Vài suy tư về sự cầu nguyện (Nguyễn Văn Độ sb61)

Vài suy tư về sự cầu nguyện

Chào AE.

 Nói về sự cầu nguyện, có lẽ nunquam satis (không bao giờ đủ). Xin mạo muội góp vài suy tư cá nhân, tất nhiên là thiếu sót và không chuyên “tu đức học”, để nếu có thì giờ, mời AE xem qua, hy vọng có thể giúp nhau sống Đức tin thêm, trong khi mail đàn vắng lặng. Nếu được AE góp ý bổ sung thì mừng lắm.

 Xin Mẹ SB phù hộ AE chúng ta, nhất là trong Năm kỷ niệm 100 năm Fatima.

Cám ơn AE đã đọc. Bài có xử dụng một số từ chuyên biệt của Phong Trào Cursillo,và có đăng trong Đặc san   địa phương 2017.

Chào thân ái.

NVĐ61

Trong vật lý ứng dụng, cái kiềng bếp nấu hay cái giá đỡ ba chân của máy chụp ảnh (tripod), luôn đứng vững trên mọi mặt bằng, dù gồ ghề. Hình ảnh này được dùng để so sánh với đời sống tâm linh của Cursillistas trong linh đạo  (spirituality) của Phong trào Cursillo.

Ba chân kiềng đó là: Học đạo, sùng đạo và hành đạo. Thiết nghĩ, ta có thể ví von thêm: Đời sống cầu nguyện chính là cái vòng nối kết ba chân vững chắc cho chiếc kiềng đó.

Bởi lẽ, cả ba khía cạnh này của đời sống tâm linh chỉ mang lại hiệu quả thực sự khi được vun trồng và thể hiện trong sự cầu nguyện. Học đạo, không giống như khi ta tìm kiếm một kiến thức, nhưng học để biết Chúa và yêu mến Chúa, vì “vô tri bất mộ”. Sùng đạo là lòng say mê Thiên Chúa,  Đấng luôn luôn yêu thương, che chở ta. Hành đạo là mang Tình yêu của Thiên Chúa vào mọi hành vi, thái độ, trong các môi trường sống khác nhau của ta.

Như thế, cầu nguyện chính là sức sống, là “ máu huyết” của đời sống Kitô hữu nói chung, và của mỗi Cursillista nói riêng.

Sau đây, không phải là những điểm thần học hay tu đức chính thống về sự cầu nguyện, đơn thuần chỉ là những suy tư, xin được mạo muội chia sẻ, dựa vào những thực tế thường gặp trong đời sống đạo của chúng ta.

–  Khi cầu nguyện, ta thường chú tâm nhiều quá vào khía cạnh “cầu” hơn là “nguyện”. Nghĩa là lo “xin ơn này ơn nọ” hơn là kết hợp và thưa chuyện với Chúa. Như thế khi cầu nguyện, theo cách thực hành của ta, ta thường “bắt Chúa nghe ta” hơn là “lắng nghe Chúa nói với ta”. Ta cũng dễ bị lôi cuốn vào một quan niệm không phù hợp, đó là ta nghĩ việc cầu nguyện chỉ dành cho thời gian ta đến nhà thờ, tham dự nghi thức phụng vụ hay khi đọc kinh riêng và chung, nhất là khi ta gặp điều khó khăn, nguy khốn.

–  Dựa vào những điểm thiếu sót trên, ta có thể hiểu Cầu nguyện là kết hiệp với Chúa, chuyện vãn với Ngài như Đấng Cao cả, dù vô hình, nhưng ta tin và yêu mến hết lòng, để trình bày với Ngài mọi sự trong con người ta: tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, hoàn cảnh, thành công, thất bại, và cả những tội lỗi yếu đuối của ta, để xin Ngài soi sáng hướng dẫn, giúp sức vì ta hoàn toàn phó thác và tin tưởng vào Ngài. Chúa sẽ “nói” với ta trong cõi tĩnh lặng của tâm hồn, như khi ta đi vào “sa mạc hoang vắng” để một mình đối diện với Ngài, hoàn toàn cảm nghiệm sự yếu đuối, bất lực của chính mình.

Như  thế việc cầu nguyện tuyệt vời nhất là khi tham dự Thánh lễ, nơi đó ta cùng Giáo hội, hiệp dâng lên Chúa Cha của lễ cao cả là chính Mình Máu Đức Kitô, để ca tụng, tạ ơn và cầu xin Thiên Chúa Ba ngôi, hoặc khi cử hành phụng vụ cùng cộng đoàn, vì Chúa Giêsu đã hứa: “Ở đâu có hai hay ba người họp nhau vì danh Ta, thì có Ta ở giữa họ”( Mt 18:20). Cầu nguyện còn phải kéo dài trong mọi giây phút của đời sống thường ngày, trong mọi tình huống và hoàn cảnh, khi ta “nhớ” tới Chúa, dù chỉ một thoáng nhanh hay bằng một “Dấu Thánh giá” ta ghi trên người một cách trang trọng…

Cũng là cầu nguyện, khi ta đọc hoặc nghe một bài Kinh thánh, hoặc bắt gặp một câu Lời Chúa, khi gặp gỡ, giúp đỡ tha nhân trong tình yêu từ Thiên Chúa, khi đọc một cuốn sách, xem một phim tốt, khi làm một công việc vì lòng mến.v.v.

