Chuyến đi Đại Điền (Nguyễn Hoàng 57)

Chuyến đi Đại Điền

Thăm các cha giáo xong, tôi liền nghĩ đến Cố Cha
Giáo Huệ, một người tôi đã từng hy vọng được gặp mặt
lần cuối, nhưng thất bại. Tôi đã không ngờ ngài lại từ giã
anh em sớm như thế. Bây giờ tôi đã về đây. Ít ra tôi cũng
phải về thắp cho ngài một nén hương để tỏ lòng quý mến
và thương tiếc một vị thầy giám thị khả kính của tôi năm
xưa. Không những thế, tôi còn muốn đến thăm gia đình
một người anh em lớp nhỏ đã ra đi cách đây không lâu.
Trong tay tôi có một tiền gửi gắm của một anh em SB.
“Anh Hoàng, nếu anh có ý định thăm hai gia đình họ thì
cho em góp với, 50/50, anh nhé!” Hai gia đình đây là gia
đình của hai anh em SB mới qua đời, một ở Tân Bình, một
ở Cây Vông.
Sao mà tôi cứ mang nợ hoài chứ? Cũng chỉ tại cái miệng
thôi. Ai bảo cứ kiếm thêm chuyện chứ? Mới ngày hôm qua
thôi, tôi đã phải ghé thăm Cha Phi, Cha Cần, để tính
chuyện trả nợ! Nợ gì? Các ngài có bao giờ đòi đâu. Chỉ là
một lời hứa cách đây năm năm lúc tôi về dự lễ mãn tang
của Chú 9 tôi thôi! Có lẽ hai người đã quên rồi, qua bao
nhiêu biến cố! Các ngài quên, nhưng tôi không quên! Có
nợ thì tôi phải trả! Tôi không thể chỉ hứa suông được!
Ngày hôm qua tôi không biết đi đâu cả! Không có ai chở
đi, đành chịu chết! Có một ông bạn cùng xóm rảnh, nên tôi
nhờ một chút! Chở giùm qua Đại Chủng Viện thăm Cha
Phi, rồi qua Phước Hải thăm Cha Cần, mục đích là để trả
nợ.
Tôi cứ tưởng đâu ông ta rành đường lắm! Té ra, ông ta
cũng chỉ hơn tôi có một chút thôi! Chắc có lẽ suốt ngày cứ

lúc thúc trong nhà bán rượu cho bọn bợm nhậu, nên lụt
nghề chăng? Chưa kể cách lái xe của ông ta vẫn còn loạng
quạng, suýt chút nữa đã đâm vào người ta. Phải mất một
thời gian hỏi thăm, ông ta mới tìm ra Đại Chủng Viện.
Chúng tôi được một thầy chỉ phòng của cha giám đốc,
phòng đầu trên lầu hai. Tất nhiên ông ta chờ tôi ở cổng và
chỉ một mình tôi lên gặp cha giám đốc. Oai thật!
Hai anh em gặp nhau rất là mừng! Hàn huyên đủ mọi thứ!
Thú thực đến giờ này tôi vẫn còn cứ hồ đồ, nên tôi cứ chủ
trương wait and see thôi! Dĩ nhiên tôi cũng hỏi về những
bản dịch tiếng Anh trong trang web của Đại chủng viện.
Ngài nói rằng ngài không phụ trách. Có lẽ đó là một cha
khác! Khó thật!
…………………………………………….

Tôi nói khan cả cổ mà Ciceron chỉ ngồi đó cười!
“Nè, làm một ly rượu nho cho thấm giọng rồi nói tiếp!”
Dĩ nhiên, rượu thì tôi uống, còn nói thì tôi phải ngưng, vì
tôi chỉ có bấy nhiêu để nói. Bây giờ đã nói rồi! Tôi hỏi
ngài có rảnh không để tôi trả nợ.
“Thứ 7 này mình bận rồi. May ra Chúa Nhật này mình có
rảnh. Nhưng Cha Cần chắc bận Chúa Nhật!”
Rời Đại Chủng Viện, chúng tôi lại cà rịch cà tang đến
thăm Cha Cần ở giáo xứ Phước Hải. Tôi gọi cà rịch cà
tang, vì tôi cảm thấy mướt mồ hôi ngồi sau lưng ông bạn
già lái xe kiểu say rượu ấy. Chẳng những ông ta lái xe
loạng quạng, ông ta lại không mấy thuộc đường. Phải ghé
chỗ này hỏi, chỗ kia hỏi. Cuối cùng thì cũng gặp được cha
Cần. Ngài cũng chẳng khác xưa gì mấy, hơi có bụng một
chút. Thế thôi. Chúng tôi hàn huyên vui vẻ với nhau,
chuyện từ trong nhà ngoài phố đều đem ra nói, vui vẻ như
lúc ngài còn làm linh mục chui tại giáo xứ Hà Dừa. Trời

