Người Chu-Ru, các vị Thừa sai và Nhà thờ Ka-Đơn (Thiên hựu Nguyễn Thành Thống 60)

NGƯỜI CHU-RU,

CÁC VỊ THỪA SAI

VÀ NHÀ THỜ KA-ĐƠN

 

Người Chu-Ru là một sắc tộc thiểu số (ethnic minority) theo thống kê năm 2009 chỉ có khoảng 19.314 người, xếp thứ 34 trên tổng số 54 sắc tộc ở Việt Nam, chiếm 0,0225 % dân số Việt Nam. Theo Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc, thuộc Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn (La Congrégation de la Mission. CM) hiện là cha sở giáo xứ Ka-Đơn, và cũng là người đã từng sống nhiều năm với người Chu-Ru, thì rất khó làm thống kê về người Chu-Ru vì có rất nhiều người nói tiếng Cơ-Ho mà gốc gác lại là người Chu-Ru. Từ đó việc thống kê hiện nay có bao nhiêu người Chu-Ru Công-Giáo cũng khó khăn như vậy. Tuy không có những số liệu cụ thể nhưng mọi người đều công nhận tỉ lệ người Chu-Ru theo Công-Giáo rất cao. Và người Chu-Ru chỉ mới đón nhận giáo lý của Giáo-Hội Công-Giáo vào những năm năm mươi của thế kỷ trước đây mà thôi. Chúng ta có thể phân chia thành hai giai đoạn chính: trước năm 1961 và sau 1961 là năm việc truyền giáo cho người Chu-Ru được giao cho các vị thừa sai thuộc Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn, thường cũng được gọi là các “cha lazaristes”. Trong giai đoạn trước năm 1961, chúng ta lại phân thành thời kỳ tiếp xúc và thời kỳ trực tiếp truyền giáo. Và các vị thừa sai thuộc giai đoạn đầu này thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris (Société des Missions Etrangères de Paris, MEP). Bài viết ngắn này cùng lắm chỉ là một tóm tắt của một công trình dài hơi hơn về người Chu-Ru sau này.

Trong bài Sept mois chez les Mois đăng trong “Variétés sur les pays Mois”. (Gouvernement de la Cochinchine Saigon, năm 1935), Alexandre Yersin  viết ông đã từng đến Loan (Lauan) và Diom nhưng không hề nhắc đến danh từ Chu-Ru, mà chỉ gọi là Moi mà thôi. Ông còn cho biết những người dân làng Lao-Gouan, tức những người Chu-Ru ở Loan, do tiếp xúc thường xuyên với người Chàm ở phía dưới núi, không còn là người thượng (Moi) nguyên chất nữa. Họ nói tiếng Mạ lẫn lộn với tiếng Chàm. Đó là những con người rất hiền lành, rất nhút nhát và bị những người An-Nam, là những người đến mua bán với họ, khai thác triệt để.[1] Trước đó vào thời Pháp thuộc rất ít khi thấy tên gọi Cru, Chru hay Churu xuất hiện trên các bài viết hoặc các văn bản; người ta thường đánh đồng người Chu-Ru (Churu) là MọiMongtagnard và cùng lắm là Cơ-Ho (Koho). Người Việt còn gọi người Chu-Ru là người Chu. Hiện nay có nhiều cách giải nghĩa từ nguyên của danh từ Chu-Ru này. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bạt Tụy, người đã từng ở Dalat lâu năm và nghiên cứu về các tộc người ở Lâm Đồng thì đó là dạng nới rộng của từ Chru ngụ ý “xâm nhập”, căn cứ vào nguồn gốc của sắc tộc này, vốn chỉ là dòng dõi những nông dân Chàm đã rời bỏ quê hương ở vùng ven biển Ninh Thuận – Bình Thuân để tránh chính sách hà khắc của các vua chúa Chàm, trong thời nước Chiêm Thành xưa còn chiến tranh với người Khơme và chính quyền nhà Nguyễn.[2] Theo nhà nghiên cứu về Tây Nguyên rất nổi tiếng Gerald Cannon Hickey thì  danh từ Chru (Chu-Ru) xuất phát  từ danh từ ghép “Cham-ro”, tức “Cam juk” (nếu viết theo hệ thống la-tinh của Étienne Aymonier trong Dictionnaire Cam Francais), nghĩa là “Chàm tị nạn”[3]. Có giả thuyết lại cho rằng danh từ Chu-Ru là từ ghép tiếng Chàm, “Cam Bruh”, có nghĩa là “Người Chàm chạy trốn”. Ngày nay người Chu-Ru còn hát một bài hát theo ý nghĩa này, với từ “Cam bruh” được lặp đi lặp lại như một điệp khúc, vừa hát, vừa múa, vừa thổi “rơkel”, vừa đánh trống “pơnơng”.[4] Henri Maitre nói rằng người Ra-Glai, cũng gọi là “Urang Glai”, tức là “Người Rừng”, chiếm toàn bộ phần đất dưới chân Hoành Liên Sơn của An-Nam, trong một vòng cung rộng lớn, từ Khánh-Hòa ở Đông-Bắc đến vùng Tánh-Linh ở Tây-Nam, ở Tây-Bắc họ dừng lại ở Dà-Mbré là nơi họ tiếp giáp với  người Mạ. Ở phía Bắc, họ bị bọc bởi người Tula, người Kayong, người Tenlup và người Chu-Ru. Người Chu-Ru ở phía sau người Ra-Glai và đến lưng chừng Đa-Nhim và họ chiếm thung lũng Đa-Nhim đến bên kia vùng Dran. Họ ở thung lũng Kajong và những tổng của Lauang. Phương ngữ (dialect) của họ hơi pha các yếu tố Cơ-Ho. Ở một ghi chú, nhà khám phá trứ danh này còn xác định: Người Chu-Ru nói tiếng Co-Ho một cách vô tư; một vài làng Chu-Ru còn chuộng ngôn ngữ này hơn tiếng nói của họ, điều này dẫn đến sai lầm là xếp cả bộ tộc của họ vào ngữ hệ thứ hai. Đó là điều ông Cabaton, người đã khám phá những người Chu-Ru miền nam, đã làm. Tuy nhiên, vấn đề này đáng được nghiêm chỉnh xem lại.[5] Quả thật đã có sự lẫn lộn về cư dân của thung lũng Đa-Nhim. Ngoại trừ người Chil còn những cư dân khác ở thung lũng này tất cả đều nói rằng họ là người Chu-Ru. Nhưng một phần cư dân này lại nói tiếng Cơ-Ho, phương ngữ Nam-Á, có vẻ trái ngược với xác quyết này. Chính vì thế mà các nhà sắc tộc học (ethnologists) đã gọi họ là người Kodu hay Koddu.[6] Khi được hỏi thì họ đều đồng thanh: Kodu là tên gọi mà người Chil, người Lạt, người Mờ-Nông gọi tất cả người Chu-Ru ở thung lũng này. Sự xác định này xuất phát từ miệng những cư dân cao tuổi nhất ở thung lũng đã nói với một vị khách đặc biệt khác là Marcel Ner.[7] Cũng như thế, nhà nghiên cứu, nữ tu Albina Ferreiros ghi nhận rằng những người già ở thung lũng sông Đa-Nhim quả quyết rằng người Chil, người Lạt gọi người Chu-Ru là Kodu hoặc Koddu. Họ nói người Chil, người Lạt, người Co-Ho gọi người Chàm là Prum, và người Chu-Ru là Prum Kodu. Theo Albina Ferreiros, không bao giờ cư dân thung lũng Đa-Nhim tự nhận họ là Kodu. Nếu có ai hỏi họ là người gì bao giờ họ cũng sẽ trả lời đơn giản là: “Any Kon Cau.” Nghĩa là : Tôi là Con Người. Thế nên, Cau hoặc Cô, hoặc Crau hoặc Crô hoặc Cru, tức Chu-Ru, thể hiện chính xác cùng một từ là: Người.[8] Theo chúng tôi được biết thì tên gọi “Chu-Ru” này đã xuất hiện trước nhất, sớm nhất là trong ngôn ngữ Chàm, cụ thể là trong bài niệm chú “Nữ thần Nogarai và những con rắn” cùng bài tụng ca “Po Pan”.[9] Có thể nói được là danh từ Chu-Ru xuất hiện dưới thời Po Rome (hay Po Rame) (1621-1657) vì những bài niệm chú, tụng ca này xuất hiện sau thời Po Rome và người Chàm vẫn luôn cho rằng vua Po Rome là người Chu-Ru. Về phương diện tộc người, căn cứ trên những chứng liệu về ngôn ngữ, thơ ca, phong tục tập quán và địa bàn sinh hoạt,  thì người Chu-Ru và người Ra-Glai (Urang Glai) cũng đều là người Chàm cả.  Chuyện người Chàm chạy trốn lên Tây Nguyên (Lâm Đồng) và sang Campuchia đã dẫn đến việc một số kho báu của vua chúa Chàm được mang theo và cất giấu ở Lâm Đồng. Người Chu-Ru đã được tin tưởng giao nhiệm vụ giữ những báu vật của vua chúa Chàm. Địa danh Lauan, – người Việt đọc là Loan và các nhà nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Ecole Francaise d’Extrême-Orient. EFEO) rất nhiều lần đọc nhầm thành Lavan hay Lavang, người Chu-Ru ở Loan còn được gọi là người Noang -, cùng với các làng Cvah, Praik, Kajon, Sopmadronhay, Lơ-bui, Pan Thieng…gắn liền với câu chuyện kho báu các vua Chàm. Đó là những nơi lưu trú của người Chu-Ru nhưng nhiều nhà nghiên cứu vẫn vô tình hay hữu ý bảo là của người Cơ-Ho (Koho, Kaho).[10] Có lẽ vì là một sắc tộc thiểu số quá ư là thiểu số như thế nên người Chu-Ru ít được biết đến. Trong cuốn “Minority Groups in the Republic of Vietnam” dày 1174 trang, xuất bản năm 1966, nhóm tác giả thuộc “Summer Institute of Linguistics” không viết một chữ nào về người Chu-Ru. Các tác giả viết tiếng Việt gần đây khi viết về người Chu-Ru không hề đề cập đến các tác giả người Pháp đã từng đề cập nhiều đến người Chu-Ru như Étienne Aymonier, Antoine Cabaton, Prosper Odend’hal, Marcel Ner, Albina Ferreiros.  E. Aymonier, đồng tác giả của tác phẩm nổi tiếng Dictionnaire Cam-Francais, trong bài Notes sur l’Annam, Première partie, Le Binh Thuan đăng trên Excursions et Reconnaissances, no 24, juillet-aôut 1885 đã nêu lên được tám nhóm người Chu-Ru (ông ta gọi người Chu-Ru là Tjrou): Tjrou Bathei, Tjou Karang, Tjrou Daroui, Tjrou Habuei Badang, Tjrou Lapa-Kroeum, Tjrou Ier, Tjrou Tjil, Tjrou Tangram. Có thể nói E. Aymonier là tác giả đầu tiên viết (biết) nhiều về người Chu-Ru. Sau đó, năm 1902, hai tác giả Antoine Cabaton và Prosper Odend’hal đã đưa ra được một số từ mà hai ông cho là thuộc ngôn ngữ Chu-Ru có so sánh với một số ngôn ngữ các sắc tộc thiểu số khác như Chàm, Gia-Rai, Ba-Na…trong bài viết Dix dialectes indochinois recueillis par Prosper Odend’hal đăng trên Journal Asiatique, mars-avril 1905; pp. 265–344. Và A.Cabaton trong phần dẫn nhập của tập tài liệu này đã xếp ngôn ngữ Chu-Ru thuộc nhóm Môn-Khơme. Ban đầu Henri Maitre cũng đồng quan điểm này.[11] Nhưng ba năm sau trong cuốn Les Jungles Moi[12] ông ta cùng với Henri Maspéro[13]và Marcel Ner[14]lại dứt khoát đặt người Chu-Ru thuộc  nhóm chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Chàm mà không giải thích lý do vì sao đã xem thường quan niệm của P.Odend’hal. Việc giải thích thật ra thì không khó: P.Odend’hal đã không hề thu thập từ vựng Chu-Ru. Trong công trình của ông, trong số khoảng 400 từ tiếng Pháp có đối chiếu so sánh với các từ của mười ngôn ngữ sắc tộc, tiếng Chu-Ru được xem là được đối chiếu nhiều chỉ sau tiếng Chàm, tiếng Gia-Rai, tiếng Ba-Na…, thì 88% các từ được gọi là tiếng Chu-Ru đó lại là tiếng Cơ-Ho, 8% là những từ  chung cho cả hai ngôn ngữ này và phần còn lại là những từ, có thể là từ cổ, những tàn dư của một ngôn ngữ mà làng Korang Go là nơi cuối cùng còn dùng và hình như chẳng còn gặp thấy những từ đó trong những ngôn ngữ thuộc nhóm Nam-Đảo lẫn nhóm Nam-Á. Năm 1929 Marcel Ner, giáo sư Trường Albert Sarraut được Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp giao làm một cuộc thám du trong kỳ hè năm 1929 và 1930 để nghiên cứu các sắc tộc theo mẫu hệ. Bản tường trình năm 1930 quan trọng và rất thú vị của M.Ner đăng trên Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient. Tome 30, 1930. pp.185-227 đã đề cập nhiều đến người Chu-Ru có kèm theo một số hình ảnh. Ông còn xác nhận rằng vua chúa Chàm trong khi chạy trốn đã giao cho người Chu-Ru những kho báu rất quan trọng; kho báu ở Lauan và ở Kayon mà linh mục E.Durand và ông H.Parmentier đã miêu tả, và hai kho báu kém quan trọng hơn ở Lơ-bui và Ta Huet. Và người Chu-Ru đã cẩn trọng trung thành gìn giữ những kho báu ấy. Ông còn cho biết hầu như mọi người Chu-Ru đều nói một phương ngữ Chàm và người ta còn tìm thấy trong số họ những người có thể đọc và viết chữ Chàm nữa.[15] Và có thể nói nghiên cứu bài bản và khoa học nhất từ xưa đến nay chuyên về người Chu-Ru vẫn là công trình ít được biết đến của nhà nghiên cứu, nữ tu Albina Ferreiros, tác phẩm Les Kon Cau de Da-Nying – Contribution à l’étude ethnologique des Cru et des Cil du district de Đơn Dương Tuyên Đức. Năm 1970 Touneh Hàn Thọ, con trai của tri huyện người Chu-Ru Touneh Hàn Đăng, có viết một luận văn thạc sĩ dày 482 trang với nhan đề Một quan niệm mở mang xã hội Thượng trong triển vọng phát triển quốc gia. Có thể gọi đây là một tác phẩm sắc tộc học độc nhất vô nhị do chính một người Chu-Ru viết về sắc tộc mình. Nhưng rất tiếc hiện chúng ta không tìm đâu ra công trình này. Theo lời cô Touneh Nai Chanh, một người cháu nuôi, và bà Touneh Hàn Đào, con gái ruột, của Touneh Hàn Đăng, thì sau năm 1975 vì quá lo sợ, chính họ đã đốt tất cả rồi. Gerald Cannon Hickey, trong cuốn sách rất đặc sắc và nổi tiếng Sons of the Mountains: Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands to 1954, xuất bản năm 1982 viết rằng trong thời kỳ thay đổi những nhà lãnh đạo cao nguyên có uy thế nhất ở vùng Dalat xuất thân từ người Chu-Ru là những người ở trong thung lũng Đa Nhim giữa Dalat và đồng bằng ven biển. Mặc dù họ là nhóm sắc tộc tương đối nhỏ (khoảng 15.000 ), người Chu-Ru là những người cao nguyên tiến bộ nhất vì mối liên hệ lịch sử của họ với người Chàm.[16] G.Hickey còn nói nhiều đến người Chu-Ru trong cuốn Free in the Forrest: Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands 1954-1976 xuất bản năm 1982 và nhất là trong cuốn Shattered World xuất bản năm 1993.

