TẢN MẠN VỀ TƯỢNG ĐỨC MẸ NHÂN ÁI – Củ Nghệ SB74

 

TẢN MẠN

VỀ TƯỢNG ĐỨC MẸ NHÂN ÁI

Bệnh viện Nhân Ái  tại tỉnh Bình Phước trực thuộc Sở Y tế Tp.HCM là nơi chăm sóc và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân HIV/ AIDS giai đoạn cuối. Kể từ ngày 11/08/2009 địa chỉ Bệnh viện Nhân Ái là xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Địa chỉ trước đó là xã Đức Hạnh, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước( ngày 11/08/2009 chia huyện Phước Long thành Thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập). Bệnh viện Nhân Ái nằm cách trung tâm Thị xã Phước Long khoảng 30 km trên một ngọn đồi biệt lập với thế giới bên ngoài. Bệnh viện Nhân Ái được chia thành 3 khoa : Khoa Nội A ( khoa Nội tổng hợp); Khoa Nội B (khoa nhiễm); Khoa Nội C (khoa săn sóc đặc biệt , các bệnh nhân trong tình trạng bệnh nặng). Bệnh viện Nhân Ái là nơi kéo dài thêm cuộc sống cho những người bước vào giai đoạn cuối của căn bệnh HIV/AIDS. Để tạo thêm sự bình an thư thái trong tâm hồn của những bệnh nhân khi họ cận kề với ngưỡng cửa của thế giới bên kia, anh em cựu chủng sinh Tiểu chủng viện Sao Biển Nha Trang, lớp niên khóa 1974-1975 và một số ân nhân đã xin phép ban Giám đốc bệnh viện cho dựng một tượng Đức Mẹ bằng chất liệu đá trong khu vực Khoa Nội C để bệnh nhân sớm tối hướng lòng về Thiên Chúa qua máng thông ơn là Mẹ Maria.

Thiếu chi chỗ thiết đặt tượng hay sao mà anh em Sao Biển 74 lần mò tìm đến địa điểm gần sóc Bom Bo – nơi chim kêu vượn hú-  mà thiết đặt tượng vậy? Xin thưa vì  cũng có dây mơ rễ má nên anh em mới chọn Bệnh viện Nhân Ái làm địa điểm thiết đặt tượng .Sự việc nó như vầy : Danh sách trúng tuyển vào Tiểu chủng viện Sao Biển niên khóa 1974-1975 là 50 tên , nhưng khi nhập không biết vì lý do gì có một anh thuộc giáo xứ Hộ Diêm và một anh thuộc giáo xứ Hòn Thiên không có mặt. Như vậy còn lại 48 tên, sau đó có thêm Hoàng Minh Mẫn thuộc giáo xứ Chánh Tòa, nâng tổng số lên là 49 tên. Sau biến cố 30/04/1975 , 49 anh em Sao Biển 74 cũng như Sao Biển đàn anh đi tứ tán khắp nơi. Gần đây anh em Sao Biển 74 quy tụ lại và kiểm tra quân số thì có một vài anh em  “được Chúa thương”, còn đại đa số anh em “ ra đi giữa chốn hồng trần”( có Tuấn Anh và Ngọc Sủng còn “ở vậy”). Chỉ duy còn một mình Tađêô Phạm Văn Hiền – Giáo xứ Vĩnh Phước – còn  “ đang dâng mình tận hiến”. Nhưng tận hiến ở dòng Anh Em Hèn Mọn ( Ta quen gọi là dòng Thánh Phanxicô). Thầy Tad. Hiền đã tình nguyện lên Bệnh viện Nhân Ái để phục vụ bệnh nhân. Do đó có tích mới dịch ra tuồng là vậy đó.

