Tiệm Pizza Hut đầu tiên của tôi tại Mỹ (Nguyễn Hoàng sb57)

Tiệm Pizza Hut đầu tiên của tôi tại Mỹ

 (Một Kỷ Niệm Khó Quên)

 

Ngày hôm kia, ngày 28 tháng 9, 2016, chúng tôi cùng đi shopping ở Tiệm Publix ở Khu Bellevue, khu vực chúng tôi đang định cư. Tôi đã đi qua con đường 70 S này không biết bao nhiều lần, nhưng không ngờ tôi đã có một kỷ niệm khó quên với nó. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ nhớ đến nó nếu nhà tôi không nhắc tôi về một kỷ niệm thuở hàn vi, cách đây khoảng hơn hai mươi năm.

Hôm nay là một ngày đặc biệt. Nhà tôi nằn nặc đòi tôi phải đi vì hôm nay là ngày thứ tư, ngày độc nhất trong tuần tiệm Publix có giảm giá cho người lớn tuổi. Thôi thì cũng được, đi để xem họ discount cho người già ra sao. Lúc chúng tôi dừng lại để chờ đèn xanh cho phép quẹo, nhà tôi bỗng chỉ cho tôi một tiệm Pizza Hut bên kia đường:

“Ông còn nhớ tiệm pizza này không? Vậy mà đã hơn hai mươi mấy năm rồi đó!?”

“Ủa, không lẽ là tiệm này sao?” Tôi ngạc nhiên.

Tôi chăm chú nhìn tiệm Pizza Hut này một lúc. Hình bóng của nó hiện ra mỗi lúc một rõ dần trong trí tôi. Phải chính là tiệm này! Tôi đã bước vào tiệm Pizza này với hai vị giáo sư Mỹ và cả gia đình tôi năm 1992 sau khi mãn đệ nhất lục cá nguyệt của năm đầu tiên. Gia đình chúng tôi được một trong hai vị giáo sư này khoản đãi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi cùng bước vào một tiệm pizza và đó cũng là lần cuối cùng cho đến giờ này. Tôi nói vậy vì biết đâu trong tương lai chúng tôi lại có một dịp khác để vào một tiệm pizza khác.

Lúc đó chúng tôi còn rất nghèo, vẫn còn được hội bảo trợ, Nhà Thờ Westminster ở đường West End, Nashville, TN, trả những món tiền chính. Nhà tôi chỉ vừa đi may cho hãng may đồng phục Horace Small ở đường 28 được có mấy tháng để tôi có thì giờ theo học tại trường Tennessee State University, gọi tắt là TSU. Do đó, hàng tháng chúng tôi được chính phủ trợ cấp tem phiếu để mua thêm thực phẩm. Gọi là foodstamps cho nó oai vậy, chứ thực ra chúng tôi chỉ được phép mua những món hàng nào có dán giấy đỏ bên dưới thôi, những thức ăn cần thiết. Chúng tôi thuộc loại biết người biết mình nên cũng không cho đó là xấu hổ lắm. Vừa được định cư non một năm nên khỏi đói như thế này cũng là may mắn lắm rồi.

Con cái còn quá nhỏ, đứa con gái đầu được 7 tuổi theo học tại trường tiểu học Edgehill; con em nó mới lên 3 tuổi đang được mấy bà bảo trợ Nhà Thờ Westminster cho theo học lớp pre-school do nhà thờ tổ chức. Tôi nghĩ rằng đây là lúc mình phải kiếm thêm kiến thức. Tôi đã ra sức phấn đấu vào trường đại học để học một môn gì đó. Sau này biết đâu mớ kiến thức đó có thể dùng để chỉ vẽ cho đám con nhỏ của tôi. Khó khăn lắm tôi mới lấy được chứng chỉ Michigan Test. Trường TSU đòi hỏi tối thiểu phải được 80% điểm số. Tôi được đúng 80% không thêm không bớt. Vậy là tôi được nhận vào trường.

Được vào đại học, nhưng con đường trước mặt vẫn còn nhiều gian truân. Tôi ‘bị’ chọn môn hóa học là một môn học tôi rất kém lúc còn ở trung học. Tôi nói là ‘bị’ vì đó là môn học tôi rất muốn tránh. Tôi muốn học môn Pháp văn là một học ‘tủ’ của tôi. Nhưng nhà tôi lại không chịu, viện lẽ môn học đó quá dễ đối với tôi:

“Học môn này để ông có thời gian đi chơi à? Không được, nếu muốn học đại học, tôi sẽ chọn một môn học khác cho ông? Nếu không học được thì đi làm. Dù sao kiếm được thêm một ít tiền cũng đỡ hơn!”

