Kiến trúc Thành Diên Khánh (Nguyễn Văn Nghệ sb74)

Kiến trúc Thành Diên Khánh

và cách trùng tu tôn tạo hiện nay

 

1-   Các tác phẩm gần đây viết về thành cổ Diên Khánh

 

Lâu nay đại đa số người dân biết đến thành cổ Diên Khánh qua hai tác  phẩm  Xứ Trầm Hương của Quách Tấn và Non Nước Khánh Hòa của Nguyễn Đình Tư, và từ năm 2003 có thêm quyển Địa Chí Khánh Hòa.

 

Tác phẩm Xứ Trầm Hương viết về thành cổ Diên Khánh : “ Thành nằm trên địa phận 2 thôn Phú Mỹ và Trường Thạnh ( nay là thôn Khánh Thành, xã Diên Thạnh). Chung quanh đắp đất,chu vi 336 trượng 4 thước, cao 8 thước  5 tấc. Trổ 6 cửa ra vào, xây gạch kiên cố , trên có vọng lâu tứ diện thông phong

 

Để ra vào, trước các cửa thành đều có xây cầu vồng bằng gạch…Ban sơ, các cửa thành đều bằng đất, và có đến 6 cửa. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) lấp bớt 2 cửa và xây 4 cửa gạch kiên cố. Đến thời Pháp thuộc lại lấp thêm 2 cửa Tiền và Hậu. Hiện nay chỉ còn cửa Đông và cửa Tây” (1)

Tác phẩm Non Nước Khánh Hòa viết về thành cổ Diên Khánh cũng nội dung giống như trên (2)

Tác phẩm Địa Chí Khánh Hòa ghi chép về thành cổ Diên Khánh  : “Thành được đắp bằng đất, rộng khoảng 36 ngàn m2, có tường dài 2000 m ,chia thành 6 đoạn, cao khoảng 3,5m, xung quanh có hào sâu từ 3-5m, rộng hẹp không đều nhau. Trước mỗi cổng thành, lòng hào mở rộng 40m

Lúc mới xây, thành có 6 cổng: đông, tây, tiền , hậu, tả , hữu; về sau( khoảng năm1823) hai cổng tả, hữu bị lấp không còn dấu vết”(3).  Nhưng cũng trong tác phẩm ấy ở trang 511 lại ghi: “ Thành Diên Khánh được đắp bằng đất, chiếm diện tích khoảng 36000m2. Tường thành chạy uốn khúc theo hình lục giác, dài khoảng 2694m, cao 3,5m ..”.Cũng cùng một tác phẩm sao chu vi thành lại “tiền hậu bất nhất” như vậy?

Ngoài ra trong tác phẩm Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Khánh Hòa của Nguyễn Đình Đầu ghi : “ Thành Diên Khánh , xưa là thủ sở Nha Trang . Xây bằng đất năm 1793 . Năm 1847 xây lại bằng gạch theo kiểu bố phòng Vauban” (4)

 

2-   Các sách bằng chữ Hán do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn (đã được dịch ra tiếng Việt) viết về thành Diên Khánh

 

Sách Đại Nam nhất thống chí soạn dưới thời vua Duy Tân viết : “ Ở địa phận 2 xã Phú Mỹ và Trường Thạnh thuộc huyện Phước Điền.Bốn mặt đắp đất chu vi dài 336 trượng 4 thước, cao 8 thước 5 tấc, hào rộng 4 trượng, sâu 8 thước. Thành mở 4 cửa, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) mới xây gạch…nhân chỗ bảo cũ đắp thành đất, mở 6 cửa, mỗi cửa đều có lầu (sau này lắp hết 2 cửa); 4 góc thành đều có núi đất” (5)

Tác phẩm Xứ Trầm Hương và Non Nước Khánh Hòa dựa vào tư liệu này, vì vào thời điểm ấy chưa có bản dịch Đại Nam nhất thống chí soạn dưới thời vua Tự Đức

 

