Hội Thừa Sai Paris (Nguyễn Kim Ngân chuyển ngữ)

HỘI THỪA SAI PARIS

  (LA SOCIÉTÉ DES MISSIONS ÉTRANGÈRES DE PARIS)

* P. Raymond Rossignol

 

Nhân kỷ niệm 55 năm thành lập TCV Sao Biển Nha Trang, tôi dịch bài này từ bản tiếng Pháp của cha R. Rossignol nhằm tưởng niệm và tri ân các cha thừa sai MEP, nhất là những ân sư đã từng dạy chúng tôi tại TCV Sao Biển và tại trường Thiên Hựu (Huế).

Đó là các cha giáo Joseph Clause, Pierre Jeanningros, Louis Lagrange, Nédelec, Michel Gervier, Albert Mollard, Paul Pouclet, Jean Dominique Hirigoyen, Joseph Larroque, Georges Lefas, Modeste  Duval, Jean Oxarango, Mary-Georges Cressonnier….

KN59,

 

I.Cái nhìn bao quát về lịch sử

Đa số các tu hội và các hội hoạt động tông đồ sống được là nhờ vào nhân cách, sự nhiệt tình, quan niệm và hồng ân của một nhà sáng lập được biết rõ. Trường hợp của Hội thừa sai Paris lại hoàn toàn khác hẳn.

(MEP). Đúng vậy, ba con người đóng vai trò quyết định trong việc thành lập tổ chức của Hội truyền giáo đầu tiên quy tụ các linh mục của giáo phận. Nhưng trước khi nói đến những người mà chúng ta xem như là, không phải không có lý do, những người sáng lập của học viện truyền giáo này, điều quan trọng là nên nhắc lại tình hình của công cuộc truyền giáo ở Á Châu vào thế kỷ XV. Trên thực tế, ba vị khâm mạng tòa thánh phúc đáp lại lời kêu gọi phát xuất từ Châu Á, nối kết với những ưu tư lo lắng của Tòa thánh ở La Mã và được giới thiệu cho những nhóm công giáo nhiệt tình ở nước Pháp.

1-Cái nhìn về công cuộc truyền giáo tại Á Châu vào thế kỷ 17

Theo hiệp ước Tordesillas (1494) mà Đức giáo hoàng Alexandre đã ký kết với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cả hai thế lực này có nhiệm vụ khuyến khích việc rao giảng Tin Mừng trong những vùng lãnh thổ mới do các nhà hàng hải đã khám phá hoặc sẽ khám phá. Nếu hiệp ước này trao cho các nước trên một độc quyền nào đó về việc tổ chức hoặc hoạt động truyền giáo trong các vùng đó, họ cũng buộc phải có trách nhiệm khuyến khích việc truyền giáo ở đó.

Bồ Đào Nha, một nước nhỏ vào thời kỳ đó chỉ có hơn một triệu rưỡi dân cư, được  trao trách nhiệm tổ chức việc truyền giáo tại Á Châu. Bằng việc mời gọi các tu sĩ, cho dù có phải người Bồ hay không, quốc gia bảo đảm cho các nhà truyền giáo việc đi lại miễn phí trên các tàu bè, một phương tiện hổ trợ và những quà tặng khác nhau nhằm xây dựng các thánh đường, nhà ở, v.v. Cho dù ngày nay chúng ta xem như là sự lệch lạc việc thông đồng như thế giữa quyền hành « thuộc địa » và việc phổ biến Tin Mừng, tình thế buộc phải nhận định rằng chính trong khuôn khổ « bảo trợ của Bồ Đào nha » mà những khuôn mặt truyền giáo vĩ đại đáng chú ý như thánh François Xavier, Matteo Ricci, De Nobili và các vị khác thực hiện công việc tông đồ, những cộng đoàn kitô hữu đông đảo được thiết lập. Vào cuối thế kỷ 16, tại Goa đã có một tòa tổng giám mục dành cho các phó giám mục Cochin, Malacca, Macao et Funai.

Vì thế tòa thánh không thể luôn thỏa mãn với sự lệ thuộc quá đáng này vào các vua chúa thuộc bán đảo ibê-ric và cảm thấy có nhu cầu bắt tay trực tiếp hơn vào việc tổ chức hoạt động truyền giáo tại Á Châu. Chính vì mục đích này mà Hội truyền bá đức tin đã được thành lập vào năm 1622.

Lời kêu gọi xuất phát từ Châu Á

Vào thế kỷ 17, nhiều cộng đoàn kitô hữu Á châu gánh chịu những cơn bách hại khủng khiếp. Giáo hội Nhật Bản có khoảng 400 ngàn kitô hữu bị bách hại. Cộng đoàn kitô hữu Việt Nam lúc bấy giờ đã chứng tỏ một tính cách năng động đáng chú ý. Chỉ trong một vùng ở Bắc bộ, tính ra có đến mười lăm ngàn người lớn được rửa tội mỗi năm. Cần phải có nhiều linh mục mới tạm đủ lo cho họ, bởi vì những cộng đoàn kitô hữu mới này thường xuyên trở thành nạn nhân của những cuộc bách hại đẫm máu. Các nhà thừa sai ngoại quốc lúc bấy giờ cũng bị xử tử hoặc bị trục xuất, và các tín hữu lại rơi vào hoàn cảnh không có linh mục.

