xứ cũ nói với tôi: ”Giữ cho giáo dân không tuột dốc đã là điều khó.” Nói như thế không có nghĩa là giáo dân xấu. Với tôi, Hòa Nghĩa và Hòa Yên là hai giáo xứ mẫu mực, sống đạo tốt, tích cực, năng nổ…Tuy nhiên, trong thời đại nầy, với Hòa Nghĩa, Hòa Yên hay với bất cứ xứ nào cũng đều khó nâng lên…Đó cũng là nỗi buồn của các người mục tử…

Ở Hòa Yên, một cụ già, trở lại đạo 40 năm, sống rất tốt, rất mẫu mực nói với tôi: ”Khi còn bên lương, cha mẹ nhắc chúng con sống tốt. Chỉ có thế. Con vào đạo, con thấy lời Chúa thật đẹp, các cha giảng thật hay…nhưng người giáo dân vẫn chưa tốt.” Nỗi buồn là ở đó. Khi tôi đi Pháp, ông bệnh và nói với tôi: “Cha còn phép gì thì ban cho con hết đi. Con nghĩ khi cha về, con không còn nữa đâu.” Và đúng là như thế. Ông đã yên nghỉ trong Chúa khi tôi chưa về VN. Đây là một mẫu gương sống đạo tốt mà tôi luôn nhớ.

Về Thanh Hải, một xứ đạo sầm uất, khá sâu sắc, nhưng không thiếu những người sống bình bình…Tôi viết 190 BÀI CA LỜI CHÚA, tôi viết 2 tập LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH cho giáo dân Thanh Hải của tôi… Những thứ đó được đón nhận, nhưng cuộc sống đạo vẫn còn một cái gì đó chưa thực sự là công giáo 100% theo kiểu nói của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Đành rằng không thể mọi người đều tốt, nhưng là công giáo, chúng ta phải cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày.

Nay tôi ở Ngọc Thủy gần một năm rưỡi. Tôi làm những điều cần thiết để cho giáo dân tốt hơn. Tôi sống đơn giản, ở với giáo dân không đến nỗi tệ, cố gắng giảng ngắn gọn dễ nghe, thánh lễ nhanh gọn nhưng không cẩu thả…Tôi vẫn mong cho họ tốt hơn, nhưng hình như cha nói cha nghe…Đây là nỗi buồn lớn nhất của đời linh mục. Và lối sống nầy hình như là bệnh của con cái Chúa trong các xứ đạo, nhất là những xứ đạo lâu đời.

Tôi vẫn nói với giáo dân Hòa Yên, Hòa Nghĩa, Thanh Hải, Ngọc Thủy…và những nơi tôi dâng lễ cách nầy cách kia: Tôi lo ngại vì người công giáo phải trả nhiều cho Chúa, đấng đã ban cho chúng ta thật nhiều: Chúa ban cho chúng ta lời Chúa, sức mạnh của Mình Thánh Chúa. Chúng ta được dạy dỗ nhiều từ đạo đến đời, được dạy dỗ mỗi ngày, suốt đời… Chúa đã nói “Ai được ban nhiều thì phải trả lại nhiều”. Tôi buồn vì con cái Chúa chưa tốt như lòng Chúa ước mong, trong đó có cả tôi, người cần phải xét mình mỗi ngày.

NIỀM VUI

Đời Linh mục vui vì có nhiều gia đình, nhiều anh chị em, nhiều ông bà cha mẹ. Đến xứ nào thì xứ đó là một gia đình. Xét về liên hệ con người, tôi là con, là cháu của những cụ ông cụ bà lớn tuổi, dù tôi không có liên hệ ruột thit. Xét về mặt tinh thần, tôi là cha, là cố của giáo dân xứ tôi. Rất an ủi trong các mối liên hệ nầy. Có hai chị em gái, khoảng 5, 6 tuổi nói với tôi: “Sau lễ, con dẫn ông cố về tận phòng rồi con mới về. Ông cố có chịu không?” Và sau lễ, hai em dẫn tôi về phòng, chạm vào cửa của phòng tôi, chúc tôi giữ gìn sức khỏe rồi chào tôi và ra về. Đời vui đấy chứ…

Năm 1975, tôi làm cha phó Hòa Nghĩa. Lúc đó, tôi 27 tuổi. Tôi ra đường, các em chào tôi là ông cố. Tôi xấu hổ lắm vì mình còn quá trẻ. “Ông cố” thường dùng để chỉ các cố Tây ngày xưa, có râu. Tuy nhiên, các cha mẹ lý giải thế nầy: Chúng con gọi cha là cha thì con cháu phải gọi cha là ông cố. Nay, linh mục 66 tuổi, mỗi lần được các em gọi là ông cố thì thích lắm và cảm thấy “thân tình, gần gũi” như người trong nhà. Đó là một niềm vui. Hơn nữa, là Linh Mục, dù đến nơi đâu mà gặp người công giáo thì coi nhau như người nhà. Vui thật, oai thật và sướng thật.

Đời Linh mục không có nhiều tiền (nhưng khá hơn các sơ rất nhiều lần. Tôi vẫn kính trọng và thương các sơ vì sự nghèo ấy). Tuy nhiên, khi xây dựng thì vẫn có tiền. Đó là tiền đi xin giáo dân trong xứ và ngoài xứ…Họ sẵn sàng giúp đỡ. Cả những người tôi không được trưởng Giáo họ ở các xứ khác dẫn vào nhà vẫn tìm bì thư gởi tiền cho cha, vì biết cha đang cần. Đó là tấm lòng của giáo dân và đó cũng là niềm vui của đời Linh Mục.

