ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI BẠN VONG NIÊN
Tôi có một người bạn vong niên, sinh năm 1930, lớn hơn tôi 32 tuổi. Ông là hậu duệ của cụ Phạm Phú Thứ, Phó sứ trong phái đoàn sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Năm 1946 khi thực dân Pháp quay lại tái chiếm Việt Nam, ông đi theo kháng chiến và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Trên chiến khu ông là cán bộ nghiên cứu của Ban Tuyên huấn tỉnh ủy Khánh Hòa, phụ trách tờ báo Khánh Hòa ( Nguyễn Sung- nhà thơ Giang Nam- phụ trách bên văn nghệ) . Sau năm 1954 ông được cài lại ở miền Nam để hoạt động và bị bại lộ, từ đó đến nay ông thôi không sinh hoạt đảng nữa. Năm 2000, tôi tham gia sinh hoạt ở Văn miếu Diên Khánh và gặp ông. Từ đó tôi và ông trở thành đôi bạn vong niên. Tôi và ông thường đối thoại nhiều vấn đề liên quan đến đạo đời một cách thẳng thắn
Ai không được rửa tội thì không được vào thiên đường.
Khi đề cập đến đạo Công giáo, ông bạn vong niên của tôi không đồng ý với quan điểm của giáo lý Công Giáo: Ai không chịu phép rửa thì không được vào Nước Trời (Thiên đường). Ông nói : Chẳng lẽ những người không được rửa tội mà sống ngay lành cũng xuống hỏa ngục hay sao? Tôi bèn kể cho ông câu chuyện mà tôi đã gặp: Trong thời gian học đại học ở Huế, ở phòng trọ kế bên có mấy anh quê Phù Mỹ, Bình Định cùng ở trọ, trong đó có một anh theo đạo Cơ Đốc Phục Lâm, anh ta thường khuyên mấy anh bạn cùng phòng trọ gia nhập đạo Cơ Đốc Phục Lâm để lãnh phép Báp têm (Rửa tội) để sau khi chết được vào thiên đường. Mấy anh bạn mới hỏi vặn lại: Chúng tôi chịu phép Báp têm và sau khi chết được lên thiên đường , còn ông bà tổ tiên, cha mẹ anh em của chúng tôi thì sao? Anh bạn theo đạo Cơ Đốc Phục Lâm trả lời: tất cả đều xuống hỏa ngục bởi vì chưa chịu phép Báp têm. Mấy anh kia mới nói: Vậy thì chúng tôi lên thiên đường làm gì cho buồn, ở hỏa ngục có người thân không vui hơn hay sao!
Sau khi kể xong câu chuyện, tôi mới nói với ông bạn vong niên: Thiên Chúa là đấng phán xét chí công và giàu lòng nhân ái, Thiên Chúa có muôn vàn cách để đưa những người sống ngay lành mà chưa lãnh bí tích rửa tội vào nước thiên đường. Trong Kinh Nguyện Thánh thể IV có câu: “ Xin Chúa cũng nhớ đến những người đã chết trong bình an của Đức Ki tô, và tất cả mọi người quá cố, mà chỉ có một mình Chúa biết lòng tin của họ”.
Tôi đã nhấn mạnh câu: “ chỉ có một mình Chúa biết lòng tin của họ”. Ông bạn vong niên khi ấy mới nói: Như vậy mới đúng là Thiên Chúa.
Đạo Công giáo là nguyên nhân để Việt Nam bị thực dân Pháp xâm chiếm.
Từng là đảng viên Đảng Cộng sản và là người có trình độ nên ông hiểu rõ học thuyết Mác- Lê nin. Trước khi quen biết với tôi, ông bạn vong niên không mấy thiện cảm với đạo Công giáo, ông cho rằng: Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ là do đạo Công Giáo, nếu không có đạo Công giáo truyền sang Việt Nam thì thực dân Pháp đâu có xâm chiếm Việt Nam.
Tôi mới đặt vấn đề với ông: Theo chủ nghĩa duy vật lịch sử thì Việt Nam mất nước vào tay thực dân Pháp là tất yếu hay không tất yếu? Ông trả lời: tất yếu, bởi vì phương thức sản xuất sau tiến bộ sẽ thắng phương thức sản xuất lạc hậu cũ kỹ. Năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược Việt Nam thì khi ấy, nền khoa học kỹ thuật của Pháp đã vượt quá xa Việt Nam. Tôi nhắc lại cho ông bài thơ : “Thuyền đề Gia Định” của cụ Phạm Phú Thứ ghi trong Tây trình nhật kí khi cụ và phái đoàn Phan Thanh Giản từ kinh đô Huế vào Sài Gòn để rồi sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: “ Tích văn Thuận Hải quá Cần Hải/ Lãng bạc phong phàm lệ giáp thần/ Quái để!Nghịch phong thiên lí ngoại/ Hỏa thuyền tam nhật đáo Ngưu tân” (Xưa nghe cửa Thuận- Cần Giờ/ Thuyền buồm lướt sóng mười hai ngày trời/ Lạ! Nay gió ngược dặm khơi/ Ba ngày thuyền đã tới nơi Bến Thành – Quang Uyển dịch).