“Tôi ‘pha’ luôn đó! Cho bà chọn đó! Việt-Cộng còn chưa giết được tôi. Không lẽ môn học bà chọn lại giết tôi được sao?”

Và thế là, không những nhà tôi đã chọn môn hóa học cho tôi căn cứ vào học bạ thời trung học của tôi, nhưng từ đó về sau, một lần chọn lớp, nhà tôi đều giành quyền chọn. Nhà tôi đâu cần biết lớp đó có hợp với tôi hay không. Nhà tôi chỉ cần xem lớp đó có bao nhiêu ‘tín chỉ’, càng nhiều ‘tín chỉ’ càng tốt. Do vậy tôi mới phải đối mặt với những chuyện tréo cẳng ngỗng sau này. Chẳng hạn, mùa đầu tôi phải học phần hai của môn honor ‘introduction to biology’ và mùa sau tôi mới được học phần một của môn học này.

Vì đã bỏ học rất lâu qua những năm nhập ngũ vì chiến tranh và những năm tù đày, nên bao nhiếu kiến thức thu thập được lúc còn ở trung học hầu như đã biến đi đâu mất. Tôi đã phải vật lộn với những môn học này một cách rất khó nhọc.

Vấn đề cực nhất đối với tôi vẫn là Anh văn. Lúc còn ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển thuộc giáo phận Nha-Trang, tôi có theo học Anh văn với một vị linh mục người Pháp, Cố Lagrange còn gọi là Cố Quang. Đành rằng tôi đã được xếp vị thứ nhất nhì trong lớp của ngài, nhưng kiến thức đó chỉ là một mớ ‘tiếng một’ phát âm một cách bừa bãi của tôi để nhớ mặt chữ. Tôi không nói được Anh ngữ giống như những anh em khác chăm chỉ hơn cùng lớp. Do vậy lúc vào đại học tôi vẫn còn tình trạng ‘tôi nói tôi nghe, họ nói họ nghe’ mặc dù tôi đã cố gắng rất nhiều để điều chỉnh cách phát âm.

Tôi xin phép được bỏ qua những môn học khác mặc dù có rất nhiều chuyện buồn cười có thể làm các bạn cười ra nước mắt. Tôi chỉ xin chú trọng vào lớp introduction to computer của tôi thôi, vì đó là môn học đã dẫn tôi đến tiệm Pizza Hut này. Tất cả những chuyện học hành đó đều bắt nguồn từ vụ dốt tiếng Anh của tôi mà ra cả.

Không như những bạn học cùng lớp, tôi hoàn toàn dốt đặc cán mai về computer. Cho đến lúc đó, tôi cũng chẳng biết sử dụng máy tính calculator nữa là! Lúc Chú Trinh, con của Cô Bảy tôi đến thăm tôi nhân một dịp nào đó lúc tôi vừa sang Mỹ, chú thấy tôi đi học mà chẳng có một cái calculator nào cả nên chú mới thương tình mua cho một cái máy tính sử dụng năng lượng mặt trời. Từ đó mỗi khi đi học tôi đều mang trong túi nhưng chưa bao giờ  đem ra dùng cả.

Tôi không đụng đến máy tính vì tôi sợ nó hư và định hôm nào đó rảnh rỗi, tôi sẽ đưa nó ra dùng thử. Nhưng tôi vẫn cứ nhát tay. Lúc còn ở Việt Nam, tôi chẳng bao giờ dám động đến cái TV trắng đen 10 inc của chú tôi cả, vì sợ làm hư nó. Giờ đây sang Mỹ tôi vẫn còn mang tâm trạng đó mặc dù nó chính thức là của tôi chứ không phải của ai khác. Do đó cái máy calculator trong túi tôi chỉ để làm kiểng rằng tôi đây là sinh viên đại học, chứ chẳng có công dụng nào cả.

