Tôi nghe nhạc – Trần Duy Thực 65 (Paris)

Tôi nghe nhạc

Trần Duy Thực 65 (Paris)

Kính thưa anh em,

Nhà cháu xin ghi lại đây những cảm nhận và phân tích khi nghe nhạc. Rất mong những bậc thầy, những nhạc sỹ và những AE yêu nhạc góp ý kiến chia sẻ thêm.

Để mở đầu, xin được bàn về thời gian tâm lý trong âm nhạc. Chỉ bàn về thời gian qua góc cạnh tâm lý mà thôi, phần triết học và những phân tích khác sẽ đề cập sau.

Xin được đi từ những nhận xét rất hiện thực. Có người anh em Sao Biển nói rằng « nhạc cổ điển thì vừa hay vừa trang trọng, nhưng mình vẫn thích nghe nhạc Việt vì thấy dễ đi sâu vào lòng mình hơn ». Đúng vậy, đây là vấn đề mà mỗi AE mình –và nhà cháu cũng thế- đều nhận thấy. Nghe bài « cao cung lên », một vài câu « tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi … », một vài điệu « mai tôi đi » do Nguyễn Hoàng Nhung hát rồi cảm thấy giòng nhạc như đi thẳng vào trong lòng. Thế thì nhạc Việt hay hơn hay là nhạc cổ điển tây phương hay hơn ? Thật khó trả lời ! Tiếng lòng thì mần răng mà nói hết được !

Mà này, khi nghe « cao cung lên » thì ta đâu chỉ nghe có mỗi giòng nhạc ấy ! Ta còn nghe lại hương vị của tuổi thơ khi còn ở giáo xứ. Ta còn tưởng tới khung cảnh đầm ấm nơi thánh đường của thời xưa còn bé … khi tập tành liếc mắt nhìn mấy cô trong ca đoàn. Ta còn nghĩ tới những buổi tập hát trong chủng viện, những lúc chuẩn bị Noel … Tóm gọn lại, nghe « cao cung lên » còn là nghe hồi ức của chính mình. Cũng là nghe những giai điệu đã đi vào tiềm thức của từng cá nhân, và có thể nói mạnh hơn thế nữa rằng những giai điệu ấy đã đi vào vô thức tập thể. Cứ thử vào youtube mở bài « mai tôi đi » mà nghe ! Nhà cháu dám đánh cuộc rằng anh sẽ nhớ lại những buổi mặn nồng với người yêu, những lúc tiễn biệt nát cả lòng. Cái vô thức tập thể của dân Việt mình như thế đấy : những buổi chia ly đầy kịch tính đã thấm vào máu của mình từ sự tích « trầu cau » cho tới « hòn vọng phu » … Nhưng nếu bảo anh Tây nghe bài « mai tôi đi » thì anh ta chẳng thấy gì là hay lắm.

Có một bản nhạc mà có lẽ một số đông AE sẽ thấy rật xa lạ ! Nhà sáng tác cũng xa lạ mà tên bản nhạc cũng xa lạ nốt ! Đó là bản serenade pour cordes của Dvorak (mouvement 2, valse). Xin mời vào trang youtube sau đây để nghe :

http://www.youtube.com/watch?v=ZjC2fP1652w

Nếu ai sinh đẻ hoặc đã sống bên Pháp rất rất lâu sẽ thấy bản nhạc này rất quen thuộc. Nó như tiếng ca dao mẹ ru của dân Việt mình vậy. Bản serenade pour cordes (for strings) của Dvorak này gợi nơi nhà cháu những gì là êm đềm nhất. Giòng nhạc thật nhẹ nhàng và êm ả, nó như những buổi trưa hè, những ngày cùng với bạn bè sinh viên trong giảng đường … Nói tóm lại, bản  nhạc ấy chính là hồi ức của nhà cháu. Tiếng ca dao mẹ ru đi thẳng vào lòng của mỗi người mình, nhưng đối với anh Tây có lẽ chỉ đó cũng chỉ là những giòng nhạc cần phải khảo cứu thêm mà thôi.

Phiên bản mà nhà cháu đưa lên đây không phải vì trình độ nghệ thuật hay nhất. Có những phiên bản hay hơn như thế ở trong trang youtube. Nhà cháu đưa lên phiên bản này vì muốn mời anh em xem hình ảnh các nhạc sĩ đang trình tấu. Họ vừa chơi đờn, vừa nở nụ cười rất hạnh phúc êm đềm. Nhất là có một cô người á đông quá ư là đẹp ! Đẹp như một nàng tiên, một hình ảnh lý tưởng mà có một đôi khi ta vẫn mộng mơ : một người yêu vừa đẹp, vừa thùy mị lại còn biết chơi đàn … cầm kỳ thi họa và công dung ngôn hạnh  đều đủ cả. Vô thức tập thể là như thế, tiềm thức cá nhân là như thế ! Mai này, khi nghe xong bản nhạc, khi đang dâng thánh lễ (ai bảo làm LM thì không còn tình cảm ?), khi đang đi trên hè phố, nếu thấy một bóng hồng nào đó như tiên nữ thế này thì nhà cháu bảo đảm rằng anh sẽ nhớ lại bản serenade for strings của Dvorak này.

Nhà cháu có dự tính bàn về thời gian trong âm nhạc : quá khứ, hiện tại và tương lai. Sau đó lại bàn về không gian tính của âm nhạc … qua góc độ tâm lý và triết học, trước khi bàn qua những đề tài khác. Nhưng ngại rằng ba cái thứ tâm&triết này hơi khó đọc, nên tạm ngừng lại, bữa khác bàn tiếp. Bữa nay, xin được bàn về một đề tài hơi « kỹ thuật » một tý : đối âm (contrepoint).

Khoan nói tới những bậc thầy, những nhạc sỹ, những trưởng ca đoàn … AE mình ai cũng giỏi nhạc cả. Chủng viện và các cha giáo đã dạy cho biết thế nào là giai điệu, thế nào là hòa âm, thế nào là nhịp điệu, tiết tấu. Mặt khác, dân mình thường để ý nhiều, quá nhiều, về giai điệu (mélodie) ; hòa âm và nhất là tiết tấu thì coi như « ne pas ». « Cao cung lên » đó miễn hát trúng giọng là được, nhịp điệu như thế nào thì không lấy làm trọng, đừng nói chi tới đối âm ! Mặc dù đối âm, theo nhà cháu, là những gì rất gần gũi với con người Á đông mình. Đọc những sách lý thuyết âm nhạc, vô Net để tìm hiểu về đối âm (contrepoint) thì sẽ thấy mù tịt. Nhưng nhà cháu bảo đảm nó gần với mình lắm ! Nó như hơi thở ra, thở vào. Nó như da và thịt, lục phủ ngũ tạng của con người Á đông. Nó như trật tự đêm và ngày, nhỏ và lớn mà mình tôn trọng như một định luật không thể làm trái được ! Nói tóm lại, đối âm chính là âm dương. Xin mời AE đọc lại một đoạn trong « đạo đức kinh » (bản Nguyễn Duy Cần).

Hữu vô tương sanh

Nan dị tương thành

Trường đoản tương hình

Cao hạ tương khuynh

Âm thanh tương hòa

Tiền hậu tương tùy

Có với không cùng sanh. Khó và dễ cùng thành. Cao và thấp cùng chiều. Giọng và tiếng cùng họa. Trước và sau cùng theo.

