Khánh Hoà của Étienne Aymonier

Lời dẫn

Nhóm dịch thuật «Tâm Biển» của Cựu chủng sinh Tiểu chủng viện Sao Biển xin được giới thiệu cùng quý độc giả cuốn «Annam ký sự: tỉnh Khánh Hoà»dịch từ cuốn «Notes sur l’Annam, le Khánh Hoà»của tác giả Etienne Aymonier. Sách được xuất bản tại Sài Gòn năm 1886.

Ông Etienne Aymonier (1844-1929) tốt nghiệp Saint-Cyr, học viện quân sự danh tiếng nhất của nước Pháp. Sau đó, ông ta trở thành sĩ quan và công chức cao cấp. E. Aymonier đã làm việc với chính quyền của thực dân Pháp, đã sống ở Việt Nam, Kampuchia … Là một chuyên gia về văn hoá Khờ Me và văn hoá Chăm, Aymonier đã có dịp khảo cứu về miền trung Việt Nam vào những năm 1884 với cuốn sách đầu tiên là «Notes sur l’Annam, le Bình Thuận» (Annam ký sự : tỉnh Bình Thuận). Ông có ý định nghiên cứu địa lý, đời sống văn hóa của xứ Việt sống dọc theo con đường cái quan, nhưng vì những biến cố 1885, ông phải ngừng công việc và trở về Pháp.

Chúng tôi dịch cuốn sách này như một tài liệu tham khảo, và chỉ để tham khảo những địa danh, lịch sử và tập tục của địa phương Khánh Hoà vào những thập niên cuối thế kỷ thứ 19. Chúng tôi không hề bênh vực ý tưởng thực dân của chính phủ Pháp vào thời ấy.

Trong sách, E. Aymonier thường ghi tên riêng và tên những địa danh bằng tiếng Việt, chúng tôi xin để vào ngoặc kém như ông đã ghi, và sẽ chú thích và hiệu đính khi có thể.

Vì chỉ là những người dịch nghiệp dư, kính xin độc giả xa gần chỉ bảo thêm và tha thứ cho những sai sót.

Nhóm Tâm Biển,
Hè năm 2013, kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Tiểu chủng viện Sao Biển

_____________________

1. Duyên hải Khánh Hoà

Tỉnh Khánh Hoà hay Khánh Huề thuở trước còn được gọi là Nha Trang hay Nia Trang -từ tiếng Chăm « Ea Trâng » hay « Ia Trang » nghĩa là « nước lau sậy »- không rộng và lớn bằng tỉnh Bình Thuận, vì Khánh Hòa vốn chỉ được xem là một tỉnh phụ thuộc của Bình Thuận. Từ nam tới bắc, Khánh Hòa trải dài từ vĩ tuyến 11°43 tới 12°53, tức là nếu tính theo đường chim bay thành 1°10 hoặc 70 hải lý hay 130 Km nếu bỏ số lẻ.

Tại Khánh Hòa, con đường cái quan (route mandarine) có tất cả 10 « trạm » hay là trạm bưu điện. Mỗi « trạm » cách nhau trung bình 18-20 Km, tạo thành một giải khăn ngoằn ngoèo chừng 180-200 Km. Nếu cọng thêm 320 Km của Bình Thuận thì con đường cái quan của vùng Chăm dài hơn 500 Km, đi từ miền Nam Pháp thuộc tới những ngọn núi của vịnh Varella.

Khánh Hòa là tỉnh có nhiều đồi núi nhất ở Annam. Ở vùng sâu, núi có rừng, nhưng càng tiến về bờ biển thì thường thấy núi trọc. Giữa 2 ngọn đèo thường là đầm lầy và đồng cỏ.

Về phía nam tỉnh Khánh Hòa, đồi núi thường mọc song song với bờ biển và tạo thành ở phía tây một vùng hoang sơ không người ở gọi là vịnh Cam Linh hay Cam Ranh. Càng về phía tây, những con sông chảy về hướng Bình Thuận cho nên không có sông ngòi lớn chảy về Cam Ranh. Phía bắc Khánh Hòa, dãy núi Annam (bây giờ gọi là Trường Sơn) chạy về hướng bờ biển như những pháo đài và tạo thành 2 đồng bằng chính của tỉnh Khánh Hòa : đồng bằng Nha Trang và đồng bằng Ninh Hòa. Hai đồng bằng chính này có 2 đồng bằng nhỏ : Đồng Bò và Gia. Nếu nói kiểu thông tục, thì trông giống như một cặp dày ống chạng cẳng ra ngoài. Ở phía trên, 2 ống dày khép lại gần nhau, đó chính là Nha Trang và Ninh Hòa. Đồng bằng Đồng Bò theo hướng đông nam gần bờ biển là chân phải. Đồng bằng Gia và Tu Bông, thuộc Ninh Hòa, theo hướng đông bắc là chân trái.

Và cuối cùng, tỉnh Khánh Hòa được giới hạn về phía bắc bởi dãy núi lớn đâm ra bờ biển như pháo đài ở vịnh Varella.

Hai đồng bằng Nha Trang và Ninh Hòa được tưới mát bởi 2 con sông nhỏ. Những nguồn nước khác của tỉnh chỉ là những giòng suối hoặc thác nhỏ đủ để thêm nước cho những cánh đồng ruộng.

Như đã thấy, nếu khí hậu Bình Thuận hơi giống một châu Phi ngay giữa Đông Dương thì khí hậu Khánh Hòa lại vừa nóng vừa ẩm ướt hơn. Mùa mưa thường vào khoảng tháng mười tới tháng giêng. Khác với Bình Thuận, Khánh Hòa thường có bão.

Dân chúng những vùng đồng bằng Khánh Hòa toàn là người An Nam, nếu chỉ tính theo ngôn ngữ. Nhưng nếu tính theo chủng tộc thì không rõ ràng như thế. Tỉnh có tất cả chừng 50 hay 60 ngàn người, và 9 phần 10 đều ở tại 2 đồng bằng Nha Trang và Ninh Hòa. Trước thời Tây Sơn, đời vua Kiền Hưng, những người Chăm không được đồng hóa đều bị đuổi khỏi Khánh Hòa. Còn những người « hoang dã » (sauvage) lại sống ở những vùng núi phía trong, giống như ở tỉnh Bình Thuận.

Đồi núi nổi lên từ mặt đất như những pháo đài chạy ra biển đã tạo cho tỉnh Khánh Hòa rất nhiều bán đảo hoặc hòn đảo và những vịnh biển rất lạ lùng và tiện lợi cho nghề đánh cá và tàu thủy. Những vũng và bến cảng tuyệt với đã tăng thêm tầm quan trọng cho Khánh Hòa. Vì thế, để tả rõ miền duyên hải này, chúng tôi xin trình ở đây những thành quả đã được kiểm chứng và ghi chú thêm nhờ những công trình mới nhất của các kỹ sư ngành thủy văn : 1° Bản đồ bờ biển Khánh Hòa do Ô. Caspari và Renaud thực hiện. 2° Chỉ dẫn hàng hải cho biển đông (mers de Chine), tổng hợp những tài liệu mới nhất, do Ô Dartigue du Fournet, đại úy hải quân thực hiện, cuốn II, trang 394 và những trang tiếp theo.

