Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris (Thanh Minh chuyển ngữ))

Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris (MEP)

 

Là một hội chăm lo về đời sống tông đồ công giáo có trụ sở tại Paris (Pháp). Hội có mục đích làm công việc rao giảng Tin Mừng trong các nước không theo ki tô giáo. Theo danh hiệu này, hội không phải là một tu hội hay dòng tu theo nghĩa của giáo luật.

Năm 2010, Hội có 247 linh mục, 262 chủng sinh và 17 giáo xứ.

Mục tiêu của hội là rao giàng Tin Mừng cho các dân tộc qua việc thành lập các thánh đường và phát triển hàng giáo sĩ địa phương dưới quyền tài phán của các giám mục. Để tuyển chọn và đào tạo các vị thừa sai tình nguyện, một nhà Mẹ được thành lập năm 1663 tại phố du Bac ở Paris, và vẫn còn tồn tại cho đến nay. Được biết dưới danh nghĩa « Chủng viện của Hội Thừa Sai », nhà Mẹ được Đức thánh cha Alexandre VII phê chuẩn và chính phủ Pháp công nhận về mặt luật pháp.

 

Tổ chức

Chủng viện của Hội thừa sai Paris, đường du Bac

Hội không phải là một dòng tu nhưng là một hiệp hội của các linh mục giáo phận, được hội nhập vào trong giáo phận gốc và được dành cho công cuộc truyền bá đức tin, ngày nay là Tu hội có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, tức là làm công việc truyền giáo dưới quyền của các khâm sứ tòa thánh.

Các khâm sứ tòa thánh điều khiển Hội theo cách hội đoàn (collégiale). Mỗi khâm sứ đều có một linh mục tổng quản (procureur) ở Paris. Các linh mục tổng quản có nhiệm vụ bổ sung các vị thừa sai cho các giám mục tông tòa  và tìm được nguồn quỹ hữu ích cho việc hoạt động của công cuộc truyền giáo.

Một sự thay đổi quan trọng diễn ra năm 1840. Cho đến lúc đó, các ứng viên truyền giáo đều là linh mục. Từ nay về sau các chủng sinh cũng được chấp nhận, họ sẽ được chấp nhận vào trong Hội. Sau việc công bố và việc đưa vào tình trạng hiệu lực của giáo luật mới, năm 1917, Hội Thừa sai, sau khi mất đi tính cách hiệp hội của các linh mục giáo phận, được dành cho công cuộc Truyền Bá Đức Tin, và trở thành một loại Tu hội gồm các linh mục triều. Tiếp theo sau cuộc cải cách, các thành viên của hội sẽ bầu một vị tổng bề trên và biểu quyết hiến pháp của họ.

Tuổi tối đa để gia nhập chủng viện là 35 tuổi, và việc chấp nhận vào trong Hội chỉ có thể tiến hành sau khi trải qua ít nhất là ba năm trong sứ mạng truyền giáo.

 

Các vị thừa sai

Các vị thừa sai MEP lên đường vào năm 1856

Vào các thế kỷ XIX và XX , phần lớn các vị chuẩn thừa sai đều xuất thân từ môi trường nông thôn, từ những vùng quê kém phát triển nơi các linh mục không chịu tuyên thệ (sau Cách mạng Pháp) thường duy trì tinh thần chống đối và và thi hành mục vụ trong vòng bí mật. Khi chủng viện của Hội truyền giáo được mở lại năm 1815, các thanh thiếu niên được giới thiệu hầu hết đều thuộc về truyền thống này. Một vài năm sau này, Hội Truyền bá đức tin sẽ nhận nhiệm vụ truyền giáo đến tận các giáo xứ nhỏ nhất. Dần dần nhân sự của hàng giáo sĩ giáo phận được tái lập, những thành viên mạo hiểm nhất hướng đến các hội truyền giáo. Các hội này trở thành lối thoát lớn lao cho những tình trạng hết ảo tưởng giống như  sự phấn khởi của Giáo Hội Pháp.

