Kỷ niệm về cha Pouclet – Kim Ngân chuyển ngữ

Kỷ niệm về cha Pouclet

 

 Tưởng niệm 29 năm ngày từ trần (26/12/1982-26/12/2011) của cha Paul, Aimé, Marcel Pouclet, nguyên giáo sư văn chương Pháp và latinh của Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang (1963-1966)

POUCLET Paul, Aimé, Marcel

(11/5/1909-26/12/1982)

Paul, Aimé, Marcel POUCLET sinh tại Saint-Gilles sur Vie, địa phận Luçon, tỉnh Vendée, ngày 11 tháng năm 1909. Sau khi học xong tiểu học tại  Saint Gilles, cha gia nhập tiểu chủng viện Chavagnes-en-Paillers vào tháng mười năm 1922; cha theo học cấp hai ở đó và hoàn tất vào tháng bảy năm 1928. Tháng mười cùng năm này, cha vào đại chủng viện Luçon, và ở tại đây một năm.

Ngày 1 tháng sáu 1929, cha nộp đơn xin gia nhập chủng viện Truyền Giáo MEP và được chấp nhận ngày 26 tháng Tám 1929; ngày 12 tháng chín năm sau, cha vào chủng viện Bièvres. Cha chịu phép cắt tóc ngày 29 tháng Sáu 1932, các chức nhỏ đầu tiên ngày 24 tháng mười một 1932, các chức nhỏ thứ hai ngày 17 tháng mười hai 1932. Phụ phó tế ngày 2 tháng bảy 1933, phó tế ngày 23 tháng mười hai 1933, cha được thụ phong linh mục ngày  1 tháng bảy 1934, và nhận bài sai phục vụ  giáo phận Saïgon. Cha lên tàu ở Marseille để đi Việt Nam vào ngày 21 tháng chín 1934.

Đến Saïgon, Đức Cha Dumortier hướng dẫn cha Pouclet đến giáo xứ Cái-Mơn nơi cha ở lại từ tháng mười một 1934 đến 18 tháng hai 1936, để học tiếng Việt. Ngày 18 tháng hai 1936, cha được bổ nhiệm làm giáo sư tiểu chủng viện Saïgòn; cha giảng dạy trong một năm, rồi được gửi đến giáo xứ Xuân-Hiêp, gần Vĩnh-Long. Tháng bảy 1937, cha trở lại làm giáo sư văn chương Pháp cho các lớp lớn tại Tiểu chủng viện Saigon.

Cha bị động viên đầu tháng hai 1940, gia nhâp quân đội Pháp với chức vụ trung sĩ của trung đoàn RIC thứ 11, ở Battambang (Cam bốt), cha tham gia vào những cuộc hành quân tại Thái Lan; tháng Năm 1941, cha được giải ngũ, và tiếp tục công việc giảng dạy tại tiểu chủng viện.

Trong đêm 5 rạng ngày 6 tháng Năm 1944, quân Đồng Minh ném bom Saïgon; khu phố của tiểu chủng viện bị trúng bom. Ngày hôm sau, các tiểu chủng sinh được gửi trả về gia đình một thời gian. Rồi đầu tháng Tám 1944, năm lớp đầu tiên của tiểu chủng viện nhập học lại tại  Cái-Nhum.

Ngày 13 tháng bảy năm 1945, tại Cái-Nhum, quân đội Nhật chận bắt các cha Boismery, Bellocq, bề trên của tiểu chủng viện, cha Pouclet, giáo sư, cha Nhân và cha Sinh, cha sở và cha phó của giáo xứ này, họ bị tố cáo đã chứa chấp và săn sóc cho ba linh thủy pháp . Các ngài bị dẫn đến Vĩnh-Long và bị giam ở nhà giam của tỉnh tại Cần-Thơ. Ngày 6 tháng tám năm 1945, cha Pouclet lại bị giam trong nhà giam của sở hiến binh Nhật cho đến ngày 14 tháng tám năm 1945. Sau khi bị đặt trong vòng giám sát tại nhà xứ Cần-thơ, cha trở về Saigon ngày 15 tháng chín năm 1945. Tháng ba năm 1946, cha lên đường đi Paris để nghỉ dưỡng.

Tháng tám 1946, tiểu chủng viện mở cửa lại tại Saïgon. Cha Pouclet quay lại nhiệm sở vào tháng mười một năm 1946, cha nhận lại ghế giáo sư và trở thành cha giám học. Ngày 18 tháng chín năm 1950, cha được bổ nhiệm làm bề trên chủng viện và giữ trọng trách này cho đến tháng tư năm 1962. Bấy giờ cha về Pháp nghỉ dưỡng thường lệ.