Nhưng ai là người đầu tiên đưa tin các kho báu của vua chúa Chàm đã được cất giấu ở chỗ người Chu-Ru? Đó là một nhà truyền giáo người Pháp thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, cha Marie Louis de Gonzague Villaume (1858-1900), người Công giáo ở Ninh Thuận quen gọi là Cố Đề. Ở Phan Rang Ninh Thuận có những đồng ruộng người ta quen gọi là Đồng Ông Cố. Ông Cố ở đây chính là Ông Cố Villaume này chứ không phải một Ông Cố khác có tên là Marie Julien Geoffroy (1871-1918), một linh mục thừa sai người Pháp khác cũng rất nổi tiếng và có công trong việc dẫn thủy nhập điền và khai hoang lập điền ở Ninh Thuận, một người cộng tác của Cố Villaume và đã tiếp tuc những công trình của Cố Villaume 18 năm sau khi cố Villaume mất (năm 1900). Cố Geoffroy nói được tiếng Chàm, chơi được nhạc cụ Chàm, nhân công làm việc với cố đa số là người Chàm. Trong trang mở đầu (trang 1) bài Kho báu các Vua Chàm (Le Trésor des rois chams) đăng ở Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (BEFEO), tập 5, năm 1905, nhà nghiên cứu và sau này là giám đốc của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, ông Henri Parmentier, có viết: “Từ nhiều năm nay cha Villaume đã báo nơi người Mọi có một kho báu các vua Chàm.; việc này thường là bị nghi ngờ. Một tình cờ may mắn vào năm 1902 đã cho phép xác nhận sự chính xác của các thông tin mà cha đã nhận được…”[17] Cố Villaume đã mất năm 1900 và đến năm 1902 việc tìm kiếm xác minh những kho báu này mới được tiến hành. Lần này chính H.Parmentier phải nhờ đến một linh mục người Pháp khác cùng đi mới có thể tìm ra những nơi chốn ấy. Đó là cha Eugène Durand (1864-1932). Đây là một nhà nghiên cứu văn hóa Chàm rất nổi tiếng, và rất có uy tín,  cùng được người Chàm tín cẩn. Cha E.Durand cộng tác với Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp viết nhiều bài nghiên cứu về văn hóa Chàm rất chuyên môn và đặc sắc thuộc nhiều lãnh vực, bia ký, lịch sử, khảo cổ, tôn giáo, phong tục tập quán, ngôn ngữ, dân ca, văn học. Trong đó có bài viết về Tháp Po Romé; chính cha là người đã dịch phần bia ký ở Tháp Po Rome. Cha E.Durand đã được chuyển đến truyền giáo vùng Phan Rí năm 1899, đúng một năm trước khi cha L.Villaume mất! Có thể nói được là lúc bấy giờ cha E.Durand là người thứ ba am hiểu nhất về người Chàm và vùng đất này, sau cha L.Villaume và cha M.Geoffroy. Và cha lại là vị thừa sai thứ hai tiếp xúc với người Chu-Ru (trong dịp đi tìm kiếm xác minh các kho báu của vua Chàm được cất giấu nơi người Chu-Ru). Có đọc những ghi chú tỉ mỉ đường đi nước bước cuộc hành trình tìm kiếm xác minh các kho báu của vua chúa Chàm được cất giấu ở những buôn làng nơi người Chu-Ru sinh sống mới thấy được sự am tường của cha E.Durand về những vùng đất đó.[18]

