Lại quyết tâm đầu năm (Chu Thập)

Lại quyết tâm đầu năm

Năm nào cũng như năm nào, cứ bước vào năm mới là tôi lại có những quyết tâm mới và năm nào cũng như năm nào, tôi thấy mình chẳng thực hiện được quyết tâm nào cả. Nhìn lại thấy ngao ngán, nhưng rồi nhìn qua ngó lại, tôi cũng cảm thấy an ủi vì thấy xung quanh mình, cũng có khối người giống mình: biết bao nhiêu người cũng bỏ cuộc trên con đường của những quyết tâm đầu năm!

Theo một cuộc nghiên cứu, tại Hoa Kỳ, trong số những người có quyết tâm đầu năm, khoảng 32 phần trăm đi được một đoạn đường  không quá  2 tuần lễ, 42 phần trăm bỏ cuộc sau một tháng và 56 phần trăm chỉ cố gắng lê lết được 6 tháng. Còn tại Úc Đại Lợi, một cuộc điều tra cũng cho thấy có đến 80 phần trăm chào thua chỉ sau 3 tháng  (x. Psychology Today 9/1/2017).

Không hơn ai, nhưng cứ theo tâm lý thông thường,  thấy người ta chẳng hơn gì mình thì cũng đủ thấy vui rồi. Không thực hiện được các quyết tâm đầu năm xem ra cũng  là chuyện bình thường thôi. Vậy mà từ cổ chí kim, dường như ở đâu và thời nào, cứ mỗi dịp đầu năm là con người lại làm một số quyết tâm. Thời Đế quốc Babylone, vào Thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, người ta cũng đã biết đến sụp lạy trước bàn thờ của các thần minh để đoan hứa sẽ hoàn trả lại những đồ vật họ mượn của người khác. Còn trong Đế quốc La Mã, cứ ngày đầu năm, người dân cũng đến khấn hứa trước bàn thờ của thần Janus rằng họ sẽ thanh toán nợ nần với người khác. Truyền thống làm quyết tâm đầu năm này tiếp tục sống mãi cho tới thời Trung Cổ ở Âu Châu. Tại lục địa chịu ảnh hưởng của văn minh Kitô giáo này, mỗi năm các hiệp sĩ cũng lập lại cam kết sẽ sống hết mình tinh thần võ sĩ đạo. Riêng  trong cuộc sống tâm linh, có tôn giáo nào mà không khuyến khích các tín đồ hồi tâm, sám hối về những lồi lầm của quá khứ và quyết tâm đổi mới trong năm mới. Trong các Cộng đồng Công giáo Việt Nam ở Úc Đại Lợi này chẳng hạn, cứ mỗi dịp lễ Tết, tôi nhận thấy các tín hữu cũng đi “hái lộc” và mỗi lá “lộc” là một câu Kinh Thánh có nội dung khuyên nhủ họ canh tân đổi mới trong năm mới.

Nói chung, làm quyết tâm đầu năm là chuyện bình thường và không thực hiện được các quyết tâm đầu năm xem ra cũng là chuyện bình thường. Nhưng xuyên qua thiện chí và thất bại trong các quyết tâm đầu năm, con người luôn mong muốn được làm người tốt hơn ở một khía cạnh nào đó. Tôi vẫn luôn tin tưởng rằng dù có vấp ngã, con người vẫn muốn đứng dậy và bước tới. Động lực đàng sau những cố gắng ấy là niềm tin vào khả năng có thể thay đổi của con người.