Ngày 14 tháng giêng năm 1963, cha trở lại Saigon. Việc điều hành và giảng dạy trong tiểu chủng viện này được ủy thác cho hàng giáo sĩ Việt Nam. Cha Pouclet được Đức Cha Marcel Piquet mời làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Sao Biển Nha Trang trong ba năm. Cha dạy những môn học giống như những môn cha từng dạy tại Sài gòn. (Thời gian này cha dạy môn latinh và littérature cho lớp troisième và seconde ). Cha cũng đã có được những niềm vui và những thành công tại Nha Trang, vì cha được các chủng sinh tại đây đánh giá cao . Hết hạn hợp đồng, cha rời khỏi Nhatrang, đi nghỉ dưỡng một thời gian ngắn từ ngày 11 tháng tư 1967 đến ngày 11 tháng bảy 1967, và cha quay lại dạy tiếng pháp ở trường Thánh Thérèse ở Chợ Lớn, do cha Paul Richard điều hành. Cha ở đó cho đến cuối tháng năm 1970, và đi nghỉ phép như thường lệ.

Ngày 21 tháng Mười Một 1970, cha lại sang Viêtnam. Đức Cha Seitz mời cha giảng dạy các lớp đệ nhị cấp của tiểu chủng viện ở Dalat, vì vùng Kon tum mất an ninh. Các chủng sinh cư ngụ tại một trung tâm; và theo học các lớp tại trường Adran, do các sư huynh dòng La san phụ trách. Cha Pouclet dạy văn chương pháp tại cơ sở này từ năm 1970 đến tháng ba năm 1975. Vào thời điểm này, những biến cố chính trị khiến cho vùng Dalat không được an toàn buộc các học sinh và giáo sư phải di tản thật nhanh về hướng Saigon. Sau một chuyến đi khó khăn xuống  Nha Trang và theo đường biển, cha Pouclet đến Saïgon ngày 30 tháng ba 1975 và ngày 4 tháng 4 tiếp theo, cha qua Pháp bằng đường hàng không. Tình hình ở miền Nam Viêtnam không thể cho phép giảng dạy nữa.

Sau một thời gian nghỉ ngơi tại nhà em gái ở  Nantes, cha thay thế trong suốt tháng sáu năm 1975, cho cha Joseph Leblanc ở bệnh viện St. Jacques tại Nantes. Sau đó cha được bổ nhiệm tuyên úy tạm quyền ở bệnh viện Fontenay-le-Comte nơi cha phục vụ được một năm. Tháng bảy năm 1976, cha được đề nghị làm cha tuyên úy tại Trung tâm nghỉ dưỡng le Foyer-Logement de Mareuil-sur-Lay. Cha phục vụ ở đó cho đến tháng Mười 1982.

Những dấu hiệu mỏi mệt và lối xử sự khác thường bộc lộ, cha được khuyên nên an dưỡng tại nhà hưu dưỡng Marilais dành riêng cho các linh mục, hoặc tốt hơn nên đến Montbeton. Cha chuẩn bị mọi sự để lên đường đến Montbeton, nhưng ngày 28 tháng mười một 1982, cha phải nhập viện khẩn cấp ở Luçon. Bác sĩ chẩn đoán cha bị ung thư phổi, bệnh đã di căn lên não. Cha qua đời tại đây vào lúc 0 giờ 25 ngày 26 tháng mười hai 1982, hưởng thọ 73 tuổi. Ba tháng trước đó, trong lúc hoàn toàn tĩnh táo, cha đã nhận bí tích bệnh nhân. Tang lễ của cha diễn ra tại Mareuil ngày 28 tháng mười hai, và cha được an táng tại nghĩa trang của thành phố.

Rất đam mê văn học, cha Pouclet hầu như hoàn tất công trình nghiên cứu về \”Chúa Kitô trong văn học\” và đã bắt đầu một công trình khác về \”Đức Trinh Nữ Maria trong văn học\”. Những điều kiện khó khăn khi rời khỏi Dalat không cho phép cha mang theo những tài liệu này. Cha là một nhà sưu tập tem  có hạng, một nhạc sĩ nổi tiếng. Cha thường chơi đàn orgue (đàn ống) tại Vương Cung Thánh Đường Saigon. Năm 1937, cha đã lắp ráp nhạc khí này được cha Tricoire mua tại Pháp cho nhà thờ chính tòa Saïgon. Nhưng trước nhất, cha Pouclet là một giáo sư tuyệt vời, được tất cả các học trò yêu mến, họ vẫn luôn giữ một lòng tôn kính biết ơn đối với cha, cho dù đôi khi cha tỏ ra cứng rắn và khắt khe. Cha đã hiến dâng cả cuộc đời vào việc đào tạo hàng giáo sĩ Việt Nam.

