CAO LƯƠNG ƠI…HỠI BO BO! -Trần Thế Huy 72

 

CAO LƯƠNG ƠI…HỠI BO BO!

 

    Bên người công giáo chúng ta vẫn tin rằng, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã ban cho có linh hồn và thể xác.

Và phần hồn thì sao? Bởi vì phần hồn là phần thiêng liêng không hữu hình, thế nên có lẽ chúng ta không cảm nhận được việc linh hồn cũng bị…đói.

Thời cựu ước thì Chúa Kytô chưa xuống thế làm người, chưa chịu chết vì tội lỗi nhân gian, chưa lập phép Thánh Thể…nên bổn tui nghĩ rằng, hồi đó có lẽ phần hồn chỉ sống bằng Lời Chúa, qua các Thầy Thượng Tế và các tiên tri…   Còn thân xác chúng ta là hữu thể, sờ được, nghe được, thấy được và cảm nhận được. Do đó nó biết đau, biết khổ, biết mệt và biết đói.

Thời tân ước thì vì muốn cho linh hồn con cái trần gian, không phải chết trong tội, không phải đói của ăn tinh thần, nên Chúa Giêsu đã phải hiến thịt máu mình để nuôi sống nhân loại, bằng cái chết nhục nhã ê chề trên đồi Canvê. Phải không các bạn?

Tôi không sinh ra vào những năm tháng 1945, để biết cơn đói day rứt mình như thế nào? Nhưng qua sách báo, phim ảnh của Cha ông để lại mới thấy bị đói thực sự là ghê gớm, dám giết người để ăn thịt, dám giết người chỉ vì tranh nhau một củ khoai sống vừa mót được ngoài nương rẫy…Thế nhưng bất cứ ai, dù ít dù nhiều, đã sống trong đời cũng có được đôi chút cảm nhận về cái đói, nhưng không phải là bị đói vì chưa đến giờ ăn, hoặc là bị đói vì  phải ăn chay…mà cái đói tôi nói đến ở đây là không thể có được cái gì để bỏ bụng, nó có nhiều lý do: do vì thiên tai, mất mùa, do vì bị hạn chế lượng thức ăn, do vì tiêu chuẩn chỉ có vậy, do vì quá nghèo…Câu chuyện tôi kể ra đây, có lẽ ít nhiều cũng cho các bạn một khái niệm quan trọng là khi đói, con người có thể làm bất cứ mọi việc xấu tốt, ngay cả quên đi cái phẩm giá của mình để…được no.

Năm 1978, 1979 và 1980. Sau những ngày thống nhất đất nước, vì khủng hoảng, vì bỡ ngỡ, vì chưa quen…do đó vấn đề thiếu thốn lương thực xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Lúc ấy tôi đang theo học lớp dạy lái máy ủi, máy cày ở huyện Vĩnh cữu, Đồng Nai, và lương thực của chúng tôi lúc đó cũng chỉ là bo bo, nhiều nơi còn gọi với cái tên khá là mỹ miều: cao lương. Nghe đến cái từ cao lương, chắc không ít ai trong chúng ta mà không nghĩ tới cao lương mỹ vị, một bữa ăn đầy ắp cá thịt, rượu bia, thức ăn toàn sơn hào hải vị…Nhưng không, cái cao lương tôi nói ở đây không có mỹ vị chút nào, khô không khốc, không béo bở, không mùi vị…thậm chí tôi nói thật  xin quí vị đừng cười, ăn như thế nào – nó ra như thế đó, còn nguyên hạt, nguyên màu. Thế nhưng vì là tiêu chuẩn, được cấp phát giới hạn, cho nên không bao giờ có đủ để mà ăn cho no…Ngoài ra trong một tuần chỉ được 2 chén cơm trắng vào trưa chủ nhật, bạn bè về thăm nhà, ai ở lại thì được hưởng xái thêm phần của bạn mình. Do đó cái đói thường xuyên trụ trì với đám học sinh cơ giới chúng tôi. Để tìm cách chống đỡ cái đói, bọn tôi phải chui vào rẫy ăn cắp mía của nông dân trồng gần trường, vừa giải khát vừa cứu đói…Và khi không còn mía thì chuyển sang ăn cắp cơm.

Số là để chuẩn bị cho bữa sáng của hàng trăm học sinh, cánh nhà bếp phải nấu cơm ngay từ chiều. Biết được việc này, bọn tôi bàn nhau tối đến đi ăn cắp cơm. Người ta thường ví von: “ ăn cắp quen tay- ngủ ngày quen mắt”, thấy việc ăn cắp cơm an toàn và không lo bị đói nữa, đêm nào bọn tôi cũng làm một thau về ăn…rất no và ngon dù chỉ là ăn với muối hột. Và rồi người ta cũng lại ví von: “đi đêm có ngày gặp ma”. Quả thật không sai chút nào với trường hợp của bọn tôi lúc này…Đồng hồ đã bước sang con số mười, đó đây trong trường đã tắt đèn đi ngủ, giờ này như mọi khi bọn tôi vẫn hành động. Thế nhưng đêm nay bỗng dưng có tiếng chó sủa hơi nhiều, cảnh giác, bọn tôi nằm im chờ đợi. Khi chung quanh những tiếng chó sủa đã im bặt, bọn tôi bắt đầu lần mò xuống nhà bếp.