AE đều biết rằng JS Bach là bậc thầy về đối âm, chưa thấy ai qua mặt được. Nhưng nhạc của Bach quả là đồ sộ … như một vương cung thánh đường với những nét kiến trúc thật hài hòa vừa đẹp vừa chắc chắn. Đó là nét đẹp cổ điển (hiểu theo nghĩa trường phái classicisme), một nét đẹp cân đối, khách quan, hầu như không có hoặc có rất ít tình cảm cá nhân. Xin mời AE vào đây nghe một đoạn trong Passion selon St Mathieu của Bach, một bản nhạc nổi tiếng nhất. Nổi tiếng đến nỗi mà có nhiều nhạc trưởng, dù là tài ba, dù là kinh nghiệm, nhưng vẫn tuyên bố rằng mình chưa đủ sức để điều khiển bản nhạc này, bởi vì nó quá linh thiêng và quá đẹp. Xin mời vào :

http://www.youtube.com/watch?v=1vcTJBaMsM4

Như đã nói qua ở trên… Nhà cháu nài xin AE đừng quá để ý tới giai điệu (mélodie) để còn lắng nghe những đối thoại giữa các bè “cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy”. Đối thoại cùng bè với nhau, giữa bè dưới và bè cao, giữa giàn nhạc và ca đoàn… Thực ra, âm dương không chỉ là sự đối chọi giữa 2 cực. Nếu nói đầy đủ về thuyết âm dương thì sẽ như sau :

1) Âm dương đối lập : đối lập là sự mâu thuẫn, chế ức và đấu tranh giữa 2 mặt âm dương. Thí dụ : ngày và đêm, nước và lửa … Hai giòng nhạc đối chọi nhau : cao với thấp, nhanh với chậm, nhỏ với to …

2) Âm dương hỗ căn : Hai mặt tuy đối lập nhưng phải nương tựa vào nhau mới có ý nghĩa.

3) Âm dương tiêu trưởng : Khi âm mất thì dương sinh hoặc ngược lại. Ý muốn nói lên sự vận động và chuyển hóa không ngừng giữa âm và dương. Khi một giòng nhạc kia chưa kịp dứt thì giòng nhạc nọ đã nảy sinh. Như sóng biển trên bãi Thùy Dương Sao Biển …

4) Âm dương bình hành : Hai mặt âm dương tuy đối lập, vận động và chuyển hóa không ngừng nhưng vẫn luôn giữ thế quân bình, hài hòa. Hai giòng tuy đối lập nhưng vẫn đi song song nhau.

Nhà cháu vừa viết mấy hàng này, vừa nghe lại bản nhạc. Tuy đã nghe hàng trăm lần, nhưng vẫn thấy hay. Với nhà cháu, nó giống như sóng biển vẫn mãi vỗ về, như gió thổi lớp này dồn lớp khác, như đêm và ngày nối tiếp, như không khí mà nhà cháu đang thở đây… và như lời cầu khi ta đọc và hát kinh cầu các thánh …

Nét đẹp theo trường phái cổ điển vì quá hài hòa nên không có những nét quằn quại, đam mê … và mộng mơ rất cá nhân của trường phái lãng mạn. Nhà cháu xin đưa ra đây một bản nhạc khác của một thiên tài khác để tìm hiểu thêm về đối âm, đó là Mozart. Tuy vẫn thuộc trường phái cổ điển, nhưng thiên tài Mozart, vì cuộc đời quá trắc trở, nên ta có thể tìm nơi những giòng nhạc những tình cảm cá nhân rất đau thương. Xin mời nghe bản Kyrie trong Requiem của Mozart để hiểu thêm về đối âm : http://www.youtube.com/watch?v=AxAOHez4meA

Một lần nữa xin AE đừng quá để ý tới giai điệu mà xin lắng nghe sự đối thoại giữa các bè, giữa lặng thinh và âm thanh, giữa nhanh và chậm, to và nhỏ … Nghe lại lần nữa đi, không phải cứ mãi vỗ về giống y như sóng biển ở Nhatrang sao ? Không phải như gió đang thổi qua hàng dương ở chủng viện sao ? Không phải như tiếng lòng trong những buổi kinh cầu sao ?

Trái với ban nhạc hòa tấu nho nhỏ trong phiên bản serenade for strings của Dvorak đã gởi mấy ngày trước, ở đây, bàn nhạc toàn là chuyên nghiệp, ca sỹ đứng hàng đầu cũng chuyên nghiệp, chỉ có ca đoàn đứng phía sau là nghiệp dư. Viết tới đây, và với tư cách một người Việt, nhà cháu cảm thấy “hâm mộ” quá ! Còn nhỏ xíu, cũng cắp sách tới trường, cũng quẹt mũi chảy thò lò như mình, mà họ vì cố gắng, vì biết tổ chức mà đã có thể tham dự vào những buổi trình tấu lớn như thế này …

Qua khía cạnh tâm lý, quá khứ không chỉ là hồi ức mà còn là tiềm thức và vô thức. Tiềm thức là khái niệm tâm lý do Freud chủ xướng, diễn đạt những dồn nén của ý thức, nhất là những dồn nén tính dục. Trong khi đó, Jung lại nói nhiều về vô thức, nhất là vô thức tập thể.

Khi nghe một bản nhạc, hoặc lựa chọn để nghe một bản nhạc, tiềm thức khi ẩn khi hiện, mờ mờ ảo ảo, gián đoạn không liên tục … đã gợi cho ta một số sự việc, thúc giục ta nên nghe bản này hơn bản khác, nên nghe loại nhạc này hơn loại nhạc khác. Có lẽ đây là cái mà bác HXAnh gọi là « từ bên trong mà ra », nói cách khác : sở thích ấy từ tâm mà ra. Mà AE đều biết rằng cái tâm này lại có nhiều tầng : ngũ thức do giác quan, ý thức, tiềm thức và vô thức.

Nhưng nhà cháu lại khoái bàn về vô thức tập thể, cũng là cái mà nhà cháu gọi là « biển nhớ » của nhân loại. Vô thức tập thể được biểu hiện bằng những archétypes (nội dung của vô thức tập thể theo Jung). Đối với dân Việt mình, archétypes thường gặp là sự tích trầu cau, hòn vọng phu, chinh phụ ngâm, tấm cám … Phim ảnh Hàn quốc dùng rất nhiều archétypes. Mà khi dùng archétypes để diễn đạt thì bảo đảm thế nào « quý bà » cũng đầy nước mắt, đừng hỏi tại sao lại thích nghe,thích xem ! Những buổi tiễn biệt đầy nước mắt của « chinh phụ ngâm », những cảnh bi tráng của « hòn vọng phu », những kiên trì và đầy duyên phận của « tấm cám » … đã là một phần của vô thức tập thể dân mình. Chúng thúc giục, can thiệp vào lựa chọn nghệ thuật của ta. Chúng cũng gợi cho ta một số sự việc, hình ảnh khó cưỡng lại được. Cho nên, không lạ gì mà nhà cháu đã nghe câu : « biết rằng nhạc cổ điển tây phương hay và sâu sắc, nhưng tôi vẫn thích nghe nhạc Việt hơn, vì nó dễ đi vào lòng hơn »

Nói tóm lại, khi nghe hoặc khi chọn một bản nhạc để nghe, kỷ niệm, hồi ức, tiềm thức cá nhân, vô thức tập thể đã trở lại, có khi sống động, có khi mờ ảo hoặc đang ẩn giấu một nơi nào đó trong tim. Được ru bằng ca dao, cải lương … ta thích nghe những giai điệu gần gần như vậy. Được nuôi lớn bằng Jazz, bằng spirituals, bằng blues … ta lại thích nghe rock and roll. Nhạc ở nhà thờ, nhạc quảng cáo, nhạc chuyển mục, musique d’ambiance (tiếng việt là gì, quên mất rồi) ở Tây lại đầy những điệu nhạc như bản serenade của Dvorak, cho nên không lạ gì mà họ lại thích Bach và Mozart.

