Tại xứ Phù Tang cũng như bên bờ sông Rhin. Giáo Hội đầu hàng.

Tại xứ Phù Tang cũng như bên bờ sông Rhin. Giáo Hội đầu hàng.

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350810?eng=y

 

Các câu trả lời cho bảng câu hỏi của thượng hội đồng về gia đình của người Nhật và người Trung Âu ghi nhận sự đầu hàng của người Công giáo đối với “lối suy nghĩ đồng nhất”. Nhưng cũng nói lên sự bất lực trong lãnh đạo của các mục tử.

 

ROMA – Ngày 6 tháng Sáu năm 2014- Cho đến nay, đã có sáu hội đồng giám mục vi phạm vào điều lệ giữ bí mật, và đã công bố cho công chúng các câu trả lời cho 39 câu hỏi trong bảng tra vấn sơ khởi chuẩn bị cho thượng hội đồng giám mục sắp tới, được triệu tập để bàn vế gia đình.

Đức:

> Pastoral challenges to the family…

Áo:

> Fragebogen zur Bischofssynode…
Thuỵ sĩ:

> Risultati della consultazione…

Bỉ:

> Rapport de synthèse…
Pháp:

> Les défis pastoraux de la famille…
Nhật:

> Response to the Secretariat…
Như người ta có thể ghi nhận, năm trong sáu hội đồng giám mục nằm trong vùng điạ dư Trung Âu, từng là cánh hoạt động hăng say nhất trong việc canh tân của Công đồng Vaticanô đệ Nhị, nhưng sau đó cũng là vùng mang dấu ấn bị thế tục hóa nặng nhất.

Ngày nay, từ vùng này toả ra một áp lực mạnh mẽ hơn nơi nào hết muốn thay đổi giáo huấn và tập tục mục vụ liên quan đến hôn nhân, đặc biệt trong việc đòi hỏi cho người ly dị và tái hôn được rước lễ.

Người ta biết rằng đức giáo hoàng Phanxicô không chấp nhận việc nhấn mạnh trên một vấn đề duy nhất là chuyện rước lễ của người tái hôn. Ngài đã cho biết thế khi trả lời các nhà báo trong chuyến bay từ Đất Thánh trở về Rôma. Đối với Ngài, vấn đề thật ra “rộng lớn hơn nhiều, rất nhiều” và phải được bàn bạc trong tổng thể. Vấn đề liên quan đến gia đình nói chung. Gia đình đang gặp khủng hoảng khắp nơi. Ngài nói: “Gia đình gặp khủng hoảng trên toàn thế giới.”

Các câu trả lời của các giám mục Nhật cho các câu hỏi tiền hội nghị là một khẳng định hiển nhiên cho xác tín này của đức giáo hoàng.

Nhưng còn nhiều điều khác nữa. Còn có khẳng định cho rằng quan điểm Kytô giáo bị suy kém không chỉ vì “lề lối suy nghĩ đồng nhất” đang thống trị mà còn vì Giáo hội đành chịu thua lề lối suy nghĩ này.

Các giám mục xứ Phù Tang đã đơn sơ nhìn nhận điều này:

Giáo hội tại Nhật không bị ám ảnh vì các vấn đề tính dục.”

Ở đây và trong nhiều nhận định khác, các ngài đã thú nhận có bỏ bê từ hàng chục năm nay không trình bày tin tức Kytô giáo trong lãnh vực quan yếu là sự sống con người và gia đình.

Chỉ có 440,000 giáo dânCông giáo bản địa tại Nhật, chiếm 0.35 phần trăm dân số, một dân số chưa từng được Phúc âm hoá toàn diện. Nhưng từ lời miêu tả của các giám mục, người ta nắm được hình ảnh của một Giáo hội không hề là “một thiểu số có sức sáng tạo” trong một miền truyền giáo. Một giáo hội hết sức nghiên về việc giữ nguyên trạng. Rất gần với phác họa trung bình của một đạo Công giáo còn tồn đọng, bị thế tục hoá rất mạnh, tiêu biểu cho vùng Trung Âu.

