Bán cà-rem

Bán cà-rem.

(sau 1975)
Năm 1978, sau khi đã hoàn tất một cách “dã chiến” chương trình
Thần học tại ĐCV Sao Biển (TCV thân yêu ngày xưa), chúng tôi
phải đối diện với một hoàn cảnh chưa bao giờ nghĩ tới và cũng
không sửa soạn kịp để đối đầu: giai đoạn thứ ba trong chương trình
huấn luyện. Giai đoạn này là ở lại trong chủng viện và tự túc: ở lại
trong chủng viện vì lý do hộ khẩu; tự túc vì nay đã xong chương
trình vừa học vừa lao động. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về giai đoạn
này . Chắc chắc các đấng bề trên cũng đã phải thao thức để làm sao
giải quyết vẹn toàn con số 21 anh em đang kẹt tại chủng viện.
Chúng tôi tự phong cho mình là những thầy già bất đắc dĩ. Một số
anh em cùng nhau làm nghề quay cước thành giây neo trong tổ hợp
ông Sở cùng với vài xơ Trinh Vương. Riêng tôi thì quyết định đi
bán cà-rem ở Lương Sơn qua sự chỉ dẫn của anh Nam, người hàng
xóm của chủng viện. Anh này có tài ăn nói, làm đủ trò vui, thu hút
nhiều trẻ em đến nên bán thành công. Anh ấy nhường cho tôi một
phần trong làng Lương Sơn gần trường học. Mỗi ngày tôi dậy lúc 3
giờ sáng, đạp xe ra hãng, sắp hàng lấy kem, sau đó về chủng viện
xem lễ, ăn sáng rồi bắt đầu đạp xe ra đèo, đẩy xe lên đèo, xổ dốc
xuống đèo, để đến Lương Sơn bắt đầu một ngày với cái chuông
leng keng nơi ghi-đông. Những ngày ấy thật là vất vả. Buổi trưa,
sau khi đã bán xong, tôi cũng không dám mua gì để ăn vì phải để
dành tiền lời đem về cho mẹ tôi đang chờ nhà để mua gạo cho
ngày hôm đó. Nhiều bữa bụng đói cũng phải cắn răng chịu . Ngày
nào được giáo dân mời ăn trưa thì thật là … trúng mánh!
Một sáng nọ, đang hì hục dắt chiếc xe đạp lên đèo Rù Rì, tôi nghe
có tiếng gọi:

– Ê, cà rem!
Ngừng lại, tôi ngó tứ phía, không thấy ai hết.
– Ê, cà rem, chờ một chút!
Lúc nầy tôi mới thấy một anh công nhân điện lực từ trên một trụ
điện leo xuống.

Cắm cúi vừa mở thùng cà-rem, tôi vừa hỏi:
– Anh mua mấy cây?
Không thấy trả lời … Tôi ngửng lên nhìn anh công nhân … Tôi chợt
thấy anh ta nhìn chăm chú vào tôi rồi ngập ngừng hỏi:
– Có phải là thầy Vinh không?
Hơi bất ngờ nhưng tôi cũng trả lời:
– Ừ, tôi đây!
– Thầy còn nhớ em không? Em là Bảy đây!
.. Đó là Bảy, một người học trò Anh văn lớp 9 tôi dạy cách đó 5
năm ở Trung học Nghĩa Yên, Cam Ranh.
… Thế rồi hai thầy trò … ôm nhau khóc ..
Quỳnh Vang 61.