Trong chương này, chúng tôi sẽ vay mượn và tóm lược lại những công trình của những người theo nghề biển ấy.

Cũng giống như khi nói về Bình Thuận, núi đồi duyên hải Khánh Hòa, từ vịnh Phan Rang và từ vịnh mà trên bản đồ hàng hải gọi là Cam Ranh, được tách ra khỏi những ngọn núi ở vùng sâu tạo thành một lỗ hổng dài. Con đường cái quan đã đi qua lỗ hổng dài và thấp ấy. Phía đông bắc, núi đồi duyên hải chỉa ra biển một mũi nhọn mà dân Annam gọi là Mũi Đá Vách « le cap du mur de pierre » mà người Âu châu ghi trên bản đồ với tên giả là Varella.

Trước khi vượt qua mũi Đá Vách, thuyền đánh cá của thổ dân có thể lánh gió bão ở một vịnh nhỏ kế cạnh gọi là Vũng Găng được nhiều đồi núi cao che chở. Vũng Găng được chia làm 2 vũng nhỏ : vũng phía ngoài rất dễ cho tàu bè lớn ra vào trốn bão cả 2 mùa, vũng phía trong càng an toàn hơn nhưng chỉ cho phép tàu cao không quá 4 thước. Bờ biển của vũng phía trong là làng đánh cá gọi là Vĩnh Hỉ, bên cạnh đó có một con suối cho nước ngọt. Dân đánh cá đổi cá và nước mắm lấy gạo, vì họ không có ruộng, cũng không có ruộng muối. Họ làm « rẫy » trên sườn núi, trồng bắp và thuốc lá. Họ thuộc tỉnh Khánh Hòa, nhưng rất gần biên giới của tỉnh.

Phía trên cao của Vũng Găng là đỉnh Varella giả cao 930 mét. Đỉnh Varella giả này chỉ giống với đỉnh Varella thực – cách 70 hải lý phía bắc, biên giới của tỉnh- ở chỗ nó cũng là những ngọn núi càng gần tới biển thì càng thấp, nhưng người ta không hề thấy ở Varella giả những tảng đá giống như « Đá Bia » của Varella thật. Mũi Đá Vách dốc đứng hiểm trở cao 300 mét, vách núi đen tối hoang dại chìm thẳng xuống biển, đi lên hướng bắc tới ải vào vịnh Cam Ranh.

Vịnh Cam Ranh được ghi trên bản đồ bằng những tên gọi sai trật « Cameraigne », « Cameragne » hay « Cam Ranh ». Nó được dân Annam gọi là « Cửa Cam Linh », đọc là « Kame Ligne », biến thể từ tiếng Tjame (Chăm) « Kame Lieng », tên của một loại cây. Vịnh này cách vịnh Varella giả 6 hải lý, có núi cao bao bọc, gồm một vịnh phía ngoài và một cảng phía trong tạo thành những bến đậu tốt nhất của bờ biển Annam.

Đảo « Tagne (hay Thanh) » có đỉnh cao nhất là 280 mét gồm 2 ngọn hợp lại với nhau che chở cho cảng phía ngoài của Cam Ranh. Ở giữa 2 ngọn núi có một giải đất khá thấp, ta thấy có một làng đánh cá trồng cọ (palmiers). Muốn vào vịnh Cam Ranh, ta phải đi ngang qua 2 ải. Ở phía nam là ải lớn, rộng 2 hải lý nằm giữa đảo « Thanh » và những ngọn núi của đất liền, nước sâu từ 26 mét tới 29 mét. Muốn vào ải lớn, ta phải vượt qua 2 đảo nhỏ mà thổ dân gọi là « Hòn tí lớn » và « Hòn tí nhỏ » hay còn được ghi trên bản đồ là « Hòn Chuột » (« tí » hay « chuột » đều có nghĩa là « rat »). Xa hơn và cũng tại ải lớn, có một đảo nhỏ thứ 3 được ghi trên bản đồ là « île de la prise » mà dân Annam gọi là « Hòn Lương ».

Ải nhỏ ở phía bắc đảo « Thanh » sâu từ 6 mét tới 7 mét, chỗ rộng nhất là 100 mét chỉ đi lại được khi khẩn cấp hoặc khi biển lặng.

Vịnh Cam Ranh phía ngoài ở phía đông thì rất bảo đảm, sâu từ 16 mét tới 20 mét. Ngoài rìa của vịnh là 2 làng đánh cá của người Annam. Một làng ở trên đảo, làng kia ở trên bán đảo phía bắc. Họ không trồng trọt gì khác là làm « rẫy » trên núi.

Vịnh Cam Ranh phía trong có lối vào rộng từ 1.000 mét tới 1.200 mét, sâu 24 mét được bao bọc bởi những mũi đá khá dốc đứng. Mũi đá phía nam nối với mũi Varella giả bằng một chuỗi đá núi càng tiến về phía nam càng cao. Mũi đá phía bắc được bao bọc, từ trong ra ngoài, bởi những đồi cát.

Vịnh Cam Ranh phía trong trải dài từ bắc tới nam, sâu từ 10 mét tới 15 mét. Bờ biển tây không sâu lắm có thể có nhiều dải san hô, ở đấy ta thấy làng Ba Ngòi ( 3 nhánh, 3 con lạch) nằm đối diện với ngõ vào cảng. Ở đấy, có một « trạm » hay trạm bưu điện được rào chắn lại mà trên bản đồ họ trộm ghi thành pháo đài. Có một con sông nhỏ chảy từ những ngọn núi phía tây đổ vào vũng của làng Ba Ngòi.

(Chú thích riêng: Ba Ngòi là ba nhánh sông. Như tác giả tả phía dưới đây : một là con sông nhỏ chảy từ những ngọn núi phía tây, hai là con sông có nguồn từ một ngọn núi cao 1.010 cách 5-6 hải lý phía bắc, ba là cái phá (lagune) phía trong mà ta gọi lầm là sông.)

Vịnh Cam Ranh phía trong trải dài từ bắc tới nam, sâu từ 10 mét tới 15 mét. Bờ biển tây không sâu lắm có thể có nhiều dải san hô, ở đấy ta thấy làng Ba Ngòi ( 3 nhánh, 3 con lạch) nằm đối diện với ngõ vào cảng. Ở đấy, có một « trạm » hay trạm bưu điện được rào chắn lại mà trên bản đồ họ trộm ghi thành pháo đài. Có một con sông nhỏ chảy từ những ngọn núi phía tây đổ vào vũng của làng Ba Ngòi.