Một linh mục Dòng Tên gốc Pháp, cha Alexandre de Rhodes, đã bị trục xuất khỏi Việt Nam đến năm lần. Đó là một nhà truyền giáo vừa nhiệt tình vừa rất có tài năng. Nhờ những biệt tài về ngôn ngữ, không những cha đã học tiếng Việt Nam nhưng cha còn khai sinh một bảng chữ cái cho phép viết ngôn ngữ này bằng chữ cái La Mã. Cha biết có biết bao kitô hữu đã phải chịu đau khổ vào thời kỳ bách hại. Một trong số các thầy giảng của cha đã bị chặt đầu trước mặt cha.. Cha hiểu rằng bài học duy nhất để bảo đảm sự tồn vong và sự phát triển những cộng đoàn non trẻ này là phong chức linh mục cho người bản xứ, trong thời kỳ bách hại, họ có thể trốn tránh một cách dễ dàng hơn các nhà truyền giáo ngoại quốc và sẽ không bị trục xuất. Cha đến La Mã và thỉnh cầu gửi sang Việt Nam không những các nhà thừa sai  nhưng còn cả những giám mục để có thể phong chức cho các linh mục người Việt.

Ở La mã, cuộc vận động của cha Alexandre de Rhodes được tiếp đón nồng nhiệt.

Hội đoàn mới phụ trách công cuộc truyền bá đức tin chăm chú và hết sức quan tâm lắng nghe cha Alexandre de Rhodes . Thực ra, lời thỉnh cầu của cha tiếp nối với sự lo lắng của Tòa thánh. Tuy nhiên, Tòa thánh phải tránh không đụng chạm đến tính hay tự ái – ngày nay chúng ta gọi là « các quyền được hưởng » – của các vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hơn nữa, La Mã không có sẵn nhân lực, khả năng về tài chính cũng như phương pháp phương tiện cần thiết để gửi các nhà thừa sai đến Á Châu, bảo đảm cho họ những phương tiện sinh sống và nâng đỡ các hoạt động tông đồ (Công việc của Hội Truyền bá đức tin chỉ khai sinh vào năm1822 !). Thư ký đầu tiên của Hội, Đức cha Ingoli, rất nhiệt tình và sáng suốt. Cha gửi những thỉnh nguyện thư khác nhau cho các vị bề trên tổng quyền của các dòng tu. Cha soạn thảo nhiều bản báo cáo trong đó cha phàn nàn về số thừa sai quá ít, sự thiếu vắng hàng giáo sĩ địa phương, việc nhúng tay của chính quyền thế tục vào những vấn đề tôn giáo và nhất là tình trạng không thể phổ biến những quyết định của Tòa thánh mà không có « chiếu biểu » của Madrid hoặc của Lisbonne. Tóm lại ! Tu hội La Mã ý thức nhu cần cần thiết phải điều chỉnh một vài điều bất thường trong tổ chức hoạt động truyền giáo tại Á Châu, nhưng đáng tiếc, tu hội không có những phương tiện cho những mục tiêu của mình !

Cha Alexandre de Rhodes trải qua ba năm ở La Mã. Người ta không phản đối tính hợp pháp trong đơn thỉnh cầu của cha, vả lại lời thỉnh cầu cũng xác nhận việc đánh giá mà tu hội mới đã làm về các nhu cầu của hội truyền giáo tại Á châu. Tuy nhiên, Tòa thánh vẫn không làm cho cha hài lòng, chủ yếu vì những phản ứng có thể tiên liệu của các vị vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sự ủng hộ của họ trong việc tiếp tục hoạt động truyền giáo trong các lãnh thổ mới được xem như tuyệt đối cần thiết. Năm 1652, cha Alexandre de Rhodes lên đường đi Paris, nơi theo như người ta cho cha biết, cha sẽ có thể tìm được sự giúp đỡ.

Những người công giáo Pháp lắng nghe lời kêu gọi của cha Alexandre de Rhodes.

Đến Paris, cha Alexandre de Rhodes được giới thiệu tiếp xúc với Hội Thánh Thể, một hội đoàn được thành lập năm 1630 do Henri de Lévis, công tước de Ventadour, và đã thâm nhập trong bốn mươi thành phố của nước Pháp. Hội quy tụ các giáo dân và các giáo sĩ có ảnh hưởng to lớn trong xã hội. Trong số các thành viên của hội, có những người thuộc giai cấp quý tộc (bá tước, hầu tước, công tước), các thẩm phán, giám mục, các đan viện trưởng. Hội mưu tìm trước nhất sự phát triển về mặt tinh thần của các hội viên, nhất là bằng việc sùng kính Thánh Thể; nhưng hội cũng đề ra cho họ đủ mọi thứ công tác: săn sóc bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo, thăm viếng tù nhân, huấn luyện tâm linh cho các kitô hữu, v.v. Hơn nữa, hội cũng đã nghĩ đến việc thành lập các chủng viện để đào tạo các nhà truyền giáo cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại các quốc gia xa xôi. Cho đến lúc bấy giờ, hội đã tiến hành những cuộc vận động khác nhau theo chiều hướng này nhưng không thành công.

Những hội viên của Hội rất quan tâm đến báo cáo của cha De Rhodes về những nhu cầu của các Giáo hội Á châu và kế hoạch của cha. Lời kêu gọi này công nhận những nhu cầu đó phù hợp với kế hoạch hợp pháp của họ. Vả lại, nhờ địa vị xã hội và những mối quan hệ của họ với những chức trách cao nhất của vương quốc, chắc chắn họ sẽ có thể tìm được những nguồn tài chính cần thiết để thực hiện kế hoạch này.

