Tính cách thời sự của Amos – Nguyễn Đức Khang 63

                 Tính cách thời sự của Amos

Nguyễn Đức Khang 63

Vào chừng giữa thế kỷ thứ Tám trước Thiên Chúa giáng sinh, một nông dân làng Tekoa, tên  Amos,  đã đến đền thờ  Bò vàng tại Beithel thuộc vương quốc Israel miền Bắc, hùng hồn lên tiếng cảnh báo từ vua đến dân về những tai ương đang xảy đến. Đó là thời điểm tác giả gọi là “hai năm trước cuộc động đất.” (Amos 1:1)

Nguyên văn câu Kinh Thánh lý thú đó như sau :

Lời của Amốt. Ông là một trong những người chăn cừu tại Tơcôa, ông đã thấy thị kiến liên quan đến Ítraen, dưới thời Uzziah làm vua nước Giuđa, và Giêrôbôam – con vua Giôsias – làm vua nước Ítraen, hai năm trước trận động đất.” ( Amos 1:1)

“Hai năm trước trận động đất.” (Amos 1:1)

Trước hết chúng ta xét đến phần cuối của câu này.

Rất hiếm có đoạn Kinh Thánh nào lại nhắc đến chính xác về một tai họa thiên nhiên lớn lao như thế.

Nhiều nhà khảo cổ vùng Trung đông đã cố công đào xới để tìm cho ra chứng cớ có một cuộc động đất đã thực sự xảy ra hay không ?

Tiến sĩ Steven A. Austin, Ph.D. , một nhà địa chất học kỳ cựu trong Hiệp hội các nhà khảo cứu Logos tại Santa Ana, CA,  nơi trang

http://www.icr.org/article/greatest-earthquakes-bible/  đã vẽ biểu đồ niên đại về các cuộc động đất lớn từng được ghi lại trong Kinh Thánh như sau :

Vào khoảng năm 750 trước Thiên Chúa giáng sinh, ngôn sứ Amos đã nói về “Ngày của Thiên Chúa” và về một cuộc địa chấn lớn. Đó là một cuộc địa chấn lớn có cường độ phỏng đoán chừng 8.2 độ Richter.

Các cuộc khai quật cho thấy nhiều đô thị thời kỳ Đồ Sắt, nằm ở địa tầng khoảng giữa thế kỷ thứ 8 trước TC, bị chấn động làm sụp đổ. Đáy Biển Chết cũng có những lớp trầm tích dày hai phân Anh, nằm sâu hơn đáy hồ 12 bộ, mang dấu tích của cuộc chấn động này. Các chuyên gia đoán rằng trung tâm địa chấn nằm ở vùng Lebanon .

Những chi tiết này cho thấy cuộc địa chấn Amos ghi lại là cuộc địa chấn lớn nhất trong lịch sử 4000 năm tại vùng Đất Thánh.

Cuộc động đất này đã thực sự ảnh hưởng mạnh lên văn chương Do thái.

Sau cuộc động đất, hầu như không có tiên tri nào, khi tiên báo về việc Thiên Chúa đến phán xử nhân loại, mà lại không nhắc đến động đất .

Sau biếc cố này vài năm, tiên tri Isaia đã viết về “Ngày của Thiên Chúa” như sau :

Người ta sẽ chui vào hốc đá, vào khe đất,
để tránh nỗi kinh hoàng ĐỨC CHÚA gây ra,
tránh oai phong lẫm liệt của Người,
khi Người đứng lên làm cho đất hãi hùng.
’ (Is 2:19)

Isaia còn thấy Thiên Chúa lộng lẫy trong đền thờ đang bị động đất làm cho rung chuyển:

Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù.” (Is 6:4)

Amos chương 1 câu 2 viết :

“Ông nói: Từ Xi-on, ĐỨC CHÚA gầm lên,
và từ Giê-ru-sa-lem, Người lên tiếng
;

đồng cỏ của mục tử nhuốm màu tang tóc,
đỉnh núi Các-men nay đã héo tàn.”

