Hồi giáo và Kytô giáo. Những điểm vấp váp trong đối thoại.

Hồi giáo và Kytô giáo.  Những điểm vấp váp trong đối thoại.

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350689?eng=y

 

Trong “Evangelii Gaudium” đức giáo hoàng Phanxicô ấn định các quy tắc cho việc đối thoai với Hồi Giáo. Chuyên gia về Hồi giáo, Samir Khalil Samir, Dòng Tên, nhận định từng điểm một, và ngài đã phê bình các hạn chế của những quy tắc đó.

 

ROMA – Ngày 30 tháng Mười Hai năm 201- Trong thông điệp Giáng Sinh gửi đến “thành Roma và toàn thế giới – urbi et orbi,” đức giáo hoàng Phanxicô đã xướng lên lời kinh này:

Lạy Thiên Chúa sự sống, xin bảo vệ tất cả những ai bị bách hại vì Danh Ngài.”

Và trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày lễ thánh Stephanô, vị tử đạo đầu tiên, ngài đã cầu nguyện một lần nữa: “cho các Kytô hữu đang chịu đựng sự kỳ thị vì làm chứng cho Chúa Kytô và cho Tin Mừng.”

Đức giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio đã liên tục bày tỏ chung nỗi đau buồn với số phận các Kytô hữu tại Syria, tại Trung Đông, tại Phi Châu, và nhiều nơi khác trên thế giới, bất cứ nơi nào họ bị bách hại và bị giết, không hiếm khi bị “thù ghét vì đức tin” và do tay các người Hồi Giáo.

Đối với tất cả các chuyện này, đức giáo hoàng đáp trả bằng cách liên tục kêu gọi “đối thoại như là môt đóng góp xây dựng hoà bình.”

Trong tông huấn “Evangelii Gaudium” công bố ngày 24 tháng Mười Một, tài liệu quan trọng nhất ngài đã công bố tính cho đến nay, đức Phanxicô dành hai đoạn sau đây cho việc đối thoại với người Hồi Giáo .

252. Tương quan của chúng ta với những người theo Hồi giáo đã trở nên rất quan trọng, vì ngày nay họ hiện diện đáng kể tại nhiều quốc gia có truyền thống Kitô giáo.Tại đó họ có thể tự do cử hành việc phụng tự của mình và hoàn toàn trở thành một phần xã hội. Chúng ta đừng bao giờ quên họ “tuyên xưng mình gìn giữ đức tin của Abraham, và cùng với chúng ta, họ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, giàu lòng xót thương, Đấng sẽ phán xét con người ngày sau hết”. Các thánh kinh Hồi giáo vẫn là một phần của giáo huấn của Kitô giáo: Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria được tôn kính sâu xa. Và đáng ngưỡng mộ khi thấy cách những người Hồi Giáo, cả già lẫn trẻ, đàn ông và phụ nữ, dành thì giờ để cầu nguyện hàng ngày và trung thành tham dự các nghi lễ tôn giáo. Đồng thời, nhiều người trong họ xác tín sâu xa rằng toàn thể đời sống mình đến từ Thiên Chúa và dành cho Ngài. Họ cũng công nhận cần phải đáp lời Thiên Chúa bằng một cam kết luân lý và một tấm lòng thương cảm dành cho người khó nghèo nhất.

253. Để hỗ trợ việc đối thoại với Hồi giáo, cần phải đào tạo thích đáng những người can dự, không chỉ để giúp họ có một nền móng vững chắc và hân hoan trong căn tính riêng của mình, nhưng để họ có thể nhận ra các giá trị của người khác, để trân qúy những quan tâm tiềm ẩn dưới các nhu cầu người khác và soi sáng những điểm xác tín cùng nhau san sẻ. Chúng ta, các Kitô hữu, nên có cảm tình đón nhận và tôn trọng những di dân Hồi giáo đến đất nước chúng ta, cùng một cách như chúng ta hy vọng và yêu cầu được đón nhận và tôn trọng tại các nước theo truyền thống Hồi giáo. Tôi yêu cầu và khiêm tốn khẩn nài các nước Hồi giáo hãy cho các Kitô hữu được tự do thờ phượng và thực hành đức tin của mình, nhờ gương sáng sự tự do mà các tín đồ Hồi giáo được hưởng tại các nước Tây Phương! Trước những cảnh bạo tàn đầy nản lòng do chủ trương chính thống cực đoan gây ra, mối thiện cảm chúng ta dành cho các tín hữu Hồi giáo chân chính phải ngăn cản chúng ta có những kết luận “vơ đủa cả nắm” đầy hận thù , bởi vì Hồi giáo chân chính và việc giải thích đúng đắn kinh Koran chống lại bất cứ hình thức bạo lực nào.

