Về việc Rước Lễ của người Tái hôn, bức thư từ Bangladesh

Về việc Rước Lễ của người Tái hôn, bức thư từ Bangladesh

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350792?eng=y

Tác giả là một nhà truyền giáo thuộc Học viện Giáo hoàng về Truyền Giáo Ngoại quốc tại Milan. Ngài viết: “Đi theo con đường của hồng y Kasper sẽ đưa đến nhiều thiệt hại trầm trọng.”

 

ROME, ngày 12 tháng Năm năm 2014 – Carlo Buzzi, năm nay 71 tuổi, người gốc điạ phận Milan, đã đi truyền giáo tại Bangladesh liên tục không ngừng từ năm 1975 trong tư cách học viên của Học viện Giáo hoàng chuyên về Truyền Giáo Ngoại quốc.

Từ nhiều năm qua, ngài đã nhọc công truyền giáo mà chẳng mấy thành công trong việc hoán cải được ai. Nhưng rồi ngài rửa tội được cho những tân tòng đầu tiên, và sau đó, các gia đình Công giáo ra đời. Chỉ là một giọt nước trong đại dương người Hồi giáo.

Ngài luôn luôn dấn thân cho người nghèo khổ nhất. Ví dụ như các bộ tộc, ngài nỗ lực làm luật sư không công để đòi trả lại họ cho bằng được những đất đai bị trung thu bất hợp pháp. Ngài từng bị đánh đòn, bị ném đá, gặp chống đối, và lái xe hàng trăm dặm dài để đến được những làng mạc xa xôi hẻo lánh. Ngài sống chung với các bộ lạc và những kẻ bị gạt ra ngoài rìa xã hội trôi dạt đến Ấn Độ để làm công việc xây cầu trên sông Brahmaputra, bất chấp sự chống đối của người Hồi giáo địa phương. Ngài đã xây trường học, dựng bệnh xá, cất nhà thờ, và ngài đã phải tái dựng các cơ sở này sau khi chúng bị đập phá.

Nhưng luôn luôn trọng tâm của sứ mạng ngài chính là việc rao giảng Phúc Âm. Một Phúc Âm được rao giảng và được sống trong dạng thức tinh túy và trung thực nhất, không bị pha trộn hay sửa đổi.

Điều này có thể cảm nghiệm được qua bức thư ngài gửi cho người phụ trách trang mạng này, một người bạn đồng môn thời thơ ấu trong một phố nhỏ vùng Lombardy.

Ngài viết thư này, với chủ ý nói lên “phần đóng góp” của mình, trong tư cách một nhà truyền giáo làm việc tại hiện trường, vào cuộc tranh luận về vấn đề rước lễ của người ly dị và tái hôn, mà ngài đã từng theo dõi trên trang www.chiesa, từ thành phố Sirajganj, nơi ngài sống, trên bờ sông Brahmaputra.

Và ngài đã viết thư này đúng vào lúc tại Mỹ, hồng y Walter Kasper – đứng đầu những người ủng hộ cho việc rước lễ của người tái hôn – đã lập lại, và còn nhấn mạnh đến những tư tưởng ngài trình bày theo lệnh của đức giáo hoàng Phanxicô trong cuộc mật nghị vào tháng Hai vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn tỉ mỉ với tờ báo “Commonweal” có trụ sở tại New York:

> Merciful God, Merciful Church. An Interview with Cardinal Walter Kasper

 

__________

 

 

“QUAN ĐIỂM CỦA TÔI” VỀ VIỆC RƯỚC LỄ CỦA NGƯỜI TÁI HÔN

bài của Carlo Buzzi

 

 

Sandro thân mến,

Chúng tôi dạy giáo lý tại Bangladesh, và để cho rành mạch, chúng tôi dạy rằng mỗi bí tích có bốn yếu tố: thừa tác viên, chất thể, mô thể, và biến cố lạ lùng.

Trong bí tích Rửa Tội, thừa tác viên là bất cứ ai, chất thể là nước lã, mô thể là công thức: “Tôi rửa anh…” và biến cố lạ lùng là người ấy trở nên con cái Thiên Chúa.

Trong bí tích Thêm Sức, thừa tác viên là giám mục, chất thể là dầu, công thức là: “Hãy nhận lấy ấn tín…”và biến cố lạ lùng là người đó nhận được quyền năng Chúa Thánh Thần.

Trong bí tích Cáo Giải, thừa tác viên là linh mục, chất thể là tội, công thức là: “Cha tha tội cho con…” và biến cố lạ lùng là tội lỗi được tha

Trong bí tích Thánh Thể, thừa tác viên là linh mục, chất thể là bánh và rượu, công thức là “Này là Mình Thầy…” và biến cố lạ lùng là bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu.

