Việc học hành ngôn ngữ chữ viết Cổ Đại (Petrus Paulus Thống 60)

VIỆC HỌC HÀNH NGÔN NGỮ

 CHỮ VIẾT CỔ ĐẠI

Trong bài “Một vài vấn đề của việc dịch Kinh Thánh Cựu Ước” in trong cuốn CHÚA KI-TÔ ĐÃ SỐNG LẠI (sách lưu hành nội bộ, không ghi năm xuất bản) tác giả Linh Tiến Khải (tức Đức Ông Hoàng Minh Thắng, một cựu học viên của Pontificio Istituto Biblico, Roma) viết: “…Những khám phá trong lĩnh vực cổ ngữ trong các thập niên vừa qua đã giúp các dịch giả và chuyên viên Kinh Thánh hiểu biết Kinh Thánh rõ ràng và chính xác hơn. Chúng tôi muốn nói đến hai thứ tiếng Ugarit và Ebla là hai thứ tiếng đã gây chấn động trong giới học giả Kinh Thánh, và hiện đang giúp rất nhiều trong việc hiểu biết bản văn Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Do Thái. Hàng chục ngàn tài liệu viết theo hình cái đinh trên các mảnh đất sét nung được tìm thấy trong các cuộc đào bới khảo cổ từ năm 1929 tại thành phố và hải cảng Ugarit, nằm về phía Bắc nước Syria, trên bờ Địa Trung Hải, cũng như trong cuộc đào bới từ năm 1964 tại thành phố Ebla nằm về phía Đông Nam thành phố Ugarit, cách Aleppo 70 km, trên đường dẫn xuống hai thành phố Hama và Damascus, thủ đô nước Syria ngày nay, cho thấy tiếng Do Thái có liên hệ rất gần gũi với hai thứ tiếng trên. Các văn bản Ugarit có từ năm 1400 trước Tây lịch. Và các tài liệu tìm được trong các văn khố tại đền đài các vua thành Ebla có từ năm 2400 trước Tây lịch….Những khám phá trên đây bắt buộc các dịch giả và các nhà chú giải Kinh Thánh phải dịch lại nhiều chữ và nhiều đoạn bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước. Theo những khám phá về ngữ học trên đây có thể nói, gần 30 phần trăm bản văn Kinh Thánh Cựu Ước chưa được dịch đúng đắn, đặc biệt các sáng tác được viết theo lối thơ phú như Thánh Vịnh, sách ông Gióp, Tình Ca, Huấn Ca, sách Khôn Ngoan, Cách Ngôn, Giảng Viên, rất nhiều đoạn và nhiều chữ trong các sách Tiên Tri, cũng như nhiều chữ trong các sách Sử Ký và Ngũ Kinh….” (sic, trg. 2-3).

Pontificio Istituto Biblico (Pontificial Biblical Institute) là Học Viện Kinh Thánh chuyên môn nhất và chính thống nhất của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Học Viện gồm hai phân khoa: Phân Khoa Kinh Thánh (Facoltà Biblica / Biblical Faculty) và Phân Khoa Cổ Cận Đông Học (Facoltà Orientalistica / Faculty of Ancient Near Eastern Studies). Số tu sĩ và linh mục người Việt đã và đang là học viên của Học Viện hiện khoảng ba mươi người; chính xác là 33 người theo tài liệu chính thức của Học Viện, LE PERSONE DEL BIBLICO (1909-2009), xuất bản tại Rôma năm 2009. Chưa từng có một giáo dân (laico/laica) người Việt nào học ở Học Viện này; Học Viện này không dành riêng cho các tu sĩ. Chưa có một học viên người Việt nào đạt bằng tiến sĩ (dottorato) ở Học Viện này; đa số chỉ đạt bằng cử nhân (licenza). Trong khi số người thuộc các quốc tịch khác trên thế giới đã đạt bằng tiến sĩ của Học Viện không phải là hiếm. Năm 1999 nữ tu Mary Jerome Obiorah đã là người phụ nữ Phi châu (Nigeria) đầu tiên đậu bằng tiến sĩ Kinh Thánh tại Học Viện này. Tính đến năm 2009 có tất cả 3822 người đạt bằng cử nhân (licenza) và 340 người đạt bằng tiến sĩ (dottorato). Tất cả thuộc Phân Khoa Kinh Thánh (Facoltà Biblica). Toàn bộ các vị cử nhân người Việt cũng đều học ở Phân Khoa Kinh Thánh; không một ai học ở Phân Khoa Cổ Cận Đông Học. Đức Ông Hoàng Minh Thắng thuộc số ít ỏi nghiên cứu sinh tiến sĩ (candidato al dottorato – CD). Hiện chỉ có tất cả 4 vị người Việt đạt “cấp bậc” CD này. Nghe nói một trong những lý do Đức Ông Hoàng Minh Thắng không hoàn thành được luận án tiến sĩ vì bận việc ở Đài Vatican. Sở dĩ tôi đặc biệt chú ý đến vị này vì ông là bạn học của tôi (lớp terminale) niên khóa 1968-1969 ở Collège d’Adran Dalat.

