Cuộc thảm sát giáo dân năm 1885 (Nguyễn Kim Ngân 59 chuyển ngữ)

Cuộc thảm sát giáo dân năm 1885

 

(Trích đoạn lá thư của cha Vuillaume gửi cho bố mẹ ở Pháp năm 1885. Cha Louis Vuillaume, tức Cố Đề, nguyên cha sở nhà thờ Tấn Tài từ năm 1885-1889.Thư viết về chuyến đi lánh nạn gian truân trong rừng của cha và một số giáo dân của cha từ Phan Rang đến Phan Thiết, Bà Rịa, Biên Hòa trong cuộc bách hại giáo dân Đông Đàng Trong năm 1885. Cố Đề mất ngày 6/9/ 1889, vì bị nước cuốn trong khi đi thị sát con đập do cha xây dựng tại Phan Rang. Thi hài cha được an táng trong nhà thờ Tấn Tài.

Thư  dài trên 60 trang được in trong quyển sách có tựa đề “Un souvenir de la persécution dans la mission de Cochinchine Orientale”.

 

Các giáo dân của giáo phận và nhất là của giáo điểm của con thì như thế nào đây? Đây là điều khiến con quan tâm và vội vàng dò la tin tức. Trong tỉnh Bình Định, trung tâm của giáo phận, tất cả đã bị hủy diệt, hai chủng viện, Tòa giám mục, tu viện, các nhà thờ, nhà cửa giáo dân mọi thứ đều ra tro bụi. Không có gì tuyệt đối an toàn , không có gì được miễn trừ. Tất cả các giáo dân ở phía bắc của tỉnh đã bị tiêu diệt, các giáo dân phía nam hầu như có thể chạy trốn vào các nhượng địa của Pháp ở Qui Nhơn, cùng với ĐC và các cha của trường trung học và các vùng phụ cận. Trong tỉnh này, trong số 16 đến 17 ngàn giáo dân, 10 ngàn người đã bị thảm sát. Những người khác chạy trốn ở Qui Nhơn được giáo phận chăm sóc. Ở Quảng Ngãi, nơi những cuộc thảm sát diễn ra sớm hơn, trên 6 ngàn giáo dân bị thảm sát, chỉ có một ngàn người chạy trốn kịp lúc ở Quảng Nam xa hơn về phía Bắc. Các giáo dân của tỉnh này vì gần Huế hơn nên đã có thể thoát khỏi những cuộc thảm sát, nhưng mọi thứ đều bị cháy rụi: bây giờ các giáo dân và các cha vẫn không có nơi tạm trú, cha tổng giám của chúng con tại Sài gòn phải cung cấp cho họ (gần 6 ngàn người) gạo ăn và gửi đến nơi họ tị nạn ở Tourane.

Ở tỉnh Phú Yên, phía nam Qui Nhơn, mọi thứ suýt mất hết nếu như không có sự can đảm của những giáo dân sống gần những dân tộc ít người. Vì không còn lương thực, họ rút lui vào vùng núi và trang bị cung tên tẩm thuốc độc để chống lại bọn sát nhân trong gần hai tháng trời ròng rã. Cha Auger phải đi tiếp cứu họ cùng với 50 người đàn ông có trang bị  vũ khí và đưa họ về Qui Nhơn sau mười ngày lặn lội trong rừng, số người được cứu thoát lên đến 860 người. Sáu ngàn người khác trong tỉnh đã bị thảm sát cùng với các linh mục Chatelet, Iribane và các linh mục bản xứ, đó là cha Bảo và cha Hân.