Một con sông khác có nguồn từ những đầm lầy cách 5-6 hải lý phía bắc, dưới chân ngọn núi cao 1.010 mét, chảy về phía nam song song với bờ biển và chia cách với bờ bằng những đụn cát. Sông đổ vào biển ở phần bắc của cảng phía trong, và ở phần này, sông trở nên hẹp hơn và ít sâu hơn. Đụn cát hay dải cát hẹp và khô cằn tách rời khỏi cái « đuôi » biển này để đi về phía nam và kết thúc đối diện với đảo Thanh bằng một ngọn núi mà đỉnh cao tới 470 mét.

Thực ra, ngọn núi này xưa kia là một hòn đảo, và dải cát -gọi là « Bãi dài »- đã nối đảo với đất liền. Như thế , « Bãi dài » đã tạo nên một cái phá (lagune) ở phía trong, cho nên, đó không phải là một con sông thực thụ, mặc dù một phần biển lấn vào đất liền này cũng được dân Annam gọi là « sông ».

Ở ngoài trung tâm « Ba Ngòi » và vùng 2 vịnh Cam Linh, có rất ít làng mạc. Vùng này có vẻ cằn cỗi, hoang sơ và được cho là có độc. Nhưng tôi tin rằng, như chúng ta sẽ thấy, là vùng này có thể trở thành khá hơn.

Ngoài những bến đậu ở « Cửa Cam Linh » là những nơi trú ẩn chắc chắn khi có bão tố dữ tợn, bờ biển dài 9 hải lý này còn có thêm một dải đụn cát dài, như đã nói ở trên. Chiều rộng của dải cát, từ bờ biển tới cái phá phía trong, là 1 tới 2 hải lý hoặc ít hơn. Người Annam gọi là « Bãi Dài » (trong bản đồ ghi là « Bai Dgiai » tức là « đụn cát lớn ».

Những « bãi » của người Annam này có liên quan với những « gohoul » của người Tjame (Chăm) mà ta đã thấy ở Bình Thuận. Ở trên bãi cát khô cằn có mọc một số bụi gai và cây con mà những nhà chuyên khoa thấy rất có ích vì chúng có thể chặn cát lún như ở một số nơi khác trên thế giới.

Đảo Thré mà người Annam gọi là « Hòn Lớn » (le grand soulèvement) dài 6 1/2 hải lý từ đông sang tây. Đảo có 2 ngọn núi và một cái rảnh khá thấp ở giữa. Đảo có 4 vịnh khá rộng và sâu. Mỗi vịnh là mỗi bến đậu tuyệt vời sâu từ 10 tới 15 mét.

Vịnh Nha Trang không phải là một vịnh thực thụ mà là một cánh biển kín gió dài 8 tới 9 hải lý. Phía bắc, vịnh được che bởi mũi của hòn Rùa (cap de la Tortue). Phía nam bởi đảo Thré, phía tây bởi đất liền và phía đông là đảo « Dune », đảo « Câu » và đảo « Shala ». Ở phía nam, vịnh kéo dài tới giữa đảo Thré và đất liền với một bãi cát gọi là « Bãi Trường ». Bãi này nằm giữa những ngọn núi phía bắc Cam Linh và những ngọn đồi không cao lắm gần đồng bằng « Đồng Bò ». Sau bãi cát này chính là đồng bằng Nha Trang.

Nha Trang có một con sông nhỏ đổ vào góc tây bắc của vịnh. Ở bờ trái, gần cửa sông, trên một ngọn đồi, có một kiến trúc Tjame (Chăm). Kiến trúc này có 2 tòa chính bằng gạch. Chúng ta sẽ nói về chúng sau.

Vịnh Ninh Hòa mà trên bản đồ gọi sai là « Vung Thuc » hay vịnh « Bình Cang », hình như không có Bình Cang, nếu có thì có lẽ chỉ là tên một địa phương không đáng kể. Vịnh đâm sâu vào đât liền giữa « Mũi Khe Gà » (cap de la Crête du Coq), còn được gọi là « Mũi Rùa » (cap de la Tortue) phía tây nam và « Mũi Cây Sung », còn được gọi là « cap sec » phía nam bắc. Vịnh Ninh Hòa kéo dài từ vịnh Nha Trang tới một bán đảo lớn phía tây bắc. Vịnh dài 4 hải lý và sâu từ 18 mét tới 36 mét. Khi tiến gần bờ những hòn đảo phía trong thì chiều sâu chỉ còn 5-7 mét, ở đấy có nhiều tảng san hô vì thế chỉ có ghe thuyền người Annam mới đi lại được. Ngoài vùng những hòn đảo ấy, cái vũng lớn này chỉ những ghe thuyền nhỏ của người Annam đi lại được mà thôi, ngoại trừ ở chỗ con lạch do sông Ninh Hòa tạo thành. Nước sâu chừng 20 cm đến 1-2 mét, tùy chỗ. Ở đấy, đất lấn biển, liên tục tạo thành những bãi cát, bãi bùn. Ở những vùng đánh cá, thổ dân có thể đánh được rất nhiều cá nhỏ.

Vịnh Nha Trang và vịnh Ninh Hòa được bao bọc bởi những ngọn núi cao rất đẹp. Phía đông nam đồng bằng Ninh Hòa là bán đảo « Hòn Hẻo » (les monts du rotin) nằm ở giữa vịnh có tên trên bản đồ là Bình Cang và vịnh Hòn Cohe. Bán đảo này có nhiều núi rừng, đỉnh cao nhất là 850 mét. Ở vùng này, có rất nhiều cọp.

Từ những ngọn núi của bán đảo « Hòn Hèo », có một dãy núi đồi chạy theo hướng bắc tới ghép với khối núi gọi được là « Mẹ và Con ».

Ngoài vịnh Nha Trang và Ninh Hòa, tàu cũng có thể đi vào vịnh « Hòn Cohe » và vịnh Văn Phong.

Đúng ra, « Hòn Cohe » là tên của một làng nhỏ nằm ở phía tây của vịnh. Vịnh dài từ « cap Vert » tới « cap Varella », và người Annam gọi tên vịnh là Văn Phong. Các bến đậu của « Hòn Cohe » nằm ở phía tây nam của vịnh. Vịnh được bao bọc phía đông bởi đỉnh không cao lắm của « Hòn Cohe », và dãy núi của « Hòn Cohe » được chấm dứt bằng một ngọn núi lẻ.

« Hone Cohe » là cách viết bóng bảy của « Hòn Khói » (le soulèvement de la fumée, hòn khói). Bến đỗ của nó nằm ở phía đông Ninh Hòa, sâu từ 6 tới 8 mét. Tuy không phản đối việc dân Annam –theo những nhà hàng hải- gọi vịnh là Văn Phong, nhưng chỉ muốn nói thêm rằng chúng tôi vẫn thường nghe gọi vịnh là « Đầm Môn ». « Đầm » là danh từ chung để gọi « vịnh hoặc vịnh lớn ».