Cha de Rhodes cũng có cơ hội tiếp xúc với một nhóm các giáo sĩ trẻ, thành viên của một hội khác có tên là « Những người bạn tốt ». Thực ra, đó là những sinh viên, họ chưa có sẵn những nguồn tài chính lớn và những mối quan hệ quan trọng, nhưng họ biểu lộ nhu cầu sống chung hoặc thường xuyên gặp gỡ dưới sự hướng dẫn của một cha dòng Tên khác, cha Bagot, để « phát triển đời sống tinh thần trong tình bạn ». Họ cũng cảm thấy được thôi thúc một cách sâu xa bởi lời kêu gọi của nhà truyền giáo bị trục xuất khỏi Việt Nam, và một vài người trong số họ sớm tình nguyện lên đường đến Á Châu.

Nhiều cuộc vận động bắt đầu tiến hành rất nhanh bên cạnh các nhân vật khác nhau ở Pháp và La Mã. Người ta thành lập các ủy ban, chuẩn bị các hồ sơ và chọn lựa các ứng viên.Hội đồng giáo sĩ Pháp ủng hộ những sáng kiến này. Các kế hoạch được soạn thảo và nhiều người có trách nhiệm đến La Mã nhiều lần để bảo vệ các sáng kiến trên và đề xuất những bảo đảm nâng đỡ cho công cuộc tông đồ này. Tất cả những việc làm này dẫn đến việc bổ nhiệm vào năm 1658 ba vị khâm mạng tòa thánh cho Á châu: Đức Cha François de Laval Montmorency, Đ.C François Pallu và Đ.C. Lambert de La Motte. Nhưng cuối cùng Đức cha François de Laval Montmorency được bổ nhiệm làm khâm mạng tòa thánh tại Canada – nơi mà ngày nay ngài được tôn kính như là người sáng lập chính của Giáo hội trong quốc gia này. Để thế chỗ của cha ở Á Châu, một vị khâm mạng khác được chỉ định năm 1660: Đức cha Ignace Cotolendi.

Chính ba vị khâm mạng tòa thánh (ĐC François Pallu, ĐC Lambert de La Motte và ĐC Ignace Cotolendi) là những người được xem như những nhà sáng lập Hội MEP. Chính các ngài đã điều hành ba toán linh mục giáo phận đầu tiên (và các giáo dân!) lên đường sang Á Châu. Chính các ngài, đặc biệt là vị đầu tiên, François Pallu, là những người đã đặt những cột mốc cho việc tổ chức Hiệp hội đầu tiên gồm các linh mục giáo phận để phục vụ công cuộc truyền giáo hải ngoại.

Tuy nhiên điều hết sức quan trọng cần nhấn mạnh là tất cả các cuộc vận động này được tiến hành một phần là nhằm đáp ứng lại lời kêu gọi khẩn thiết xuất phát từ Châu Á và phần khác, một số các tín đồ công giáo Pháp (linh mục và giáo dân) đã hiểu rõ sự cần thiết phải dấn thân phục vụ công cuộc truyền giáo ở nơi khác. Trước khi đề cập đến « đời sống tinh thần truyền giáo », chúng ta cũng nên lưu ý những cố gắng của các thành viên của « Hội Bí tích Thánh Thể » và « Những người Bạn Tốt » nhằm phát triển đời sống tinh thần dẫn đến nhận thức về những trách nhiệm truyền giáo như thế nào.

2. Thành lập Hội Thừa Sai Paris

Những chỉ dẫn dành cho các khâm mạng tòa thánh

Như tên gọi nêu rõ , khâm mạng tòa thánh là người được Đức Thánh Cha ủy nhiệm. Chức vụ không phải mới mẽ. Ngay từ thế kỷ thứ  IV, người ta gọi khâm mạng tòa thánh là một vị giám mục được giao nhiệm vụ thăm viếng một giáo phận nhân danh Đức Giáo Hoàng La Mã. Vào thế kỷ XII, từ ngữ không còn chỉ người đi thăm viếng nhưng là người cai quản một giáo phận do Đức Thánh Cha ủy quyền, với tước hiệu tạm thời. Vào thế kỷ XVII, các Đức khâm mạng tòa thánh được bổ nhiệm tại Hòa Lan và điều này được tiến hành cho đến khi tái lập hàng giáo phẩm vào năm l853.

Sự trực thuộc của một vị khâm mạng thuộc tu nghị đối với Giáo hoàng có tính cách trực tiếp hơn sự trực thuộc của một giám mục tông tòa. Không có gì ngạc nhiên khi Tòa thánh đã trao cho những khâm mạng tòa thánh đầu tiên được sai đến Á châu những chỉ dẫn chính xác.

Những chỉ dẫn đã được chuẩn bị rất lâu, được các hồng y duyệt lại  và được thị thực bởi thư ký của Hội truyền bá đức tin. Chúng được gửi đến Paris ngày 10 tháng mười một năm 1659 và  được chia thành ba chương.

Chương đầu tiên đưa ra những biện pháp cần thực hiện trước khi lên đường: các vị khâm mạng tòa thánh phải bổ nhiệm những người đại diện , những người này có nhiệm vụ tìm những người tình nguyện khác để tiếp bước các nhà truyền giáo đã ra đi và những nguồn tài chính nhằm hổ trợ cho công việc tông đồ.