Vị thừa sai thứ ba được xem là đã tiếp xúc với người Chu-Ru phải là linh mục Jacques Lucien Dournes (1922-1993) Tuy Cha J.Dournes vẫn thường được xem là nhà sắc tộc học chuyên về người Cơ-Ho và người Gia-Rai nhưng nếu đọc cuốn En suivant la piste des hommes sur les hauts-plateaux du Vietnam[19] chúng ta thấy từ năm 1946, trong cuộc đi bộ trên những cao nguyên ở Miền Nam Việt Nam cha đã từng tiếp xúc với người Chu-Ru; cha có nói đến những kho báu các vua chúa Chàm ở những trang 24, 25, 158, 160; đặc biệt ở chương IX (từ trang 141 đến trang 177) cha J.Dournes đã miêu tả khá đầy đủ về người Chu-Ru và người Chil cùng với những phong tục tập quán ma chay cúng bái nghề nghiệp và hai cái đền của người Chu-Ru còn mang dấu ấn của người Chàm. Cha viết là đã đi dọc thung lũng Đa Nhim xứ của người Chu-Ru và người Noang này với mục đích nhằm thiết lập một giáo điểm truyền giáo ở bên này sông mà lúc ấy chưa có một thừa sai Công-Giáo nào giữa bốn ngàn dân của sáu mươi ngôi làng cha đã đi qua; trong khi các mục sư Tin-Lành đã rửa tội cho một số tín đồ bằng cách nhúng họ dưới dòng sông mà cha gọi là sông Giô-đan mới. Vùng đất ấy đang biến đổi toàn vẹn; những người Chu-Ru, cũng như những người Gia-Rai ở phía Bắc, đang tự cai trị lấy mình: những người “mau mắn” đã làm ăn buôn bán và sử dụng xe cộ. Điều đáng chú ý là những bộ tộc có gốc gác Chàm này – Chu-Ru, Gia-Rai, Ra-Đê –  tiến xa hơn những nhóm sắc tộc khác đến độ đã cung ứng cho họ những giáo viên, y tá, viên chức phổ thông. Trong vùng này còn có người Srê (Cơ-Ho). Người Srê nói với cha J.Dournes là ở xứ của người Chu-Ru thì phụ nữ làm việc ngoài đồng còn đàn ông thì giữ nhà! Nhưng có điều chung là dân ở vùng này mọi người đều nói bốn thứ tiếng: Chu-Ru, Cơ-Ho, Việt và Pháp. Cha J.Dournes nói là ao ước được như họ và rất ngưỡng mộ họ.[20] Chắc có lẽ theo gương này về sau cha đã soạn ba cuốn từ vựng đa ngôn ngữ![21] Trong vùng, ở Ka Đê, còn có một nét tiến bộ khác nữa là có một trường học đa sắc tộc, với sáu giáo viên, ba người Ra-Đê, một người Ba-Na và hai người Chu-Ru.[22] Trong những ngày cha J. Dournes đi ngang qua Jom (Diom), có thể gọi là “thủ phủ” của người Chu-Ru, cha đã tiếp xúc, và dùng bữa với một nhân vật người Chu-Ru rất có thế lực lúc bấy giờ là Hàn Đăng nên cha có đủ điều kiện miêu tả kỹ lưỡng gia đình, gia cảnh  ông này. Với người vợ thứ nhất là người Chàm ông ta có hai người con trai, một người làm  hiệu trưởng trường học, người kia là sĩ quan. Người vợ thứ hai là người Chu-Ru sinh cho ông ta một người con trai lúc ấy là một quan chức. Với người vợ thứ ba là người Việt ông ta có ba người con trai đang đi học. Nhà cửa của ông này thì nửa Chàm nửa Việt; đồ đạc trong nhà thì theo kiểu tây. Có hoa chưng trong bình; trên tường có treo ảnh gia đình. Nhân vật số một người Chu-Ru này có hàm râu trắng bạc đậm nét Chàm. Ông ta nói tiếng Cơ-Ho sõi như nói tiếng Chu-Ru cũng như bao người khác trong buôn làng. Hàn Đăng đãi cha bữa ăn ngon lành thịnh soạn, cuối bữa có trà, có tăm xỉa răng , có khăn nóng. Người nấu ăn cho ông ta là một người Việt gốc Hà Nội có vợ là người Chu-Ru. Sáng hôm sau cha còn làm lễ sáng ngay trên bàn ở “phòng khách” của Hàn Đăng trong khi chủ nhà chưa theo đạo. Đây là dịp để cha giải thích cho chủ nhà hiểu về thánh lễ.[23] Phải nói đây là một trường hợp ngoại lệ và rất đặc biệt. Đa số người Chu-Ru không được như vậy. Họ vẫn luôn là những người cần đến thuốc men, bất kỳ ở đâu hễ gặp cha J.Dournes là hỏi xin thuốc; họ vẫn nghĩ là thuốc của “ông cha” thì hiệu nghiệm hơn mọi thứ thuốc khác.[24] Đặc điểm ở đây là có rất nhiều thầy bùa, thầy phù thủy, thầy cúng. Và họ uống rượu cần rất nhiều, trong tất cả mọi tụ tập, hội họp, lễ lạt, ma chay, cúng bái, tiệc tùng lớn nhỏ. Ở trang 164 cha có viết như thế này: “Bắt đầu từ đâu để rao giảng Tin Mừng  cho cái xứ sở của những thầy bùa (thầy cúng) và hủ rượu này, nếu không phải là hiện diện và im lặng ?”[25] Một vấn nạn được đặt ra thể hiện đầy đủ quan niệm rất đặc trưng về truyền giáo của J. Dournes. Có lẽ đây là chương đã “gợi hứng” cho cháu của cha là nữ tu Albina Ferreiros về sau này viết tác phẩm Les Kon Cau de Da-Nying – Contribution à l’étude ethnologique des Cru et des Cil du district de Đơn Dương Tuyên Đức. Đặc biệt trong chương này ở trang 142 còn có một bản đồ tuy nhỏ nhưng khá đầy đủ các làng người Chu-Ru dọc phía Nam sông Đa Nhim mà cha không những đã từng đi ngang và nhiều lúc còn lưu lại đó. Đây quả là một tác phẩm độc đáo đọc rất thú vị. Tác phẩm thể hiện rõ tài năng của một nhà văn, sự đam mê của một nhà nghiên cứu và lòng nhiệt tình của một nhà truyền giáo.