Vịnh Văn Phong được bao bọc từ nam tới bắc bằng những ngọn núi tạo thành một đường vòng cung rất đẹp. Phía tây có một đỉnh cao 2.100 mét mà khi trời tốt ta có thể nhìn thấy từ « đảo Thré » (ở Nha Trang) hoặc từ vịnh « Xuân Đài » (ở Phú Yên). Đỉnh có 2 đá tảng như 2 ngón tay lớn nhỏ, bởi thế mà dân Annam gọi nó là « Mẹ và Con ». Đó là đỉnh cao nhất của vùng và có lẽ đỉnh cũng rất gần với đường ngăn cách với sông « Mékong » vì ta thấy rất ít nguồn nước đổ xuống biển trong vùng này.

Ở phía đông vịnh Văn Phong có nhiều đảo mà lớn nhất là đảo « Coua ». Đảo này và bán đảo « Hone Gomme » cách nhau bằng một cái lạch dài và đảo che chở cho một cái vũng được gọi là « Coua Bay ». Vũng này có nhiều nước sâu (từ 20 tới 30 mét) không nguy hiểm. Ta có thể bỏ neo và lai thuyền nơi những cội cây. Vũng này, cũng như lạch « Coua Bay », có nhiều ngọn núi cao che chở. Lạch của « Coua Bay » được nối với biển và vịnh Văn Phong. Bến đỗ được những cồn cát che chở. Ở đấy, có nhiều làng đánh cá. (Theo một số chỉ dẫn khác, « Coua Bay » thường có nhiều luồng nước xoắn rất mạnh). Đảo « Coua » có núi rừng, ở phía tây có một tảng núi mà đỉnh cao 570 mét. Đỉnh rộng và ở một vài nơi lại bằng phẳng. Đó là núi « mont du Passage ».

Vịnh lớn gọi là Văn Phong này rất rộng, nhưng quá trống để có được những bến đỗ tốt, ngoại trừ ở những nơi đã nói như « Hone Cohe » và « Coua Bay » (có lẽ là Cửa Bảy, 7 cửa ?)

Hai tảng đá lớn như 2 tòa hay 2 ngón tay được gọi là « Mẹ và Con » nằm ở phía tây, cách cảng « Coua Bay » 27 hải lý.

Vịnh Văn Phong, ở phía bắc, được tách với biển bằng một bán đảo đi từ những ngọn núi của vịnh Varella đến phía nam. Lúc đầu, bán đảo này thấp và hẹp (dài chừng 13 Km và rộng từ 800 mét tới 1.200 mét), rồi trở thành rộng và nhiều đồi núi khi tiến về phía nam. Ở phía nam của bán đảo là cảng « Coua Bay » đối diện với đảo « Coua ». Ông Dayot gọi cái vịnh ở phía đông của bán đảo ấy là « Hone Gomme ». Và sau này, tên « Hone Gomme » được gọi chung cho cả bán đảo. Phần nam bán đảo thì rộng và có nhiều đồi núi khô cằn, đỉnh thì nhiều đá. Ngoài biển có một đảo nhỏ gọi là « Đoï Moï» hay « île de la Guérite », là phần đất xa nhất về phía tây của Annam, nằm ở 12°39 bắc và 107°7 nam.

Khi vượt qua « île de la Guérite », ta tiến vào vịnh « Hone Gomme » (Hòn Gom ?). Vịnh kéo dài từ hòn đảo này tới những đồi núi của mũi Varella. Phía trong vịnh có một vũng tàu nhỏ, bên cạnh đó là cảng « Vũng Ro ».

Cảng « Vũng Ro » nằm ở phía nam, cạnh mũi Varella. Là một cảng đẹp nhất và có những bến đỗ an toàn nhất của bờ biển vùng này. Cửa vào cảng rộng 1 hải lý, và ở phía trong, vũng cảng rộng 3 hải lý theo hướng đông bắc, sâu 16, 13, và 11 mét. Cảng đầy bùn, ngoại trừ một vài nơi cách bờ chừng trăm mét thì ta có thể thấy cát hoặc san hô. Đảo « Hòn Ro » nằm ở phía tây nam của cửa cảng. Đảo và bờ biển tách rời nhau bằng một con lạch khá hẹp, nhưng ở gần đảo nước sâu tới 14 mét. Ta cũng có thể tìm thấy nước ngọt ở phía tây của cảng.

Ngoài những chỉ dẫn chính xác và có thẩm quyền này, chúng tôi muốn nói thêm rằng cảng « Vũng Ro » có vị trí chiến lược quan trọng vì ở gần cửa phía nam của Đèo Cả mà chúng ta sẽ có dịp nói rõ hơn. Cũng có một làng người Annam ở cuối cảng Vũng Ro, nơi ấy có nước ngọt rất tốt. Hiện nay, cảng « Vũng Ro » là một trong những ổ chính của bọn cướp biển người Annam hay Trung Quốc của bờ biển này.

Dãy núi « Mẹ và Con » cao 2.100 mét, khi chạy xuống phia đông thì thấp dần, và ta thấy theo thứ tự những đỉnh sau đây : đỉnh « Diadème » cao 1.600 mét, đỉnh « Salacco » cao 1.200 mét. Dãy núi xuống thấp nơi có « Đèo Cả » (đèo lớn) đi ngang qua, rồi lại trở thành cao nơi có « Đá Bia », một tảng đá hoa cương rất lớn cao 750 mét ngự trên cả vùng biển Varella. Bờ biển có 4 đỉnh đá thẳng đứng tạo thành một diện tích dài 3 ½ hải lý từ nam tới bắc.

Thêm vào mũi « Varella » hay « cap de la Pagode », ta còn thấy một mũi mà người Annam gọi là « Mũi Nại » ở cuối vùng biển Khánh Hòa. Và như thế, ngoại trừ « Vũng Găng », cả miền duyên hải Khánh Hòa đều nằm ở giữa mũi Varella giả và mũi Varella thật.

2. Cam Linh và Nha Trang

Cũng như với Bình Thuận, chúng tôi sẽ tìm hiểu xứ sở này theo con đường cái quan, từ nam ra bắc.

« Trạm Thuận Lai » là trạm bưu điện cuối cùng của tỉnh Bình Thuận như đã nói. « Trạm » có kiến trúc hơi giống một pháo đài. Nhà có mái bằng ngói, cao và chắc chắn. « Trạm » được bao bọc bằng một bức tường bằng đá, và con đường cái quan đi ngang qua « trạm » với lối vào là cửa phía nam của trạm và ngõ ra là cửa phía bắc. Vượt qua « trạm » này, ta tiến đến hẻm núi nằm giữa khối núi « Đá Vách » và núi đồi ở phía tây. Phía nam của hẻm núi là rừng rậm, đầy bùn lầy. Đôi khi, con đường cái quan phải đi ngang qua những vùng đầy cỏ dại và ruồi trâu.

Vượt qua phần rừng của hẻm núi là tới biên giới của 2 tỉnh. Biên giới nằm ở phía tây của những ngọn núi vây quanh « Vũng Găng ». Và sau đó là vùng đất khá cao, có một vài mái nhà của « Hộ », ở gần vùng có con suối gọi là « Suối Đá ».