Ngày 17/07/2011 các bạn Điệp, T. Anh, Tuấn Gà, Cảnh lên Bệnh viện Nhân Ái  thăm Tad. Hiền và qua gợi ý của các tu sĩ cộng đoàn Mai Linh, anh em mới bắt đầu nảy sinh ra ý định xây dựng một tượng Đức Mẹ tại Bệnh viện Nhân Ái . Ngày 23/07/2011 T.Anh đưa vấn đề lên Mailgroups và nhờ Tad. Hiền xin phép giáo quyền và Ban  Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái. Ngày 31/07/2011 phát động việc xây dựng tượng Đức Mẹ cùng ước tính kinh phí , lập Ban Điều hành cho dự án có tính khả thi để thuyết phục anh em. Việc đóng góp kinh phí là tự nguyện , không có tiền thì góp lời cầu nguyện . Lúc đầu anh em xin phép dựng tượng với tổng chiều cao là 2,5 mét. Ngày 06/10/2011 anh em trong Ban Điều hành dự án đi Bệnh viện Nhân Ái khảo sát lại và bàn bạc với Ban Giám đốc Bệnh viện xin nâng tổng chiều cao của tượng lên 3,3 mét mới phù hợp với tổng thể cảnh quan. Ngày 10/10/2011 Ban Giám đốc trả lời là đồng ý với tổng chiều cao của tượng là 3,3 mét . Ngày 12/10/2011 Ban Điều hành dự án làm việc với Kiến trúc sư để thiết kế  bản vẽ. Ngày  25/10/2011 T.Anh tiếp tục kêu gọi anh em thêm ý tưởng về mẫu tượng Đức Mẹ. Ngày 09/11/2011 khởi công xây dựng tượng đài Đức Mẹ tại Khoa Nội C Bệnh viện Nhân Ái và Tad. Hiền làm chủ sự với sự có mặt của Điệp, Tuấn Gà, T.Anh, Hà và các nữ tu Cộng đoàn Mai Linh. Ngày 20/11/2011 ký hợp đồng tạc tượng có đặt bạc cọc và hẹn giao tượng sau một tháng. Ngày 28/12/2011 quyết định ngày khánh thành là ngày 10/01/2012. Ngày 29/12/2011 gởi thư mời tham dự lễ khánh thành tượng Đức Mẹ. Ngày 05/01/2012 tượng và bệ tượng về đến đất Sài Gòn và được vận chuyển lên Bệnh viện Nhân Ái ngay trong đêm ấy. Ngày 06/01/2012 tượng đài Đức Mẹ được lắp đặt hoàn thành dưới sự giám sát của Tad. Hiền và anh Hai Điệp .Ngày 07/01/2012 gởi lời mời tham dự lễ khánh thành lần cuối đến với anh em Sao Biển 74. Lúc khởi đầu anh em Sao Biển 74 có ý định là phí tổn hoàn toàn do anh em Sao Biển 74 gánh vác nhưng do một số anh em kể dự định của anh em Sao Biển 74 cho cha mẹ, người thân nghe, nên họ xin đóng góp thêm “ vài đồng xu ” vào công trình  và anh em không thể chối từ được . Anh em đặt tên tượng đài là Tượng đài Đức Mẹ Maria Nhân Ái như trong lời ca của  bài hát Dâng Mẹ: “…Lạy Mẹ Maria Mẹ Nhân Ái Mẹ hiển vinh, Mẹ chính là Nữ vương, là Trạng sư, là Mẹ con” và cũng trùng với cái tên Bệnh viện.