Riêng nhà cháu, thời gian sống ở Pháp đã gấp đôi thời gian sống ở VN, cho nên, « ca dao » của nhà cháu vẫn luôn là « ca dao » của mẹ ru, nhưng nó cũng còn là « ave verum » của Mozart, là 9e symphonie của Beethoven, là « magnificat » của Bach… Mà này, AE còn nhớ ông hát tenor nổi tiếng Pavarotti không ? Khi Pavarotti chết, nhà nghệ sỹ mù Bocelli đã hát « ave verum » để tiễn biệt trong tang lễ. Xin mời AE vào đây để nghe « ave verum » do Leonard Bernstein điều khiển :

http://www.youtube.com/watch?v=6KUDs8KJc_c

Chia động từ “tôi nghe nhạc” ở thì hiện tại thì muôn hình vạn trạng. Có lúc nghe nhạc để giải trí, có lúc nghe nhạc để thưởng thức, có lúc nghe nhạc khi buồn, khi vui, khi hồi niệm, nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người yêu. Lại có lúc nghe nhạc vì muốn đi chơi với người đẹp : đi thì đi nhưng cứ mong buổi trình diễn mau chấm dứt để chiều tối hôm ấy mình được gõ piano trên tấm thân ngà ngọc. Rồi thì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” : buồn thì nhạc vui cũng thấy buồn, vui thì nghe Requiem vẫn thấy vui. Lại nữa, có người nghe nhạc để học hỏi : học nhạc, học viết văn (vâng, nhà cháu đôi khi nghe nhạc để học viết), học cái âm thanh tương hòa khi đối thoại, bàn luận. Rồi cũng có khi nghe nhạc khi trời nắng, trời mưa, tâm lý cũng vì thế mà thay đổi theo thời tiết… Mỗi người mỗi kiểu, mỗi người mỗi cách cảm nhận thời gian theo tiếng của đất trời, tiếng của lòng và tiếng của nhạc.

Nhưng cũng xin mở ngoặc để phân biệt thế nào là tâm lý, thế nào là triết học. Tâm lý là ghi nhận và phân tích những sự việc xảy ra cho tâm thần (psyché) rồi tổng hợp và xếp đặt chúng lại thành định luật. Trong khi đó, triết học không có định luật. Triết hoc dùng lý trí để suy tư về sự việc nói chung, không phải chỉ những sự việc xảy ra cho đời sống tâm thần. Nói tóm lại cho dễ nhớ : tâm lý thì ghi nhận, triết học thì suy luận.

Như thế để tránh lối viết có vẻ giáo khoa khó đọc, nhà cháu sẽ từ từ kể ra những mẫu chuyện “tôi nghe nhạc” ở thì hiện tại, và rất mong anh  em góp ý, thêm vài mẫu chuyện cho vui vẻ cả làng.

Viết tới đây thì có một sự việc khá bất ngờ vừa xảy ra tức thì nên vội ghi lại đây, tuy không trực tiếp liên quan tới bài viết hôm nay, nhưng cũng là “tôi nghe nhạc” … Là bác sỹ gia đình, nên nhà cháu có dịp khám vợ và con của một ca sỹ ban nhạc hòa tấu (chanteur de l’opéra), một ca sỹ hạng nặng, chuyên nghiệp, và phải đi lưu diễn thường xuyên.

– Xin chào ông D., cháu không được khỏe hả ?

– Xin chào bác sỹ. Vâng, tôi dẫn cháu tới vì sáng nay cháu bị đau bụng, nên phải nghỉ học. Mà bác sỹ có trí nhớ thật tốt. Có lẽ đây mới chỉ là lần thứ 2 mà hai người mình gặp nhau, vậy mà bác sỹ vẫn nhớ tên của tôi.

– Nói thực với ông, dạo này tôi thường nghĩ tới ông, bởi vì tôi đang “tán dóc” với bạn bè về cảm nhận và phân tích của tôi khi nghe nhạc.

Rồi nhà cháu khám cho cháu bé. Khi thấy không có gì nặng, chỉ vì bị bón nên ăn khó tiêu và bụng bị đau, nên nhà cháu lại nói tiếp về âm nhạc.

– Dạo này tôi đang bàn với bạn bè về đối âm (contrepoint). Tôi chẳng có bao nhiêu kiến thức về lý thuyết âm nhạc, nhưng khi đọc vài cuốn sách, lên Net tìm tìm hiểu hiểu, thì tôi thấy đối với một người gốc Á đông như tôi thì đối âm chính là âm dương. Trong đối âm, nhiều giòng nhạc đối lập, tiếp nối, bổ túc và đi song song với nhau giống như âm và dương vậy.

– Đúng thế ! Ông D. vui vẻ trả lời đồng tình, tuy có vẻ hơi ngạc nhiên.

Sau đó cháu bé mặc đồ trở lại, nhà cháu thì biên toa thuốc và giải thích về bệnh tình. Tưởng như thế là xong, nhưng trước khi ra về, ông D. nấn lại một tý và nói thêm :

– Xin lấy một chút thời giờ của bác sỹ. BS có nói về đối âm và âm dương… Ở trong nhạc baroque, thuở xưa, người ta tính nhịp điệu bằng nhịp đập của tim và hơi thở- Ông ta vừa nói vừa làm cử chỉ bắt mạch như một nhà thầy thuốc.

– Nhưng thưa ông D. Như thế thì có liên quan gì tới đối âm.

– Có chứ, vì theo cảm xúc mà tim đập chậm hoặc mau. Vì theo cảm xúc mà hơi thở có khi khẩn, có khi khoan.

– Tôi hiểu rồi. Giòng nhạc nọ vì cảm xúc mãnh liệt mà đi mau, giòng nhạc kia vì buồn và mệt mỏi mà đi chậm, thế là ta có đối âm.

– Đúng thế ! Ông ta trả lời, bắt tay từ giã. Để tiễn ông D. nhà cháu nói thêm câu cuối cùng :

– Cám ơn đã cho tôi một bài học nho nhỏ về âm nhạc. Tôi lấy làm hãnh diện và sẽ khoe với bạn bè việc này.

Khi luyện khí, khi học đông y, ta đều biết thở ra là dương, hít vào là âm. Ta cũng biết nhanh là dương, chậm là âm … Đó là những gì rất gần gũi với con người á đông. Thế thì tiếc gì mà ta không thở của hơi thở âm nhạc, lắng nghe vũ điệu âm dương trong âm nhạc ?