 

Những bài bình luận về tông huấn “Evangelii Gaudium” đã chú ý quá ít đến hai đoạn này.

Ví dụ, rất ít người đã ghi nhận giọng mạnh mẽ bất thường đức giáo hoàng Phanxicô đã đòi hỏi các quốc gia Hồi Giáo phải có được sự tự do thờ phượng mà các tín hữu Hồi Giáo đang hưởng được tại các quốc gia Tây Phương.

Tuy nhiên, những người đã nêu bật lòng “can đảm” của đức giáo hoàng, như tu sĩ dòng Tên người Ai Cập cũng là học giả về Hồi Giáo, linh mục Samir Khalil Samir – cũng đã nhấn mạnh rằng đức giáo hoàng đã tự hạn chế mình chỉ xin được tự do thờ phượng, mà lại im lặng về chuyện chối bỏ quyền tự do được hoán cải từ đạo này sang đạo khác, một điểm đang gây nhức nhối trong thế giới Hồi Giáo.

Linh mục Samir dạy học tại Beirut, Roma, và Paris. Ngài là tác giả nhiều cuốn sách và nhiều khảo luận về Hồi Giáo, Và về tương quan giữa Hồi giáo và Kytô giáo, cũng như với Phương Tây. Phát hành mới nhất của ngài do EMI mang đề tựa: “Those tenacious Arab springs. –Những mùa xuân Ả Rập dai dẳng ấy.” Dưới triều giáo hoàng Biển Đức XVI, ngài là một trong các chuyên gia được các giáo chức tại Vatican, và được đích thân đức giáo hoàng lắng nghe nhất.

Hôm 19 tháng Chạp vừa qua, ngài cho phát hành trên cơ quan thông tin “Asia News” thuộc Học viện Giáo hoàng về Truyền giáo Ngoại quốc, một bài bình luận thấu đáo về những đoạn liên quan đến Hồi Giáo trong tông huấn “Evangelii Gaudium.”

Bài bình luận có hai mặt. Trong phần đầu, cha Samir phơi bày ra ánh sáng “nhiều điều tích cực” đức giáo hoàng đã đề cập đến về vấn đề này.

Nhưng trong phần hai, ngài khảo sát các giới hạn của chúng. Với một sự thẳng thắng hiếm thấy.

Sau đây là phần hai của bài bình luận.

__________

 

 

 

 

 

 

NHỮNG ĐIỂM TÔNG HUẤN “EVANGELII GAUDIUM” CẦN MINH ĐỊNH

Bài của Samir Khalil Samir

 

1. Người Hồi giáo “cùng với chúng ta, tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, giàu lòng thương xót” (số 252)

Tôi muốn nêu lên một lời khuyên thận trọng ở đây. Đúng thật là người Hồi giáo tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất và đầy lòng thương xót. Tuy nhiên câu này gợi ý rằng hai khái niệm về Thiên Chúa này là bằng nhau. Quả thực trong Kytô giáo, Thiên Chúa, tự bản tính, là Ba Ngôi, ba ngôi nhưng hiệp nhất với nhau thành một trong tình yêu. Ngài bao quát hơn là chỉ khoan dung và nhân hậu. Chúng ta gặp hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về Thiên Chúa. Người Hồi giáo hiểu về Thiên Chúa như là đấng bất khả đạt, trong khi quan điểm Kytô giáo về Duy Nhất Tính của Ba Ngôi nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là Tình yêu. Nghĩa là thông hiệp được : Cha – Con –Thánh Thần, hay Người Yêu – Người Được Yêu – Tình Yêu, như thánh Augustinô gợi ý.