Chương hai chứa đựng những chỉ dẫn có liên quan đến chuyến đi: Họ được khuyên đi bằng đường bộ, tránh những vùng có những người Bồ Đào Nha và gửi về La Mã những báo cáo về tình hình Giáo hội trong những nước mà họ đã đi qua.

Chương ba liên quan đến hoạt động của các khâm mạng tòa thánh sau khi đến Á Châu. Ngoài những nhiệm vụ khác, các ngài phải xem việc thăng tiến hàng giáo sĩ địa phương như tuyệt đối ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên cũng nên biết rằng bất cứ sự tấn phong giám mục nào cũng không thể được xem xét nếu không tham khảo trước tiên với Tòa thánh La Mã.

Nhưng chương này cũng chứa đựng những chỉ thị được soạn thảo theo điều mà ngày nay chúng ta gọi là « hội nhập văn hóa ». Chẳng hạn như chúng ta đọc thấy: « Không nên tỏ ra quá sốt sắng đề xuất bất cứ lý lẽ nào để thuyết phục các dân cư thay đổi những lễ giáo, phong tục tập quán của họ, trừ khi chúng đi ngược lại với tôn giáo và luân lý. Thật không có gì phi lý hơn là chuyển nước Pháp, Tây ban nha, Italia hoặc một nước nào khác thuộc Châu âu đến cho người Trung Hoa? Không nên đưa vào nơi họ đất nước chúng ta, nhưng đưa vào đức tin, đức tin này không chối bỏ và làm tổn thương các lễ nghi và các phong tục của bất cứ dân tộc nào miễn là chúng không đáng ghét, nhưng hoàn toàn ngược lại, đức tin mong muốn người ta gìn giữ và bảo vệ chúng (…) ». Trong những trang tiếp theo, các nhà truyền giáo được yêu cầu tránh đưa ra những so sánh với xứ sở gốc của họ, nhưng quan tâm chú ý đến những giá trị mà họ có thể khám phá và « thán phục, ca ngợi điều gì đáng khen ngợi ».

Tuy nhiên, những chỉ dẫn này chứa đựng một mệnh lệnh khác chỉ thị cho các khâm mạng tòa thánh phải hỏi ý kiến La Mã đối với bất cứ quyết định nghiêm trọng nào: « Không được giải quyết bất cứ vụ việc quan trọng nào mà không có sự ủy nhiệm của Tòa thánh, và nên viết báo cáo cho Tòa thánh sự việc các chư huynh sẽ làm, trong việc hoàn thành trách nhiệm, tùy theo các trường hợp (…) ». Thật đáng tiếc, trong nhiều trường hợp, chỉ thị cuối cùng này đã làm cho những khuyến cáo ban đầu trở nên lãng phí. Chẳng hạn như, ĐC François Pallu và ĐC Lambert de la Motte không bao giờ nhận được giấy phép cử hành phụng vụ bằng tiếng Trung Hoa. Người ta trả lời cho các ngài rằng các linh mục Trung Hoa ít ra có thể đọc được tiếng la tinh, cho dù họ không thể hiểu nó! ĐC Lambert de la Motte không được cho phép  các ki tô hữu ăn thịt trong những cuộc lễ quan trọng được tổ chức ở Châu Á vào dịp  « Tết Nguyên Đán » địa phương, nếu những lễ lạc này rơi vào ngày thứ sáu hoặc trong Mùa Chay, bởi vì các lễ lạc này « không liên quan gì đến Giáo hội và không biểu hiện bất cứ mầu nhiệm nào của niềm tin Kitô giáo!” Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha Laneau bị khiển trách bởi vì họ đã cho phép các nhà truyền giáo ăn mặc như các nhà sư Phật giáo.!

Nếu lùi lại thời gian, chúng ta chỉ có thể thán phục sự sáng suốt và những nguyên tắc truyền giáo học của các tác giả viết ra những chỉ thị dành cho các khâm mạng tòa thánh, nhưng dĩ nhiên, một quan niệm như thế về hoạt động truyền giáo không được san sẻ bởi toàn thể thành phần của giáo triều lúc bấy giờ.

Những chuyến đi cực kỳ nguy hiểm

Một số tương đối cao những ứng viên được đề nghị tháp tùng các khâm mạng Tòa thánh và giúp đỡ các ngài trong nhiệm vụ: các linh mục, nhưng cũng có những giáo dân. Hai linh mục và sáu giáo dân lúc đầu đã được giữ lại và sau đó được xem là không thích hợp. Cuối cùng mười bảy người (ba giám mục, mười một linh mục và ba giáo dân) dấn thân vào cuộc phiêu lưu truyền giáo mới mẽ này.

Mặc dù La mã khuyến khích họ đi bằng đường bộ, trong thời gian đầu, các khâm mạng tòa thánh cố gắng tìm được những  tàu thủy để đến Châu Á bằng cách đi vòng qua Châu Phi. Sau khi thất bại, họ khởi hành từ Marseille hướng đến đảo Malte và Syrie rồi tiếp tục chuyến du hành bằng đường bộ.

