Thăm mộ Cố Hồng (Nguyễn Hoàng sb57)

Thăm mộ Cố Hồng

Sau một thời gian quanh quẩn trong một khách sạn mạt rệp tại Sài-Gòn, cuối cùng ngày 10 tháng 1/ 2016, tôi cũng đã xong nhiệm vụ bất đắc dĩ và lên đường trở về NhaTrang, quê hương yêu dấu của tôi mà có lần lúc còn bé tôi đã mơ tưởng. Tôi gọi cái khách sạn đó là mạt rệp, vì nó như một cái nhà tù đối với tôi.

Đó là một cái khách sạn nhỏ không tên tuổi, dịch vụ được cung cấp do một cặp vợ chồng quản lý. Tôi không rõ nó đóng cửa ban đêm lúc mấy giờ nhưng buổi sáng đến sáu giờ nó mới xã trại. Tôi là một early bird, dậy rất sớm, muốn đi rong chơi một chút lúc gần sáng. Thế mà trong mấy ngày qua tôi đành thúc thủ bó gối. Cảnh này có khác gì cảnh tù năm xưa tôi phải đợi đến lúc lính gác cổng đến mở cửa để được cắt công đi làm cơ chứ?

Chúng tôi lên đường đến ga xe lửa lúc 5 giờ sáng. Hôm nay tôi được ân huệ thả tù sớm hơn mọi khi vì chúng tôi đã xin phép cai ngục trước! Trời còn quá sớm nên chúng tôi chưa được vào ga, phải ghé lại một quán cà  phê bên cạnh kiếm một ly cà phê đen nóng. Nhìn chung quanh toàn là những nhân viên vận đồng phục, tôi nghĩ chắc họ cũng như tôi đang chờ đến giờ mở cửa để đi vào. Tuy họ không hỏi han gì, nhưng qua ánh mắt của họ rõ ràng tôi đã bị lộ vì hai chiếc va-li tổ bố của tôi. Và vì thế tôi càng cảnh giác hơn. Biết đâu tôi lại chẳng bị rình rập chờ lúc sơ hở. Nhưng thật là may, tôi không phải chờ đợi lâu. Chẳng mấy chốc chúng tôi được vào bên trong ga chờ đợi.

Chúng tôi vào toa couchette của chúng tôi. Vì là những người vào phòng đầu tiên, chúng tôi tha hồ có đủ thời gian để sắp xếp đồ đạc. Nhìn quanh chúng tôi nhận thấy có tất cả sáu couchettes trong phòng ở hai bên. Tôi nghĩ đến hai couchettes trên cùng, chỉ vừa cho hai người nằm, không ngồi dậy được vì đã sát nóc toa. Tôi bảo em gái của tôi:

“Thật  may là mình đã không mua hai cái giường này, nếu không chắc mình phải tận số!”

Vài phút trước giờ khởi hành, có hai vợ chồng nhập bọn với chúng tôi. Người đàn bà dáng vẫn còn trẻ với  cái bụng thật to, có lẽ sắp đến kỳ sinh nở. Người đàn ông mặc sắc phục công nhân. Không đoán được tuổi tác của họ vì cả hai đều mang khẩu trang. Tôi nhìn họ và thắc mắc không hiểu vì sao cả hai đã yên vị trong xe mà vẫn không chịu tháo khẩu trang ra. Không lẽ họ đều mang bệnh truyền nhiễm, hoặc giả họ sợ chúng tôi lây bệnh?