Trong AE mình, có nhiều người là võ sư ( như Long 69), có nhiều người lại ốm yếu như nhà cháu không thích vận động nhưng lại thích đọc chuyện kiếm hiệp, tiên hiệp… Đọc thì thấy rằng giai đoạn đầu là « cử trọng nhược khinh », cử tạ trăm ký mà như nhấc bổng trái bong bóng. Giai đoạn tiếp là « cử khinh nhược trọng », nhấc sợi lông ngỗng nhưng lại thấy nặng như núi Thái Sơn. Giai đoạn cuối cùng là không còn « khinh », không còn « trọng », thẳng tiến vào bậc « siêu » như « vô chiêu thắng hữu chiêu ».

Âm nhạc cũng thế thôi ! Ta không chỉ nghe nhạc, mà còn thấy nhạc, còn sờ, còn nếm, còn ngửi thấy nhạc. Thấy bóng tối và ánh sáng, thấy màu sắc của âm thanh. Sờ thấy êm dịu, mịn màng như tơ. Nếm thấy ngọt ngào hoặc cay đắng. Ngửi thấy hương thơm tràn đầy cả căn phòng, lối đi …

Thơ văn cũng vậy ! Xin đọc bài « phong kiều dạ bạc » của Trương Kế rất nổi tiếng dưới đây thì ta sẽ nghe thấy tiếng quạ kêu sương, tiếng chuông chùa vọng lại trong đêm. Và cũng sẽ thấy ánh trăng mờ trên sóng nước.

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương

Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

(Bản dịch của Tản Đà)

Nhạc của Debussy rất nhiều màu sắc. Khi nghe nhạc Debussy, ta có cảm tưởng như đang ngắm một bức tranh của trường phái ấn tượng (impressionisme). Xin mời AE vào đây để nghe :

http://www.youtube.com/watch?v=tNoSB1E7tYE

Nghe thêm một lần nữa đi ! Đọc lại một lần nữa bài “phong kiều dạ bạc” ! Ta sẽ thấy làn nước đang gợn sóng. Cũng sẽ thấy cây cỏ bên bờ hồ. Cũng sẽ thấy sương đêm. Cũng nghe thấy tiếng chuông chùa … Và ánh trăng ! Rõ ràng là có ánh trăng, không thể nghi ngờ được nữa ! À, anh em nào có piano thì nên học chơi bài này. Tương đối không quá khó ! Cỡ như nhà cháu mà còn gõ được, huống chi là AE !

Và như thế, ở đây ta cũng có 3 giai đoạn :

1) Lắng nghe, không chỉ nghe giai điệu mà còn lắng nghe tất cả các bè … Và sẽ nghe thấy những âm thanh đặc biệt của bản nhạc.

2) Lắng nghe, nhưng không phải chỉ để nghe mà còn để thấy, để sờ, để ngửi, đề nếm từng giòng nhạc, tiếng âm thanh.

3) Và giai đoạn sau cùng : không còn âm thanh, không còn các giác quan khác, nhưng chỉ còn ta và nhạc. Và có người còn nói rằng, bước tiếp tới nữa thì không còn ta, không còn nhạc mà chỉ còn sự hiệp nhất giữa ta và nhạc, thế thôi.

Nhờ phúc của AE mà nhà cháu đã có dịp bàn về thời gian tâm lý khi nghe một bản nhạc. Quá khứ với hồi ức và kỷ niệm, nhưng cũng còn là tiềm thức và vô thức tập thể. Hiện tại với muôn hình vạn trạng và « người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ». Còn về tương lai thì nhà cháu sẽ bàn sau. Không phải chỉ bàn về tương lai hiểu theo nghĩa sự phát triển của bản nhạc ấy, nhưng nhà cháu đặt câu hỏi rằng ta có thể « thấy » tương lai khi nghe một bản nhạc hay không ?

Để bớt nhàm chán, hôm nay nhà cháu xin được bàn về không gian trong âm nhạc. Xin AE đọc bài viết mà nhà cháu viết đã lâu rồi thì sẽ thấy được cái khung … Một không gian ba chiều hay muôn vạn chiều ? Một không gian mà cấu trúc chiều cao gồm : giai điệu, cường điệu, nhanh chậm, tiết nhịp, hòa âm và timbre. Một không gian mà chiều rộng là tương giao giữa các nhạc cụ, giữa các hòa âm, tiết nhịp, cường điệu … Một không gian mà chiều sâu chính là cái đẹp và ý nghĩa của bản nhạc …

Mai mốt, nếu AE còn hứng đọc, nhà cháu sẽ đi sâu vào từng phần. Rất mong AE góp ý cho thêm vui.

Tối hôm qua nằm đọc chưởng nghe nhạc rồi suy nghĩ về những gì mình cần phải để ý khi thưởng thức một bản nhạc thường được gọi là “cổ điển”. Xin viết ra đây vì mong những anh em sành điệu chỉ giáo thêm. Tạm thời cứ lấy cái không gian 3 chiều quen thuộc của mình để làm bước khởi đầu.

1) Nếu nhìn về chiều cao thì đó là cấu trúc tầng lớp của giai điệu (mélodie). Lấy bài “cao cung lên” làm thí dụ : cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa … là một mélodie thì khi nghe mình phải để ý tới to nhỏ (cường điệu, volume), nhanh chậm, tiết nhịp (valse, tango …), hòa âm và cuối cùng là timbre.

Người mình rất giỏi về mélodie (giai điệu), trong khi đó dân Tây rất dở về giai điệu. Có biết bao nhiêu cha sở, giám mục Pháp khi bắt credo, gloria ở nhà thờ mà âm điệu cứ sai hoài… Khi hát thì cũng có to, có nhỏ … nhưng về tiết nhịp thì dân mình lại rất yếu, trái lại với người Âu Châu và nhất là dân da đen. Những người dân ở Châu Phi hình như sinh ra đã có tiết tấu và nhịp điệu ở trong máu, cứ xem họ nhảy múa theo nhịp thì biết ngay. Còn dân mình khi hát bài “cao cung lên” ở trong nhà thờ thì cứ kéo dài lê thê, chẳng cần nhịp điệu gì ráo, miễn trúng cung trúng giọng là được. Còn về hòa âm thì miễn bàn, dân mình chẳng để ý việc ấy bao nhiêu. Tierce cũng được mà quarte cũng thế.

Và cuối cùng là timbre, chẳng biết dịch sang tiếng việt là gì. Như tiếng của nhạc cụ đồ đồng không giống như tiếng của những nhạc cụ đồ gỗ hoặc đồ dây …

2) Nếu nhìn về chiều rộng thì đó là tương giao. Tương giao giữa những giòng nhạc của một nhạc cụ, tương giao giữa nhạc cụ này với nhạc cụ khác. Tương giao giữa những hòa âm này với hòa âm khác, tương giao giữa tiết nhịp này với tiết nhịp khác, tương giao giữa cường độ này với cường độ khác. Lúc to, lúc nhỏ, lúc nhanh lúc chậm, lúc thì tiết nhịp này, lúc thì tiết nhịp kia. Lúc thì ta như đang nghe violon nói chuyện với clarinette …Nói khác đi đó là một cuộc nói chuyện, bàn cãi như đang nghe một đàn chim hót : con này hót thế này, con kia trả lời thế nọ. Cũng như đang nghe tiếng thiên nhiên bày tỏ nỗi niềm : lúc thì giận dữ như sóng thần tsunami, lúc thì êm ái như tiếng ru mẹ hiền, lúc thì như gió thoảng bên song cửa. Cũng như đang nhìn thấy cấu trúc của một vương cung thánh đường, cũng như đang tưởng ra nét đẹp của một cấu trúc hài hòa toán học …

Người mình giỏi về giai điệu (mélodie) nên hầu như chỉ để ý tới giai điệu mà thôi, những thứ khác mình thường xem như đó chỉ là nhạc đệm cho thêm hay ho. Có lẽ vì thế mà mình ít để ý tới chiều ngang của bản nhạc được xem như là những mẫu “đối thoại” giữa những cung bậc, nhạc cụ, tiết nhịp, cường độ … như thế này.

