Bản Giao Hưởng Dang Dở của nhà soạn nhạc Phanxicô

Bản Giao Hưởng Dang Dở của nhà soạn nhạc Phanxicô

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350637?eng=y

 

Cuộc đối thoại từng bắt đầu với đức giáo hoàng trong tờ “La Civiltà Cattolica” được tiếp tục với nhiều góp tiếng. Đây là hai ví dụ: một minh định đầy thẩm quyền về Bergoglio nhà “thần bí” và một bức thư ngỏ của một nhà thần học ở Nữu Ước.

 

ROME, ngày 5 tháng Mười Một năm 2013 – cuộc phỏng vấn đức giáo hoàng Phanxicô do tờ báo của các tu sĩ dòng Tên tại Rome, tờ “La Civiltà Cattolica” xem chừng càng ngày càng giống như khúc “Mở Đầu” cho một buổi hoà nhạc gồm nhiều tiếng nói góp vào.

Một buổi hoà nhạc đang hồi cao độ, cả về phần khai triển nhạc đề đức giáo hoàng mới thoáng đề cập đến và dùng đối âm để làm đẹp chúng.

Ví dụ trong bài phỏng vấn này, khi khẳng định bản thân mình là và cảm thấy mình trọn vẹn là tu sĩ dòng Tên, đức Jorge Mario Bergoglio tự tách biệt mình ra khỏi hình ảnh đương thời của thánh Ignatius thành Loyola, một nhà thần bí nghiêm ngặt của thời Phản Cải Cách:

Có lẽ tôi gần với trào lưu thần bí, của Louis Lallement và Jean-Joseph Surin. Và Faber là nhà thần bí.”

Với một người không chuyên môn, lời chú thích này khó hiểu. Vậy tờ “La Civiltà Cattolica” dường như có lời giải thích ý nghĩa của câu nói qua một bài viết in trong số ra ngày mồng 2 tháng Mười Một, do một tu sĩ dòng Tên, cha Giandomenico Mucci, viết dưới nhan đề: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô và linh đạo thánh Inhaxiô.

Mỗi bài viết trong tờ “La Civiltà Cattolica” luôn được cho in sau khi được giới thẩm quyền tại Vatican xét duyệt. Đây là một sự xét duyệt đích thân đức giáo hoàng Piô XII thường làm, còn các giáo hoàng kế nhiệm lại ủy thác cho phủ quốc vụ khanh, nhưng bây giờ lại có chiều hướng trở về phần trách nhiệm của đức giáo hoàng Phanxicô, ít ra trong những vấn đề ngài bận tâm nhất và liên quan đến cá nhân ngài.

Thật ra, rất khó mà nghĩ được rằng tờ “La Civiltà Cattolica” lại có thể miêu tả cách chắc chắn với đầy đủ chi tiết về nét linh đạo thánh Inhaxiô đặc trưng của đức giáo hoàng Bergoglio mà lại không được ngài chuẩn thuận.

Cha Mucci giải thích rằng “Đúng đắn là phải phân biệt trong linh đạo thánh Inhaxiô, có hai trào lưu, khác biệt nhau và xác định được xét về phương diện lịch sử.

Ngài miêu tả trào lưu đầu tiên như sau:

Trào lưu khổ hạnh đặt nền tảng trên lối nguyện ngắm biện luận và trên việc tập luyện có phương pháp các nhân đức cá nhân. Trào lưu này ghi tâm khắc cốt những nguyên tắc quan trong của đời sống thiêng liêng, nhưng nhấn mạnh trên nỗ lực chiến thắng hết khuyết điểm này đến khuyết điểm khác, và phát triển từ nhân đức này sang nhân đức khác.”

Và trào lưu thứ hai:

Tuy nhiên, trào lưu thần bí, sau chương trình khổ luyện nghiêm nhặt ban đầu, nhấn mạnh đến việc buông mình dễ dàng vâng phục tác động Chúa Thánh Thần. Chuyện chiến đấu chống lại các tính hư tật xấu và tập luyện các nhân đức thì gác lại sau.”

