Viết về anh em Cựu chủng sinh Sao Biển lớp 61

Viết về anh em Cựu chủng sinh Sao Biển lớp 61

Ảnh

Cuộc đời như một chuỗi dài kết lại bằng những nụ cười và nước mắt, những nụ cười như những hạt kinh Sáng Danh, còn nước mắt là những hạt kinh Kính Mừng nối tiếp trong tràng hạt Mân Côi. Hay nói rộng hơn, niềm vui chỉ có khi nỗi buồn đi vắng, có khi ta cười lại là những giọt nước mắt “khô không lệ…”

Viết về những anh em Cựu Chủng Sinh Sao Biển lớp 61, quý anh em cũng như tôi có lẽ đều nhận thấy lớp này có nhiều thăng trầm, có nhiều vinh quang lẫn bi thương, còn nhiều người đang sống nhưng cũng có nhiều người đã về cõi vĩnh hằng, rất vội vàng mà không chờ đợi ai!

Khởi đầu niên học 61, lớp này có 40 anh em từ bốn phương trời tựu về Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang, trong đó có 2 anh em người sắc tộc thiểu số là Paul Hlan và Lơ thuộc giáo phận Kontum. Hơn nữa, lớp còn tiếp nhận hai anh em lớp 60 là Gioan Trần Văn Đạt ở Sài Gòn và đã chết, Jos. Nguyễn Lợi giáo xứ Bình Cang, Nha Trang. Đầu niên khóa 63, lớp tiếp nhận một người anh em từ lớp 62 khá đặc biệt vì từ lớp dưới lên, Jos. Nguyễn Chí Linh nay là Giám Mục giáo phận Thanh Hóa từ ngày 04/08/2004.

Những năm 1963 đến năm 1968, tôi không biết nhiều về những anh em lớp 61, lý do đơn giản là vì luật của Tiểu Chủng Viện lúc này có ba ranh giới riêng biệt cho ba nhóm lớp: lớp nhỏ, lớp trung và lớp lớn. Trong những giờ sinh hoạt chung như kinh, lễ và các bữa ăn mọi người chỉ biết nhìn nhau không một lần trò chuyện. Các chú nhỏ nhìn những đàn anh trung, lớn như “rừng cây cổ thụ biết đi”, còn mình thì quá nhỏ bé. Năm lớp 63 chúng tôi lên Đà Lạt học tiếp ba lớp còn lại của chương trình Pháp tại trường Adran, chúng tôi mới gần gũi, thân thương và hiểu biết nhau hơn. Cùng cảnh ngộ ở “nhờ “tại Đại Học Đà Lạt và đi xe máy đến trường học, ba lớp 61, 62, 63  không còn nhiều bạn học vì đã bỏ lại Nha Trang rất nhiều anh em cùng lớp, cùng trường để mang tên mới là Trung Tâm Chúa Chiên Lành. Biết bao kỷ niệm vui buồn sướng khổ đã diễn ra nơi đây như những thước phim dài của một thời trai trẻ đầy nhiệt huyết và mộng ước hơn là buồn lo…

1- Những vinh quang: Vào Chủng Viện, chúng tôi ai nấy đều tưởng nghĩ rằng mình sẽ làm Linh Mục dễ dàng. Ngược lại, cuối đường nhìn ra chẳng có mấy ai đâu! Như một cuộc thi điền kinh chạy đường dài, lớp 61 về đích chỉ có vỏn vẹn ba linh mục là Alp.Trần Khánh Thành vào ngày 25/01/1977 và đã chết ngày 28/03/2007, Pet.Nguyễn Quang Vinh 22/11/1986 đang ở Mỹ và Jos.Nguyễn Chí Linh 30/12/1992.Tin vui bất ngờ  cho lớp 61 và cho Tiểu Chủng Viện Sao Biển cũng như giáo phận Nha Trang vào ngày 04/08/2004, Linh Mục Jos. Nguyễn Chí Linh, sau một vài năm là giáo sư Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang, được tấn phong Giám Mục và chăm lo giáo phận Thanh Hóa.