3) Về chiều sâu của bản nhạc thì chỉ xin bàn tới 2 việc : cái đẹp và ngôn ngữ. Nói khác đi, đó cũng là ý nghĩa và cái hay cái đẹp của bản nhạc ấy. Nếu chỉ thấy chiều cao và chiều ngang thì cũng như ta đọc tiểu thuyết mà chỉ thấy cấu trúc và hành văn nhưng chưa để ý tới nội dung và ý nghĩa.

Nói về ngôn ngữ thì xin kể ra một câu chuyện gia đình. Như đã có nói với anh em về chuyện Benoit bàn về toán và vật lý. Ở những bước đầu, ta có thể nhờ vật lý mà hình dung ra được toán, nhưng tới một trình độ nào đó thì vật lý không còn giúp được gì. Thí dụ như ta không thể nào hình dung được một espace vectoriel (không gian vectơ) mà số chiều là vô tận. Nhưng khi hỏi mấy cháu những hình ảnh có giúp phần nào khi giải toán hay không thì chúng trả lời rằng có nhưng chỉ là những mẩu vụn không thể nối kết với nhau thành một tổng thể. Nhà cháu nghĩ ngôn ngữ của âm nhạc có phần nào giống như ngôn ngữ của toán vậy, tức là không gian của âm nhạc có muôn vạn chiều. Cùng một giòng nhạc ta có thể “thấy” đó như là lời thủ thỉ giữa 2 người yêu, nhưng người khác lại nhìn thấy đó như là tiếng thở than của gió hay tiếng nước chảy. Cùng một bản nhạc có lúc thấy đó là cuộc đùa vui của bạn bè, có lúc lại thấy như cấu trúc của tiếng động của thiên nhiên, không dính líu gì nhiều tới việc trước… Nói tóm lại, không gian của âm nhạc không phải là không gian của vật lý …

Còn về cái đẹp thì ôi thôi dài giòng lắm. Tóm tắt thì ta cứ tạm chia làm 3 : cái đẹp cổ điển, cái đẹp lý trí và cuối cùng là cái đẹp lãng mạn. Người mình khi thấy cái đẹp thì thường nói rằng bản nhạc ấy hay, rất “có hồn”, chẳng cần phân tích mần chi cho rắc rối. Cao hơn một bậc thì mình dùng Thiền để nói rằng không còn phân biệt đâu là nhạc, đâu là người đang nghe, nôm na là mình đã đặt hồn vào trong bản nhạc ấy. Dưới cái nhìn Tây Phương, cách nhìn ấy của Á đông rất gần với cách nhìn lãng mạn của họ, bởi vì đối với Tây Phương lãng mạn là lấy chủ thể làm chính và chủ thể ấy hòa đồng với thiên nhiên. Nếu đúng như thế thì không lạ gì mà mình thường thích những bản nhạc lãng mạn của Beethoven, Chopin … hơn là nhạc của Bach.

Trong khi đó cái đẹp “cổ điển” là cái đẹp “khách quan”. Cứ tạm hiểu khách quan ở đây khác với chủ quan -tức là lấy chủ thể làm căn bản- của lãng mạn. Khách quan vì lấy một cái đẹp ngoài con người làm gốc, chẳng hạn như lấy thế giới lý/ý tưởng của Platon, chẳng hạn như lấy Thượng Đế làm gốc, chẳng hạn như lấy cấu trúc linh thiêng, hoặc cấu trúc của vũ trụ … làm gốc. Đó là một nét đẹp rất hài hòa như vũ trụ mà những người thuở ấy cho rằng rất hài hòa.

Còn cái đẹp của lý trí thì ai cũng hiểu, vốn đã có từ thời Khai Sáng.

Có cái tóm lược nào mà không thiếu sót vả lại những gì đã viết vốn đã là tóm lược của tóm lược của tóm lược … Nhưng nếu muốn túm lại cho dễ nhớ để mà còn “thực hành” khi thưởng thức một bản nhạc mà ta thường gọi là “cổ điển” thì những anh Hai Lúa da vàng con rồng cháu tiên như chú Tám phải để ý THÊM mấy điều sau đây :

a) về chiều dọc : tiết nhịp, hòa âm và timbre

b) về chiều ngang : đối thoại giữa muôn vàn thành phần của bản nhạc

c) về chiều sâu : không gian vô tận của bản nhạc và những nét đẹp không phải lúc nào cũng “lãng mạn”.

Trần Duy Thực 65

Huệ 68 viết:

Bác Tám thân,

khía cạnh “Chỉ bàn về thời gian qua góc cạnh tâm lý mà thôi” dễ quá. Nhưng nếu bàn về “tâm lý qua góc cạnh của thời gian” thí bác nghĩ làm răng?

Bởi vì bác nghe nhạc có youtube trước mặt nên bị mê hồn chứ nếu không youtube (yếu tố của thời gian) thì bác có lâng lâng như thế không?

Nếu bác nghe bản nhạc này vào tháng 7 tháng 8 nắng như lửa đốt thì bác mơ tới ai? hì hì

Huệ 68

HXAnh 71 viết:

Anh Thực 65,

Như tất cả các ngành về nghệ thuật, Chơi nhạc, sáng tác nhạc, nghe nhạc, hát nhạc ,..đều là sự diễn tả từ bên trong ra. Nếu bên trong ta trống rỗng, chẳng có gì, thì làm sao ta có thể sáng tác một bản nhạc, viết một bài thơ, hát một bài hát, vẽ một bức tranh đẹp…Dĩ nhiên phối cảnh bên ngoài có ảnh hưởng bên trong và làm dao động bên trong. Ví dụ, ngồi ngắm cảnh một buổi chiều xuống, nếu có một người bạn hiền ngồi bên cạnh hoặc người yêu ngồi bên cạnh, cảnh trưa hè oi bức, một buổi tối uống trà với bạn hiền …Theo thiển ý của em, nghe nhạc cũng từ bên trong ra, thích hay không thích là tùy sở thích (taste) của mỗi người. Hay hay dõ là do nhạc sư phân tích và phê bình. Em muốn nói về trình độ nghe nhạc là quan trọng bởi vì nếu anh học nhạc, biết nhạc lý và chơi một nhạc cụ nào đó thì anh có thể thưởng thức một bài nhạc thú vị hơn. Nhưng điều này cũng chỉ cho riêng bản thân mình và có thể chia sẻ với một người bạn thân tình nào đó. Đó là thú vị của cuộc đời.

