Kinh-Luân (Nguyễn Hoàng 57)

KINH – LUÂN

Thấy anh em viết nhiều về hai người anh em cùng lớp Kinh Luân mình cũng cảm thấy tay chân ngứa ngáy. Nhưng muốn viết về họ, mình lại không có nhiều chi tiết như anh em. Mình đâu có dám viết chi tiết về nơi xuất thân của họ, vì mình có biết gì đâu mà phịa! Nếu không có anh ba Nghiệp, Phi Ciceron, Nhị bói SB 58, chắc mình cũng dám phịa lắm, phịa với những anh em chưa biết, rồi cứ nói rằng mình cùng lớp, sao lại không biết. Nhưng phịa kiểu đó dễ chết lắm. Đã có người dám phịa cuộc đời của một người chết, phịa hay lắm, như thật, đến nỗi con cháu của họ phải mắc cỡ vì cha ông của họ đâu có thánh thiện như thế! Nhưng đó là các đấng, đứng trên tòa giảng đọc lời Chúa, ai dám thắc mắc chứ! Còn có mấy anh em Ninh Hòa lớp nhỏ nữa. Quên đi điều này quả thật là tai hại. Làm cái nghề chôm chĩa thì nghề mình còn thuộc dạng abc nên dễ trật mánh lắm. Thôi thì đành cứ nhớ tới đâu nói tới đó. Chỗ nào không biết, cứ việc bỏ trống, bảo đảm sẽ có người nóng mũi nhảy vào điền thôi. Có như vậy ký ức về hai anh Kinh-Luân sẽ được đầy đủ hơn.

Tôi viết về hai người anh em này chỉ giới hạn trong phạm vi Tiểu Chủng Viện thôi, vì chỉ ở nơi đó tôi mới thân cận với hai ông anh này. Tôi gọi hai ông này bằng anh chắc chắn có người sẽ thắc mắc vì hồi đó tôi có kêu mấy ảnh là anh đâu, toàn là thằng này thằng kia thôi. Tôi gọi thế vì hai anh dù sao cũng thành đạt hơn tôi, làm tới chức ông cha lận, so với tôi chỉ biết ăn tục nói phét. Sau ngày rời chủng viện, tôi có gặp lại anh Kinh, nhưng còn anh Luân thì những gì tôi biết được về anh chỉ là nghe kể lại. Đại khái là tôi được kể rằng anh Kinh đi tàu suốt lúc vượt biên và anh Luân bị rủ tù. Chỉ có vậy! Nhưng tôi được may mắn là gặp được Cha Ban lúc ngài đi ở tù về. Ngài nói:

“Tao thấy thật sốc vì thái độ cứng rắn của nó. Cái thằng thật là hiền lành trong trường bỗng nhiên cứng như sắt thép, không ai lay chuyển nổi. Tuy nhiên, tao phục nó đó. Con người sống chết cho lý tưởng của mình như vậy, còn hơn tao nhiều lắm!”

Phải đó, cái hiền của anh Luân ở chủng viện, ai mà không biết! điểm conduite cứ 18, 19 điểm. Ngoài anh Luân chỉ có thánh Trí và Lạc Bà Vải là địch lại thôi. Nhưng không hiểu sao anh em SB lúc đó lại chỉ phong thánh có hai ông thôi: thánh Luân và thánh Trí. Nhưng hôm nay thì thánh Trí chỉ còn là Trí Nhậu thôi, vì anh ta nhậu tới chữ. Nhưng thánh Luân lại chơi thân với tôi, một tên mà điểm conduite chỉ vừa đủ để khỏi bị đuổi về thôi. Có lẽ mấy thầy giám thị thương tình, chứ thật ra điểm conduite của tôi còn tệ hơn thế nhiều vì cái tội hay quậy! Quậy các cố Tây, phải nói như thế. Quậy các ngài ít ra không bị đập, chứ quậy anh em thì coi chừng ăn đòn! Tôi thích thánh Luân, không phải là tôi thích học làm thánh như anh đâu. Tôi hay chơi nghịch, nên phải chọn đối tượng. Tôi hay nhìn anh, một người có khuôn mặt cũng khá đẹp, chỉ tội là đôi mắt lộ và hàng lông mày thưa và lợt quá thôi! Đây cũng là một trong những điểm tôi hay thích gần gũi với anh. Tôi giỡn với anh, nhiều khi đùa dai quá để xem anh phản ứng ra sao? Bắt kiến bỏ cổ áo! Nếu là anh em khác thì tôi đã ăn bộp tai rồi. Nhưng thánh Luân chỉ cười: “Hoàng, đừng có chơi dại như thế nữa!”