Đại Nam nhất thống chí soạn dưới thời vua Tự Đức ghi : “ chu vi 636 trượng 7 thước 4 tấc, cao 7 thước 5 tấc, mở 4 cửa, hào rộng 4 trượng, sâu 6 thước, xây bằng đất ở địa phận 2 xã Phú Mỹ và Phước Thịnh. Trước kia lỵ sở của dinh ở địa phận xã Phước Đa, huyện Quảng Phước, sau dời đến chỗ hiện nay, tức là thành Diên Khánh cũ…nhân bảo cũ Hoa Bông đắp thành bằng đất, thành mở 6 cửa, đều có nhà lầu, 4 góc thành có núi đất, ngoài thành đào hào, ngoài hào có trại, các cửa đều có cầu treo để qua hào…nay bỏ bớt 2 cửa. Pháo đài và núi đất vẫn còn” (6)

 

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi : “Thành tỉnh Khánh Hòa ở huyện Quảng Phước, phủ Ninh Hòa , chu vi 636 trượng 4 thước 7 tấc , cao 8 thước , đắp bằng đất, 4 cửa, hào rộng 4 trượng 5 thước. Đắp năm Gia Long thứ 13” (7)

Không phải tất cả những sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đều đúng, vì 3 quyển sách trên viết về thành Diên Khánh đều có những chỗ sai

 

  3- Những khác biệt giữa Đại Nam nhất thống chí soạn thời vua Tự Đức và Duy Tân

 

a-   Chu vi thành Diên Khánh

 

Muốn biết chu vi trước tiên ta phải xem biểu đo chiều dài bằng thước mộc (8) :

Thước                          0,424m

Tầm, bằng 5 thước      2,12m

Trượng, bằng 2 tầm    4,24m

 

Bản dịch thời Tự Đức ghi chu vi là 636 trượng (quy ra mét là 2696,64m) ; bản dịch thời Duy Tân ghi 336 trượng (quy ra mét là 1424,64m) . Vậy bản dịch nào đáng tin cậy? Theo sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định soạn xong năm 1806 ghi : “ Thành này ở mặt trước xã Phú Mỹ, tổng Trung , huyện Phước Điền, thành cao 2 tầm, chu vi là 1019 tầm”(9). Quy ra mét là 2160,28m . Sách Đại Nam thực lục ghi: “ Thành cao 1 trượng , chu vi hơn 510 trượng”(10)Quy ra mét là 2162,40m.

 

Ngoài ra còn có quyển Đồng Khánh dư địa chí bằng chữ Hán viết về tỉnh Khánh Hòa chưa được dịch ra tiếng Việt . (Bộ sách Đồng Khánh dư địa chí gồm 25 quyển .Riêng các quyển viết về tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đã được dịch nhưng chưa được xuất bản. Tỉnh Khánh Hòa là quyển 10 , cho nên mở đầu là dòng chữ Hán : “ Đồng Khánh dư địa chí lược quyển nhị thập ngũ chi thập”. Quyển viết về tỉnh Khánh Hòa gồm 20 trang chữ Hán viết tay). Ở trang 2 của quyển sách viết về thành Diên Khánh ( xin phiên âm): “ Tỉnh thành tại Phước Điền huyện, Ninh Phước tổng, Trường Thạnh, Phú Mỹ nhị xã địa phận. Thành trúc thổ chất, chu vi thông trường lục bách tam thập lục trượng tứ xích thất thốn, cao bát xích ngũ thốn, thành thân bát giác : thành nội tứ giác ,các hữu thổ sơn. Môn tứ : quân thế phong thạch cập thổ chuyên. Các hữu ngõa lâu. Hào khoát tứ trượng ngũ xích, thâm bát xích”. Tạm dịch : Thành của tỉnh ở tại phần đất của hai xã  Trường Thạnh và Phú Mỹ , tổng Ninh Phước , huyện Phước Điền. Thành xây bằng đất, chu vi dài tất cả là 636 trượng 4 thước 7 tấc, cao 8 thước 5 tấc. Thân thành 8 cạnh : trong thành 4 góc đều có núi đất. Thành có 4 cửa : đều xếp đá ong cùng với gạch nung, các cửa đều có lầu. Hào rộng 4 trượng 5 thước, sâu 8 thước