Ở lối ra của hẻm núi, lúc trước cũng có một « trạm » nhưng đã bỏ hoang kể từ khi người giữ « trạm » bị cọp giết chết. Sau đó, ở dưới chân một ngọn đồi, có một cái cầu bắc ngang một con lạch khá sâu. Và sau đó nữa là làng « Mô Xoài » thuộc về « Hộ Điền Nông », một làng nghèo nàn chừng vài chục mái nhà. Dân làng trồng bắp và buôn bán với những dân tộc hoang sơ gần đó. Đất thấp, nhiều đồng lầy, con đường cái quan đi ngang qua thường bị lún nhưng không được sửa chữa.

Phía bắc « Mô Xoài », con đường cái quan đi ngang qua rừng, nhưng đường cái khá thông thoáng. Phía trái con đường, cách chừng 100 mét, có một hàng cây. Phía phải con đường, thỉnh thoảng ta có thể thoáng thấy vịnh Cam Linh phía trong, cách đường chừng 2 Km. Rồi đường thấp dần và đi ngang qua nhiều con suối.

Tới nữa, ta phải đi qua 3 cái phá hay cánh biển bằng những cây cầu bằng gỗ dài và chật hẹp. Ba cái phá này được gọi là « Ba Ngòi ». Phải có cầu mới vượt qua được bởi vì đáy của phá nhiều bùn lầy nên không thể lội bộ qua phá vào bất cứ mùa nào.

Sau khi đã vượt qua cây cầu thứ ba thì tới « trạm Hòa Quan », trạm đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa nằm ở « Ba Ngòi », một làng có chừng ngàn người và cũng là làng lớn nhất của vùng Cam Linh. Ở đấy có mộ của « ông Thị Đọc », người sáng lập ra « Điền Nông ». Tên chính thức của « Ba Ngòi » là « Binh Ba Thôn » và làng chuyên bán cá và nước mắm.

Có một con sông nhỏ đổ vào phá « Ba Ngòi ». Sông này tưới nước cho những ruộng đồng ở phía tây thung lũng. Ở đấy có thấy trâu và ngựa. Thung lũng « Ba Ngòi » hay « Cam Linh » hiện nay gần như không người ở. Nhưng ta có thể cải tạo thung lũng thành ruộng muối hay ruộng lúa. Và cũng có thể làm tăng trưởng việc buôn bán với dân tộc hoang sơ sống ở phía tây.

Người hoang sơ sống chung quanh « Núi Rồng » ở phía bắc « Ba Ngòi », ở đấy có tượng ( ?) của vua « Ta Lang » và hoàng hậu « Ta Lê », tên Tjame mà dân Annam đọc trại mà thành. Dân Annam rất sợ « Núi Rồng » vì họ tin rằng ở đấy có quỷ thần đã giết thư ký và nhiều người giúp việc của một ông quan đã ngạo mạn đi qua vùng với chiếu lệnh.

Qua « trạm Hòa Quan » là một vùng trống có nhiều rừng, voi, tê giác và trâu bò hoang nhưng lại không làm người dân sợ mấy. Khi vượt qua cánh rừng dài chừng 3-4 Km này thì ta tiến gần tới bờ của Cam Linh, tức là vùng ven bờ của cái phá dài lên phía bắc và nằm phía trong của vịnh.

Nửa đường có một nơi để nghỉ ngơi gọi là « Mổ Đầu », nhưng đất vùng này thường là thấp và nhiều đồng lầy.

Sau 4 giờ đi bộ từ « Ba Ngòi », chúng tôi cũng đã tới « trạm Hòa Đo » hay « Hòa Đu », « trạm » thứ 2 của tỉnh Khánh Hòa.

Trạm bưu điện này nằm giữa đồng trống bên bờ phá. Ở đấy không có cỏ dại, không bóng cây cũng không nước ngọt, mặt đất khô cằn, chỉ có một vài ngọn cây cỏ trên đồi cát và bãi biển.

Tháng 12, vào mùa mưa, vùng đất bằng này trở thành đầm lầy, người lữ hành phải thường xuyên lầy lội trong những vũng bùn.

Từ « trạm Hòa Đo », đường cái quan đi ngang của một cánh đồng cũng khô cằn như vậy. Tuy có cây cỏ, nhưng không phải là rừng. Cây thưa nên không cản trở lối đi và tầm nhìn. Đất khô cằn và có nhiều cát. Đi bộ trong 2 giờ nhưng vẫn thấy cái phá bên phải, rồi dù đã vượt qua phá nhưng đất cũng không bớt khô cằn. Cuối cùng cũng tới một làng nhỏ có bóng mát mà dân Annam gọi là « Trong Bong », ở đấy có thấy một ngôi chùa nhỏ gọi là « Rù Rì ». Quanh đó là những đồng ruộng đẹp ; ta vẫn còn thấy đầm lầy ngoài xa ; vùng này có nhiều nước, và sau khi đã tưới cho ruộng đồng, nước tràn về phía nam, vào những vùng đầm lầy của cái phá.

Qua làng « Trong Bong », lữ khách phải lầy lội vượt qua đầm lầy chừng 1 giờ để tới trạm « Hòa Tân », trạm thứ 3 của tỉnh Khánh Hòa, gần một làng hình như được gọi là « Cửu Lợi ». Đất ở đây phì nhiêu, nhưng ít người ở, và vì có nhiều đầm lầy nên cũng không mấy trong lành.

Cách đấy một hải lý về phía bắc nơi có nhiều đầm lầy lớn là giới hạn phía bắc của vùng « Cam Linh ». Cam Linh giống như một khúc ruột dài, bên trái là đồi núi, bên phải là đầm lầy, phá, đồi cát và vịnh. Từ « Mô Xoài » đến « Hòa Tân » dài hai trạm rưỡi tức là gần 50 km, và từ « Thuận Lai » đến « Hòa Tân » là 60 Km.

Vùng này có ít người ở vì được cho là không trong lành. Lý do chính là vì không khai hoang trồng trọt nên bỏ nhiều đất trống, tùy mùa mà thành khô cằn hoặc đầy nước và đầm lầy. Nước không có ngõ thoát.

Từ « Thuận Lai » tới Nha Trang, dân chúng rất nghèo khổ, lại còn dễ bị bệnh. Họ sợ cọp. Nếu có thể giết thú dữ, đào kênh mương dẫn và thoát nước để biến những vùng khô cằn thành ruộng lúa hoặc ruộng muối thì vùng này sẽ biến đổi hoàn toàn.

Rời « trạm Hòa Tân », đường cái quan đi vào rừng. Rừng có nhiều cây lớn phủ trùm bóng mát như mang nón cho đường. Cỏ dại mọc đầy đất, hàng vạn con ruồi trâu bám quanh thú vật và khách lữ hành, nhất là từ tháng 8 tới tháng giêng. Tại vùng nhiều cây cối này có rất nhiều thú rừng : công, hươu, nai, hoẵng và cọp rất đáng sợ. Ngay cả voi và tê giác thỉnh thoảng cũng đi ngang qua đường cái.