Trước kia cha Mai Khắc Cảnh nổi tiếng là một người tôn trọng giờ giấc. Cha đang giảng bài, nhưng khi nghe chuông một cái, đã ngưng lại ngay. Nhưng cha là giáo sư, muốn ngưng lúc nào chả được. Đâu có ai chấm điểm cha đâu mà sợ. Theo giờ giấc theo lối cha Cảnh đó, trong lớp tôi chỉ có Thánh Luân thôi. Anh học không giỏi lắm, nhưng không đến nỗi quá tệ. Anh không bao giờ đứng đầu bảng hoặc cuối bảng như tôi, nhưng lúc nào cũng ở khoảng giữa bảng. Có điều anh học rất chăm theo giờ giấc. Lúc giờ thi, nếu nghe chuông hết giờ lớp là anh chấm dứt ngay, không thêm thắt một chữ nào cả, mặc dù bài chưa xong. Vì tôn trong giờ giấc quá cỡ thợ mộc của anh, nên tôi có rất ít cơ hội để chơi croix-zéro với anh. Nhưng anh chơi cờ rất cao, lúc nào tôi cũng thua hoài.

Đối với anh Kinh thì ngược lại. Anh Kinh thích giỡn, và thích chơi hơn. Anh hay đánh croix-zéro dưới học bàn với tôi vào những giờ étude libre. Dĩ nhiên là mỗi lần như thế tôi đều thua! Anh không những chơi croix-zéro giỏi, anh còn là một trong những tay cờ tướng có hạng trong lớp. Chuyện anh làm cái cứng về môn cờ tướng ở nhà chơi các chú lớn chắc những anh em lớp lớn không phản đối chứ? Về chuyện học hành anh cũng học trung bình như anh Luân. Nhưng nếu so với anh Luân, anh Kinh quả là một cực khác! Nói chuyện học thì hai anh gọi là sàng sàng với nhau, nhưng nói đến chuyện chơi thì có sự phân biệt rõ rệt. Trong lúc anh Luân chơi xoàng các môn chơi, thì anh Kinh quả là xuất sắc. Anh chơi ping-pong khá giỏi, chơi volley cũng thuộc dạng được tuyển lựa tuy rằng anh không đập được vì kích thước của anh. Nhưng nếu nói đến đá banh, thì những ai từng học chung với anh đều biết. Anh lùa banh rất hay, lùa banh như vẽ bùa vậy, nên có thể gọi anh là một trong những tay phá lưới của nhà Sao Biển.

