Sự giàu có đích thực (Mười Thập 58)

Sự giàu có đích thực

 

Lâu lắm rồi tôi không còn “ăn Tết” nữa. “Thịt mỡ dưa hành” chỉ còn hiện hữu trong ký ức. Bánh chưng, bánh tét thì năm thì mười họa mới được thưởng thức một lát. Cành mai và mâm ngũ quả chỉ còn được ngắm  hàm thụ trong văn chương…Dù vậy, tôi vẫn đón Tết và “ăn Tết” theo cách thế của tôi. Tôi không thể quên Tết vì một lý do rất đơn giản:  đó là ngày sinh của tôi.

.         Tôi không biết chính xác mình có mặt trên cõi đời  này vào ngày giờ nào. Cha mẹ tôi chỉ nói rằng tôi sinh ra vào khoảng tháng chạp, cuối năm âm lịch, cầm tinh con chó. Thật ra suốt cả nửa cuộc đời ở Việt Nam, tôi có bao giờ ngó ngàng đến ngày tháng năm sinh của mình đâu. Ra nước ngoài, học thói văn minh của người Tây Phương, tôi  mới bày đặt mừng sinh nhựt, tổ chức tiệc tùng, thổi nến, cắt bánh và hát Happy Birthday rồi cứ “hip hip”. Có lúc cảm thấy ngường ngượng vì ngày sinh của mình giả tạo quá đi thôi.

Mừng sinh nhựt vào ngày Tết, tôi thấy nó ý nghĩa và linh thiêng hơn. Chín tháng mười ngày trong dạ mẹ đã là một tuổi rồi, cho nên cứ mỗi cái Tết tính thêm một tuổi là chuyện hợp lý quá. Thành ra cứ mỗi dịp cuối năm, tôi chuẩn bị đón Tết đã đành mà cũng nghĩ đến ngày sinh của mình. Tết đến, thêm một tuổi cho nên tôi cũng thường nghĩ đến quỹ thời gian còn lại của mình. Hướng về phía trước tôi cứ phải lập lại một số quyết tâm. Nhưng nhìn lại phía sau, tôi không thể không tự vấn lương tâm về cách sử dụng thời giờ và của cải mình có trong tay. Phải đấm ngực “tự thú trước bình minh” rằng mình đã “mất” quá nhiều thời giờ cho những thứ không cần thiết cho cuộc sống. Cuộc sống ngày càng trở thành cồng kềnh đến khó thở vì mình đã tích lũy quá nhiều thứ không bao giờ đụng đến.

Mới đây, nhân dịp cuối năm, bạn bè gởi đến cho tôi vài con số “thống kê” đáng suy nghĩ. Theo bản “thống kê” không đề xuất xứ này, có đến 70 phần trăm của cải, phương tiện và dịch vụ trong cuộc sống con người thời đại là thừa thãi. “Một chiếc máy smart phone cao cấp, 70 phần trăm chức năng là thừa. Một chiếc xe hơi sedan hạng sang, 70 phần trăm tốc độ là dư thừa. Một căn biệt thự sang trọng, 70 phần trăm diện tích là trống trải. Một đội ngũ nhân viên phục vụ, 70 phần trăm là kiếm cơm. Một ngôi trường đại học, 70 phần trăm giáo sư là chém gió. Một đại đội hoạt động xã hội, 70 phần trăm là nhàn rỗi trống rỗng. Một căn phòng đầy quần áo thời trang mỹ phẩm, 70 phần trăm là không mấy khi dùng đến. Một đời người, cho dù kiếm thêm nhiều tiền đi nữa, 70 phần trăm là để lại cho người khác tiêu xài”.

Tôi không biết tỷ lệ 70 phần trăm trong “thống kê” trên đây có đáng tin tưởng không. Nhưng nhìn vào những gì tôi đang có trước mắt, tôi thấy tỷ lệ này còn hơn cả chính xác nữa. Chẳng hạn, ngôi nhà tôi đang ở, chỉ có hai vợ chồng, hiện đang bỏ trống đến 3 phòng ngủ. Nhìn vào tủ sách trước mặt, tôi thấy có đến hơn 70 phần trăm số sách tôi trưng bày là đề tỏ ra mình là  “người trí thức có đọc sách” hơn là được sử dụng. Ngó sang nhà bếp, tôi muốn ngộp thở vì không dưới 70 phần trăm nồi niêu, xoong chảo, chén bát, ly tách, dao kéo…thừa thãi. Nói gì đến tủ quần áo và giày dép: có đến hơn 70 phần trăm không được đụng đến.