Trời tối như mực, bọn tôi phải rón rén từng bước và đi thật sát vào nhau. Bỗng thằng bạn đi đầu bấm tay ra dấu cho đám bọn tôi dừng lại, không ai hiểu được lý do vì sao, đứng yên một lúc, bọn tôi bỗng nghe thấy nhiều tiếng hét vang lên: ăn cắp cơm, bắt lấy chúng nó…Thế là mạnh ai nấy chạy, tôi may mắn lọt xuống một cái mương nhỏ và nép mình vào đó, mặc cho muỗi kiến tha hồ đốt…Nhưng sáng hôm sau khi bị gọi tên, bọn tôi vẫn không hiểu vì sao các thầy cô lại biết rõ? Vì trước khi hành động, bao giờ bọn tôi cũng trải chăn, buông màn và để dép ngay dưới chân giường…giống như đang có người ngủ.

Sau khi làm kiểm điểm, bọn tôi ngồi lại với nhau ôn chiến tích…thằng bạn đi đầu kể lại, đang đi gần tới chảo cơm, bỗng nó thấy có một cái gì vừa đen vừa tròn ngay trước mặt, đợi mãi sốt ruột, nó bèn lấy tay sờ lên ngay cái vật đen tròn ấy…hóa ra đó là cái đầu hói của ông thầy dạy nông học, giật nẩy người, thế là ông thầy thì í ới bắt kẻ cắp, to gan thật… dám rờ đầu mình,  còn bọn tôi chỉ còn biết  chạy…hahaha.

Ôi cái đói của thân xác_ còn cái đói của Linh hồn thì các bạn tính sao? Tôi thấy có rất nhiều lương thực trường sinh mà Chúa đã ban cho, chúng ta đâu cần phải…ăn cắp. Thế mà…?!

Nhớ lại ngày trước, khi còn học ở TCV Sao Biển, bọn tôi cũng thường hay ăn cắp dừa khô, nói tới hai từ ăn cắp nghe nó hơi nặng nề, nhưng nếu mà không xin hoặc là không được phép mà cứ lấy thì tôi xin được gọi nó là ăn cắp cũng chẳng sai phải không các bạn. Ở đây bọn tôi ăn cắp không phải vì đói nhưng vì thèm, thèm một chút thi vị lạ miệng ngoài cơm cá thủm thủm thủm và chuối …Có lẽ đôi khi các Đấng cũng thông củm cho những tháng ngày bị ‘ giam lỏng’, và thế là các chú nhà ta cứ thèm những cái không đâu: thèm cơm cháy, thèm quả ổi lũng lẵng sau vườn nhà bếp và nói chung là thèm đủ thứ…Tôi nhớ có một lần nọ, vào khoảng năm 1974, chủng viện có cải thiện bữa ăn cho các chú bằng vườn cà pháo ngay gần nhà vệ sinh cạnh sân bóng đá, vừa ngồi vào bàn ăn, nhìn thấy các món ăn quen thuộc mà mình đã nghiền ngẫm lâu rồi, hơi bị ngán. Nghĩ tới vườn cà và những cây cà xanh mỡn đung đưa những trái, một ý nghĩ bỗng lóe lên… Thế là tôi ngồi thấp xuống dưới dãy bàn ăn để khỏi bị Thầy Tôn 64 đang ngồi trên bục cao phát hiện, và lủi nhanh. Ra đến vườn cà vẫn phải cảnh giác cao độ, tôi bèn bò sát đất và hái. Cứ nghĩ tới những quả cà giòn tan trong miệng mà khi xưa lúc còn sống mẹ vẫn thường muối cho tôi ăn thấy mà thèm. Đã đầy túi rồi, cũng như lúc ra, tôi vội đi nhanh vào cho kịp kẻo hết giờ cơm, món mới, tuy không ngon lắm, nhưng cũng đã là khoái khẩu với bọn tôi trong trường hợp này. Riêng tôi, lúc này bỗng dưng thấy ngứa, ngứa chi ngứa lạ ngứa lùng ! Vừa gãi tôi vừa nhớ đến bài ca dao của Nguyễn thế Duyên: “ Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân / Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…” nở ra xanh biếc chỗ nào tôi không thấy, mà chỉ thấy những mụn ngứa nở đỏ lòm trên khắp cả người tôi. Ôi giời ơi.

 Trần Thế Huy 72