Chắc anh em cũng còn nhớ chuyện anh em Sao-Biển đá banh thắng anh em La-San trên sân nhà của họ chứ? Họ thua độ cũng chỉ vì có anh Kinh nhà mình. Đá lớp lớn cũng thua, đá lớp nhỏ họ cũng thua, vì trận nào cũng có anh Kinh trong đó. Họ muốn loại anh Kinh ra, vì họ biết anh Kinh không phải là các chú nhỏ, nhưng anh em Sao Biển cứ cãi lấy được. Họ tức nên họ đòi lấy thước tất ra đo. Họ đòi đá với anh em từ một thước tư trở xuống! Thế là anh em bắt anh Kinh nhà mình đứng sát tường nhà chơi các chú lớn, đem thước tất ra đo. Người đo anh là anh Tiên SB 57 Hộ-Diêm nhà mình, chứ chẳng phải ai xa lạ cả. Anh em nào không tin cứ gọi anh hỏi cho biết tôi có nói oan cho anh không. Kết quả là anh Kinh chỉ cao đúng có một thước tư. Thế là dân La-San lại thua đậm! Và thế là hết đấu vì dân La-San nói rằng bên Sao-Biển chơi ăn gian. Đúng quá đi chứ! Nhưng do vậy tôi mới được biết chiều cao của anh Kinh nhà mình chỉ có một thước tư thôi!

Hai anh Kinh-Luân này đúng là hai thái cực! Vậy mà tôi chơi vẫn cứ được! Tất nhiên, tôi không dám nghịch với anh Kinh như với anh Luân được, vì anh Kinh tính nóng như lửa. Chọc giận anh dễ ăn đòn lắm! Tôi được anh chàng Tý Cani SB 58 nhà mình gán cho cái tên cúng cơm là Hoàng Écorce. Nhưng thật ra tôi có võ viết gì đâu, chỉ là làm ra vẻ để mấy anh chàng lớn đừng có đụng với tôi thôi. Tôi làm sao bằng anh Thành Xỏ Dép, người con cô chín Nhiều của tôi. Anh này mới đúng là có võ. Anh em nào không tin cứ hỏi Nhị Bói SB 58 Ninh Hòa xem có phải Thành Xỏ Dép là thày võ của chú ta không. Nhưng chắc không ai ngờ rằng anh Kinh, Luân, kể cả Phi Cicéron, đều có võ cả. Tôi đã từng xem hai anh biểu diễn vài ngón nghề ở sân tập Bãi Sạn. Có lần tôi hỏi anh Luân:

“Anh hiền quá, đâu có đánh lộn với anh, vậy anh đi học võ để làm gì?”

“Ít ra cũng để trị mấy anh chàng quậy như anh đây nè!”

Thế là tôi tịt ngòi luôn! Sau này khi được kể lại về cái chết của anh trong tù, tôi có ngạc nhiên, nhưng không ngạc nhiên nhiều lắm. Nếu trong người anh không có dòng máu hào hùng bất khuất thì anh học võ để làm gì chứ?

Nhưng cả hai anh còn một biệt tài nữa mà anh em cùng lớp không một ai là không biết. Cả hai anh đều lặn rất giỏi. Tôi có lần lặn xuống xem thử hai anh làm sao mà lặn hay như vậy. Tôi ngạc nhiên vì thấy hai anh chạy dưới mặt cát. Thảo nào hai anh lặn xa như vậy. Hai anh chỉ có thua Cha Nguyễn văn Vĩnh về môn này thôi. Dĩ nhiên tôi cố bắt chước, nhưng chẳng bao giờ tôi thành công. Đành phải bái phục vậy.

Chuyện với anh Luân của tôi chỉ có vậy. Từ ngày anh làm cha, tôi chưa hề gặp lại anh! Buồn thật. Nhưng với anh Kinh tôi đã gặp lại. Dĩ nhiên là tôi lại quậy anh tiếp! Năm 1972, tôi về phép ở dưới chân núi Nhà Thờ Chính Tòa và gặp lại anh. Tôi nghe em tôi nói anh thường hay xuống nhà giúp đỡ mẹ tôi trong lúc tôi ở xa. Tôi thật cảm động nên ghé lên nhà xứ thăm anh. Lúc này anh đã thay cha Đậu Vương Quyền làm phó xứ cho cha Nguyễn Công Nghị. Anh nói:

“Thì mẹ mày cũng như mẹ tao, tao xuống thăm mẹ mày giùm mày thì bây giờ mỗi ngày mày phải lên đây trả lễ mới được.”