Tại Khánh Hòa, tỉnh nằm ở phía nam tỉnh Phú Yên và phía Bắc tỉnh Bình Thuận, các cha Auger và Guitton, sau khi chạy thoát ra biển trên một chiếc ghe nhỏ và suýt bị sóng nhấn chìm hoặc bị quân phiến loạn truy đuổi bắt được, nếu như không có con tàu Le Gerda của Đức đến tiếp cứu. Con tàu này được ĐC Van Camelbecke thuê mướn để đi cứu các cha và giáo dân Khánh Hòa. Con tàu hơi nước đã cứu được hai cha và 700 giáo dân, những người có thể lên thuyền trước những cuộc thảm sát. Những giáo dân khác bị quân phiến loạn bao vây, nên họ không thể lên tàu kịp và bị thảm sát, tổng số giáo dân bị giết lên đến 2000 người. Sau những chiến tích như thế, tại sao các quan lại có thể dung tha cho những giáo dân của Bình Thuận, nhất là sau khi con tàu Arethuse đã bỏ rơi họ lúc họ tập trung đông đảo trên bãi biển. Lúc chúng con đến Sài Gòn, có tin đồn là tất cả đều bị thiêu hủy và có thảm sát tại Bình Thuận. Những gián điệp được phái đến Bà Rịa và Bình Thuận báo cáo là hai cộng đoàn giáo dân của miền Nam hoặc Phan Thiết đã bị thiêu hủy, các giáo dân bị sát hại, con mất hết mọi hy vọng. Các quan lại ở Bình Thuận vội vàng gửi cho quan tổng trấn Sài Gòn một lá thư trong đó họ báo cho ông ta biết các quan cấp dưới đã truất phế vị quan lớn, bắt giam ông vì những hành vi lạm quyền và thay ông bằng một người khác, con biết ông này là thủ lãnh của quân phiến loạn, nhưng họ không nói gì về việc tàn sát các giáo dân. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là vì họ muốn tìm cách trao đổi con tin với người Pháp và một cách để phủi tay chối bỏ mọi trách nhiệm. Nhân vật được đặt thay vào chỗ của quan đầu tỉnh này sẽ trốn ngay vào lúc đầu, nếu người ta hỏi ông lý do của những vụ thảm sát và vị quan tỉnh sẽ không được xem là có tội. Đó là màn hài kịch được diễn đi diễn lại khắp nơi vào lúc xảy ra những cuộc thảm sát.

Tuy nhiên, mười ngày sau khi đến Sài Gòn, một trong số những gia nhân của con đã lập gia đình từ vài tháng nay và đã đến thành phố này với 8 người thuộc gia đình phía bên vợ. Nhờ sự can thiệp của một người Trung Hoa, anh ta có thể đến Hồng Công trên một con tàu Anh quốc đang đậu trong hải cảng Phan Rang cùng lúc với chiếc tàu Aréthuse. Rồi ông đến Sài gòn trên một chiếc tàu Anh khác. Chính anh ta đã cho con hay biết những gì đã diễn ra, cũng như ba giáo dân đã đến được Sài Gòn bằng ghe một ít lâu sau các cuộc thảm sát. Qua họ, con được biết rằng hầu như tất cả các giáo dân Phan Rang hoặc ở phía Bắc Bình Thuận, nơi con thường trú, đã chạy trốn lên miền rừng núi, ngay sau khi con ra đi. Chỉ có một vài người còn ở lại trong các ngôi làng. Vì thế quân phiến loạn đã mặc sức vơ vét cướp bóc tài sản. Các quan lại ở Phan Rang để cho họ muốn làm gì thì làm.

Trong bốn ngày sau khi con ra đi, những nhân vật có uy tín trong vùng đến dò la tin tức về con, nhưng một trong số những thầy giảng của con vì không thể chạy trốn do sức khỏe kém, nêu lý do là con đi đâu đó hoặc khó ở, để đánh lừa quân phản loạn. Họ đi chợ mua đồ ăn cho con như thường ngày. Thật đáng tiếc, con không yêu cầu người ta liều mình như thế vì con, nhưng Thiên Chúa nhân lành đã tưởng thưởng lòng trung thành của thầy giảng và các con cái của ông đến ở tại nhà con nhưng không có lệnh của con, nhằm để cho tất cả mọi người có thể xuống tàu Aréthuse trốn thoát.Các quan lại không ngờ là con đã trốn thoát và không còn nghĩ đến việc truy đuổi con nữa. Cha Guitton và linh mục người Annam đến nhà con vào nửa đêm để mong tìm được con, và họ đã biết chuyện gì đang diễn ra. Những người phản loạn canh gác đã nghe phong thanh về việc họ đến. Vì vậy hai cha chỉ còn đủ thời gian chạy trốn đồng thời mang theo 7 người còn lại trong nhà xứ của con.