cũng đã khá trưa, nên tôi cũng không muốn dài dòng lắm.
Tôi nói đến mục đích của tôi. Ngài cho tôi biết chúa nhật
này ngài chỉ rảnh được sau 6:30 tối. Được thôi! Ngài
không có thì giờ, nhưng tôi thì có nhiều! Tôi đợi được mà!
Trên đường về, tôi nhờ ông bạn già ghé qua đường Bạch
Đằng, hy vọng gặp được chú Ngôn. Xe của chú đậu phía
ngoài, nhưng cửa nhà khóa kỹ. Tôi tần ngần tìm nơi bấm
chuông! Quái sao không thấy nhỉ? Không lẽ một ngôi nhà
lớn như thế không có chỗ bấm chuông sao? Mãi về sau, tôi
mới biết được rằng chỗ bấm chuông là một nơi khuất!
Hình như đây là một model mới ở VN trong những năm
gần đây, vì sợ người ta đến phá hoặc gỡ trộm chuông???
Tôi nằm lăn ra nền xi măng ngủ trưa! Nhà mẹ tôi nghèo
nên tôi cũng chia sẻ cái nghèo của mẹ. Ở Mỹ làm sao được
hưởng cái cảnh nằm lăn ra nền xi măng mà ngủ chớ?
Trước khi về VN, có người đã cảnh cáo tôi rằng sẽ không
ăn chay nằm đất được vì đã quen nằm giường nệm. Nhưng
tôi bỏ ngoài tai những lời cảnh cáo ấy! Tôi thuộc dân gốc
rạ, đã từng nằm rú nằm rừng! Ba cái chuyện lẻ tẻ ấy tôi
đâu có ngán! Khó chịu nhất là cái nóng! Nhưng họ chịu
được, tôi cũng cố gắng chịu như mọi người, gọi là san sẻ
chút gì đó! Lũ em của tôi chịu lắm, vì thấy anh Hoàng của
chúng chẳng có vẻ gì là Việt kiều cả, cũng là anh Hoàng
của ngày nào lúc còn ở VN.
.Đang ngủ thiu thiu, bỗng em Hiếu của tôi lay tôi dậy: “Có
điện thoại kìa anh Hoàng.”
“Alo, có rảnh qua đây uống café với tụi em.” Tiếng nói
của Vũ Duy Tân, không thể nào lầm được.
“À, tôi cũng cần gặp chú và chú Ngôn đây!”
“Chờ em ở dốc Nhà Thờ Núi nghe. Nhớ mang mũ bảo
hiểm theo nhé!” À thì ra bây giờ rắc rối vậy đó, đi bộ cũng
phải mang mũ bảo hiểm theo, vì lỡ có ai mang xe đến chở
thì sao?

Chúng tôi ba đứa uống café với nhau. Cũng chẳng có
chuyện gì nhiều. Có bao nhiêu chuyện cũng đã trao đổi
với nhau hết rồi. Cũng chỉ là ba cái chuyện Sao Biển, ân
sư, anh em lớn nhỏ v.v… Tôi bỗng đưa ý kiến muốn trả
nợ, hy vọng hai ông thổ địa này góp ý một chút.