Tuy vậy họ vẫn tốt bụng, mời chúng tôi ăn bánh ngọt của họ, nhưng chúng tôi từ chối. Ai lại ăn bánh của người lạ nhỉ? Biết bao câu chuyện đã xảy ra rồi! Tuy vậy, chúng tôi vẫn quan sát họ. Họ ăn những chiếc bánh mà họ đã mời chúng tôi, Tôi đâm ra ân hận vì mình đã nghi ngờ những người tốt bụng. Vì nghĩ thế nên tôi đã quyết định bắt chuyện với họ. Thì ra đây là những người quê ở Mộ Đức. Anh chồng đã quyết định đưa vợ về nhà sinh nở trong dịp tết và sẽ trở về Sài Gòn làm việc lại sau chuyến đi. Tôi bỗng nhiên nhìn họ cười vì chợt nghĩ tới hai câu thơ gì đó về người dân Mộ Đức mà tôi đã có dịp nghe:

Ai về nhắn với Liên Khu

Lấy vợ Mộ Đức mất cu có ngày!

Chúng tôi về tới Nha Trang lúc hơn một giờ chiều. Sau một lúc nằm xem mấy đứa em loay hoay với mấy chiếc va-li, tôi chợt quay sang mẹ tôi. Tôi biết mẹ tôi đã lẫn nên không vội kẻo lại phải nghe mấy chữ mà tôi đã thừa biết như:

Ông là ai?

Tui có quen ông không?

Tôi bảo cháu Duy con trai út của em tôi đưa cho tôi xem cái đồng hồ để bàn mà tôi đã biếu Mẹ tôi năm ngoái để tôi xem. Đây là một chiếc đồng hồ đặc biệt hãng Dupont đã biếu tôi. Tôi cứ tưởng nó là một đồng hồ bình thường, có thể dùng với bất kỳ loại pin AA hoặc AAA nào. Không ngờ chẳng có loại pin nào thích hợp với nó cả. Tôi đành phải nhờ cháu Duy giữ lại giùm tôi để tôi sẽ tìm pin thích hợp với nó lúc tôi về Mỹ. Sau một thời gian nghiên cứu và tìm kiếm, cuối cùng tôi đã tìm được nó, một loại pin dài chỉ có 30cm thay vì 40cm như các loại pin thông dụng.

Rất may là chiếc đồng hồ vẫn còn chạy. Tôi mang nó đến trước mặt mẹ tôi, đặt nó vào bàn tay xương xẩu của mẹ. Tôi nói với vẻ xúc động:

“Má ơi, đồng hồ của Má đây nè. Má hãy giữ lấy nó, đừng có làm mất, xem như đây là món quà sau cùng của con dành cho Má.”

Tôi nghẹn lời không nói thêm được, vì nếu nói tiếp chắc tôi sẽ không cầm lòng được. Năm nay tôi đã 70 thì Mẹ tôi phải 90 rồi, cái tuổi quá gần với đất rồi! Nhưng Mẹ tôi vẫn bình thản cầm lấy nó và hỏi lại tôi:

“Cho tui hả? Tui không có tiền trả, cũng cho tui hả?”

“Của Má hết! Con là con của Má mà. Sao Má không chịu nhận ra con?” Tôi nghẹn lời.

Tôi ôm chầm lấy mẹ tôi. Bà đẩy tay tôi ra. Tôi vẫn cứ đưa tay vào đùa với mẹ tôi một lúc:

“Mày đồ thằng lì!” Mẹ tôi cười. “Giống thằng Hoàng bên Mỹ của tui quá!”

Thì ra là tuy mẹ đã lẫn nhưng tôi vẫn còn chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng mẹ. Và thế là tôi cảm thấy phần nào an ủi. Nhìn cả gia đình quay quần bên nhau tôi bỗng nghĩ đến một đứa em gái vẫn vắng mặt. Nó ở đâu đó xa lắm, một nơi mà tôi chưa hề có dịp đặt chân đến. Nghe nói nó đã không còn được đi đứng bình thường nữa. Tôi ước gì nó có mặt ở đây để phụ giúp cùng chúng tôi lo cho mẹ trong ba tháng tôi ở đây. Tôi hỏi em tôi:

“Thạnh nè, em có cách nào liên lạc với con Anh không?”