Tôi đã dài dòng như trên nhằm để xác định giá trị cũng như thẩm quyền nhận định của tác giả Linh Tiến Khải. Khi đọc được thông tin ở trên tôi thoáng cảm thấy buồn vì tôi đã không được học ở Học Viện này. Nhưng đây cũng là dịp để tôi hạ quyết tâm học cho bằng được, đành chỉ còn một cách là tự học, hai ngôn ngữ Ugarit (Ugaritic) và Ebla (Eblaite) kia. Khó khăn và trở ngại vô vàn! Vì tôi đang ở Việt Nam. Và là một người nghiên cứu tự do (independent researcher). Vốn đề cao tính hệ thống, tất cả phải trở thành hệ thống, nên trước tiên cần phải vạch kế hoạch. Ngoài ý chí ra, cụ thể và thực tế nhất của việc tự học, nhất là phải học hai cổ ngữ quá ư cổ lỗ sĩ này, là SÁCH. Riêng trường hợp của tôi còn nhờ có hai điều kiện thuận lợi khác. Thuận lợi thứ nhất là NGOẠI NGỮ. Tôi đã được học tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng La-tinh tại Petit Séminaire Stella Maris Nha Trang (Tiểu Chủng Viện Sao Biển), Institut de la Providence de Huế (Trường Trung Học Thiên Hựu) và Collège d’Adran Dalat (Trường Trung Học Adran). Đây chỉ là những trường trung học, nhưng tôi đã học thật chỉnh chu ở đó những ngoại ngữ này. Ở Đại học tôi học tiếng Việt, văn chương Việt Hán và chữ Nôm là những môn tôi chưa được học trước đó. Tôi nghĩ không đâu dạy tốt những môn này bằng ở Đại Học Việt Nam. Còn phần ngoại ngữ ở Đại Học Việt Nam lúc ấy đối với tôi thực tế chỉ là việc ôn lại để mà “hợp thức hóa” chuyện bằng cấp mà thôi. Còn một nơi nữa là Foyer Alexandre de Rhodes (Cư Xá Đắc Lộ). Tuy đây không phải một Trường Đại Học, nhưng là một trung tâm giáo dục. Cư Xá Đắc Lộ thuộc Trung Tâm Đắc Lộ Sài gòn. Trung Tâm này có một thư viện sách ngoại ngữ rất lớn và nhiều linh mục Dòng Tên (Jésuites) thuộc nhiều quốc tịch mà tôi có thể tiếp xúc dễ dàng. Ba ngoại ngữ Pháp, Anh, La-tinh được xem như những chìa khóa để mở cửa vào những ngoại ngữ khác. Vì các sách ngữ pháp và từ điển các ngôn ngữ trên thế giới thường dùng ba ngoại ngữ này làm nền. Thật ra muốn được hoàn hảo thì cần phải biết thêm tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha nữa. Nhưng nếu không có điều kiện thì tối thiểu phải biết tiếng Pháp và tiếng La-tinh. Ngày nay vì tiếng Anh đang thịnh hành và có thể nói được là đang “thống trị thế giới” cho nên người ta không màng đến tiếng Pháp nữa. Nhưng theo tôi, điều kiện thiết yếu để nghiên cứu văn minh văn hóa vùng Trung Cận Đông nói chung và Lưỡng Hà Địa nói riêng là phải biết tiếng Pháp. Muốn nghiên cứu văn hóa Champa cũng thế. Chính vì điều kiện này mà ngày nay, ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Champa cứ  ngỡ rằng mình đã khám phá ra nhiều điều mới lạ lắm nhưng sự thật thì những điều ấy các học giả Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã khám phá ra từ mấy mươi năm trước rồi. Còn về tiếng La-tinh thì chỉ cần đơn cử một trường hợp thôi cũng đủ. Cuốn sách đầu tiên viết một cách hệ thống và khoa học về ngôn ngữ Tây Tạng cũng dùng tiếng La-tinh! Đó là cuốn: ALPHABETUM TIBETANUM của FR. AUGUSTINII GEORGII (in năm 1762, dày 910 trang). Thuận lợi thứ nhì là DỊP MAY. Điều này quả thật là “trời cho”; không phải ai cũng có được. Tôi đã học ba năm tiếng Do Thái cổ (Hipri) và tiếng Hi-lạp cổ nhưng phổ thông (Koinê) để đọc Kinh Thánh là nhờ dịp may gặp Mục sư  Orrel Steinkamp. Thật sự là dịp may vì tôi là người Công Giáo Việt còn thầy tôi lại là một mục sư Tin Lành người Mỹ gốc Đức. Để rồi tôi đi vào ngôn ngữ Hipri và ngôn ngữ Koinê bằng con đường ngắn nhất nhưng hiệu quả nhất thông qua hai tác phẩm: A PRACTICAL GRAMMAR FOR CLASSICAL HEBREW của J. WEINGREEN và THE ELEMENTS OF NEW TESTAMENT GREEK của J.W. WENHAM. Việc học tiếng Ugarit và tiếng Ebla lần này cũng vậy. Thông thường người ta gọi là dịp may còn người Công Giáo như tôi thì gọi là sự QUAN PHÒNG, là PROVIDENCE. Tức THIÊN HỰU! Việc cha Nguyễn Văn Thích dịch từ PROVIDENCE thành THIÊN HỰU cũng là THIÊN HỰU! Nhân dịp Đức Cha Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Giáo phận Nha Trang, đi dự hội nghị tại Giêrusalem, tôi đã nhờ Đức Cha tìm cho tôi hai bộ sách dạy tiếng Ugarit. Đó là  bộ sách (gồm ba cuốn) “UGARITIC TEXTBOOK” của Cyrus H. Gordon và cuốn A BASIC GRAMMAR OF THE UGARITIC LANGUAGE của Stanislav Segert. Đức Cha đã nhận lời. Đức Cha Nguyễn Văn Hòa quả là một ông thánh! Theo như Đức Cha kể lại, khi ngài yêu cầu một cha giáo sư của Trường Kinh Thánh Giêrusalem thuộc Dòng Đa Minh tìm hai bộ sách này và vị giáo sư đã rất thắc mắc không biết người nào ở Việt Nam lại cần những bộ sách như vậy. Tuy vậy vị này vẫn tìm. Và tôi đã có được hai bộ sách tôi cần. Quả là quí nhân giúp kẻ khù khờ. Tôi chỉ còn mỗi việc là “bò ra mà học” thôi. Việc tự học tiếng Ugarit coi như tạm ổn. Tiêu hóa cho được hai bộ sách kia kết quả chắc cũng không đến nỗi nào. Vấn đề còn lại là tiếng Ebla. Khi tôi bắt đầu tìm sách về ngôn ngữ Ebla thì cũng may là “internet” đã khá phát triển ở Việt Nam cho nên tôi có thể tìm trên mạng tên các sách viết về Ebla và tiếng Ebla. Chỉ cần vào http://www.jstor.org và gõ từ “Ebla” thì sẽ thấy rất nhiều bài viết về Ebla. Nhưng những khó khăn khác lại xuất hiện. Chưa có một cuốn sách nào viết chuyên về việc học tiếng Ebla, về ngữ pháp hoặc từ vựng tiếng Ebla chẳng hạn. Chỉ có những sách tập hợp các bài viết hoặc các bài thuyết trình, hội thảo về Ebla hoặc một đặc điểm, một trường hợp đặc thù nào đó của ngôn ngữ Ebla mà thôi. Chưa có một cuốn sách nào viết về tiếng Ebla dành cho người mới bắt đầu như tôi. Cũng may là ngôn ngữ Ebla cùng một hệ Xêmit (Sémite/Semitic) với tiếng Do Thái cổ và tiếng Accat (Akkadian). Về chữ viết thì tiếng Ebla  lại dùng chữ hình nêm (cuneiform) cũng giống như trường hợp của tiếng Xume (Sumerian), tiếng Accat (Akkadian), tiếng Ugarit (Ugaritic)… May thay tôi đã từng gặm nhấm “Sumerian” và “Akkadian” được mấy năm nay rồi. Sau một thời gian tìm kiếm tôi đã có được bốn tác phẩm có những chương, những bài viết về tiếng Ebla như sau:

-IL BILINGUISMO A EBLA (edited by Luigi Cagni).

