Nụ cười Nhà đạo: Chiếu bí (Nguyễn Văn Độ sb61)

Nụ cười Nhà đạo: Chiếu bí

Chuyện xảy ra ở một xứ đạo Miền Bắc, nơi nghi thức Ngắm Mùa Chay được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ông Câu là người phụ trách kinh kệ, siêng năng, đạo hạnh và thuộc làu làu nhiều kinh, kể cả cuốn sách Ngắm dày.

Hôm ấy, ông ngắm tới chỗ:” Từ dinh quan Philatô cho tới Núi Canvariô, Chúa Giêsu đã phải đi một nghìn sáu trăm hai mươi bước…”. Một cậu học trò từ Tỉnh về, nghe vậy lấy làm thắc mắc. Chờ lúc ra khỏi Nhà thờ, cậu tìm ông Câu để hỏi:

Thưa ông Câu, căn cứ vào đâu mà ta biết chắc Chúa Giêsu đã đi một nghìn sáu trăm hai mươi bước?

Ông Câu nhìn cậu bé con cái nhà ai lạ lạ, từ đầu đến chân, hơi bực bực trong lòng bèn nói đại:

“Về nhà mà hỏi ông Cố nội mày!”

Cậu bé cụt hứng.

Mấy hôm sau, cậu lại nghe ông Câu ngắm:” Chúa Giêsu đưa ngón tay nâng cả và thế giới…”.

Cậu thắc mắc hơn nữa. Vì cậu nghe thầy giáo dạy: Ông Tổ khoa học là Ac-si-mét nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa và tôi sẽ nhấc bổng cả Trái đất”.

Ra khỏi Nhà thờ, cậu quyết chí tìm ông Câu hỏi cho ra lẽ, chắc bụng lần này sẽ thắng ông Câu:

-“Thưa ông Câu, Chúa dùng ngón tay nâng Trái đất như thế thì Chúa đứng ở chỗ nào?”.

Ông Câu nhìn cậu bé chằm chằm, không chớp mắt, cũng không nói gì cả. Cuối cùng, ông buông một câu cộc lốc trước khi bỏ đi:

-“Đứng trên đầu thằng cha mày đó”.

Cậu bé không buồn cũng không giận, khoan khoái trong lòng vì đã “chiếu bí” được ông Câu.

 

Lời bàn thêm của người kể:

Trên đây chỉ là một trong nhiều chuyện vui “nhà đạo”, lượm lặt từ tập tục đạo đức và ngôn từ kinh kệ của nhiều thế hệ và vùng miền khác nhau, kể từ khi Tin Mừng được rao giảng trên đất nước Việt Nam. Những câu chuyện này, chẳng những không làm giảm giá trị của nội dung Tin Mừng Cứu Rỗi, mà còn cho ta thấy Đức Tin Công giáo đã được các nhà truyền giáo và cha ông ta “hội nhập” một cách tuyệt vời vào Văn hóa dân tộc như thế nào. Tất nhiên, tiến trình này cũng không tránh khỏi một số “thiếu sót, bất cập hoặc va chạm” mà Thánh Công Đồng Vaticanô II đã soi sáng cho tín hữu toàn cầu qua “Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay” (Gaudium et Spes) Chương II, đoạn 53-62, cách riêng đoạn 58. Trong tinh thần đó, xin phép giải thích vài chi tiết trong câu chuyện vui nhà đạo trên đây:

Dựa vào sách ngắm Mùa Chay xưa, khi nói:”Chúa Giêsu đã phải đi một nghìn sáu trăm hai mươi bước…” có nghĩa là khoảng cách được ước lượng bằng bước chân con người, khoảng từ 60 đến 70 cm. Tôi vẫn còn nhớ có lần nói chuyện với mấy bác ngư phủ Miền Bắc di cư, họ kể:” Ghe vừa rời bãi, chưa dập miếng bã trầu thì đã gặp một đàn cá to…”. Như thế thời gian của họ căn cứ theo thời gian nhai miếng trầu, chưa dập có lẽ là 10-15 phút.

Lần khác, hỏi chuyện một người dân tộc Rađê thường vào nhà tôi mua bán:”Nhà chú xa lắm không?” Anh trả lời :” Phải ba rựa”. Tôi tròn mắt không hiểu gì cả, cho đến khi anh giải thích: Mỗi khi đi khỏi nhà họ đều vác theo cái rựa có móc trên vai. Khoảng chừng một giờ, cảm thấy mỏi bả vai, họ phải trở rựa qua vai khác. Như thế, tôi ngầm hiểu rằng anh đã phải đi bộ suốt ba giờ mới tới nhà tôi.

Cách nói:”Chúa Giêsu đưa ngón tay nâng cả và thế giới…” là một cách diễn đạt quyền năng vô biên của Thiên Chúa mà ngôn ngữ loài người hoàn toàn bất lực. Cũng như khi ta nói Thiên Chúa “nhân lành”, ta đã phải dùng một phạm trù hạn hẹp của con người để diễn tả Tình thương “không suy thấu” của Thiên Chúa vậy.

N.V.Độ 61