Nguồn: trang Web của MEP

Kim Ngân chuyển ngữ

 

 Nguyễn Văn Độ 61 viết:

Chào AE.

Gần 50 năm rồi vẫn nhớ: Vào năm Quatrième được học Géo với cha Pouclet,

Bây giờ còn sót lại trong đầu hai chữ Stalagmites và Stalactites ( không biết có đúng không) khi học về hang động, vì hai chữ này ngài đọc muốn văng cả nước miếng.

Còn chuyện nữa là tàn thuốc Bastos luôn rớt trên bụng ngài (bụng rất to) làm cái áo dòng của ngài lủng nhiều lổ. Còn học trò thì sợ hỏa hoạn xãy ra.

Thân mến.

NVD61

Petrus THỐNG 60 viết :
Có một lần, vào một buổi chiều, ngài đứng trên thềm nhà, thấy một con chó đực cắn một con chó đực khác đang theo cái. Con chó đực bị thương tuột tháo chạy xiểng liểng. Ngài bập bập điếu thuốc buông lỏng một câu: “Blessé de guerre!”. Và cười tít mắt.

Hồ trí Thức 59 viết. 

Cám ơn bác Ngân đã nhắc nhớ đến vị ân sư Pouclet này và xin phép Bác Ngân cho  Hồ Trí Thức  xin thêm tý xíu vài nét đặc biệt  về Cha Pouclet

1. Cha Pouclet là một vị giáo sư khả kính trong lịch sử Địa phận Sài Gòn.

Ngài kể lại, Ngài là  giáo sư cùng khoảng thời với các vị Giám Mục xa xưa phát xuất từ địa phận Sài Gòn như Đức Tổng Bình,

Các Đức Cha Phạm Văn Thiên(Phú Cường), và Trần Thanh Khâm(Phụ tá Sài gòn)

Ngài kể lại trong thánh lễ truyền chức, hai vị Giám Mục này đã kéo ngài đứng dậy khi Ngài quỳ hôn nhẫn Giám mục của các Ngài, không muốn Ngài quỳ cũng như gởi thiệp riêng rất trịnh trọng.

2. Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền( Cần Thơ, Huế) là học trò rất “cưng” của Ngài. Ngài kể lại là Đức Tổng thuở nhỏ rất thông minh, nhưng lại hay bị bệnh nhẹ linh tinh

3. Tiếng Organ trong nhà nguyện thời của Ngài là một sự đổi đời đối với thời trước đó : Anh em nào đã nghe tiếng đàn của Ngài thì không thể quên những bài Sortie cuối mỗi thánh lễ trọng, cung với giáng điệu chơi đàn của Ngài.

Cá nhân HTT, khi nghe CD ” Une nuit de Noel à Notre Dame de Paris ” , khi nghe đến mấy bản sortie, thì lại hình dung đâu đó tiếng đàn của Ngài

4. Tiếng đàn của Ngài  còn theo các chú trong giờ chơi ban chiều : đó là giờ Ngài thả hồn theo điệu nhạc . Các chú lớn đi ra nhà chơi, nhày xuống sân bóng rổ thì là được nghe tiếng nhạc của Ngài vì phòng của Ngài ở TCV Nhatrang là phòng hướng đông, sát biển, tầng trệt, dưới phòng của cha Hirigoyen, sát cầu thang đi lên xuống phòng ngủ chú lớn.

5. Ngài chuyên dạy ” second cycle = đệ nhị cấp ” nên sau khi hợp đồng với dòng Phãn-xi-cô không thành năm 1966, TCV Nhatrang phải gởi lớp Premiere và Seconde ra Huế thì Cha Pouclet không còn đất đứng trong việc dạy học ở nhatrang nữa

( Lúc đó TCV Nhatrang và Dòng Phanxico tính nhập chung mấy lớp lớn nhất với dòng Phan-xi-cô Thủ Đức : Đại khái thành phần giáo sư sẽ thêm cha Maiis của TCV Nhatrang học xong về dậy và cha Agnello Đình của Phan- xi- cô lúc đó đang là bề trên nhà tập trên đồi Phan- xì- cô ở Nhatrang , nhưng cuối cùng chuyện không thành, lớp sb59+ 60 ra Providence Huế, trong khi anh em Phan- xi- cô chuyển qua chương trình việt…. )

6. Thật ra Ngài cũng dạy lớp quatrieme môn Geologie…

Thời Cha Pouclet ở TCV, đôi khi chúng ta thấy cha Fontaine(?), bạn thân của Ngài, từ Sài gòn hay ra nghiên cứu về san hô ở Nhatrang vì Ngài là Giáo sư môn này ở đại học Sài gòn