Mới đây, có người hỏi tôi là cha có hạnh phúc trong đời Linh Mục không? Câu hỏi thật đúng lúc. Thời gian gần đây, tôi nghĩ về cái chết và tôi tỏ ra chấp nhận ý Chúa, vì tôi biết chấp nhận cũng chết mà không chấp nhận thì cũng phải chết. Vậy chấp nhận vẫn an tâm hơn, hợp ý Chúa hơn…

Lúc nầy đây, tôi thích làm các DVD về các bài hát của tôi, mục đích là nói về Chúa, về những bài học Chúa dạy. Tôi thích đi dâng lễ, nếu được yêu cầu, hay tôi tự yêu cầu được đến dâng lễ, để giảng về Chúa. Tôi hạnh phúc khi bài giảng của tôi có một chút âm vang nào đó, không hẳn vì tôi, nhưng trước hết là cho Chúa.

Tôi vui vì đã dạy được một số bạn tân tòng: Có khi dạy theo lớp, theo nhóm, có khi dạy một người. Tôi vẫn nói chơi “Cha dạy tụi con để đổi bầu không khí.” Có trai có gái ngồi học cũng vui đời. Có áo trắng áo màu cũng vui mắt. Rửa tội xong, cha con dẫn nhau đi nhậu một chầu rẽ tiền. Hết khóa học, cha con lại dẫn nhau nhậu lần hai để nhận chứng chỉ.

Trong những ngày tháng gần đây, Đức Cha, các cha, và giáo dân khen tôi khỏe. Tôi khỏe không phải vì ăn uống, vì tôi ăn uống rất đơn sơ, nhưng tôi khỏe có lẽ vì tôi bình an trong tâm hồn: Nếu Chúa gọi thì tôi xin vâng. Được rao giảng lời Chúa là điều vui. Có thời giờ để dạy Giáo Lý cũng là điều tốt. Và tôi vẫn cố gắng sống tốt đời Linh mục vì tuổi đời không còn trẻ…

Nói tóm lại, cho đến lúc nầy, tôi cảm thấy hạnh phúc về đời Linh mục của tôi.

LỜI CUỐI

Tại sao tôi lại nói đời Linh mục của tôi là vui, là hạnh phúc.
Tôi ước muốn chính tôi phải cố gắng sống xứng đáng là Linh Mục của Chúa. Tôi cũng ước muốn giáo dân cách riêng và con cái Chúa cách chung phải sống tốt lời Chúa. Nhiều khi các cha giảng mỏi miệng mà giáo dân cứ thờ ơ nên buồn. Điều lớn sửa chưa được thì không buồn lắm, ví như hôn nhân lộn xộn, rượu chè cờ bạc, đánh nhau… Điều nhỏ xíu mà không sửa được thì buồn hơn. Ví dụ: Chỗ ngồi trong nhà thờ. Đến nhà thờ mà cứ ngồi phía sau, ngồi ngoài nhà thờ để trống phía trước. Ngoài nhà thờ hoặc ở nhà thì nói như la làng mà vào nhà thờ thì ngậm câm như hến…Tình trạng nầy có lẽ giáo dân ở đâu cũng vấp phải. Ý thức một chút đi, thông cảm một chút đi, tích cực với Chúa hơn một chút đi, biết nghe, biết hiểu một chút đi…thì đời vui hơn và là an ủi lớn cho các Linh mục.

Tôi không nói người công giáo xấu. Có người khẳng định với tôi là người bên lương tốt hơn người công giáo. Không đâu và không bao giờ. Đối với tôi, người công giáo, dù có những thiếu sót, nhưng họ vẫn tốt, vẫn dễ thương. Đạo công giáo là đạo chung cho mọi người không trừ một ai. Vào đảng, người ta xét lý lịch 3 đời mà có được mấy đảng viên chân chính. Vào đạo công giáo thì không xét lý lịch. Một người mang tội giết người, ở tù về và xin học đạo. Chúng ta phải dạy đạo cho họ. Chúng ta không được lý luận: “Cha anh giết người ở tù, anh cũng giết người ở tù về…bây giờ anh vào đạo, có thể anh sẽ giết người thì làm cho đạo Chúa thêm xấu…” Chúng ta cứ dạy cho họ biết Chúa và Chúa sẽ dẫn dắt họ. Còn những người công giáo khác chưa tốt. Họ chưa tốt, nhưng nếu họ không theo đạo, không được lời Chúa soi sáng, không được Mình Thánh Chúa nâng đỡ thì họ xấu đến gấp ngàn lần hơn. Đa số người công giáo rất tốt… Thế cũng là vui, cũng an ủi và hạnh phúc cho đời Linh Mục đấy chứ.

Nói tóm lại, tôi đang vui, đang hạnh phúc về đời Linh Mục của tôi, dù tôi còn nhiều thiếu sót, dù con cái Chúa vẫn còn nhiều điều cần phải chỉnh đốn, tôi vẫn vui.

Con hết lòng cảm tạ Chúa, Đức Mẹ và các thánh. Xin cảm ơn cha mẹ, anh chị em, các cha giáo, các thầy cô và những người đã cùng sống với tôi, cầu nguyện và nâng đỡ tôi…
Lm. Mi Trầm. GX, Ngọc Thủy, Nha Trang.

Kỷ niệm 38 năm Linh mục

(7.9.1975-2013)