Thượng hội đồng ở bước quyết định, về các cuộc tái hôn

 

Thượng hội đồng ở bước quyết định, về các cuộc tái hôn

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350711?eng=y

 

Sức ép của các bảng thăm dò. Bài học lịch sử. Nan đề của Giáo Hội: thích ứng với hiện đại, hay kiên định với “Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”?

 

ROME, ngày 7 tháng Hai năm 2014 – Các vùng nói tiếng Đức là nhũng nơi nhanh chân nhất cả trong việc trả lời bảng câu hỏi Vatican đưa ra vì thượng hội đồng về gia đình, lẫn việc công bố các câu trả lời cho công chúng.

Các giám mục Thụy sĩ còn đi xa hơn. Các ngài đã soạn một bản câu hỏi còn tỉ mỉ hơn và tin tưởng trao cho viện mục vụ xã hội San Gallo. Viện này thu thập được chừng 25.000 câu trả lời, hầu hết qua mạng internet và từ cư dân các bang nói tiếng Đức.

Các ngài công bố kết quả hôm mồng 3 tháng Hai. Và ngay hôm sau, các giám mục Đức cũng công bố kết quả.

Trong cả hai trường hợp, các ngài nhấn mạnh đến một rừng câu trả lời “đồng ý” về một trong những điểm quan yếu: chuyện rước lễ của người ly dị và tái hôn, và chuyện Giáo Hội công nhận cuộc hôn nhân thứ hai của họ.

Không chỉ có thế. Khi trình bày các kết quả cuộc thăm dò, các giám mục của cả hai nước đã kêu gọi phải “có một cách tiếp cận mới liên quan đến thần học giới tính của Công giáo,” vì rằng “suy nghĩ của tín hữu đã hiểu cả các lập luận của Giáo Hội về những vấn đề này.”

Quan điểm đang dần dần lấn lướt cả nơi các vị giám mục và hồng y là mẫu gia đình cổ điển, bất khả phân ly, có cha có mẹ và con cái, đang dần dần biến mất. Giữa cả người Công giáo “có những gia đình phân ly, nới rộng, nhiều gia đình nuôi con dạy cái mà không người phối ngẫu, còn có hiện tượng mẹ mang thai hộ, có những cuộc hôn nhân không con cái, người ta cũng không nên quên những nố hôn nhân giữa người cùng phái.” như từng được hồng y Rodríguez Maradiaga nêu ra – ngài là phối trí viên của tám vị hồng y “cố vấn” của đức Phanxicô – trong cuộc phỏng vấn nảy lửa của tờ “Kölner Stadt-Anzeiger” hôm 20 tháng Giêng, nói lên ý kiến của nhiều người cùng ý nghĩ với ngài về vấn đề này và liên kết với chính đức giáo hoàng trong lối suy nghĩ như thế.

Gia đình kiểu cũ không tồn tại nữa. Tất cả đều mới. Và như thế, Giáo hội cũng phải đưa ra những giải đáp mới “ăn nhịp với thời đại,” những giải đáp “không còn có thể đặt nền tảng trên chủ nghĩa độc đoán và duy luân lý,” như Maradfiaga đã nhận xét một cách tuỳ tiện.

 

*

 

Nhưng có đúng thật rằng ngày nay là một hoàn cảnh chưa từng bao giờ có mà Giáo hội phải đối mặt lần đầu tiên ?

Hoàn toàn không phải vậy. Khi Giáo hội khởi đầu cuộc lữ hành trong lịch sử, trong nền văn minh La mã ở những thế kỷ đầu tiên, Giáo hội đã phải bù đầu với tương quan giữa phái tính và giữa các thế hệ không kém phần đa dạng y hệt như các tương quan ấy vào thời nay, và với đủ loại đủ kiểu gia đình chắc chắn cũng không hề theo giống như mẫu mực gia đình bất khả phân ly Đức Giêsu đã rao giảng.

Đối với các Kytô hữu thời ấy, Giáo hội đề nghị một mẫu hôn nhân không phải đã “cũ,” nhưng rất mới và rất đòi hỏi.

