Ngôi nhà Sao Biển (Kim Ngân sb59)

Ngôi nhà Sao Biển

Hôm qua tôi cũng có tham gia cà phê đầu tháng với anh em tại nhà Hương 67. Mỗi lần anh em quy tụ vào sáng Chúa Nhật là mỗi lần tràn trề những niềm tâm sự riêng tư, chuyện nội bộ gia đình Sao Biển, sau khi hết chuyện Hội ngộ SB 55 năm. Tôi cũng được nghe anh em bàn chuyện anh Long 63 cất nhà.

Anh em Nha Trang lâu nay ai cũng biết gia đình Long Paul đã rời bỏ Ninh Hòa khá lâu,( Long P là em ruột cha Luân) và nhường từ đường hương hỏa cho em trai. Vào Nha Trang mấy năm nay, vì không thể tậu được một cái nhà tươm tất như nhiều anh em khác.  Cũng vì gia đình kinh tế khó khăn, hai vợ chồng già và một đưa con gái đành phải sống kiếp bô hê miên, thuê nhà chỗ này vài tháng chỗ nọ vài tháng. Thật đau lòng xót xa cho hoàn cảnh của gia đình người anh em chúng ta trong tuổi về già. Dù hoàn cảnh gia đình như thế, nhưng Long Paul luôn có mặt trong bất cứ cuộc họp mặt nào của anh em CSB vùng Nha Trang, thường xuyên là đại diện anh em vùng  Nha Trang tham dự các cuộc họp mặt CSB tại Phan Rang, Sài gòn, Bà Rịa.

Qua những lời tâm sự nhỏ to của anh em, mình cũng được biết là Long Paul chỉ muốn xây được một căn nhà cấp 4, với chi phí bằng 1 phần 20 so với chòi SB ở Phan Thiết. Long Paul dự định xuống móng vào cuối năm này. Cảm thông hoàn cảnh của anh, một vài anh em CSB đã san sẻ với anh, chẳng hạn như anh Q.62 tài trợ 5 triệu; anh L.69-70 và T. 67 cho mượn mỗi anh là 10 triệu đồng với tiền lãi là 0%, thời hạn không tính; anh H.67 san sẻ 1 triệu, và Ban đại diện Vùng Nha Trang san sẻ 1 triệu. Nhưng gia đình người anh em vẫn còn thiếu nhiều.

Tục ngữ Việt Nam có câu: Sống có nhà, thác có mồ. Nhưng người anh em chúng ta sống hơn nửa đời người, nhưng chưa có được làm chủ cái nhà để che mưa đụt nắng. Nếu có điều kiện, rất mong anh em khắp nơi nhất là anh em lớp 63 san sẻ với gia đình Long Paul về mặt tinh thần cũng như vật chất.

Trong những năm gần đây, ở VN, chúng ta thường nghe nói đến ngôi nhà tình nghĩa. Đây là những ngôi nhà được xây dựng cho những gia đình nghèo có nhà cửa ọp ẹp, hoặc những gia đình dân tộc ít người. Tiền xây dựng dành cho các nhà tình nghĩa này thường là tiền của các công ty xí nghiệp ở địa phương tài trợ. Muốn được căn nhà tài trợ, người đủ điều kiện phải làm đơn qua nhiều khâu xét duyệt một thời gian lâu mới được cấp tiền xây dựng một ngôi nhà cấp 4.

 

Ngày 18 tháng 1 năm 2014, lúc 15 giờ 30, gần 40 anh em CSB các nơi đã về nhà mới của anh Long 63 tại Cầu Ké để tham dự lễ làm phép nhà và khánh thành ngôi nhà mới đồng thời chúc mừng cho anh Long đã làm chủ được một ngôi nhà cho riêng mình. Đây đúng là ngôi nhà tình nghĩa, vì nó được xây dựng nên bằng biết bao tình nghĩa của anh em CSB trong cũng như ngoài nước. Tình nghĩa này thật sâu đậm, vì từ khi anh em SB biết đến sự mong mỏi có ngôi nhà của gia chủ cho đến nay, thời gian chưa đầy 2 tháng.

