Nhận-Cho và Cho-Nhận (Hoàng Châu 60)

NHẬN – CHO  &  CHO – NHẬN

Cả cuộc đời của mỗi một người đều có những chuỗi hành động NHẬN – CHO và CHO  – NHẬN. Cả hai phạm trù NHẬN-CHO nói lên ý nghĩa bị động (Passive) lẫn chủ động (Active). Chúng cũng có đặc tính tích cực (Positive) và tiêu cực (Negative).

I/- NHẬN – CHO

Nhìn lại quãng đời đã qua, chúng ta nhận được nhiều hơn là cho ; thụ động hơn là chủ động. Trước tiên, được hiện hữu trên thế gian này là do hồng ân của TC. Được sinh ra trong thế giới hữu hình này là do sự quan phòng của TC. Qua những thăng trầm trong cuộc sống, chúng ta nhận được biết bao yêu thương từ TC, từ cha mẹ chúng ta. Thế nhưng, chúng ta đáp trả lại được bao nhiêu…Được nuôi dưỡng, được học hành, được lớn lên, và nên người là do những bậc sinh thành, nhưng sự báo hiếu của chúng ta lại được tính bằng những ngỗ nghịch, những bất tuân, những ngày tháng kể công…

Một số người được người khác giúp đỡ và họ chia sẻ lại cho những anh em bi đát hơn mình. Họ nhận và họ cho…Trường hợp của ông Gia Kêu trong Phúc Âm; Được Đức Ky-Tô ghé nhà thăm và dùng bữa, ông ta đã đem phân nửa gia tài của mình để bố thí cho kẻ nghèo và đền gấp bốn nếu đã chiếm đoạt của ai cái gì ( Lc.19,5-8 ). Trong khi đó, người mắc nợ chủ đã được tha thì lại không thương xót người anh em bạn đang mắc nợ anh ta chỉ một ít tiền còm ( Mt,18,23-30 ). Hoặc trong số mười người bị bệnh phong cùi được chữa lành, chỉ có một người duy nhất trở lại cám ơn Đức Ky-Tô. ( Lc.17,11-17 ).

Con người nhận thì nhiều, nhưng lại cho thì ít. Hoặc thảng, nếu cho thì tính toán hơn thua từng li từng tí. Cũng như, ‘cha mẹ nuôi con, biển trời lai láng, con nuôi cha mẹ, tính tháng tính ngày ‘. Sự đời là như thế ! Phủ phàng hơn khi ‘còn tiền. còn bạc, còn đệ tử; hết cơm, hết rượu. Hết ông, tôi’ . ‘Qua cầu rút ván‘ là vậy đó !

Bản thân cũng chính là người nhận được nhiều nhất. Suốt những năm tháng ngổi đủng ghế nhà tràng đã nhận được nhiều hồng ân từ T C, được sự yêu thương, giúp đỡ từ nơi bà con và ân nhân, được che chở khỏi mọi gian nan thử thách và nhất là sau khi rẽ lối, được sự tha thứ và thông cảm từ TC, từ phía GH và nhiều ngươi. Nhưng để đáp trả lại, dường như không cho đi nhiều…Có thể vì không có gì để cho; tuy nhiên không biết rằng mình có nhiều thứ để cho lắm. Chẳng hạn như lòng biết ơn, khả năng hiểu biết, sự cảm thông, lời cầu nguyện, sự yêu thương gần gũi và thứ tha…

II/- CHO – NHẬN

Cho bao nhiêu thì sẽ được bấy nhiêu. Câu nói này không biết có phải là một khích lệ hay một hệ luận; tuy nhiên, tôi nghĩ cũng đúng theo luật nhân quả thôi. Gieo cây gì thì mọc cây nấy. Mình đong đấu nào thì cũng sẽ được đong lại đấu đó. Thông thường, người cho là những người có tiền ,có của ăn, của để. Họ cho, họ làm từ thiện và việc làm tốt của họ sẽ mang lại nhiều điều tốt lánh cho họ. Họ giàu lại càng giàu hơn.

