Một vé cho ba vị : Thầy Rabbi, Giáo chủ Hồi giáo, và đức Giáo Hoàng.

Một vé cho ba vị : Thầy Rabbi, Giáo chủ Hồi giáo, và đức Giáo Hoàng.

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350801?eng=y

 

Một người Do thái và một người Hồi giáo trong đoàn tuỳ tùng của đức Phanxicô đến Đất Thánh. Nhưng đây không phải là chuyện thuận buồm xuôi gió trong tương quan với Do thái giáo và Hồi giáo. Chiến thuật của đức Bergoglio: “xoa dịu các cuộc xung đột.”

 

ROME, ngày 23 tháng Năm năm 2014 – Đức Jorge Mario Bergoglio không phải là người chân ướt chân ráo tới một vùng đất lạ, khi ngài đặt chân đến Thánh Địa. Lần đầu tiên, và tính cho đến bây giờ là lần duy nhất, là vào tháng Mười năm 1973, ngài đụng đầu với cuộc chiến ngày Yom Kippur, nên chỉ có thể đi thăm được rất it nơi, kể như là chưa đi thăm được gì.

Lần này ngài trở lại với tư cách giáo hoàng, trong một cuộc viếng thăm chỉ lâu ba ngày, từ thứ Bẩy ngày 24 đến thứ Hai ngày 26 tháng Năm, nhưng lộ trình đã đầy kín, với một điều rất mới lạ trước khi lên đường: đức Phanxicô mang theo trong đoàn tuỳ tùng chính thức của mình một người Do thái và một người Hồi giáo, Abraham Skorka và Omar Abboud, hai người bạn Achentina của mình.

Thầy rabbi Skorka đã cho biết rằng, tại Giêrusalem, trước bức tường Đền Thờ, ông và đức giáo hoàng định làm một cử chỉ sẽ đi vào lịch sử. Họ ôm nhau và cùng cầu nguyện chung với nhau, dùng lời tiên tri Isaia làm hướng dẫn: “Ai cập, Dân Ta, được chúc phúc, và Assyria công trình tay Ta, và Israel gia nghiệp của Ta.” một bài ca hoà bình dành cho vùng đất bị giày xéo và cho hai dân tộc của Cựu và Tân Ước.

Tình bạn thân thiết giữa một giáo hoàng và một người Do thái không phải là điều gì bất thường. Kể cả đức Piô X cứng rắn kia cũng có một người bạn Do thái là Moisé Cur, một chủ đất tại vùng hạ Veneto. Đức Piô XII đang gây ra tranh luận, cũng được Israel Zolli, một thầy rabbi tại Rome, hết sức ngưỡng mộ, Sau này Zolli trở lại đạo, lấy thánh hiệu Eugenio của đức giáo hàng làm thánh hiệu của mình.

Nhưng không phải mọi người Do thái đều chia sẻ niềm hứng khởi của rabbi Skorka dành cho vị giáo hoàng đương nhiệm.

Ví dụ, nhiều người không thích sự kiện đức Bergoglio đã trở lại gọi họ là “old brothers – những người anh” như đức giáo hoàng Karol Wojtyla là người đầu tiên gọi như thế.

Đức Biển Đức XVI, chính ngài là bạn của Jacob Neusner, học giả Mỹ gốc Do Thái danh tiếng, đã cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm tàng: trong truyền thống Do thái, từ “old brother – anh,” ám chỉ Esau, là người bị mất quyền thừa kế, và được thay bằng người em, Jacob. Mà bây giờ Giáo hội là đại điện.

Đức giáo hoàng Biển Đức thích gọi người Do thái là “our fathers in faith – tổ tiên của chúng ta trong đức tin

 

*

 

Với Hồi giáo cũng vậy, đức Phanxicô có mối liên hệ lúc thăng lúc trầm.

Chặng đầu tiên trong cuộc viếng thăm là Jordan. Bẩy năm trước, hoàng gia Jordan đã nỗ lực để có được bức thư của 138 vị học giả Hồi giáo trả lời cho bài diễn văn đáng nhớ tại Regensburg của đức Biển Đức XVII, vẫn còn là dấu ấn ở mức cao nhất trong đối thoại giữa các Kytô hữu và người Hồi giáo.