 

Gia chủ không gọi là nhà tình nghĩa mà gọi một cái tên thân thương là “ngôi nhà Sao Biển” được viết trên tấm băng rôn treo trang trọng phía trước cửa nhà, bởi vì danh từ Sao Biển đã bao hàm đầy đủ tình nghĩa và hơn thế nữa trong đó rồi.

 

Thật sự mà nói đây đúng là “ngôi nhà Sao Biển” đầu tiên do sự đóng góp của anh em Sao Biển. Một số lớp Sao Biển như 72,73,74 đã từng giúp đỡ anh em lớp mình xây những ngôi nhà tươm tất, nhưng chưa anh em nào gọi ngôi nhà của mình là “ngôi nhà Sao Biển”. Trước khi xây nhà, Long Paul đã từng cho anh em biết ngôi nhà của mình sẽ là nơi quy tụ anh em Sao Biển giống như vai trò của quán cà phê Piano. Vì ngôi nhà mới này tiện việc đi lại gặp gỡ cho anh em SB ở phía Tây (Đại Điền, Cây Vông, Hà Dừa, Bình Cang) và phía Bắc (Thanh Hải, Ba Làng) cũng như Nha Trang, Chợ Mới.

Khi bác Tôn xây dựng ngôi nhà của mình ở Phan Thiết, bác không những tiếp đón tất cả các anh em SB, nhưng còn tiếp đón hầu như rất nhiều nam nữ tu sĩ thuộc các dòng tu, các phái đoàn từ thiện và nhiều khi bác còn tiếp đón free nữa, nhưng bác chưa bao giờ đặt tên là ngôi nhà Sao Biển. Anh em chỉ mới phong cho nhà bác là chòi Sao Biển thôi (chòi trong dấu ngoặc). Hơn nữa, chi phí xây dựng là do một mình bác, chứ không phải do nhiều anh em SB. Còn chi phí ngôi nhà Sao Biển gần như 8 phần 10 là phần đóng góp của nhiều anh em SB trong và ngoài nước.

 

Hầu như lễ cưới, tân gia của anh em SB, số anh em SB tham dự chỉ là một thiểu số mất hút trong thành phần tham dự. Tân gia, khánh thành nhà Long Paul lần này, anh em SB chiếm số đông đảo so với bà con của gia đình. Với gần 40 CSB trong đó có một cha giáo SB, 4 cha SB trong và ngoài nước, và cha quản xứ Cầu Ké. Không biết có lễ tân gia nào có ba linh mục cùng ban phép lành cho thành phần tham dự như lễ làm phép nhà hôm nay không.

 

Trong lễ làm phép nhà hôm nay, không những có đầy đủ đại diện của anh em các lớp SB tại Nha Trang từ lớp 57 đến lớp 74, mà còn có anh em SB tại Phan Rang (Tôn, Hai Nhớt, Khanh, Điệp), và tại Bà Rịa nữa (Hoàng 60). Phóng viên ảnh, Em-mờ-xi cũng là do anh em Sao Biển phụ trách. Đọc sớ táo quân cũng do anh Nhị Bói phụ trách.

 

Gọi là nhà Sao Biển, vì trong nhà và ngoài nhà hình ảnh Mẹ Sao Biển được dành cho một vị trí quan trọng sau bàn thờ Chúa. Những bài hát vang lên trong buổi tiệc mừng nhà mới cũng là những bài hát hướng về Mẹ Sao Biển.

 

Ngôi nhà Sao Biển có khiếm khuyết là ở quá gần đường rầy (la rầy) xe lửa, vi từ nay trở đi gia đình Long Paul buộc phải lắng nghe tiếng xe lửa (đầu máy mới sản xuất chừng một thế kỷ nay thôi) chạy ầm ầm ngày cũng như đêm (âu cũng là dịp để Long Paul hiệp thông san sẻ niềm đau nỗi khổ với những gia đình sống hai bên đường rầy xe lửa ở VN).

Ngôi nhà Sao Biển vẫn là biểu tượng cao quý và đẹp đẽ nhất của tình đoàn kết yêu thương của những người anh em xuất thân từ Tiểu Chủng Viện Sao Biển năm xưa.

 

Kim Ngân 59