Mãi đến năm 1954 một nhà truyền giáo người Pháp khác là Cha Francois Darricau (1919-1997) mới lại nhắc đến người Chu-Ru. Trong bài tường trình mang tính chất ký sự rất lôi cuốn tựa đề Semailles đăng ở Tập san Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris[26] cha F.Darricau có kể năm 1954 khi cha ở Dran với ba giáo xứ người Việt cha có dịp gặp trên đường những thanh niên người Thượng xin cha một cuốn giáo lý. Họ hỏi bao giờ thì buôn làng của họ mới có được một Cha. Vì họ đang ở trong bóng tối nên cần có ánh sáng. Họ nói tiếng Pháp. Cha F.Darricau bị kích động vì lòng chân thành của họ, nhưng cha chẳng làm gì được vì cha không biết gì về ngôn ngữ của họ để mà đến nói chuyện với những người lớn tuổi trong buôn làng của họ. Cha nghĩ rằng họ đang nói một thứ ngôn ngữ Ra-Glai – Chu-Ru hoặc Chil nào đó trong khi cha đã được phân công học tiếng Srê – Cơ-Ho để trông coi xứ Kala. Nhưng cha cho rằng cần phải học tiếng Ra-Glai để dịch giáo lý và các kinh sang ngôn ngữ này. Rõ ràng cha chưa phân biệt được tiếng Chu-Ru với tiếng Ra-Glai nhưng cha có thấy sự giống nhau[27]. Marcel Ner, trong bản tường trình năm 1930 đăng trên Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient. Tome 30, 1930, viết: “Chính những người Chu-Ru đã tự phân biệt có ba nhóm Chu-Ru: Chu-Ru Ra-Glai ở phía Tây; Chu-Ru Chàm ở phía Đông Nam; Chu-Ru Cơ-Ho nói tiếng Cơ-Ho ở phía Đông Bắc.”[28] Điều này chỉ có nghĩa là những người Chu-Ru ở phía Tây sống gần gũi người Ra-Glai, người Chu-Ru ở phía Đông Nam sống gần người Chàm, người Chu-Ru ở phía Đông Bắc sống gần người Cơ-Ho, và đương nhiên là sống gần ai thì tiếng nói cũng chịu ảnh hưởng tiếng nói của người ấy, nhiều khi còn nói tiếng của người ấy nữa. Năm 1958 cha F.Darricau thiết lập “Trung tâm Thượng M’lon” (Le Centre Montagnard M’lon). Từ M’lon cha F.Darricau đã theo con đường Dran tìm đến anh em Chu-Ru ở Diom để đáp lại lời thỉnh cầu năm nào. Và cứ mỗi chiều thứ bảy cha F.Darricau sang nhà thờ ở Diom tập giúp lễ, tập hát bằng tiếng La-tinh để sáng Chúa Nhật dâng lễ dù rằng những người dự lễ thì chưa được Rửa Tội. Sau thánh lễ Cha miệt mài trong việc dạy Giáo lý cho bà con buôn làng Diom và các làng kế cận từ năm này sang năm khác mà không vội Rửa Tội ngay. Tuy nhiên, cha F.Darricau vẫn ưu tiên đón nhận các em bé sơ sinh gia nhập Hội Thánh Công Giáo. Có thể nói được là Diom đã trở thành một thí điểm truyền giáo quan trọng của người Thượng nói chung và người Chu-Ru nói riêng vì ở đó lúc ấy có một nhà thờ tương đối lớn, chung quanh đó tập trung năm buôn làng nhỏ có đến 500 dự tòng. Ngoài ra phần lớn thành phần trí thức người Chu-Ru xuất thân ở Diom và phong trào truyền giáo phát triển mạnh một phần cũng nhờ uy tín của một nhân vật người Chu-Ru rất có quyền lực là Hàn Đăng, một quan chức cũ, một người con của ông ta là sĩ quan, hai người con khác là viên chức. Một trong hai người này đã học Trường của các Sư Huynh ở Dalat, và đã rửa tội. Chị của anh ta đã rửa tội, người em út sắp tới cũng sẽ rửa tội. Ông bố gia đình có thế lực lớn trong vùng. Ông ta trở lại đạo, mặc dù bà vợ người Việt theo đạo Phật thật dữ tợn, và cứ thế ông đã lôi kéo được năm buôn làng về với Giáo Hội. Mặc dù chưa nắm vững những tín điều chính yếu của Công Giáo, nhưng ông ta không ngần ngại giảng thật sự trước nhà thờ, trước hay sau lễ, một khi ông ta tin là cần phải can thiệp để giải thích những lời nào đó của diễn giả – chắc chắn đã không diễn đạt được rõ ràng! – và vị này phải đợi cho xong phần chú thích mới được tiếp tục. Có ngày Chúa Nhật, ông ta dự lễ đầu đôi mũ bê-rê; trong khi  tất cả mọi người không đội mũ. Không ai hút thuốc hoặc nói chuyện trong khi dự lễ, trẻ con thì không chạy ngược chạy xuôi, không cãi cọ nhau: thật là nghiêm trang chỉnh tề. Một thanh niên đọc những lời kinh gần như từng chữ để cả cộng đoàn lặp lại. Tiến bộ ngay từ đầu không thể tưởng! Sinh hoạt tôn giáo ngày Chúa Nhật ở Diom đã trở nên nề nếp và thành công bất ngờ.[29] Ngoài việc dạy giáo lý và làm những công việc mục vụ thông thường khác cha F.Darricau còn nói đến một công việc rất đặc biệt khác là việc tẩy uế buôn làng, đồng ruộng, nhà cửa để trừ tà thần, xua đuổi ma quỷ bằng cách cắm thánh giá trên những ruộng đồng, trong nhà cửa rồi rảy nước thánh, nhổ các “gơnừng” (cây nêu), thu hết “prah yàng”(kệ cúng), phá hết “đềk mơtêi”(đá thần), các “gri”(hủ đất sét). Cha F.Darricau viết: Nhờ ơn Chúa giúp người ta sẽ làm Ki-tô hữu tốt. Đã có tiến triển lớn: họ đã đốt những thần bảo hộ. Đó là một biến cố trong các buôn làng, một cuộc cách mạng. Cha đã giải thích cho họ rằng từ nay những ông thầy phù thủy không được hành nghề nữa và họ phải đem nộp đồ nghề của họ nơi ông chánh tổng, điều này đã được thực hiện: năm buôn làng, năm ông thầy phù thủy. Không còn chuyện cúng bái các thần ở đồng ruộng hay những thần thánh khác nữa. Các cánh đồng phải được rảy nước thánh, mỗi nhà được cắm một cây thánh giá. Và tất cả các gri tượng trưng hoặc chứa một ông yang, một ông thần, phải được thu lượm và đốt hết. [30] Và kết cuộc được diễn tả qua lời cảm ơn ứng khẩu của một ông già trong buôn làng: “Thưa Cha, chúng con cảm ơn Cha, Chúng con rất hài lòng. Bây giờ thì chúng con thoát khỏi mấy ông thần đã làm chúng con tốn bộn tiền…”[31] “Như vậy có thể nói cha F.Darricau khởi sự truyền giáo cho người Chu-Ru trước tiên, dù sống ở M’lon nhưng truyền giáo đầu tiên ở Diom vì công việc ở M’lon thường được cha giao cho các soeur dòng Phan Sinh (1959); và em bé Pierre Touneh Hàn Phụng là Ki-tô hữu người Thượng đầu tiên (7/6/1959) của Giáo Hạt Đơn Dương khởi sự từ công cuộc truyền giáo của cha F.Darricau. Em bé tiên khởi Pierre Touneh Hàn Phụng này cũng là đại diện cho 3 sắc tộc, vì em là người Chu-Ru có bố là người Cơ-Ho (Lát) và mẹ là người Kinh (nửa Chu-Ru nửa Hoa, con riêng của Touneh Hàn Đăng)….Nếu ngày xưa cha Alexandre de Rhodes (Ông Tổ Chữ Quốc Ngữ) truyền giáo ở Việt Nam trong 21 năm (1624-1645) đã Rửa Tội được 6700 người thì cha F.Darricau, một hậu duệ sau hơn 300 năm, cũng 22 năm truyền giáo ở Việt Nam đã đạt được con số gần 2000 Ki-tô hữu (sổ M’lon là 1717 cộng thêm ở Dran, Kala rồi Diom) là một thành quả cũng đáng khâm phục.”[32] Năm 1960 cha Christian Grison (1929-2007) được gửi đến Diom để thiết lập một cơ sở mới nơi người Chu-Ru, nhưng năm sau (1961) cha lại chuyển về Cam-Ly. Như vậy có thể xem từ đầu cho đến năm 1955 chỉ là giai đoạn tiếp xúc mà thôi. Và cha F.Darricau phải được xem là vị thừa sai đầu tiên truyền giáo cho người Chu-Ru. Theo tài liệu của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris thì trước năm 1955 hai cha Octave Lefèvre (1907-1955) và Fernand Parrel (1907-1992) cùng với một nữ tu người Việt thuộc Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phaolô có tiếp xúc với người Thượng (Montagnard), nhưng tài liệu không xác định trong số những người Thượng đó có người Chu-Ru không. Chúng ta cũng biết bà Hélène Touneh Hàn Đào, sinh năm 1937, con ngoại hôn của Touneh Hàn Đăng, do ảnh hưởng của việc học trường Công Giáo, đã trốn mẹ nuôi băng qua sông Đa Nhim đến nhà thờ Lạc Lâm xin cha Nguyễn Hữu Kỳ Rửa Tội vào năm 1954. Còn ông Lucien-Francois Touneh Hàn Thọ (anh cùng cha khác mẹ với bà Touneh Hàn Đào) lúc ấy là học sinh của Collège d’Adran Dalat đã chịu Phép Rửa ngày 17/2/1955 tại nhà thờ Dalat (Số Rửa Tội số 5377 bis, quyển 9). Từ năm 1961, công việc truyền giáo cho người Chu-Ru ở vùng phía nam sông Đa-Nhim mới được giao cho các cha thuộc Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn (Lazaristes). “Với nhân sự nhiều hơn, các cha chia nhau đi các nơi: năm 1964 cha Gabriel Déthune đi Srêboê (ngày nay thuộc vùng Đà Loan) với sự cộng tác của các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Có thể gọi Srêboê là ‘Trung tâm Thượng’ của cha G.Déthune. Từ đó cha đi đến các vùng chung quanh: Tùng Nghĩa, Tà In, Tà Năng…Năm 1968, vì chiến tranh, cha G.Déthune chuyển từ Srêboê ra Dagun (gần cầu Đại Ninh). Năm 1970 cha René Dulucq đi Ka Đô. Năm 1972 cha Jacques Gros đi Ka-Đơn với sự cộng tác của các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Cũng trong năm 1972 cha Victor Berset từ trại phong Bến Sắn đến Diom thay thế cha Robert Cartier về Pháp. Các cha xây dựng ở mỗi làng một nhà nguyện, cứ hàng tuần đến các làng cử hành Thánh Lễ, dạy giáo lý, rửa tội, phát thuốc… Các cha, cách riêng cha G.Déthune, hoàn chỉnh  các kinh đọc bằng tiếng Chu-Ru do cha F.Darricau để lại, dịch thêm một số kinh đọc mới, hoàn thành một tập giáo lý mỏng bằng tiếng Chu Ru, Bộ Lễ Chúa Nhật Quanh Năm A, B, C với gần đầy đủ các mùa, một cuốn Tự Vị Chu-Ru Pháp, và đặc biệt hơn cả, bản dịch phần Thường Lễ bằng tiếng Chu-Ru. Riêng cha R.Dulucq với khiếu âm nhạc, cha đã viết một số bài hát Phụng Vụ mang âm hưởng Chu-Ru.”[33] Nhưng các nhà truyền giáo Vinh Sơn cũng là những người quá “tiết kiệm lời nói” thành ra chúng ta không có thông tin gì nhiều về người Chu-Ru. Gần đây chúng tôi được biết cha René Dulucq, từng là Bề trên các cha Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn ở Việt Nam, năm 1965 có viết một tập sách tựa đề là La Cendre des Souvenirs (Tro tàn kỷ niệm). Chắc cha R.Dulucq có nói đến việc truyền giáo cho người Chu-Ru trong tập sách này, nhưng tiếc là đến nay chúng tôi chưa có cuốn sách này.