Tôi cũng đọc thêm cho ông bạn nghe đọan thơ của linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn khi tháp tùng phái đoàn Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp từ kinh đô Huế vào Sài Gòn vào tháng tư năm Nhâm Tuất (1862) để xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: “ Ngày hai mươi bốn tháng tư/ Tàu Tây ra cửa đón ngừa tàu Ta/ hai bên mừng rỡ lại qua/ Cột dây dắt thẳng chạy ba đêm ngày/ Đến cửa Cần Giờ vào ngay/ Tàu đi như bắn khói bay nửa lừng/ Đến thành Gia Định tàu ngừng/ Quan Tây bắn súng chào mừng vang tai”.
Cả linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn và quan đại thần Phạm Phú Thứ đều khiếp phục trước sức mạnh của hỏa thuyền (thuyền chạy bằng máy hơi nước) của Pháp. Lâu nay hành trình từ cửa biển Thuận An vào đến Gia Định của tàu buồm Việt Nam phải mất 12 ngày đêm (giáp thần= 12 ngày đêm) , nhưng nay với hỏa thuyền của Pháp chỉ mất có ba ngày đêm mà thôi.
Trong Lời Tựa tác phẩm Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim đã viết: “…Những đình thần (quan lại thời vua Tự Đức- TG) thì nhiều người trí lự hẹp hòi, cứ nghiễm nhiên tự phụ, không chịu theo thời mà thay đổi. Đối với những nước ngoại dương, thì thường hay gây nên sự bất hòa. Một phần vì những chính sách ấy cho nên mới thành ra có cuộc bảo hộ (xâm lược- TG) ngày nay”.
Ngoài lòng yêu nước chúng ta còn cần phải có nền kinh tế, quốc phòng hùng mạnh mới mong bảo vệ Tổ quốc khỏi họa ngoại xâm, chớ không thể lý luận: “bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng”.
Yêu người dưới nhãn quan Công giáo
Ông bạn vong niên của tôi tuy không quy y nhưng lại nghiên cứu kinh điển Phật giáo và hay giúp đỡ cho các nhà sư chùa Diên Thọ (dân trong vùng quen gọi là chùa Phật Học Diên Khánh). Để giới thiệu với ông về hành trình trở lại đạo Công giáo của một con người sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo và có nhiều thành kiến chẳng mấy tốt đẹp về đạo Công giáo, tôi đã cho ông mượn cuốn “Hồi ký Giáo sư Nguyễn Khắc Dương” (Giáo sư Nguyễn Khắc Dương là con của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, là em Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện). Sau khi đọc xong, ông ghi ở trang cuối cuốn Hồi ký: “ Phân tích ở trang 39- 40 là tuyệt vời”.
Trong Hồi ký ở trang 39 và 40 Giáo sư Nguyễn Khắc Dương đã phân tích sự khác nhau về yêu người giữa Công giáo và Phật giáo: “Tôi xin lấy một ví dụ cho rõ: tôi được hân hạnh quen biết một vị sư mà tôi hết sức kính mến, đó là Thượng tọa Thích Mật Thể. Đứng về phương diện đạo đức luân lý, ngài là một bậc chân tu, đạo hạnh rất cao, có lẽ ít linh mục tu sĩ Công giáo nào sánh kịp. Thế nhưng mỗi lần tiếp xúc với ngài, tôi tuy biết rằng ngài có thể liều cứu tôi, nhưng động thái (comportement) của ngài có cái gì lạnh nhạt. Tôi có cảm tưởng dù thương tôi hết sức, nhưng ngài thương tôi trong cái đại từ bi vô ngã đối với một chúng sinh vô ngã như bất cứ chúng sinh nào! Và tôi xin vô lễ (vì tôi rất kính mến ngài) mà cả gan suy diễn rằng có lẽ ngài xót thương cho cái chấp ngã hiện hữu của tôi, thay vì vui mừng vì hiện hữu của tôi như một “ngã vị”. Và xin thú thật rằng: tôi rất tôn kính Đức Thích Ca, nhưng mỗi lần chiêm ngưỡng tượng Ngài điềm nhiên trên tòa sen, tôi vẫn có cảm tưởng như vậy. Tôi được chiếu rọi bởi ánh từ bi của Ngài, nhưng không có cảm tưởng được sưởi ấm cõi lòng bởi lửa yêu mến của Ngài”
Đối với Công giáo, Giáo sư Nguyễn Khắc Dương nhận xét: “Trái lại , một linh mục, một tu sĩ, một giáo dân Công giáo, dầu về mặt đạo hạnh theo nghĩa luân lý đạo đức, so với Thượng tọa Mật Thể dù còn thua xa, nhưng trong động thái thì có cái gì ấm áp hơn, có lẽ bắt nguồn từ Ngọn Lửa Yêu thương. Mà cũng có lẽ vì vậy mà – theo một số bạn bè của tôi nhận xét thì – hình như phái nữ Công giáo “đa tình” hơn. Có phải chăng là do từ tấm bé, chữ “Yêu” đã được nhập tâm và in sâu hình ảnh hai trái tim bị đau đớn vì YÊU: Trái tim Chúa Giê su và Trái tim Đức Mẹ Maria?”
Có đối thoại chân thành với nhau thì mới mong xóa đi những định kiến không tốt trong cuộc sống.
Nguyễn Văn Nghệ SB74
Tổ dân phố Phú Lộc Tây I, Thị trấn Diên Khánh- Khánh Hòa