Xuất thân từ những gia đình rất đạo đức nhưng ít khá giả, thường gặp khó khăn trong việc trang trải tài chính cho việc học, nhiều ứng viên truyền giáo gặp phải sự chống đối của người thân từ khi họ loan báo kế hoạch của họ. Việc cắt đứt với gia đình, triệt để và dứt khoát, là một thử thách đau đớn cho tất cả, và bi đát cho một vài người, khi phải chạy trốn trong bí mật mà không một lời từ giã, nếu việc từ chối của những người thân thuộc của họ không thể lay chuyển.

Tuy nhiên, khi sự chia ly được chấp nhận, hoặc khi, cùng với thời gian, sự hy sinh được hoàn tất, những mối dây ràng buộc rất mãnh liệt lại tồn tại giữa những vị thừa sai biệt lập ở đầu bên kia của thế giới và những cộng đoàn gốc của họ : trao đổi thư từ thông qua chủng viện Paris và các văn phòng quản lý của Á châu, hiệp thông cầu nguyện và nhất là về phía các nhà truyền giáo, những lời mời gọi cấp thiết đến với các đồng nghiệp còn ở lại xứ sở.

Trong lãnh vực này, những vị Tử đạo là những người tuyển mộ tuyệt vời nhất. Cái chết của mỗi người trong các ngài thường là nguồn gốc của nhiều chuyến khởi hành đi truyền giáo. Vì vậy một vài giáo phận trở thành vườn ươm của các nhà truyền giáo và các vị tử đạo như Besancon (Các thánh Isidore Gagelin, Joseph Marchand, Francois Neron và Etienne Cuenot), Poitiers (Các thánh Jean-Charles-Cornay và Théophane Vénard) hoặc Bayeus (Emmanuel Verroles Léon Thomine Desmazures). Trái lại, trong các giáo phận mà việc tuyển chọn thừa sai còn yếu kém như Digne, cái chết của chỉ một vị tử đạo, thánh Jacques Chastan năm 1839 lại cổ vũ một làn sóng gồm 10 vị lên đường trong những năm tiếp theo sau đó.

Những đợt phong thánh gần đây (1984 và 1988) cho hai mươi ba vị thừa sai tử đạo tại Triều Tiên và Việt Nam đã củng cố những mối quan hệ tinh thần giữa các giáo xứ gốc và giáo xứ truyền giáo của họ, mối quan hệ càng được cụ thể hóa bằng những cuộc hành hương ngày càng nhiều.

 

Môi trường hoạt động

Các linh mục và chủng sinh ở Nhật Bản năm 1881.

Môi trường hoạt động của Hội Truyền Giáo được phát triển dần dần trong hàng thế kỷ. Sau Thái Lan, Bắc kỳ, Nam Kỳ, Cam bốt và một vài tỉnh của Trung Quốc, tòa thánh yêu cầu các linh mục của hội truyền giáo thay thế các vị truyền giáo dòng Tên trong miền Nam Ấn năm 1776. Năm 1831, Đức giáo hoàng Grégoire XVI ủy thác cho Hội Truyền giáo Triều Tiên và Nhật Bản ; năm 1838, Mãn Châu ; năm 1841, Mã Lai; năm 1846, Tây Tạng và Assam. Năm 1849, Hội truyền giáo nhận từ Đức thánh cha Piô IX ba tỉnh khác ở Trung Hoa và năm 1855, Miến Điện. Sau cùng, năm 1952, Đức thánh cha Piô XII yêu cầu Hội đảm trách giáo phận mới Hualien ở Đài loan.

Trong thời hiện đại, các cha thừa sai nước ngoài đã bị trục xuất khỏi nhiều quốc gia, lần lượt khỏi Trung Quốc, Miến Điện, Việt Nam, Cam-bốt, Lào. Hội Thừa Sai Hải ngoại buộc phải phân phối lại nhân sự của mình. Một vài vị thừa sai phải ở lại nước Pháp vì tuổi  cao sức yếu. Những người khác được phân phối đến những lãnh thổ mới, đến tăng cường cho những môi trường mục vụ truyền thống : ở Madagascar, ở đảo Maurice, ở Nam Dương, và Tân Caledonie.