Do chưa có số liệu đo thực địa về chu vi thành Diên Khánh hiện nay , ta có thể xem chu vi thành Diên Khánh theo như các sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ; Đại Nam nhất thống chí (soạn thời Tự Đức); Đồng Khánh dư địa chí  là 636 trượng (quy ra mét là 2696,64m) là gần chính xác nhất. Bởi vì con số ấy xấp xỉ với con số 2694 m như ở trang 511 sách Địa chí Khánh Hòa

 

b-   Địa điểm xây thành

 

Bản dịch thời Tự Đức ghi : “ ở địa phận 2 xã Phú Mỹ và Phước Thạnh huyện Phước Điền”. Bản dịch thời Duy Tân ghi : “ở địa phận 2 xã Phú Mỹ và Trường Thạnh thuộc huyện Phước Điền”

Theo địa bạ Gia Long  thì đất của xã Phú Mỹ ( sau đổi là xã Phú Khánh, nay là thôn Phú Khánh xã Diên Thạnh) dùng vào việc đào đắp thành Diên Khánh là 84 mẫu 4 sào 5 thước, còn xã Trường Lộc Trung ( sau đổi thành xã Trường Thạnh ,nay là thôn Trường Thạnh xã Diên Thạnh) là 47 mẫu 2 sào 6 thước 3 tấc (11) . Thành Diên Khánh không hề nằm trên phạm vi xã Phước Thạnh, mà chỉ nằm trên đất của xã Phú Mỹ và xã Trường Lộc Trung thuộc tổng Trung, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh . Thời Đồng Khánh khu vực thành Diên Khánh được tách ra khỏi xã Phú Mỹ và xã Trường Thạnh lập thành thôn Khánh Thành, do vậy Quách Tấn mới chú thích: “ nay là thôn Khánh Thành”

 

c-    Các cửa thành

 

Theo các sách đều ghi lúc mới xây thành thì thành có 6 cửa. Riêng cuốn Địa chí Khánh Hòa lại ghi rõ tên từng cửa là : “đông , tây , tiền , hậu , tả , hữu” và cho biết là : “ Hai cửa tả, hữu đã bị lấp vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823)”.  Trong Xứ Trầm Hương chỉ ghi : “ Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) lấp bớt 2 cửa”.Trong các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn không có sách nào nhắc đến tên cửa Tả và cửa Hữu cũng như năm lấp bớt hai cửa thành, không biết tác giả 2 cuốn sách trên dựa vào tài liệu nào mà dám khẳng định như vậy ?

Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi phương hướng các cửa thành: “ chia làm 6 cửa : phía nam một cửa , phía tây hai cửa,phía đông một cửa và phía bắc hai cửa”. Sách có phần chữ Hán nhưng không có phiên âm ,nay xin phiên âm : “…vi môn lục, nam diện nhất , tây diện nhị , đông diện nhất , bắc diện nhị(12) . Sách Đại Nam thực lục ghi : “mở 6 cửa, đông và nam đều 1 cửa, tây và bắc đều 2 cửa, trên cửa có lầu, 4 góc có cồn đất”(13).

 

Muốn biết vị trí các cửa thành còn lại nằm ở vị trí nào  ta phải xem sơ đồ “ Diên Khánh đại đồn” mới xác định được . Chúng ta chỉ tìm ở mặt Bắc và mặt Tây của thành mà thôi. Vì theo sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí và Đại Nam thực lục cho biết là mặt bắc của thành có 2 cửa thành và mặt tây của thành có 2 cửa thành

Trong sơ đồ “Diên Khánh đại đồn” ở mặt bắc ,nằm khoảng gần góc Đông Bắc thành có một cửa vào thành, ta tạm gọi đó là “ Đông Bắc môn

Phía tây thành có hai cửa thì đã có cửa Tây, vậy cửa còn lại là cửa nào? Trong sơ đồ Diên Khánh đại đồn, kế bên ngoài cửa Tây thành Diên Khánh còn có một cái lũy bao bọc nữa . Hiện nay dân cư sống trên khu vực ấy , kẻ thì gọi khu vực ấy là Đồng Sim, kẻ thì gọi là Đồng Xiêm. Trên thực địa thì khu vực này chật hẹp chẳng có cánh đồng nào cả .  Vậy tên chính xác là Đồng Sim hay Đồng Xiêm ?