Joel lập lại gần như nguyên ý:

Từ Xi-on ĐỨC CHÚA gầm lên, từ Giê-ru-sa-lem tiếng Người vang dội,

trời và đất chuyển rung.” ( Joel 3:16)

Còn Micae tiên báo :

Quả thật, này ĐỨC CHÚA ra khỏi nơi thánh của Người, Người ngự xuống và chà đạp các nơi cao trên mặt đất.

4 Dưới chân Người núi non tan chảy, các thung lũng rạn nứt như sáp ong gặp lửa, như nước đổ xuống từ dốc cao.

5 Tất cả những điều ấy đều vì tội phản nghịch của Gia-cóp, vì tội lỗi của nhà Ít-ra-en. Ai đã khiến Gia-cóp phản nghịch, há chẳng phải Sa-ma-ri sao? Ai đã xúi Giu-đa thờ ngẫu tượng, há chẳng phải Giê-ru-sa-lem sao?

6 Ta sẽ làm cho Sa-ma-ri ra hoang tàn đổ nát giữa cánh đồng và biến thành đất trồng nho.

Nền đá của nó, Ta cho rớt xuống thung lũng,
móng của nó, Ta sẽ để trơ ra.” ( Micah 1:3-6)

“Anh chăn cừu làng Tekoa” (Amos 1:1)

Chúng ta tìm hiểu đôi nét về con người Amos

Têm Amos có nghĩa là “gánh nặng” hay “người gánh vác nặng nhọc”. Ông gốc gác  làng Tekoa, một xóm nhỏ phía Nam Giêrusalem, nay đã hoang phế và không còn lưu lại một dấu vết nào. Làng này cách Bethlehem chừng vài dặm.

Chính ông cho biết ông  sống bằng nghề chăn súc vật, trồng cây sung.

Lời của A-mốt. Ông là một trong những người chăn cừu tại Tơ-cô-a …” (Amos 1:1)

Ông A-mốt trả lời ông A-mát-gia: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung.” (Amos 7:14). 

Nếu xét kỹ những điều ông nói, chúng ta thấy ông có một kiến thức khá tốt về công việc đồng áng và đời sống vùng thôn dã :

Vậy này đây, ta sắp cán lên các ngươi
như chiếc
xe chất đầy lúa cán lên mặt đất.” (Amos 2:13)

ĐỨC CHÚA phán thế này:

Như người chăn chiên giựt ra khỏi miệng sư tử
hai cái cẳng hay một mảnh tai của con chiên,
…” (Amos 3:12)

Ta đã đánh phạt các ngươi

khiến đồng lúa các ngươi bị úa vàng và sâu đục;
bao vườn cây, vườn nho của các ngươi,

những cây ô-liu và cây vả, đều bị châu chấu cào cào ăn sạch…”  (Amos 4:9)

Đấng dựng nên Nam Tào Bắc Đẩu,

Đấng đổi tối ra sáng, biến ngày thành đêm,
Đấng gọi
nước biển lên rồi tưới xuống mặt đất …”  (Amos 5:8)

Ngựa có phi được trên đá lởm chởm không?
Người ta đem
trâu bò đi cày ngoài biển sao?”  (Amos 6:12).

ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi thấy như sau:
Này Người đang làm ra
châu chấu giữa lúc cỏ bắt đầu mọc lại, sau mùa cắt cỏ nộp cho vua.

Khi châu chấu đã ăn sạch cây cỏ ngoài đồng,
tôi thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, xin thứ tha cho! Gia-cóp làm sao đứng vững được? Nó nhỏ bé quá! “
(Amos 7:1-2).

Thời điểm Amos lên tiếng nói

“Ông đã thấy thị kiến liên quan đến Ítraen, dưới thời Uzziah làm vua nước Giuđa, và Giêrôbôam – con vua Giôsias – làm vua nước Ítraen, hai năm trước trận động đất.” ( Amos 1:1)

Amos thi hành nhiệm vụ ngôn sứ vào thời vua Uzziah coi sóc vuơng quốc Giuda ở miềnNam, tức vào  khoảng năm 791 đến 740 trước TC. Lúc đó Giêrôbôam làm vua vương quốc Israel miền Bắc ( năm 793 đến năm 753 trước TC).