Trong Hôn Phối, các thừa tác viên là hai người hôn phu hôn thê, chất thể là thân xác và linh hồn của họ, công thức là lời thệ hôn, và biến cố lạ lùng là họ trở nên một người.

Chúng tôi dạy rằng sở dĩ các bí tích được gọi tên như thế là vì bí tích tạo ra một biến cố siêu nhiên mắt chúng ta không thể thấy, nhưng biến cố ấy vĩ đại huy hoàng và có thực dưới mắt Thiên Chúa.

Còn đối với bí tích hôn phối, chúng tôi đã giải thích rằng việc lạ lùng chính là sau lời thệ hôn trước mặt Thiên Chúa, đôi hôn phu hôn thê trở nên hiệp nhất thành một người, y như là họ được dính kết với nhau bằng một chất keo cực mạnh hay kết hợp với nhau vì ở mức nóng chảy cả ngàn độ.

Bây giờ, nếu thực tại lạ lùng này trong hôn nhân Công giáo bị tước mất, chúng ta thay thế nó bằng điều gì ?

 

Tôi có đôi điều suy nghĩ riêng.

Chúng ta rất rõ rằng có bí tích Rửa tội “bằng máu”, và cũng có bí tích Rửa tội “do lòng ao ước,” cũng có giá trị như bí tích Rửa tội bằng nước.

Với những người tái hôn, nếu họ ý thức về tình trạng của mình, họ có thể rước lễ “vì lòng ao ước” (Rước lễ thiêng liêng).

Trong việc nhận lãnh các bí tích, có phần khách quan và phần chủ quan. Ai cũng biết rằng điều quan trọng nhất là ân sủng cao cả đi liền với bí tích. Nhưng tôi có thể phá hỏng ân sủng ấy, thậm chí còn phạm sự thánh nếu tôi chỉ lên rước lễ cho có, hay không xứng đáng.

Bây giờ đối với những người tái hôn, những người đã lơ là với ý nghĩa Kytô giáo của đau khổ, của hy sinh, của nhẫn nhục, của thống hối, và đã quên rằng Chúa Giêsu đã chết trên thánh giá. Và thánh giá, khi phát sinh, là con đường cho mọi Kytô hữu đến gần với Đấng Cứu Thế. Là điều hơi tự phụ khi người tái hôn nại đến lòng Chúa Thương Xót, khi mà trước đó, họ chẳng thèm bận tâm đến Ngài.

Theo một nghĩa chủ quan, tôi thiết nghĩ, điều quan yếu hơn đối với họ là họ nên tự hạn chế mình vào việc rước lễ thiêng liêng, thay vì rước lễ thực sự.

Chuyện tự ý chấp nhận việc chay tịnh này sẽ rất bổ ích cho linh hồn họ, và cho sự thánh thiện của cộng đoàn Kytô giáo là Giáo Hội.

Còn đi theo con đường do hồng y Kasper vạch ra sẽ tạo ra nhiều thiệt hại:

1. Nó khiến cho Giáo hội trở nên hời hợt và dễ dãi;

2. Có người sẽ đi đến chổ chối bỏ ơn bất khả ngộ của ngai toà Phêrô, vì sự thể có vẻ như tất cả các vị giáo hoàng trước đây đã sai lầm;

3. Người ta có thể coi tất cả những vị đã tuẫn đạo để bảo vệ bí tích này là những người điên khùng.

Có lẽ tôi đã đóng góp phần mình vào cuộc tranh luận này, mà tôi mong chẳng bao lâu nữa sẽ kết thúc.

Tạm biệt và gửi lời chào nồng nhiệt từ Bangladesh, nơi phát sinh rất nhiều chuyện và không còn là một đất nước bị gạt sang một bên.

 

Cha Carlo

Sirajganj, ngày 5 tháng Năm, 2014

 

 

__________

 

 

Chân dung cha Carlo Buzzi do Piero Gheddo, viện trưởng Pontifical Institute for Foreign Missions – Học viện Giáo hoàng chuyên về Truyền Giáo Ngoại quốc – tại Milan, miêu tả:

> Un missionario pieno di “fuoco apostolico ambrosiano”
__________

 

 

Bài diễn văn khai mạc cuộc mật nghị ngày 20-21 tháng Hai, của hồng y Kasper, với Iời khen ngợi nồng nàn của đức giáo hoàng Phanxicô:

> Kasper Changes the Paradigm, Bergoglio Applauds

 

 

__________