“Anh có gặp Cha Cần thật không? Không giận ngài sao?”
Vũ Duy Tân cười.
“Có gì mà phải giận? Chuyện xưa như trái đất rồi! Anh em
dù sao vẫn là anh em mà!’
“Thôi được rồi để em sắp xếp cho. Nghề của chàng mà.”
Thế là xong được một mối lo. Tôi nghĩ thầm. Ngày mai tôi
sẽ đi thăm bạn Nhơn và mấy anh em vùng trên. Tuy chú
Tân có hứa sẽ đưa tôi đi những nơi nào tôi muốn, nhưng
không lẽ bắt cóc chú ấy cả ngày sao? Không được, tôi phải
nghĩ cách khác mới được. Tôi chợt nghĩ đến chú Nhị Bói
SB 58. Tay này chắc rảnh đây, chỗ nào có chuyện SB đều
có mặt chú ta cả. Và thế là ngày hôm sau tôi đã gọi chú
Nhị và chúng tôi đã đi thăm anh bạn Nhơn như tôi đã trình
bày.
“Alo, chừng nào anh vào rẫy?” Tiếng em Thạnh gọi trong
lúc tôi và Chú Nhị SB 58 sắp rời khỏi nhà chú Nhơn SB
57.
“Em cứ lo chuyện của em đi. Anh còn đi thăm anh em đã,
khi nào xong anh sẽ báo!” Tôi trả lời điện thoại và quay lại
với Nhơn và Nhị. “Thôi chắc tụi tui phải đi cho kịp. Trưa
quá rồi. Nhơn cố giữ gìn sức khỏe nghe.”
Chúng tôi tiếp tục theo chương trình. Chúng tôi lại trở ra
đường QL1, vì chú Nhị không biết đường trong lên Bình
Cang. Tôi muốn đi thăm hai ông anh Tân, Quang, con của
Cô 3 tôi. Họ cũng là những cô nhi như tôi, nên tôi rất chú
ý đến họ trong những chuyến về thăm nhà của tôi.Hơn nữa

anh Tân còn thuộc lớp 64 nên tôi hy vọng nhờ anh hướng
dẫn lên Đại Điền, Cây Vông, Hà Dừa thăm anh em. Chú
Nhị nhà ta nói rằng chú ta rành Đại Diền lắm, nhưng tôi
vẫn không tin cái anh chàng chích chòe này được. Kinh
nghiệm lần đi Chợ Mới vừa rồi cho tôi biết như thế. Lại
phải qua cái lổ voi đầy bùn nữa. Vậy mà chú ta nói rành
Chợ Mới/Bình Cang lắm! Chán thật!
Chúng tôi gặp cả hai ông anh của tôi ở nhà. Chúng tôi qua
lại hai gia đình chuyện vãn và rồi có ý nhờ anh Tân làm
hướng dẫn viên cho chúng tôi lên gặp anh em SB hai nơi
vừa kể. Anh đồng ý ngay, vì thật ra anh cũng không có
việc gì làm chiều hôm ấy.
Chúng tôi lên Đại Điền thăm nhà từ đường của Cha Huệ.
Tôi muốn đến đó thắp nén hương cho vị thầy giám thị quá
cố của tôi. Vả lại, đó cũng là nơi duy nhất mà anh Tân của
tôi biết. Anh đã từng giao lưu với anh em SB các lớp,
nhưng chỉ gặp ở những nơi có hẹn trước và chưa bao giờ
đến tư gia của ai cả. Anh đã lên nhà Cha Huệ một hai lần,
lúc đưa đám tang của ngài, nên giờ cũng còn nhớ mang
máng.
“Anh có số điện thoại của Văn Thôn không?” Tôi hơi nản
chí một chút. Nhị cũng nhớ mang máng, anh Tân cũng
vậy. Nhưng anh Tân là thổ địa vùng này, cái mang máng
của anh chắc phải hơn chú Nhị một chút chứ. Dù sao cũng
phải kiếm cho ra số điện thoại của thổ địa trên đó cho chắc
ăn, để trừ trường hợp không kiếm ra được nhà Cha Huệ.
“Có chớ sao không? Văn Thôn 60 mà ai lại không biết!”
Chúng tôi lên đường. Tôi chọn ngồi sau anh Tân hơn.
Chiếc xe cấp viện bảo tàng của Chú Nhị Bói nên để cho
chú ta đi thì hơn. Chạy như con rùa, nổ như xe tăng, lại cứ
hay trật sên giữa đường. Chưa hết, còn một hai chứng
bệnh nữa, để tôi sẽ kể sau. Nói chung nó cỗi giống như cái
hàm răng một cái của chú ta vậy. Tất nhiên là chúng tôi
không thể chạy nhanh rồi, để chờ chiếc xe hết date đó

