Đức Phanxicô nói, Scalfari ghi lại, Brandmüller phản bác.

Đức Phanxicô nói, Scalfari ghi lại, Brandmüller phản bác.

 

 

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350847?eng=y

 

Trong tư cách một nhà giáo sử học, vị hồng y người Đức phản bác quan điểm cho rằng sự độc thân giáo sĩ là một sáng kiến của thế kỷ thứ 10. Không phải thế, ngài phản đối: nguồn gốc của sự độc thân giáo sĩ bắt nguồn từ Chúa Giêsu và các tông đồ. Và ngài giải thích tại sao.

 

ROMA – Ngày 19 tháng Bẩy năm 2014 – “Có lẽ ông không biết rằng sự độc thân được thiết lập vào thế kỷ thứ Mười, 900 năm sau khi Chúa chết. Thậm chí, ngay cả bây giờ, Giáo hội Công giáo Đông Phương có một quyền cho các linh mục lựa chọn lập gia đình. Chắc chắn có vấn đề, nhưng chiều kích của nó không rộng. Cần phải có thời gian, nhưng các giải pháp đã có sẵn, và tôi sẽ tìm ra chúng.”

Đó là câu đức giáo hoàng Phanxicô trả lời cho Eugenio Scalfari về vấn đề độc thân của giáo sĩ, trong một cuộc phỏng vấn dành cho người sáng lập tờ “la Republica,” tờ báo làm ánh sáng chỉ đạo cho giới trí thức thế tục Ý, phát hành hôm 13 tháng Bẩy.

Trong cùng ngày, một thông báo của cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Toà thánh, minh định:

Nếu xét chung người ta có thể cho rằng bài báo chuyên chở ý nghĩa và tinh thần buổi nói chuyện giữa Đức Thánh Cha và Scalfari, thì điều đã được nói ra nhân một cuộc phỏng vấn trước đây, công bố trên tờ “Republica” phải được mạnh mẽ lập lại, rằng, các nhận định riêng rẽ được ghi lại, trong hình thức hiện thấy, không thể gán một cách chắc chắn cho đức giáo hoàng.”

Một cách đặc biệt, cha Lombardi nghi ngờ về ý kiến cho rằng đức giáo hoàng đã nói liên quan sự độc thân giáo sĩ, “Tôi sẽ tìm ra giải pháp.”

Nhưng ngài không hề phản đối những lời lẽ rất khinh suất đặt vào miệng đức giáo hoàng, theo đó, sự “độc thân đã được thiết lập vào thế kỷ thứ Mười, 900 năm sau khi Chúa chết.”

Môt nhà giáo sử học, rất có thẩm quyền như vị hồng y người Đức, Walter Brandmüller, hơn hai mươi năm làm chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Khoa học Lịch sử, đã cảm thấy mình có bổn phận phải chứng minh cái ý kiến trên là vô căn cứ.

Ngài đã chứng minh điều đó qua một bài phân tích công bố trên tờ “Il Foglio”, số ra ngày 16 tháng Bẩy, được in lại toàn bộ dưới đây.

Cuộc phỏng vấn trước đây giữa Scalfari và đức Phanxicô, đăng trên tờ “La Republica” số ngày Mồng Một tháng Mười năm 2013, cũng làm dấy lên những nghi ngờ về tính khả tín của nó. Đến độ, vào ngày 15 tháng Mười, nó đã được lấy xuống khỏi trang mạng chính thức của Vatican, nơi nó được đăng giữa những bài diễn văn của đức giáo hoàng, và sau đó lại xuất hiện một cách không giải thích được, và còn được dịch sang năm thứ tiếng khác, để rồi lại biến mất mới vài ngày trước đây.