 

Lịch sử

Việc sáng lập

Alexandre de Rhodes, vị thừa sai dòng Tên của Viễn Đông nơi ngài đã thực hiện nhiều đợt lưu trú từ năm 1624 đến năm 1645, thuyết phục ĐTC Alexandre VII gửi ba giám mục người Pháp tình nguyện, với cấp bậc giám mục tông tòa (vicaire apostolique), đến Á Châu nhằm thiết lập hàng giáo phẩm tự trị được đạo tạo tốt và để đáp ứng với phong tục của xứ sở, mà không xen vào những vụ việc chính trị. Đó là :

Pierre Lambert de la Motte, giám mục tông tòa của Trung quốc và coi sóc các tỉnh phía nam của Trung Quốc, lên đường vào tháng sáu năm 1660.

Francois Pallu, giám mục tông tòa Đàng Ngoài và những tỉnh Trung Hoa giáp giới với Đàng Ngoài, lên đường vào tháng bảy năm 1661.

Ignace Cotolendi, giám mục tông tòa Nam Kinh và cai quản các tỉnh phía Đông Trung Hoa, Mông Cổ và Triều Tiên, lên đường vào tháng Giêng nămr 1662.

Mỗi vị giám mục đều có linh mục và các giáo dân đi kèm. Tổng cọng họ gồm mười bảy người rời nước Pháp lên đường sang Châu Á. Chuyến đi kéo dài mất hai năm ; 8 người trong số họ chết trên đường đi, trong đó có ĐC Ignace Cotolendi.

 

Những bước đầu

Trong thời kỳ đầu thành lập từ năm 1658 đến 1700, người ta có thể ghi nhận việc thành lập chủng viện chung Juthia ở Siam, việc rao giảng Tin Mừng ở Đàng Ngoài, Đàng Trong, Cam bốt và Xiêm la, nơi có hơn 40 000 ki-tô hữu được rửa tội, việc thiết lập một dòng tu nữ ở An nam cũng như phong chức cho ba mươi ba linh mục bản xứ.

Hoạt động tôn giáo này không thiếu lòng ái quốc nào đó, và những sáng kiến của Hội cho phép thành lập một trào lưu thương mại giữa Pháp, Đông Dương và các xứ Ấn Độ, việc gởi các đoàn sứ giả, việc ký kết các hiệp ước. Một cuộc viễn chinh của Pháp đã chiếm hữu vào cuối thế kỷ XVIIe  Băng cốc, Mergui, và Jonselang,

Tuy nhiên công việc quan trọng nhất của các giám mục tông tòa và của Hội là thành lập tổ chức các giáo hội địa phương và một hàng giáo phẩm gồm các linh mục, giám mục địa phương.

Trong nửa sau thế kỷ XVIII, Hội được giao nhiệm vụ chăm lo các công cuộc truyền giáo do các tu sĩ Dòng Tên điều hành tại Ấn độ trước khi bị xóa bỏ (1773). Khi nhiều tu sĩ Dòng Tên còn tại vị (với tư cách linh mục thuộc giáo xứ), các cuộc truyền giáo đã biết đến một cuộc phát triển mới, đặc biệt tại Sichuan với các vị giám mục đáng kính như ĐC Pottier và ĐC Dufresne và tại Đông Dương với ĐC Bá Đa Lộc.

Cuộc Cách Mạng Pháp đã chấm dứt việc tăng trưởng nhanh chóng của Hội. Người ta có thể đếm được vào cuối thế kỷ XVIII có 6 giám mục và hơn 135 linh mục bản xứ. Hội điều hành chín chủng viện nơi có  250 chủng sinh học tập, và có đến 300 000 giáo dân và từ 3 000 đến 3 500 người được rửa tội mỗi năm.