Ôn lại một chút lịch sử, chúng ta từng biết có ba vị vua lớn Saul, Đavid và Salomôn cai trị Israel trước khi đất nước chia làm đôi. Sau khi Salomôn qua đời, vào khoảng cuối thể kỷ thứ 10 trước Thiên Chúa giáng sinh, đất nước miền Nam là vương quốc Giuđa, do vua Rehoboam cai trị. Vương quốc miền Bắc là Israel, do vua Jeroboam đệ I cai trị .

Sau đó, hai vua Jehoshaphat và Joash  liên tiếp nhau làm vua Giuđa,  còn Ahab và Jehu coi sóc Israel.  Đây là khoảng thời gian hai ngôn sứ  Êlia và Êlisha thi hành chức vụ.

Vào thế kỷ thứ tám,  hai vua được nêu danh trong câu Amos 1:1 làm vua Israel, ở miền Bắc, trong 41 năm (xem thêm ở 2 Vua 14:23-29) và vua Uzziah, còn được gọi tên là vua  Azariah trị vì  Giuđa, miền Nam trong vòng 52 năm ( xem thêm 2 Vua 15:1-7).

Thời điểm 780-750 trước Thiên Chúa giáng sinh là thời cực thịnh của cả hai vương quốc.

Đây chính là thời điểm Amos lên tiếng nói .

NIÊN BIỂU VỊ TRÍ AMOS TRONG LỊCH SỬ

 

                                                                                                                  1900 B.C

Thiên Chúa kêu gọi Abraham
Isaac
Jacob
Chi tộc Jacob (Israel) sinh sống bên AiCập

 

1280 B.C

Biến cố xuất hành ra khỏi Ai Cập (Moses lãnh đạo)
Thời kỳ sống trong sa mạc
Chiếm đóng xứ  Canaan (Joshua lãnh đạo)
Thời các Phán quan

 

1050 B.C

Khởi đầu vương quốc Israel

David
Vua Solomon khởi đầu vương quốc Israel

950 B.C.

Vương quốc chia làm đôi:

Israel (miền Bắc)

Giuđa(miềnNam)
VuaJeroboam I       Vua Rehoboam
Vua Baasha                 Vua Asha

                                                                                                                850 B.C

Vua Ahab          Thời kỳ          Vua Jehoshaphat
Elia  và
Elisha
Vua Jehu            làm ngôn sứ   Vua Joash

760 B.C.

Vua Jeroboam II    Thời                      Vua Uzziah
Amos làm ngôn sứ

 

                                                721 B.C

Israel sụp đổ  (người Assyrians chiếm đóng)

Vào thời điểm Êlia và Êlisha làm ngôn sứ, người Syria ở phía Bắc của Israel luôn luôn quấy nhiễu, nhưng thường bị Israel đánh bại ( xem chi tiết trong sách 2 Vua 10:32-33, 13:22-25).

Vài năm trước thời Amos, quân đội hùng mạnh của Assyria ở mạn Đông đánh thắng và chiếm Syria, Nhưng họ chưa đụng chạm gì đến Isarel. Vì thế Israel được một thời kỳ an bình và phồn vinh khá lâu. Họ mở rộng giao thương ra bốn phương và đất nước hưởng được một thời kỳ thịnh vượng .

Tính đến lúc Amos khởi đầu sứ vụ, hai vương quốc đã tách rời nhau được khoảng 170 năm . Vua Giêrôbôam đệ Nhất đã đưa tà thần vào miền Bắc, ông lập hai ngôi đền thờ  Bò vàng tại Dan và Bêthel.

chính trị và địa dư, Giêrôbôam muốn ly khai cả về phương diện tôn giáo.

Amos đến Bethel, là nơi có đền thờ bò vàng, để thi hành sứ vụ. Vị tư tế ở đó là Amaziah báo cáo hành vi can thiệp của Amos lên cho vua, và đe dọa ông phải trở về quê ông ở miền Nam, là vương quốc Giuđa .

10 Bấy giờ ông Amátgia, tư tế đền thờ Bết Ên, sai người đến gặp Giarópam, vua Ítraen, và thưa: “Amốt âm mưu chống đức vua ngay trên lãnh thổ Ítraen, và đất nước này không còn chịu nổi bất cứ lời nào của ông ta nữa. 11 Vì Amốt nói như thế này: “Giarópam sẽ chết vì gươm, và Ítraen sẽ bị đày biệt xứ.” 12 Bấy giờ Amátgia nói với ông Amốt: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! 13 Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều.”  (Amos 7:10-13).