Cha Mucci tiếp tục:

Cả hai trào lưu đều có đầy đủ quyền làm công dân Dòng Tên và các tác giả của trào lưu này hay trào lưu kia đều là đồ đệ thánh Inhaxiô. Trải qua hàng thế kỷ, các chỉ dẫn chính thức của Dòng, truyền xuống đến thời chúng ta, đều ưa chuộng trào lưu đầu tiên, có lẽ là vì nó được đánh giá là chắn chắn hơn về phương diện thiêng liêng, và dường như ít thuận lợi cho việc gây ra các ảo tưởng, là những điều thường, hay gần như là luôn luôn phát sinh khi nói về thần bí mà không biết phân định. Tuy vậy trào lưu thần bí không hề bao giờ bị ngăn cấm hay được khuyên giải không nên theo. Cũng không phải vì chuyện ngăn cản này có thể thực hiện được, vừa vì các tác giả của nó đã hưởng được sự ngưỡng mộ hoàn vũ, và nay vẫn còn, vừa vì hoa trái thánh thiện mà nó tạo ra. Người ta chỉ cần nghĩ đến các vị tử đạo thánh thiện của Canada, là các đồ đệ của Lallemant. Và của vị tác giả mà đức giáo hoàng ngày nay tuyên bố mình là đồ đệ.”

Trong một đoạn khác của bài báo, linh mục Mucci cắt nghĩa thêm nhiều hơn về ý nghĩa của thần bí:

Thần bí, theo nghĩa thần học rộng nhất, là một tình trạng trong tâm trí con người nhận được ánh sánh và các tác động của Chúa Thánh Thần tạo ra do một hoạt động khác biệt hẳn với người thường. Các ánh sáng và tác động này khởi động các hồng ân Chúa Thánh Thần được Thiên Chúa phú sẵn trong linh hồn. Hiểu như thế, đời sống thần bí không là gì khác hơn lòng ngoan ngoãn vâng theo Thánh Thần Thiên Chúa.”

Và đó là thánh Inhaxiô: nhà thần bí, trước khi là nhà khổ hạnh.

Và đó cũng là đức giáo hoàng Phanxicô. Để hiểu được các hoạt động của ngài, nét thần bí theo Inhaxiô là chìa khoá cần thiết để hiểu được ngài.

 

*

 

Nhưng ngoài các lời giải thích như bài báo vừa nêu trên, cuộc phỏng vấn đức Phanxicô trong tờ “La Civiltà Cattolica” còn khơi ra thêm được nhiều câu trả lời, là những câu hỏi thêm vào các câu hỏi.

Đây là một tiến trình tiêu biểu cho bất cứ cuộc đối thoại cởi mở nào. Và vì đây là cách thức đức giáo hoàng Phanxicô dùng để công bố chương trình hành động của triều giáo hoàng mình, nên tự nhiên là các phản ứng không chỉ hạn chế trong chuyện lắng nghe, chấp nhận, phê phán hay chê bỏ, nhưng còn là chuyện dấn thân trực tiếp vào một cuộc đối thoại cứ liên tục mãi.

Việc một cuộc đối thoại như thế có thể được khai triển ra sao, chúng ta có một ví dụ ít khi gặp thấy, đó là bài phê bình được trích lại dưới đây. Bài đã được công bố trong tạp chí “America” của các tu sĩ dòng Tên tại Nữu Ước, tiếp theo bài phỏng vấn đức giáo hoàng Phanxicô trong tờ “La Civiltà Cattolica.

Tác giả, Robert P. Imbelli, là một linh mục thuộc tổng giáo phận Nữu Ước, và là giáo sư thần học tại đại học Boston. Ngài là một trong những người sáng lập tổ chức “Catholic Common Ground Initiative – Sáng kiến Tương Đồng Công giáo” mang tên cố Hồng y Joseph Bernadin. Ngài cũng viết cho tờ “L’Osservatore Romano“.