Đích thân Scalfari công nhận rằng ông đã kẹp một tiểu chú, đính kèm theo bản nháp đầu tiên ghi lại cuộc phỏng vấn ông gửi cho đức giáo hoàng – bản này không gây nên một phản đối nào và đã được đăng mà không duyệt trước – Trong tiểu chú này, ông viết như sau :

Xin ngài nhớ cho rằng có đôi điều ngài nói với tôi không được ghi lại ở đây. Và có vài điều tôi gán cho ngài mà ngài không hề nói. Nhưng tôi cũng ghi lại đây để độc giả có thể hiểu được ngài là ai.”

Vài tháng sau, một cuộc trò chuyện giữa Scalfari và đức Phanxicô cũng không được “biên tập” lại một cách chuyên nghiệp của ngành báo chí, theo yêu cầu đầy cẩn thận của Vatrican.

Nhưng sau lần trò chuyện thứ ba này, xảy ra hôm mồng Mười tháng Bẩy vừa qua, lần này cuộc nói chuyện cũng không được ghi âm lại, và đức giáo hoàng lại cho phép Scalfari được thêm vào các thay đổi theo ý ông ta, nên mới ra kết quả như đã thấy.

 

 

 

 

____________

 

LINH MỤC CHÚNG TÔI ĐỘC THÂN NHƯ CHÚA KYTÔ

bài của Walter Brandmüller

 

Ông Scalfari thân mến,

Măc dù tôi không có được hân hạnh đích thân gặp ông, nhưng tôi cũng muốn xét lại nhận định của ông liên quan đến sự độc thân, đề cập đến trong cuộc nói chuyện giữa ông và đức giáo hoàng Phanxicô, công bố ngày 13 tháng Bẩy năm 2014, và ngay lập tức đã bị viên giám đốc văn phòng báo chí Vatican phê bình về tính xác thực của nó. Trong tư cách “một giáo sư già” đã dạy môn Giáo sử hơn 30 năm, tôi muốn ông lưu ý đến tình trạng hiện nay của các nghiên cứu về lãnh vực này.

Đặc biệt, cần phải nhấn mạnh ngay trước tiên rằng độc thân không hề được luật lệ thiết lập trễ đến những 900 năm sau cái chết của Chúa Kytô. Mà các Phúc âm theo thánh Mátthêu, Mátcô và Luca đã ghi lại những lời nói của Chúa Giêsu về vấn đề này rồi.

Mátthêu viết (19:29): “Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.”

Những gì Matcô viết (10:29) cũng rất giống thế : “Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

Luca (18:29 tt) còn viết tỉ mỉ hơn : “Người đáp: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

Chúa Giêsu không nói những lời này cho đám đông, nhưng Ngài nói với những người Ngài sai đi rao giảng Tin Mừng của Ngài và công bố Vương Quốc Thiên Chúa đã đến.

Để hoàn thành sứ mệnh, người ta cần phải giải thoát mình khỏi những gắn bó trần thế và nhân loại. Và khi thấy việc thoát ly này có nghĩa là chịu mất đi những gì được ban cho, nên Chúa Giêsu đã hứa ban một “phần thưởng” không chỉ tương xứng mà còn hậu hĩnh hơn.

Đến đây, người ta thường nhấn mạnh rằng “từ bỏ mọi sự” chỉ liên quan đến khoảng thời gian của cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng, và một khi xong việc, các môn đệ có thể trở về lại gia đình của mình. Nhưng không hề có dấu vết gì về chuyện đó. Các bản văn Tin Mừng, liên quan đến cuộc sống vĩnh cửu, đều nói đến một điều gì vĩnh viễn.

Bây giờ, xét rằng các Phúc Âm được san định giữa những năm 40 và 70 Công Nguyên, các tác giả hẳn sẽ bị chê trách nếu các ngài gán cho Chúa Giêsu những lời nói không tương hợp với quy cách sống của mình. Qủa vậy, Chúa Giêsu đòi hỏi những ai từng tham dự vào sứ mạng của Ngài cũng phải chấp nhận sống theo lối sống của Ngài.