Sự thừa thãi nào cũng ít hay nhiều tạo ra bất công. Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng. Trong khi mình dư thừa không biết để đâu cho hết thì người khác lại thiếu thốn. Đó không phải là một tình trạng bất công sao.Theo một kết quả của một cuộc nghiên cứu mới nhứt do tổ chức từ thiện Oxfam bên Anh Quốc thực hiện, hiện nay 62 tỷ phú giàu nhứt thế giới đang chiếm giữ trong tay số tài sản nhiều bằng một nửa dân số thế giới. Nghe mà muốn rụng rời tay chân. Cũng theo tổ chức từ thiện nói trên, cách đây 5 năm, phải có tới 388 người giàu nhứt thế giới mới chiếm được tài sản của một nửa dân số thế giới. Nay số người “siêu giàu” thì ngày càng giàu, còn số người nghèo ngày càng nghèo. Tài sản của một nửa dân số thế giới, tức khoảng 3.6 tỷ người, đã giảm khoảng 1000 tỷ Mỹ kim, trong khi tài sản của những người “siêu giàu” lại tăng thêm 500 tỷ Mỹ kim.

Tôi chưa bao giờ lâm cảnh nghèo nàn mạt rệp để thấm được thế nào là đói khổ, cơ hàn. Tôi cũng chưa bao giờ có dư tiền rừng bạc bể để hiểu được tâm trạng của người giàu. Nhưng cứ theo tâm lý thông thường, ai cũng nghĩ rằng đồng tiển liền khúc ruột: của cải không những làm nên con người của mình, mà cũng sẽ mãi mãi gắn liền với bản thân mình. Có lẽ nghĩ như thế cho nên con người ta cứ thích tích lũy cho nhiều của cải và ít muốn chia sẻ với người khác, ngay cả những gì mình không cần đến. Kỳ thực, một trong những nghịch lý lớn nhứt trong cuộc đời thường được người Tây Phương tóm gọn trong câu nói: “không dùng là mất” (use it or lose it). Nhiều người chỉ áp dụng châm ngôn này vào sinh hoạt tình dục. Nhưng tôi nhận thấy nguyên tắc này cũng được ứng dụng vào hầu như mọi lãnh vực của cuộc sống con người.

Trước hết, hãy nhìn vào sức khỏe thể lý. Mỗi ngày, tôi có thể chạy bộ nửa tiếng dễ dàng. Thế nhưng chỉ cần một tuần đầu năm bận rộn “ăn chơi đàn đúm”, chạy trở lại mới năm phút đã thở dốc. Là một động vật, thiếu vận động tôi biến thành “tĩnh vật” dễ như chơi. Đúng là “không dùng là mất”.

Năng lượng dư thừa từ việc ăn quá nhiều biến thành mỡ dư mà tôi chẳng mấy khi có dịp dùng đến cũng vậy. Tôi tin rằng hầu hết các thứ bệnh về tim mạch và tiểu đường đều là hậu quả của năng lượng được nạp quá tải nhưng không được “dùng”. Năng lượng không dùng là năng lượng mất đi.

Hoạt động của não bộ của tôi cũng tuân theo nguyên tắc “không dùng là mất” ấy. Não bộ không năng hoạt động thì sẽ teo tóp lại. Trí nhớ không được tập luyện lâu ngày sẽ cùn mằn. Không chịu “động não” để suy nghĩ bằng cái đầu của mình, mà cứ dựa vào những gì người khác nghĩ dùm cho mình, không chóng thì chày cái đầu của tôi sẽ trở nên rỗng tuếch, nếu không muốn nói là trở thành một người máy, một cái xác không hồn hay tệ hơn một kẻ nô lệ. Ai đó đã viết rằng một trong những điều ngớ nhẩn nhứt mà con người thời đại thường làm là “mang mặt nạ để nhìn vào thế giới”. Xã hội càng hiện đại, con người càng đeo vào người nhiều chiếc mặt nạ để đối phó với cuộc sống. Người ta dành quá nhiều thời giờ hay đúng hơn “mất” quá nhiều thời giờ để quan tâm đến cách nhìn và suy nghĩ của người khác hoặc cố gắng trở thành người mà những người xung quanh mong đợi và như vậy quên đi mất bản thân mình là ai. Đánh mất chính mình là mất tất cả. Đây là sự mất mát tột cùng trong đời người.