Một vài người khác còn đi lang thang trong nỗi sợ hãi xung quanh các ngôi làng, họ đã được thông báo chạy xuống hải cảng càng nhanh càng tốt. Cha Guitton lên tàu Aréthuse cùng với những người chạy theo cha, sau khi đã ép buộc một chiếc ghe chở họ ra chiếc tàu thủy. Các giáo dân được cấp báo kịp lúc con tàu đến đã bắt đầu tập trung đông đảo tại bến cảng. Có gần 150 người, khi tàu Aréthuse nhổ neo đi về Sài gòn khoảng giữa trưa. Những người đến vào buổi sáng muốn đến  với con tàu, họ định dùng ghe để bơi ra, những người ngoại đạo ngăn cản họ, không ai từ tàu Aréthuse bước lên bờ được. Việc ra đi của con tàu Aréthuse được tiếp đón bởi những tiếng la ó của những người ngoại đạo, họ đến rất đông và trang bị kiếm, giáo mác và gậy gộc. Các giáo dân dần dần quay về làng.

Cuộc thảm sát và đốt trụi bắt đầu ngay vào chiều hôm đó. Nhà thờ Láng Mun nơi con ở sớm làm mồi cho lửa và cuộc cướp bóc nhà con chỉ kéo dài một lúc, vì không tìm thấy của cải mà họ thèm khát, quân phiến loạn xác quyết là con đã chôn giấu của cải. Trong cơn thèm khát, họ đào bới toàn bộ diện tích đất khu vườn xuống sâu đến 3 pied, nhưng thật uổng công. Họ tỏ ra sung sướng hơn khi đào bới đất vườn của những người giàu có, và nhiều người có thể thu được những tài sản béo bở. Nạn nhân đầu tiên là một trong số những người láng giềng của con. Ông này là hội trưởng hội Mân Côi. Khi ông thấy bọn cướp đập vỡ bức tượng Đức Mẹ Mân Côi mới được đưa từ Pháp sang, ông đánh kẻng báo động để kêu gọi mọi người đến tiếp cứu, ông bị chém đầu ngay tức khắc vì lòng can trường của mình. Hai vị chức việc lãnh đạo giáo xứ Láng Mun, một người bị trói tay chân cùng với vợ và con cái rồi bị ném vào nhà thờ đang cháy đỏ rực, người kia và con trai bị một tên phản bội tố giác, nên họ bị bắt giao nộp cho những tên đầu sỏ chỉ huy ngôi làng. Họ liền bị chém đầu. Trong cơn hoảng loạn, các giáo dân, nhất là phụ nữ và trẻ em chạy thoát vào rừng để lánh nạn. Người ta sử dụng những con chó để truy lùng họ như truy lùng những con dã thú. Một số lớn giáo dân đã bị tàn sát. Vài ngày sau cơn hỏa hoạn, do sự thịnh nộ của bọn phiến loạn, người giúp việc cũ của con đi ngang qua đó phát hiện hơn 150 tử thi không thể nhận diện nằm rải rác trên các con đường mà không được ai chôn cất, người thì bị mổ bụng, người bị chặt đầu.