Đi bộ một tiếng đồng hồ thì hết rừng, sau đó là một vùng nhiều đầm lầy rộng lớn, tuy cũng có vài ruộng lúa và thôn xóm nhỏ. Rồi con đường cái quan chìm dưới nước, tuy thỉnh thoảng vẫn còn thấy mặt đường. Nhưng có quá nhiều chỗ ngập nước cho nên lữ khách đành bạo dạn đi thẳng xuống nước và bùn lầy. Có chỗ sâu tới đầu gối, ngay cả trong mùa khô. Vùng đầm lầy này thoát nước theo 2 hướng : chảy về phía nam và đổ vào vùng Cam Linh, chảy về phía bắc để đổ vào Khánh Hòa ở những con lạch dọc theo bờ đường cái. Rồi đường cái quan đi dọc theo những con suối thoát từ đầm lầy vùng « Hòa Tân », giữa những đồi núi phía đông và dãy núi phía tây, để đi tới thung lũng Nha Trang. Tiếp đến, con đường theo hướng đông và tránh những ngọn núi bên phải rồi thẳng tới thành.

Khi vượt qua những cánh đồng ruộng lúa, đường cái quan lại đi dọc theo con suối thoát từ đầm lầy « Hòa Tân » để đổ vào sông Nha Trang, tại phía trên thành. Cách thành 3 Km, đường cái đi ngang qua con suối ấy rồi tới « trạm Hòa Thinh ». Trạm này nằm cách góc đông nam của thành chừng vài trăm mét.

Nếu giỏi đi bộ và đi chừng 9-10 tiếng đồng hồ một ngày, thì từ « Thuận Lai » tới « Hòa Thinh » phải mất 2 ngày. Trên phần lớn khúc đường này, thôn xóm thường vắng vẻ, nghèo nàn. Đá sỏi và cát lún làm cho đường càng thêm hư, nhất là vì lầy lội, ổ gà, làm ta muốn tu sửa hơn là vẽ lại tuyến đường. Từ « trạm Thuận Lai » tới « trạm Hòa Tân », ta có thể giữ tuyến đường thẳng như cũ, dễ đi lại, mặt đường khá tốt và cầu đường khá đủ. Sau « trạm Hòa Tân » thì phải làm tuyến đường tránh vùng đầm lầy ngập nước, vì ngay cả trong mùa khô, ta cũng không còn thấy mặt đường. Tuyến đường mới sẽ xích gần với dãy núi ở phía tây và làm thêm cầu gỗ bắc ngang qua những con suối đổ vào vùng đầm lầy. Chấp nhận rằng, ở đây cũng như nơi khác, vì sợ cọp nên đường cái phải đi ngang qua những vùng có dân cư. Nhưng nếu ở tuyến đường mới, ta cắt bỏ cây cỏ mỗi bên đường chừng 50 mét, thì dân chúng sẽ về đấy sinh sống.

Nằm ở giữa tỉnh là thung lũng Khánh Hòa, có tên cũ là « Nha Trang » hay « Nia Trang » từ tiếng « Tjame » « Ea Trang » hay « Ia Trang » nghĩa là « nước lau sậy ». Nha Trang xưa là dinh của các vua « Tjame » sau khi thất thủ nặng nề ở Quy Nhơn. Họ ở đấy trong vài thế kỷ rồi lùi về « Panrang » thuộc tỉnh « Bình Thuận ». Sau này, dưới thời vua « Kiền Hưng », người « Tjame » không được đồng hóa đều bị đuổi ra khỏi Nha Trang và bị dồn về Bình Thuận.

Lúc này, tuy Nha Trang không còn là tên của tỉnh, nhưng người ta vẫn giữ thói quen cũ. Ở giữa đồng bằng Nha Trang, có cái thành mang tên chính thức là Khánh Hòa, và như thế, Khánh Hòa cũng là tên gọi của đồng bằng. Bởi vì theo tục lệ, tên gọi chính thức của thành cũng là tên gọi của toàn tỉnh.

Thung lũng Nha Trang rất đẹp và dài thẳng tới biển, được giới hạn bởi 2 dãy núi chạy từ tây xuống đông. Dãy núi phía bắc chấm dứt tại mũi Rùa (cap de la Tortue), giữa vịnh Nha Trang và Ninh Hòa. Dãy núi phía nam, tuy không chạy dài tới bờ biển, nhưng được nối dài và nhô lên thành « Hòn Thré ». Bởi vì đồng bằng nối liền với vịnh, cho nên, ta gọi tên đồng bằng là Nha Trang như đã gọi tên vịnh là Nha Trang.

Thung lũng, từ tây xuống đông tức là từ những đồi núi phía sau tới biển, dài chừng 25 Km, rộng 12 tới 15 Km từ dãy núi phía bắc tới dãy núi phía nam.

Ở cuối phía nam, có một vài ngọn đồi tách đồng bằng Nha Trang với « Đồng Bò ». Đồng Bò là một đồng bằng khác, khó trồng trọt, kéo dài xuống phía nam và nằm phía sau bãi biển được gọi là « Bãi Trường ».

Giữa những dãy núi lớn phía sau, ta thấy dãy núi « Chao Chai » phía tây nam mà người ta nói rằng nó chạy từ Khánh Hòa xuống tận tới Bình Thuận ; và núi cũng có rất nhiều cây cổ thụ. Ở phía tây bắc Nha Trang, « Hòn Dữ » cũng có nhiều cây cổ thụ lớn. Người Annam cho rằng ở đấy có mỏ vàng, nhưng đối với họ thì đúng như tên gọi, ngọn núi có rất nhiều thú dữ và dị đoan ma quỷ.

Sông Nha Trang có nguồn từ những ngọn núi ở phía sau, có thể là từ phía tây Ninh Hòa. Người Annam nói rằng sông dài từ 100 tới 150 Km, chảy theo hướng đông nam, qua những ngọn núi, và cánh phải của sông nhận một phụ lưu chảy từ Bình Thuận. Và sau khi ra khỏi vùng núi, sông đổ vào đồng bằng Khánh Hòa (hay Nha Trang) rồi chảy thẳng xuống phía đông. Sông chảy sát những ngọn núi phía bắc, như thế, sông dành phía phải cho đồng bằng. Gần thành, cánh phải của sông nhận những phụ lưu đến từ những đầm lầy Hòa Tân. Ở vùng đồng bằng, sông Nha Trang chảy nhanh, lòng sông rộng từ 200 tới 250 mét và sâu từ 5 tới 6 mét. Mùa nước cạn, sông vẫn còn nhiều nước, đủ để cho ghe và bè qua lại. Ở phía thấp, sông chia thành 3 nhánh rồi tụ lại nơi cửa sông. Ở cửa sông và giữa con nước, có nổi lên một tảng đá hình lăng trụ rất lớn giống như kiến trúc « Po Nagar » của người « Tjame » nổi trội trên ngọn đồi gần đó.