Amos phản bác lại là tuyên sấm về số phận của miền Bắc như sau :

Ông A-mốt trả lời ông A-mát-gia: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung.15 Chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta.”16 Vậy giờ đây, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA phán: Ngươi nói:”Ông không được tuyên sấm chống lại Ít-ra-en, cũng không được phát ngôn chống lại nhà I-xa-ác.”

17 Vì vậy, ĐỨC CHÚA phán thế này: “Vợ ngươi sẽ đi làm điếm trong thành phố, con trai con gái ngươi sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, lãnh thổ ngươi sẽ bị phân chia từng mảnh, còn ngươi, ngươi sẽ chết trên một miền đất ô uế, và Ítraen sẽ bị đày xa quê cha đất tổ.” (Amos 7:14-17)

Sau đó chúng ta không biết gì về số phận của Amos.

Nhưng lời tiên báo của ông trở thành sự thật khi vào năm 721 trước Thiên Chúa giáng sinh,  mười chi tộc của miền Bắc bị đế quốc Assyria chiếm đóng và bị đày đi phát lưu.

 

BẢN ĐỒ ISRAEL THỜI AMOS

Những chi tiết lý thú về Amos

Ngoài sự kiện Amos nhắc lại cuộc động đất nổi tiếng, còn có một vài chi tiết lý thú chúng ta nên lưu ý về Amos như sau :

  1. Gần như ông là ngôn sứ duy nhất ghi lại chính lời ông nói ! “Lời của A-mốt.” Đó là mấy chữ đầu tiên của cuốn sách mang tên ông. Điều này khiến người ta thắc mắc, ông hay là ai, viết những lời này ? Nghĩa là ông thi hành sứ vụ một mình, hay có  ai, có đồ đệ nào phụ giúp ông ?
  1. Hơn nữa, khi tự cho là mình “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ.” (Amos 7:14) dường như ông không sống chung với ai thành cộng đoàn như nhiều ngôn sứ khác trong lịch sử Israel. Ông chỉ là một người thi hành chức vụ cách độc lập.
  1. Tuy tự cho mình “là một trong những người chăn cừu.” kiến thức của ông không phải là mỏng. Ông nói mạnh giọng thẳng vào  mặt những nhân vật quan trọng đương thời, nên chúng ta có thể kết luận ông là người học rộng hiểu nhiều, chứ không như lời ông khẳng định mình là dân thôn dã.
  1. Và chúng ta cũng có thể nói ông có đảm lược, dám ăn nói trước nhà cầm quyền đương thời, trước những kẻ giàu có. Ông không ngần ngại nói ra những lời kết án về hạnh kiểm của họ, tuy ông không thich làm ngôn sứ  chút nào.   “Ông A-mốt trả lời ông A-mát-gia: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung.15 Chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta.”  Amos 7:13-15)
  1. Ông không nhiều tài như ngôn sứ Eliah, cho kẻ chết sống lại, làm cho mưa xuống, hay tiên báo thời kỳ hạn hán. Amos không thực hiện những điều lạ thường, nhưng ông tuyên ngôn những lời khó nghe, và không mấy ái quốc. Tuy gốc ở miền Nam, nhưng ông lại tuyên sấm cho miền Bắc.  Ông cho biết những tai ương khốn khó của đất nước, thành trì sụp đổ, và đất nước mất chủ quyền. Quả ông là làm ngôn sứ để thực thi việc kết án.

Những bất công trong lối sống đương đại và luân lý  băng hoại.

Thời Amos, vì đời sống sung túc, dân chúng không chỉ dựng nhà để ở mà còn xây “biệt thự mùa đông biệt thự mùa hè”. Họ dùng đến cả vàng ngọc, ngà voi để trang hoàng :

Biệt thự mùa đông, biệt thự mùa hè, Ta sẽ triệt phá; điện ngọc đền ngà sẽ sụp đổ, lâu đài dinh thự cũng tan hoang – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.”  (Amos 3:15)

Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng.” (Amos 6:4)

Nhưng không phải ai cũng giàu có. Người giàu thì càng giàu hơn còn người nghèo lại càng nghèo đi.