-LA LINGUA DI EBLA (edited by Luigi Cagni).

-STUDIES ON THE LANGUAGE OF EBLA (edited by Pelio Fronzaroli)

-THE ARCHIVES OF EBLA: AN EMPIRE INSCRIBED IN CLAY (by Giovanni Pettinato).

-EBLA: A NEW LOOK AT HISTORY (by Giovanni Pettinato).

Thực tế thì bao nhiêu đó cũng quá đủ để tôi học về tiếng Ebla nhưng tôi vốn cầu toàn nên tôi đã ao ước có cho bằng được bộ sách gồm bốn cuốn có tựa đề: EBLAITICA: ESSAYS ON THE EBLA ARCHIVES AND EBLAITE LANGUAGE (edited by Cyrus H. Gordon, Gary A. Rendsburg). Thế là quí nhân lại xuất hiện ra tay giúp đỡ.

Sau biến cố 30/4/75 tôi đã về quê nhà Phan Rang với ý nghĩ hết hy vọng thực hiện mộng học những cổ ngữ của Trung Đông-Lưỡng Hà Địa (Moyen Orient-Mésopotamie) thì bỗng nhiên tôi phát hiện một công việc trong tầm tay có thể thực hiện được. Đó là đọc những văn khắc (inscriptions) của Champa. Tôi đã tập trung học chữ Phạn (Sanskrit) và chữ Chàm cổ. Và đến năm 2011 thì vấn đề coi như đã tạm giải quyết xong. Tôi đã làm một chuyến du hành sang Campuchia với mục đích tham quan Angkor và thăm một người bạn Pháp làm đại diện Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Campuchia. Đó là Bertrand Porte, một chuyên gia tu sửa các tượng điêu khắc Khmer hiện đang làm việc tại Bảo Tàng Quốc Gia Phnom Penh (Musée nationale de Phnom Penh). Chính ở đây tôi đã thấy được các bản rập (estampages) những văn khắc Khmer. Và tôi rất chú ý đến các bản văn khắc tiền-Angkor (pre-Angkorian) mà đặc biệt là bản văn khắc lâu đời nhất thuộc tiền-Angkor là bản văn khắc K600. Ông bạn Bertrand Porte cũng cho tôi chiêm ngưỡng bộ từ điển chữ Khmer cổ của tác giả Philip N. Jenner gồm hai cuốn: A DICTIONARY OF PRE-ANGKORIAN KHMER và A DICTIONARY OF ANGKORIAN KHMER. Tôi đã yêu cầu ông bạn người Pháp chụp cho tôi bộ từ điển này. Đúng một tháng sau khi về lại Nha Trang ông bạn người Pháp đã thực hiện lời hứa. Tôi còn may mắn tìm được trên mạng nguyên cả cuốn từ điển chữ Khmer cổ DICTIONNAIRE DU KHMER ANCIEN (D’après les inscriptions du Cambodge du VIe – VIIe siècles.) của nhà bia ký học người Khmer rất nổi tiếng là Giáo sư Long Seam. Sau đó tôi có ý định đi vào nghiên cứu bia ký Khmer thuộc thời kỳ tiền-Angkor; trọng tâm là ngôn ngữ và chữ viết thuộc thời kỳ này, mà theo tôi không gì khác hơn là ngôn ngữ, chữ viết của Phù Nam (Funan). Tôi nghĩ, để hoàn thiện cần phải có một cuốn từ điển khác nữa về ngôn ngữ Khmer cổ. Đó là cuốn DICTIONNAIRE VIEUX KHMER-FRANCAIS-ANGLAIS của nhà ngôn ngữ học người Khmer, nữ Giáo sư Saveros Pou. Việc này tôi đã nhờ đến huynh trưởng Nguyễn Xuân Hồng, một cựu học sinh của Trường Thiên Hựu Huế. Tuy tôi đã chính thức đặt hàng nhưng huynh trưởng Nguyễn Xuân Hồng đã biến thành một quà tặng! Tôi có đưa việc này lên hộp thư của Cựu Học Sinh Thiên Hựu với một lời nhắn gửi nửa đùa nửa thật là có huynh trưởng nào cũng có lòng tốt như huynh trưởng Nguyễn Xuân Hồng thì xin hãy lên tiếng để tôi lại nhờ vả nữa. Và lần này là bộ sách EBLAITICA: ESSAYS ON THE EBLA ARCHIVES AND EBLAITE LANGUAGE (edited by Cyrus H. Gordon, Gary A. Rendsburg). Không phải 68 Euro nữa mà có thể lên đến 200 USD, kể cả chi phí vận chuyển. Ngay sau đó có sự phản hồi. Bác sĩ Lê Đình Thương, một cựu học sinh Thiên Hựu, bạn đồng song của huynh trưởng Nguyễn Xuân Hồng, đã lên tiếng. Nối tiếp, hai cựu học sinh Thiên Hựu khác là nhà Hán học Nguyễn Quốc Bảo và Tiến sĩ địa cơ học Nguyễn Thanh Toàn, nguyên Viện trưởng (cuối cùng) của Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật (Phú Thọ), và thật bất ngờ, Vũ Thùy Nhân, một cựu nữ sinh của Trường Jeanne d’Arc Huế, cũng góp sức. Rồi đích thân bào đệ của huynh trưởng Nguyễn Xuân Hồng là Nguyễn Xuân Thúy mang bộ sách 4 quyển  nặng 5 ký đó từ Hợp Chủng Quốc Huê Kỳ về Sài gòn để rồi sau đó được chuyển về Nha Trang. Tất cả nói lên một sự thật là TÌNH HUYNH ĐỆ THIÊN HỰU.