Hơn nữa, lòng thương xót của Thiên Chúa trong Hồi giáo có nghĩa gì? Ngài thương xót kẻ Ngài muốn, chứ không thương xót kẻ làm phật lòng Ngài. “Allah có thể nhận ai tuỳ ý Ngài vào lòng thương xót của mình.” (Koran 48:25) Cách nói như thế, gặp hầu như giống từng chữ trong Cựu Ước ( Xuất Hành 33:19) .Nhưng Hồi giáo chẳng bao giờ có thể đạt đến mức nói được rằng “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4:16) như thánh Gioan.

Trong Hồi Giáo, lòng thương xót là lòng kẻ giàu hạ cố xuống người nghèo và ban cho họ một điều gì. Nhưng Thiên Chúa của Kytô giáo là một Thiên Chúa tự hạ mình xuống hàng dân nghèo để nâng họ lên. Ngài không bày tỏ sự giàu sang của mình để kẻ nghèo kiêng nể hay hãi sợ, mà Ngài ban tặng chính mình để người nghèo được sống.

 

2. “Các thánh kinh Hồi giáo vẫn là một phần của giáo huấn của Kitô giáo” (Số 252)

Điều này đúng trong một nghĩa, nhưng có chỗ hàm hồ. Đúng là Hồi giáo giữ lại một vài lời nói và sự kiện từ các sách Kinh Thánh quy điển, tỉ như thuật trình Truyền Tin hầu như ghi lại nguyên văn trong các chương 3 ( Gia đình của Imran) và 19 ( Mariam)

Nhưng kinh Coran thường xuyên được gợi hứng từ các câu chuyện đạo đức trong các Phúc Âm Nguỵ thư, và không rút ra từ đó những ý nghĩa thần học mà chúng chứa đựng, và cũng không gán cho những sự kiện hay lời nói này ý nghĩa mà chúng thật sự có, không phải vì ác ý, nhưng chỉ vì chúng không chứa đựng cái viễn ảnh tổng quát của sứ điệp Kytô giáo.

 

3. Dung mạo Đức Kytô trong kinh Coran và trong sách Phúc Âm (Số 252)

Kinh Coran nhắc đến “Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria [những người] được tôn kính sâu xa.” Nói cho ngay, Chúa Giêsu không phải là đối tượng được tôn kính trong truyền thống Hồi Giáo. Thay vì thế, Mẹ Maria được tôn kính, đặc biệt nơi các phụ nữ Hồi Giáo, những người quyết tâm muốn đi đến các điểm hành hương.

Sự kiện thiếu lòng tôn kính đối với Chúa Giêsu Kytô có lẽ được cắt nghĩa nhờ sự kiện, trong kinh Koran, Giêsu chỉ là một vị tiên tri lớn, nổi tiếng với các phép lạ dành cho một nhân loại nghèo đói và bệnh tật, nhưng Ngài không cao trọng bằng Muhammad. Chị có các nhà thần bí mới bày tỏ đôi chút sùng mộ dành cho Ngài. Họ là những người gọi Ngài là “Thần Linh của Thiên Chúa.”

Thật ra, những điều nói về Chúa Giêsu trong kinh Coran đều hoàn toàn ngược lại với các Giáo huấn Kytô giáo. Ngài không phải là Con Thiên Chúa, nhưng là một vị tiên tri, và chỉ như thế thôi. Ngài cũng không phải là vị tiên tri cuối cùng, vì “dấu niêm phong của các tiên tri” chính là Muhammad ( Koran 33:40). Mạc Khải Kytô giáo chỉ được xem như một bước dẫn đến mạc khải cuối cùng do tiên tri Muhammad mang đến, có nghĩa là Hồi Giáo.