 

__________

 

 

CUỘC ĐỐI THOẠI VẪN TIẾP DIỄN

Những câu hỏi thêm dành cho đức giáo hoàng Phanxicô

Bài của Robert P. Imbelli

 

Vào thập niên 1950, khi tôi bắt đầu khai tâm với nhạc cổ điển, không thiếu những nhà chỉ huy dàn nhạc giao hưởng lẫy lừng. Nhưng có hai vị đứng ở vị trí thượng đẳng giữa các nhạc trưởng trên đài danh vọng này: đó là Arturo Toscanini, người Ý, và Wilhelm Furtwängler, người Đức.

Người ta nói về Toscanini rằng ông bắt đầu bản nhạc với một “luận lý” nhạc được sắp đặt sẵn trong đầu và rồi việc trình tấu cứ theo cái luận lý ấy mà diễn ra trơn tru. Ngược lại, phong cách của Furtwängler giống như một cuộc đối thoại vẫn tiếp diễn hoài giữa nhạc công và các phần của bài nhạc, được xây dựng liên tục, dẫn đến một kết cục bi hùng, đôi khi là bất ngờ.

Việc đức giáo hoàng Phanxicô nhắc đến Furtwängler trong cuộc phỏng vấn của Ngài, ngày nay đang được bàn bạc đến nhiều, đã làm sống lại kỷ niệm cũ ấy. Đức Phanxicô ưa thích kiểu “tường thuật”, “phân định” và “thần bí” xem ra tương hợp với vị nhạc trưởng người Đức hơn là vị người Ý. Nhưng ngược lại, phong cách của vị tiền nhiệm người Đức, đức Biển Đức XVI, với việc nhấn mạnh đến logos – lời, dường như đồng điệu với Toscanini hơn. Dĩ nhiên, cả hai vị nhạc trưởng (cũng như hai vị giáo hoàng) đều tôn trọng và phục vụ những bản văn quy điển như nhau. Dấu nhạc như nhau, tuy cách nhấn mạnh và nhịp điệu có thể khác nhau đáng kể.

Cha Antonio Spadaro, dòng Tên, đã gặp đức giáo hoàng Phanxicô ba lần, và đã sắp xếp tuyệt vời các lời nói của ngài thành một tổng thể thuần nhất. Cha đã có hai nhận xét không được ghi lại trong bản dịch tiếng Anh lưu loát, do tạp chí America công bố, nhưng có thể tìm thấy trong ấn bản La Ciciltà Cattolica.

Trong những lưu ý mở đầu, cha Spadaro đã có nhận xét này: “Rõ ràng đức giáo hoàng Phanxicô thường dùng lối đối thoại hơn là thuyết trình” (“abituato più alla conversazione che alla lezione”). Và trong các suy tư kết luận, cha Spadaro đưa ra ý kiến: “Thật ra, một cuộc đối thoại hơn là phỏng vấn” (“in realtà una conversazione più che un’ intervista”).

Tôi cho rằng nhắc lại các bình phẩm này là điều quan trọng, vì đặt các nhận xét vào một cuộc đối thoại có thể giúp hướng dẫn việc hiểu nghĩa cho tốt hơn. Cuộc đối thoại diễn ra giữa hai tín hữu, hai vị đồng đạo dòng Tên, cùng chia sẻ một quyết tâm, một quan điểm và một ngôn ngữ chung. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đã bị nghe lén bởi một thế giới đang hau háu muốn phát giác ra một dấu hiệu báo cho thấy có thay đổi nào trong giáo huấn của Giáo hội, nhưng thế giới ấy thường bưng tai giả điếc với ngôn ngữ thâm sâu của đức tin. Như thế, chúng ta thấy trước được giới truyền thông thế tục cố chấp về những vấn đề như phá thai, hôn nhân đồng tính – đấy cũng chính là những vấn đề họ đã kết án một phần giáo quyền đã bị chúng ám ảnh.