Bộ sách EBLAITICA là một công trình của Trung Tâm Nghiên Cứu Ebla thuộc Đại Học New York gồm những bài viết của các thành viên của Trung Tâm (do Cyrus H. Gordon lãnh đạo) và những công bố của nhà bia ký học Alfonso Archi thuộc đoàn khai quật khảo cổ học Italia do Giáo sư Paolo Matthiae của Đại Học Roma La Sapienza hướng dẫn. Trước đó, Paolo Matthiae có mời giáo sư Giovanni Pettinato, một chuyên gia về chữ viết cổ vùng Trung Đông tham gia đọc và nghiên cứu các bản văn khắc trên đất nung ở Ebla, nhưng sau vì có sự bất đồng nên Giovanni Pettinato tách ra tạo thành một hướng nghiên cứu khác. Hướng nghiên cứu này được sự ủng hộ của linh mục Dòng Tên Mitchell Dahood, chuyên gia ngôn ngữ Ugarit, giáo sư của Pontificio Istituto Biblico Roma, cũng là thầy của G.Pettinato. Di chỉ khảo cổ Tell Mardikh-Ebla được khai quật bởi đoàn khảo cổ Italia do Paolo Matthiae hướng dẫn vào năm 1964 nhưng mãi đến năm 1975 khi 14.000 bản đất nung được công bố thì công việc nghiên cứu các bản văn khắc mới được tiến hành mạnh mẽ. Đến nay thì những bản văn khắc đất nung đã lên đến con số 17.000. Gần đây, từ năm 2011, bắt đầu nổ ra lục đục nội bộ ở Syria công việc nghiên cứu phải tạm dừng. Tôi đang lo lắng về Ugarit và Ebla, vì tất cả đều nằm trên đất Syria. Trong lịch sử khảo cổ học chưa khi nào khám phá ở một địa điểm mà lại có nhiều bản văn khắc đất nung lâu đời như vây. Đó là một khám phá nguyên cả một thư viện, không phải sách, nhưng là những bản văn khắc đất nung. Những bản đất nung này hiện diện khoảng năm 2400 trước Công Nguyên. 2/3 số bản đất nung này khắc ngôn ngữ Xume. Phần còn lại khắc một ngôn ngữ lạ mà các nhà khoa học đặt tên là tiếng Ebla (Eblaite). Tất cả đều dùng loại chữ hình nêm. Việc khám phá những bản đất nung này đã cung cấp nhiều thông tin mới lạ về lịch sử, kinh tế, chính trị, ngoại giao, tôn giáo của một vương quốc khá rực rỡ mà lãnh thổ trải dài từ đất nước Syria đến tiếp giáp sông Euphrates của vùng Lưỡng Hà Địa. Kình địch lúc ấy của Ebla là vương quốc Mari. Khuynh hướng nghiên cứu của Giovanni Pettinato – Mitchell Dahood thiên về hướng gắn kết Ebla với Kinh Thánh Cựu Ước, tức Kinh Thánh của người Do Thái, tuy những điều được ghi trong Cựu Ước có sau những điều được ghi trong những bản văn khắc đất nung Ebla có đến 1000 năm. Và người ta đã tìm thấy những tên riêng như Heber, Abraham, Gomorra, Sodoma… trong những bản đất nung đó. Trước khi khám phá Ebla những người “không tin tính lịch sử của Kinh Thánh” nói rằng Môsê (Moses), nếu có sống thật, cũng không thể nào viết năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh Cựu Ước được vì lúc ấy chưa có chữ viết. Theo họ, những nhân vật trong Cựu Ước chẳng qua là biểu tượng hoặc huyền thoại và những biến cố như cuộc chiến giữa Abraham và năm ông vua đương thời cũng như những câu chuyện về Sodoma và Gomorra chỉ là truyền thuyết. Sau khi khám phá Ebla, những bản đất nung cho thấy điều ngược lại: chữ viết đã xuất hiện trước đó rất lâu rồi. Ebla cũng chứng minh rằng Môsê có thể đã sử dụng những tư liệu văn bản viết có trước đó chứ không chỉ qua truyền khẩu. Các bản đất nung ở Ebla cũng có đề cập đến những biến cố như việc tạo dựng trời đất và đại hồng thủy (Deluge) như đã kể trong sách Sáng Thế Ký (Genesis) của Cựu Ước. Như đã nói ở trên các nhà nghiên cứu cho rằng ngôn ngữ Ebla thuộc ngữ hệ Xêmit. Nhưng như chúng ta biết ngữ hệ Xêmit chia thành hai nhánh: Tây Xêmit (West Semitic) và Đông Xêmit (East Semitic). Tiếng Ugarit cùng với tiếng Do-thái (Hebrew) và tiếng Aram (Aramaic) thuộc tiểu nhánh Tây Bắc Xêmit (Northwest Semitic) trong khi đó tiếng Ebla cùng với tiếng Accat lại thuộc nhánh Đông Xêmit (East Semitic). Nếu năm 1929 người ta khám phá ra những văn bản Ugarit thì năm 1940 đã có thể phát hành cuốn ngữ pháp Ugarit chi tiết rồi. Điều này là có thể vì rất nhiều bản văn khắc đất nung Ugarit là những phần thi ca  tương đương có liên quan chặt chẽ với những phần thi ca trong Cựu Ước. Trong khi đó tuy số lượng những bản văn khắc đất nung ở Ebla phong phú dồi dào nhưng rõ ràng có rất ít những tài liệu văn chương khả dĩ có thể dùng làm cơ sở cho việc tái dựng lại ngôn ngữ Ebla. Đàng khác, vì ngôn ngữ Ebla thuộc ngữ hệ Đông Xêmit cho nên ngôn ngữ Xume chẳng giúp gì cho việc tái dựng lại ngôn ngữ Ebla. Chúng ta biết rằng việc giải mã các hệ thống chữ viết cổ và tái lập ngôn ngữ cổ thông thường là theo phương pháp so sánh cho nên những bản văn khắc song ngữ, tam ngữ hoặc đa ngữ sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc này. Thật ra thì ngôn ngữ Xume chẳng giống một ngôn ngữ nào khác, và chẳng có một ngôn ngữ nào khác giống nó. Ngữ hệ của tiếng Xume độc lập hoàn toàn; đúng là “độc nhất vô nhị”. Đây quả là một điều bí ẩn. Tuy nhiên đối với những sinh viên học về Lưỡng Hà Địa thì việc cần phải học tiếng Xume là rõ ràng. Cùng với tiếng Accat, tiếng Xume nắm giữ phần quan trọng hàng đầu trong việc tái lập những khía cạnh của lịch sử và văn hóa Lưỡng Hà Địa. Và những sinh viên chú tâm đến ngôn ngữ học Xêmit và Kinh Thánh cũng cần có kiến thức về tiếng Xume. Đối với những nhà Xêmit học, tiếng Xume quan trọng vì ảnh hưởng không thể chối cãi của nó đối với tiếng Accat – ảnh hưởng về ngữ âm, âm vị, cú pháp và từ vựng. Chỉ khi nào có kiến thức về tiếng Xume người ta mới có thể phân biệt những đặc điểm của tiếng Accat là sản phẩm của ngữ hệ Xêmit với những gì chịu ảnh hưởng của tiếng Xume. Tuy tiếng Ebla mới được biết gần đây, rõ ràng việc nghiên cứu ngôn ngữ này sẽ có tác dụng sâu đậm đến ngôn ngữ học Xêmit. Ngoài ra, đa số các bản văn tìm thấy ở Ebla được khắc không phải bằng tiếng Ebla nhưng bằng tiếng Xume. Những bản văn còn lại tuy được khắc bằng ngôn ngữ Ebla nhưng theo hệ thống chữ viết Xume, làm che khuất nhiều hình dạng chữ viết Ebla. Điều này có nghĩa là cần sự hiểu biết về tiếng Xume, đặc biệt là hiểu biết những nguyên tắc về hệ thống chữ viết Xume. Trước đây các nhà nghiên cứu thường tìm hiểu ngôn ngữ Xume thông qua ngôn ngữ Accat, cụ thể là qua những từ ngữ Accat vay mượn tiếng Xume. Tiếng Xume và tiếng Accat đã từng song hành trong một thời gian dài ở phần đất phía nam vùng Lưỡng Hà Địa, vùng đất nằm giữa hai con sông Euphrates và Tigris, và tiếng Xume đã “chết” trước, vào khoảng cuối thiên niên kỷ thứ hai trước Công Nguyên, nghĩa là không “được nói” nữa, nhưng vẫn tiếp tục được dùng trong các văn bản như một ngôn ngữ “học thuật” (scholarship). Nếu trong từ vựng và ngữ pháp của tiếng Accat thấy có dấu ấn của tiếng Xume thì lại không thấy rõ hiện tượng này trong tiếng Ebla. Có lẽ vì tuy cùng hệ ngôn ngữ với tiếng Accat nhưng tiếng Ebla không nằm trong vùng Lưỡng Hà Địa mà nằm bên ngoài, có nghĩa là xa “khung cảnh” (background) của tiếng Xume. Nhưng cần lưu ý, tuy có những nét khác biệt như đã nói nhưng tiếng Ebla vẫn dùng những nguyên tắc chung của chữ viết hình nêm như đa số các ngôn ngữ khác ở Trung Đông, ngoại trừ ngôn ngữ Ai-cập cổ. Tiếng Ai-cập cổ dùng hình thức chữ tượng hình (hieroglyph). “Hieroglyph” đúng ra có nghĩa là “hình khắc thánh”. Khi nói đến ngôn ngữ chữ viết Ai-cập cổ thì chúng ta phải nghĩ ngay đến Jean Francois Champollion (1790-1832), người đã giải mã bia Rosetta và là tác giả của hai tác phẩm trứ danh: GRAMMAIRE ÉGYPTIENNE OU PRINCIPES GÉNÉRAUX DE L’ÉCRITURE SACRÉE ÉGYPTIENNE và DICTIONNAIRE ÉGYPTIEN EN ÉCRITURE HIÉROGLYPHIQUE.