Nhưng câu hỏi vẫn luôn ấp ủ trong đầu chúng tôi từ khi đến giáo xứ Ka-Đơn, gặp Cha Nguyễn Đức Ngọc, rồi gặp người Chu-Ru Công giáo là: Vị thừa sai nào là người đầu tiên tiếp xúc với người Chu-Ru? Vì như trên chúng ta chỉ mới giả định Cha L.Villaume là người đầu tiên tiếp xúc với người Chu-Ru với bằng chứng là cha L.Villaume đã biết số kho báu của các vua chúa Chàm đã được cất giấu ở nơi người Chu-Ru mà thôi. Nhờ ơn Chúa, chúng tôi đã có được giải đáp khi tìm được tập hồi ký Un Souvenir de la persécution dans la mission de Cochinchine orientale của cha L.Villaume. Đó là bản tường thuật cuộc chạy trốn Giặc Văn Thân, kéo dài từ ngày thứ ba 25 tháng tám đến ngày thứ ba 15 tháng chín năm 1885. Xin trích dịch ra đây những đoạn cha L.Villaume có đề cập đến người Chu-Ru. Hồi ký này vốn là một bức thư dài Cố L.Villaume gửi cho bố mẹ, viết tại Bà Rịa ngày 8 tháng 12 năm 1885 sau 22 ngày chạy trốn giặc Văn Thân.

“……Thứ bảy 29 tháng 8 năm 1885……Ở đây, chúng con đang ở trong xứ của người Chu-Ru, hoặc Chu, theo như những người An-Nam cho biết. Tất cả những người dân man dã ở đây đều là thợ rèn và rèn rất tốt loại sắt hoang sơ rất được ưa chuộng này; để chế tạo những dụng cụ sắc bén thì người An-Nam thích thứ này hơn thứ thép của Châu Âu… Chúa Nhật 30 tháng tám…Trên suốt con đường những đồng ruộng xinh đẹp được những người dân cần cù siêng năng canh tác cẩn thận. Những con mương, những sườn dốc, những con đập trên những suối nước cho thấy rằng người Chu-Ru chẳng hề thua kém người An-Nam. Nói một cách tinh tế một chút thì chúng con gặp được những người rất hiếu khách. Nhất là phải nói đến hai sắc tộc Chu-Ru và Cơ-Ho. Quả thật, họ chỉ man dã trên danh xưng, chuyện mê tín và việc khỏa thân mà thôi. Ngôn ngữ của họ khác với ngôn ngữ của người Ra-Glai và người Chàm ở Bình-Thuận, nhưng họ hiểu được người Chàm và nhiều từ ngữ của người Chàm đã thâm nhập vào trong ngôn ngữ của họ. Họ nuôi nhiều gà, đó là thức ăn thường ngày của họ, heo thì được dùng để đổi lấy muối ở xứ người An-Nam, nhưng với cái giá một phần hai mươi giá trị thật. Những người man dã này phải chịu cái ách của người An-Nam như thế. Cần có muối để sống, nên chi phải vâng phục tham vọng của người An-Nam… Tất cả những điều mê tín dị đoan của các bộ lạc này đều rất giống nhau; chẳng có gì ngoài những điều ngớ ngẩn. Đôi khi họ dâng cúng cho Giàng một con trâu; điều này diễn ra sau những vụ mùa bội thu. Đối tượng chính của việc cúng bái ở khắp nơi hầu như bao gồm một mảnh gỗ vuông được chạm trổ khéo léo ít nhiều, từ đó rủ xuống những  tua viền làm bằng những sợi gai dầu. Mảnh gỗ vuông này mỗi cạnh chừng 50 xentimet và các tua viền dài 70 xentimet. Thông thường, nó được treo ở giữa nhà đối diện với cửa ra vào. Người dân đưa mắt hướng về vị thần linh lạ lùng này, nơi ngự trị của ma quỷ này, để khấn vái và cầu xin; điều này diễn ra mỗi khi họ chuẩn bị uống rượu. Cũng có những cái am làm bằng lá cây ở gần những đám ruộng; những người Chu-Ru và Cơ-Ho ít mê tín hơn những sắc tộc khác, và người Chu-Ru còn ít mê tín hơn người Cơ-Ho nữa. Vì tất cả những lý do này, con tin rằng những bộ tộc này có thể mở mắt đón nhận ánh sáng của Tin Mừng. Nhưng chưa từng có vị thừa sai nào đi ngang qua những vùng đất này, dù ở đây không hề kém trù phú so với vùng đất của người An-Nam. Thậm chí cho đến nay, xứ sở này vẫn còn xa lạ. Có 4 tổng của người Chu-Ru và 8 tổng của người Cơ-Ho phải đóng thuế cho Phan-Rí. Xa hơn về phía bắc, còn có những người Chu-Ru lệ thuộc các quan ở Phan Rang, nhưng con không biết họ có đông hay không. Có lẽ Thiên Chúa nhân lành đã sai con đến những vùng đất này với một mục đích nhiệm mầu mà chỉ có Người mới biết được, đúng ngay lúc con bị trục xuất ra khỏi xứ An-Nam. Những người Chu-Ru đã từng yêu cầu con đến thăm họ, nhưng là vị thừa sai duy nhất ở Bình Thuận, con không thể nào rời khỏi nhiệm sở của con được. Có thể nói được rằng hôm nay Thiên Chúa bắt con phải đi đến đó. Tuy nhiên, bao lâu họ còn ở dưới tay của người An-Nam, thì con ngờ rằng bấy lâu chúng con chẳng thể làm gì được cho họ. Con thấy toàn bộ đồng bằng này trong lành và có thể canh tác được…Thứ hai 31 tháng tám…Chúng con thấy nhà của người Chu-Ru sạch sẽ và trong lành bao nhiêu, vì chúng nằm trên cao và xa các chuồng trâu bò, thì nhà của người Co-Ho lại bẩn thỉu và ô nhiễm bấy nhiêu; chúng cũng được xây dựng trên những trụ cột, nhưng cách mặt đất một mét, dưới sàn nhà làm bằng tre lúc nhúc nào heo, nào dê với hàng trăm con gà mái, thậm chí có khi những con dê và những con gà mái chia nhau một góc nhà của con người nữa. Đôi khi còn bị ô nhiễm thực sự. Cửa của những căn nhà trông giống như cửa chuồng chó vì nó quá thấp. Con đo một cái cửa, nó chỉ cao có 60 xentimét. Bước vào trong là cả một vấn đề….”[34]

Đây quả là sự quan sát và nhận định vấn đề theo quan niệm một nhà truyền giáo. Chắc chắn trước đó cha L.Villaume đã từng tiếp xúc với những người Chu-Ru từ vùng Cao Nguyên thuộc Lâm-Đồng xuống quan hệ, làm ăn với người Chàm thuộc Bình-Thuận lúc bấy giờ, vì không thể nào trong một thời gian ngắn ngủi vài ba hôm trong tâm thế của một người chạy trốn lại có thể thấu hiểu hoàn cảnh và bản sắc của người Chu-Ru và có thể  so sánh sắc tộc này với sắc tộc khác được như vậy. Có điều đặc biệt nữa là kiến thức rộng rãi và sâu sắc của cha L.Villaume không những về người Kinh mà còn cả những người sắc tộc trong vùng Bình-Thuận và lân cận. Chính cha là người đầu tiên cung cấp những thông tin về con người, sinh hoạt, địa thế, địa hình của vùng này cho những ai muốn biết, đặc biệt là các nhà khoa học của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) lúc ấy