 

4. Kinh Coran đi ngược lại với mọi tín điều căn bản của Kytô giáo.

Dung mạo Đức Kytô như là Ngôi Hai trong Ba Ngôi bị lên án. Kinh Coran đã minh bạch nói với các Kytô hữu: “Hỡi Dân Kinh Thánh! Đừng phóng đại trong tôn giáo mình, cũng đừng thốt lên điều chi liên quan đến việc Allah lưu giữ Sự Thật. Đấng Thiên Sai, Giêsu, Con của Maria, chỉ là một sứ giả của Allah, là Lời Người đã chuyên chở trong Maria., và là một thần linh của Ngài. Vậy hãy tin vào Allah, và các sứ giả của Ngài, nhưng đừng nói “Ba” – Đừng nói nữa ! (Như thế) là tốt hơn cho các ngươi! – Chỉ Allah là Thiên Chúa Duy Nhất . Ngài quá Oai Nghiêm Siêu Việt để có một Người Con.” (Koran 4:171) Những câu này chống lại Ba Ngôi đã quá rõ ràng nên không cần phải giải thích.

Kinh Coran phủ nhận thiên tính của Đức Kytô: “Ô Giêsu, Con bà Maria, có phải Ngài đã từng nói với dân chúng, ‘Xem Ta và mẹ Ta là những vì Thiên Chúa nữa bên cạnh Allah?” (Koran 5:116) Và Chúa Giêsu đã chối điều đó!

Cuối cùng, kinh Coran phủ nhận sự Cứu chuộc. Thậm chí kinh Coran còn nói Chúa Giêsu Kytô không hề chết trênThánh giá. Chỉ có vẻ như thế mà thôi: “Và họ không giết ngài, họ cũng chẳng đóng đinh ngài, nhưng một người khác đã được làm giống ngài” (Coran 4:157) Như thế Thiên Chúa cứu Giêsu khỏi sự gian ác của người Do Thái. Nhưng nếu thế, Chúa Kytô không cứu rỗi được thế giới!

Nói vắn tắt kinh Coran và người Hồi giáo phủ nhận những tín điều căn bản của Kytô giáo: Ba Ngôi, Nhập Thể và Cứu Chuộc. Cần phải thêm là điều này hoàn toàn do quyền tuyệt đối của họ! Nếu thế, chúng ta không thể nói rằng: “Sách Thánh của Hồi Giáo vẫn là một phần của Giáo huấn Kytô giáo.” Chúng ta chỉ có thể nói về “Đức Giêsu trong kinh Coran” rằng ngài không có gì liên quan đến Chúa Giêsu trong Phúc Âm.

Kinh Coran nhắc đến Chúa Giêsu nhằm bổ túc mạc khải về đức Kytô để tôn vinh Muhammad. Ngoài ra, nhìn những điều Chúa Giêsu và Maria làm trong kinh Coran, chúng ta nhận thấy hai ngài không làm gì hơn là áp dụng việc đọc kinh và giữ chay theo như kinh Coran dạy. Chắc chắn Maria là khuôn mặt đẹp nhất trong các nhân vật được trình bày trong kinh Coran: Ngài là người Mẹ Đồng Trinh, đan ông không hề đụng chạm. Nhưng Mẹ không phải là đấng Theotokos – Mẹ Thiên Chúa, mà Mẹ chỉ là một người Hồi giáo tốt.

 

 

NHỮNG ĐIỂM TẾ NHỊ KHÁC

 

1. Luân Lý trong Hồi giáo và trong Kytô giáo (Số 252)?

Mệnh đề cuối cùng của vấn đề này trong “Evangelii Gaudium” nhận định về người Hồi Giáo như sau: “Họ cũng công nhận cần phải đáp lời Thiên Chúa bằng một cam kết luân lý và một tấm lòng thương cảm dành cho người khó nghèo nhất.” Điều này đúng. Và lòng thương cảm dành cho người nghèo là một yêu cầu của Hồi giáo.

Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, có hai khác biệt trong nền luân lý của Hồi Giáo và Kytô giáo.