Nhưng thánh Phalô có ý nói gì, khi trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô (9:1.4-6), ngài viết: “Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giê-su, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? … Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kê-pha? Phải chăng chỉ có tôi và anh Ba-na-ba không có quyền được miễn lao động?” Có phải những câu hỏi này, và những nhận định này coi như đương nhiên công nhận rằng các tông đồ có đem theo các “bà xã”?

Người ta phải cẩn trọng chổ này. Những câu hỏi hùng biện của các tông đồ nhắc đến quyền của người đi rao giảng Tin Mừng được sống nhờ vả vào cộng đoàn, và việc này cũng áp dụng cho những người đi theo các ngài.

Và hiển nhiên điều này nêu lên câu hỏi ai có thể là những người đi theo. Từ Hy lạp dùng ở đây, “adelphén gynaìka,” cần được cắt nghĩa. “Adelphe” có nghĩa chị/em. Và ở đây, chị/em trong đức tin có nghĩa là một tín hữu Kytô giáo, trong khi từ “gyne” ám chỉ – một cách chung chung – một phụ nữ, hoặc chưa lập gia đình hoặc là một người vợ. Nói tắt, một phụ nữ. Điều này khiến không thể nào chứng minh được rằng các tông đồ đem các “bà xã” đi theo. Bởi vì nếu quả sự thể là thế, người ta sẽ không thể nào hiểu được tại sao một “adelphe” lại được nhắc riêng ở đây như một người chị em, và như thế nghĩa là một Kytô hữu. Còn phần các bà vợ, phải hiểu rằng người tông đồ đã rời các bà lúc các ngài gia nhập vào thành phần các tông đồ.

Chương 8 của Phúc âm theo thánh Luca giúp soi sáng việc này: “có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ.” Từ thuật trình này, quả là hữu lý để suy diễn rằng các tông đồ đã theo gương Chúa Giêsu.

Cũng xin lưu ý đến lời kêu gọi tha thiết sống độc thân hay sống tiết chế trong hôn nhân của tông đồ Phaolô ( 1Co 7:29 tt): “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có”. Và: “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi.” Rõ ràng Phalolô nói những lời này trước tiên nhắm đến các giám mục và linh mục. Và chính cá nhân ngài cũng sống theo lý tưởng đó.

Để chứng minh rằng Phaolô và Giáo hội thời các tông đồ không chấp nhận độc thân, các thư gửi Timôthê và Titô, các “thư mục vụ,” thỉnh thoảng được đưa ra để làm bằng chứng. Mà quả vậy, trong thư thứ nhất gửi Timôthê (3:2) một giám mục có gia đình được nhắc đến. Và nguyên bản Hy Lạp cứ được dịch đi dịch lại như sau: “Vậy giám quản phải là chồng của một người vợ,” Và người ta coi đó là một quy tắc. Nhưng chỉ cần một chút vốn liếng vỡ lòng về Hy ngữ để có thể dịch đoạn này đúng đắn như sau: “Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ (và phải là chồng của một người vợ), tiết độ, chừng mực.” Và cũng thế, chúng ta đọc thấy trong thư gửi Titô: “Kỳ mục (có nghĩa là linh mục hay giám mục) phải là người không chê trách được, chỉ có một đời vợ.

Đấy là những chỉ dẫn nhằm loại bỏ khả thể một linh mục hay một giám mục tái hôn sau khi người phối ngẫu đã chết (tuần tự hai đời vợ), mà được phong chức. Vì ngoài sự kiện là vào thời đó, một người đàn ông goá vợ mà tái hôn không được coi trọng lắm, Giáo hội còn tính đến một lý do là, trong hoàn cảnh như thế, người đàn ông không thể nào bảo đảm giữ được đức tiết dục, điều mà giám mục hay linh mục cần phải dấn thân gắn bó.

 

 

TẬP TỤC GIÁO HỘI THỜI HẬU TÔNG ĐỒ

Vậy hình thức nguyên thuỷ của độc thân cho phép linh mục hay giám mục tiếp tục sống đời gia đình, nhưng không sống đời lứa đôi. Cũng vì lý do này nên có khuynh hướng truyền chức cho những ai đã trọng tuổi.