Theo thiển ý của em, nghe nhạc gì và lúc nào là tùy bên trong lòng mình: một buổi tối sau khi ăn cơm, ngồi uống trà với bạn hiền, một ngày cuối tuần rãnh rổi ngồi chơi với gia đình, một hôm lái xe đường xa…Mình sẽ biết lựa loại nhạc nào cho đúng.

Trần Duy Thực phúc đáp:

Cám ơn bác Huệ 68 và bác HXAnh 71 đã góp ý. « Hợp với lỗ nhĩ của mình hay không là do thói quen và trình độ hiểu biết của người ấy », nói cách khác là mình đặt vấn đề sở thích. Như bác HXAnh 71 đã nói, cái sở thích này tùy thói quen và trình độ hiểu biết. Đó cũng là vấn đề mà nhà cháu đang tìm hiểu. Lúc đầu thì xem thử quá khứ tức  là hồi ức, kỷ niệm, kinh nghiệm sống … ảnh hưởng tới sự lựa chọn một bản nhạc để nghe như

thế nào. Nhưng quá khứ không chỉ là hồi ức và kỷ niệm … nhưng nó còn là tiềm thức và vô thức. Nhà cháu sẽ cố gắng phân tích rõ hơn. Nhưng như thế cũng chỉ là nhìn vấn đề dưới góc độ tâm lý. Vấn đề còn có thể nhìn qua góc độ triết lý và xã hội …vân vân. Xin được giới hạn trong phạm vi tâm lý và triết học mà nhà cháu sẽ từ từ triển khai, rất mong quý bác góp ý thêm.

« Nếu nghe bản nhạc serenade for strings của Dvorak vào lúc nắng như lửa đốt thì bác nghĩ tới ai », nhà cháu muốn trả lời bằng hồ bơi, bãi biển, bikini … nghiêm chỉnh hơn thì đó cũng là vấn đề mà nhà cháu sẽ cố gắng tìm hiểu qua những bài viết sắp tới, và được tạm xếp vào mục ảnh hưởng của hiện tại. Xếp như thế thì có hơi gò bó, tại vì quá khứ, hiện tại và tương lai đan xen với nhau khi lựa chọn một tác phẩm để nghe … nhưng biết sao hơn ?

Sẵn trớn, xin nhấn mạnh một chi tiết « nhỏ ». Trong ban nhạc hòa tấu nho nhỏ ấy, nhà cháu nghĩ rằng chỉ có một người là chuyên nghiệp mà thôi. Đó là anh nhạc trưởng. Kỳ dư, toàn là những nhạc sỹ nghiệp dư ! Kinh khủng chưa ! Những  nhạc công ấy là những người như anh và tôi, phải lái xe đi làm mỗi ngày, phải nuôi con, phải rửa chén … Nhà cháu nhớ lại thời còn sinh viên. Gia đình của một đàn chị trước mỗi lần họp mặt gia đình khi nghỉ lễ hoặc nghỉ hè đều trao tay nhau một vài bản nhạc để tập dượt. Khi họp mặt thì mỗi người một nhạc cụ và họ trình tấu chung. Đâu phải chỉ ăn nhậu, tán dóc hoặc sex mới là cái thú ở đời hỉ ?

Thân mến. Thực 65

Nguyễn Công Khanh 70 viết

Kính thưa Bác Trani.

Nhàn rỗi tí thời gian, “tán”  cho vui, theo như Bác đề xuất, vừa học vừa hỏi. Em không hề chút nào có ý đả kích , chê bai. Xin chớ hiểu lầm em, tội nghiệp ! A di đà !

Em đọc  ” Tôi nghe nhạc ”  mà hoa cả mắt, xin Bác đừng phiền , vốn dĩ mắt  em đã kém.

Em không phải là bậc thầy , cũng không phải là nhạc sĩ,  chẳng giỏi nhạc theo Bác kỳ vọng như trong phần Tôi nghe nhạc 2, chỉ dám nhận mình là người thích nghe nhạc . Mà điều này ( thích nghe nhạc ) không có bất kỳ một luật lệ nào cấm cản …

Nghe nhạc , theo cách diễn giải chia sẻ của Bác, quả là danh bất hư truyền, nội công thâm hậu, đạt đến trình độ Ngũ khí triều nguyên,Vạn thế quy tông, chứ đừng nói đến chi Tam hoa tụ đỉnh, Thông quan Sanh tử huyền môn.

Những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới , qua tay Bác vốn dĩ là bác sỹ, trở thành khúc chiết, minh bạch , rạch ròi như qua ống kính hiển vi điện tử tân kỳ dưới cặp mắt tinh tường của bác sĩ xét nghiệm . – Bác cho rằng : Khi nghe Cao Cung Lên là nghe lại cả hồi ức của chính mình. Ô hay ! với em, Cao Cung Lên là cả một tâm tình thờ kính. Thời gian tính không còn, sở hữu tính ( tác giả ) không tồn tại, không gian trở thành vô nghĩa.  Ông Tây, Bà Đầm , Dân quê chân lấm tay bùn đều có thể cảm thấu hòa điệu. Bác có bao giờ chứng kiến cảnh tượng một giáo dân xứ ruộng tham dự thánh lễ mùa giáng sinh, hát Cao Cung Lên tập thể mà hai hàng lệ rơi chưa ? Em , và có lẽ không ít anh em, được mục kích một tín hữu công giáo, vừa hát vừa rơi lệ khi cất chung giọng  Chúa Đã Thương Con :

” Hồng ân Chúa như mưa như mưa, rơi xuống đời con miên man miên man… ” ( Giáng Ân )

Vâng , chỉ phút giây hiện tại , và chỉ chính phút giây đó. Âm nhạc hoàn thành nhiệm vụ, là ngôn ngữ chuyển tải cõi lòng  đến đối tượng cần nhắm tới .

Bác cho  rằng : Nghe và nhìn một nghệ sĩ biểu diễn với nụ cười hạnh phúc êm đềm thì bảo đảm rằng anh sẽ nhớ lại bản Serenade for strings của Dvorak. E có khiên cưỡng chăng ? Sao Bác không cho rằng anh sẽ nhớ tới người yêu khi xuân tới nhỉ ? còn Dvorak là ai… không thành vấn đề !

A ha, em cũng túm lại. Thích nghe nhạc không hẳn là yêu nhạc, nghe nhạc không hẳn nhớ tới nhớ lui quá khứ dĩ vãng. Nghe nhạc đơn giản là nghe nhạc , chỉ có vậy.

Kính thưa Bác Trani.

Như đã thưa với Bác, em chỉ là người thích nghe nhạc, không chỉ cố gắng nghe bằng đôi tai những thanh âm vật lý, mà còn cần trau dồi nghe bằng con tim những tiếng lòng giữa vô vàn thanh âm của cuộc sống. Đây cũng là điểm mang nghĩa Đối âm , mà Bác ‘ xin ‘ anh em nghe nhạc lưu tâm và đừng quá chú trọng đến giai điệu , em có thể ví von theo cách nói của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, người được Giáo sư Trần Văn Khê tỏ lòng ngưỡng mộ mỗi khi nhắc đến :  Lưỡng phân mà lưỡng hợp .