Và khi nêu lên cuộc canh tân đầy tính cách mạng ấy, mẫu hôn nhân này phải nhẫn nại tìm đường len lỏi qua đầy dẫy những tình huống quả nhiên là nghịch lại nó và, hẳn có thể đã đưa đến môt áp dụng thực tế, trong một không gian và thời gian nào đó, một “ngoại lệ” mà vài người nhận ra trong câu nói khó hiểu của Chúa Giêsu ở Phúc âm Matthêu 19:9: “Ngoại trừ trường hợp ‘porneia’ – hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình (*).”

Như thế không gì đáng ngạc nhiên khi có thể tìm ra, trong những thế kỷ đầu tiên ấy, nơi các trước tác của các Giáo Phụ, và các điều khoản công đồng, những dấu vết của một tập tục tha thứ cho những người đã có một cuộc hôn nhân thứ hai, sau khi chia tay với người phối ngẫu đầu tiên, được chấp nhận vào bí tích Thánh Thể sau một thời gian thống hối kéo dài hoặc ít hoặc nhiều.

Trong số các học giả xác nhận sự hiện hữu của tập tục ấy, có Giovanni Cereti – người có các ý tưởng được thượng hội đồng các giám mục năm 1980 về gia đình nhắc lại – và các nhà Giáo phụ học lẫy lừng như Charles Munier, Pierre Nautin, và Joseph Moingt, ấy là không kể đến John T. Noonan, người Mỹ, một nhà luật học lỗi lạc và chuyên gia về giáo lý và tập tục hôn nhân theo giáo luật trong lịch sử.

Ngược lại có các học giả khác đã phản bác tính đúng đắn của luận đề này. Nhà phê bình có tính hiếu chiến nhất là Henri Crouzel, một tu sĩ dòng Tên và một nhà Giáo phụ học nổi tiếng. Còn Gilles Pelland, người Gianãđại, tu sĩ dòng Tên và một nhà Giáo phụ học nổi tiếng, cũng cho rằng việc trưng ra các tài liệu cho thấy trong các thế kỷ đầu, quả thực, những người đã chia tay nhau và sống trong cuộc hôn nhân thứ hai được tha thứ thực sự và được phép rước lễ, đúng là một thách thức cam go.

Một bài khảo cứu của Pelland dành riêng về vấn đề này đã được bộ giáo lý đức tin in trong cuốn sách “On pastoral care for the divorced and remarried – Về việc chăm sóc mục vụ cho người ly dị và tái hôn,” được nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana phát hành năm 1998, và mới đây được tái bản, với lời dẫn nhập của đức Joseph Ratzinger, bộ trưởng bộ giáo lý đức tin lúc bấy giờ:

> The pastoral approach to marriage must be founded on truth
Bài dẫn nhập này của đức Ratzinger, được in lại trong tờ “L’Osservatore Romano” số ngày 30 tháng Mười Một năm 2011, mang tính khách quan cao độ khi nêu lên vấn đề bài khảo cứu đã đề cập:

Người ta cho rằng huấn quyền hiện tại chỉ dựa vào một nhánh của truyền thống giáo phụ, chứ không đi theo trọn vẹn truyền thống của Giáo Hội sơ khai. Mặc dù các Giáo phụ rõ ràng gắn bó với nguyên tắc giáo lý về tính bất khả phân ly của hôn nhân, vài vị đã nhân nhượng một vài uyển chuyển về mức mục vụ liên quan đến những trường hợp khó khăn cá biệt. Dựa trên nền tảng này, các giáo hội Đông phương tách biệt khỏi Roma, sau này, đã khai triển nguyên tắc akribia, trung thành theo sát với chân lý mạc khải, và nguyên tắc oikonomia – rộng rãi khoan dung trong những tình huống khó khăn. Không từ bỏ giáo lý về tính bất khả phân ly của hôn nhân, trong một vài trường hợp, họ cho phép một cuộc hôn nhân thứ hai, và có khi thứ ba, Nhưng tuy nhiên, chúng khác biệt với tính cách bí tích của cuộc hôn nhân thứ nhất, và mang tích cách thống hối. Vài người nói rằng tập tục này không hề bao giờ bị Giáo hội Công giáo chính thức lên án. Họ cho rằng kỳ Thượng Hội đồng giám mục năm 1980 đã đề nghị khảo sát truyền thống này cách thấu đáo, hầu cho Lòng Thương Xót Chúa được rạng rỡ hơn.”

