Lạc An, Hoà Huỳnh (Nguyễn Hữu Hoàng 60)

LẠC AN, HÒA HUỲNH

Lạc An còn có tên gọi là Hòa Huỳnh.Vào mùa hè sau niên
khóa 1963-1964, năm chủng sinh TCV SB,trước khi về
nhà nghỉ,đã lên chương trình đến chơi tham quan Lạc An,
quê của hai người anh SB là Võ Kinh và Nguyễn Luân.
Năm anh chàng này gồm có Bận thị Bông, Đất thị Lè, Kéo
thị Hiền, Ném thị Đức và Đất thị Khiết, trực chỉ Ninh Hòa,
qua đèo Bánh Ú rồi đến Lạc An vào một buổi trưa hè năm
1964. Bản thân người viết, vì đã có dịp theo gia đình sống
ở đó khi ông già đi làm cho hãng thuốc lá BASTOS của
Tây ở Lạc An, nên khá rành thổ địa và đến nơi không mấy
khó khăn.Cũng nên biết rằng, Lạc An lúc đó là vùng ‘xôi
đậu’, chưa được an ninh cho lắm. Ban ngày ven quốc lộ
tạm thời ổn,nhưng ban đêm, không ai biết được…Đá Bàn
là nơi hiện giờ anh Nhị Bói 58 sinh sống-qua khỏi đường
rày xe lửa thì hoàn toàn không kiểm soát được .

Ông bà Hồng, thân phụ và thân mẫu của anh Võ Kinh,
thấy ‘các chú’ về thăm nhà,vồn vã bảo chị Hồng, chị hai
của anh và đứa cháu ngoại tên Đào vặt lông gà, làm thịt
thết đãi khách. Bữa cơm tuy đạm bạc, nhưng các chú đi
đường xa, đói quá nên đã xơi thật tình làm gia chủ cũng
cảm thấy mát lòng vì ‘các chú’ tự nhiên không làm khách.

Sau cơm trưa, chủ khách ngồi nói chuyện không thiết
gì về chuyện nghỉ trưa (Ở TCV, ngủ trưa nhiều rồi) mặc
dù anh em cũng có chút bia ‘con cọp’: Nhà ông bà Hồng
bán quán, có bán bia…

Xế chiều, sau khi mổ một trái mít to tướng và ăn xong,
anh em tản bộ dọc quốc lộ đến thăm nhà anh Nguyễn
Luân, nằm phía bên kia đường cách nhà ông Bà Hồng
khoảng 500m tại ngã ba về phía Bắc. Nhà anh Luân lợp

ngói đỏ, khác với nhà anh Kinh, rộng rãi và thoáng mát
hơn vì ở giữa đồng trống. Điều này Long Paul đã có đề
cập đến trong bài viết vừa rồi. Ba anh Luân là ông Luận
không có ở nhà vì đang giờ làm việc. Chỉ có thím gái tiếp
anh em cùng với anh Luân và Long, lúc đó còn chút xíu.
Nhà anh Luân có mấy cây xoài mới trồng chưa ra quả, nên
không được miệng của mấy chú nhóc này vọc phá….

Viết đến đây,chợt nhớ trên ngôi mộ anh Nguyễn Luân
đề tên Nguyễn Lý. Lý là tên của ông nội của anh, định
mail hỏi lại Long, nhưng chưa kịp hỏi thì Nguyễn Đức
Thắng 72 đã nói rõ rồi nên thôi. Sở dĩ người viết biết được
như thế là vì ba anh Luân và ba của người viết là người
đồng hương và có bà con xa với nhau?

Buổi tối,về lại nhà anh Võ Kinh ăn tối, đốt lửa nói
chuyện tầm phào. Chính trong đêm này, bọn nhóc đã đặt ra
những cái tên ‘quái gỡ’ như trên. Bận Thị Bông là Trần
Ngọc Hoa 59, Đất Thị Lè là Nguyễn Hữu Hoàng 60, Kéo
Thị Hiền là Lê Thanh Nhơn 60, Ném Thị Đức là Phan Văn
Phước 60 và Đất Thị Khiết là Nguyễn Duy Trinh 60.

Ngủ đêm tại nhà anh Võ Kinh. Buổi sáng ăn bún do bà
Hồng nấu bán cho dân cư trong vùng. Dĩ nhiên anh em
được ăn sáng ‘free’(đàn anh đãi!). Nói đúng hơn, chủ quán
không lấy tiền vì là đàn em của anh Kinh.
Anh em từ giã gia đình anh Kinh, không quên cám ơn sự
hiếu khách mà gia đình anh đã dành cho bọn nhóc, rồi trực
chỉ về Bình Cang, nhà ông bà Thầy Khen quậy tiếp…

(Viết để nhớ hương hồn hai anh
Simon Võ Kinh và Phêrô Nguyễn Luân)
– Sàigòn ngày 17 tháng 8 năm 2011-
Ant Hữu Hoàng