Nha Trang ngày về (Nguyên Văn)

Nha Trang ngày về  (1*) 

“Nha Trang  ngày về, mình tôi trên bãi khuya, tôi đi vào thương nhớ, tôi đi tìm cơn gió, tôi xây lại  mộng mơ năm nào”…

                                         (Phạm   Duy)

Bài hát gợi đúng tâm trạng hiện tại của tôi, của những người đã từng ở, đã đi xa nay về thăm lại chốn xưa. Ngày trở về Nha Trang hôm nay cũng như cách 50 năm trước  ngồi trên xe đò “Tiến Lực” nhập Tiểu chủng viện Sao Biển (TCVSB), tôi cũng háo hức và hồi hộp gặp lại các bạn già mong tìm lại chút hơi ấm nơi anh em cùng lớp, nhìn lại vùng trời quen thuộc như …muốn “xây lại mộng mơ năm nào*”1.

Thực tình mà nói, năm 2008 mừng Kim khánh TCV Sao Biển tôi đã về đây, những lần đó khi xe đến khách sạn trên đường Củ Chi đã gần 23 giờ, vì sự cố nên sáng sớm hôm sau tôi phải về lại Saigon, Nha Trang ngày hôm đó không để lại cho tôi một ấn tượng nào.

Và thật  khó ngủ, 4g25, thức dậy, pha ly cà phê nóng nhâm nhi theo thói quen, rồi nhẹ nhàng đánh thức thằng cu nhỏ chở ra phi trường. Thằng cu lớn (bệnh) tình cờ thức dậy, nó mà biết bố đi xa thì khốn khổ. Thế là thằng nhỏ lẻn lấy xe đi cửa sau, thằng bố xỏ đôi ba ta vào đi thể dục thường ngày ở cửa trước. Cuộc tháo  chạy an toàn, nhưng trong túi 2 cha con không có một xu. May mà thằng nhỏ còn để thẻ ATM trong cốp xe, yên tâm ra phi trường.
Máy bay chuẩn bị lăn bánh, nhận được tin nhắn: “anh hai ngủ lại rồi”. Nhẹ cả người.  Đúng 6 giờ 35 máy bay cất cánh. Được ngồi hạng VIP, gần bên cửa sổ, hôm nay Sàigòn quang đãng, tha hồ được ngắm trời đất. Quả là trời thương ưu đãi cho người lần đầu tiên đi máy bay sau 37 năm nước nhà thống nhất. 2 phút đầu còn có thể  nhận ra được một số vị trí, nhà cửa nhỏ dần như những ô cờ, rồi mất hút. Thỉnh thoảng lại hiện ra vài giòng sông xám xịt vươn ra như vòi bạch tuột. Đường sá ẩn hiện ngoằn ngoèo hình con rắn uốn mình đến vô tận. Trong máy bay nhiều người phải trùm mền vì hơi lạnh, tôi nhắm mắt lại ngầm hoạch chương trình trong 11 tiếng đồng hồ ngắn ngủi cho thật đầy đủ khi trở về đây.

Rồi…  vùng cảng Cam Ranh hiện ra như một bấc tranh thuỷ mạc sống, hùng vĩ tuyệt vời. Những dãy núi xen kẻ giữa biển cả xanh biếc tạo vùng an toàn cho tàu thuyền. Máy bay mau chóng  hạ cánh.

Xách ba lô bước vội ra ngoài sảnh phi trường kiếm xe buýt về Nha Trang theo chỉ dẫn của một cô đầm ngồi cạnh, một cậu trai trẻ lanh lẹ lễ phép chặn đầu: “Bác ơi, bác lấy  hành lý chưa? Ở Tân Sơn Nhất, con thấy con bác làm thủ tục gởi đồ cho bác mà”. “Cám ơn con”. Quay trở lại nhận cái ống giấy bảo vệ những tấm hình lớn  lúc chuyển đi xa.

