Những người âm thầm gieo hạt (NVĐ)

Những người âm thầm gieo hạt

 

Xin phép mạo muội gửi anh em bài viết về Kỷ niệm dạy Giáo lý: 

“Những người âm thầm gieo hạt” đăng trên Kỷ yếu Hoà Yên-50 năm hồng ân.

Nếu ae có thì giờ, xin mời, không dài. Tuy có những ký ức mang tính cách riêng tư, địa phương,

nhưng cũng chia sẻ vài suy tư riêng về việc dạy Giáo lý trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, để xác tín rằng: Chúa không chê bỏ điều gì ta dâng lên Người.

(Viết tặng các giảng viên Giáo lý Hoà Yên của thập niên 80,90)

**

Vào một đêm trung tuần tháng Ba, tình cờ nhận được một cuộc gọi từ nơi xa, yêu cầu tôi ghi lại ký ức về một giai đoạn trong dòng lịch sử của giáo xứ Hoà Yên, cách riêng, việc dạy và học Giáo lý, mà tôi được tham gia, ban đầu, với tư cách giảng viên, và sau đó trong nhiều năm, là TB Giáo lý. Sau vài phút đắn đo, về thời gian quá gấp, bận việc riêng, và trí nhớ đang trên đà đi xuống, cuối cùng tôi cũng đã nhận lời.

 

Bởi do một suy nghĩ đơn giản là, khi ghi lại khung cảnh, điều kiện của việc dạy và học GL, vào một giai đoạn-cách nay đã gần 40 năm-tôi muốn tưởng nhớ và tri ân những người đã từng cộng tác và  gợi lại vài mãng ký ức cho những ai vẫn quan tâm đến đời sống Đức tin của các thế hệ nối tiếp nhau trong Giáo xứ nhà. Nếu trí nhớ có thiếu sót hoặc sai lạc, cũng như tài liệu, hình ảnh thiếu thốn và mai một theo thời gian, thì những cảm nghiệm riêng vẫn là những gì đọng lại lâu nhất.

Khoảng cuối năm 1975, cha quản xứ Giuse Nguyễn thế Thoại rời giáo xứ đi cải tạo tại A30 và cha Phêrô Mai Tính, đang là cha phó xứ Hoà Nghĩa, phụ trách trông coi Hoà Yên. Giữa những khó khăn của thời cuộc, Hoà yên có điều may mắn riêng, mà ít giáo xứ nào có được, đó là sự hiện diện của một cộng đoàn các thầy đại chủng sinh trong nhà xứ – danh xưng là Trung tâm Hòa Yên- và ba cộng đoàn nữ tu: Vinh sơn (Saint Vincent de Paul), Têrêxa (MTG Nha trang) và Thừa sai (MTG Huế), cung ứng nguồn nhân sự dồi dào và chất lượng cho công tác dạy GL. Bên cạnh đó, một số anh chị em giáo dân có tinh thần và khả năng đã tình nguyện tham gia dạy GL trong nhiều năm. Về cơ sở vật chất, nói chung là thiếu thốn, dù giáo xứ đã từng bước sửa chữa, tu bổ trường GL Thánh Tâm đã xuống cấp, bằng những cố gắng không mệt mỏi và trong điều kiện rất khó khăn, chắc chắn đó là sự che chở nhiệm mầu của Thánh Cả Giuse. Các lớp GL, từ vỡ lòng cho đến lớp 12, được chia thành hai ca học: từ lớp 7 đến 12 học vào giờ lễ nhất, các lớp nhỏ học vào giờ lễ nhì.

Trường GL không đủ phòng, nên phải tận dụng cả nhà kho (hiện nay là vị trí của nhà đa năng) hoặc dưới các gốc cây xoài tán rộng, và khi có thể, thì dùng hai cánh và phần thân chính Nhà thờ làm nơi học GL.