Và tôi đã mang cái dốt tiếng Anh của tôi vào trong lớp introduction to computer. Tôi đã đến lớp thật sớm, khi trong lớp chỉ có vài người, và đã chọn một vị trí gần bục giáo sư nhất. Không phải tôi háo hức để học hỏi thêm về computer. Chưa bao giờ biết đến computer tôi có gì mà hỏi chứ? Tôi đã chọn địa điểm này chẳng qua là tôi sợ! Sợ gì? Sợ nữ giáo sư ư? Sợ không theo dõi kịp bài chăng? Không đâu. Tôi chỉ sợ không hiểu bà nói gì thôi. Chỉ có vậy.

Tôi đã cố gắng học tiếng Anh trong một lớp dạy computer. Các bạn nghĩ xem có lạ không? Tôi có thể học trong sách, nhưng tôi cần đối chiếu những gì bà đọc với những gì tôi thấy trong sách! Rõ ràng là tôi đang học tiếng Anh. Do vậy, mặt dù tôi vẫn theo lớp dạy computer của bà, nhưng tôi không hề học được gì thực tiễn về computer cả.

Việc làm và thái độ của tôi đã gây sự chú ý của bà. Đã bao lần bà đã nói bóng nói gió rằng có một sinh viên ngày nào cũng nhìn bà một cách rất chăm chỉ, nhưng không bao giờ chịu hỏi bà câu gì cả và bà không hiểu sinh viên đó có hiểu được bà nói gì không? Bà rất lịch sự không nêu tên tôi vì không muốn mang tiếng là phân biệt sắc tộc màu da. Tôi hiểu bà muốn ám chỉ tôi. Trong lớp chỉ có mình tôi là dân da vàng. Tôi hiểu rất rõ rằng bà ám chỉ đến mình, nhưng tôi vẫn giữ im lặng. Tôi còn cần sửa cách phát âm những chữ tôi đã phát âm theo ý riêng lúc còn ở Tiểu Chủng Viện. Vả lại, tôi có biết gì về computer đâu mà hỏi chứ?

Thái độ của tôi làm cho bà càng lúc càng thêm bực bội và tò mò. Sự tò mò càng lúc càng cao cho đến một hôm bà không chịu nỗi nữa. Bà đích danh hỏi tôi:

“Ông Nguyễn, nếu ông lên một chiếc xe và ngồi sau tay lái, việc đầu tiên ông sẽ làm gì?”

“À, đương nhiên tôi sẽ đề cho máy nỗ,” tôi vừa đáp vừa cười.

“Nếu chiếc xe đó không có chìa khoá mà chỉ có một bảng toàn là nút, ông làm sao biết nút nào là nút đề?” Bà tiếp tục tấn công.

“Cũng dễ tôi, tôi sẽ bấm hết nút này sang nút khác cho đến lúc chiếc xe bắt đầu nổ máy.” Tôi trả lời bừa.

“Tốt, tôi hy vọng ông sẽ thực hiện đúng như lời ông nói trong giờ lab kế tiếp của tôi!” Bà trả lời và tiếp tục giảng bài.

Tôi cảm thấy chột dạ vì tôi chưa bao giờ tự mình đụng vào bất kỳ cái computer nào cả. Nhưng biết làm sao bây giờ vì tôi đã chọc giận bà giáo sư! Thôi thì kệ, tới đâu hay tới đó. Bất quá, mùa sau mình sẽ lấy lại lớp này là cùng, tôi tự nhủ. Và tôi đã cố giữ vẻ bình thản cố hữu của tôi.

Quả thật đến giờ lab hôm sau, bà đã để ý đến tôi một cách đặc biệt. Bà đã đặt tôi ngồi giữa một sinh viên Mỹ đen và một sinh viên người Phi Châu. Anh chàng Phi Châu này cũng như tôi chẳng hiểu gì về computer cả. Trong lúc các sinh viên khác đang bận rộn gõ lên computer của họ, tôi và anh chàng Phi Châu này lay hoay không biết làm cách nào để bật nút ‘on’. Màn hình của chúng tôi vẫn cứ đen ngòm! Tôi lén liếc mắt nhìn bà giáo sư. Bà vẫn ngồi tại bàn của mình, gõ tay lên bàn có vẻ khoái trá lắm. Thái độ của bà ta làm tôi bực mình. Tôi tức mình đứng lên đi vòng cái computer của tôi một vòng để tìm xem cái nút ‘on/off’ ở đâu. Bất ngờ tôi đã thấy nó sau lưng cái computer. Tôi bật nó lên và thở dài một cách khoan khoái. Tôi nhìn sang anh chàng Phi Châu. Anh ta vẫn ngồi đó cố gắng bấm hết nút này sang nút khác một cách tuyệt vọng. Tôi đưa tay đập vào tay anh ta và chỉ cho anh ta vị trí cái nút ‘on/off’ mà tôi vừa tìm ra. Anh ta mừng rỡ gật đầu cám ơn. Tôi liếc mắt nhìn bà giáo sư! Bà ta đang nhìn sững tôi và gật gật đầu như thể vừa tìm ra được một điều bí ẩn gì đó! ‘Trận đánh này tôi đã ghi được một bàn thắng rồi, bà biết đó!’ tôi nói thầm.