Như vậy chúng ta thấy rằng ngôn ngữ và chữ viết là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau tuy thường “nhờ vả” lẫn nhau và đi cùng nhau. Nói về chữ viết thì người Việt thường chỉ nghe nói đến một loại chữ viết lâu đời nhất là Giáp Cốt Văn (甲骨文)của Trung Hoa và thường nhắc đến tác phẩm Thuyết Văn Giải Tự (說文解字) của Hứa Thận (許慎). Trước 75, Đài Loan có xuất bản cuốn Hình Âm Nghĩa Tổng Hợp Đại Tự Điển (形音義綜合大字典) cực kỳ hoành tráng. Ở Tây Phương thì có học giả người Thụy Điển Bernhard Karlgren với nhiều tác phẩm nổi tiếng về chữ và tiếng Hán cổ đại trong đó có thể nói xuất sắc nhất là tác phẩm GRAMMATA SERICA RECENSA. Ngoài ra còn có một tác phẩm khác chẳng hề thua kém là CARACTÈRES CHINOIS (ÉTYMOLOGIE-GRAPHIES-LEXIQUES) của Linh Mục Dòng Tên Léon Wieger. Đây là cuốn sách viết về chữ và tiếng Hán cổ đại tôi yêu thích, quí trọng nhất mà tôi thường xuyên tham khảo, học hỏi. Thực tế thì những văn bản Giáp Cốt Văn lâu đời nhất tìm thấy được vào khoảng năm 1300 trước Công Nguyên mà thôi. Trong khi đó  loại chữ hình nêm xuất hiện trên những bản đất nung khắc tiếng Xume vào khoảng những năm 3400-3100 trước Công Nguyên. Chữ tượng hình  Ai-cập cổ thì xuất hiện khoảng những năm 3400-3200 trước Công nguyên. Những bản văn chữ tượng hình cổ Ai-cập tuy “bền vững” hơn những bản văn giáp cốt vì được viết/khắc trên gạch hoặc đá  trong các kim tự tháp, trong khi giáp cốt văn thì được khắc trên mu rùa, xương hoặc trên thẻ tre, nhưng phải khẳng định là không chất liệu nào “bền vững” bằng đất (sét) nung. Về chữ hình nêm và chữ tượng hình cổ Ai-cập tôi xin giới thiệu ba cuốn sách, không gọi là “sách gối đầu giường” nhưng gọi là “sách ba-lô”, vì chúng luôn nằm trong ba-lô của tôi mỗi khi tôi đi đâu đó xa nhà. Đó là cuốn A MANUAL OF SUMERIAN GRAMMAR AND TEXTS của John L. Hayes, cuốn A GRAMMAR OF AKKADIAN của John Huehnergard và cuốn MIDDLE EGYPTIAN – AN INTRODUCTION TO THE LANGUAGE AND CULTURE OF HIEROGLYPHS của James P. Allen. Tôi nghĩ rằng đó là ba cuốn sách có thể đáp ứng được niềm đam mê của những ai khao khát muốn học hỏi tiếng Xume, tiếng Accat và tiếng Ai-cập cổ dưới dạng “cuneiform” và dạng “hieroglyph”. Ngoài ra  ở Trung Mỹ còn có một hình thức chữ viết tuy không đến nỗi xưa cũ cổ đại như những loại chữ viết đã nêu, xuất hiện khoảng năm 200 sau Công Nguyên mà thôi, nhưng vẫn luôn hấp dẫn những người đam mê chữ viết cổ vì tính chất huyền bí của nó. Đó là chữ viết của người Maya. Ở thung lũng Indus của Ấn-độ còn có một loại chữ viết hiện các nhà nghiên cứu chưa giải mã rốt ráo  được. Đó tạm gọi là chữ viết Indus-Harappa, xuất hiện khoảng năm 3300 trước Công Nguyên. Và người coi như có thẩm quyền nhất để nói về loại chữ viết này là một giáo sư người Phần-lan, Asko Parpola, với tác phẩm nổi tiếng DECIPHERING THE INDUS SCRIPT. Còn chữ Chàm cổ xưa nhất được tìm thấy là chữ khắc vào thế kỷ thứ tư sau Công Nguyên trên một tảng đá ở Đông Yên Châu cách Trà Kiệu Quảng Nam một cây số đường chim bay về hướng Tây. Trước đây khi nói đến bia ký lâu đời nhất của người Champa thì người ta thường nhắc đến bia Võ Cạnh, thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu trong đó có nhà bia ký học nguyên là giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO), Georges Coedès , thì chưa chắc đó là bia của người Champa. Hơn nữa bia đó không khắc chữ Chàm cổ mà là chữ Phạn (Sanskrit), nội dung thì không có gì liên quan cụ thể đến người Champa. Gần đây ở Việt Nam có một số người đang cố tìm và chứng minh rằng người Việt đã từng có một loại chữ viết lâu đời xưa cổ chẳng kém gì các nước khác. Thiển nghĩ đó chẳng qua là do tự ái dân tộc mà thôi. Đa số những loại chữ viết được đưa ra làm bằng đều thuộc loại chữ Thái cổ. Phải chấp nhận một sự thật là chữ viết xưa nhất của người Việt vẫn là CHỮ NÔM. Về năm xuất hiện của chữ Nôm thì cũng có nhiều giả thuyết lắm, tựu trung cũng vì tự ái dân tộc. Chúng ta căn cứ trên thực tế, thực địa thì hợp lý hơn. Về văn bản thì khi tìm chứng tích trước thời nhà Lý, văn tịch hoàn toàn không lưu lại dấu vết chữ Nôm nào cả. Sang thời Lý thì mới có một số chữ Nôm như trong bài bi ký ở chùa xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (tạc năm 1173 niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 11) hay bia chùa Tháp Miếu, huyện Yên Lãng, nay thuộc Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (tạc năm 1210 triều vua Lý Cao Tông). Trước tác thì phải sang thời nhà Trần mới có dấu tích rõ ràng. Qua thế kỷ XVI chúng ta có thêm một loại chữ viết khác rất tiện dụng và hữu hiệu. Đó là CHỮ QUỐC NGỮ. Có thể nói được rằng có người Công Giáo Việt mới có chữ Quốc Ngữ. Khi đã có chữ Quốc Ngữ rồi người Công Giáo Việt vẫn còn dùng chữ Nôm song hành với chữ Quốc Ngữ. Sách SẤM TRUYỀN CA của Lữ Y Đoan được soạn bằng chữ Nôm vào năm 1670. Hiện nay chúng ta còn lưu giữ được nhiều sách Công Giáo viết bằng chữ Nôm. Linh mục Dòng Tên Girolamo Majorica (1591- 1656) đến Miền Trung Việt Nam năm 1624 cùng một chuyến tàu với một linh mục Dòng Tên khác là Alexandre de Rhodes (1591-1660). Khác với Alexandre de Rhodes ông không phải là học trò tiếng Việt của Linh mục Dòng Tên Francisco de Pina (1585-1625) nhưng học tiếng Việt tại Trung Tâm Dòng Tên Quy Nhơn (tiếng Bồ gọi là Pulo Cambi), Bình Định. Ông là linh mục Công giáo người nước ngoài đầu tiên soạn ra những sách đạo bằng chữ Nôm. Hiện Thư Viện Quốc Gia Pháp ở Paris còn lưu giữ một số tác phẩm của ông. Tác phẩm coi như tiêu biểu nhất về ngôn ngữ và chữ viết của người Việt, thiển nghĩ, đó phải là cuốn DICTIONARIUM ANAMITICO-LATINUM, xuất bản năm 1838 tại Ấn Độ, của J.L.Taberd. (Ngoài ra còn có cuốn DICTIONARIUM LATINO-ANAMITICUM cũng của J.L.Taberd. Cuốn từ điển này cũng xuất sắc và đặc biệt có phần từ vị tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng La-tinh và tiếng An-nam, chỉ tiếc là không có phần chữ Nôm). Đây là bằng chứng sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho nền văn hóa Việt Nam. Sở dĩ tôi nhấn mạnh đến tác phẩm này mà không đề cập đến cuốn DICTIONARIUM ANNAMITICUM LUSITANUM ET LATINUM (xuất bản năm 1651) của Alexandre de Rhodes, vì cuốn tự điển trứ danh của J.L.Taberd có cả phần chữ Nôm cùng với phần chữ Quốc Ngữ, chữ viết rất đẹp lại ổn định, phần tiếng Việt rất gần với tiếng Việt hiện nay, có phần ngữ pháp tiếng Việt viết bằng tiếng La-tinh, thậm chí còn ký âm thanh điệu của tiếng Việt và nói về phép tắc thi phú nữa. Tất cả các phần từ nghĩa đều bằng tiếng La-tinh là ngôn ngữ quốc tế thời bấy giờ. Một đại tác phẩm như bộ từ điển nói trên của J.L.Taberd không thể nào là công trình của một người được; hơn nữa đó lại là một người ngoại quốc. Nhiều chứng liệu cho thấy J.L.Taberd đã thừa hưởng và sử dụng tài liệu của một tác phẩm viết tay và chưa được ấn hành. Đó là cuốn VOCABULARIUM ANAMITICO LATINUM của P.J.Pigneaux. Và ai cũng biết J.L.Taberd đã có sự cộng tác của một số chủng sinh người Việt tinh thông Hán- Nôm và văn hóa Việt, trong đó quan trọng nhất là chủng sinh Philiphê Phan Văn Minh. Có thể nói được là qua bộ từ điển trứ danh này của J.L.Taberd, chúng ta thấy các vị thừa sai của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris đã tuân theo Huấn Thị 1659 của Bộ Truyền Giáo thuộc Giáo Hội Công Giáo Rôma gửi các vị Đại Diện Tông Tòa Đông Dương. Xin trích dẫn một đoạn trong Huấn Thị đó:

“Nullum studium ponite, nullaque ratione suadete illis populisut ritus suos consuetudines et mores mutent modo ne sint apertissime religioni bonisque moribus contraria. Quid enim absurdius quam Galliam, Hispaniam, Italiam aut ullam Europae partem in Synas invehere? Non haec sed fidem importate quae nullius gentis ritus aut consuetudines, quae modo prava non sint, aut respuit aut laedit, imo vero sarta tacta esse vult. Et quoniam ea est omnium poene hominum natura ut sua, et maxime ipsas suas nationes coeteris et existimatione et amore praeferant, nihil odii et alienationis causa potentior existit quam patriarum cosuetudinum immutatio, earum maxime quibus homines ab omni patrum memoria assuevere, praesertim si abrogatarum loco tuae nationis mores  substituas et inferas. Itaque nunquam usus illarum gentium cum usibus Europaeorum conferte, imo verovos illis magna diligentia assuescite. Admiremini et laudate ea quae laudem merentur; quae vero laudis expertia sunt, ut non sunt praeconiis assentatorum more extollenda, ita prudentiae vestrae erit de hiis aut judicium non ferre aut certe non temere et ultro damnare. Quae vero prava extiterint nutibus magis et silentio quam verbis proscindenda, opprtunitate nimirum captata qua dispositis animis ad veritatem capessendam  sensim sine sensu evellantur.”