Từ năm 1975 trở đi Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn không còn chuyên biệt được giao phó công việc truyền giáo cho người Chu-Ru nữa. Chỉ còn một vài trường hợp riêng lẻ như năm 1991 xây dựng nhà thờ Ka-Đơn cha Alexis Tống Phước Hậu,CM. lo cho người Chu-Ru vùng Proh và Ka-Đơn. Năm 1995 xây dựng nhà thờ Proh, cha Augustinô Nguyễn Hữu Gia, CM. lo cho người Chu-Ru vùng Proh. Năm 1998 cha Giuse Nguyễn Đức Ngọc, CM. chính thức là quản xứ Ka-Đơn. Đây là một giáo xứ tổng hợp gồm có người Kinh, người Cơ-Ho và người Chu-Ru, nhưng cha quản xứ rất chú tâm đến người sắc tộc, đặc biệt là người Chu-Ru. Cha đã sưu tầm và hình thành được một bộ sưu tập văn hóa vật thể của người Chu-Ru. Cha có tham khảo những công trình dịch thuật trước đây còn dang dở của các cha lazaristes người Pháp để lại và tiến hành dịch sang tiếng Chu-Ru một số kinh thường ngày, một số thánh ca, sách giáo lý, sách lễ Rô-Ma, Kinh Thánh Tân Ước, biên soạn hai cuốn từ vựng Chu-Ru Việt và Việt Chu-Ru, tìm hiểu phong tục tập quán và sưu tầm ca dao tục ngữ của người Chu-Ru có so sánh với văn hóa Chàm. Đặc biệt cha Nguyễn Đức Ngọc đã tiến hành xây dựng một công trình kiến trúc nghệ thuật tầm cỡ quốc tế, đó là Nhà Thờ Ka-Đơn. Gọi được là tầm cỡ quốc tế vì đồ án công trình nghệ thuật này đã được Giải thưởng Kiến Trúc Thánh Châu Âu Lần IV – 2011 (Premio Europeo di Architettura Sacra – Fondazione Frate Sole – Italia). Đây quả là một tác phẩm nghệ thuật thấm đậm bản sắc văn hóa Chu-Ru đồng thời được cách điệu hóa và hiện đại hóa. Công trình kiến trúc này tổng thể vẫn là mô hình một ngôi Nhà Trệt của người Chu-Ru. Chúng ta biết rằng nhà của người Chu-Ru có hai loại, Nhà Trệt (Low-House), sàng nhà sát mặt đất, và Nhà Sàng (House on piling), sàng nhà nằm trên cọc cách mặt đất trên một thước. Theo Touneh Hàn Thọ, ngày xưa đa số người Chu-Ru sống trong những ngôi nhà trệt, được xây dựng sát trên mặt đất. Một loại nhà ít phổ biến hơn là loại nhà nằm trên cọc, nhưng sau năm 1950 thì loại nhà thứ hai này được ưa chuộng hơn và được xem là biểu tượng bản sắc của người cao nguyên.[35] Còn sở dĩ Nhà Thờ Ka-Đơn hiện nay được xây dựng “trệt” trên mặt đất là nhằm tạo sự dễ dàng cho những người khuyết tật và các bệnh nhân. Vì sao lại lấy mô hình một ngôi nhà bình thường để làm một thánh đường; có làm mất vẻ tôn nghiêm chăng?  Theo suy nghĩ của chúng tôi thì Giáo Hội vốn là một Gia Đình, Gia Đình của Thiên Chúa (Family of God). Và chúng ta cũng nên xem mỗi giáo xứ là một gia đình. Vậy Nhà Thờ phải là nhà của gia đình giáo xứ. Nếu nhà của một gia đình là nơi thờ tự chính của gia đình đó thì tương tự như thế  nơi thờ tự của gia đình giáo xứ chính là Nhà Thờ của giáo xứ. Nhà của người Chu-Ru thường có ba gian. Gian bên phải là nơi chứa lương thực. Gian bên trái vừa làm nơi ngủ nghỉ vừa là nơi lo việc bếp núc, sưởi ấm. Gian giữa có một lò sưởi để mở và một nền gỗ thấp vào những dịp lễ lạt gia đình những cụ bà lớn tuổi thường ngồi ở đó cách xa khách khứa và chén bát thức ăn được dọn ở đó. Và việc thờ cúng cũng diễn ra ở gian này. Nhà Thờ Ka-Đơn cũng có ba phần. Gian chính ở giữa rộng lớn là phòng thánh lễ. Gian bên phải gồm có phòng sinh hoạt đa năng và phòng áo lễ, (theo ngôn ngữ nhà đạo thì gọi là phòng mặc áo). Gian bên trái là ba phòng giáo lý. Đặc biệt là dưới mái hiên lớn, vươn rộng của Nhà Thờ trẻ em có thể học hành và chơi đùa trong cả hai mùa mưa nắng. Ngoài ra, nhìn từ xa, từ trên nhìn xuống, theo cảm thụ của chúng tôi, Nhà Thờ Ka-Đơn trông “như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh” (Mt. 23:37). Nhà Thờ Ka-Đơn hài hòa với thiên nhiên. Nếu nhà của người Chu-Ru mái tranh vách tre đan, màu sắc hài hòa với thiên nhiên chung quanh thì Nhà Thờ Ka-Đơn mái ngói đỏ, vách bằng những thanh gỗ thông song song cách khoảng được bọc bằng một lớp cửa kính lùa trong suốt có thể nhìn xuyên thấu tạo nên một không gian mở hài hòa với môi trường chung quanh là một rừng thông giữa núi đồi, dưới bầu trời trong xanh, đêm thì đầy sao. Người Chu-Ru khi xây dựng nhà thì phải tìm gỗ chắc tốt để làm cột kèo, toàn bộ khung chống đỡ của Nhà Thờ Ka-Đơn thì bằng sắt với chín mươi chín cây cột ống sắt cao tạo tính linh thiêng trang nghiêm của không gian thánh lễ đồng thời có thể chịu lực mái ngói vĩ đại nhưng thấp để mọi người phải cúi đầu chuẩn bị tâm hồn trước khi bước vào Nhà Chúa, để rồi khi bước vào bên trong không gian phòng thánh lễ cao vút và cảnh vật bên ngoài hòa quyện vào nhau, chỉ còn mái nhà rộng lớn chính là sự che chở của Thiên Chúa. Cách điệu là thế, hiện đại hóa cũng là thế! Nhưng vẫn thể hiện được bản sắc văn hóa Chu-Ru và đặc trưng của một Thánh Đường Công Giáo. Trong đồ án công trình kiến trúc Nhà Thờ Ka-Đơn các kiến trúc sư thiết kế đã viết như thế này: “Giấy mơ của chúng tôi là một Nhà Thờ vùi vào núi đồi nên thơ này, duy chỉ tháp chuông vươn mình đưa thánh giá vượt lên….Sự trong suốt được định nghĩa qua cảm nhận sụ giao thoa đồng thời của nhiều lớp không gian…Không có gì huy hoàng hơn tạo vật của Chúa, những gì hiện hữu trên mãnh đất này. Đấy là tất cả những gì chúng ta được hưởng thụ và có thể dâng lên Người. Cảnh vật huy hoàng: nền đất đỏ, núi non trải dài, nắng, gió, không khí, vầng trăng và ánh sao được sử dụng như trang sức cho Nhà Thờ. Cùng với tiết tấu và nhịp điệu của hệ cột và phần ‘rèm’ nan gỗ, không gian trong Nhà Thờ thấm đẫm thiên nhiên. Nhà Thờ không chia cắt tầm nhìn ra cảnh vật xung quanh mà chính là một phần của cảnh vật nơi đây.” Còn gì tuyệt vời hơn! Đúng vây! Tất cả là để ca tụng Thiên Chúa. Duy chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi! Nhà Thờ là nơi ca tụng Thiên Chúa! Mục đích và ý nghĩa cuộc sống của con người chẳng phải là để ca tụng Thiên Chúa hay sao? Có thể nói Cha Giuse Nguyễn Đức Ngọc CM,  mà chúng tôi quen gọi là Cha Ngọc Chu-Ru, là vị thừa sai (đã) sẽ cho cả thế giới biết đến người Chu-Ru thông qua công trình kiến trúc nghệ thuật Nhà Thờ Ka Đơn. Dĩ nhiên đó là một công trình có sự đóng góp của rất nhiều người, của Giáo Phận Dalat, của Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn, của những nhà hảo tâm, của hai kiến trúc sư trẻ Việt Kiều Đức, cùng tất cả mọi người trong giáo xứ cũng như ngoài giáo xứ đã góp công góp sức để công trình này được hoàn thành. Nhưng theo chúng tôi thành công lớn nhất của Cha Ngọc Chu-Ru là Giáo Xứ Ka-Đơn đã trở thành một gia đình. Những buổi lễ thường ngày đông giáo dân tham dự. Mỗi buổi lễ là mỗi lần gia đình giáo xứ đoàn tụ để dự tiệc; dự tiệc thánh thờ phụng ca tụng Thiên Chúa. Trong ngôi Nhà Thờ cũ đã từng được như vậy rồi thì chắc chắn trong ngôi Nhà Thờ mới lại càng đông đủ ấm cúng hơn, vang to hơn những kinh nguyện, thánh ca ngợi khen Thiên Chúa.

Nhà Thờ Ka-Đơn là một hiện tượng lạ! Hiện tượng lạ này xuất phát từ một hiện tượng lạ khác. Đó là Người Chu-Ru! Hiện tượng lạ ở đây chính là mối quan hệ của sắc tộc này với Công Giáo, mà cụ thể là mối quan hệ với các vị thừa sai của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris (MEP), của Giáo phận Dalat, và của Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn (CM). Từ đó dẫn đến một sự kiện rất đặc biệt là, như đã nói ở trên, tỉ lệ người Chu-Ru theo Công Giáo rất cao; theo lời Cha Ngọc Chu-Ru thì gần như hầu hết người Chu-Ru là người Công Giáo. Đặc biệt và lạ còn ở điểm trong khi người Chu-Ru là như thế thì người Chàm, có thể gọi là người đồng tộc, lại theo Công Giáo rất ít; tỉ lệ rất thấp. Từ thế kỷ XIV Chân Phước Odorico da Pordenone, thuộc Dòng Phan-xi-cô, đã từng nói đến người Chàm trong hồi ký du hành của Người. Vị thừa sai đầu tiên của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris (MEP) đã được sai đến xứ Ciampa là Cố Louis Chevreuil (1627-1693). Đó là năm 1661. Sau đó Cố Toussaint Feret (1644-1700) đã đến rao giảng Tin Mừng tại Khánh-Hòa và Bình Thuận trong 18 năm trời (1682-1700). Cố Joao de Loureiro (1710-1791) thuộc Dòng Tên, một nhà bác học, đã viết tập tài liệu De Nigris Moi et Champanensibus năm 1790.  Năm 1828 Thánh Tử Đạo Francois Isidore Gagelin (1799-1833) đã từng tiếp xúc người Chàm với ý định giáo hóa họ. Giám mục Jean Louis Taberd (1794-1840) tỏ ra rất quan tâm đến người Chàm trong những bức thư của Người. Sau đó nhiều vị thừa sai khác cũng đã tiếp xúc với người Chàm, không những rất hiểu rõ mà còn có những công trình nghiên cứu độc đáo về ngôn ngữ, văn hóa Chàm. Trong số đó phải nói đến trước tiên là cố Marie Louis de Gonzague Villaume (1858-1900), vị thừa sai đã từng một mình phụ trách cả vùng Bình Thuận rộng lớn từ rất sớm và trong nhiều năm trời, tiếp xúc và thông hiểu về người Chàm hơn ai hết. Cố Marie Julien Geoffroy (1871-1918) nói được tiếng Chàm, chơi được nhạc cụ Chàm, nhân công của Cố phần lớn là người Chàm. Cố Eugène Durand (1864-1932) có nhiều công trình nghiên cứu rất giá trị về văn hóa Chàm. Cố Gérard Moussay (1932-2012) chủ biên cuốn từ điển Dictionnaire Cam-Francais-Vietnamien (xuất bản năm 1971), và nhất là tác giả của tác phẩm Grammaire de la langue Cam (xuất bản năm 2006). Thế nhưng  số người trở lại Công Giáo vẫn “như lá mùa thu”. Vì sao vậy? Các nhà truyền giáo cần đặt vấn đề về sự kiện này và tìm lời giải đáp. Người Chu-Ru là một “sắc tộc Chúa chọn” chăng?