Nhận được tin báo ngày lễ khánh thành, lòng Củ Nghệ háo hức. Mặc dù Củ Nghệ đang bận nuôi con mọn vẫn tìm cách gởi con để đại diện  anh em Sao Biển 74 vùng Nha Trang vào tham dự vì các anh em khác đang bận việc. Trước ngày Củ Nghệ lên đường, anh em vùng Sài Gòn lo lắng nhờ Hoan trang bị cho Củ Nghệ một cái di động để tiện việc liên lạc và dặn khi vào đến nơi thì gọi để anh em xuống đón lên nhà của Tuấn Gà ở Dĩ An. Hoan gọi cho Củ Nghệ  và Củ Nghệ bác chuyện xài di động. Củ Nghệ Mail cho anh em là nhớ cầu nguyện cho chuyến đi của Củ Nghệ “ đi đến nơi về đến chốn” vì ông bà ta nói “ hành thuyền ,kỵ mã tam phân mạng” ( Đi thuyền cưỡi ngựa mạng sống chỉ còn ba phân – 10 phần chết 7 còn 3 ). Lúc 21 giờ ngày 09/01/2012 Củ Nghệ lên xe tại Cây Dầu Đôi để vào Sài Gòn . Đến Ngã Tư Linh Trung còn sớm nên Củ Nghệ đi tiếp vào bến xe Miền Đông để ngắm phố phường vì lâu nay chẳng vào đất Sài Gòn. Từ bến xe Miền Đông lại đi xe buýt ngược ra lại Ngã tư Linh Trung và đi xe ôm lên nhà Tuấn Gà. Trước khi vào nhà Tuấn Gà , Củ Nghệ dừng lại tham quan chùa Mục Đồng gần bên nhà Tuấn gà ,sau đó mới vào nhà Tuấn Gà trước sự ngỡ ngàng và trách móc của vợ chồng Tuấn – Ý và Hòa Ba Xị. Vào khoảng lúc 8 giờ xe chở anh em Sài Gòn đến nhà Tuấn Gà . Trên xe có Hà, T.Anh  và 3 ông bạn trong giáo xứ Phú Hòa mà Hà làm “ông trùm”. Bây giờ thêm Tuấn gà, Hòa Ba Xị, Củ Nghệ và Hùng SB 74B ( bạn của Tuấn Gà). Xe lên đến Thành phố Mới Bình Dương thì gặp xe của anh Hoàng Đình Quang cũng đi dự lễ khánh thành, trên xe có anh Linh 73 (do hai xe xuất phát ở hai địa điểm khác nhau nên mới hẹn địa điểm gặp nhau). Anh em ăn trưa tại nhà một người bạn của T. Anh gần địa điểm hai xe gặp nhau. Ăn xong từ giã gia chủ , hai xe chạy với tốc độ cao để kịp giờ lễ . Xe đến Ngã ba Phú Riềng, được một số anh từng lên Bệnh viện Nhân Ái yêu cầu xe rẽ phải và chạy khoảng 6-7 cây số mà thấy đường lạ hoắc lạ hươ chưa bao giờ đạp chân đến  nên  phải quay lại. Đến Ngã ba Phước Bình xe dừng lại để đón Điệp 74. Điệp là cháu cha Hoàng Văn Lư –Dòng Phanxicô . Từ nhà Điệp ra Ngã ba Phước Bình khoảng 18 cây số, từ Ngã ba Phước Bình đến Bệnh viện Nhân Ái khoảng 40 cây số.  Điệp lên xe anh Quang để dẫn đường . Xe anh Quang bon bon chạy trước dẫn đường và băng qua cây cầu sắt bắt qua dòng suối Thác Mơ không gặp bất kỳ sự cản trở nào cả! Xe 16 chỗ chở tốp của Củ Nghệ vừa đến cầu thấy sờ sờ một  tấm biển cấm một số loại xe qua cầu, trong đó có loại xe 16 chỗ ngồi, bây giờ lui lại đi đường khác thì xa, sau một hồi do dự và quyết định : thôi thì “ một liều ba bảy cũng liều/ cầm bằng con trẻ chơi diều đứt dây” và “ qua cầu ngã nón trông cầu / cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu”. Xe qua cầu mà cầu vẫn bình thường như khi xe chưa qua. Xe đến Bệnh viện  và sau khi chào hỏi, anh em lo trần thiết tượng đài .Nói như T.Anh  đi dự lễ khánh thành tượng Mẹ Nhân Ái không chỉ bấy nhiêu người được nêu tên ở trên mà còn có cả “ những anh em khác đang âm thầm cầu nguyện, hy sinh cho chuyến đi”. Trong sân khu vực Nội C có hai nhà ngũ giác  lợp tôle: một nhà đặt tượng Đức Mẹ La Vang ; một nhà đặt tượng thánh Giu se, mỗi tượng cao khoảng 7-8 tấc. Do có tượng đài Mẹ Nhân Ái nên Cộng đoàn Mai Linh đem tượng Mẹ Lang Vang đặt ở địa điểm khác.