Sự kiện tất cả những việc trên có thể tầm nguyên ngược về tận nguồn truyền thống cổ xưa và thánh thiện thời tông đồ, đã được chứng minh qua các công trình của các trước tác gia trong Giáo hội như Clementô thành Alexandria, và Tertullianô, người Bắc Phi, sống vào khoảng thế kỷ thứ 2 thứ 3 sau Chúa Kytô. Những nhân chứng đề cập đến sự trân quý việc tiết dục nơi các Kytô hữu là một loạt các mẩu chuyện về các tông đồ, bản “Tông đồ Công vụ” nguỵ thư , được trước tác vào thế kỷ thứ 2 và được nhiều người đọc.

Vào thế kỷ thứ ba, các tài liệu văn chương về việc tiết dục của giới giáo sĩ càng ngày càng nhiều và càng rõ ràng, đặc biệt bên Đông Phương. Ví dụ, có một đoạn trong bản “Didascalia- Giáo Lý” gốc Syria nói như sau: “Vị giám mục, trước khi được tấn phong, phải trải qua một cuộc thử thách để xem coi người ấy có trong sạch hay không, và có giáo dục con cái biết kính sợ Thiên Chúa hay không.” Nhà thần học trứ danh Origen ở thành Alexandria (thế kỷ thứ 3) cũng công nhận việc độc thân tiết dục là điều bắt buộc; một sự độc thân mà ông giải thích và khai thác theo phương diện thần học qua nhiều tác phẩm. Và hiển nhiên còn có những tài liệu khác có thể trưng ra đây để làm hậu thuẫn, nhưng rõ ràng việc này không thể thực hiện được ở đây.

 

 

LUẬT ĐỘC THÂN ĐẦU TIÊN

Chính Công đồng tại Elvira năm 305-306 ấn định tập tục có nguồn gốc tông đồ này thành luật. Với điều khoản 33, Công đồng cấm các giám mục, linh mục, phó tế và tất cả các hàng giáo sĩ khác, không được có liên hệ vợ chồng với vợ mình, và tương tự, cũng cấm họ không được có con cái. Vào thời ấy, hẳn nhiên người ta nghĩ rằng việc tiết dục hôn nhân có thể tương hợp với đời sống gia đình. Vì vậy, thậm chí thánh giáo hoàng Lêô đệ Nhất, đã từng viết vào khoảng năm 450 rằng, các vị đã được truyền chức không cần phải bỏ vợ mình. Họ phải sống chung với nhau, nhưng “như là không có nhau,” như thánh Phaolô đã viết trong thư thứ nhất gửi giáo dân Côrintô (7:29).

Cùng với thời gian trôi qua, càng ngày càng có một khuynh hướng chỉ truyền chức cho những người độc thân.Việc quy định thành luật xảy ra trong thời Trung cổ. Đó là thời mà các giám mục và linh mục sống độc thân là chuyện đương nhiên. Còn việc nố giáo luật này không được tuân thủ theo sát mặt chữ lại là một chuyện khác. Nhưng sự thể này không nên được coi như một điều bất ngờ. Và như bản chất sự việc thường xảy ra, việc tuân giữ luật độc thân có lúc thịnh lúc suy theo dòng thời gian qua các thế kỷ.

Ví dụ, có một cuộc tranh luận nổi tiếng và gay gắt vào thế kỷ 11, vào thời điểm của cuộc canh tân Gregorianô. Vào lúc ấy, người ta chứng kiến một cuộc phân rẽ hoàn toàn đến độ – đặc biệt tại các Giáo hội Pháp và Đức – đưa đến việc các giáo sĩ bên Đức, những người chống lại việc độc thân, đã dùng vũ lực ép buộc giám mục Altmann ở Passau phải rời khỏi giáo phận mình. Tại Pháp, các đặc sứ của đức giáo hoàng, có nhiệm vụ nhấn mạnh đến việc tuân thủ luật độc thân, đã bị uy hiếp đến tính mạng, và tại một thượng hội đồng nhóm họp ở Paris, vị tu viện trưởng thánh thiện Walter vùng Pontoise đã bị các giám mục chống đối luật độc thân, đánh cho và bắt bỏ tù. Bất kể những chuyện này, cuộc canh tân thành công và một mùa xuân thiêng liêng đã nở rộ.