Nhiều anh em 61 còn lại đã vào đời qua từng thời gian khác nhau, đã và đang sống trong và ngoài nước. Biến cố năm 75 rất nhiều năm chia cách đã xóa mờ đi những tin tức về anh em thuộc Tiểu Chủng Viện Sao Biển. Bằng nhiều lý do, hầu hết các anh em tìm đường ở ẩn cùng đối phó những hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm: thật tình mà nói có một số anh em không dám nhận mình là chủng sinh Sao Biển tận mãi đến những năm 2007 và nhất là năm 2008 mới dám xác định quá khứ của mình nhờ dịp Hội Ngộ Sao Biển tại Đại Chủng Viện Nha Trang. Thời gian vén mở cho thấy nhiều anh em 61 đã thành đạt nhiều trong cuộc sống xã hội, anh em có cuộc sống từ ổn định đến khá, giàu. Ở nước ngoài có anh Định, anh Độ, anh Lành, anh Điệp… Và trong nước có anh Cả là chủ cửa hàng Xây Dựng, anh Lợi thuộc giáo xứ Bình Cang là đội trưởng thanh tra giao thông ở Nha Trang, anh Trí ở Phan Thiết, rồi anh Phượng ở Sài-Gòn, anh Simon Cường, anh Hoàng Thanh…

2- Những đau thương: Đúng vậy, những vinh quang đã có đó nhưng ít hơn những đau thương, như những hạt kinh Sáng Danh trong tràng chuỗi Mân Côi. Tết Mậu Thân năm 1968 là một quá khứ có lẽ đau buồn nhất vì kẻ thù đã chôn sống hàng ngàn người dân cố đô Huế, trong đó có anh Hồ Xuân Lương đang ở tuổi trẻ đôi mươi, mãi sau đó mới tìm thấy hài cốt của anh nhờ vào thẻ căn cước mà anh đã mang theo mình và cũng may cho anh Nguyễn Văn Độ, chắc nhờ vóc dáng cao, to mà kẻ thù mới có ý nghĩ giao súng đạn cho anh để chiến đấu, chắc anh Độ rất rõ điều này. Từ đó các anh lớp 61 đã không thể tiếp tục học ở trường Thiên Hựu, Huế, vì nơi đây vẫn còn tràn ngập tiếng súng đạn và chết chóc kéo dài gần ba tháng, từ đó lớp 61 được di chuyển về trường Adran, Đà Lạt. Năm 2011, một anh Quờn giáo xứ Hòn Thiêng, Phan Rang đã về nhà Cha ở tuổi còn rất trẻ, chỉ có 60 tuổi đời.Một năm 2013 đã liên tiếp mang đến cho chúng ta nhiều nỗi buồn: Bên trời Mỹ bất ngờ người vợ của anh Định đã “ra đi về miền đất hứa” để lại bao nỗi xót xa cho anh và tang quyến. Tiếp đến, một anh Trung ở Hòn Thiêng cũng đã ra đi vào cuối năm. Sang năm mới 2014, tin không vui từ Sài-Gòn báo anh Bồng đã về nhà Cha.

Ảnh

Tất cả đều vì những căn bệnh quái ác dưới những lưỡi hái bén ngọt của tử thần đã ra tay, ít có ai đạt ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Hiện tại thì anh Nguyễn Ngọc Phượng cũng đang mang trong người một căn bệnh hiểm nghèo. Anh có thắng được căn bệnh này không? Nhưng hiện tại nhiều nỗi lo buồn đang chồng chất trên anh, làm biến dạng phong độ trước đây, đó là anh rất ốm! Và trong tương lai gần, xa sẽ đến lượt ai đây?

Cũng nhờ những thông tin của nhiều anh em trên thư đàn Cựu Sao Biển, trong đó có nhiều anh em lớp 61 ở trong và ngoài nước thường hay tham gia mà Long Paul biết rõ về lớp này, hơn nữa nhờ vào trong quá khứ có thời gian sống gần kề khi học chung ở  Đà Lạt.

Xin gởi đến quý anh em một chút cảm xúc và tâm tình về những người anh lớp 61, bằng những suy nghĩ tương phản, dằn vặt, khắc khoải, giữa có lý và vô lý về một ý nghĩ đi tìm cái nghĩa của cuộc đời mà đến nay chưa tìm ra lời đáp, là tôi phải làm gì đây khi được sinh ra, lớn lên và sống, rồi chờ chết và chết? Hạnh phúc ở nơi đâu? Làm sao để có hạnh phúc? Và nhiều điều hơn nữa…chỉ biết một điều là mình cố sống tốt cho hiện tại của mình vì quá khứ đã qua còn tương lai thì chưa tới.

Long Paul 63