chạy theo cho kịp. Qua khỏi bùng binh Cây Dầu Đôi,
chúng tôi men theo Quốc lộ một A tiến về nhà thờ Đại
Điền. Nhà Cha Huệ ở khoảng gần đó. Tuy nói vậy, chứ có
ông nào dám quả quyết được nhà cha ở chỗ nào đâu.
Chúng tôi chạy một đoạn, ngừng lại để hỏi thăm nhà, lại
chạy tiếp, lại ngừng lại, chạy tiếp. Cuối cùng chúng tôi
cũng đến được nhà cha. Nhà cha ở thụt vào trong, chả
trách sao nó lại khó tìm như thế.
Chúng tôi vào nhà thắp hương cho cha giáo. Nhà tối quá,
chụp hình giống như mấy tên Thượng trên núi mới xuống.
Xong chúng tôi qua gian bên phải nói chuyện với một
người em của Cha Huệ. Gọi là anh cũng phải. Không
những anh lớn tuổi hơn chúng tôi nhiều, anh còn thuộc lớp
lớn hơn chúng tôi nữa, đã từng theo học Tiểu Chủng Viện
ở Tấn Tài, rất lâu trước khi chia địa phận
Nhatrang/Quinhơn. Sau khi nói chuyện một chút với anh,
anh gọi Văn Thôn SB 60 đến, chắc là vì có tôi ghé thăm
thì phải!
Trong lúc chờ Văn Thôn đến chúng tôi nghe anh kể
chuyện về Tiểu Chủng Viện tại Tấn Tài. Từ lâu tôi đã thắc
mắc về cái danh xưng Stella Maris mà sau này chúng tôi
thay bằng Sao Biển. Trước đây tôi đã gặp hai vị đàn anh
của chúng tôi, một vị là Cha Bùi Duy Nghiệp, trên tôi hai
lớp năm 1958 lúc ngài trở về lại Tiểu Chủng Viện Sao
Biển, một vị là Cha Trần Văn Láng, trên tôi đến 4 lớp. Tôi
đã gặp Cha Láng lần đầu tiên năm 1957 tại 22 Duy Tân.
Ngài đã học tại đó từ trước, chứ không có đi đâu cả. Cả
hai người đều xác nhận với tôi là Nhà Trường La Tinh đó
đã có tên từ lâu là Stella Maris, vẫn lấy ngày Sinh Nhật
Mẹ làm ngày bổn mạng. Tôi cũng đã dự lễ Sinh Nhật Mẹ
tại Nhà Thờ Chính Tòa năm 1957 do ĐC Marcel Piquet
Lợi chủ lễ với sự đồng tế của Đức Ông Giuseppe Caprio.
Ngài đến để đọc sắc chỉ Tòa Thánh về việc thành lập tân
địa phận Nhatrang và tân Tiểu Chủng Viện Nhatrang (đọc
toàn bằng tiếng latinh tụi lớp 7 tụi tôi bố ai mà hiểu, chỉ

nghe lại từ mấy anh lớp 3 thôi). Trong bài giảng của ĐC
Lợi, ngài cứ lập đi lập lại hai chữ Stella Maris trong một
bài giảng ngắn bằng tiếng Việt tức cười của ngài. Giọng
ngài rất tức cười, tôi chỉ còn nhớ có mấy câu thôi:
Đi tu thì cũng sướng chớ sao…Đi học thì cũng mệt chớ
sao…
….Thì các con hãy giữ ơn gọi cho đến cùng…
Cứ cho là cái từ Stella Maris có từ năm 57 đi. Nhưng
trước nữa thì sao? Tiểu Chủng Viện Làng Sông mới được
mở lại từ năm 1955. Anh Hoan SB 57 là người đã theo học
lớp đầu tiên này (lớp 9), tôi và một số anh em khác đi năm
56 (lớp 8). Trong lúc đó các trung tâm Tấn Tài và
Nhatrang lại lấy ngày Sinh Nhật Mẹ làm bổn mạng, rất
khác với Tiểu Chủng Viện Làng Sông lấy Thánh Giuse
làm bổn mạng. Thì ra các ngài lớn đã có ý định từ trước.
Địa phận trước sau gì cũng phải tách, và hai cái trung tâm
trường latinh Nhatrang và Tấn Tài không phải là chi nhánh
của Làng Sông, nên không phải lấy chung bổn mạng của
trường gốc!
Nay gặp được một người đàn anh khác, em của Cha
Huệ, tôi mong rằng thắc mắc của tôi được sáng tỏ đôi
chút. Phối kiểm mà! Không phải để làm gì cả, để anh em
cùng nhau hiểu thôi! Lúc đầu anh cũng cho biết ngày bổn
mạng ở Tấn Tài cũng là Ngày Sinh Nhật Mẹ và cũng nghe
anh em nói đến Stella Maris. Anh cho biết anh vẫn còn giữ
một số hồ sơ của thời đó. Chúng tôi được anh cho chúng
tôi xem. Trong giấy tờ vẫn có tên là Tiểu Chủng Viện
Nhatrang, không có chữ Stella Maris nào hết. Thì ra cái
tên này cũng chỉ là tên nói miệng thôi.
Đang chuyện vãn gay cấn thì Chú Văn Thôn đến. Thật
đúng với danh xưng là Xẻ Bò, chú Thôn có một thân hình
rất lực lưỡng với giọng nói rổn rảng không cần loa cũng
đủ ù tai rồi. Còn thiếu bộ râu quái nón! Nếu không tôi đã