« Khi thủy triều xuống thấp, nước sâu không quá 1 thước, và bởi vì thủy triều không cao quá 2 thước, cho nên cửa sông chỉ cho ghe thuyền cao không quá 2m40 ra vào » (trích sách « chỉ dẫn hàng hải »).

Khi xuống sông, ta sẽ thấy ở bờ phải, trên những đồi cát, có một trung tâm quan trọng gọi là « Cửa Nha Trang ». Đó là chợ cá, là cảng cho ghe thuyền. Thủy triều lên, con nước có thể vào sâu tới 1 hải lý. Ta thấy rất nhiều chim choắt mỏ cong, chim mòng két. Hai bờ có nhiều bụi cây mọc giữa nước biển và nước đầm lầy. Rồi đất đột ngột cao hơn, nước chảy mau hơn, hai bên bờ có nhiều làng xóm, và cách biển chừng 25-30 Km là vùng núi và nước dốc. Dù vậy, ghe và bè nhỏ (được xem như là xe lửa của thổ dân) vẫn đi lại được. Tóm lại, nếu sánh với những sông khác của Bình Thuận và Khánh Hòa thì sông Nha Trang vẫn còn nhiều nước trong mùa cạn. Ghe và bè có thể đi lại quanh năm trên một quãng sông dài chừng 50-60 Km. Sông là đặc điểm của thung lũng Nha Trang và nó cũng mang lại sức sống cho vùng. Càng lên cao vùng núi thì khung cảnh càng đẹp. Có khi dưới bóng mát của rừng cây phủ đầy sườn núi, lữ khách đi trên những đoạn sông giữa 2 con nước cuốn, tuy sâu nhưng an bình. Lại có lúc, để di chuyển từ vũng nước này sang vũng khác, lữ khách phải chèo lái cẩn thận giữa 2 giòng nước cuốn, tuy vậy nhưng không nguy hiểm gì, ngoại trừ đôi khi phải bó buộc tắm sông nếu chèo lái không khéo. Một bản nhạc hòa tấu đến từ khắp chốn : tiếng gà rừng gáy là nổi bật nhất, có ve kêu, có tiếng hát của công, có tiếng tác của nai trộn lẫn với tiếng búa của tiều phu. Thỉnh thoảng cũng có một vài bè bằng gỗ hay bằng tre đi qua và trên bè, người Annam chỉ mang một áo choàng ngắn tới lưng. Ta cũng gặp người dân tộc hoang sơ màu da đồng hoàn toàn trần trụi đang thả nổi trên mặt nước và vui thú dùng nỏ bắn tên làm cho khỉ cũng phải sợ. Sông Nha Trang có nhiều cá.

Đồng bằng Nha Trang nằm giữa con sông và đồi núi phía nam, được tưới bằng những con kênh đi từ những phụ lưu có nguồn là Hòa Tân. Có 4 con đập trên những kênh nước ấy. Nước của kênh đổ vào sông ở miền cuối thung lũng.

Trên bờ trái của sông, người « Tjame » đã đào một con kênh lớn lấy nước từ phía trên làng hiện nay gọi là « Phụ Lộc », đối diện với thành ; nhưng kênh này đã bị bỏ đi.

Những mái tranh rải rác trên đồng ruộng, tụ lại thành làng xóm được bao bọc bằng những lũy tre xanh hoặc vườn cây. Mỗi làng thường có giếng, có ao và nhiều cây trái như dừa, cau, trầu, cam, mít, chuối, ổi … vân vân.

Cách biển 3 hải lý theo đường chim bay là Thành. Thành nằm sát phía dưới một phụ lưu xuất phát từ Hòa Tân. Phụ lưu này đánh vòng chung quanh Thành theo hướng tây. Phía bắc của Thành là một con đê chống lũ của sông Nha Trang. Thành của Khánh Hòa lớn hơn thành của Bình Thuận, mỗi trục dài từ 350 mét tới 400 mét. Nó là một hình vuông không pháo đài, không lũy bán nguyệt. Tường thành bằng đất được bao bọc bằng một hàng tre xanh rất dày, hào lũy có rất ít nước hoặc không có nước. Phía trong Thành, kiến trúc không có tầm quan trọng như thành của Bình Thuận, và không gian phía trong hoặc bỏ trống hoặc được trồng xoài hay mít.

Phía tây, phía đông, phía nam của Thành là những cánh đồng lúa thật đẹp.

Những trung tâm ở phần cao thung lũng là : làng “Phú Lộc » đối diện với Thành ở bờ phía bên kia. Dân làng chuyên nghề tơ sợi và không có ruộng lúa. « Chợ Thành » ở bên cạnh và ở phía đông, nó hợp với « Chợ Mới » thành cái chợ quan trọng nhất trong số 7-8 chợ của thung lũng. Người ta cũng gọi nó là « Chợ làng Phước Tỉnh ». Phía bên kia của sông có những chợ nhỏ hơn, đó là « chợ Hòa Vòng » và « chợ Mửu ».

Rời Thành và « chợ Thành » để tới cảng « cửa Nha Trang », ta phải lấy con đường đi ngang qua những ruộng lúa, cách sông Nha Trang từ 1.500 mét tới 2.000 mét. Sau khi vượt qua những lũy tre làng gần Thành, ta phải đi ngang qua một cầu gỗ có 11 nhịp gọi là « cầu Ông Bò » bắc ngang qua một cái kênh. Sau đó là cái chợ khá lớn ; rồi sau nữa là dinh của « phủ Diên Khánh ». Sau khi ra khỏi Thành và đi nửa tiếng đồng hồ thì gặp một cánh đồng đầy ruộng lúa. Xa xa là làng mạc, bên trái là gần bờ sông và bên phải là các con kênh. Rồi đường đi ngang những cây cầu bắc qua những con lạch nhỏ ; tiếp đến, đường đi dọc theo ao rạch để rồi sau 2 giờ đi bộ thì tới dinh của « huyện Vĩnh Xương » và « Chợ Mới ». « Chợ Mới » là chợ lớn nhất của phần dưới thung lũng. Nó nằm bên bờ một con kênh. Người Trung Hoa, phần lớn là người « Hải Nam » sống ở đó rất nhiều, nhiều hơn ở bất cứ vùng nào của Nha Trang. Chợ có nhiều cửa tiệm xây bằng gạch. Có một cái cầu bắc ngang qua kênh dẫn tới một xứ đạo gần đó. Xứ đạo này bị tàn phá sau khi tôi rời khỏi vùng này. Đó là xứ đạo lớn nhất trong 7-8 xứ đạo của thung lũng Nha Trang.