Đúng 16 giờ thứ ba ngày 10/01/2012 một thánh lễ trang nghiêm được tổ chức ngay dưới chân tượng đài Đức Mẹ  Maria Nhân Ái do Linh mục Phan xi cô Đỗ Đình Lâm(Trưởng Cộng đoàn dòng Phan xi cô vùng Sông Bé- Bình Dương)làm chủ tế với sự tham dự của các tu sĩ nam nữ Cộng đoàn Mai Linh; các bệnh nhân công giáo trong bệnh viện; một số anh em Cựu chủng sinh Tiểu chủng viện Sao Biển Nha Trang cùng các ân nhân. Mở đầu thánh lễ cộng đoàn phụng vụ cùng cất cao lời ca bài hát  Về nơi đây: “ Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca, chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa… được cùng nhau bên Chúa thỏa lòng con ước mơ… cùng hòa chung trong tình hiệp nhất, nguyện dâng lên Thiên Chúa tình thương”. Bài Phúc âm hôm ấy là bài nói về phép lạ hóa nước thành rượu. Linh mục chủ tế nhắn nhủ với cộng đoàn là xã hội hiện nay đang cạn kiệt một thứ rượu : Rượu Nhân Ái. Chúng ta hãy là những gia nhân tích cực âm thầm làm theo lời chỉ dẫn của Mẹ Ma ri a là múc  nước đổ đầy vào lòng để rồi Chúa Giê su biến thành rượu Nhân Ái đem niềm vui tới cho mọi người. Sau lời nguyện giáo dân là nghi thức làm phép tượng Mẹ Ma ri a Nhân Ái . Thánh lễ kết thúc với bài hát “ Lạy Mẹ , Mẹ Chúa vinh quang sáng hơn sao Bắc huy hoàng…dẫn ai lạc bước trên đường…” thật là cảm động. Những ai lạc bước hãy kêu cứu cùng Mẹ Maria, Mẹ sẽ dẫn ra khỏi mê lộ và chỉ lối vào chính lộ. Sau thánh lễ tất cả những người tham dự thánh lễ cùng đến nhà ngũ giác để linh mục chủ tế làm phép tượng thánh Giu se trong khu vực Khoa nội C

Cũng xin được nói thêm là tiền thân của Bệnh viện Nhân Ái là Trung tâm Trọng điểm Cai nghiện Ma túy. Năm 2002 UBND/Tp.HCM phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Trọng điểm cai nghiện ma túy giai đoạn cuối tại xã Đức Hạnh, huyện Phước Long ,tỉnh Bình Phước. Dự án nhằm thực hiện kế hoạch chương trình 3 giảm (giảm ma túy; giảm mại dâm; giảm tội phạm) để tiếp nhận chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, giáo dục các đối tượng ma túy và chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối; tổ chức lao động sản xuất, tạo việc làm cho học viên cai nghiện tại trung tâm. Ngày 12/ 11/ 2002 tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm. Tổng diện tích Trung tâm là 205 ha

( trong đó 175 ha đất sản xuất), tổng kinh phí xây dựng là 66 tỷ đồng. Ngày 6/5/2003 Trung tâm Trọng điểm cai nghiện ma túy khánh thành giai đoạn một và đưa vào hoạt động. Tuy địa điểm nằm tại tỉnh Bình Phước nhưng lại trực thuộc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội Tp.HCM. Ngày 25/02/2004 Đức Hồng Y JB. Phạm Minh Mẫn nhận được văn thư của Sở LĐ-TB&XH Tp.HCM mời gọi giới Tu sĩ cộng tác trong việc chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS tại Trung tâm Trọng điểm do Sở quản lý. Ngày 30/03/2004 từ trong giới Liên Tu sĩ, Đức Hồng Y đã hình thành nên Ban Mục Vụ Chăm Sóc Người Có HIV/AIDS. Ngày 03/04/2004 trong văn thư phúc đáp của Đức Hồng Y gởi Sở LĐTB&XH Tp.HCM, Hồng y nói rõ: “ Tôi chuẩn nhận cho sự hình thành của Ban Mục Vụ Chăm Sóc Người Có HIV/AIDS, Ban này sẽ đại diện cho tôi thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại trong công tác chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS”. Đáp lời mời gọi, sáng sớm ngày 05/05/2004 thánh lễ “ Lên đường” do Đức Hồng Y chủ tế, được cử hành trong nhà nguyện nhỏ trên lầu Tòa Tổng Giám Mục. Cuối thánh lễ Đức Hồng Y chính thức gọi tên từng người để trao nhiệm vụ. Có 10 tu sĩ nam nữ lên đường  trong chuyến đầu tiên( 2 nữ tu Tu hội Nữ tử Bác ái; 4 nữ tu Thừa sai Bác ái  Chúa Ki tô; 2 nữ tu dòng Thánh Phao lô thành Chartres; 2 nam tu sĩ  Tu hội Chúa Giê su). Điểm tâm xong, 5 chiếc xe (38 người gồm kẻ lên đường cũng như người tiễn chân) bắt đầu lăn bánh về hướng Bình Phước. Cộng đoàn Liên Tu sĩ phục vụ tại Trung tâm Trọng điểm cai nghiện ma túy có tên là Cộng đoàn Mai Linh. Cộng đoàn Mai Linh hiện diện tại đây để yêu thương, chăm sóc những anh em đau khổ cả thể xác lẫn tâm hồn, qua đó đem Tin Mừng đến cho mọi người