gọi chú ta là Trương Phì, cháu mấy đời của Trương Phi
rồi! Chú rất vui tính, kể đủ thứ chuyện, từ chuyện thời đi
tu cho đến những chuyện làm ăn sau này. Khi được biết
mục đích của tôi là sẽ lên Cây Vông thăm anh Xin SB 57
và phúng điếu một người anh em nhỏ mới chết mấy tháng
qua, chú Thôn đã mau mắn gọi chú Ngân SB 59 cùng đi
cho vui. Cũng may chú Ngân lúc này đã về hưu nên cũng
rảnh rang để gặp anh em.
Đoàn xe gắn máy chúng tôi tiếp tục lên đường. Lần này
chúng tôi đi thẳng, khỏi phải đi dò đường như trước, đến
thẳng nhà anh Xin, dĩ nhiên cũng với Chú Nhị Bói lẹt đẹt
đàng sau với chiếc xe tăng của chú!

Nhà anh Xin sát bên nhà thờ nên cũng dễ tìm. Cũng chẳng
biết anh đang làm gì, nhà cửa cũng bình thường, vẫn bê
bối lộn xộn như lúc anh vẫn còn ở TCV. Anh tuy có già
hơn nhưng cũng dễ nhận ra vì không thay đổi gì mấy.
Đúng là kiểu của Xin Tường Ten rồi! Anh khoe anh có
một tủ thuốc tây, thỉnh thoảng bán cho người lối xóm.
Dưới sự hướng dẫn của anh Xin, chúng tôi đã đến thăm
gia đình người anh em SB đã chết để tôi có thể trả nợ.
Chúng tôi đã gặp chú Nghệ 74 ở đây. Nghe anh em khoe
rằng chú Nghệ là một học giả, một tiến sĩ gì đó hay nghiên
cứu Hán văn, tôi đâm ra tò mò. Vậy ra Cây Vông cũng có
người giỏi! Tôi bỗng nảy ra ý định mời chú ta vào meo
đàn cuusaobien để gặp anh em. Đã từ lâu Chú Thực SB 65
cứ phải đi solo về những nghiên cứu Hán tự của mình. Ít
có anh em nào đủ sức đấu láo với chú ta về môn này cả.
Thú thật, cái đầu của tôi cũng quay mồng mồng vì mấy cái
bài ấy. Không trách chú ta được vì mình trình độ chưa tới,
chỉ có ngồi nghe như vịt nghe sấm thì được.
“Có Chú Nghệ vào meo đàn, vậy là chú Thực 65 có đối
thủ rồi. Vui rồi để meo đàn không phải vắng như Chùa Bà
Đanh với những phân ưu và chúc mừng hôn phối.” Tôi nói