Sách vở, tài liệu dạy và học GL cũng rất hạn chế, vì vào thời đó việc in ấn hầu như không thể được. Các em dùng vở, bút để chép bài, làm bài, vẽ tranh GL, dưới ánh sáng lờ mờ của một ngọn đèn néon, chạy bằng nguồn điện chập chờn từ cỗ máy phát điện đã già nua, bị vắt kiệt sức để cung cấp ánh sáng cho cả Nhà thờ đang dâng Thánh Lễ và các phòng GL. Ngày nay, ta có thể “click” để in ra bất cứ văn bản nào trên những tờ giấy trắng tinh, thì vào thập niên 80, phải dùng những tờ stencils-nay đã vào kho đồ cổ và chà mực qua miếng vải, mới in được một trang chữ loè nhoè trên tờ giấy vàng, thô ráp. Người in, tay lem luốc như dính phải lọ nồi. Nhiều lớp thiếu bàn, chỉ có ghế, nên khi chép bài, các em phải ngồi dưới đất và dùng ghế làm bàn. Nếu học trong Nhà thờ, thì các em phải ngồi xuống chỗ quỳ và dùng ghế làm bàn viết. Đầu giờ học, thầy TB gõ ba tiếng kẻng là chiếc bình ga hàn gió đá cũ, các em xếp hàng trước cửa rồi vào lớp theo giảng viên . Cuối giờ, cũng ba tiếng kẻng báo hiệu chấm dứt giờ học.

Lễ chiều Chúa nhật dành riêng cho thiếu nhi, ngồi theo lớp GL. Sau lễ, các em ra sinh hoạt, vui chơi quanh nhà thờ, dưới sự hướng dẫn của các anh chị huynh trưởng, gọi là Ban Trật tự.

Thiếu thốn, gian khổ thế mà vui. Giảng viên và các em, ai cũng hăng hái, chuyên cần đến lớp GL, ngoan ngoãn và đạo hạnh. Có những em nhỏ đi học ca hai mà chưa có miếng gì trong bụng! Tập thể giảng viên, các Sơ và anh chị em-trong số đó có nhiều cô và thày giáo- đều tâm niệm lời khuyên dạy của Thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi Timôthê: ” Con hãy rao giảng Lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tim 4:2)  làm động lực vươn lên, vượt qua thử thách gian lao.

Vào các dịp Lễ lớn như Giáng sinh, Phục sinh, Tết Nguyên Đán, Trung thu.v.v. BGL, cùng với sự trợ giúp của Ban Hành giáo, tổ chức những cuộc vui chơi, thi làm lồng đèn, hang đá, văn nghệ, múa lân… cho các em. Vào mùa thu hoạch mì, các em còn hăng hái rủ nhau đi giúp gọt củ mì cho các Sơ, trong tình thương yêu gắn bó đơn sơ như chính tâm hồn các em.  Ngày bế giảng, những em xuất sắc về hạnh kiểm và hiểu biết GL, được tuyên dương, khen thưởng với phần thưởng là những cuốn vở, bút viết, tuy nhỏ mọn nhưng khích lệ tinh thần các em rất nhiều.

Nhắc lại những hồi ức này, không thể nào quên được những người- đã trực tiếp hoặc âm thầm- góp phần vào công tác giáo dục đức tin và nhân cách cho nhiều thế hệ thiếu niên của giáo xứ, mà nay nhiều người đã “ra đi trước chúng ta” như Sơ Bích Đài, Sơ Trung, Sơ Cầu (RIP). Nhờ bàn tay khéo léo và tấm lòng của các Sơ trong ba cộng đoàn, mà vào các dịp như Rước lễ lần đầu, Thêm sức, dâng hương ngày Xuân v.v các em có được niềm vui thánh thiện, tươi đẹp. Nhớ Bác Đào tấn Thể, TB hành giáo trong những năm khó khăn nhất, sau đó là Thầy Đậu trung Sự, nhớ Bác Tấn Hải (RIP) tận tụy cung cấp điện và kỹ thuật, nhớ anh Lân (RIP), anh Phương (RIP) ca đoàn, nhớ anh Hoàng giúp hệ thống âm thanh v.v. Xin lỗi nhiều vị ân nhân khác của BGL, vì thiếu sót và không kể hết được.  Xin Chúa trả công bội hậu cho những kẻ làm ơn cho chúng con.