Người giàu sống hoang phí, xa hoa:

4 Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. 5 Chúng đàn hát nghêu ngao; như Đa-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác.  6 Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ!”  (Amos 6:4-6)

Các mệnh phụ được miêu tả sống sượng như sau :

1 Hãy nghe lời này, hỡi các mụ bò cái xứ Ba-san trên vùng núi Sa-ma-ri! Các ngươi ngược đãi kẻ yếu hèn, chà đạp người nghèo đói, và bảo các ông chồng của mình: “Đem rượu lại đây cho ta uống! ” (Amos 4:1)

Họ vẫn có đế đền thờ dâng lễ thờ phụng Thiên Chúa. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, họ thực sự chẳng có lòng đạo:

4 Hỡi con cái Ít-ra-en, cứ đến Bết Ên mà phản bội, đến Ghin-gan mà phản bội nữa đi! Sáng sáng hãy tiến dâng hy lễ và cứ ba ngày lại dâng cúng lễ thập phân. 5 Cứ đốt bánh không men làm lễ tạ ơn, và những lễ phẩm tự nguyện các ngươi dâng, hãy rêu rao cho người ta biết, bởi các ngươi thích làm như vậy – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng.” (Amos 4:4-5)

Vì thế Amos có lời cảnh báo :

Quả thế, ĐỨC CHÚA phán thế này với nhà Ít-ra-en: Hãy tìm Ta thì các ngươi sẽ được sống! 5 Nhưng đừng tìm đến Bết Ên, đừng đi vào Ghin-gan, chớ qua Bơ-e Se-va! Vì Ghin-gan sẽ bị đày biệt xứ, và Bết Ên sẽ thành chốn không người.” (Amos 5:4-5)

Người giàu có chẳng coi trọng dân nghèo, lại còn lừa gạt họ:

“ 6 Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ!’ (Amos 6:6)

lại còn lừa gạt họ:

5 Các ngươi thầm nghĩ: “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.” (Amos 6:6)

và ngăn cản họ hưởng được công lý trước cửa quan :

12 Bởi Ta biết: tội ác các ngươi nhiều vô kể, tội lỗi các ngươi nặng tầy trời: nào áp bức người công chính, lại đòi quà hối lộ, nào ức hiếp kẻ nghèo hèn tại cửa công.”  (Amos 5:12)

Vừa chiếm đất người nghèo lại còn bán họ làm nô lệ :“6 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Ít-ra-en đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án. Vì chúng bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày.”(Amos 2:6)

6 Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.” (Amos 8:6)

Xuất xứ từ một làng quê, nhìn xã hội qua đôi mắt một nông dân, Amos lên tỉnh thành xa hoa để tố giác những bất công trong lối sống đương đại, những băng hoại luân lý và không quên loan báo những hình phạt sẽ xảy đến.

Ông xuất hiện như một người biết và sống theo lòng kính sợ Thiên Chúa quyền năng. Ông cảm nhận được sự thánh thiện của Ngài. Ông biết Ngài công chính và biết rằng Vị Thiên Chúa công chính ấy sẽ phán xét dân này, vì họ biết Ngài mà vẫn quay lưng lại với Ngài và không bày tỏ tình cảm thương đồng loại.

Amos biết đây là thời kỳ quan trọng cho Israel. Nếu không thay đổi lối sống, không hoán cải cách suy tư,  không sửa chữa mọi chuyện theo tiêu chuẩn luân lý, họ phải chịu phán xét.

Mà phán xét thì nghiêm ngặt.

Sứ điệp về “Công bình”

Khảo sát hết mọi đề tài trong sấm ngôn của Amos là một công trình đồ sộ, không thích hợp cho một bài viết ngắn. Nhưng để làm nổi bật sự sóng đôi giữa hai thời đại và hai hoàn cảnh xã hội, Israel thế kỷ thứ Tám trước Thiên Chúa và Việt Nam thế kỷ 21, chúng ta chỉ cần dừng lại một chút về quan điểm công bình trong những sấm ngôn của Amos.