Cũng là điều thú vị để ghi lại rằng việc phản đối luật độc thân luôn luôn trùng hợp với những dấu hiệu suy đồi trong Giáo Hội, trong khi vào những thời điểm canh tân đức tin và văn hoá bộc phát, người ta ghi nhận một sự tuân thủ chu đáo luật độc thân.

Và từ những nhận xét này, chắc chắn không khó để rút ra một sự so sánh lịch sử với cuộc khủng hoảng hiện nay.

 

 

CÁC VẤN ĐỀ CỦA GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG

Hai vấn nạn thường được nêu lên vẫn còn bỏ ngỏ. Vấn nạn liên quan đến tập tục độc thân trong Giáo hội Công giáo của đế quốc Byzantine và thuộc nghi lễ Đông phương. Giáp hội này không công nhận hôn phối của các giám mục và tu sĩ, nhưng lại cho phép các linh mục lập gia đình với điều kiện họ phải lập gia đinh trước khi lãnh nhận thánh chức. Và đưa tập tục này ra làm ví dụ, có vài người hỏi rằng có thể nào áp dụng cho Giáo Hội LaTinh bên Tây phương.

Về vấn đề này trước tiên phải nhấn mạnh, chính bên Đông phươg mà tập tục giữ độc thân để tiết dục trở thành luật buộc phải tuân thủ. Luật này chỉ lập ra do Công đồng năm 691, gọi là “Quinisextum” hay “Trullanum”, vào thời mà suy đồi văn hóa và tôn giáo đã thành hiển nhiên tại Giáo hội Byzantine, và việc tách lìa ra khỏi truyền thống Tông Đồ đã xảy ra. Công đồng này bị hoàng đế tác động lên rất nhiều. Ông muốn ra bộ luật mới để tái lập lại trật tự trong các tương quan chưa hề bao giờ được các giáo hoàng công nhận. Chính lúc đó Giáo hội Đông phương chấp nhận tập tục này. Sau đó, bắt đầu từ thế kỷ 16 , 17, và muộn hơn nữa, khi nhiều Giáo hội Đông phương tái hiệp nhất với Giáo hội Tây phương, vấn đề được đặt ra tại Roma là làm sao đổi xử với các giáo sĩ đã có gia đình trong các Giáo hội này. Nhằm giữ cho Giáo hội được tốt đẹp và hiệp nhất, các giáo hoàng quyết định không đòi hỏi các linh mục ấy thay đổi lối sống, khi họ trở về với Giáo hội mẹ.

 

 

LUẬT MIỄN TRỪ TRONG THỜI NAY

Cũng có một lý do tương tự đằng sau luật miễn trừ giữ độc thân do giáo hoàng – bắt đầu từ đức Piô XII – ban cho các mục sư Tin Lành trở lại Công giáo mà muốn chịu chức linh mục. Mới đây, luật này được đức Biển Đức XVI áp dụng cho nhiều giáo sĩ Anh giáo muốn trở về hiệp nhất với Giáo Hội Mẹ là Giáo hội Công giáo, theo đúng với tông huấn “Angelicanorum Coetibus.” Với sự nhượng bộ ngoại thường này, Giáo hội nhìn nhận cuộc hành trình tôn giáo lâu dài và đôi khi nhuốm đầy đau khổ mà các tín hữu này đã đạt được đến đích nhờ việc hoán cải. Một đích điểm nhân danh sự thật đã dẫn đưa những người liên hệ đến chỗ từ khước cả những hỗ trợ kinh tế đang được hưởng cho đến lúc ấy. Chính sự hiệp nhất của Giáo hội, một điều tốt lành có giá trị bao la, đã biện minh cho những luật trừ này.