Trong lĩnh vực âm nhạc, cách đối âm bên trời Tây mà Bác đang đề cập tới, Bác diễn tả và cho rằng rất gần gũi với con người Á đông bên trời Ta…thật đúng với câu ” Tuy xa mà gần, tuy gần mà xa… ”

Tuy vậy, ngôn ngữ bên Tây để chỉ âm thanh,  người ta chỉ có danh từ như : son (Pháp), sound (Anh ). Trong khi Việt Nam chúng ta có đến hai từ : Thanh và Âm ;Trung Quốc có hai từ : Sheng và Yin ; Ấn Độ cũng có hai từ : Svara và Shruti.  Điều này chứng tỏ rằng , về phương diện Đối âm   (âm nhạc, ngôn ngữ, thơ ca…) chưa hẳn ( em lại dùng từ chưa hẳn rồi!) Trời Ta thua kém Trời Tây, ngay ở cái tên gọi Ta đã phong phú hơn.

Thanh là xác – Âm là hồn , âm dương tương hợp,  tương sinh , tương khắc dịch chuyển bất tận …

Mời Bác ôn lại làn điệu ru dân tộc mình, ngoài yếu tố âm dương, nghệ thuật đối âm chẳng kém phần điêu luyện, mà khi nghe là rót thẳng vào hồn…

” Công cha như núi Thái Sơn , nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra… “

” Chú tôi hay tửu hay tăm,

hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa.

Ngày thời những muốn ngày mưa, đêm thời muốn những đêm thừa trống canh… “

            Thi sỹ Thế Lữ đã có những câu thơ tài tình diễn tả sự tuyệt diệu của âm nhạc Việt Nam, mà không ít nhạc sĩ dệt thành ca khúc vẫn còn lưu truyền:

– Về tiếng hát của cô gái ven sông :

” Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền

Êm như hơi gió, thoảng như sương.

Cao như thông vút, buồn như liễu.

Nước lặng, mây ngừng, ta đứng im. “

( Tiếng gọi bên sông )

– Về tiếng sáo quê hương mình :

” Theo chim tiếng sáo lên khơi,

Lại theo giòng suối bên người tiên nga

Khi cao vút tận mây mờ

Khi gần vắt vẻo bên bờ cây xanh

Êm như lọt tiếng tơ tình

Đẹp như ngọc nữ uốn mình trên không.

( Tiếng sáo thiên thai )

–         Về tiếng địch

” Tiếng địch thổi đâu đây

Cớ sao nghe réo rắt

Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt

Mây bay…gió quyến…mây bay

Tiếng vi vút như khuyên van , như dìu dặt

Như hắt hiu cùng hơi gió heo may.

–         ( Tiếng trúc tuyệt vời )

Bác xem , Nguyễn Du tả tiếng đàn Thúy Kiều đây :

” Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa .”

Cảm thán tâm tư của Bác trước vẻ đồ sộ nền âm nhạc trời Tây : ”  Viết tới đây, và với tư cách một người Việt, nhà cháu cảm thấy hâm mộ quá ! ”

Em không cầm được những cảm xúc tự hào dân tộc, về nét độc đáo của âm nhạc Việt, với nghệ thuật đối âm còn có cả đối thanh, sắc… mà mượn lời thơ, lời dẫn để tỏ bày cùng Bác, cho dù còn rất thô thiển so với kiến thức uyên thâm của Bác.

Kính thưa Bác Trani,

Em xin được nhảy…vượt rào, để tiếp tục ” trêu chọc ” Bác trong đề tài em cảm thấy hứng thú. Bác cảm thấy phiền lòng , điều này em không muốn tí nào cả, Bác cứ tống một chưởng Thần Long chi chi đó.

Em có thói quen, sáng sớm , nhất là sáng nay, lễ về bê ly cà phê ra trước hiên nhà ngắm trời mây vạn vật và bật nhạc…nghe.

Nhớ lại những gì Bác viết…và thật thú vị , Ô hay ! bỗng dưng em cũng muốn cho mau hết ly cà phê, đi vào nhà…tập gõ piano, của đáng tội, Bác chuyển đề tài bất ngờ và hấp dẫn … Vâng, là bởi vì em đang nghe bản Endless Love do Lionel Richie biểu diễn…

Một tình yêu bất tử, tuyệt vời, và chỉ một dành cho nhau. Hai trái tim cùng nhịp đập, và cảm nhận cùng nhau đến từng hơi thở suốt đời. Với tình yêu bất tử, tôi nguyện trở thành kẻ điên đi cùng em suốt cuộc đời…

Lúc bay bổng, lúc trầm buông, lúc rượt đuổi, lúc hòa quyện , thi thoảng gào thét trong điên loạn …tình yêu của quãng 5, quãng 8, và đằm thắm quãng 2 trưởng. Và kết thúc quãng đời trong tình yêu nồng thắm với hơi thở cạn kiệt , giọng ngân vẫn trong sáng đến trọn vẹn, hòa quyện.

Nhịp đập thổn thức của trái tim yêu say đắm,  cao trào , âm Bass guitar thể hiện dồn dập như nhịp đập đôi uyên ương đang cơn âu yếm, tỏ lời thì thầm từ e ấp sang tự hiến dâng trọn vẹn, đến mãn nguyện hạnh phúc…

Món quà Thượng Đế trao tặng, vì thế tôi chẳng dại đánh đổi em, tình yêu vĩnh cửu…Tôi cam đoan thế, và tôi sẽ là một với em.

Ly cà phê hôm nay rất ngon và thơm hơn mọi khi, Bác Trani kính iu !Chưa đã nư, bản nhạc thứ hai để kết thúc ca phê buổi sáng…

” Tiếng đàn bầu của ta, cung thanh là tiếng mẹ…cung trầm là giọng cha.

Ngân nga em vẫn hát…tích tịch tịch tình tang… ”

Lời ru êm đềm, mượt mà, đượm thắm yêu thương, trao gởi tâm tình cho quê hương …

Mến chào Bác.

Khanh 70

Trần Duy Thực phúc đáp:

Cám ơn bác Khanh 70 đã phản hồi với những suy tư sâu sắc :

Ô hay ! với em , Cao Cung Lên là cả một tâm tình thờ kính. Thời gian tính không còn, sở hữu tính (tác giả ) không tồn tại, không gian trở thành vô nghĩa.

vẫn biết rằng chia quá khứ, hiện tại, tương lai hoặc thời gian và không gian như thế là gò ép. Nhưng có lẽ trước khi đi tới tổng hợp (synthèse) thì ta bó buộc phải phân tích từng phần. Đây là vấn đề “nhức nhối” do có sự khác biệt giữa văn hóa á đông và âu châu, mà nhà cháu đã có dịp suy nghĩ khá nhiều khi trao đổi với anh em. Á đông mình thì thường dùng trực giác để đi thẳng vào vấn đề, kiểu như “ai đi phân tích một mùi hương”, kiểu như “vô chiêu thắng hữu chiêu”, kiểu như “trực chỉ minh tâm, kiến tánh thành Phật” và “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự” hoặc “đạo khả đạo, phi thường đạo”… Tây phương lại thích phân tích, và sau khi đã phân tích rồi mới tổng hợp, kiểu như tôi thấy cành hoa ấy đẹp, tôi đang tận hưởng nét đẹp ấy, nhưng tôi vẫn muốn phân tích và tìm hiểu thêm tại sao nó lại đẹp, tại vì cấu trúc của chính nó ? tại vì khung cảnh bao quanh nó ? tại vì tâm hồn tôi ngày ấy như thế ? Tại vì … vân vân… và cuối cùng thì nhờ phân tích mà tôi đã hiểu hơn, và có lẽ tôi sẽ thấy nó còn đẹp hơn nữa. Nói túm lại, á đông thích huyền nhiệm (voie mystique), tây phương đôi khi lại xem huyền nhiệm như là obscurantisme, một obscurantisme mà kỷ nguyên khai sáng đã đả phá, rồi từ đó đã nảy sinh ra khoa học.