Khi cầu nguyện, nghĩa là khi ta kết hiệp với Chúa, thì Chúa “nói” với ta bằng nhiều cách: qua Lời Chúa, qua lời giảng dạy nhân danh Giáo hội, qua lời khuyên bảo của người khôn ngoan, qua tiếng lương tâm ngay thẳng trong tâm hồn ta, hoặc qua những biến cố vui, buồn, đau thương xảy ra chung quanh ta.

Đúng là khía cạnh “cầu” luôn quan trọng và trổi vượt trong cầu nguyện. Nhưng ta phải “xin” gì cùng Chúa. Đọc lại Kinh Lạy Cha, kinh duy nhất mà Chúa Kitô trao cho các môn đệ, được Giáo hội gọi là “theo thể thức Người dạy”: “…Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời” Sau đó mới đến:”Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày….”. Do đó, khi chúng ta xin bất cứ ơn gì, vật chất hay tinh thần, ta cũng phải xin trong tâm tình “cho Danh Cha cả sáng” và “Ý Cha thể hiện”, nghĩa là ta hoàn toàn trông cậy vào Ngài, vì ta hoàn toàn bất lực, để Ngài định liệu cho ta trong Tình Yêu Quan phòng (Divine Providence) của Ngài. Ta được như ý hay không là do Ngài, tất cả đều nhằm vào sự “Thiện hảo” cho linh hồn và thân xác ta, để ta chấp nhận trong Bình An, sự Bình An mà “thế gian không ban được” (Gio 14:27).

Nhìn vào những trào lưu “tâm linh”, chẳng hạn những lễ hội chùa miếu mang màu sắc dân gian, đặc biệt tại Việt Nam ngày nay. Người ta đang đổ xô, không quản ngại công sức, tiền bạc để “cầu phước, cầu lộc” hoặc để xin “xá tội” cho an lòng với các vị thần. Giả sử, khi người ta không được toại nguyện thì chuyện gì sẽ đến? Liệu Kitô hữu chúng ta có thoát khỏi được hình thức “mại  thánh, tức buôn thần bán thánh” (simony) này không?.

Chúng ta phải cầu nguyện, và tiếp tay hành động bằng nhiều hình thức khác nhau, cho sự ác và đau khổ giảm đi, cho sự thiện tăng lên trên trái đất này. Nhưng chúng ta cũng chấp nhận một sự thật là đau khổ không bao giờ biến mất khỏi cõi trần ai của con cháu Adam này. Phúc thay, chính Đức Kitô đã mang lại giá trị cứu độ cho mọi đau khổ khi chúng được liên kết với Cuộc Khổ nạn của Ngài.

Cuối cùng, phải kiên trì cầu nguyện. Trong đoạn Phúc âm Lc 11:5-13 về dụ ngôn “Người bạn quấy rầy xin bánh”, Chúa dạy ta “cứ xin thì sẽ được, cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11:9). Kiên trì, không phải vì Thiên Chúa muốn “đánh đố” ta, nhưng để ta khiêm tốn thú nhận sự bất lực của mình, chỉ hoàn toàn trông cậy và phó thác nơi Ngài. Đó chính là tâm tình của Mẹ Maria trong Kinh Magnificat “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” và của kẻ được chúc phúc trong Tám mối phúc thật: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Thánh nữ Monica, ròng rã ba mươi năm cầu nguyện cho người con Augustinô, là mẫu gương của sự kiên trì cầu nguyện.

Để kết thúc phần chia sẻ này, xin ghi lại lời cầu nguyện của một thi sĩ người Philippine, cũng là một cursillista, trong bài thơ tạm dịch sau đây:

“Tôi cầu xin Chúa ban thêm ơn thánh cho tôi,

Và Ngài trả lời: Không! Ơn Ta đủ cho con,

Tôi xin Chúa ban hạnh phúc cho tôi,

Và Ngài đáp: Không! Hạnh phúc hay không là tuỳ con,

Tôi lại xin Ngài cất đau khổ cho tôi.

Ngài nói: Không! Đau khổ giúp con gần Ta,

Tôi hỏi Ngài: Vậy Chúa có thương con không?

Ngài đáp: Có! Ta đã ban Con Một của Ta để đưa con về hưởng hạnh phúc với Ta,

Tôi xin Chúa: Xin cho con sống yêu thương hết mọi người chung quanh con,

Ngài trả lời: Cuối cùng, con đã xin đúng điều Ta muốn”.

 

Phaolô Nguyễn Văn Độ

Khóa 3/Sacramento 2016