Bước lên xe, chú tài xế cẩn thận bảo bác đưa cho con cất cái ống ở góc xe kẻo người ta đạp hỏng. Dọc đường về thành phố, tôi mong xe chạy thật mau để được nhìn lại không gian ngày xưa, chỉ có vậy thôi mà tim đập loạn xạ. Hơn nửa giờ ngồi trên xe buýt của hãng Hàng Không Việt Nam, tôi tranh thủ ngắm cho thỏa thích phong cảnh dọc đường vào thành. Cái gì đối với tôi cũng lạ và đẹp cả từ nhà cửa đến sân vườn. Hình ảnh mà tôi  chưa được thấy bao giờ là cột rào được làm bằng những tảng đá lớn, một vài cổng nhà cũng được dựng bằng loại đá granit nâu hồng hoang dã, đẹp mắt. Tất cả thật tuyệt vời đối với tôi.

Xe dừng, tôi liền thoát ra ngoài nhắn bạn tới đưa về điểm hẹn. Chú tài tốt bụng chạy theo: “bác quên cái này”, rồi trao lại cái ống hình. Tôi không còn nhận ra nơi này là đâu khi nhắn bạn tới đón vì trạm xe nằm hút phía trong đường Trần Phú, chú tài cho biết ngày trước là Phi trường Nha Trang. Một điểm đặc biệt khi xuống bến xe không ai bị chèo kéo của cánh  xe ôm, trẻ bán hàng dạo như ở Sài gòn và nhiều nơi khác tôi đã tới.

Ông bạn Nha Trang của tôi cũng mau chóng đến đón mà quên đem thêm một nón bảo hiểm cho khách. Tôi cười: “chưa được cấp bằng xe ôm a ma tơ, nói gì đến chuyên nghiệp”. Vị khách đi bên cạnh hoà theo: “Hôm nay dọc đường từ phi trường về thành phố sao có rất nhiều cảnh sát giao thông đứng chốt thế!”. Anh bạn lo lắng chạy kiếm nón cho tôi.

Nha Trang ngày về hôm nay của tôi gặp nhiều ưu đãi từ thiên nhiên đến tình người. Trời Sàigòn, trời Nha Trang sáng trong, mát dịu, không mưa. Lòng người Sàigòn, người Nha Trang cũng thật hiền hoà, nhiệt tình không như cách nói thiếu thiện cảm trên báo mà tôi đã đọc được về thành phố biển này.

Trong lúc ông bạn chạy đi kiếm nón, tôi tranh thủ đi xuống mé biển hít no đầy không khí trong lành của biển cả, tìm lại cảm giác của ngày xa xưa, thu vài tấm hình cảnh quang chung quanh. Hầu như trong trí tôi không còn thấy được hình ảnh quen thuộc nào. Tất cả đã thay đổi. Dãy núi phía sau phi trường bị che lấp, những đụn cát 2 bên đường mọc đầy cỏ chông dễ thương lăn tròn theo gió đã bị bê tông hoá. Ngày xưa, trước cổng phi trường không nhà cửa, nay thì kín mít cái cao, cái thấp chen lấn.

Phía biển phong cảnh hữu tình núi chen biển, biển chen núi vẫn như ngày nào, chỉ có khác là dưới các dãy núi xa có nhiều điểm trăng trắng nhà cửa. Tôi lại mơ về cái ngày thần tiên năm mươi năm trước được các cố Tây cho đi tham quan tàu tuần dương Jeanne d’Arc ở trên vùng biển này.