Từ quan điểm này, cả đến cái ý tưởng thân thiết với đức Jorge Mario Bergoglio về một Giáo hội quá mất quân bình, nếu không nói là “bị ám ảnh,” – từ dùng trong triều các giáo hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị và Biển Đức XVI, – về các vấn đề phá thai, hôn nhân đồng tính, và ngừa thai, xem ra bị các sự kiện nói ngược lại.

Quả thực, dựa theo những câu trả lời cho bảng câu hỏi chuẩn bị cho tiền hội nghị được công bố cho đến nay, xem ra người ta thấy được trong các câu trả lời này, là tại vùng Trung Âu cũng như tại Nhật, tông huấn “Evangelium Vitae” hay những “nguyên tắc bất khả thương lượng” không phải là quy tắc cố định cho tập tục mục vụ của Giáo hội trong vài thập niên vừa qua, ở mức các giám mục, linh mục và giáo dân, và thay vào đó, Giáo hội cũng đã không tạo ra được một xung lực truyền giáo chú trọng đến những điều chính yếu của sứ điệp Phúc Âm.

Người ta không hề gặp thấy những điều ấy, hay chứng minh là có những chuyện ấy trong phần trích dẫn các câu trả lời của các giám mục Nhật cho bảng câu hỏi tiền hội nghị.

Tài liệu của các giám mục Nhật Bản – được đức Peter Takeo Okada, tổng giám mục Tolyo và chủ tịch hội đồng ấn ký – là điều lý thú nhất, vì đó là kết quả của cuộc tham khảo chỉ các ý kiến của các giám mục và các bề trên thượng cấp các dòng tu nam nữ mà thôi.

Đây là một kiểu minh nhiên thú nhận bại trận của những vị vẫn còn mang trọng trách hướng dẫn cái Giáo hội nhỏ bé ấy sinh tồn giữa những người “ngoại giáo” đương đại.

 

 

___________

 

 

Trích đoạn trong

CÁC TRẢ LỜI CHO BẢNG CÂU HỎI VỀ GIA ĐÌNH

Hội đồng giám mục Công giáo Nhật

 

Sống chung không cưới hỏi không phải là điều bất thường… Phá thai và ngừa thai rất phổ biến, nhiều thai nhi đã bị chôn trước khi ra đời… Các hiện tượng và chiều hướng liên quan đến hôn nhân này cũng thấy xảy ra cả nơi người Công Giáo…

Đa phần người ta chẳng hoài gì đến các giáo huấn [của Kinh Thánh] và các tài liệu [của Giáo Hội bàn về gia đình]. Quá lắm, những điều họ biết chỉ là vụn vặt, và đến từ những nhận định họ nghe được từ các linh mục. Chính các linh mục này có thể cũng chẳng thông thạo về các giáo huấn ấy…

Nói chung, người ta chỉ quan ngại đến các cấm đoán phá thai, về các phương tiện ngừa thai nhân tạo, về ly dị và tái hôn. Họ bị ảnh hưởng vì các tập tục xã hội hơn là vì các giáo huấn này, đặc biệt trong những gì liên quan đến việc ngừa thai. Cả trong phạm vi người Công giáo, nhiều người lên tiếng chỉ trích lập trường của Giáo hội về các phương pháp ngừa thai, như bao cao su …

Về vấn đề giáo dục đức tin, ở cấp quốc gia, giáo phận và giáo xứ, chúng tôi phải thừa nhận rằng không có các chương trình mục vụ [dành cho gia đình]. Đương nhiên có các hoạt động dành cho gia đình ở cấp giáo phận, giáo xứ do các linh mục và giáo dân, nhưng các hoạt động này lệ thuộc quá đáng vào những cố gắng cá nhân …

Thậm chí nhiều người Công giáo có quan điểm không khác mấy với quan điểm chung trong các vấn đề ly dị và tái hôn như đã được cho phép trong dân luật, về khám thai, về phá thai.v.v… và họ chỉ trích giáo huấn của Giáo hội về việc mang thai và sinh nở… Nhiều người có cảm tưởng rằng giáo huấn về ly dị và ly thân đi ngược với khôn ngoan cổ truyền…