Không biết tại sao tôi lại có ý nghĩ lạc quan ấy khi theo dõi những biến chuyển trong tình hình chính sự tại Hoa Kỳ, kể từ khi tỷ phú địa ốc Donald Trump bắt đầu làm mưa làm gió tại đệ nhứt siêu cường này. Rõ ràng là tôi đang bị ám ảnh bởi nhân dạng, điệu bộ, nhứt cử nhứt động và nhứt là những lời tuyên bố bốc đồng của ông. Mỗi sáng, vừa mở mắt, động tác đầu tiên của tôi là mở máy vi tính, lướt qua tất cả những tin tức liên quan đến ông và những gì ông tuyên bố. Tuy tôi không phải là dân Mỹ, nhưng cuộc bầu cử vừa qua tại Mỹ đã lôi kéo tôi vào một cuộc chiến chẳng đặng đừng. Bạn bè tôi bên Mỹ chia làm 2 phe rõ ràng: phe ủng hộ bà Hillary Clinton, phe hết mình vì ông Donald Trump. Riêng tôi chẳng ưa gì bà Clinton, nhưng lại càng không thể đứng về phía ông Trump. Trong bất cứ một cuộc bầu cử nào, dĩ nhiên tôi xem trọng tài năng của các ứng cử viên. Nhưng tôi vẫn lấy tư cách và đức độ làm tiêu chuẩn hàng đầu để chọn mặt gởi vàng. Với tôi, sức mạnh đích thực của một xã hội không chỉ được xây dựng trên sự phồn vinh về kinh tế hay giàu có về tiện nghi vật chất. Một xã hội thực sự lành mạnh còn cần phải phát huy và cổ võ những giá trị tinh thần, nhân bản và đạo đức.  Một người bạn thân của tôi bên Mỹ, biết tôi không mặn mà với ông Trump vì thái độ ngạo mạn, hung hăng, lỗ mãng và ngay cả xem thường những giá trị đạo đức của ông, đã tìm cách biện hộ cho ông và giải thích với riêng tôi rằng “nước Mỹ chúng tôi không bầu một vị giáo hoàng” mà chỉ chọn một người có khả năng mang lại phồn thịnh cho xứ sở và làm cho xứ sở “vĩ đại trở lại”.

Với lời biện hộ dành cho ông Trump, ông bạn thân của tôi dường như cũng muốn lôi kéo tôi vào một cuộc chiến. Do “bất đồng chính kiến”, quan hệ giữa những ông bạn của tôi bên Mỹ đã sứt mẻ không ít. Trên “meo đàn”  của những người đã từng học chung dưới cùng một mái trường, họ choảng nhau chí chóe. Dù không công khai đứng về bên nào, có lúc tôi cũng thấy mình bị lôi vào cuộc chiến. Nhưng cuối cùng, dù có “bất đồng chính kiến” với nhau cỡ nào, tôi vẫn muốn đặt tình bạn lên trên hết. Với tôi, tình bạn chính là lửa thử vàng của sự trưởng thành.

Tôi không biết rồi đây mối quan hệ giữa ông bà Clinton và tân Tổng thống Donald Trump sẽ như thế nào. Hồi năm 2005, ông bà Clinton đã được ông Trump mời tham dự đám cưới của ông với bà Melania. Đây là cuộc hôn nhân thứ 3 của ông. Ông Trump cũng đã từng đứng ra giúp ông bà Clinton vận động thành lập Quỹ Clinton. Phải là bạn bè thân thiết  lắm ông Clinton mới choàng vai ông Trump và ông Trump mới đưa tay vòng qua eo bà Clinton. Trong tiệc cưới, họ cũng đã không ngừng áp má vào nhau. Những hình ảnh ấy chỉ có thể là bằng chứng cho thấy họ là bạn thân với nhau. Nhưng ai cũng nhận thấy rằng những lời nói thô lỗ cộc cằn, nhứt là từ phía ông Trump, mà họ đã xối xả tuôn vào nhau trong cuộc vận động bầu cử vừa qua, chỉ có thể là biểu hiện của sự thù hận mà thôi. Tôi hy vọng rằng tân Tổng thống Trump cũng như ông bà Clinton sẽ “trưởng thành” hơn để hàn gắn những vết thương do cuộc bầu cử tạo ra và nối lại tình bạn với nhau.

Phải nói dứt khoát rằng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, tôi chẳng đứng về phe nào cả. Nhưng ít ra, tôi phục tư cách của bà Clinton. Trong khi ông Trump tuyên bố sẽ không công nhận kết quả bầu cử và sẽ “quậy” cho tới bến theo kiểu “được làm vua thua làm giặc” nếu ông thất cử, thì bà Clinton đã lên tiếng chấp nhận thua cuộc. Ít ra tôi thấy bà đã cư xử như một người trưởng thành. Và dù có ngậm đắng nuốt cay cỡ nào, sự hiện diện của bà trong lễ tuyên thệ  nhậm chức của ông Trump cũng cần được đón nhận như  thiện chí của một người muốn xí xóa chuyện cũ và biểu hiện của một tư cách trưởng thành.

Tôi không biết ý niệm “trưởng thành” có trong đầu của tân Tổng thống Trump không. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CNN ngày 6 tháng Giêng vừa qua , khi nhận định về những lời tuyên bố bừa bãi và “thiếu suy nghĩ” của ông Trump trên trang mạng Twitter, Phó tổng thống Joe Biden nói rằng đã đến lúc ông Trump cần phải trưởng thành. Ông trực tiếp nhắn nhủ tân tổng thống Mỹ: “Donald, hãy trưởng thành. Hãy trưởng thành. Đã đến lúc phải làm một  người lớn”.