với chú Nghệ lúc chú tặng cho tôi một quyển sách do chú
ấy viết.
Trả nợ cho người anh em xong, chúng tôi cùng nhau ra sân
chụp ảnh lưu niệm và cùng nhau đi về rẫy của tôi ở Suối
Dầu. Lúc ấy trời cũng đã về chiều. Đám người chúng tôi
ngoài những anh em cũ, còn có anh Xin nữa. Xe chúng tôi
có chiếc tốt chiếc xấu, chiếc chạy trước chạy sau, nhất là
chiếc xe tăng của Chú Nhị Bói lết bết phía sau. Tôi đi với
anh Tân, vì anh đã có lần đến cái rẫy của tôi. Riêng tôi thì
có bao giờ biết đường vào, vì đã lâu lắm chưa đến. Vừa đi
tôi vừa lưu ý anh em hãy theo anh Tân, và cố tình bảo anh
Tân chạy chậm lại để chờ chú Nhị Bói theo.
Anh Tân theo con đường cũ vào, nhưng bị lạc lối. Anh
đến đây đã lâu. Bây giờ họ đã cất nhà thêm, đường thêm
chi chít nên cuối cùng anh em dồn lại một đống, không
biết đi theo hướng nào nữa. Tôi bốc điện thoại gọi em tôi
rồi giao cho anh Tân nói chuyện. Nếu em tôi có chỉ đường
cho tôi, tôi cũng chịu chết, vì có biết đường đi đâu. Anh
giao điện thoại lại cho tôi.
“Biết rồi cứ yên tâm đi!”
Anh lại dẫn đường tiếp, và lại bị lạc. Tất nhiên chúng tôi
cũng lạc theo anh. Cuối cùng em tôi phải bảo em rể tôi
đích thân xách Honda ra đón. Lúc này trời đã tối hẳn.
Đường đi vừa hẹp và vừa có nhiều đá. Em tôi lại cứ phon
phon mà chạy nên chúng tôi cố gắng lắm mới không bị
ngã xe. Từng người, từng người chúng tôi vào cổng và đến
nhà. Chúng tôi quay lại kiểm soát người. Thiếu mất anh
Xin!
“Nhị Bói đâu rồi?” Tôi hỏi lớn.
“Có mẹt!” Chú ta vừa la vừa giơ cao cái mũ bảo hộ.
“Hay là anh Xin bị lạc rồi!” Tôi thắc mắc.

“Xe nó còn ngon hơn xe tui, lẽ nào lạc? Chắc nó còn đi
sau đó!” Nhị Bói trả lời.
Chúng tôi chờ thêm nữa. Chẳng thấy bóng dáng anh Xin
đâu cả. Cũng không có ai biết điện thoại của anh. Nghe
chú Thôn nói rằng anh không có mang điện thoại theo.
Thế là chịu chết. Tôi bảo em rể tôi chạy đi kiếm! Hắn chạy
đi một hồi và xách xe không về.
“Hay là chú Nhị làm phiền đi theo xe thằng Sơn thử. Có lẽ
anh Xin không biết thằng Sơn là ai nên không nhận được!”
Chú Nhị càu nhàu, nhưng rồi cũng cứ nghe lời. Chú Thôn
lại xách xe đi nữa, mỗi người một hướng. 15 phút sau họ
xách xe không trở về. không thấy bóng dáng ai trên đường
cả. Thua luôn“Cái thằng! Lạc thì đứng lại đó để anh em
tìm chớ. Xách xe chạy lung tung biết đâu mà lần!” Chú
Nhị cằn nhằn.
“Hay là anh Xin bị đụng đá ngã đâu đó rồi!” Tôi hỏi.
“Nếu té thì đã trông thấy!” Chú Thôn góp ý. “Chắc có lẽ
tìm không ra anh em mình nên anh ta quay trở về nhà rồi
không chừng!”
Chú Thôn gọi điện thoại về nhà anh Xin. Con của anh trả
lời rằng không biết ‘ba’ đang ở đâu.
“Thôi cứ ăn đi cái đã, đói rồi!” Chú Ngân đề nghị. “ Nếu
anh Xin về nhà thì bây giờ chưa đến nhà đâu
.Chúng tôi ngồi xuống trước thềm nhậu. Vừa nhậu vừa nói
chuyện huyên thuyên, đủ thứ. Đang nhậu ngon trớn bỗng
điện thoại của chú Thơm reo.
“Alo,”
“Xin đây! Xin lỗi nghen. Khi mình nổ máy được thì anh
em đã chạy mất. Mình định đi theo, nhưng bị lạc. Mình
chạy đi chạy lại 3, 4 vòng cũng không gặp ai. Trời tối, mắt
mũi kèm nhèm, nên mình đành quay trở về!”