Điểm đầu tiên là nền luân lý của Hồi giáo không có tính phổ quát. Đây thường chỉ là vấn đề liên đới trong lòng cộng đoàn Hồi giáo, trong khi theo truyền thống Kytô giáo, sự liên đới là phổ quát. Ví dụ, chúng ta nhận thấy rằng, khi có một thiên tai hoành hành một vùng nào trên thế giới, các nước thuộc truyền thống Kytô giáo ra tay giúp đỡ bất kể những người đang cần sự giúp đỡ theo tôn giáo nào, trong khi các quốc gia Hồi giáo giầu có (ví du các nước trong bán đảo Ả rập) lại không giúp đỡ.

Điểm thứ hai là Hồi giáo liên kết luân lý với tính hợp pháp. Những ai không ăn chay trong tháng Ramadan là phạm một tội hình và phải đi tù (trong nhiều quốc gia). Nếu anh giữ chay, từ bình minh cho tới hoàng hôn, anh là người hoàn hảo, cho dù anh ăn uống nhiều hơn bình thường từ hoàng hôn cho đến bình minh ngày hôm sau: “Tốt nhất là ăn, và ăn thật nhiều”, như nhiều người bạn Hồi giáo Ai Cậo từng chia xẻ với tôi. Xem ra việc chay tịnh tháng Ramadan mất hết ý nghĩa khi nó trở thành khoảng thời gian người Hồi giáo ăn uống nhiều hơn, và ăn những món ngon nhất. Ngày hôm sau, vì mọi người không ai ngủ để ăn thâu đêm suốt sáng, nên chẳng ai đi làm. Tuy nhiên, theo quan điểm bình thường, mọi người đều đã ăn chay qua nhiều giờ đồng hồ. Như thế đây là một nền luân lý câu nệ luật lệ: Nếu anh làm điều này, anh đúng. Đấy chỉ là nền luân lý bề ngoài.

Ngược lại, việc ăn chay trong Kytô giáo là một chuyện nhằm đưa chúng ta đên gần với sự hy sinh của Chúa Kytô, liên kết với người nghèo, và không cho phép có một khoảng thời gian ban ngày hay ban đêm mà chúng ta có thể bù đắp những thức ăn chúng ta chưa ăn.

Bao lâu người tín hữu giữ luật Hồi giáo, mọi chuyên sẽ đâu vào đấy. Người tín hữu không bao giờ tìm cách vượt qua lề luật. Công chính do lề luật yêu cầu, nhưng công chính không vượt quá lề luật. Đó cũng là lý do tại sao không có bó buộc phải tha thứ trong kinh Coran, trong khi , trong Phúc Âm, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta tha thứ vô số lần (bẩy mươi bẩy lần bẩy; xem Mt 18,21-22). Trong kinh Coran, lòng thương xót không bao giờ đạt đến mức trở thành tình yêu.

Tình trạng đa thê cũng tương tự: anh có thể có đến bốn vợ. Nếu tôi muốn có người vợ thứ năm, điều tôi cần làm chỉ là bỏ một trong bốn bà tôi đang có, có thể là bà vợ già nhất, và lấy thêm cô vợ trẻ măng. Sỡ dĩ có chuyện đó chỉ vì bất cứ lúc nào tôi chỉ có thể có bốn bà vợ thôi, mọi chuyện đều hoàn toàn hợp lệ.

Cũng có hiệu quả trái ngược, ví dụ , về chuyện đồng tính. Mọi tôn giáo đều coi đó là tội lỗi. Nhưng đối với Hồi giáo, chuyện đó còn là một tội ác và có thể bị trừng phạt bằng án chết. Trong Kytô giáo, chuyện đó chỉ là tội lỗi, mà không phải là tội ác. Lý do quá hiển nhiên: Hồi giáo là một tôn giáo, còn là môt hệ thống văn hoá, xã hội và chính trị. Đó là một thực thể thuần nhất. Và điều đó được nói rõ ràng như thế trong kinh Coran. Còn Phúc Âm phân biệt rõ ràng chiều kich thiêng liêng và luân lý trong đời sống văn hoá xã hội và chính trị.

Điều tương tự cũng áp dụng cho sự trong sạch, như Chúa Kytô giải thích rõ ràng cho người Pharisêu: “Những gì đi vào miệng con người không làm cho người ta ra ô uế, nhưng chính những gì từ miệng con người xuất ra mới làm cho họ ra ô uế” (Mt 15,11).