ĐC Lambert de La Motte, cùng với hai linh mục tháp tùng, rời khỏi nước Pháp vào tháng sáu năm 1660. ĐC Cotolendi, đi cùng với hai linh mục và một giáo dân lên đường vào tháng sáu năm 1660. ĐC Pallu, cùng với bảy linh mục và hai giáo dân lên đường ngày 3 tháng giêng 1662. Tóm lại, có tất cả mười bảy nhà truyền giáo rời nước Pháp để đến Châu Á. Tám vị đã từ trần trên đường đi. Trong số họ, ĐC Cotolendi được an táng trên bờ biển phía đông Ấn Độ. Sau khi được tin về cái chết của ĐC Cotolendi và nhiều vị truyền giáo khác, ĐC Pallu, khi đó đang ở Ấn Độ, đã viết thư về Paris: « Vậy là chiếc cầu nối đã bắt đầu (…) Vô cùng hạnh phúc nếu như xương cốt của chúng ta, cũng như xương cốt của những người con yêu dấu chúng ta, có thể sử dụng làm những trụ cầu để củng cố và làm một con đường trọn vẹn mở ra cho các nhà truyền giáo can trường». Sau một cuộc hành trình dài hơn hai năm, mỗi người thuộc các nhóm trên có thể đến được Ayuthia, tại Tháï lan, một trong những địa điểm hiếm hoi mà ở đó những người ngoại quốc có thể xuống tàu an toàn.

Sau một cuộc hy sinh đã khiến cho các nhóm truyền giáo mất đi một nửa nhân sự như thế, điều cốt yếu là bảo đảm cho những bộ phận đến nơi an toàn.

Thành lập chủng viện truyền giáo. 

Phù hợp với những chỉ dẫn từ La mã, trước khi rời khỏi nước Pháp, các khâm mạng tòa thánh đã chỉ định những vị đại diện. Họ yêu cầu các đại diện thành lập một chủng viện để tiếp nhận những ứng viên mới cho công cuộc truyền giáo và chuẩn bị cho họ thích ứng với nhiệm vụ. Một vài vị đại diện là thành viên của Hội Thánh Thể, nhưng thực ra toàn thể hiệp hội đều san sẻ mối bận tâm này.

Nhiều cuộc vận động cuối cùng đã đạt đến kết quả là có một vài tòa nhà được xây dựng ở góc đường du Bac và đường Babylone hiện nay. Vả lại chúng đã được mua hoặc xây dựng bởi một giám mục của Babylone, ngài muốn biến chúng thành một « chủng viện dành cho các công cuộc truyền giáo! » Nhưng chính ngài cũng không thể đến được Babylone, lúc đó đã nằm dưới sự đô hộ của quân Thổ Nhỉ Kỳ, các tòa nhà hầu như trống vắng. Chúng được nhường lại cho các đại diện của các khâm mạng tòa thánh và trở thành « Chủng viện của Hội Thừa Sai», việc thành lập chủng viện này được vua Louis XIV phê chuẩn vào tháng bảy 1663, được giám mục sở tại, và cuối cùng được Tòa thánh La Mã chuẩn y ngày 10 tháng tám 1664.

Sự vươn lên của Giáo Hội Pháp

Theo thói quen, ngày thành lập chủng viện trên phố du Bac được giữ lại như là ngày thành lập Hội MEP. Những nhu cầu của các cộng đoàn ki tô hữu Châu Á và mong mỏi của Tòa thánh La Mã tham gia trực tiếp hơn vào hoạt động truyền giáo trên lục địa này đóng vai trò rất quan trọng trong những sáng kiến khác nhau đối với việc khai sinh Hội MEP. Tuy nhiên, những biện pháp cụ thể của các nhóm Công giáo nhiệt thành của Pháp cũng đã góp phần vào việc đó. Giáo hội Pháp nói chung, thông qua « Hội đồng giáo sĩ », không những hổ trợ những cuộc vận động khác nhau này nhưng còn trợ cấp đến sáu ngàn livre – một số tiền khá lớn lúc bấy giờ – cho các khâm mạng Tòa thánh mới.

Hơn nữa, các linh mục bắt đầu phục vụ cho các vị sau này là những linh mục của giáo phận được các giám mục Pháp sử dụng cho công cuộc truyền giáo ở nước ngoài. Cho đến năm 1840, chỉ có các linh mục hoặc các phó trợ tế trong giáo phận gốc mới được thu nhận vào chủng viện trên phố du Bac. Người ta từ chối rất nhanh chóng – có lẽ quá nhanh chăng ? – tiếp nhận các giáo dân bởi vì tình trạng thiếu kiên trì của họ.

Điều chính đáng là xem Hội MEP như là một sự vùng lên của Giáo hội Pháp. Về phần mình, các nhà truyền giáo MEP có ý thức họ được Giáo hội gốc sai đi. Trong phạm vi có thể, họ luôn liên lạc thư từ với giáo hội gốc, và mong chờ sự giúp đỡ của giáo hội về phương diện tinh thần, ngay cả những sự giúp đỡ về tài chính.

3. Hơn ba thế kỷ hoạt động truyền giáo.

Dĩ nhiên chúng ta không thể phác họa lại ở đây, cho dù ngắn gọn, lịch sử của 340 năm hoạt động truyền giáo. Tuy nhiên chúng ta có thể nhắc lại những thời kỳ đầu hết sức khó khăn của Hội MEP, nhắc đến tổ chức, nhấn mạnh những mục tiêu chính của hội và chỉ ra những biện pháp quan trọng nhất mà hội sử dụng để đạt được kết quả.

  Những trách nhiệm về lãnh thổ của các khâm mạng tòa thánh.