Suốt mùa học, tôi đã vật lộn với cái máy computer của tôi một cách tận tình. Chẳng những thế, tôi còn giúp anh chàng Phi Châu khốn khổ của tôi nữa để hai chúng tôi có thể nộp bài tập đúng hạn. Quả vậy, cả hai chúng tôi đều pass cái lớp introduction to computer của bà. Anh chàng Phi Châu được điểm ‘B’, còn tôi điểm ‘A’.

Tôi rất khoan khoái khi nhìn thấy bà cũng nở nụ cười đắc thắng lúc phát bài lại cho tôi! Tại sao vậy nhỉ? Tôi thắc mắc. Bà hẹn tôi đến văn phòng của bà. Tôi thắc mắc nhưng vẫn cứ đến. Đã đến nước này rồi còn sợ gì nữa. Ba búa của Thiên Lôi tôi đã chịu đủ rồi, lo gì mà không chịu được búa thứ tư?

Tôi đến phòng của bà. Bà rất vui vẻ kéo ghế mời tôi ngồi. Bà hỏi về hoàn cảnh của tôi. Được dịp tôi ‘xổ nho’ một tràng. Tôi không ngờ tại sao lúc đó tôi lại nói tiếng Anh được trôi chảy như vậy. Bà lắng nghe và cho tôi biết điểm số cuối cùng bà cho tôi là điểm ‘A’. Bà còn hỏi địa chỉ nhà tôi và hẹn sẽ mời gia đình tôi cùng đi ăn tối với bà. Tôi về nhà lòng mừng khôn tả. Không ngờ tôi đã vượt qua được cái lớp quá khó đối với tôi như thế. Tôi còn vui hơn vì kỳ lục cá nguyệt năm đó, tôi được ‘điểm B’, một điểm mà chính ông chủ nhà của tôi, giáo sư Donald Page, một vị giáo sư dạy communications ở trường TSU, cũng phải ngạc nhiên, vì theo ông có lẽ tôi sẽ được điểm ‘D’ hoặc cao lắm ‘điểm C’ xét rằng tôi đã bỏ học quá lâu.

Bà giáo sư đã đến nhà tôi đúng hẹn để chở tôi đến tiệm Pissa Hut này. Tại đây, đã có một bà giáo sư bạn đang chờ. Bà này là một giáo sư trường Đại Học Vanderbilt. Trong lúc chúng tôi còn đang lúng túng, bà giới thiệu chúng tôi với bà giáo sư bạn và nói thêm rằng:

“Đây là sinh viên giỏi nhất lớp của tôi.”

“Không lẽ lớp của bà chỉ có một người được điểm A. Nếu vậy làm sao bà tự khoe mình là giáo sư giỏi được?” Bà giáo sư bạn cười lại.

“Không đâu. Có nhiều sinh viên được điểm ‘A’ lắm. Nhưng đây là một sinh viên đặc biệt. Lúc ông ta đến lớp của tôi, ông ta hoàn toàn dốt về computer, một chữ abc cũng không biết. Vậy mà cuối khoá ông ta đạt được điểm ‘A’. Vậy có phải ông ta đứng nhất lớp không?” Bà giáo sư đáp lại với bà bạn.

Thì ra là vậy! Tôi nhìn thật lâu tiệm ‘Pizza Hut’ một lần nữa như để ghi đậm vào tâm trí của tôi một kỷ niệm thật đẹp của năm học đại học đầu tiên của tôi.

 

Nashville, TN ngày 5 tháng 10, năm 2016

Một kỷ niệm đẹp thời còn đi học tại Mỹ

Phê-Rô Nguyễn Hoàng, SB 57