Một phần giáo dân Láng Mun và các làng Dinh Thủy, Xóm Gò chạy trốn trong các làng Nai và Cây Me. Tại địa điểm thứ nhất, người ta tha cho họ vì họ đồng ý thờ lạy các ngẫu tượng. Hình như một vài người bất hạnh trở nên yếu đuối, nhưng họ không phải không bị  sát hại đâu. Dân cư của ngôi làng thứ hai phát minh ra một kiểu hành hình khác, họ chôn sống giáo dân. Một số lớn giáo dân Dinh Thủy bị ném vào lò nướng khổng lồ, lửa đang bốc cháy ngùn ngụt từ những đống gỗ lớn  mà giáo dân chuẩn bị xây dựng ngôi thánh đường mới. Ông Câu giáo xứ có thể đến một ngôi làng bên lương cùng với vợ và mười đứa con, ông bị chặn bắt bởi quân phiến loạn và bị tàn sát mà không phải chịu sự độc ác tinh vi, bởi vì ông đã cho họ một số tiền khá lớn để được đối xử ít dã man mọi rợ hơn. Các nữ tu của nhà dòng có thể chạy thoát một số ít. Bà Mẹ bề trên và hai chị khác đi Khánh Hòa trước cơn bất hạnh này nổ ra, họ đã trốn thoát và đến Sài gòn cùng với những người trên tàu Gerda. Năm hoặc sáu chị khác cũng có thể chạy trốn đến nơi ở của những người Chăm. Chỉ có 6 chị bị bắt và bị ném xuống giếng nước của nhà dòng, và bị lắp bằng phân ủ. Một trong số các chị có thể thở được trong hai ngày, bởi vì chị này nằm đè lên trên những chị khác, nhưng bị cơn đói cồn cào, chị bắt đầu kêu cứu. Một tên phiến loạn đi ngang qua trả lời chị bằng những tiếng chửi rủa; nhưng chị nói với y chị có ba đồng bạc trong mình, thế là hắn moi chị lên và sau khi đoạt lấy ba đồng bạc của chị, hắn bèn ném chị vào đống lửa của nhà thờ; vì sự đau đớn tạo cho chị sức lực để giãy giụa mạnh hơn, y dùng một khúc củi đập vỡ đầu chị.

Vợ và các con của một vị chức sắc Xóm Gò cũng bị ném xuống một cái giếng nhưng còn sống thật lâu. Những người ngoại đạo đến ngắm cảnh ngoạn mục của một ngôi làng bị hỏa hoạn và bị thảm sát, họ nhìn thấy những người ở dưới giếng và thích thú khi nghiền nát họ dưới đáy.

Một chị giáo dân khác của cùng ngôi làng sống ba ngày thân thể đẵm máu nằm trên ngưỡng cửa một ngôi nhà một người ngoại đạo, người đã tố giác chị. Lòng ruột chị lòi ra ngoài, chị sống như thế cho đến khi những người khác có lòng thương xót hơn kết liễu mạng sống cho chị bằng những nhát kiếm. Cha mẹ cũng nên biết rằng những người Annam cũng như những người Trung Hoa chuẩn bị sắm quan tài cho họ rất lâu trước khi họ qua đời và họ thường để quan tài tại nơi dễ nhìn thấy nhất trong nhà; những người ngoại đạo có lòng bác ái chôn sống các giáo dân trong các quan tài mà họ đã chuẩn bị như thế.

Hình như những người ngoại đạo này “quan tâm” đến con, vì họ ân cần hỏi han tất cả những chức việc của giáo xứ để biết tình trạng của con ra sao và nơi họ đã để những giấy chứng nhận quyền sở hữu. Họ có biết con ở đâu hay không, con không biết, nhưng con không tin họ biết chuyện đó vì hình như họ đã tìm kiếm con 15 ngày ròng ở núi Padaran. Chính trong vùng rừng đó, một trong những thầy giảng của con đã bị sát hại, anh ta đã từng đi trốn trước con. Anh ta được một giáo dân của con tìm thấy trong tình trạng trần truồng và bị thối rửa,. Những người ngoại đạo đã lột áo quần anh ta trước khi anh ta chết nhưng không sát hại anh.