7. Ngài còn là giáo sư ” 4 điếu mỗi giờ ” : Ngài chỉ ngậm thuốc lá bập bập trong miệng, ít khi hút vào… nhưng cứ đếm hết 4 điếu là hết giờ học

6.  Nếu ban chiều là giờ chơi đàn của Ngài, thì ban sáng là giờ dọn bài, đọc báo chí và… say mê COLLECTION về tem. Ngài có hằng trăm cuốn album đựng tem… HTT cũng được ngài cho một số tem thể thao rất đẹp của Nga và Phần lan(Helsinki) vì trước đó, những nước này đã tổ chức thế vận hội…

7. Ngài rất mập mạp và không cao lắm nên nếu lỡ đánh rớt một tờ giấy xuống đất thì sự lượm nhặt lên là cả một vấn đề.  Đi bộ nhiều hay đi nhanh cũng là một vấn đề cho Ngài vì lúc đó tuổi Ngài đã khá cao > Vất vả nhất cho Ngài là giờ ăn cơm trong những ngày mưa gió, vì  TCV không có passage couvert  nối ngôi nhà cũ với ngôi nhà mới… Những lúc đó là lúc ngài vật vả với cây dù… mặc cho gió thổi… hát bài ” tôi đi giữa hàng thông… trong gió … “để đi bộ qua nhà chú nhỏ, vào phòng cơm

8. Tinh thần Ngài rất khẳng khái và nếu cần dứt điểm là dứt. Mùa hè cuối cùng với tư cách bề trên ở TCV Sgn, Ngài loại khoảng 45 tiểu chủng sinh. Sau này có người hỏi Ngài ” sao mà mạnh tay như vậy”, Ngài nói là Ngài muốn vị bề trên mới an tâm, không phải lo lắng về số chủng sinh Ngài chuyển giao lại…vì tất cả nhửng chủng sinh Ngài trao lại là thành phần tốt

9. Vì lý do địa điểm của phòng Ngài ở nên anh em nào hay hái dừa cũng có đôi khi ” đụng chạm ” đến xác thánh của ngài tý ty ..

10. Last but not least: Ngài có thể không đồng ý với chúng ta vế một điểm nào đó, nhung tính Ngài rất cao thượng, tâm lý  và quảng đại :

HTT chưa bao giờ thấy Ngài la, rầy mắng một anh em nào trước mặt các anh em khác

Xin Chúa Hài Đồng 

Thưởng phần thưởng Thiên Đàng 

cho Cha Giáo Pouclet của chúng con

 

Cao Kỳ Hương 64 viết:

Kính thưa các bác các chú,

Xin được góp vài kỷ niệm về vị ân sư. Nhìn ảnh ngài, thấy bùi ngùi vì ngày xưa không chăm chỉ học hành khi ngài dạy dỗ.
Chúng tôi (SB 64) được ngài dạy môn văn chương Pháp vào năm 1971-1972, khi học Premiere, Terminale ở Adran, Đà Lạt. Ngài say sưa giảng, đến đoạn ngài thấy thích thú, ngài cười ha hả vang dội, anh em chúng tôi bấm nhau: “ê, Ổng cười kìa..” và cười hùa theo thật to, mặc dầu không hiểu ngài đang nói gì. Ngôn ngữ bây giờ gọi là cười ăn theo.
Ngồi kề bên tôi là bạn Hoàng Minh Hùng (Bây giờ là Lm Phan Thiết), hay bị tôi chọc khi thì huých cùi chỏ, khi thì kéo vở…Bạn ấy phản ứng với tôi, và thường bị cha giáo bắt gặp, ngài chỉ cười và nói: “c’est un virus agressif” (vi khuẩn hiếu chiến) (vì lúc đó bạn Hùng còn nhỏ bé, mang biệt danh Hùng Đẹt. XIn lỗi Rev Hùng nhé).
Anh em bên chủng viện Kontum (ở đồi Sohier) cho biết ngài rất thích chơi trò ô chữ. Ai cùng chơi với ngài thì ngài vui hết sức.

Ấy là bấy nhiêu sự nhớ được.

Hương cư sĩ.

Nguyễn Trọng Tôn 60 viết

Bác Kim Ngân,

Đọc tài liệu bác chuyển ngữ mới thấy các cha là những vị truyền giáo tuyệt vời. Cả một đời hy sinh nhưng ít người biết tới, ngay cả bản thân mình bây giờ mới biết và thương các ngài. Thật là vô ơn. Lạy Chúa xin cho các ngài được nghỉ yên đời đời.

Cám ơn bác

Tôn 60