Như nhiều người đã ghi nhận, đức giáo hoàng Phanxicô không tranh biện về chuyện giáo huấn giáo hội đã dạy về các vấn đề này như thế nào. “Giáo huấn của giáo hội” ngài nhấn mạnh, “rất rõ ràng; và tôi là một người con của giáo hội.” Tuy nhiên, điều có ý nghĩa là việc ngài đặt lại những giáo huấn luân lý này trong tương quan với trọng tâm vấn đề. Trọng tâm này là lời Giáo Hội loan truyền tin mừng rằng “Chúa Giêsu Kytô đã cứu rỗi anh em!” Dù ngài không dùng từ ngữ đó ở đây, nhưng hiển nhiên là việc mà đức Phanxicô phân định là nhu cầu cấp thiết của thời đại chúng ta chính là việc tân phúc âm hóa, việc công bố được đổi mới nói về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được gói trọn trong và sẵn sàng để hưởng dụng nơi Chúa Giêsu Kytô.

Đến đây, người ta có thể trân quý lời đức giáo hoàng sắc sảo nhắc đến chiều kích thần bí của đời sống Kytô hữu. Giống như đức Biển Đức XVI, đức Phanxicô nhấn mạnh rằng Kytô giáo không thể bị giản lược thành một bộ luật luân lý. Tiên vàn Kytô giáo là một tương quan với một con người, con người Đức Giêsu Kytô. Như thế mới có luận điểm của ngài cho rằng Inhaxiô thành Loyola (nhân vật nổi bật trong cuôc đối thoại giữa hai tu sĩ dòng Tên) tiên vàn không phải là một nhà khổ hạnh, nhưng là một nhà thần bí. Và rằng chuyện thực hành việc phân định nổi tiếng của thánh Inhaxiô không phải là một kỹ thuật được áp dụng cách máy móc, nhưng là “một dụng cụ giúp chiến đấu hầu biết Chúa và theo Ngài khắng khít hơn.”

Cũng vậy, đến đây người ta có thể định vị được việc đức giáo hoàng giới thiệu cách thách đố chân phước Peter Faber như là một mẫu gương. Điều có sức lôi cuốn nơi chân phước Faber chính là khả năng của ngài kết hợp “kinh nghiệm nội tâm, diễn đạt tín lý và canh tân cấu trúc” thành một hợp nhất bất khả phân.

Đức Faber đã như thế. Đức Phanxicô cũng vậy.

Nhưng sự nhấn mạnh của đức giáo hoàng trên vị trí trung tâm của Chúa Giêsu Kytô, trên sự phân định vì lợi ích cho phận làm môn đệ, trên đức Faber như là gương mẫu trong khả năng kết hợp bất khả phân các thành tố làm nên đời sống giáo hội, có nguy cơ bị giới truyền thông bỏ sót, vì họ chỉ chú mục đến những “vấn đề nóng bỏng.” Vì thế, măc dầu cuộc đối thoại giữa hai huynh đệ có hấp dẫn và lôi cuốn, khi được chuyển sang tầm nhận thức hoàn toàn thế tục của phòng báo chí, các từ ngữ có thể dễ dàng bị vu khống.

Nếu tạp chí America có giao cho tôi trách vụ tiếp nối cuộc đối thoại với đức giáo hoàng Phanxicô, thì đây là một vài điều quan ngại tôi muốn nêu lên.

 

Thưa Đức Thánh Cha, trong cuộc đối thoại đầu tiên, dường như ngài phê bình nhiều hơn về các người chủ trương “canh tân” và “nệ luật” hơn là “tương đối” (là những người đã gây khó khăn không ít cho vị tiền nhiệm nổi tiếng của ngài) . Ngài đã có nhắc sơ đến “chủ trương tương đối”, chỉ để khẳng định rằng Thiên Chúa của Kinh Thánh, Đấng chúng ta gặp gỡ trong cuộc hành trình ( “nel cammino”), siêu vượt trên tương đối tính. Con nghĩ rằng nhiều người nghe trộm cuộc đối thoại hẳn sẽ thu thập thêm được rất nhiều điều bổ ích từ những giải thích kế tiếp làm sáng tỏ thêm những suy nghĩ của ngài về vấn đề này. Làm sao ngày nay chúng ta có thể nói vềThiên Chúa, vốn được mạc khải qua Chúa Giêsu Kytô như là “tuyệt đối?