Nhân Ngày Khánh Thành Nhà Thờ Giáo Xứ Ka-Đơn,

Công Trình Đạt Giải Thưởng Kiến Trúc Thánh Châu Âu Lần IV – 2011 (Premio Europeo di Architettura Sacra – Fondazione Frate Sole – Italia).

Ngày 13 tháng 7 năm 2014.

Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống 60.

 

[1]“Les habitants de Lao-Gouan, ainsi que de tous les villages situés sur la crête de la montagne entre Phan-Ry et Phan-Ran (Lao-Souan, Caion, Rlom, Bokran, M’olone, Diom, etc.), par suite de croisements fréquents avec les Tiames du bas de la montagne, n’ont plus le type moi pur. Ils parlent indifféremment le Ma ou le Tiame. Ce sont des gens très doux, très craintifs, durement exploités par les Annamites qui viennent commercer chez eux.”

[2]Xem bài “Các tộc dân gốc ở Lâm Đồng” của tác giả Nguyễn Bạt Tụy đăng trong “DALAT Du lịch Lâm Đồng, 1986, số 3.”

[3] “The coastal Cham referred to the group in the Danhim Valley as Cham-ro  or ‘Cham in refuge’, and this eventually became Chru.”  (Gerald Cannon Hickey: Shattered World, University of Pennsylvania Press. USA.1993, p. 47)

[4] Xem bài “Sự liên hệ của người Churu với người Chăm” của tác giả Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc.

[5] “Les Raglai, appelés aussi Orang Glai, c’est à dire ‘Hommes des forêts’ occupent tout le pied des contreforts côtiers de la chaine annamite, en un vaste arc de cercle depuis le Kanh-Hoa au N.E. jusqu’à la région du Tam-Linh au S.O. Dans le N.-O., ils s’arrêtent à la Dà-Mbré où ils sont limitrophes des Ma’. Au N. ils sont bordés par les Tula, les Kayong, les Tenlup et les Churu. Les Churu demeurent en arrière des Raglai et jusqu’au moyen Dà-Nhim dont ils occupent la vallée du Kajong et les cantons de Lavang. Leur dialecte est quelque peu mélangé d’éléments koho. Dans une note, le célèbre explorateur précise: Les Churu parlent indifféremment koho; certains villages churu emploient même cette langue de préference à la leur, ce qui a fait ranger la tribu entière, à tort à mon avis, dans la deuxième famille. C’est ce qu’a fait M.Cabaton qui a exploré les Churu méridionaux. La question, cependant, mérite d’être sérieusement revue.” (H.Maitre: Les Jungles Moi, Paris, Emile Larose, 1912, p. 400)

[6] Jacques Dournes: “En suivant la piste des hommes”, Julliard, 1955, p. 141-177.

Và G. Condominas: “L’exotique est quotidien”, Plon, 1968.

[7] Marcel Ner: “Au pays du droit maternel”, BEFEO, XXX, 1930, no 3-4, pp. 533-537.

[8] “ Donc, l’appellation Kodu ou Kodduu, les vieux de la vallée sont catégoriques, est le nom que les Cil et les Lac donnent aux Cru. Kil, Lat, Koho appellent les Cham, Prum, et les Churu, Prum Kodu. En efet, je n’ai jamais entendu un habitant de la vallée appeler Kodu qui que ce soit. Je peux dire que ce mot n’existe pas chez eux. Par contre, chez certains réfugiés venant de l’ouest (région de Phi-Yang) soit du Nord (région du Lom-Bieng), et qui sont en réalité ou des Lac ou des Cil, j’ai cueilli cette expression. Les gens de langue koho me diront, 99 fois sur 100: ‘Any Kon Cau’, c’est à dire: ‘Je suis enfant (de l’)homme’. Or, Cau ou Cô, ou Crau ou Crô ou Cru représentent exactement le même mot: Homme.” (Albina Ferreiros:Les Kon Cau de Da-Nying, M’lon 1969, Paris 1971. pp. 55-56)

[9] Antoine Cabaton: Nouvelles Recherches sur les Chams, Ernest Leroux. Paris. 1901. pp. 99, 100, 103, 111

[10] Xem trang 3 (Parmentier Henri, Durand E,-M.: Le Trésor des Rois Chams. In: Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extreme-Orient. Tome 5, 1905.pp. 1-46): “Huit depôts seulement nous sont actuellement connus: Tịnh-mĩ, dans la plaine de Phanri; Phước-đồng, Hậu-sanh et Hữu-đức, dans la vallée de Phanrang; Palei Cvah, Lavan, Palei Praik et Kajon, chez les Mois Koho.”

[11]Henri Maitre: Les Régions Moi du Sud-Indochinois, Plon, 1909, p. 46

[12] Henri Maitre: Les Jungles Moi, Paris, E.Larose, 1912, p. 400

[13] Henri Maspero: Langues de l’Indochine. (G.Maspero: L’Indochine, T.I, p. 63 et sq)

[14] Marcel Ner: Au pays du droit maternel. B.E.F.E.O. Vol.XXX, 1930, no 3-4, p. 544 et sq.

[15]Xem trang 546 sđd: “D’autre part, c’est naturellement aux Churu que les princes cham en fuite ont confié leurs trésors les plus importants; ceux de Lauan et de Kayon déjà décrits par le R.P.Durand et M.Parmentier, et aussi deux trésors plus modestes, ceux de Lơ-bui et de Ta Huet. J’ai pu voir avec quelle fidélité  passionnée qu’ils sont toujours gardés. Ainsi s’explique aisément que les Churu parlent presque tous un dialecte cham et que même on  trouve chez eux des personnes susceptibles de lire cette langue et de l’écrire”

[16]Xem trang 314 sđd:“During this period of change the most influential highland leaders in the Dalat area were from among the Chru, who are located in the Danhim valley between Dalat and the coastal plain. Although they are a relatively small ethnic group (around 15,000), the Chru are the most advanced of the highlanders because of their historical relationship to the Cham.”

[17] Xem trang 1 sđd: “Depuis de longues années l’existence chez les Mois d’un “trésor des rois chams” avait été signalée par le P. Villaume; mais le fait avait été souvent mis en doute. Un heureux hasard permit en 1902 de reconnaitre l’exactitude des indications qu’il avait recues…”

[18]Xem “Le Trésor des rois chams” (BEFEO.Tome 5, 1905. pp. 1-46)

[19]Jacques Dournes:En suivant la piste des hommes sur les hauts-plateaux du Vietnam, René Julliard Paris, 1955.

[20]Xem trang 141, 148 sđd: “Changement de direction! Il m’est demandé maintenant de suivre la piste des Churu et Noang, tribus établies le long de la vallée de la Da-Nying, en vue de la fondation d’une mission de ce côté.

Il n’y a encore aucun missionnaire catholique chez les quatre mille habitants des soixante villages que je vais visiter; des pasteurs protestants commencent à recruter quelques adeptes, qu’ils baptisent par immersion dans le fleuve, nouveau Jourdain. Le pays est en pleine évolution; les Churu, tels les Jorai du Nord, sont en voie d’administrer eux-mêmes; les plus “rapides” font déjà du commerce et roulent voiture. Il est à remarquer que ces tribus chamisées – Churu, Jorai, Rodé – sont très en avance sur les autres groupes ethniques, au point de leur fournir instituteurs, infirmiers, cadres en général…Eh bien! En pays churu, ce sont les femmes qui travaillent la rizière et les hommes qui gardent la maison!…Presque tous les hommes parlent quatre langues: churu, koho, vietnamien et francais. Je les envie et les admire…”

[21] Dictionnaire Srê (Köho)-Français. Recueil de 8 000 mots et expressions du dialecte pémsien Srê (populations montagnardes du Sud-Indochinois, tribu des Srê). E Saïgon : Imprimerie dExtrême-Orient, 1950, XXX+282 p.
Lexique polyglotte Français-Köho-Röglai-Viêtnamien (avec G. Bochet). E Saïgon : Éditions France-Asie, 1953, XXI+133 p.
Ébauche de dictionnaire de la langue jörai. E [Chöreo], [1964], multigr., XII+1112 p. [selon P. Le Roux, c’est un document inestimable dont très peu d’exemplaires subsistent].
Complément du dictionnaire de la langue jörai.
[Chöreo], multigr., 500 p.

[22]Xem trang 156 sđd: “Près d’ici: Kode, nom commun dans tout le Haut-Donnai; ce n’est pas pour le petit village boueux, pour le centre scolaire provincial…Les instituteurs sont six: trois Rod é, un Bonar, deux Churu…”

[23]Xem trang 144, 145 sđd: “Passés en rive gauche de la Da-Nying, nous prenons contact avec le pays churu par le village de Jom. Nous sommes noblement recus par Hang-Dang, seigneur f éodal, haute autorité de la r égion, dont le clan tient toutes les commandes: d’une première femme cham il a eu deux fils, devenus l’un directeur d’école, l’autre officier; une seconde femme, churu, lui donna un fils, maintenant administrateur; d’une troisième femme, vietnamienne, il a eu trois enfants encore au collège. La maison de Hang-Dang est de style hybride – on pouvait s’y attendre –tenant de l’habitat cham et du vietnamien: le mobilier est européen. Des fleurs dans un vase, des photographies de famille; plus rien de montagnard. Le vieux marquis de Jom, à barbiche blanche, accuse un type cam prononcé; il parle le koho aussi bien que le churu comme d’ailleurs la plupart des hommes de son village…Hang-Dang nous offre un diner remarquable, épicé à souhait. Son boy stylé apporte à la fin du repas le thé, les cure-dents et les serviettes chaudes. Je félicite Hang-Dang sur son cuisinier: c’est un Vietnamien de Hanoi, venu en ce pays depuis le bas âge et marié à une Churu…Le lendemain matin, la messe est célébrée sur la table du ‘salon’ de Hang-Dang, messe, l’oeuvre essentielle de cette tournée, pour moi comme pour eux, à l’intention de qui je la dis et à qui je ne manque pas l’occasion de l’expliquer.”