Con không biết gì về cái chết của những giáo dân Moi Mương, nhưng ở Ruang Lai, ngôi làng nằm ở rìa núi, chỉ có 12 trên 150 người bị tàn sát, nhưng mọi thứ đều bị triệt hạ. Những người ngoại đạo không hài lòng khi chỉ tàn sát và thiêu rụi nhà cửa, họ đã san bằng mọi thứ trong các khu vườn của giáo dân, chẳng hạn như những cây cau, xoài, mít, tre. Chẳng còn sót lại thứ gì.

Trong ba ngày, máu đã chảy rất nhiều, rồi mọi sự yên tĩnh trở lại, ngoại trừ trong hai hoặc ba ngôi làng gần biển, nằm ở phía đông Láng Mun, vì tất cả giáo dân nào còn sống sót dám đặt chân đến đó đều chắc chắn sẽ bị thảm sát ngay.

Hầu như không có ngôi làng ngoại giáo nào là không phạm tội thảm sát các giáo dân. Phải tiến hành thật tốt, các quan lại đã ra lệnh như thế. Tuy nhiên, người ta đã kể cho con nghe sự kiện về một ngôi làng ngoại đạo nơi có hai tân tòng mới trở lại đạo cùng với gia đình ẩn trốn. Anh trai của những người giáo dân này vì không muốn theo đạo đã trở thành tên đao phủ của họ, mặc dù tất cả dân làng muốn tha cho họ. Tuy nhiên, trước cuộc thảm sát, tất cả ba anh em đều sống hòa thuận với nhau.

Sau tiếng súng đầu tiên mở đầu cuộc thảm sát, 20 giáo dân trốn thoát đầu tiên đã bị đánh lừa bởi một người ở hải cảng, y bằng lòng đưa họ vào Sài gòn và sau đó y ném tất cả họ xuống biển.

 

Vâng, con lập lại điều này, trước khi tất cả những sự kiện này diễn ra, các giáo dân và người ngoại đạo đều sống chung bên nhau và những người trở thành chỉ huy các cuộc thảm sát đều là những người giả vờ sống hòa hợp cùng với con. Nhiều lần con đã phục vụ họ, nhưng nhất là đối với người đi truy tìm con một cách điên cuồng ở mũi Padaran, y thề sẽ đâm thủng toàn bộ thân thể con tại những điểm ít nguy hiểm đến tính mạng để làm cho con chết từ từ. Trừ những người phiến loạn của Ho và nhất là bọn đầu sỏ của họ, Quan Thượng, chúng con không có kẻ thù nào. Nhưng trong những giờ phút đáng buồn này, những người An nam, tất cả đều đóng chặt cánh cửa đối với giáo dân hoặc bắt lấy họ để cướp bóc và giao nộp họ cho bọn đao phủ. Chỉ có những người Chăm đã tìm cách đến giúp đỡ họ và kéo họ ra khỏi tử thần.

Để khỏi tàn sát lầm những người ngoại đạo, các quan lại đã ra lệnh cho tất cả các trưởng thôn phân phát cho họ những tấm thẻ tre trên đó có ghi : dân lương thiện và tên người giữ thẻ, có đóng dấu chứng nhận của thôn trưởng. Vào lúc thảm sát, tất cả những ai không mang thẻ này đều bị tử hình. Người ta cho thực hiện việc làm này trong tất cả các tỉnh.

Sau ba ngày kinh hoàng, các thủ lãnh  phiến loạn, tất cả những thủ phạm sừng sỏ nhất trong các cuộc thảm sát đã bắt đầu quy tụ các giáo dân vừa thoát khỏi cái chết. Vì biết rằng người Pháp sẽ không bỏ qua mà không trừng phạt những tội ác như thế, và để đánh lừa về những xu hướng thù địch, họ muốn giao lại cho Pháp những giáo dân mà họ cho là đoạt lại từ tay quân phiến loạn!