 

Đức Thánh Cha cũng đã kêu gọi mạnh mẽ dòng mang tên Chúa Giêsu phải “phân quyền” khỏi chính mình, và luôn luôn đặt trọng tâm vào “Chúa Kytô và giáo hội của Người.” Nhưng việc xác nhận Chúa Kytô là trung tâm điểm đưa đến những hệ lụy nào? Chẳng nó không thúc ép chúng ta vượt qua những miêu tả để đặt ra những vấn nạn về sự thật, vượt qua thực hành để đạt đến nền tảng chiêm niệm? Sau khi đã theo dõi những bài giảng của Cha tại nguyện đường Santa Marta nói về Thư gửi cho tín hữu Colôsê, tuyên bố Đức Kytô là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình…tất cả đều tồn tại trong Người.” con có thể đoán được câu trả lời của Cha. Nhưng những suy tư kế tiếp của Cha về chủ đề này hẳn sẽ làm cho cuôc đối thoại đang tiếp diễn được thêm phong phú và nhiều thách đố, đặc biệt đối với những người đang đứng trong “tiền đình của Dân Ngoại.

 

Liên quan đến điểm vừa đề cập, Cha cho bết mình rất ưa thích “hy vọng” hơn là “tích cực.” Nhưng có lẽ vì thời gian không cho phép, nên Cha đã không miêu tả thêm được chút gì về sự hy vọng, chỉ nói sơ về hy vọng như là một “nhân đức đối thần” và là một “hồng ân tối hậu của Thiên Chúa.” Con biết rằng, một thế giới thường xuyên thiếu vắng hy vọng (và cả tinh thần tích cực) đang ngong ngóng muốn biết các chiều kích và muốn đạt cho được niềm hy vọng ấy, và muốn nghe “ một miêu tả – logos về hy vọng đang hiện diện trong chúng ta.

 

Và cuối cùng, vào lúc kết thúc cuộc đối thoại, cha Spadaro đã đặt một câu hỏi về những thay đổi nơi việc con người tìm hiểu về chính mình qua các thế kỷ. Cha xác nhận điểm này, và nhắc đến những công trình nghệ thuật từ nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau để minh hoạ cho sự kiện. Đồng thời, như một nhà linh hướng tinh tế, Cha công nhận rằng dù là nam hay nữ, con người thường nghiêng về sự tự lừa dối mình. Con mạn phép được nài nỉ rằng tất cả chúng ta sẽ hưởng được nhiều bổ ích từ những cuộc đối thoại trong tương lai trong đó đặt ra những nguyên tắc giúp chúng ta phân định được điều nào tạo ra được những thăng hoa chân chính cho con người. Vì, như con từng nhắc cho các sinh viên của con rằng, “tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự” chính là kết qủa của ba tuần đầu tháng Linh Thao, chứ không phải là điểm khởi hành.

 

Thưa Đức Thánh Cha, mặc dù Cha rất ưa thích Furtwrängler, nhưng con tin Cha không cho những điều quan ngại của một kẻ hâm mộ Toscanini là trái khoáy. Như Cha đã thường nhắc , Chúa Thánh Thần thấy sự trộn lẫn nhiều tiếng nói là điều rất tốt đẹp.

 

__________

 

Cuộc đối thoại giữa đức giáo hoàng và cha Antonio Spadaro, giám đốc tờ “La Civiltà Cattolica“:

> A Big Heart Open to God

 

__________

Tạp chí của Dòng Tên tại Rome với bài viết của cha Giandomenico Mucci:

> “La Civiltà Cattolica” n. 3921 del 2 novembre 2013

 

__________

Bài bình luận của cha Robert P. Imbelli trong tờ “America” số ngày 25 tháng Chín năm 2013:

> An Ongoing Conversation

 

 

__________

 

 

Nguyễn Đức Khang chuyển ngữ