(x.http://edition.cnn.com/2017/01/05/politics/vice-president-joe-biden-donald-trump-grow-up/).

Tôi không có đủ khả năng để luận bàn về di sản của Tổng thống Barack Obama. Nhưng ít ra, dưới mắt tôi, lúc nào ông cũng cố gắng tỏ ra mình là một người trưởng thành, nhứt là trong lời nói. Ngay cả những giọt nước mắt mà người ta thường thấy rơi lã chã trên má ông mỗi khi ông xúc động, nhứt là khi nói về những thảm cảnh do nạn chém giết bừa bãi bằng súng ống trong xã hội Mỹ, tôi cũng xem đó như biểu hiện của một con người trưởng thành. Trưởng thành vì còn biết  xúc động trước khổ đau của người đồng loại. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống, tóc ông đã bạc hẳn đi và ông cũng già dặn, chín chắn và trưởng thành hơn. Trong bài diễn văn từ giã dân chúng Mỹ, ông cám hơn họ vì đã làm cho ông trở thành một tổng thống tốt hơn. Đúng hơn, một con người tốt hơn, nghĩa là trưởng thành hơn. Khẩu hiệu “Yes, we can” (Chúng ta có thể làm được) mà ông đã chọn cho chiến dịch vận động bầu cử cũng như suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống của ông, có lẽ trước tiên cần được hiểu như niềm hy vọng và tin tưởng của  ông vào khả năng có thể thay đổi của bản thân ông. Con người có thể thay đổi và thay đổi theo chiều hướng tốt. Tôi nghĩ có thể đó là sứ điệp mà qua sự vươn lên của chính bản thân ông, Tổng thống Obama muốn để lại cho hậu thế. Tôi cũng hy vọng và cầu mong rằng ở cuối nhiệm kỳ của ông, tân Tổng thống Trump cũng sẽ để lại một sứ điệp như vậy.

Ở mỗi dịp đầu năm, khi làm những quyết tâm cho năm mới, tôi luôn  tin tưởng như thế: con người có thể thay đổi!  Mới đây, các chuyên gia tâm lý thuộc trường Đại học Bremen, Đức quốc và trường Đại học Lisboa, Bồ Đào Nha đã phối hợp với nhau để thực hiện một cuộc điều tra để xem đâu là nét nổi bật nhứt trong tư cách con người. Đã có gần 42 ngàn người thuộc 30 quốc gia tham gia cuộc nghiên cứu. Kết quả cuộc điều tra cho thấy, nhìn chung, con người xem sự tha thứ là một trong những nét nổi trội nhứt trong tư cách con người. Các chuyên gia tâm lý đã đưa ra kết luận: “Tha thứ xem ra là một yếu tố then chốt trong việc bẽ gẫy những vòng lẩn quẩn của bạo động trong các xã hội sau thời kỳ xung đột”. Nói cách khác, tha thứ có thể dẫn đến hàn gắn và hòa giải giữa các dân tộc. (x.www.psychologytoday.com/blog/fulfillment-any-age/201608/4-reasons-give-someone-second-chance) .

Con người có thể và phải tha thứ cho nhau là bởi vì con người ai cũng có lúc sai phạm và con người có thể thay đổi. Ai cũng có thể học được một bài học từ những sai lầm của mình. Do đó quà tặng tốt nhứt dành cho một người chính là cho họ một cơ hội thứ hai để giúp họ chứng tỏ điều đó.

Con người có thể và cần phải tha thứ cho nhau là bởi vì ai cũng muốn được người khác tha thứ. Thành ra khi tôi tặng cho người khác một cơ hội thứ hai để thay đổi cũng chính là lúc tôi  tự dành cho mình một cơ hội để bắt đầu làm lại.

Sống là một cuộc bắt đầu làm lại không ngừng. Sang năm giờ này, khi nhìn lại đoạn đường đã đi qua, tôi biết chắc là mình sẽ thất vọng không ít vì không thực hiện được những quyết tâm đầu năm. Nhưng tôi cũng tin tưởng rằng tôi sẽ là người trưởng thành hơn nếu tôi biết ra khỏi bản thân để đến với người khác nhiều hơn, để biết quên mình hơn, để sống tử tế hơn và nhứt là để biết cảm thông và tha thứ nhiều hơn. Nghịch lý của cuộc đời là thế đó: khi tôi dành cho người khác một cơ hội thứ hai để thay đổi cũng chính là lúc tôi thay đổi chính mình.

Chu Thập

20.01.17