… Bạn tôi như hiểu ý, chạy chậm cho tôi tìm một vài nơi quen thuộc. Trên bờ hầu như xa lạ vì có quá nhiều nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng, cả Tòa Giám mục ở số 42, tôi cũng không thể nhận ra nếu anh bạn không chỉ. Phía bờ biển thấp thoáng vài kios còn mang dáng dấp xưa. Sóng biển vẫn siêng năng vỗ vào bờ bất tận từ đời đời. Xóm Cồn hầu như đã biến mất hình dáng êm đềm của người dân ven biển. Cây cầu Trần Phú đã nối dài thành phố biển mãi tận dãy núi Cô Tiên, Hòn Khô, mà ai trong anh em Sao Biển cũng thuộc lòng 2 câu thơ “anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ / em nằm xõa tóc đợi chờ anh”.

Qua cầu một đoạn là Tu viện Phanxico, trường La Salle vẫn còn những dáng dấp ngày trước, nhưng khác một điều không còn tiếng chuông sáng chiều ngân vang, không còn tiếng reo hò nô đùa của học sinh trung tiểu học.

Đến điểm hẹn, quán café Piano, tôi được vài anh em Sao Biển  ân cần tiếp đón dù chưa bao giờ gặp hay gặp chốc lát trong một dịp hội nào đó. Khỏi cần phải nói về nơi này nhiều vì ai cũng đã biết. Nhưng một điều mà riêng tôi lấy làm thích thú là anh em có một nơi để gặp gỡ nhau thường xuyên qua ly cà phê nhẹ nhàng trao đổi, tâm sự. Trong câu chuyện, tôi được biết anh em vùng Nha Trang cũng đang chuẩn bị xe để ngày mai tham dự Kim khánh lớp tôi. Anh em Sao Biển Nha Trang mới đi lại với nhau vài năm nay, nhưng trong từng sự kiện họ đã chu đáo tổ chức. Tôi ước mơ anh em Sàigòn cũng có một điểm hẹn như thế! Xem ra khó quá!

Từ giã anh em, một anh bạn khác đưa tôi đi. Đã quá 45 năm tôi mới nhìn lại Thần Học Viện Tin Lành, trong mắt một đứa bé nó to lớn sững sững trên ngọn đồi, nay như nhỏ lại và bị chìm xuống. Tôi không còn nhận ra được đám ruộng dưới chân đồi mà chúng tôi hay chơi đá bóng mỗi khi được đi dạo Hòn Chồng. Anh bạn tôi cười bảo: làm gì còn đất trống. Hòn Chồng không còn được khoáng đãng, khoảng không mênh mông mà chúng tôi chạy nhảy đến hết hơi cũng không hết, nay đã bị đóng khung bởi các hàng rào, quán ăn, quán nước.

Khoảng đường Hòn Chồng đển đến TCV nay là Trường Cao đẳng Văn hoá & Nghệ thuật khá đẹp, những dãy nhà lụp xụp, những vườn cây ven bờ đã biến thành nhà phố. Khu bệnh xá của Tin Lành cũng đã biến mất. Tôi sực nhớ nơi đây 50 năm trước anh Đạt lớp SB 61 bị té núi bên Xóm Bóng gãy chân được đưa vào băng bột.

Anh bạn tôi dừng lại trước cổng trường cho tôi tìm lại một vài kỷ niệm còn rớt lại. Hai dãy ngang vẫn còn dáng dấp của ngày trước, khu nhà nguyện và sân chơi đã biến mất. Ngoài biển ghe chài vẫn neo đậu như ngày nào, chỉ khác là ghe bây giờ có gắn thêm máy, ghe ngày trước chỉ có 2 mái chèo. Xa xa là ba hòn: hòn Mác, hòn Nón, hòn Rùa vẫn  sừng sững với thời gian.