[24] Xem trang 147 sđd: “On ne tarde pas à me demander des remèdes. – Mais vous en avez ici… – Ce sont peut être les mêmes; mais ceux d’ici sentent le riz chez nous, tandis que les médecines du Père sont accompagnées par le Yang!”

[25] “Par où commencer pour évangéliser ce pays de devins et de jarres, sinon par être présent et se taire?”

[26]Bulletin de la Société des Missions Étrangères de Paris. 2 è série, no. 126, 1959.

[27] Xem trang 585, 586 sđd: “En 1954, étant à Dran pour les trois chrétientés vietnamiennes de la vallée, j’avais eu l’occasion de rencontrer sur les routes, des jeunes gens Montagnards qui me demandaient un catéchisme.

  • Quand aurons-nous un Père pour nos villages? Nous sommes dans les ténèbres et nous voudrions connaitre la lumière.
  • Cela était dit en francais.

…Une grosse difficulté vient aussi de la différence de langues suivant les tribus.  Jusqu’ici, à Djiring et Kala, j’avais appris le srê-koho, qui est aussi parlé dans quelques villages près de M’lon, sur la grand-route. Mais tous les autres parlent le roglai-churu ou le chil, qui n’ont que très peu de mots communs avec le srê. Il faut donc apprendre le roglai et traduire catéchisme et prières en cette langue. J’ai la chance de trouver dans les villages plusieurs jeunes gens parlant le francais assez correctement, et ce qui m’aident à pénétrer leur langue ainsi qu’à faire les traductions.”

[28] Xem trang 545 sđd: “Les Churu distinguent eux-mêmes trois groupes parmi eux: Churu Raglai à l’Ouest; Churu Cham au Sud-Est, Churu Koho parlant cette dernière langue au Nord-Est.”

[29] Xem trang 587, 588 sđd: “Le matin, je vais à Diom, à 28 km en passant par Dran, où la chapelle est plus grande et l’assistance plus nombreuse; cinq petits villages s’y groupent: environ 500 catéchumènes.

À Diom, le mouvement a é té lancé par une famille, celle de M. Hang-Dang, ancien fonctionnaire dont un fils est officier et deux autres dans l’administration. L’un de ces derniers a fait ses études chez les Frères des Ecoles chrétiennes à Dalat et a recu le baptême. Sa soeur est baptisée, un des ses frères, le plus jeune, le sera bientôt. Le père de famille jouit d’une grande autorité dans la région. Il se convertit, malgré sa femme qui est vietnamienne et farouchement bouddhiste, et entraine ainsi cinq villages vers l’Eglise. Bien que ne connaissant pas encore les principaux dogmes catholiques, il n’hésite pas à faire de véritables sermons devant la chapelle, avant ou après la messe, et même dans la chapelle lorsqu’il croit devoir intervenir pour expliquer certaines paroles du prédicateur – qui ne s’expriment pas assez clairement sans doute! – et qui doit attendre la fin des commentaires pour continuer. Dimanche dernier, il était pendant la messe coiffré d’un béret basque; la plupart des hommes étaient cependant découverts. Personne ne fumait, ni ne bavardait, les enfants ne couraient pas en tous sens et ne disputaient pas: belle tenue vraiment. Un jeune homme lisait les prières presque mot à mot en les faisant répéter par la foule. Progrès incontestablement depuis le début.”

[30] Xem trang 589 sđd: “On en fera de bons chrétiens avec la grâce de Dieu. Car le grand pas est fait, allégrement: ils ont brulé leurs génies protecteurs. Ce fut un évènement dans les villages, une révolution. Je leur avais expliqué que dorénavant les sorciers ne devaient  plus exercer leur art et devaient rendre leurs outils au chef de canton, ce qui fut fait: cinq villages, cinq sorciers. Plus question non plus de faire des sacrifices aux esprits de la rizière ou autres. Les rizières devaient être bénites, une croix plantée dans chaque maison. Et tous les gri representant ou contenant un yang, un génie, seraient ramassés et brulés.

[31] Xem trang 591 sđd: “…Un vieux improvisa: Père, on te remercie, nous sommes bien contents. Maintenant nous voilà débarrassés de nos génies qui nous coutent fort cher…”

[32]Trích bài “ĐƠN DƯƠNG – 50 NĂM TRUYỀN GIÁO” (VietCatholicNews 28/10/2007).

[33] Trích một đoạn ở trang 5 bài “Truyền giáo cho anh em Churu” của Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc.

[34]Xem trang 26-31 sđd: “Samedi  29 aout…Ici, nous arrivons en pays Chu-Ru ou Chu, comme disent les Annamites.  Ces sauvages sont tous forgerons et travaillent très bien ce fer sauvage si estimé des Annamites qui le préfèrent à l’acier  européen pour fabriquer des instruments tranchants… Dimanche 30 aout… Sur toute la route de belles rizières sont cultivées avec soin par ces populations laborieuses. Des canaux, des talus, des barrages sur les ruisseaux indiquent que les Chu-Ru ne le cèdent en rien aux Annamites. .. Un peu de délicatesse sur ce point en ferait les gens les plus hospitaliers qu’on puisse rencontrer. Je parle surtout des deux grandes races de Chu-Ru et Co-Ho. Certes, Ils n’ont du sauvage que le nom, la superstitution et la nudit é. Leur langue diffère de celle des Ourang-Gloai et des Cham du Binh-Thuan, mais ils comprennent le Cham dont beaucoup d’expressions ont passé dans leur langue… Ils élèvent des poulets en quantité, ce doit être leur nourriture ordinaire, les cochons sont échangés pour du sel en pays annamites, mais à quel prix , au vingtième de leur valeur réelle.  C’est ainsi que les Annamites tiennent les sauvages sous le joug. Il faut bien du sel pour vivre cependant, il faut donc obéỉr aux volontés des Annamites…Toutes les superstitions de ces tribus se ressemblent beaucoup; rien au fond que des niaiseries. Ils offrent quelquefois au ciel un buffle en sacrifice, ce qui arrive après la moisson si elle a été bonne. L’objet principal de leur culte consiste presque partout en un carré de bois plus ou moins ciselé, d’où pendent des franges faites de chanvre de ramie. Ce carré peut avoir 50 centimètres de côté, et ces franges, 70 centimètres de longeur. Il est suspendu d’ordinaire au milieu de la maison en face de l’entrée principale. C’est vers cette espèce de divinité curieuse, siège du diable, qu’ils dirigent leurs regards pour faire leurs voeux et leurs prières; ce qui arrive chaque fois qu’ils se préparent à boire le vin. Il y a de petits simulacres de pagodes en feuilles près des rizières.  Mais les Chu-Ru et les Co-Ho me paraissent moins superstitieux que les autres, et les Chu-Ru encore moins que les Co-Ho. Pour toutes ces raisons, je crois que ces tribus pourraient ouvrir les yeux à la lumière de l’Évangile. Mais jamais missionnaire n’a encore passé dans ces contrées, qui, en fertilité, ne le cèdent pas à l’Annam. Ce pays même était inconnu jusqu’ici. Il y a quatre cantons de Chu-Ru et huit de Co-Ho qui paient l’impôt à Phan-Ri.  Plus au nord il y a encore  des Chu-Ru qui dépendent des mandarins de Phan-Rang, mais je ne sais s’ils sont  nombreux. Peut- être le bon Dieu a-t-il voulu me faire parcourir ces régions dans un but mystérieux connu de lui seul, juste au moment où nous sommes  expulsés de l’Annam. Déjà les Chu-Ru m’avaient demandé d’aller les visiter, mais, seul missionnaire au Binh-thuận, je ne pouvais quitter mon poste. On dirait que Dieu me force aujourd’ui à y aller. Cependant, tant qu’ils seront sous la main des Annamites, je doute qu’on puisse rien faire pour eux. Toute cette plaine m’a paru saine et cultivable…Lundi 31 aout…Autant  nous avons trouvé les maisons des Chu-Ru propres et saines parce qu’elles sont élevées au-dessus du sol et séparées des étables, autant les demeures des Co-Ho paraissent sales et malsaines. Elles sont construites également sur des pieux, mais à un mètre de terre au plus; sous le plancher en bambou grouillent cochons, chèvres et poules par centaines. Souvent même les chèvres et les poules sont appelées à partager un coin de l’habitation des hommes. Aussi est-ce quelquefois une véritable infection. La porte de ces maisons ressemble à celle d’un chenil, tant elle est basse, j’en ai mesure une qui n’avait que 60 centimètres de haut. C’est toute une affaire pour y entrer.”            

[35] Xem trang 62: “There are two traditional house types. According to Han Tho, in the past, most Chru lived in ‘low houses’ (sang chru), built on the ground. Less  popular was the sang glong house built on piling, but after 1950 it was preferred as  a symbol of  highlander identity.” (Gerald Cannon Hickey: Shattered World, University of Pennsylvania Press.  Philadelphia. 1993)