Đành rằng hành động ‘ cho’ có tính cách vô vị lợi, cho một cách nhưng không, không đòi hỏi sự đáp trả nào và không cho tay trái biết việc của tay phải làm ( Mt.6,1-4 ); nhưng người ‘cho’ sẽ được bù đắp lại bằng những điều tốt lành khác…Hai đồng tiền kẽm của người đàn bà góa nghèo bỏ vào thùng được cho là nhiều hơn nhất ( Lc,21,1-4 ; Mc,12,41-44 ). Người phụ nữ tội lỗi dùng dầu thơm tưới lên trên chân Đức Giê-Su, dùng tóc mình lau và hôn chân Ngài, đã được tha tội vì đã yêu nhiều. ( Lc,7,47-49 )

‘ Cho ‘ khó hơn ‘ Nhận’ vì lẽ ‘ Nhận ‘ có tính cách thụ động tuy có phần hơi đắn đo, suy nghĩ hơn một tí – do tự trọng cảm thấy phải chịu ơn – . Còn ‘ Cho ‘, như đã nói ở trên, phải suy xét từng trường hợp hợp lý, hợp tình mặc dù khi ‘ Cho ‘, người chủ động không muốn có sự đền đáp hay trả ơn…

Hãy cho đi để nhận được nhũng giá trị tinh thần khác hay ít ra cũng được chúc phúc như người góa phụ với hai đồng tiền kẽm nhỏ bé ! Hãy cho đi để tích lũy tài sản mai sau hoặc có khi trong hiện tại này. Hãy cho đi để tích đức cho bản thân và con cháu. Có ít thì cho ít, có nhiều thì cho nhiều. Chính vì thế, những người có lòng hảo tâm luôn tâm đắc với những công việc từ thiện bác ái đối với những người chung quanh và những anh em có hoàn cảnh éo le, có nghịch cảnh không được may mắn như mình.

III/- CHIỀU KÍCH CỦA VIỆC CHO – NHẬN

Mức độ ‘ Cho-Nhận ‘ thì vô giới hạn và không biên giới . Như thế ý nghĩa của việc ‘Nhận – Cho’ mới đầy đủ. Tuy nhiên, trong cuộc sống của xã hội ngày nay, đặc biệt ở đất nước chúng ta, có quá nhiều cái giả , giả như thật làm cho chúng ta chùn bước, ngập ngừng và do dự…Không ít người đã bị lừa khi giúp đỡ người khác ! Người thật, việc thật, thật là hiếm . Phần lớn chỉ biết lợi dụng tình huống , đánh động lòng trắc ẩn của người khác. Do đó việc ‘cho-nhận’ trở nên hơi đắn đo suy nghĩ vì sợ mình bị lừa hay bị lợi dụng. Kẻ cho sợ mình bị lừa. Người nhận sợ mình bị lợi dụng. Có khi ‘Cho’ để được có cái danh là người rộng rãi, luôn có lòng thương người. ‘Nhận’ để thực hiện một ý đồ đen tối nào đó của người cho. Và đó gần như là một hợp đồng giữa hai bên. Và như thế, việc ‘Nhận-Cho’ không còn ý nghĩa gì nữa.

Nếu cho rằng việc tốt mình làm không cho tay trái biết thì dẫu có bị lừa, minh chẳng cần quan tâm. Người cần giúp đỡ thì không giúp, lại đi giúp những kẻ đánh lừa thiên hạ; như thế lại không ổn chút nào. Nói gì thì nói chứ ai ai cũng thích nhận hơn là thích cho bởi vì ai đây đủ giàu có để từ chối ‘nhận’ từ người khác ? Đó chỉ mới là khía cạnh vật chất; còn biết bao giá trị tinh thần khác mà mình còn thiếu…

Ở góc nhìn về lòng từ thiện và tinh thần bác ái, động từ ‘Cho’ là một hành động tích cực, đáng được khuyến khích, cần được cổ vũ thực hiện nơi tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, tuổi tác, giới tính hay tôn giáo nào..Chính vì thế mới nói ‘ Cho – Nhận ‘ là một hành động không giới hạn và không biên giới.

Đến đây xin dùng hai câu thơ sau để kết :

‘ Hành thiện ngày nay cố tich lũy,

Phúc đức mai sau sẽ dư thừa ..’

             Hoàng Châu 60

( Sài Gòn Ngày 01 Tháng 8 Năm 2016 )