 

2. “Những kẻ chính thống cực đoan của cả hai bên”(Số 250 và 253)

Cuối cùng có hai điểm tôi muốn phê bình. Điểm đầu tiên là đức giáo hoàng gom chung mọi người chính thống cực đoan. Trong số 250 ngài nói: “Một thái độ cởi mở trong sự thật và thương yêu phải là đặc điểm của việc đối thoại với những người theo các tôn giáo không phải là Kytô giáo, bất kể các trở ngại và khó khăn, đặc biệt các hình thức chính thống cực đoan của cả hai bên”.

Điểm thứ hai là kết luận trong phần bàn đến tương quan với Hồi giáo, kết thúc bằng mệnh đề sau: “Trước những cảnh bạo tàn đầy nản lòng do chủ trương chính thống cực đoan gây ra, mối thiện cảm chúng ta dành cho các tín hữu Hồi giáo chân chính phải ngăn cản chúng ta có những kết luận “vơ đủa cả nắm” đầy hận thù , bởi vì Hồi giáo chân chính và việc giải thích đúng đắn kinh Koran chống lại bất cứ hình thức bạo lực nào.” (số 253)

Theo ý cá nhân, tôi sẽ không đặt hai chủ trương chính thống cực đoan nằm trên cùng một mức độ: các người chính thống cực đoan Kytô giáo không mang hung khí; còn chủ trương chính thống cực đoan Hồi giáo bị chỉ trích, trước tiên bởi tất cả người Hồi giáo, chỉ vì chủ trương chính thống cực đoan có vũ trang này tìm cách bắt chước mẫu mực tiên tri Muhammad. Thời sinh tiền, Muhammad đã phát động hơn 60 cuộc chiến tranh, và ngày nay, nếu Muhammad là người siêu mẫu (như kinh Coran từng rêu rao 33:21), không lạ gì mà một vài tín hữu Hồi giáo cũng dùng bạo lực để bắt chước vị sáng lập ra Hồi Giáo.

 

3. Bạo lực trong kinh Coran và cuộc đời của Muhammad (số 253)

Cuối cùng, đức giáo hoàng nhắc đến bạo lực trong Hồi giáo, Trong số 253 ngài viết: “Hồi giáo chân chính và việc giải thích đúng đắn kinh Koran chống lại bất cứ hình thức bạo lực nào.”

Câu này thật đẹp, và diễn tả môt thái độ rất khoan dung của đức giáo hoàng đối với Hồi giáo. Tuy nhiên, theo ý hèn mọn của tôi, câu này diễn tả một ao ước hơn là một thực tại. Sự kiện đa số tín hữu Hồi giáo chống lại bạo lực, rất có thể đúng. Nhưng nói rằng “Hồi giáo chân chính chống lại bất cứ hình thức bạo lực nào,” xem ra không đúng: Có bạo lực trong kinh Coran. Vậy nếu nói rằng “Hồi giáo chân chính và việc giải thích đúng đắn kinh Koran chống lại bất cứ hình thức bạo lực nào.” thì cần rất nhiều giải thích. Chỉ cần trích dẫn các chương 2 và 9 trong kinh Coran.

Điều đức giáo hoàng nói về “Hồi giáo cần một giải thích đúng đắn” thì đúng. Một vài học giả đã chọn con đường này nhưng không đủ để cân bằng áp lực của đa số. Thiểu số học giả này đang cố gắng giải thích các bản văn kinh Coran nói về bạo lực, cho rằng những câu đó liên quan đến ngữ cảnh của xứ Ả Rập vào thời điểm ấy và trong bối cảnh quan điểm chính trị và tôn giáo của Muhammad.

Nếu Hồi giáo muốn ở lỳ trong quan điểm gắn chặt với thời đại của Muhammad, thì sẽ luôn luôn có bạo lực. Nhưng nếu Hồi giáo – và có một số ít nhà thần bí đã làm thế – muốn tìm kiếm một linh đạo sâu xa hơn thì bạo lực không chấp nhận được.