“Trước đây mấy hôm, nó có ý định về, nhưng hình như nó đã bị té nên không tự mình đi được nữa. Họa may chỉ có thằng Tính mới đưa nó đi được. Nhưng khó lắm, vì thằng Tính không thích anh em mình”

Tôi xúc động thật sự. Tôi đã có ý định gom anh em chúng tôi lại một chỗ để dễ bề chăm sóc lẫn nhau. Nhưng tôi đã không làm được. Con Anh vẫn ở xa chúng tôi và chúng tôi chẳng có ai biết được địa chỉ của nó.

Tôi về đây đã được hai ngày. Em Thạnh và tôi vẫn chần chừ không dám thực hiện ý định đưa mẹ vào sống trong rẫy mấy tháng. Con Hiếu, đứa em gái nuôi của chúng tôi không chịu vào rẫy vì còn phải lo cho chồng. Do đó nếu tôi đưa mẹ vào rẫy sẽ là một vấn đề lớn cho anh em tôi!

Nhưng thật là may. Tôi chẳng phải chờ lâu, vì con Anh đã nhắn với em Thạnh của tôi qua điện thoại rằng chồng nó sẽ đưa nó xuống gặp chúng tôi. Quả vậy, ngày hôm sau chồng nó đã đem nó xuống. Tôi thật xúc động. Em tôi sau bao ngày xa cách giờ không khác Mẹ gì mấy: đi đứng phải có người vịn, nếu không thì chỉ có bò thôi. Tôi hỏi em tôi:

“Ở với anh mấy tháng được không? Ăn mắm với anh nhé!”

Em tôi bỗng khóc to tiếng: “Có ăn là được rồi! Ăn gì cũng được cả!”

Tôi quay mặt đi nơi khác. Tôi không muốn mấy đứa em tôi biết được tình cảm thật sự của tôi. Và thế là xong. Ngày hôm sau chúng tôi thuê xe cùng khiêng mẹ tôi lên xe. Khác với mọi năm, lần này mẹ tôi không phản đối gì cả. Chỉ là thỉnh thoảng bà đòi về nhà cũ thôi. Mỗi lần không được toại ý, bà lên cơn giận dữ, phản đối kịch liệt. Tôi là nạn nhân đầu tiên của những cơn giận dữ ấy. Trong một lúc sơ ý tôi đã bị mẹ tôi dùng gót đạp vào trán tôi đau nghiến. Chúng tôi đã thật vất vả với mẹ. Thảo nào mấy em tôi đã chịu không nổi!

Tôi những tưởng tôi sẽ chôn ba tháng về thăm nhà của tôi trong rẫy, không một ai hay biết. Không ngờ tôi đã bị phát hiện. Một buổi sáng tôi nhận được một cú điện thoại của vợ tôi từ bên kia gọi về. Nàng ta hỏi tôi đã đọc email của chú Kim ngân SB 59 chưa. Thì ra anh em đều biết cả về một tên SB đã lén lút đào thoát về nhà và đang ráo riết truy lùng. Trốn không được thì đành phải chường mặt thôi. Tôi bèn gọi Kim Ngân hẹn ngày sẽ cùng anh em tham dự lễ tạ ơn và viếng mộ Cố Hồng, người thầy của biết bao vị tiền bối của tôi và của chính tôi nữa.

Cũng may là trong lúc trốn trong rẫy, lúc dự lễ Chúa Nhật tại Đồng Hộ, tôi bỗng gặp lại một số anh em cũ. Thật ra, nếu anh Sanh không ra kêu tôi lại thì dầu có là Tề Thiên Đại Thánh tôi cũng không thể nào nhận ra anh.

“Xin lỗi có phải anh là Hoàng cháu Đức Cha Nho không?”

Tôi ngỡ ngàng nhìn người đối diện. Tướng anh nhỏ nhắn với mái tóc nhuộm đen. Tôi nhìn anh một lúc, vẫn không thể nào nhận ra anh là ai.