Đồng hồ đã chỉ 10 giờ 30

Chường trình tới thăm các bạn phải rút gọn. Mỗi bạn tôi chỉ ghé được 15, 20 phút mà thôi. Chủ ý của tôi là đi được càng nhiều đường càng tốt, thoáng xem được nhiều nơi càng hay. Đường từ TCV qua Tháp Bà không còn một đám đất trống, thật khó mà nhận ra được bãi đất ruộng mà chúng tôi thường đá banh mỗi lẫn đi dạo về. Năm mươi năm rồi còn gì, bạn tôi cũng cho biết Nha Trang vươn mình thay đổi nhiều nhất là vào những năm đầu của thế kỷ 21. Những bãi bùn trống giữa hai cái cầu Hà Ra và Xóm Bóng cũng đã biến mất. Hai bên đường vào nhà thờ Gò Dê (Ngọc Thuỷ) tôi có cảm giác như đi vào thiên la địa võng…

Vòng qua vòng lại mấy cung đường, thăm chớp nhoáng vài người bạn làm chung sở ngày trước thì đã quá 12 giờ. Tôi không đến nhà anh em cùng lớp vì biết chắc một điều là chiều nay chúng tôi sẽ gặp nhau. Ghé thăm một đàn anh Sao Biển, cả hai chúng tôi cùng ra quán tranh thủ vừa ăn vừa trò chuyện.

Nhận được điện thoại của bác Sự hỏi có kịp về Cam Đức dùng cơm trưa thì cho biết để anh em chờ. Tôi cho biết sẽ đến nhà bạn Khải và sẽ cùng đi với Khải đến với anh em, rán đợi. Người đàn anh Sao Biển được nghe về ông bạn Khải của tôi, mấy chục năm chưa bao giờ gặp lại dù ở rất gần, xin cùng đi. Phải kiên nhẫn lắm mới tìm được nhà ông bạn này, anh ta từ chối tham dự ngày kỷ niệm 50 của lớp mình vì những lý do riêng. Tôi cố thuyết phục Khải đến với anh em nhân ngày Kim Khánh của lớp, dù chỉ chốc lát, người đàn anh phụ họa thêm, cuối cùng thì bạn Khải cũng xuôi lòng đi với tôi đến Cam Đức.

Trên đường đi tôi không còn để mắt đến cảnh chung quanh nữa mà tập trung trao đổi với bạn, vì dễ gì có dịp ngồi chung xe tâm tình. 50 năm qua, bao nhiêu chuyện để nói với nhau mà hơn 30 phút ngồi trên xe dễ gì nói hết được những thăng trầm cuộc đời thì làm sao hiểu hết được hướng  đi của bạn mình. Khải đã đến với anh em, ai cũng dang tay đón chào. Không biết hai bạn Nhẫn và Khải cặp vai nhau đã nói với nhau điều gì mà cả hai cặp mắt đều ướt. Có lẽ họ cảm động vì đã gặp được nhau sau gần nửa thế kỷ.  Một hồi tâm sự, trao đổi, anh em và gia đình chụp vài tấm hình chung với Khải trước tấm phông lớn in hình kỷ niệm Sao Biển.
Chia tay Khải, chúng tôi hướng về Đan viện Xitô, “một không gian tĩnh lặng để tìm nghe hơi thở của nhau qua dòng chảy cuộc đời”.
Lần lượt anh em Sàigòn, Nha Trang đến tay bắt mặt mừng, có những người như Nhẫn và nhiều anh em ở Nha Trang phải đến 48 năm sau mới gặp lại. Phải mất nửa thế kỷ chúng tôi mới tìm được Phan Tá (em cha Phan Tạc) mà anh ta chỉ ở cách Nha Trang mấy chục cây số, tiếc là xe anh em Nha Trang đến đón quá trễ, vì mùi Sao Biển xa quá lâu, nên anh ta bỏ về. Lại một anh bạn khác nữa là Phan Văn Ninh (em anh Phan Văn Phước), tôi chưa gặp mặt, nhưng  đã nói chuyện qua điện thoại được 3 lần. Ninh đã gặp anh em ở Nha Trang, hẹn gặp lại nhau. Ba tháng trước ngày kỷ niệm 50 năm của lớp thì mất, tiếc thay!