Từ đó, con đường cái tiến về phía cảng, bên trái có một làng gọi là « Xóm Gò » làm gạch và đồ gốm, rồi đường đi ngang qua những ngọn đồi ở phần dưới của thung lũng gọi là « Núi Hong », « Miễu Danh Trung », ở nơi này có một bức tượng « Bà Quan Âm » do 2 làng này cai quản. Sau đó, phía bên trái con đường là xưởng sửa chữa tàu của quân lính nhà vua. Đất vì gần biển nên trở thành đầm lầy, không trồng trọt được ; ruộng lúa cũng không thấy nữa. Cuối cùng, con đường đi tới cảng « Cửa Nha Trang », cách Thành 3 giờ hoặc 3 giờ rưỡi đi bộ. Dân làng thường hành nghề đánh cá. Đối diện với cảng, ở phía bờ bên kia, là « làng Cù Lao », trước mặt kiến trúc xưa của « Tjame » mà làng phải bảo quản.

Ở phía đông nam của đồng bằng Nha Trang, phía nam « Chợ Mới », giữa những ngọn đồi gần chợ và đồng bằng có tên là « Đồng Bò », « ông Thị Đọc » đã khai hoang và kiến tạo làng « Đồng Châu » và « Phước Hải » mà ruộng lúa kéo dài tới « Đồng Bò ». Gần đó là làng « Trường Tri » có một vài ruộng muối. Đảo « Thré » che gió biển cho bãi này ; Cây trái, dừa, cau mọc tới sát bờ biển.

Phía đông nam của đồng bằng Nha Trang, sau « Bãi Trường », đối diện với đảo « Thré » là đồng bằng « Đồng Bò » có nghĩa tương tự như « Blang Lemov » trong tiếng « Tjame », tức là cánh đồng của bò. Cánh đồng này không trồng trọt được và có nhiều cọp. Ở phía cực nam của đồng bằng Nha Trang, gần khối núi nằm giữa « Đồng Bò » và « Hòa Tân » có một làng trồng dừa cọ. Chúng tôi không biết nhiều về làng này, ngoại trừ việc làng được xem như là sào huyệt của dân cướp biển.

Nếu « Đồng Bò » được khai hoang, dân chúng về ở và làm ra những ruộng lúa và ruộng muối thì vùng này sẽ cho nhiều lợi tức đáng kể. Theo một vài dữ liệu, « Đồng Bò » được tưới bởi một con sông nhỏ và con sông này đổ vào sông Nha Trang sau khi đã hợp với những con kênh của bờ phải sông Nha Trang.

3. Ninh Hoà và Đèo Cả

Từ trạm Hòa Thinh gần Thành, con đường cái quan đi ngang qua sông Nha Trang phía thượng lưu bằng một cái bắc bằng ván, rồi tiếp tục đi về hướng đông tới một đồng bằng có tên là « Đại Điền », đồng bằng này thuộc về thung lũng Nha Trang. Con đường cái quan đi gần tới chân những ngọn đồi bọc phía bắc thung lũng Nha Trang và tiến tới ngọn núi có tên là « Núi Thơm » cách biển 6 Km. Đường đi tiếp theo tới « Đèo Nha Trang », đèo này nằm trong một dãy núi đồi với tận cùng là mũi « Khe Gà ». Dãy núi đồi này ngăn cách vịnh Nha Trang với vịnh Ninh Hòa. Đường cái có nhiều đá, nước cuốn, lên xuống nhiều khi khó khăn hoặc nguy hiểm. Rồi nó đi ngang qua 2 làng nhỏ và một vùng đầm lầy rộng, nhưng chỉ thấy vịt trời. Vịnh Ninh Hòa ở phía bên kia những ngọn đồi nằm bên phải con đường, và ở đây, con đường đưa ta tới trạm « Hòa Cát » hay « Hòa Kiết », trạm thứ 5 của tỉnh Khánh Hòa. Trạm này được lợp tranh và bao bọc bằng một hàng giậu. Quán trọ mà người ta gọi là « quán » bán nước và củi giá 15 xu tiền cho một người. Một trái xoài giá 10 xu tiền, một chén nước mắm 40 xu tiền. Gần trạm, có một làng gọi là « Kiết Lợi Thôn » nằm sát bên sườn núi với độ chừng 30 mái nhà. Dân làng làm « rẫy » và sống bằng nghề đánh cá.

Nơi nghỉ trưa cho lữ khách này nằm ở giữa khoảng cách từ Thành của tỉnh Khánh Hòa và chợ « Dinh » của Ninh Hòa.

Phía bên kia làng « Hòa Kiết » là « Quán Đuối », nơi nghỉ ngơi trong vịnh Ninh Hòa mà ông « thị Đọc » rất ưa thích. Ở đây, ta thấy một vài ruộng lúa khá tốt và ruộng muối. Cũng có súc vật và vườn cây trái.

Xa hơn nữa là phá và đầm lầy nước mặn, nên đường cái phải lánh qua phía trái để đi tới một con cầu bằng ván bắt ngang qua cái phá khá lớn trước khi tới « Đèo Rò Tương ». Dưới chân đèo có một cái làng. « Đèo Rò Tương » cao từ 80 mét tới 100 mét. Qua đèo là tới vịnh Ninh Hòa, có làng « Tam Ích » và làng « Phong Thanh Xã ». Ở gần « Phong Thanh Xã », trên một ngọn đồi, có một tấm bia bị bể thành 3 mảnh nhưng chúng tôi chưa có dịp in rập lại. Rồi đường cái đi dọc theo những cái phá ; mặt đường không được bảo quản ; cũng có rất nhiều cầu. Bên phải con đường, ta thấy nhiều ghe thuyền đậu ở trong vịnh.

Người Annam chống lấn nước mặn bằng cách ngăn thủy triều với những bờ đất khá cao. Trên những dải đất lấn nước mặn này, ta thấy có nhiều ruộng lúa khá tốt. Chúng tôi đi ngang qua một cái phá rất lớn có một cái cầu rất dài bằng ván. Ta cũng có thể nghỉ ngơi chút đỉnh ở một cái chợ nhỏ mà ở đó có người Trung Hoa bán thuốc phiện. Cuối cùng, sau khi đã vượt qua « Rò Tương » và mười mấy cây cầu là ta tới « huyện Tân Định », trung tâm của đồng bằng Ninh Hòa. Trong số những cây cầu này, có 5 cái của vùng « Biên Hòa » được làm bằng đá, có thể là những người « Tjame », vốn là chủ cũ của vùng này, đã xây những cầu bằng đá ấy. Rồi con đường trở nên bớt vắng vẻ, hoang sơ ; ta thấy có nhiều nhà cửa và vườn cây ở bên phải cũng như bên trái. Thế là ta tới vùng có trồng trọt sau khi đã đi bộ 8 tiếng đồng hồ từ Khánh Hòa, một quãng đường khô cằn, nhiều đồi núi và chỉ có một vài thôn xóm không đủ để làm vui người lữ khách.

(còn tiếp)

4. Sản xuất

Nhóm Tâm Biển chuyển ngữ