 

Ngày nay, chúng ta có thể tự hỏi rằng trong hoàn cảnh và những điều kiện hạn hẹp như thế, việc dạy GL có mang lại kết quả không? Xin thưa: Có và không ít, với  s niềm xác tín và cảm tạ ơn Chúa. Vì như Thánh Phaolô viết trong Thư I Corintô:” Tôi (Phaolô) trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cor 3:6). Nhiều người con của Giáo xứ đã dâng mình làm linh mục, tu sĩ, phục vụ Giáo hội trên khắp toàn cầu. Nhiều đôi vợ chồng sống đạo hạnh, trung tín, xây dựng những gia đình gương mẫu. Nhiều người con của giáo xứ, dù đã rời quê cũ sinh sống tận phương trời xa, thì Đức tin của họ vẫn vững bền trước bao  cám dỗ, thử thách.

Ông Simon, sau này là thánh Cả Phêrô, đã trả lời Đức Giêsu:”Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”

(Lc 5:5). Đó chính là động lực, là niềm tin tưởng và sự khích lệ cho các giảng viên giáo lý mà chúng ta có thể trân trọng gọi tên là “Những người âm thầm gieo hạt”.

Trong dòng đời của một con người, từ khi trí khôn vừa phát triển đủ để nhận biết thế giới chung quanh. Nếu chúng ta gieo vào tâm trí các em được một ý niệm về Thiên Chúa, dù sơ sài nhất, như tập cho em làm Dấu Thánh Giá, hoặc “tiếng đầu đời con gọi…Giêsu” thì cũng lưu lại được một “dấu ấn” (imprint) quý giá, để tiếp tục triển nở theo thời gian. Và cho dù, sau này có “lạc lối”, dấu ấn đó vẫn có thể dẫn đưa con người trở lại cùng Chúa.

Khi ngồi viết những dòng này, trời đã sang tiết Xuân phân (20/3) mọi sinh vật như vừa thức dậy sau một giấc ngủ đông. Cặp chim bồ câu đất bay đi biền biệt từ mùa Hè năm ngoái, đã trở về lại chái sau nhà tôi để xây tổ ấm mới, và trên bầu trời xanh vắt, từng đàn chim di cư lũ lượt quay về Phương Bắc quê hương của chúng. Tôi thầm nghĩ tới điều kỳ diệu nào đã thúc đẩy và hướng dẫn chúng chính xác tuyệt vời đến thế. Khoa học có thể giải thích cho ta bằng bản năng thiên phú của chúng. Tương tự, trong hành trình Đức tin của con người, dù qua bao nhiêu xao lãng và lầm lạc, vào một lúc nào đó khi phải đối diện với cái phù vân vĩnh cữu, cái chân thực giả trá, hạt giống Đức tin, dù nhỏ bé đến đâu, cũng có thể giúp con người tìm ra “một cõi đi về” (TCS) trong biển Tình Yêu bao la của Thiên Chúa.

Để kết thúc, xin kể một câu chuyện khá cảm động liên quan đến giáo lý: Ngày 23 tháng giêng vừa qua, em Đaminh Khoa, 13 tuổi, con của anh Nguyễn viết Thiện, cháu nội của ÔB Nguyễn văn Giáo (trước ở giáo họ Phaolô-Hoà yên) đã đột ngột từ trần khi chuẩn bị chơi bóng rỗ tại trường. Rất đông người  tham dự lễ tang của em. Bài giảng của cha xứ, và lời phân ưu của cha khách Leon Juchniewicz (người Ba-lan) đều gọi em là “vị thánh nhỏ”, vì có lần em cho biết ý muốn đi tu làm linh mục. Cảm động nhất là khi một người bạn của em lên chia sẻ, đọc từ trong một bài tập giáo lý, Khoa đã viết:”Con rất cám ơn ba mẹ đã luôn đưa con tới Nhà thờ để con được học giáo lý và dự Thánh lễ”.

Xin Chúa ban cho giáo xứ chúng con thêm nhiều “những người âm thầm gieo hạt”. Xin Chúa ban phúc lành cho họ và thương đón nhận những Linh hồn Chúa đã gọi về.

 

NVĐ * Tháng 3/2016