Cao Kỳ Hương 64 viết:

Kính thưa quý anh em

Cùng với Doc Thực Ba Lê, xin được góp một chút ý mọn . Bài viết đã được đăng báo Sài Gòn tiếp thị của chú Công Khanh năm xửa xừa xưa.
http://sgtt.vn/oldweb/cacsobaotruoc/521_23/p11_muonsanhnhaccodien.htm

Đã có ý kiến nếu người ngoài hành tinh đến với chúng ta mà hai bên không thể trao đổi được với nhau, thì chỉ cần cho họ nghe bản Giao hưởng số 5 của Beethoven là họ sẽ hiểu thế giới con người!

Trên thế giới, người ta vẫn xem nhạc cổ điển là đỉnh cao của âm nhạc, kể cả của văn hoá nhân loại.

Nhưng nhạc cổ điển không phải dễ nghe, dễ thưởng thức. Trước hết, nói về thưởng thức, trong âm nhạc không lời (khí nhạc) mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau. Cùng nghe một bản nhạc, người này thả hồn về thuở ấu thơ tung tăng bắt bướm bên sườn đồi, người khác lại nhớ giây phút chia tay với người yêu đầu đời, kẻ khác lại nhớ đến người mẹ đã ra đi… là bởi vì mỗi chúng ta xúc cảm với âm nhạc theo cách riêng. Chúng ta thán phục những người thao thao bất tuyệt về kiến thức âm nhạc. Chúng ta thấy mình thấp bé khi nghe người khác tuyên bố bản Giao hưởng số 3 của Beethoven thật oai hùng, khúc nhạc Ave Maria của Schubert là thoát tục, sự thăng hoa của tình yêu… Nhưng bạn đừng sợ, đó chỉ là những cảm nhận của ai đó, chỉ có giá trị gợi ý mà không hề định hướng.

Những mức độ nghe

Theo cách nghĩ trước đây, chẳng hạn Hugh M. Miller trong cuốn Introduction to Music, người ta thường phân chia việc thưởng thức âm nhạc thành 4 mức độ: thụ động, cảm giác, cảm xúc và tư duy.

Trong nhiều trường hợp, âm nhạc không đòi hỏi người nghe chú ý. Các bản nhạc trong bữa ăn chỉ giúp ta thêm ngon miệng, có  không khí ấm cúng để thù tạc với bạn bè, người thân. Hoặc bạn mở nhạc êm dịu để dễ ngủ hơn… Bạn đang nghe nhạc ở mức độ thụ động.

Ở mức độ cảm giác, bạn không cần phải có chút kiến thức âm nhạc nào. Bạn cảm thấy hay hay, vui vui, buồn, thích thú… vì các âm thanh đẹp đẽ đang trôi nổi, bồng bềnh. Thái độ thưởng thức cảm tính này cũng đem lại chút ít giá trị cho người nghe, nhưng chưa đủ tạo nên sự thưởng thức âm nhạc trọn vẹn.

Ở mức độ cảm xúc, bạn đã đáp trả lại tín hiệu âm nhạc. Âm nhạc đã gợi cho bạn nhiều cảm xúc riêng, tuỳ theo trải nghiệm của bạn. Bạn không nhất thiết phải hùa theo người khác để thốt lên: “Chao ơi, bản Sonate ánh trăng thật tuyệt vời. Nghe cứ như từng giọt ánh trăng rơi trong vườn hoa vào một đêm thu…”, nếu thực sự bạn không cảm thấy như thế.

Dẫu sao với mức độ này, bạn cũng đã khá hơn là nghe cách lơ đãng, nghe cho có, cho vui.

Ở mức độ tư duy, bạn phải tập trung lắng nghe, hiểu được và  phân tích, đánh giá bản nhạc, cũng như ý thức được mình đang có những tâm tình, ý nghĩ gì khi nghe bản nhạc này. Danh hoạ Raphael từng nói: “Hiểu biết tức là bình đẳng”. Khi chúng ta hoàn toàn hiểu được một tác phẩm âm nhạc, chúng ta đã nắm bắt được cái “khoảnh khắc chân lý” đã khai sinh ra tác phẩm đó. Bạn đang nằm trong tâm tư của nhà soạn nhạc. Muốn hiểu được một tác phẩm, bạn phải biết lắng nghe. Khi có ai đó tích cực thâm nhập vào câu chuyện ta đang kể, khích lệ ta, hiểu được điều ta muốn diễn tả, người đó mới thực sự là kẻ biết lắng nghe đúng nghĩa. Với âm nhạc cũng thế. Hơn nữa, bạn còn phải có chút ít vốn kiến thức về âm nhạc như lịch sử âm nhạc, thể loại âm nhạc, nhạc lý… Đọc đến đây, bạn đừng nhăn mặt nhíu mày: “Sao rắc rối thế! Học ở đâu, đọc sách nào?”. Không cần phải đến trường lớp nếu bạn không rảnh. Bạn hãy hỏi bạn bè đã biết sơ qua âm nhạc. Và tìm đọc những sách âm nhạc đại cương. Biết những kiến thức sơ đẳng âm nhạc cũng ví như khi hiểu một số luật về bóng đá, bạn xem trận đấu giữa hai đội sẽ thích thú nhiều hơn là không biết chút nào về luật lệ túc cầu, phải không bạn?

3. Loại bỏ thành kiến: có người chưa nghe đã tưởng tượng không chịu nổi loại nhạc này, loại nhạc nọ. Hãy đón nhận âm thanh một cách hồn nhiên, vô tư như trẻ thơ, bạn sẽ ngạc nhiên nhận thấy chân trời thưởng ngoạn âm nhạc của mình mở rộng rất nhiều.

4. Nếu được, nên ghi lại cảm xúc, ý nghĩ của mình khi nghe lần đầu, và những thay đổi ở lần thứ  “n” …

Sau một thời gian thực hành, bạn bè sẽ thán phục khi nghe bạn ngân nga một số giai điệu, nhận ra ngay tên bản nhạc và tác giả, nêu nhận xét, cảm nhận rất cá tính và thú vị của riêng bạn về tác phẩm đó. Nhưng đó chưa phải là niềm vui lớn nhất. Phần thưởng lớn nhất mà bạn hưởng, đó là bạn sung sướng vì âm nhạc khai mở cho bạn thấy tâm hồn người sáng tạo, nhưng lại kết thúc bằng cách bộc lộ cho bạn thấy được chính bạn. Chúc bạn sành nhạc cổ điển ngay hôm nay.

(trích đoạn). Mỗi anh em tùy nghi sử dụng, nếu không hợp, xin đừng phiền.

Hương cư sĩ