Trước khi rời khỏi Châu Âu, ĐC Pallu đã được bổ nhiệm làm khâm mạng tòa thánh tại Bắc kỳ và coi sóc năm tỉnh gần nhất của Trung hoa. ĐC Lambert de La Motte trở thành khâm mạng tòa thánh của Nam kỳ và coi sóc các tỉnh khác của miền nam Trung Hoa. Về phần ĐC.Cotolendi, ngài được bổ nhiệm khâm mạng tòa thánh của Nam Kinh và coi sóc miền tây Trung Hoa cũng như Mông Cổ và Triều Tiên!

Đến Thái Lan, hai vị khâm mạng tòa thánh vẫn còn khỏe mạnh và hiểu rằng họ không bao giờ có thể đảm trách được những trách nhiệm như thế. Một phần, các ngài không bao giờ có thể đi khắp hết những vùng này và phần khác, các ngài cần một nơi như Thái Lan – không được ghi vào trong các thư ủy nhiệm về lãnh thổ của họ – nơi họ có thể lưu lại an toàn và mở ra một chủng viện. Tòa thánh chìu theo quan điểm của họ và thay đổi phạm vi của những trọng trách: Các lãnh thổ của Thái Lan và Cam Bốt được ghi trong  quyền tài phán của các ngài, trong khi chỉ có phần đất phía tây Trung Hoa sẽ được rút ra khỏi thẩm quyền các ngài.

Chúng ta dễ dàng hiểu rằng thật khó đánh giá chính xác, từ La Mã hoặc Paris, những thư ủy nhiệm về lãnh thổ bao gồm những gì. Một vài bản đồ có sẵn ở Châu Âu vào thời kỳ đó, cho phép đánh giá gần đúng những khoảng cách địa lý. Nhưng không chỉ có những vấn đề khoảng cách. Còn có những bờ sông trên đó không người ngoại quốc nào có thể cập bờ, những quốc gia mà không có bất cứ nhà truyền giáo nào có thể vượt qua, v.v. Nắm rõ tất cả những điều này từ lục địa Châu Âu chắc chắn là điều không dễ dàng gì.

Thật đáng tiếc, cũng có những vấn đề khác đã không được Tòa thánh La Mã đánh giá chính xác. Các Đức khâm mạng được giả thuyết là có quyền trên tất cả các nhà truyền giáo đang làm việc tông đồ trong các lãnh thổ được ủy thác cho họ. Nhưng những nhà truyền giáo này cho đến lúc đó đã từng làm việc trong khuôn khổ của « quyền bảo trợ », đã không được thông tin về sự thay đổi này trong quy chế của họ và ít được tham khảo về đề tài này. Vì thế không có gì lạ khi một vài nhà truyền giáo từ chối công nhận thẩm quyền của những người mới đến! Đây là nguồn gốc của những xung đột đáng buồn trong nhiều năm.

  Tổ chức nội bộ của Hội MEP

Cho dù điều đó có thể gây bất ngờ, Hội MEP cũng đã vận hành trong hơn bốn mươi năm mà không có tài liệu viết tay nhằm điều hành tổ chức nội bộ của nó. Nội quy đầu tiên được soạn thảo năm 1710. Người ta nêu lại những mục tiêu chính của Hội và nhấn mạnh nhu cầu cần thiết  cho mỗi nhà truyền giáo quyết tâm hướng đến sự thánh thiện. Về vấn đề liên quan đến việc quản lý nội bộ, nói chung nội quy chỉ mô tả cách mà Hội đã vận hành cho đến lúc bấy giờ:

Đó là một « hiệp hội » hoặc « hội » của các linh mục giáo phận, được biên chế trong giáo phận gốc và được đặt dưới quyền sử dụng của Hội Truyền bá Đức tin, để họ có thể đi làm việc dưới sự hướng dẫn của các khâm mạng tòa thánh. Phải là linh mục, hoặc ít nhất phó trợ tế để được tham gia vào Hội.

Các khâm mạng tòa thánh điều khiển Hội theo cộng đoàn. Mỗi vị có một người đại diện ở Paris. Các vị đại diện này làm việc theo nhóm. Họ có phận sự bổ dụng cho các giáo phận khác nhau những nhà truyền giáo mới, và điều hành những nguồn tài chính. Bất cứ quyết định quan trọng nào, chẳng hạn như việc mở rộng những trách nhiệm về lãnh thổ của Hội, được đặt dưới sự tham khảo ý kiến của tất cả các thành viên của Hội.

Một thay đổi quan trọng đã diễn ra năm 1840, khi có quyết định chấp nhân những chủng sinh và đưa họ vào Hội. Số thành viên gia tăng. Vai trò của bề trên chủng viện Paris trở nên quan trọng hơn.

Rồi năm 1870, các khâm mạng tòa thánh lại tập trung về La Mã để dự công đồng chung Vatican, các ngài quyết định trong tương lai chính các ngài sẽ đưa ra những quyết định quan trọng mà không cần tổ chức việc lấy ý kiến của tất cả các thành viên của Hội. Hội trở thành gần như một hội đồng giám mục. Năm 1917, diễn ra việc ban bố Giáo luật và Hội được mời để bầu chọn một bề trên tổng quyền và chuẩn bị những Hiến Pháp, ít nhiều giống như hiến pháp của các dòng tu.

Ngày nay Hội MEP là một Hội đời sống tông đồ trong số nhiều hội khác. Các thành viên của nó vẫn là các linh mục giáo phận. Nhưng, giống như các tu sĩ, họ vẫn có các bề trên, các hội nghị và ngân quỹ riêng… điều này giải thích đôi khi họ được xem như một học viện tôn giáo.