Hôn phối khác đạo tổ chức theo nghi thức Giáo hội đã là một sinh hoạt của Giáo hội từ nhiều năm nay, với sự chấp thuận của Toà Thánh Tập tục thông thường là yêu cầu học biết một vài chỉ dẫn tiền hôn nhân chú trọng đến quan điểm của Giáo hội về hôn nhân. Lại nữa, không có ngăn trở hôn phối về phương diện giáo luật (như ly dị), mặc dù các mục tử thường có chiều hướng dễ dãi…

Việc chuẩn bị hôn nhân thường là ngẫu hứng, vài nơi có tổ chức đều đặn chương trình chuẩn bị, nhưng hầu hết các trường hợp đều ỷ lại vào sự hứng thú và khả năng của linh mục. Chương trình gặp gỡ và thăng tiến hôn nhân cũng như thăng tiến đính hôn đã được du nhập vào Nhật, và thịnh hành một thời gian, nhưng sau đó trở thành như một cái mốt nay đã tàn lụi …

Một bản trả lời đã cho biết: “Hầu hết các cặp tôi làm chứng hôn phối cho trong vài năm qua đã từng sống chung với nhau vài tháng trước khi lấy nhau. Không ai trong các cặp ấy cho rằng như thế là đi ngược lại với giáo huấn của Giáo hội…

Khi khai triển một hướng dẫn mục vụ, có lẽ điều quan trọng là nên nhắc lại rằng lần duy nhất trong Phúc Âm Chúa Giêsu gặp gỡ một người trong tình trạng sống chung ngoài hôn nhân (người phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng), Ngài không hề chú tâm vào chuyện đó, mà Ngài vẫn tương kính chuyện trò với bà và biến bà thành nhà truyền giáo..

Hầu hết những người ly dị rồi tái hôn đều có vẻ dửng dưng… Họ đã quyết định hoặc nhận lãnh các bí tích hoặc không, và sống theo những quyết định của họ …Có những người không hề biết rằng họ không thể nhận lãnh Thánh Thể nếu họ tái hôn sau khi ly dị. Cả trong số những người biết điều ấy, có những người lên rước lễ, và có những linh mục không nói gì hết dù họ biết sự thể…

Không có mục vụ đặc biệt [cho người ly dị và tái hôn]. Các mục tử ứng xử theo cách có tinh thần mục vụ nhất, nhưng Dân Chúa dường như vẫn tiến xa hơn nhu cầu cần có một mục vụ như thế. Họ tự quyết định và sống theo những quyết định ấy…

Tại Nhật không có luật công nhận hôn nhân đồng tính. Quốc gia không ủng hộ các cuộc hôn nhân như thế, và Giáo hội không khai triển một thái độ đặc biệt nhằm ứng phó với khả thể có một thay đổi theo chiều hướng ấy…

Người Công giáo đương đại hoặc dửng dưng hoặc không lưu tâm đến giáo huấn của Giáo hội [về vấn đề ngừa thai]. Hầu hết người Công giáo Nhật không nghe biết đến Humanae Vitae… Mặc dù thỉnh thoảng có nhắc đến giáo huấn của Giáo hội về những chỉ dẫn tiền hôn nhân, đa số các linh mục không nhấn mạnh đến nó… Nói chung, không ai biết đến cũng không ai dậy về giáo huấn luân lý của Humanae Vitae, và nơi nào có biết, cũng không có ai tuân giữ…

Giáo hội tại Nhật không bị ám ảnh bởi các vấn đề tính dục… Không kể đến việc phá thai, dường như không hề có ý thức tội lỗi lắm liên quan đến việc ngừa thai…

Mặc dù cần phải tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình và sự sống, Giáo hội cũng phải tỏ ra có một bộ mặt chữa bệnh, nâng đỡ và khuyến khích những ai không thể thành toàn lý tưởng, hơn là chỉ phán xét và phê phán…

 

 

__________

 

 

Bản văn chuẩn bị cho thượng hội đồng giám mục về gia đình, với bản câu hỏi:

> Preparatory Document
 

__________

 

__________