 

Phu Phan Rang, kẻ thù của các giáo dân bị giết vào thời kỳ thảm sát đã được thay thế bởi một người ở gần nhà con. Để tỏ lòng sốt sắng sau cuộc thảm sát và phóng hỏa, y đến niêm phong bằng con dấu một vài căn nhà gỗ thảm hại may mắn thoát khỏi trận hỏa hoạn.

Gia nhân cũ của con khá khôn ngoan để không chạy trốn trong rừng. Anh ta leo lên ngọn một cây cổ thụ cành lá rậm rạp nằm trơ trọi giữa các đám ruộng. Từ trên đó, anh ta có thể nhìn thấy tất cả những gì diễn ra trong cuộc thảm sát ở Láng Mun mà không ai nhìn thấy. Sau vài ngày, anh bị những người ngoại đạo bắt được khi anh đến xin họ thức ăn. Anh bị giải lên Quan Thượng, người chỉ huy cuộc thảm sát và đang thu gom những kẻ thoát chết. Quan lớn hỏi anh ta về con và mẹ vợ của anh. Anh trả lời rằng con đã ra đi bằng thuyền, còn về phần bà mẹ vợ, bà đã đi trốn trong rừng. Con dã thú hy vọng kiếm chác nhiều từ người đàn bà giàu có này, y liền cung cấp cho gia nhân của con một giấy thông hành. Anh dùng nó để nói chuyện với một người Trung Hoa, người này bằng giúp cho anh ta và gia đình lên chiếc tàu của người Anh đang đậu trong cảng. Nhờ anh ta, con đã biết đến phần lớn các sự kiện. Nhiều gia đình cũng đến sau đó bằng ghe thuyền và khẳng định với con là trên 1300 giáo dân ở phía bắc của tỉnh, chỉ còn lại có 400 người phải phân tán khắp nơi trong xứ. Không thể nào đi đến đó vào mùa này để cứu họ. Từ vài ngày nay, tai họa chồng lên tai họa, con có thể hay tin những cuộc thảm sát mới. Tướng De Courcy đã gửi một ông quan đến Bình Thuận nhân danh bóng ma của nhà vua. vì ông này không đến sớm hơn, nên người ta tái diễn cuộc thảm sát và tận diệt tất cả các giáo dân còn sống sót.

 

Việc tướng Begin, tổng trấn Sài Gòn, gửi các con tàu đến Phan Rí và Phan Thiết đã ngăn chặn được bàn tay họ lại, nhưng họ nắm lấy cơ hội khi vị quan lại được tướng De Courcy gửi đến nơi này. Họ chơi khăm đối với ông này và ảo tưởng của ông là tái lập hòa bình cho xứ sở mà không đổ lấy một giọt máu nào, và phục hồi quân đội An Nam bằng cách để các sĩ quan Pháp chỉ huy các nhóm quân ngoại đạo.

Ở Phan Rí nơi cư ngụ của quan đầu tỉnh Bình Thuận. Người đàn ông này rất quỷ quyệt về mặt chính trị, ông đã để cho diễn ra hoặc chỉ huy các cuộc thảm sát tại Phan Rang, nơi có rất đông dân Công giáo. Ông luôn ra lệnh cho vị phụ tá bao vây giáo dân và không làm gì đối với chúng con. Sau những cuộc thảm sát tại đây, ông cảm thấy mình như bị trên đe dưới búa: triều đình Huế trên đường bôn tẩu đang lãnh đạo những cuộc thảm sát, những người Pháp tại Sài Gòn nổi giận khiến ông lo sợ, nếu như ông gây quá nhiều tiếng vang trong những vụ thảm sát bằng cách giết hại giáo dân Phan Rí và Phan Thiết ở gần ranh giới hơn, vì vậy, có lẽ ông muốn dung tha cho những giáo dân sau này. Không biết điều này thật hư thế nào, nhưng vị quan lại này đã bị quân phiến loạn và các sĩ phu truất phế, ít ra ở ngoài mặt; các nhà thờ và nhà ở của người Công giáo bị phóng hỏa ở Phan Rí, nhưng không có ai bị giết cho đến lúc này, họ chỉ có chừng 150 người.