Nhưng chỉ cách một khoảng ngắn đến Amman và đến sông Giodan, nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa, là Syria, Ai Cập, Iraq, vùng đất “lưỡi liềm phì nhiêu” nổi tiếng, mà ngày nay đang là chiến điạ của một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa Hồi giáo Shiite và Sunni, giữa Iran và các vương quốc vùng Vịnh, với người Kytô hữu là nạn nhân của cả hai bên, đang vô vọng tìm cách thoát ra khỏi vùng đất ấy, vùng đất từng đầy đặc Kytô hữu trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội.

Và xa hơn nữa là Phi Châu, nơi cũng có các Kytô hữu bị tấn công một cách có hệ thống, không chỉ từ những nhóm Hồi Giáo quá khích như Boko Haram tại Nigeria, mà còn trong các quốc gia như Sudan đã gán cho các điều răn hung bạo nhất trong kinh Coran có được sức mạnh của luật lệ.

Đã có thất vọng nơi những người mong đức giáo hoàng Phanxicô nhanh nhẹn và mạnh mẽ lên tiếng chống lại nhóm Boko Haram đã bắt cóc hàng trăm nữ sinh, và chống lại án tử hình của Sudan dành cho một người mẹ trẻ tên là Meriam, có bầu tám tháng, bị kết tội chỉ vì là người Kytô hữu: hai biến cố đã gây phẫn nộ mạnh mẽ từ khắp nơi trên thế giới.

Đức Bergoglio rất dè dặt trong việc tiến ra chỗ công cộng dấn mình vào một điạ hạt sôi động. Không hẳn chỉ vì cẩn thận nhằm tránh làm cho tình hình các cộng đoàn Kytô hữu vốn đã gặp cực kỳ nguy hiểm, lại thêm trầm trọng, nhưng chỉ vì giữ theo quan điểm riêng mình về đối thoại giữa Hồi giáo và Kytô giáo, là đi tìm những gì hiệp nhất nhau lại, hơn là phê phán những gì gây ra chia rẽ. Thầy Skorka đã cho biết ông đã nghe ngài nói “chúng ta phải xoa dịu cuộc xung đột.

Trong “Evangelii Gaudium,” bản tuyên ngôn và phác hoạ của triều giáo hoàng mình, đức Phanxicô yêu cầu các quốc gia Hồi giáo phải có quyền tự do thờ phượng mà các tín hữu Hồi giáo đang được hưởng trong các quốc gia Tây Phương.

Nhưng cha Samir Khalil Samir, dòng Tên, người Ai cập – học giả về Hồi giáo dưới triều giáo hoàng của đức Biển Đức XVI. Ngài được các giáo chức thẩm quyền tại Vatican, và cả đích thân đức giáo hoàng, lắng nghe nhiều nhất. Ngài đã nêu lên vấn nạn là đức Phanxicô đã im lặng về sự kiện thiếu tự do cải đạo từ đạo này sang đạo khác. Đó chính là điểm nhức nhối trong thế giới Hồi giáo.

 

 

__________

 

Bài nhận định đã được công bố trên tờ “L’Espresso” số 21 năm 2014, phát hành trên sạp báo ngày 23 tháng Năm, trên trang quan điểm mang đề tựa “Settimo cielo” của Sandro Magister.

Danh sách các bài cũ:

> “L’Espresso” in seventh heaven

 

__________

 

Chương trình cuộc viếng thăm của đức giáo hoàng đến Amman, Bethlehem, và Jerusalem, với những bài diễn văn sẽ được đọc:

> Pope Francis’ Pilgrimage to the Holy Land, 24-26 May 2014

Cuộc viếng thăm trùng với dịp năm mươi năm kỷ niệm cuộc gặp mặt lịch sử tại Giêrusalem giữa đức Phaolô đệ Lục và đức thượng phụ đại kết Athenagoras của Constantinople ngày 5 tháng Giêng năm 1964, và sẽ gồm có việc tái diễn cuộc gặp gỡ qua việc gặp gỡ giữa những người kế vị hai ngài, đức Phanxicô và Bartholomew.

Về những điều đức Phaolô đệ Lục và Athenagoras đã phát biểu tại cuộc gặp gỡ năm 1964, và về những thăng trầm ở hậu trường của buổi gặp gỡ hôm nay, xin xem:

> The Russian Veto Against Francis and Bartholomew

 

 

__________