 

Trong bài thơ : “ Cổ thành Diên Khánh” của tác giả Hải Điền viết: “…Nội thành giờ đã chỉnh trang / Cổng thành mở rộng ánh vàng bình minh / Đông Môn ấp cũ thanh bình / Đồng Xiêm đoàn kết nghĩa tình sắt son / Đông, Tây, Tiền, Hậu thông thương / Nhà cao cửa rộng huyện đường khang trang”(14)

Để xác định địa danh là Đồng Sim hay Đồng Xiêm, chúng ta lần giở sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí và thấy ghi : “ 5 tầm đường đi bằng phẳng, đến Đồn Xiêm cũ. Phía đông đồn này gần trại ngoài cửa Tây của thành Diên Khánh, 3 mặt tây, nam, bắc đều đắp lũy đất, cao 1 tầm và dày 1 tầm, bên trong đồn từ bên đông sang bên tây là 113 tầm,từ nam sang bắc là 126 tầm, phía ngoài có ngòi sâu 2 tầm, rộng 4 tầm, trong đồn có dân cư nhưng rất ít ỏi”(15)

Đồn Xiêm chỉ có 3 mặt tây, nam, bắc mà thôi, vì mặt phía đông tiếp giáp với hào nước mặt tây của Thành Diên Khánh rồi.

Vì sao khu vực ấy có địa danh là Đồn Xiêm?

 

Tháng 9 năm Đinh Mùi (1787) Nguyễn vương Phúc Ánh : “sai Nguyễn Văn Tồn chiêu tập dân Phiên hai xứ Trà vinh và Mân Thít được vài nghìn người, biên bổ làm lính, gọi là  Đồn Xiêm binh”(16).

Dân Phiên là người dân tộc thiểu số như Chân Lạp, Chà Và…gia nhập quân Nguyễn vương Phúc Ánh đi đánh quân Tây Sơn và Đồn Xiêm binh có đóng quân ở thành Diên Khánh . Tháng 11 năm  Quý Sửu ( 1793)- sau khi đắp xong thành Diên Khánh khoảng 2 tháng : “ Triệu Nguyễn Hoàng Đức về, khiến lưu những quân Chân Lạp, Chà Và do Đức cai quản, ở lại Diên Khánh để sung bát”(17)  .Và tháng 6 năm Giáp Dần (1794): “ Sửa đắp thành Diên Khánh, xong việc cho quân ăn yến. Cho quân Xiêm về”(18). Như vậy mỗi khi Đồn Xiêm binh ( lính người Phiên) ra Diên Khánh đều trú quân ở đồn lũy ngoài cửa Tây thành Diên Khánh, vì thế khu vực ấy gọi là Đồn Xiêm chứ không phải Đồng Sim hoặc Đồng Xiêm . Trong sơ đồ Diên Khánh đại đồn ở mặt tây Đồn Xiêm có một cửa thành . Ngoài cửa Tây thành Diên Khánh còn có thêm cửa Tây của Đồn Xiêm.

Như vậy thành Diên Khánh lúc mới đắp có 6 cửa, đó là cửa Đông, Tây, Tiền, Hậu, cửa  Đông Bắc, cửa Tây của Đồn Xiêm. Hiện nay chỉ còn 4 cửa là Đông, Tây, Tiền, Hậu.

 

d-   Hệ thống giao thông ra vào thành Diên Khánh

 

Tác phẩm Xứ Trầm Hương cũng như Non Nước Khánh Hòa đều ghi : Để ra vào, trước các cổng thành đều xây cầu vồng bằng gạch. Có phải trước các cổng thành Diên Khánh lúc mới đắp là cầu vồng không? Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi về thành Diên Khánh : “ …thành hình tứ giác, bên trong có núi đất, ngoài thành có hào ,ngoài hào có cửa trại (trài), phía trước có cầu treo bắc ngang trên hào”(19) (  phiên âm phần chữ Hán): “…tứ giác hữu thổ sơn, thành ngoại hữu hào, hào ngoại hữu trài môn, tiền các hữu điếu kiều, hoành giá vu hào thượng” ). Như vậy trước các cổng thành Diên Khánh  lúc ban đầu là cầu treo ( điếu kiều – điếu trong chữ Hán có nghĩa là “ treo”, thuộc bộ cung ). Cầu treo rất là hữu hiệu khi có việc nguy cấp thì cầu được kéo treo lên cao không ai qua lại được