Ngay sau đó, đức Ratzinger nói tiếp:

Giải đáp cho các vấn đề này phải được tìm kiếm theo đường hướng mà khảo cứu của cha Pelland đưa ra.

Quả thực, Pelland phủ nhận không cho rằng điều được-cho-là “ngoại lệ” trong Mattêu 19:9 đã từng được áp dụng trong những thế kỷ đầu. Và Ngài đã lý giải theo một cách rất khác biệt các bản văn của các Giáo Phụ và công đồng mà Cereti đã đưa ra để ủng hộ cho tập tục tha thứ cho người ly di rồi tái hôn. Nhưng rải rác đây đó, ngài cho biết cả những lập luận thuận và chống đều có thể bị giả mạo. Và ngài ghi nhận ít nhất trong một trường hợp – trường hợp của người tù binh chiến tranh, bị mất tích lâu ngày, khi trở về đã thấy vợ mình tái hôn – cả đến một vị giáo hoàng như thánh Lêô Cả “đã đi xa hơn điều Giáo hội có thể chấp nhận làm ngày nay.”

Hơn nữa, Pelland ghi nhận rằng trong sách Giải Tội đầu thời Trung Cổ, “một lề lối phán xử phóng khoáng được áp dụng cho nhiều trường hợp” đối với những người ly dị và tái hôn, với những dấu vết hiển nhiên lưu lại trong các lề luật được gom góp trong bộ Sưu tập Giáo luật Gratian.

 

Đến triều đức giáo hoàng Grêgoriô thứ VII, vào thế kỷ 11, phương Tây mới bắt đầu chống lại tập tục này cách có hệ thống.

Như vậy, Công đồng Trentô, vào thế kỷ 16, đã tìm ra một kỷ luật lâu đời về hôn nhân hoàn toàn chống lại việc tái hôn. Tuy nhiên trong khi đó, việc tái hôn lại trở thành thông dụng trong các Giáo hội Đông phương.

Tại Công đồng Trentô, có vài giám mục, trong số đó có hồng y Del Monte, đặc sứ của đức giáo hoàng, đề nghị chú giải câu Matthêu 19:9 và một vài đoạn văn của các Giáo phụ như là cho phép tái hôn. Luận điểm này của các ngài bị bác bỏ. Nhưng công đồng Trentô luôn luôn nhất quyết tránh né việc lên án tập tục bên Hy Lạp là lạc đạo.

Tại Công đồng Vaticanô II, có ít nhất một giám mục, Elias Zoghby, thuộc Giáo hội Hy Lạp Melkite Công giáo, giám mục Baalbek, khơi lại vấn đề. Và một giám mục khác cũng toan làm như thế tại thượng hội đồng năm 1980 về gia đình. Nhưng cả hai trường hợp đều không thành công.

 

*

 

Vậy những bài học nào gom góp được từ lịch sử liên quan đến vấn đề rước lễ của người ly dị và tái hôn?

Trong lời dẫn nhập cuốn sách đã nêu trên, đức Ratzinger không phủ nhận rằng, đã có những lúc và có những nơi, các cuộc tái hôn cũng được chấp nhận bên Tây phương.

Nhưng ngài nhận ra trong các biến cố lịch sử một đường hướng tiến triển chính xác. Một kiểu trở về nguồn cội.

Nguồn cội – ngài viết – là những lời không thể hiểu lầm được Chúa Giêsu nói về tính bất khả phân ly của hôn nhân. Đó là những lời nói “Giáo hội không có quyền hành gì trên đó.” và là những lời rõ ràng ngăn cấm ly dị và tái hôn.

Vì lý do đó, “trong Giáo hội vào thời các Giáo phụ các tín hữu ly dị rồi tái hôn không bao giờ chính thức được cho chịu lễ, sau một thời gian thống hối.” Tuy nhiên – đức Ratzinger công nhận – cũng đúng là Giáo hội “không bao giờ nghiêm khắc thu hồi lại sự nhân nhượng dành cho từng quốc gia cá biệt.” Và cũng đúng là “từng cá nhân Giáo phụ, ví dụ thánh Lêô Cả, đã mưu tìm những giải pháp ‘mục vụ’ cho những trường hợp khó khăn hiếm hoi.