 

 

GIA SẢN PHẢI TUÂN THỦ?

Nhưng ngoài những luật trừ trên đây, có câu hỏi trọng yếu khác được nêu lên, đó là: Giáo hội có thể nào được phép huỷ bỏ cái gia sản nhận lãnh từ các Tông đồ này?

Đây là một chọn lựa thường xuyên được đưa ra xem xét. Vài người nghĩ rằng quyết định này không thể ấn định chỉ do một phần của Giáo hội, mà phải do một Công đồng chung. Theo cách này, người ta nghĩ rằng mặc dù không liên hệ đến tất cả hàng giáo phẩm, ít ra đối với một vài phẩm trật trong hàng giáo phẩm, luật buộc độc thân có thể được nới lỏng nếu không nói là loại bỏ hoàn toàn. Và điều ngày nay xem ra không đúng thời đúng lúc, lại có thể thành hiện thực trong nay mai. Nhưng nếu có ao ước thực hiện việc này, người ta phải đặt ngay trước mắt cái tính cách bó buộc tuân giữ của truyền thông tông đồ. Và người ta cũng phải đặt câu hỏi, với một quyết định được công đồng công nhận, rằng người ta có thể nào huỷ bỏ việc cử hành ngày Chúa Nhật không. Đây là một việc, nếu suy xét cách chi li, có ít nền tảng trong Kinh Thánh hơn sự độc thân.

Để kết thúc, cho phép tôi đưa ra một suy nghĩ phóng đến tương lai: Nếu vẫn còn là điều hợp lệ khi cho rằng mọi cuộc canh tân Giáo hội đúng với danh xưng này, phải phát sinh từ một cách hiểu thấu đáo về đức tin của Giáo hội, thì cuộc tranh luận hiện thời về luật độc thân hẳn phải kinh qua một cách hiểu sâu xa hơn về bản chất của một linh mục. Và nếu chức linh mục được hiểu và được dạy không như là một công tác phục vụ thực hiện nhân danh cộng đồng , mà linh mục – qua năng quyền của bí tích thụ lãnh – là thầy dậy, người hướng dẫn, và là người thánh hóa “in persona Christi – trong bản thân Chúa Kytô”, và hơn thế nữa, vì chính lý do đó, mà linh mục còn được hiểu rằng mình phải sống theo đúng lối sống của Chúa Kytô. Một chức linh mục được hiểu như thế và được sống theo cách đó, hẳn một lần nữa, sẽ tạo ra được một lực thu hút phần ưu tú nhất của giới trẻ.

Phần còn lại, người ta phải xét đến là đời độc thân, cũng như sự trinh khiết nhân danh Nước Trời, luôn luôn là một điều gây bực bội cho những người có môt quan điểm bị thế tục hóa về cuộc sống. Nhưng như Chúa Giêsu đã nói về chuyện này: “Ai có thể hiểu được thì hiểu.”

 

 

__________

 

Tờ báo đăng bài phân tích của hồng y Brandmüller, số ngày 13 tháng Bẩy, 2014:

> Il Foglio

__________

 

Trọn bản văn bài viết của Eugenio Scalfari trong tờ “la Repubblica” số Chúa Nhật, ngày 13 tháng Bẩy :

> Il papa: “Come Gesù userò il bastone contro i preti pedofili”

 

__________

Bài minh định của cha Federico Lombardi:

> Nota sul colloquio tra il papa e Scalfari
__________

 

Về sự rủi ro của cuộc phỏng vấn trước đây, xuất hiện trên tờ “la Repubblica” hôm mồng Một tháng Mười năm 2013:

> Even the Pope Critiques Himself. And Corrects Three Errors
 

__________

 

 

Biết thêm về cuộc thăm dò lịch sử chung chung về độc thân giáo sĩ:

> Eunuchs for the Kingdom of Heaven. The Argument over Celibacy (28.5.2010)
 

 

__________