 

3-   Thành Diên Khánh hưng phế theo dòng thời gian

 

Tháng 9 năm Quý Sửu (1793): “sai các quân và phát 3000 dân Bình Thuận, 1000 dân  Thuận Thành khởi đắp trọn 1 tháng thì thành xong, gọi là thành Diên Khánh”(20)

Tháng 7 năm Giáp Dần ( 1794) : “ Sửa đắp thành Diên Khánh, xong việc cho các quân ăn yến”(21)

Tháng 8 năm Ất Mão (1795): “ sửa lại thành Diên Khánh, làm thêm kho tàng”(22)

Tháng giêng năm Đinh Sửu (1817): “Dựng hành cung ở trấn Bình Hòa, sai trấn thần lấy binh dân làm việc, chi cấp cho tiền gạo”(23). Như vậy mãi đến năm 1817 trong thành Diên Khánh mới dựng hành cung

 

Theo bản đồ phủ Diên Khánh, huyện Phước Điền vẽ thời Đồng Khánh thì thành Diên Khánh chỉ còn 4 cửa (Đông ,Tây, Tiền, Hậu) và Đồn Xiêm không còn nữa. Hiện nay quanh khu vực dân cư Đồn Xiêm vẫn còn dấu vết phế  lũy bao quanh

 

Sau năm 1954 bít 2 cửa Tiền và Hậu (Không phải bít vào thời Pháp thuộc như Quách Tấn đã viết), ngoài ra còn trổ một lối đi mới thông ra bên ngoài ở đoạn tường thành phía đông của góc tây nam của thành Diên Khánh (nay là đường Lê Thánh Tôn).

Khoảng năm 1980 phá bỏ khoảng gần 100m tường thành (đoạn giữa cửa Tiền và góc đông nam của thành)

Sau năm 2000 cho phục dựng lại cửa Tiền và Hậu cùng sửa lại vọng lâu cửa Đông và Tây. Trước đây chỉ có trên vòm cửa Đông có 2 chữ Hán “ Đông môn” mà thôi. Sau khi phục dựng các cửa thành, mới cho đắp thêm các chữ Hán “ Tiền môn”, “Tây môn”, “Hậu môn” lên bên trên các vòm cửa thành. Riêng trên vọng lâu cửa Đông có dòng chữ Hán: “ Khải Định tứ niên trùng tu” đã có lâu nay bị xóa bỏ và  cửa Hậu  cho đến hôm nay vẫn chưa thông thương được với bên ngoài.

 

4.Công việc trùng tu tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh hiện nay                                         

                                                        

Hiện nay đang thi công trùng tu tôn tạo thành cổ Diên Khánh giai đoạn 1, nhưng du khách đi trên Tỉnh lộ 2 khi ngang qua góc tây nam của thành Diên Khánh (Tỉnh lộ 2 chạy sát góc tây nam của thành) cảm thấy không hài lòng vì núi đất ( thổ sơn) ở góc tây nam của thành bị đào xúc làm mất đi kiến trúc đã có trước đây.Bốn góc thành Diên Khánh có 4 núi đất ( thổ sơn), trước khi trùng tu tôn tạo chỉ có núi đất góc đông nam của thành (kế bên Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên huyện Diên Khánh) bị người dân san bằng trồng hoa màu, còn núi đất của 3 góc thành còn lại là nguyên vẹn. Hiện nay núi đất của góc thành tây nam và đông bắc đang bị đơn vị thi công xúc ủi mất đi dáng dấp trước đây . Núi đất (thổ sơn) là kiến trúc rất quan trọng về mặt quân sự trong việc phòng thủ thành trì trước đây.Do sợ mất đi kiến trúc núi đất đã tồn tại hơn 200 năm, nên sáng thứ sáu ngày 09/11/2012 tôi đến Trung tâm Quản lý Di tích & Danh lam Thắng cảnh Khánh Hòa gặp ông phó Giám đốc là ông Nguyễn Văn Thích kêu cứu và ông đã nhấc điện thoại gọi sang Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Khánh Hòa góp ý. Sau đó tôi thấy núi đất góc tây nam thành Diên Khánh được đắp lại tuy không giống như xưa.Ngoài ra trong khi thi công thay vì bồi đắp thêm thân thành thì ngược lại thân thành bị gọt bớt đi. Trước đây bên ngoài hào thành nhà dân san sát cất lấn chiếm hào thành, nay được giải tỏa và làm con đường bê tông chung quanh hào thành để khách tham quan. Việc làm này rất là thiết thực nhưng sau khi thi công xong mới lộ rõ bất cập là con đường ấy đi sát sau lưng nhà bếp, cầu tiêu của các hộ dân và nước thải từ các hộ dân xả thẳng xuống hào thành. Cho nên đi tham quan thành Diên Khánh trên con đường bê tông ấy chẳng có chút gì là mỹ quan cả! Công tác trùng tu tôn tạo thành Diên Khánh đang thi công lại bị đình chỉ  và không biết cho đến bao giờ thì mới thi công trở lại!