Thực hiện quyết định số 3793/QĐ-UBND do ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch UBND/Tp.HCM ký ban hành ngày 17/08/2006 về việc chuyển giao Trung tâm trọng điểm cai nghiện ma túy trực thuộc sở LĐTB&XH /Tp.HCM về Sở Y Tế Tp.HCM quản lý. Ngày  05/09/2006 lễ bàn giao được diễn ra tại Trung tâm Trọng điểm. Trung tâm  được nâng lên thành Bệnh viên Nhân Ái theo quyết định 4856/QĐ-UBND ngày 31/10/2006 để chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS . Những học viên cai nghiện ma túy được chuyển đến một địa điểm khác.

Số tu sĩ phục vụ tại Bệnh viện Nhân Ái không nhất định, bởi vì có những hội dòng cử người tham gia không liên tục. Danh sách các tu sĩ phục vụ tại đây vào năm 2011  là  13 tu sĩ nam nữ.Có 3 tu sĩ thuộc hàng thâm niên công vụ ở đây, đó là nữ tu An na Trần Thị Tố Nga (dòng Thánh Phaolô thành Chartres) sinh ngày 24/01/1968 đến đây phục vụ trong đợt đầu tiên ngày 05/05/2004, kế đến là nữ tu Maria Lê Thị Xoài (dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán) sinh 10/10/1948 và thầy Tađêô Phạm Văn Hiền (dòng Thánh Phanxicô) sinh ngày 11/03/1963. Cả hai tu sĩ này đều đến đây phục vụ vào đợt ngày 09/08/2004. Còn lại là mới đến vào năm 2010 và 2011. Nghiệp vụ các tu sĩ đa số là điều dưỡng, có hai bác sĩ, đó là thầy Tad. Phạm Văn Hiền  và nữ tu Anna Trần Thị Tố Nga. Hai tu sĩ này vừa nhận bằng tốt nghiệp Bác sĩ vào lúc 13 giờ ngày 09/12/2011 tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP. HCM ( hôm ấy trao bằng tốt nghiệp bác sĩ cho 383 sinh viên thuộc hai hệ chính quy và liên thông). Thầy Tad. Hiền là niềm vinh dự của Tỉnh Dòng Phanxicô Việt Nam. Bởi vì từ trước đến nay Tỉnh dòng cho nhiều anh em học y khoa nhưng chỉ học đến Y sĩ hoặc Trung cấp điều dưỡng mà thôi :“Nay anh Hiền là người anh em đầu tiên trong Tỉnh Dòng có bằng Bác sĩ. Đây là một thành quả rất đáng quý và trân trọng không chỉ  riêng cho anh Hiền, nhưng là cho tất cả anh em trong Tỉnh Dòng. Chúng ta có quyền hãnh diện về anh” (bài viết “Lễ nhận bằng tốt nghiệp Bác sĩ” đăng trên Mạng Tỉnh Dòng Phanxicô Việt Nam ngày 10/12/2011)