  Những mục tiêu chính của các nhà truyền giáo MEP

Phù hợp với những chỉ dẫn, các khâm mạng tòa thánh quan tâm đến việc đào tạo các linh mục địa phương. ĐC Lambert de La Motte đến Thái Lan năm 1662. ĐC Pallu cũng đã đến với ngài năm 1664. Từ năm sau, trước khi rời nhau, các ngài đã cùng mở ở Ayuthia, một chủng viện nhằm đào tạo các linh mục cho tất cả các lãnh thổ được ủy thác cho các nhà truyền giáo MEP. Năm 1668, ĐC Lambert tấn phong cho hai linh mục đầu tiên được đào tạo trong chủng viện này. Thật đáng tiếc, vài năm sau đó, chính quyền Thái Lan bắt đầu bách hại những người kitô hữu và chủng viện buộc phải dời đi nơi khác. Trước tiên, chủng viện được chuyển đến Cam Bốt, rồi Ấn Độ và cuối cùng đến Penang, ở Malaixia nơi nó vẫn còn tồn tại cho đến hiện nay. Tiếp theo sau, các nhà truyền giáo MEP mở ra những tiểu và đại chủng viện trong những nước khác nhau. Năm 1850, họ điều hành 19 chủng viện. Năm 1900, 41. Năm 1939, 75. Rồi dần dần các giáo phận cũng như các chủng viện đều được giao lại cho các giám mục địa phương.

Mối quan tâm về việc đào tạo các linh mục địa phương được ghi trong một mục tiêu rộng lớn hơn: thành lập những giáo hội mới. Các nhà truyền giáo MEP đã góp phần vào việc thiết lập hơn một trăm giáo phận ở Á Châu. Đôi khi họ là những người tiên phong. Trong một vài trường hợp, họ xây dựng trên những nền tảng mà những người khác đã đặt ra. Cũng có khi nhiều học viện truyền giáo hoặc dòng tu làm việc chung trên cùng địa bàn. Khắp nơi, dù sớm hay muộn, các nhà truyền giáo MEP cũng được giúp đỡ rồi dần dần được thay thế bởi các linh mục sở tại.

Nói cho đúng ra không có bất cứ cộng đoàn kitô giáo nào có thể hình thành mà không có sự can thiệp của Thiên Chúa hoặc…không có sự đáp ứng tích cực về phía dân chúng. Vì vậy thật hết sức mạo hiểm, về phía bất cứ học viện truyền giáo nào, khi đòi hỏi bất cứ thành tựu nào trong lãnh vực truyền giáo. Tuy nhiên điều không thể chối cãi là ngày nay có hơn một trăm giáo phận ở Á Châu, trong đó các nhà truyền giáo MEP đã góp phần vào việc truyền bá Tin Mừng và khai sinh những cộng đoàn Kitô giáo mới. Họ đã dạy giáo lý, mua đất đai, xây dựng nhà thờ, mở các trường học, các chủng viện, các bệnh viện và tất cả những cơ sở này đều thuộc về Giáo Hội địa phương.

 Sự trợ giúp không thể thay thế của các thầy giảng và các nữ tu.

Để đảm nhiệm những trách nhiệm mục vụ và cổ vũ việc rao giảng Tin Mừng trong môi trường không phải Kitô giáo, các nhà truyền giáo MEP dựa chủ yếu vào các thầy giảng và các nữ tu sĩ.

Vai trò không thể thay thế của các thầy giảng. Mặc dù có sự dấn thân tích cực vào công cuộc truyền giáo trong nước này hoặc nước kia, các nhà truyền giáo vẫn là những người ngoại quốc cho đến cuối cuộc đời họ. Không những họ gặp khó khăn về ngôn ngữ, mà còn gặp khó khăn về vấn đề văn hóa. Họ không thể tin chắc hiểu rõ hoặc được mọi người hiểu rõ… Đó là một trong những lý do mà các nhà truyền giáo thường ủy thác cho các thầy giảng đối với việc tiếp xúc lần đầu với những người ngoài Kitô giáo, cũng như việc dạy dỗ các tân tòng. « Một nhà truyền giáo không có các thầy giảng giống như một viên đại úy không có lính » một nhà truyền giáo đã viết như thế từ Ấn Độ vào thế kỷ trước.

Các thầy giảng thường là những người đàn ông. Nhưng các nhà truyền giáo hoàn toàn ý thức về nhu cầu cần thiết phải mời gọi các phụ nữ để truyền bá Tin Mừng và huấn luyện các kitô hữu. Chính vì thế họ sáng lập hàng chục dòng tu, các dòng tu này vẫn luôn tồn tại và phần lớn đều có được những nhân sự rất quan trọng. Từ năm 1670, ĐC Lambert de La Motte đã thành lập Dòng « Dòng các chị em Mến Thánh Giá », một dòng tu ngày nay vẫn rất sống động trong nhiều nước Châu Á và từ ít lâu nay ở Hoa Kỳ.