Thế là tôi chẳng có đi đâu cả. Sáng sáng tôi phải lên gặp anh Kinh trả lễ. Chẳng có gì, chỉ là phải hầu cờ tướng với anh thôi. Anh cao cờ hơn tôi nhiều, nhưng cứ làm bộ thả tôi vài bàn để câu độ. Thỉnh thoảng anh rũ tôi đi xi-nê ở rạp Tân Tân khi có phim hay. Tôi đề nghị để tôi bao cho. Anh bảo:

“Mày đi lính tráng có được bao nhiêu tiền mà đòi bao?”

“Không được, như thế không công bằng, anh phải để tôi bao mới được. Bộ lính tráng không có tiền sao chớ?”

“Thôi được,” anh nói. “Tao bao xi-nê, mày bao nước. Được chưa?”

“Được thôi!”

Tôi vẫn còn ấm ức. Tiền của anh là tiền bổng lễ, là tiền của giáo dân dâng cúng. Xài đồng tiền của anh tôi thấy hơi khó chịu. Do đó tôi lại phải giở chiêu quậy. Hôm đó sau khi xem phim xong, tôi lấy xe Honda dame của tôi chở anh đến một quán café rất tối để chọc anh. Tôi cũng xin thưa với anh em rằng tuy lúc đó tôi đã là trung úy rồi, nhưng tôi vẫn còn nhát gái như ở chủng viện. Gặp con gái là tim tôi nhảy đùng dùng như có lần tôi đã té xe đạp ngay giữa đường lúc phải đạp xe giữa hai hàng các chị Khiết Tâm đi dạo ở Bình Keng. Lần này muốn đạt yêu cầu, tôi đã bấm bụng đưa ông anh của tôi vào ngồi tại quầy hàng của cô cassière. Trời tối nên không ai để ý rằng mặt tôi cũng đỏ ngang cỡ ông anh của tôi, ngực tôi cũng đánh trống đùng đùng như ông anh của tôi. Tuy vậy tôi cũng bạo gan giới thiệu ông anh của tôi để phải ăn một cái véo nhớ đời của anh. Đau tới bến, vì tôi chịu véo rất dỡ.

Nhắc lại chuyện véo, tôi đã hơn một lần thua độ với anh chàng Thành Xỏ Dép. Chúng tôi cùng đưa tay ra cho nhau ngắt véo. Mặc dù tôi đã có ý chơi ăn gian, cố ngắt anh cho đến nỗi sứt da tay, nhưng anh vẫn cứ cười, còn tôi thì chịu không nổi phải nước mắt ràn rụa và xin bái phục!

Dĩ nhiên trên đường về tôi liền bị anh Kinh cho một trận.

“Mày quậy vừa vừa chứ! Lỡ giáo dân trông thấy thì tao phải ăn nói làm sao?” Anh thúc vào bụng tôi một cái đau điếng.

“Thôi, em xin chừa! Lần sau có đi xi-nê nữa. Tui sẽ bao vé, còn anh tha hồ muốn chở đi đâu uống nước cũng được!”

Và thế là từ đó về sau, mỗi lần đi xi-nê, tôi được quyền mua vé và anh Kinh bao nước. Khổ nỗi, anh lại đưa tôi đến những quán cà-phê thật sáng làm tôi hết làm ăn gì được.

Bây giờ cả hai anh đã ra đi. Nhưng những kỷ niệm cũ vẫn còn đây. Đành phải viết lại mấy giòng này để tưởng nhớ đến hai ông anh thánh thiện này. Xin Chúa nhân từ, thương tha thứ nếu hai anh còn có gì vướng mắc và đưa hai anh về cõi phúc trường sinh. Đổi lại nếu hai anh đã về được bến mơ, thì xin hai anh hãy hướng dẫn giùm cho thằng em còn lại này.

Ngày 20 tháng 10, 2015

Nguyễn Hoàng SB 57

(Sống Để Bụng ….)