Sau thánh lễ có bữa tiệc nho nhỏ do cộng đoàn Mai Linh chiêu đãi. Anh em Sao Biển đã đồng ca bài SAO BIỂN NGƯỜI MẸ YÊU. Bài hát này được dàn đồng ca Sao Biển ca lại lần hai và sau đó các nữ tu lại đồng ca bài hát ấy. Anh em và Cộng đoàn Mai Linh trao đổi rất là vui vẻ. Các tu sĩ Cộng đoàn Mai Linh vừa hát vừa có vũ điệu. Anh Quang kể cho cử tọa nghe về một vài kỷ niệm nho nhỏ về những ngày sống ở Tiểu chủng viện Sao Biển. Các tu sĩ Cộng đoàn Mai Linh tặng cho mỗi anh em Sao Biển cuốn NHẬT KÝ RA KHƠI. Trước khi chia tay tất cả mọi người cùng hát KINH HÒA BÌNH. Cuộc chia tay sao mà quá lưu luyến , miệng nói về mà chân như có ai níu lại, đúng là “ dùng dằng nửa ở nửa về”. Kẻ trên xe thì ngoái cổ nhìn lại, người dưới đất thì dõi mắt hướng theo .   Khi về vẫn đi lối cũ, lợi dụng bóng đêm xe vẫn băng qua cây cầu cấm xe 16 chỗ. Trước khi qua cầu anh em bàn phương án kỹ càng : nếu “ gặp bụt đưa cho áo cà sa, gặp ma đưa cho áo giấy”.Tạ ơn Chúa “đầu xuôi đuôi lọt”. Khoảng lúc 22 giờ xe về đến nhà Tuấn gà và anh em lai rai thêm một vài lon nữa, riêng Củ Nghệ lo đi ngủ để sáng mai về lại cố hương. Sáng sớm cả nhà Tuấn Gà còn đương giấc nồng thì Củ Nghệ đã lẳng lặng rời nhà bạn hiền để xuống Sài Gòn  tham quan, nghiên cứu và mua cuốn sách đang cần. Do vậy vào lúc 14h43 ngày 12/01/2012 Tuấn Gà gởi Mail cho anh em SB 74 và trách yêu Củ Nghệ (xin viết nguyên văn , không sửa lỗi chính tả những chữ tác giả cố tình viết sai) : “ Kính chào Sư phọ !!!!!! Đi không ai biết, đến chẳng ai hay. Ông đi ngâm kíu kiểu này chẳng ai biết mà lần cho ra. Dzợ Củ điện thại hỏi thăm, TG bó phép…Lần sau đi nếu không mang theo ĐT thì đeo bảng tên, phòng khi có chuyện bất trắc người ta biết địa chỉ mà đưa về nhà dzới dzợ, dzới con. Hú hồn! Chào Củ”. Vào lúc 24 giờ ngày 11/01/2012 Củ Nghệ có mặt bên vợ con và người chẳng có sứt mẻ gì cả, sáng hôm sau tiếp tục công việc đưa con đến nhà trẻ, chiều đến đón con về cho ăn uống, tắm rửa ru con ngủ. Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người.

Có đến Bệnh viện Nhân Ái mới thấy  sự hy sinh cao cả của các tu sĩ Cộng Đoàn Mai Linh “Xin có một lần nắm lấy đôi tay, để giúp người quên  những vết thương lòng, để thấy nụ cười trên bờ môi héo, cho đêm tăm tối sáng ngời bình minh. Em nằm đếm bước thời gian, đời sao vắn vỏi mong tia hy vọng, kéo dài giai điệu yêu thương, chị như chim sáo trên chuyến đò đưa em sang bờ bên kia” (Bài ca Mai Linh của  Minh Trang). Các Tu sĩ đang phục vụ tại bệnh viện Nhân Ái chính là những gia nhân đang âm thầm làm theo lời chỉ dạy của Đức Maria xách nước đổ vào các chum để Chúa biến thành rượu Nhân Ái “ kéo dài giai điệu yêu thương” cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Cộng đoàn Mai Linh luôn mở rộng cánh tay đón nhận sự giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần của tất cả mọi người.

Trong tâm tình tạ ơn  Củ Nghệ xin mượn lời T.Anh đã viết trên Mail gởi anh em SB 74 lúc 15h55 ngày 12/01/2012 : “ Cầu xin Mẹ cầu bàu, che chở, ủi an cho tất cả những ai đã đóng góp minh nhiên hoặc âm thầm để công trình tượng Mẹ Maria Nhân Ái hoàn tất chiều ngày 10/01/2012’’

Phêrô Củ Nghệ  – SB74