Riêng về quỹ thời gian, nghịch lý “không dùng là mất” xem ra ứng dụng triệt để hơn. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, như người Việt Nam trong nước thường nói, tôi đã trở thành “tỷ phú thời gian”. Tôi giàu thời gian đến độ không biết để đâu cho hết. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng không gì dễ mất cho bằng thời giờ. Mất giờ nhiều nhứt khi lười biếng, nghĩa là khi thời giờ  chẳng được dùng vào bất cứ sinh hoạt nào. Mất thời giờ dẫn đến mất chính bản thân. Người xưa đã có lý để nói “nhàn cư vi bất thiện”. Hoặc như nhà Đạo của tôi diễn giải, “ở không nhưng là cội rễ mọi sự dữ”. Lười biếng  khiến thân xác mệt mỏi, bệnh hoạn. Lười biếng làm cho tâm hồn nặng nề, chán nản, thất vọng, bại hoại và buông xuôi. Và dĩ nhiên, do lười biếng, tinh thần khó có thể lành mạnh và như vậy cũng khiến cho thân xác yếu nhược.

Nhưng không đâu nguyên tắc “không dùng là mất” có giá trị cho bằng của cải vật chất. “Bất động sản” là hình ảnh nổi bật hơn cả về sự mất mát khi của cải không được sử dụng. Thật vậy, ngôi biệt thự rộng lớn mà toàn bộ không gian không được tôi sử dụng sẽ chỉ là một ngôi nhà ma. Khi tôi nhắm mắt xuôi tay, tôi sẽ chẳng mang theo được bất cứ viên gạch, thanh sắt hay mảnh gỗ nào trong ngôi nhà rộng lớn ấy. Số phận của tiền rừng bạc bể tôi cất dấu trong ngân hàng lại càng rõ ràng hơn. Tôi sẽ trắng tay khi nằm xuống. Người khác, dù là người thân của tôi, sẽ chiếm lấy và cùng lắm sẽ tặng cho tôi một ít tiền mã mà thực chất tôi cũng chỉ hưởng được một chút khói trắng mà thôi.

Tôi tin chắc rằng những người như tỷ phú Bill Gates hẳn đều đã biết đến nghịch lý “dùng hay là mất” trong việc sử dụng tiền của. Dĩ nhiên, dùng cũng có trăm nghìn cách dùng. Có người dùng tiền để mua đủ mọi thứ khoái lạc và phù phiếm trong cuộc sống. Họ phung phí hơn là dùng của cải. “Dùng” đúng nghĩa, như tỷ phú Bill Gates, tỷ phú Warren Buffet hoặc ngay cả trẻ phú trẻ Mark Zuckerberg…đã chứng tỏ, nếu không hiến tặng toàn bộ thì ít nhứt cũng một phần lớn tài sản của mình cho công cuộc từ thiện. Với tôi, những người này có tên trong danh sách 62 người giàu nhứt thế giới không phải vì họ có nhiều tiền, mà vì họ đã biết dùng tiền. Khi nhắm mắt xuôi tay, cũng như bao nhiêu người khác, họ sẽ chẳng mang theo được đồng xu cắc bạc nào. Nhưng họ cũng chẳng có gì để mất. Trái lại, ngay từ cuộc sống này, mỗi khi họ dùng tiền cho tha nhân, họ chỉ có thể giàu có hơn mà thôi. Giàu nhân nghĩa, giàu nhân cách, giàu nhân ái, giàu tình người. Nếu như cùng đích của đời người là “nên người hơn” thì họ mới thực sự là những người giàu có.

Đó là sự giàu có mà càng đi đến cuối cuộc đời, khi nhìn lại, tôi thấy mình đã bỏ lỡ không biết bao nhiêu cơ hội để tích lũy. Mỗi dịp Tết, thêm một tuổi, dọn dẹp ngôi nhà nội tâm là điều tôi thấy cần phải làm hơn cả. Dọn dẹp cho có “ngăn nắp” hầu sống có kỷ luật và điều độ hơn đã đành, mà cấp thiết hơn cả là dẹp bỏ, cắt tỉa những thứ cản ngại, trì trệ khiến cho nhân cách phải thui chột, nghèo nàn. Với tôi, tuổi thọ đích thực không phải là số năm tháng mình có được, mà là phẩm chất của cuộc sống, sự giàu có mình tích lũy được cho nhân cách. Nhiều tuổi mà nhân cách ngày càng teo tóp lại thì đúng là “chiếc bình vôi” ngày càng vơi cạn của cụ Phan Khôi. Có những “cụ già” mới 20 tuổi, mà cũng không thiếu những “thanh niên” cường tráng ở tuổi 80. Tuổi xuân, sức mạnh và sự giàu có đích thực không hệ tại ở tuổi tác, sức mạnh thể lý và của cải vật chất, mà là thể hiện của một nhân cách được làm giàu bằng nhân nghĩa, lòng quảng đại, sự chia sẻ. Đó là điều tôi hằng mơ ước cho bản thân và dĩ nhiên cũng là điều tôi cầu mong cho bạn bè và người thân trong lời cầu chúc “Phúc lộc thọ”.

 

Mười Thập 58  

[22/1/2016]