Tạm dịch: “Chư huynh đừng tìm cách, đừng tìm lý lẽ để thuyết phục các dân tộc thay đổi các nghi thức, phong tục và tập quán của họ, trừ phi đó rõ ràng trái ngược với tôn giáo và luân lý. Không gì bất hợp lý bằng đem nước Pháp, nước Tây Ban Nha hay nước Italia hay một nước châu Âu nào khác vào Trung Hoa. Đừng đem đến cho các dân tộc ấy xứ sở của chư huynh, mà chỉ đem đến đức tin, một đức tin không từ chối cũng không làm thương tổn các nghi thức, các tập tục của bất cứ một dân tộc nào, miễn là tất cả đó không có gì là xấu, mà trái lại, đức tin của chúng ta muốn cứ giữ và bảo vệ các thứ ấy. Có thể nói bản chất con người là quý trọng, yêu mến và coi tập tục của xứ sở mình là hơn hết. Vậy nguyên nhân gây nên xa cách và hận thù là thay đổi tập tục riêng của một dân tộc, nhất là những tập tục đã có từ lâu đời. Vậy việc gì sẽ xảy ra, nếu chư huynh xóa bỏ các tập tục đó để thay vào đó tập tục xứ sở chư huynh được đưa từ ngoài vào? Đừng bao giờ đem so sánh tập tục của các dân tộc đó với tập tục của các nước châu Âu. Trái lại chư huynh hãy tìm cách làm quen với những tập tục đó. Hãy ngưỡng mộ và ca tụng những gì đáng ca tụng. Những gì không đáng ca ngợi, không nên ca ngợi om sòm như những kẻ nịnh bợ, cũng khôn ngoan đừng phê phán hay đừng bao giờ kết án một cách thiếu suy xét hoặc thái quá. Đối với những tập tục không tốt, thì chỉ nên dè dặt hoặc im lặng, chứ đừng dùng lời nói. Nhưng một khi các tâm hồn đã sẵn sàng chấp nhận chân lý, thì  dần dần các tập tục đó sẽ được bứng đi.”

Ngôn ngữ và chữ viết thể hiện rõ nét nhất bản sắc văn hóa của một dân tộc. Nhưng văn hóa (culture) không đồng nghĩa với một thứ gì chết cứng hay một thứ di vật được trưng bày trong bảo tàng. Văn hóa luôn sống động, đương nhiên có bảo tồn nhưng đồng thời cũng tiếp thu, hội nhập, đổi mới; có cải biến nhưng luôn giữ bản sắc (identité/identity). Chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ là hai hệ thống chữ viết dùng để thể hiện một thứ ngôn ngữ gọi là tiếng Việt hay Việt ngữ. Người Công giáo Việt đã cố công bảo tồn, lưu giữ và phát triển chữ Nôm, như đã nói ở trên. Và theo nhu cầu, người Công giáo Việt thông qua các vị thừa sai nước ngoài cũng đã sáng chế ra một hệ thống chữ viết khác để thể hiện tiếng Việt. Đó là chữ Quốc Ngữ. Theo dòng lịch sử và cũng theo nhu cầu thực tiễn chữ Quốc Ngữ đã trường tồn và phát triển trong khi chữ Nôm lại mai một và đi dần đến tình trạng hiện nay không còn mấy người đọc được viết được. Sở dĩ tôi đề cập đến vấn đề này vì hiện nay vẫn có người cho rằng sự sáng chế ra chữ Quốc Ngữ là một tai họa. Và có những người ủng hộ giải pháp chữ Nôm. Họ cho rằng NẾU, GIẢ SỬ, không có chữ Quốc Ngữ thì không chừng tiền đồ dân tộc sẽ phát triển huy hoàng hơn. Tôi nghĩ rằng sở dĩ chữ Nôm bị “đào thải” như vậy vì hai lý do: 1-Tính chất “khổ học”, muồn học chữ Nôm thì trước tiên phải biết chữ Hán, học chữ Nôm không dễ dàng như học chữ Quốc Ngữ. 2- Tính chất “khổ đọc”, nghĩa là phải đọc đoán, đọc mò.