“Xin lỗi, tôi vẫn chưa nhận được anh …”

“Sanh nè, Hồng Sanh Mạng nè, đã đi tu Làng Sông với anh đó!”

“À thì ra là anh. Tôi cứ tưởng đâu anh đã phủi chân rồi chứ?”

“Đâu có sớm vậy! Ba anh em tôi còn đủ cả!”

Tôi đã được anh Sanh đưa về gặp tất cả hai người anh em kia của anh là Hồng và Mạng. Găp tôi hai anh em đó rất mừng. Anh Hồng tuy thuộc lớp đàn anh, nhưng anh với tôi đã có một bí mật chưa bao giờ chia sẻ với ai. Đó là chuyện hai anh em cùng nhau ăn trộm xoài của Cha Tới vào một buổi  đi xem lễ lúc 4 giờ sáng.

Cây xoài của Cha Tới sát bề thành gần trường dạy lớp Ba lớp Tư của các dì phước. Xoài Ấn Độ rất ngon mà lại rất sai trái. Thế là anh Hồng đã rủ tôi ăn trộm xoài của cha. Anh leo lên cây vì anh biết trèo, còn tôi đứng phía ngoài bề thành để đón lấy những trái xoài do anh ấy ném xuống. Không ngờ sự việc bại lộ do thằng Nên cháu của cha phát hiện. Chúng tôi bị điệu đến gặp cha. Tưởng đâu đã bị thưởng thức roi cá đuối của cha, không ngờ cha chỉ mắng hai đứa một lúc rồi cho về. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa thoát nạn. Chúa Nhật tuần đó, anh Hồng bị cha kêu tên phạt gánh 30 gánh cát đổ hang đá Đức Mẹ, còn tôi cha lại tha! Cha tha cho tôi vì cha có ý bao che! Lần đầu tiên trong họ Cha Tới bao che cho một tội phạm, vì cha đã cố ý cho tôi đi Nhà Trường! Tuy vậy, cha vẫn xuống nhà nội báo cho ông nội tôi biết. Kết quả là tôi bị thê thảm: một trận đòn nhớ đời và quỳ một ngày để suy nghĩ!

Gặp được anh Sanh tôi rất mừng. Tuy anh cùng lớp với tôi, nhưng anh đã đi Làng Sông năm 55 vào học lớp 9 giống như anh Hoan. Thế nên tôi gọi anh là đại ca cũng không oan ức gì cả. Và thế là tôi như một tên tội phạm đã tìm được một người chịu tội thay. Tôi rủ anh đi dự lễ tạ ơn cuối năm tại Bình Cang. Với anh Sanh hay anh Hoan cũng thế tôi là người luôn luôn núp bóng. Cho nên lúc gặp Kim Ngân đại diện Sao Biển Nha Trang, tôi bèn trao trách nhiệm đại diện lớp 57 cho anh Sanh. Và thế là tôi thoát nạn. Tuy vậy, lúc thăm mộ Cố Hồng tôi vẫn được vinh dự là cầm đèn đứng hầu bên mộ của người cha thánh thiện của tôi. Tôi rất hãnh diện vì ngài là cha Linh Hướng cuối cùng của tôi. Lúc lên gặp ngài lần cuối, ngài đã buồn buồn hỏi tôi có biết Nhà Chúa đã tốn bao nhiêu tiền để đào tạo tôi thế nào không? Và ngài đã khuyên tôi nên cố sống thánh thiện dù đã xuất tu! Vậy đó. Và giờ đây, trong lúc cầm đèn đứng cạnh mộ ngài, tôi thì thầm với ngài:

“Thưa Cha, Chú Hoàng của Cha vẫn chưa làm chuyện gì bại hoại cả, và giờ đây nó đang đứng bên cạnh cha. Xin cha hãy tiếp tục cầu bầu cho nó!”

 

Suối Dầu, ngày 27/1/2016

Phê-Rô Nguyễn Hoàng