 

Vào thế kỷ XIX

Hội nhanh chóng tái lập các hoạt động vào thế kỷ XIX, và sức phát triển của công cuộc truyền giáo trở nên nhanh chóng và quy mô, nhờ sự nâng đỡ về tài chính từ Hội Truyền Bá Đức Tin, được thành lập bởi Pauline Jaricot, và nhờ ảnh hưởng mà các cuộc bách hại các ki-tô hữu ở hải ngoại gây nên tại Pháp.

Vào các thế kỷ XVII và XVIII , mười lăm vị thừa sai chết trong tù hoặc bị chém đầu, nhưng nhất là vào thế kỷ XIXsố các vị tử đạo của Hội gia tăng sau đó. Các ngài đã được phong chân phước hoặc phong thánh vào thế kỷ XX. Nổi tiếng nhất là ĐC Dufresne, giám mục tông tòa Sichuan, bị chém đầu năm 1815 ; nhưng cũng có các cha Gagelin, Marchand, Francois Jaccard, Jean-Charles Cornay, và Pierre Borie từ 1833 đến 1838 ; và từ 1850 đến 1862 Augustin Schoeffler, Theophane Venard, Bonnard, Néron, Auguste Chapdelaine, Néel, Etienne-Theodore Cuenot, giám mục tông tòa của Đông Đàng Trong, không tính các linh mục, giáo lý viên và nữ tu bản xứ. Tại Triều Tiên, đó là ĐC Laurent Imbert, giám mục tông tòa và các cha Pierre Maubant và Jacques Chastan bị tra tấn và bị chém đầu năm 1839, rồi tháng ba 1866 trong các cuộc bách hại nặng nề, chín giáo sĩ cao cấp trong đó có ĐC Simeon Francois Berneux, các cha Antoine Daveluy và Henri Dorie, tất cả nằm trong số 103 vị tử đạo của Triều Tiên.

Những cuộc bách hại này được mô tả rộng rãi tại Châu Âu qua những quyển sách, nhật báo và sử biên niên đã gây nên lòng thương xót và thịnh nộ đồng thời gây nguồn cảm hứng cho nhiều người khao khát việc tử vì đạo và rao giảng Tin Mừng. Chúng thôi thúc các quốc gia Châu âu, đặc biệt nước Pháp và nước Anh, can thiệp vào Đông Dương và Trung Hoa. Trong cuộc khởi nghĩa của những người Boxer, các vị thừa sai đã bị ám sát, trong đó có cha Laurent Guillou, tháng bảy năm 1900, giám mục tông tòa của Mãn Châu. Tại Triều Tiên, một cuộc viễn chinh hải quân có giới hạn đã diễn ra từ tháng chín đến tháng mười một năm 1866

Việc khám phá ra tàu thủy chạy bằng hơi nước và việc khai trương kênh đào Suez cũng là một trong những lý do bành trướng những công cuộc truyền giáo vào cuối thế kỷ XIX .

 

Ngày nay

Công cụ giống với một cái thang ở chính giữa là chiếc gông (cangue) mà cha Pierre Dumoulin-Borie đã mang trong thời gian giam cầm.

Từ thế kỷ XVII Hội Thừa sai hải ngoại Paris đã gửi đến Á châu gần 4 500 linh mục. Hiện nay, Hội chỉ còn có 379, nhưng mặc dù nhân sự hạn chế, Hội vẫn tiếp tục phục vụ các Giáo Hội mà Hội đã góp phần sáng lập. Nhiều cộng tác viên giáo dân lên đường truyền giáo tại Á Châu, trong mối liên kết với Hội thừa sai hải ngoại Paris. Từ căn cứ khởi hành dành cho các nhà tân thừa sai, chủng viện ở đường du Bac gần đây cũng đã trở thành trung tâm tiếp đón dành cho các sinh viên linh mục Á châu. Hội Thừa sai hải ngoại kỷ niệm 350 năm thành lập vào năm 2008 . Hai mươi mốt chủng sinh đang được đào tạo hiện nay (2010)  cho Hội Thừa sai hải ngoại Paris.

Vị bề trên tổng quyền của MEP từ 9 tháng bảy 2010, là cha P. Georges Colomb, cha đã kế vị cha Jean-Baptiste Etcharren (1998-2010).