Amos khởi đầu các sấm ngôn của mình bằng câu :

2 Ông nói: Từ Xi-on, ĐỨC CHÚA gầm lên, và từ Giê-ru-sa-lem, Người lên tiếng; đồng cỏ của mục tử nhuốm màu tang tóc, đỉnh núi Các-men nay đã héo tàn.”  (Amos 1:2)

Chúng ta thấy rõ ràng không còn là lời “ngọt ngào”, “an ủi” như của Isaia (Is 40:1) :

1 Thiên Chúa anh em phán: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta: 2 Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay ĐỨC CHÚA giáng phạt gấp hai lần tội phạm.”

mà là Thiên Chúa “gầm lên”. Như một con sư tử nguy hiểm. Dường như ông sốt ruột muốn tái lập trật tự và công bình, và cảnh báo những ai gây nên và lợi dụng bất công, rằng:  Hãy coi chừng ! “Ngày của Thiên Chúa” phán xét đang đến !”

Ai từng nghe ông tuyên sấm như thế vào thế kỷ thứ 8 trước TC, sẽ tự hỏi: “Làm sao Amos lại có đủ xác tín để chuyển đạt một thông điệp mạnh mẽ như thế ?

Chính Amos cho chúng ta câu trả lời, rằng ông chỉ là một nông dân thường, chăn súc vật và trồng sung. Ông không có tên trong danh sách những dòng dõi tiên tri (“neviim”) cũng chẳng phải nhà tiên thị (“hozeh”). Tuy vậy Thiên Chúa đã ra lệnh cho ông, nên ông phải chuyển sứ điệp của Ngài. Ông không hề muốn, cũng chẳng hề vui lòng. Nhưng ông không có chọn lựa nào khác.

Đoạn Amos 7:10-17 mà chúng ta đã từng trích dẫn ở phần trên là những câu quan trọng để giúp hiểu sứ mệnh của ông . Đoạn này miêu tả cuộc đương đầu giữa Amos và  Amaziah, vị tư tế phục vụ vua Jeroboam đệ II tại Bethel.

Khó mà tưởng tượng nổi đảm lược của một anh chăn cừu mà dám  nói sấm về một ông vua như thế này : “Vì Amốt nói như thế này: “Giarópam sẽ chết vì gươm, và Ítraen sẽ bị đày biệt xứ.”  (Amos 7:11)

Tư tế Amaziah, lúc bấy giờ là một người quan trọng trong triều, đang phụ trách việc phụng tự của hoàng cung, lo việc chúc tụng và tạ ơn về những thành công về mặt thương mại cũng như về mặt quân sự của đất nước. Dĩ nhiên Amaziah làm sao chịu nổi những lời chói tai và phạm thượng như thế . Vị tư tế này nghĩ Amos là ai mà dám đụng chạm đến cả một chế độ đang hồi cực thịnh.

Amaziah lên tiếng: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương  [mikdash melekh] , đây là đền thờ của vương triều.[bet mamlakha]”  (Amos 7:10-13).

Hẳn là Amaziah sẽ chết lặng người nếu ông biết rằng lời tuyên sấm của Amos đến từ Thiên Chúa. Nhưng phần Amos, ông tự biết mình, biết nguồn gốc của lời tuyên sấm, nên ông cứ phải lên tiếng.

Tuyên sấm về số phận các dân tộc

Amos bắt đầu sách của mình bằng một loạt các lời tuyên sấm về số phận các dân tộc dựa trên tiêu chuẩn công bình . Hầu như các nước có tên trong bản đồ đính kèm ở trên đều nằm trong danh sách bị lên án .