Ngoài ra việc thành lập các cơ sở giáo dục, các trường học như Trường Trung Học Thiên Hựu Huế, Trường Trung Học Adran Đà lạt, Trường Trung Học Jeanne d’Arc Huế, Cư Xá Đắc Lộ Sài gòn, Trung Tâm Đắc Lộ Sài gòn và rất nhiều  trường học và trung tâm khác cùng với thành quả là hàng ngàn cựu học sinh, sinh viên của những cơ sở ấy đang hiện diện trong xã hội Việt Nam và trên toàn thế giới cũng là những đóng góp to lớn khác của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Xin trích ra đây một đoạn khác trong Huấn Thị để cho thấy việc thành lập các trường học, các cơ sở, các trung tâm giáo dục đã theo đúng tinh thần của  Huấn Thị.Dĩ nhiên vì Huấn Thị này có từ năm 1659, nên Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã cập nhật và triển khai, mở rộng đường hướng của Huấn Thị cho được thông thoáng, hợp thời hơn; qua đó cũng cho thấy tinh thần sáng tạo của các nhà giáo dục thuộc Dòng Tên (SJ), Dòng Lasan (FSC), Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris (MEP) và nhiều Hội Dòng khác nữa.

“…Quia vero ad sacra atque studia iis in regionibus promovenda non paucos sacrorum doctorum libros, aliosque hujusmodi ex latina, sive ex graeca lingua in patriam earum regionum linguam transferre opus est: id circo diligentissime perquirite quisnam ex nostris illic vel alibi reperiatur qui utraque lingua doctrinisque imbutus huic muneri par sit, et quivis sint Sacram Congregationem certiorem reddite.

Scholas ubique dumma cura et diligentia erigite et juventutem illarum regionum gratis docete latinam linguam et doctrinam christianam vernaculo idiomate. Nitamini ut nullus catholicus filios tradat infidelibus erudiendos sed vobis vestrisque.”

Tạm dịch như sau: “Vì để phát triển ở những xứ này sự hiểu biết và yêu thích những sách thánh, cần phải dịch từ tiếng La-tinh hoặc tiếng Hi-lạp sang tiếng địa phương nhiều sách của các tiến sĩ thánh thiện và những sách khác giống như vậy. Để đạt mục đích này, hãy tích cực tìm kiếm ai đó trong chư huynh, tại chỗ hoặc ở nơi khác, có thể chu toàn công việc này nhờ họ thông thạo cả hai ngôn ngữ và am hiểu giáo lý, rồi hãy trình cho Thánh Bộ rõ.

Hãy tận tâm mở ngay những trường học để dạy miễn phí cho giới trẻ bản xứ tiếng La-tinh và dạy giáo lý Công giáo bằng tiếng bản xứ. Hãy cố gắng sao cho không một người Công giáo nào để con cái mình được dạy dỗ bởi người lương nhưng bởi chính chư huynh và những người của chư huynh.”

Ở đây một lần nữa Huấn Thị nhấn mạnh đến tầm quan trọng và lý do dạy học tiếng La-tinh. Một công trình khoa học phải gọi là vĩ đại như  tác phẩm Flora Cochinchinensis của Joao de Loureiro cũng được trước tác bằng tiếng La-tinh. Vị thừa sai Dòng Tên người Bồ Đào Nha này còn đóng góp nhiều bài viết về phong tục tập quán và địa lý địa chí của xứ  “Cochinchina” này nữa. Tất cả đều viết bằng tiếng La-tinh. Đó là các tác phẩm: “Provincia Cham – Noticiae geographicae Cochinchinae”,“De nigris Moi et Champanensibus”,  “Provincia Binh Thuo’n portus amplius Champa, quem olim adibant pro commercio naves exterae satis magnae Sinenses, Portus Phan Rang; portus Phan Ri”,  “Provincia Bô Chinh,  Genealogia regia tunkinensium ex familia Trinh”, “Chronologia regnum Annamitorum exponens epocham annorum quibus coeperum regnare”,  “Index librorum Iconum plantarum sinensium nominibus sinensibus et cochinchinensibus ac latinis“. Làm sao có thể phủ nhận sự đóng góp của người Công Giáo?

Tôi đến với ngôn ngữ chữ viết cổ đại từ những bài học lịch sử  của vùng Trung Cận Đông, của vùng Lưỡng Hà Địa, và nhất là từ ao ước muốn đọc nguyên bản Kinh Thánh Công Giáo, sau cùng là muốn tìm từ  nguyên các từ  ngữ  trong Kinh Thánh, cố làm sao để cho hiểu được thật chính xác các từ  ngữ trong Kinh Thánh. Thế nhưng sau 1975 bất đắc dĩ tôi lại muốn đọc những bản văn khắc của Champa rồi của Khmer cổ, của Tiền-Angkor. Muốn được như vậy đương nhiên là phải học Sanskrit. Từ  Sanskrit con đường đi đến ngôn ngữ chữ viết Tây Tạng rất thuận lợi. Nhưng dầu sao tôi vẫn là một người Việt. Tôi vẫn luôn yêu thích ngôn ngữ tiếng Việt. Một điều kiện để nắm vững tiếng Việt là phải biết từ  ngữ  Hán Việt. Phải học chữ  Hán. Và chữ Hán xưa cổ nhất là Giáp Cốt Văn. Đến giờ phút này thì đối với tôi, ngôn ngữ tiếng Việt vẫn là số một. Tôi cảm nghiệm được rằng ngôn ngữ  tiếng Việt thật là tuyệt vời. Có vẻ chủ quan đó. Nhưng thiết nghĩ, trong một chừng mực nào đó tôi có thể nói được điều này vì có điều kiện để so sánh tiếng Việt với các ngôn ngữ  khác. Về phần chữ  Nôm và chữ  Quốc Ngữ tuy sinh sau đẻ muộn nhưng cũng rất đặc biệt. Ở đây rõ ràng có sự  đóng góp của người Công Giáo. Những cơ sở giáo dục, những trường học của người Công Giáo, những trí thức, những học giả  Công Giáo đã góp công góp sức rất nhiều cho đất nước này nói chung và nền văn  hóa Việt Nam nói riêng.

Để kết thúc xin trích dẫn câu nói của Thánh Josemaria Escriva, đấng sáng lập Opus Dei: “You are ambitious for knowledge?… for leadership?… for great ventures?… Good, very good. But let it be for Christ, for love.” Thánh Phaolô thì thẳng thừng hơn: “Si linguis hominum loquar et angelorum, caritatem autem non habeam, factus sum velut aes sonans aut cymbalum tinniens.” (1Cr. 13: 1).  –

Petrus Paulus Thống 60