II. Phác họa chân dung nhà truyền giáo MEP trong các thế kỷ cuối cùng.

Có tham vọng phác họa chân dung nhà truyền giáo MEP thật là một việc làm khó tin. Đúng vậy, người nào nghiên cứu lịch sử của Hội, văn học và hồ sơ lưu trữ của nó đều nhanh chóng nhận thấy sự đa dạng về tiến trình, tính cách và những  hợp đồng tông đồ cụ thể. Có thể việc huấn luyện tôn giáo và đời sống cộng đoàn đóng góp phần nào vào việc thống nhất cách cư xử hoặc ít ra lối sống của các đan sĩ. Nhưng các nhà truyền giáo MEP không phải là các đan sĩ và phần đông sống một mình trong một môi trường muôn hình vạn trạng tùy thuộc vào các quốc gia và các hoàn cảnh. Tất cả những thứ đó có thể dẫn đến những lối sống khá đặc biệt và những cách cư xử rất độc đáo. Tuy nhiên người ta có thể phân biệt một số những niềm tin và những cách thức xác định điều nào phù hợp với toàn thể các thành viên của Hiệp hội này.

Trong số các nhà truyền giáo này có những vị thánh thực sự – và không chỉ có hai mươi vị thánh tử đạo đã được tôn phong -, những nhà thần bí, các nhân vật có ảnh hưởng lớn, các vị anh hùng. Tuy nhiên, nhìn chung các nhà truyền giáo của những thế kỷ qua không phải là những con người đặc biệt. Họ có những tài năng, nhưng họ cũng chịu đau khổ vì tất cả mọi thứ giới hạn. Họ có thể hết sức độ lượng, nhưng họ cũng có thể tỏ ra yếu đuối và cũng dễ bị tổn thương.

1. Họ là sản phẩm của nền văn hóa, của Giáo Hội gốc của họ, của việc đào tạo mà họ đã nhận.

Chúng ta nhận thấy nơi họ chẳng hạn một quan niệm tiêu cực về các tôn giáo không phải kitô giáo. Về vấn đề này, họ lệ thuộc một cách rõ ràng vào việc đào tạo mà họ đã đón nhận. Họ được dạy phải đi “cứu thoát các linh hồn”, giải phóng họ ra khỏi sự tăm tối vì lầm lạc, chống lại việc thờ ngẫu tượng và đa thần, v.v. Cũng thế, việc hoài nghi của họ đối với Tin Lành được giải thích bằng sự kiện là từ thời gian huấn luyện, người ta đã nghiêm khắc cảnh báo họ chống lại những lạc giáo.

Người ta cũng có thể khiển trách họ mặc cảm tự tôn nhất định, ít nhiều có ý thức đối với các nền văn hóa của châu Á, điều này có vẻ khó có thể chịu đựng đối với chúng ta hiện nay. Nhưng cũng đừng quên rằng họ chia sẻ thái độ của đa số những người Phương Tây trong vấn đề đó. Họ đã được đào tạo trong những trường học và trong những môi trường trong đó không ai hoài nghi tính cách ưu việt của nền văn minh Tây Phương. Thật đáng tiếc mọi người lại thừa nhận những người Tây Phương có sứ mạng mang những điều tốt lành của nền văn minh của họ cho những người chưa được khai hóa… Chắc chắn trong số các nhà truyền giáo, có những người có tầm hiểu biết sâu rộng, có thể thoát ra những tư tưởng hạn hẹp này. Họ không còn bị giam hãm bởi việc đào tạo mà họ từng đón nhận. Một vài người tỏ ra rất sáng suốt trong lĩnh vực này, nhưng nhiều lúc họ không được những người anh em truyền giáo noi theo và hơn nữa, họ còn phải lệ thuộc vào những vị bề trên đang ở Châu Âu…

2. Họ được khích lệ từ một đức tin sâu xa

Nói chung điều không thể chối cãi là các nhà truyền giáo này được thôi thúc bởi một đức tin sâu xa. Không phải sức quyến rũ của cuộc phiêu lưu hoặc khát vọng khám phá thôi thúc họ lên đường, họ xác tín rằng đức tin Kitô giáo là một quà tặng quý giá mà họ có nhiệm vụ truyền bá nó nơi các dân tộc thời bấy giờ không đến được với các chân lý của “tôn giáo đích thực”. Để làm được điều này, họ sẵn sàng thực hiện những hy sinh lớn lao nhất, kể cả hy sinh chính mạng sống mình. Họ biết họ đang mạo hiểm. Những chuyến du hành rất bất lợi và rất nguy hiểm và những điều kiện sinh sống tại Châu Á lúc bấy giờ rất cam go đối với những người Châu Âu.. Hơn nữa, nhất là có nguy cơ về những cuộc bách hại và tử vì đạo. Tất cả những liều lĩnh này được chấp nhận qua việc nhận thức rõ sự việc và với một đức tin lớn lao.

Nhiều người trong số họ lo lắng thực sự về sự thánh thiện cá nhân. Khi chúng ta đọc qua thư từ liên lạc trong kho lưu trữ của MEP, chúng ta có ấn tượng về tầm quan trọng đối với việc các nhà truyền giáo gắn bó với sự cầu nguyện và sự sám hối. Dù đúng hay sai, họ cho rằng một nhà truyền giáo thánh thiện chỉ có thể “thành công” trong những nổ lực của mình nhằm truyền bá Tin Mừng, và nhiều lúc họ quy những “thất bại” của họ cho việc khiếm khuyết về điểm này.

3. Họ có một nhận thức sâu sắc về Giáo Hội và có ý thức là «những kẻ được sai đi »

Các nhà truyền giáo không lao mình vào một cuộc phiêu lưu cá nhân. Họ biết liên kết với toàn thể Giáo Hội qua những mối quan hệ cộng đoàn, nhưng cũng phụ thuộc vào những thẩm quyền đã “gửi” họ đi. Họ nhận được một thư ủy quyền, hoặc trực tiếp từ Tòa th