Ở Phan Thiết, vị quan lại ở gần Sài Gòn nhất bề ngoài đứng về phía những người Công giáo. Tuy nhiên, những người Công giáo ở đây cũng đã mất tất cả mọi thứ, nhiều lần họ bị trói tay, và bị xử giảo bởi những người ngoại giáo. Một vài người ép nhân viên thuế quan để đến được Sài Gòn, họ cũng đã cho biết về hoàn cảnh thê thảm của họ. Họ cũng là mục tiêu của cuộc thảm sát, nhưng người ta muốn giữ họ lại để chờ một ngày nào đó khi tiến công Sài Gòn, họ sẽ trao đổi tù binh với người Pháp. Nhờ lời yêu cầu của ĐC Colombert, tướng Begin quyết định gửi đến 2 chiệc tàu để cứu giáo dân và giao công tác này cho ngài Le Verneville, quan cai trị ở Bà Rịa. Ông này đã có thể báo tin cho giáo dân biết ông sẽ đi tìm kiếm họ cùng với hai chiếc tàu và sẽ vào bãi biển vào lúc sáng sớm ngày 4 tháng chín. Việc cứu vớt đã thành công và ngày 7 họ vào tới Sài Gòn với 375 giáo dân trên tàu. Những người khác không được thông báo kịp thời đã ở lại và một vài người đã bỏ đạo. Hình như trong vụ việc này, các quan đã muốn chứng minh cho những người Pháp thấy rằng giáo dân không có gì phải lo sợ, vì vậy họ đã ngăn cấm đụng đến các nhà cửa và nhà thờ của hai ngôi làng Công giáo. Nhưng đó là hành động mỉa mai khôi hài như mọi thứ khác. Điều đáng buồn là chuyện đó cũng đủ để đánh lừa những người Pháp vừa chân ướt chân ráo đến xứ sở này.

Trước khi những bất hạnh này diễn ra, giáo phận chúng con phát triển thịnh vượng, các giáo dân sống thoải mái. Bây giờ, chúng con đã mất đi tất cả, kể cả các giáo dân của chúng con. Những người còn lại, chừng 20 ngàn trên 44 ngàn thuộc quyền coi sóc của chúng con.

Tình hình này sẽ kéo dài trong bao lâu? Không ai biết; một tương lai vô cùng đen tối. Chúng con không hy vọng về phía con người. Niềm hy vọng của chúng con chỉ nằm ở trong tay Thiên Chúa mà thôi. Lòng bác ái Kitô giáo đã giúp đỡ chúng con vượt trên điều chúng con có thể hy vọng, hoặc ở đây, hoặc ở châu Âu. Biết bao bất hạnh khiến cho các tâm hồn bác ái phải xúc động thương xót. Chúng con chỉ biết dựa vào lòng bác ái Kitô giáo mà thôi, vì nếu không có nó, chúng con sẽ chết đói cùng với các giáo dân của chúng con.

Vào lúc này, cộng đoàn truyền giáo chúng con chỉ còn 20 vị thừa sai, 9 linh mục An Nam dưới quyền dẫn dắt của Đức Giám Mục tông tòa đáng kính của chúng con. Tất cả chúng con hầu như đã mất tất cả những gì cần thiết để dâng thánh lễ. Trong lúc này, chúng con vận dụng tốt bài học về đức khó nghèo. Điều đáng buồn hơn nữa, là phần lớn các chủng sinh đang đi nghỉ hè đã bị lôi cuốn vào cuộc thảm sát trên. Tất cả đều mất hết theo con người, nhưng niềm trông cậy là ở nơi Thiên Chúa, Đấng không cho phép máu của biết bao vị thánh tử đạo đổ ra một cách uổng phí.

 

Chuyển ngữ: Nguyễn Kim Ngân 59