“Tui biết mà, anh chàng Xin này là vậy đó. Lúc nào cũng
chậm như con rùa!” Chú Nhị tỏ ra thông thạo. Thiếu Xin
Tường Ten, bữa nhậu mất vui. Vừa ăn anh em vừa kể
chuyện xoay quanh anh chàng Tường Ten này. Đúng là
một bữa nhậu chụp giật, không được lâu như tôi mong
muốn. Văn Thôn xin kiếu sớm phải về sớm để lo chuyện
bê tái cho ngày mai; chú Ngân cũng xin về sớm vì ngại để
mbt ở một mình cho ma bắt. Thế là chúng tôi chia tay. Chỉ
có chú Nhị còn lại với tôi, vì nhà ở mãi Ninh Hòa. Chú đã
lỡ bán mình cho Satan rồi nên đành liều mạng ở lại.
Chúng tôi nằm lăn ra đất ngủ một giấc đến sáng. Tôi
thức dậy sớm như mọi khi. Thức dậy rồi nhưng không
chỗi dậy được. Bị mộc đè sao đây? Không phải. Bị cả thân
hình bồ tượng của chú Nhị đè mới đúng! Cha này lúc nào
cũng vậy! Ngủ như chết! Chắc mình làm cái gối ôm của
chả hay sao chứ! Thôi thì đành vậy, cố hết sức đẩy chú ta
ra. Vậy mà chú ta nào có mở mắt, chỉ có lăn qua một bên
rồi tiếp tục ngủ!! Chịu chết thằng cha này!
Chúng tôi lại trở ngại! Đúng ra là xe của chú Nhị Bói bị
trở ngại! Chú ta đạp toát mồ hôi hột, vậy mà nó không
chịu nổ! “Sao bữa nay chiếc xe nổi chứng vậy không biết!
mấy bữa khác chừng năm ba cái là nó nổ liền.” Chú ta
phân trần với tôi. “Hay là mày đẩy một chút giùm tao đi là
nó nổ liền.” Gặp đúng sao quả tạ. Sáng sớm mới chỉ có
một ly café mà phải đẩy cho xe ông cố nội này nổ! Thôi
thì cũng ráng vậy. Tôi đẩy cho chú ta ra khỏi cổng muốn
đuối luôn, mồ hôi mồ hám vã ra đầy người. May mà hôm
đó là sáng sớm, nếu không chắc phải uống một hai lít nước
mới lại sức! Chiếc xe cũng vẫn ì xèo không chịu nổ.
“Chắc là xe mày ướt bugi rồi Nhị ơi,” tôi chọc chú ta.
“Bugi tao mà ướt hả? Còn gin, khô ran hè! Tao mới thay
tuần trước đây thôi!” Chú ta nhe cái hàm răng một cái của
chú ta lên cười thấy ghét. “ Thôi mày mà còn gin, gin cái
lổ rốn thì có!” Tôi bước sấn tới. “Đưa tao khám coi.”Chú

ta lui lui vài bước,, bỗng thò tay làm bộ vén quần. :Nè nè ,
khám đi cha nội!” Tôi lại phải chùn bước.. Tên này cũng
dễ làm thật lắm. Hồi ở TCV hắn cũng đã rượt tôi một lần
kiểu đó rồi. “Em tao ra kìa. Nó mà thấy là hai thằng độn
thổ luôn đó!” Tôi dọa. Hai vợ chồng của em tôi ra sau
dừng lại. “Xe anh sao vậy anh Nhị?” Thằng Sơn hỏi.
“Ai có biết. Nó không chịu nổ.” Nhị đáp.
“Sơn, mày còn cái bugi nào khác không. Chắc là bugi
thằng Nhị lâu ngày quá đóng chấu rồi!” Tôi nhìn chú Nhị,
cười cười.
Xe vẫn không nổ sau khi thay bugi. Lại phải đẩy. Lần này
tôi khỏi phải đẩy vì có xe của thằng Sơn kéo. Xe nổ! Chú
Nhị quay lại định chở tôi đi. Lại tắt máy! Lại kéo! Con
đường từ nhà tôi ra đến đường lộ không xa, nhưng chúng
tôi cứ phải ì ạch với chiếc xe chú Nhị gần cả tiếng mới đến
nơi. Chúng tôi ghé vào một quán phở bên đường ăn bù trừ.
Tôi không dám đi chung xe với chú Nhị nữa, mặc dầu sau
khi chú Nhị đã sửa xe xong. “Thôi mày cố lết về Ninh
Hòa đi. Đi với mày tao sợ nằm đường quá. Để tao và em
tao đón xe đò về vậy.”

15/7/2010 Phê-Rô Nguyễn Hoàng