Hồi giáo đang đứng trước một ngã rẽ: hoặc tôn giáo là một đường lối dẫn đến chính trị và một xã hội ổn định về phương diện chính trị, hoặc tôn giáo là một khát vọng sống và yêu thương trọn vẹn hơn.

Những người chỉ trích Hồi giáo liên quan đến bạo lực đã không “vơ đũa cả nắm” một cách bất công hay thô bỉ: vì có những bằng chứng về một hiện tại đẫm máu và nhiều vấn đề nhiêu khê trong thế giới Hồi giáo.

Tai đây, bên Đông phương, chúng tôi hiểu rất rõ rằng bạo lực Hồi giáo có động lực là tôn giáo, với những trích dẫn, kinh nguyện, và quan điểm từ các lãnh tụ Hồi giáo khuyến khích bạo động. Sự kiện là không hề có một thầm quyền trung ương để làm đối trọng cho việc khuynh loát này trong Hồi giáo. Điều này có nghĩa mỗi giáo sĩ được coi là một lãnh tụ Hồi giáo, một thẩm quyền mang tầm mức quốc gia, có quyền nhận định dưới sự linh hứng của kinh Coran, thậm chí có quyền ra lệnh giết.

 

 

KẾT LUẬN: “GIẢI THÍCH ĐÚNG ĐẮN KINH CORAN

 

Cuối cùng , điểm quan trọng thật sự chính là “giải thích đúng đắn kinh Coran.” Trong thế giới Hồi giáo, cuộc tranh luận sôi nổi nhất – đương nhiên là bị cấm đoán nhất – chính là về việc cắt nghĩa cuốn sách thánh. Người Hồi giáo tin rằng kinh Coran đến từ Muhammad, trọn vẹn, trong hình thức chúng ta biết hiện nay. Có khái niệm về linh hứng của bản văn thánh, vẫn dành chổ cho việc cắt nghĩa yếu tố nhân loại trong Lời Chúa.

Chúng ta lấy một ví dụ. Vào thời Muhammad, với các bộ tộc sống trong sa mạc, hình phạt dành cho kẻ ăn cắp là chặt tay. Mục đích việc này là gì? Là ngăn chặn không cho tên trộm ăn cắp nữa. Vậy chúng ta phải tự hỏi: ngày nay chúng ta phải giữ lại mục đích này như thế nào, để tên trộm không tái phạm? Liệu chúng ta có thể dùng những phương pháp khác hơn là chặt tay?

Ngày nay, mọi tôn giáo đều gặp phải vấn đề này: Làm sao cắt nghĩa lại bản văn thánh, có một giá trị trường cửu, nhưng chỉ xuất hiện hàng trăm năm hay thậm chí hàng ngàn năm.

Khi gặp gỡ các bạn hữu Hồi giáo, tôi luôn nêu ra vấn đề là ngày nay chúng ta phải hỏi những chỉ dẫn của kinh Coran có “mục đích” (maqased) gì. Các nhà thông luật và các thần học gia Hồi giáo nói rằng chúng ta nên tìm kiếm “cái mục đích của Lề Luật Thiên Chúa” (maq?sid al-shar?’a). Công thức này tương đương với điều Phúc Âm gọi là “tinh thần” của bản văn, ngược lại với “chữ viết.” Chúng ta phải tìm kiếm cái chủ đích của bản văn thánh của Hồi Giáo.

Nhiều học giả Hồi giáo nói về tầm quan trọng của việc khám phá ra cái “mục đích” của bản văn Coran để thích ứng bản văn Coran với thế giới hiện đại. Và có lẽ đối với tôi, điều này rất gần với điều đức Thánh Cha muốn nói, khi ngài viết rằng “một giải thích đúng đắn kinh Coran.”

 

 

__________

Trọn bản văn của cha Samir Khalil Samir, trong tờ Asia News số ngày 19 tháng Chạp

> Pope Francis and his invitation to dialogue with Islam

__________

 

Và Tông Huấn ngày 24 tháng Mười Một của đức giáo hoàng Phanxicô:

> Evangelii Gaudium
__________

 

 

Nguyễn đức Khang chuyển ngữ