Thật khó tìm ở một ngôi trường nào, sau bốn mươi, năm mươi năm, bạn bè gặp lại nhau  có những cử chỉ ngây ngô thân ái như anh em trường tôi, đặc biệt là các bạn lớp 62 của tôi vào buổi chiều hôm nay. Ai trong chúng tôi cũng đã ngoài 60, tóc đã bạc, da đã trổ đồi mồi, nhưng tính tình cử chỉ không khác xưa là mấy. Chúng tôi nhận được nhau là ở chỗ đó.

Gặp tôi, Thường nhìn thẳng mặt và nhại lại giọng Nghệ quê kệch ngày trước của tôi qua câu dịch trong giờ Pháp văn với cha Huệ: “Ở đó người ta làm dị…u… (rượu)…”. Tôi chỉ mặt Thưởng lấy tông: “n…o … huyền nò”. Cả 2 cùng phá cười sảng khoái làm các mẹ bề trên và các cháu ngớ ra không biết cả hai chúng tôi đang đắc ý điều gì. Ngoại trừ 6 người không thể liên lạc được từ lâu nay, 9 người đã mất, anh em ở nước ngoài xa xôi, vài người trong nước bận việc, chiều hôm nay 31 tháng 7 năm 2012, sau 50 năm nhập học Sao Biển, 14 bạn cùng 4 vị phu nhân, các cháu đã tề tựu về đây trong không gian tĩnh lặng để nghe hơi thở của nhau trong tâm tình “Fiat”.

Qua vài phút gặp gỡ, chụp ảnh kỷ niệm, chúng tôi vào chào Bề trên Đan viện, Cha Phó niềm nở tiếp đón.

“Fiat, điểm hẹn điểm hẹn của chúng ta” bắt đầu bằng 20 phút tĩnh tâm do linh mục Nguyễn Thường, linh hướng một Học viện ở Roma, một trong 6 anh em linh mục của lớp 62 đảm trách. Bài chia sẻ không có gì cao siêu mà bằng những câu chuyện cụ thể trong đời sống thường ngày để rồi nhắc nhỡ anh em “siêng đến với Thánh Thể Chúa Kitô, vì Thánh Thể rất cần thiết cho đời sống của người Kitô hữu”. Tiếp đến cha Hữu, trưởng lớp chia sẻ về chủ đề: Fiat, điểm hẹn của chúng ta. “Hãy lắng nghe và vâng theo lời Mẹ dạy để làm trọn trách nhiệm của mình ở bất kỳ cương vị nào”.

Rồi, cả lớp chầu Thánh Thể, không gian yên tĩnh, mát mẽ của Tu viện đã làm tôi nhớ lại những ngày ăn học, vui chơi nghịch ngợm cùng các bạn, tham dự những buổi chầu Thánh Thể trong nhà  nguyện Sao Biển: ấm cúng và sâu lắng.

Cơm tối thân mật cùng các bạn xong đã 19 giờ, tôi ghì chặt tay từng bạn từ giã về lại Saigon trong luyến tiếc. Trên chuyến bay đêm, cuộn phim về những ngày ở Sao Biển lần lượt quay về trong trí tôi…

Ngày hôm sau 1 tháng 8, tôi sẽ thông công cùng anh em trong lớp trên từng chặng đường thăm viếng ân sư, từng giây phút trong thánh lễ tạ ơn qua tin nhắn với các bạn.

Một phần hai thế kỷ biết bao nhiêu biến chuyển xãy ra trong cuộc đời của một con người, nhưng lại thoáng qua như một giấc mơ, tưởng đâu tất cả đã chôn vùi vào quá khứ. Ngày về Nha Trang hôm nay của tôi đã tìm lại được chút kỷ niệm xưa, tình anh em đầm ấm cùng lớp, tình anh em nồng nàn cùng trường. Tôi như được sống lại dưới bóng Mẹ Sao Biển ngày nào.

Trên chuyến bay đêm  VN Airlines 1359 NT – SG

Ngày 31 tháng 7 năm 2012
          Nguyên Văn