Thương nhớ một người bạn (Nguyễn Văn Độ sb61)

Thương nhớ một người bạn

(Nguyễn Văn Bồng 61)  

          Tin anh Bồng đã ra đi làm tôi chợt buồn và nặng chĩu suy tư, dù biết trước rằng chỉ là vấn đề thời gian. Biết làm gì hơn là đọc kinh, cầu cho anh được về nơi vĩnh phúc. Nhớ về anh với nhiều ký ức mờ ảo của 53 năm về trước, như một người bạn vừa gần lại vừa xa. Xa vì đã nửa thế kỷ không gặp mặt anh, nhưng rất gần vì những gì được nghe kể: anh đã sống thế nào, đã cống hiến và chịu thử thách ra sao. Thật an ủi cho anh vì đã có được một thời gian chuẩn bị đầy đủ cho “cuộc xuất hành chung cục” này.

Buổi chiều ngày 24 tháng 7 năm 1961, bốn mươi mốt chú chim non lớp chúng tôi, ngơ ngác, rụt rè, bên cạnh Ba Mẹ, người thân, tựu về TCVSB để khởi đầu một hướng đi cho cuộc đời mình, được giải thích là “vào nhà Đức Chúa Trời”. Sau vài ngày làm quen với cuộc sống xa lạ, tôi mới để ý đến anh đầu lớp hơi to con hơn chúng tôi: anh Trần văn Bồng, và anh cuối lớp nói giọng trọ trẹ và có vẻ lanh chai hơn chúng tôi: anh Nguyễn Quang Vinh, sau mới biết là nhà anh quá gần CV, đúng là dân thổ địa!.

Kỷ niệm về anh Bồng không nhiều lắm trong “lịch sử” của lớp 61 chúng tôi vì anh chỉ ở khoảng hai năm, nhưng lại rất khó phai mờ: Ban đầu chúng tôi chỉ biết là anh Bồng và anh Kết từ miền Nam lắm dừa ra, vì hai anh thường quấn quýt nhau. Là người đứng đầu danh sách lớp, nên anh cũng thường được lưu ý hơn. Anh hay cười, kể cả khi không thuộc bài hay bị anh em khác gây lộn, tính tình từ tốn và dễ mến. Cả khi phải tranh dành bàn ping pong với các bạn khác vừa chạy ùa ra nhà chơi sau giờ học. Anh sống sạch sẽ ngăn nắp hơn nhiều người trong chúng tôi, tóc cắt ngắn gọn gàng nên anh được chúng tôi gọi là René Dupont: Trong cuốn L’Initiation à la Langue Francaise bìa màu đỏ và hơi nhàu nát, mà chúng tôi được bắt đầu học tiếng Phalangsa, câu chuyện xoay quanh gia đình Dupont, trong đó thằng René luôn xuất hiện với cái đầu cắt kiểu carré ngáo nghĩnh. Trên hết anh Bồng là người khiêm tốn, kín đáo không khoa trương. Vì mãi sau này chúng tôi mới biết anh là em ruột của cha giáo Trần xuân Lai, và kinh tế gia đình anh cũng khá giả.

Thế cuộc xoay vần làm cho anh Bồng mất hút khỏi ký ức lớp chúng tôi suốt gần 40 năm. Nhờ công sức của Fr Vinh, anh trở lại với anh em CSB cũng với nụ cười dễ mến và tính hiền hoà năm xưa. Nghe kể rằng anh có một gia đình đạo hạnh, ấm cúng, hạnh phúc và xây dựng nên một cơ ngơi khá hoành tráng (xin xem hình do Linh 73 chụp). Nghề nghiệp cuối cùng của anh -very professional- là nuôi và kinh doanh cá cảnh, tiếng tăm ra cả nước ngoài.

Điều kỳ diệu là trong những năm của tuổi lục tuần, anh đã tình nguyện ra Thanh Hoá, góp sức cùng người AESB đáng kính GM Nguyễn chí Linh, bằng cách làm việc “không công” cho Nước Chúa, để tích góp “của không hư nát” trên trời.

Ôi Ý Chúa nhiệm mầu làm sao thấu hiểu: Anh mắc bệnh ung thư phổi và phải buông tay.

Sau một thời gian chữa trị, tia hy vọng loé lên. Nhưng rồi mọi cố gắng của con người đã phá nát thân xác anh. Trong lúc tinh thần anh vẫn kiên vững, lạc quan, sẵn sàng để ra đi theo tiếng Chúa gọi. Với nét mặt thanh thản anh trao lại cho đời tất cả, trong đó quý giá nhất là tấm lòng của anh.

Cám ơn Linh73 về những bức hình tuyệt vời: Những giọt nước mắt châu ngọc “thương, tiếc”, những bàn tay “níu kéo” của người vợ hiền, con ngoan bên thi hài anh, cho chúng ta những cảm nghiệm sâu lắng về cuộc đời của anh, nhắc nhớ ta cầu nguyện cho anh và luôn nhớ anh như một người chồng, người cha, người bạn đã “cho nhiều hơn nhận”. RIP.

Rất lấy làm an ủi khi lớp 61 sẽ có nhiều người đến tiễn đưa anh, trong đó có ĐC Linh chủ tế, Fr Vinh, anh Điệp và các AECSB các lớp khác. Xin hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Nguyễn Văn Độ SB61

Sacramento ngày tiễn bạn 01/18/2014