Bên Tây phương, “tính uyển chuyển cao độ và sẵn sàng dàn xếp những trường hợp hôn nhân khó khăn” đã được nới rộng và kéo dài cho mãi đến thế kỷ 11, đặc biệt “trong các vùng nói tiếng Pháp và Đức.

Bên Đông phương khuynh hướng này còn rõ nét hơn và phổ biến hơn, và “một tập tục phóng khoáng hơn” đã được bảo vệ mãi cho đến nay.

Tuy nhiên, bắt đầu vào thế kỷ 11, bên Tây phương, “quan điểm nguyên thuỷ của các Giáo phụ đã được phục hồi nhờ cuộc canh tân của đức Grêgoriô.

Và cuộc trở về nguồn này “nhận được sự phê chuẩn tại Công đồng Trentô, và lần nữa được đề nghị thành giáo huấn của Giáo hội tại Công đồng Vaticanô II.”

Dĩ nhiên, đây là bài học đức Ratzinger đã gom góp được từ lịch sử, và những ai đi theo vết chân ngài, như Gerhard L. Müller, đương kim bộ trưởng bộ giáo lý đức tin:

> The Power of Grace
Và đây cũng là chiều hướng của huấn quyền chính thức của Giáo Hội, mà văn bản chính thức mới nhất về vấn đề này là bức thư đề cập đến việc rước lễ của người ly dị và tái hôn, của bộ giáo lý đức tin gửi cho các giám mục vào năm 1994, với sự đồng ý và theo lệnh của đức giáo hoàng Gioan Phalô II:

> “The International Year of the Family…”

 

Tuy nhiên, những người khác, như Giovanni Cereti và các học giả khác, đang kêu gọi Giáo hội ngày nay nên tái khám phá sự quyết tâm mình đã từng có để tha tội và chấp nhận cho những người ly dị và tái hôn được chịu lễ, sau một giai đoạn thống hối. Như thế là nới rộng sang Tây Phương một tập tục tương tự đã có bên các Giáo hội Đông phương.

Xem chừng như đức giáo hoàng Phanxicô đã mở lối về hướng này khi, trong cuộc phỏng vấn trên chuyến bay trở về từ Rio de Janeiro hôm 28 tháng Bẩy năm 2013, ngài đã mở và đóng “ngoặc” – lời ngài nói – về Giáo hội Đông phương đã “cho một cơ hội hôn nhân thứ hai.

Bây giờ chỉ còn chờ xem thượng hội đồng sắp tới của Giáo hội Roma có dám bỏ cái khuynh hướng đang theo cho đến nay, và, trong trường hợp Giáo Hội quyết định thay đổi, Giáo hội có dám trở thành người giữ vai trò chỉ đạo đứng sau lưng để quyết định và để thi hành rất nhiệm nhặt những hành vi theo luật định để cho người ly dị và tái hôn được thống hối, tha thứ và rước lễ, mà đồng thời lại không đi ngược lại với những lời Tân Uớc nói về hôn nhân.

Hay thay vì vậy, điều thắng thế sẽ là cái tâm tình thương xót, bây giờ đang gặp thấy không chỉ trong đại đa số quan điểm của công chúng mà còn nơi các phẩm trật Giáo hội: Đó là tín hiệu khinh xuất cho phép cá nhân có sáng kiến, với quyền được rước lễ “ad libitum – tùy ý” và với lương tâm của cá nhân làm nền tảng duy nhất đặt ra lề luật.

 

 

__________

Đọc thêm những thông tin chi tiết về tập tục của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu tiên:

> When the Church of Rome Forgave Second Marriages (31.1.2014)

 

__________

Một tiếng nói đầy sức soi sáng nhưng không theo quy ước, đó là tiếng nói của Stanislaw Grygiel, giáo sư nhân loại học triết lý tại Giáo hoàng học viện Gioan Phaolô II Khảo cứu về Hôn nhân và Gia đình tại Roma, một cựu cố vấn và bạn thân của vị giáo hoàng người Balan, được Matteo Matzuzzi phỏng vấn ngày 5 tháng Hai, đăng trên tờ “Il Foglio

> Contro la Chiesa opinionista
__________

Tài liệu chuẩn bị cho thượng hội đồng về Gia đình, có bản câu hỏi đính kèm:

> “Pastoral challenges….”

 

 

 

__________

 

Ghi chú:

(*) Bản dịch CGKPV