3 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Đa-mát đã lên tới cực độ, ..”(Amos 1:3)

6 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Ga-da đã lên tới cực độ,…”  (Amos 1:6)

“9 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Tia đã lên tới cực độ, …”(Amos 1:9)

11 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Ê-đôm đã lên tới cực độ,…” (Amos 1:11)

13 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Am-mon đã lên tới cực độ,…”  (Amos 1:13)

1 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Mô-áp đã lên tới cực độ,…”  (Amos 2:1)

Rồi đến hai nước chủ nhà

4 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Giu-đa đã lên tới cực độ,…” (Amos 2:4)

6 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Ít-ra-en đã lên tới cực độ,…” (Amos 2:6)

Đây chính là những lời tuyên sấm liên qua đến vấn đề có tính cách quốc tế. Ông mô phỏng lời “hịch tướng sĩ” thường được các tướng lãnh nói trước ba quân trước giờ lâm trận, để kính thích lòng quả cảm, yêu nước và hăng hái trước khi đối diện với quân thù.

J. Barton, trong cuốn  Amos’s Oracles against the Nations (London: Cambridge University Press, 1980) , các trang 3-5. ) đã chú giải tỉ mỉ lời tuyên sấm của Amos về các quốc gia. Nếu trong cuộc sống thường ngày dân chúng Israel đã có nhiều bất công khi sống với nhau, thì trên bình diện  quốc tế, các quốc  gia lân bang cũng đối xử với nhau với nhiều bất công ! Không chỉ là “bất công” mà còn đáng bị gọi là “bất nhân.”

Qua những lời phán quyết như thế Amos hàm ý muốn cho người nghe ông biết rằng, tuy mỗi quốc gia có những vị thần riêng của mình để thờ, nhưng chỉ mình Đức Chúa của dân Israel mới có thẩm quyền phán xét họ !

Và đấy chính là điểm độc đáo của Amos. Ông đã đi trước thời đại khi hàm ý rằng, cả trong bình diện quốc tế, Thiên Chúa có quyền tuyệt đối trên mọi dân tộc: Ngài phán xử mọi dân mọi nước, nếu họ “khinh thường luật pháp của ĐỨC CHÚA và không tuân giữ các thánh chỉ của Người.” (Amos 2:4)

Hai nước chủ nhà, Giuđa và Israel, cũng bị nêu tên trong danh sách các nước bị phán xét. Nghĩa là nếu mang tên “Dân được tuyển chọn”,  “Dân Thiên Chúa “, thì bổn phận sống đúng theo công bình lại càng nặng nề hơn, và không hề được miễn trừ  khỏi bị luận tội !

Kết

Qua một vài nét phác họa con người, cuộc đời và một vài chủ đề Amos đã tuyên sấm, chúng ta chợt thấy hoàn cảnh chúng ta ngày nay cũng tương tự thời Amos: Công bình xã hội không còn, luân lý suy đồi, còn lương tâm người dân băng hoại, không còn nhạy bén chống lại sự xấu, sự ác ở ngoài ta, và ngay cả trong chính chúng ta.

Cục diện các nước lân bang chúng ta cũng tương tự thời Amos .

Khó mà không nhận ra rằng Thiên Chúa đã gửi cho chúng ta một sứ điệp qua Amos.

Nghĩa là Amos là một ngôn sứ hợp thời và cần thiết cho  chúng ta ngày nay.

Cuối cùng Amos không chỉ biết lên án, mà ở cuối sách, ông còn vẽ lại một tương lai sáng lạn cho thời Thiên Sai:

“13 Này đây sắp đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA –

thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp bước người gieo giống;

núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy.

14 Ta sẽ đổi vận mạng của Ít-ra-en dân Ta:

chúng sẽ tái thiết những thành phố điêu tàn và định cư ở đó;

chúng sẽ uống rượu vườn nho mình trồng,

ăn thổ sản vườn mình canh tác.

 15 Ta sẽ trồng chúng lại trên đất xưa chúng ở,
và chúng sẽ không còn bị bứng đi khỏi thửa đất Ta đã ban cho chúng

– ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi phán như vậy.”  (Amos 9:13-15)

Nhưng chúng ta hãy dùng lời cảnh báo này của Amos để kết thúc bài viết, mong gióng lên được một tiếng chuông cảnh tỉnh:

10 Mọi kẻ tội lỗi trong dân Ta, những người cứ nói:

“Tai hoạ sẽ chẳng đến gần, nó sẽ không ập xuống chúng ta đâu!”,

chúng sẽ chết vì gươm hết thảy.”    (Amos 9:10)

 

Nguyễn đức Khang SB63