 

Sai phạm trong việc trùng tu tôn tạo thành Diên Khánh đang được khắc phục.  Mong sao các hạn mục trùng tu tôn tạo khác ở thành Diên Khánh không bị xâm hại . Đừng để khi trùng tu tôn tạo xong, di tích sẽ không còn giống như  khi chưa trùng tu tôn tạo!

 

Phê rô Nguyễn Văn Nghệ (SB 74)

________________________

 

Chú thích:

 

1 – Quách Tấn , Xứ Trầm hương , Nxb  Hội Văn Học Nghệ Thuật Khánh Hòa , trg 215 – 216

2 – Nguyễn Đình Tư , Non Nước Khánh Hòa, Nxb Thanh Niên, trg 183 -184

3 – UBND tỉnh Khánh Hòa , Địa Chí Khánh Hòa ,Nxb Chính trị Quốc Gia , trg 265 – 266

4 –  Nguyễn Đình Đầu , Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Khánh Hòa , Nxb TPHCM , trg 316

5 – Đại Nam Nhất thống chí – Tỉnh Phú Yên & Khánh Hòa , quyển 10 &11 , Nxb Nha Văn Hóa – Bộ Văn hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa – 1964. trg 68

6 – Đại Nam nhất thống chí ,tập 3 ( Phan Trọng Điềm …dịch), Nxb Thuận Hóa , trg 93

7 –  Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ , tập 13 ( Ngô Hữu Tạo & Nguyễn Mạnh Duân dịch) , Nxb Thuận Hóa ,trg 142

8 – Nguyễn Đình Đầu , sđd , trg 42

-9 –     Lê Quang Định,  Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ( Phan Đăng dịch), Nxb Thuận Hóa , trg 52

10 – Đại Nam thực lục tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch), Nxb Giáo Dục , trg 299

11 –  Nguyễn Đình Đầu , sđd ,trg 228 , 232 , 276

12 – Lê Quang Định , sđd , trg 52. Phần chữ Hán trg 1672- 14a

13 – Đại Nam thực lục  tập 1 , sđd , trg 299

14 – Hải Điền , Cổ thành Diên Khánh , Tạp chí Văn Hóa, Thể Thao & Du Lịch Khánh Hòa  số 6/2009 , trg 23

15 – Lê Quang Định , sđd , trg 271

16 , 17 , 18 – Đại Nam thực lục tập 1 , sđd , trg 230 ,303 , 310

– Cao Tự Thanh, Lịch sử Gia Định Sài Gòn trước 1802 , Nxb Văn Hóa Sài Gòn, trg 167 – 169 (Xin cho biết về bộ phận người Khmer và người Xiêm trong quân đội của Nguyễn Ánh)

19 – Lê Quang Định , sđd , trg 52; phần chữ Hán trg 1672-14a

20 , 21, 22 , 23 – Đại Nam nhất thống chí tập 1, sđd, trg 299, 310      326 , 942