 

Sự phát triển từ hiệp hội thành tu hội

Chỉ vào năm 1710, tức là bốn mươi năm sau chuyến lên đường lần đầu tiên, một nội quy đầu tiên dược soạn thảo để tổ chức hiệp hội các linh mục được hội nhập vào trong địa phận gốc của họ và để cho Hội Truyền bá đức tin sử dụng  đã được sáng lập ở Rome vào năm 1622.

Năm 1840, sự thay đổi quan trọng, người ta cũng đón nhận các chủng sinh, từ nay về sau, các chủng sinh được đưa trực tiếp vào Hội Thừa sai hải ngoại Paris.

Năm 1917, sau một cuộc cải cách giáo luật, Hội M.E.P. không còn là hiệp hội của các linh mục giáo phận và trở thành một tu hội hưởng đầy đủ quyền lợi : từ nay trở đi họ sẽ bầu chọn bề trên  và biểu quyết các Hiến Pháp của họ.

 

Kiến trúc

Chi tiết từ bản đồ  Paris do Turgot thực hiện năm 1739 : chi tiết về đường phố du Bac.

Nhà nguyện phố du Bac

Việc xây dựng nhà nguyện của Hội Truyền giáo hải ngoại khởi sự vào năm 1683 dưới quyền điều hành của kiến trúc sư Lambert. Ban đầu, nhà nguyện chiếm một trong các phòng của tầng trệt của tòa nhà chính, được làm phép ngày 27 tháng mười 1663 trước sự hiện diện của giám mục Babylone và Bossuet đưa ra một bài thuyết giảng trong trường hợp này.

Trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên ngày 24 tháng tư 1683, một kỷ niệm chương có hình vua Louis XIV được đặt trong nền móng đánh dấu một cách chính thức lòng khoan dung của nhà vua đối với chủng viện. Ngày 7 tháng tám 1683, nhà nguyện được làm phép và dưới tên gọi Nhà nguyện Lễ Hiển Linh (việc tỏ mình đầu tiên của Chúa Giê-su đối với Dân Ngoại), trở thành nhà nguyện tạm thời.

Việc xây dựng được hoàn tất vào năm 1697.

 

Lịch sử nhà nguyện tại phố du Bac

Trong suốt thế kỷ XVIII , nhà nguyện chứng kiến những đợt lên đường truyền giáo của các nhà thừa sai.

Doanh trại của vệ binh quốc gia trong cuộc Cách Mạng, nhà nguyện được tuyên bố vào năm 1798 là tài sản quốc gia (như là chủng viện) ; được đem ra bán, nhà nguyện được mua lại một cách bí mật.

Năm 1802, nhà nguyện mở cửa trở lại dưới tên gọi nhà nguyện thánh Phanxicô Xaviê, nhà thờ nhánh của giáo xứ Thánh Tô ma Đa-canh, và nhìn thấy gia tăng sĩ số và tầm quan trọng của những cuộc lên đường truyền giáo.

Ngày 8 tháng bảy 1848, nhà nguyện tiếp đón linh cữu của một trong số các giáo dân của nó : Francois Réné de Chateaubriand, với sự hiện diện của Victor Hugo, Sainte-Beuve, Honore de Balzac và hầu như toàn bộ học viện.

Trong 1851, Charles Gounod, nghệ sĩ đàn organ thực thụ, sáng tác bản nhạc Chant pour le départ des missionnaires, (tôn vinh việc lên đường truyền giáo của các nhà thừa sai) và tiếp theo là bản nhạc Chant pour l’anniversaire des Martyrs. (Tôn vinh các vị thừa sai tử đạo) Năm 1874, việc xây dựng một ngôi nhà thờ giáo xứ mới ở quảng trường tổng thống Mitthouard, nhà thờ Thánh François Xavier của Hội Truyền giáo Hải ngoại, được hoàn thành.

Nhà nguyện ở đường du Bac lúc bấy giờ mới trở lại mục đích ban đầu và lấy lại tên gọi nguyên thủy của nó.

Thanh Minh chuyển ngữ