Vào dịp tôi được bổ nhiệm làm giám mục phó giáo phận tông tòa Arabia , nhiều người đã từng hỏi tôi.”Đức Cha sẽ làm gì trong những quốc gia này? Chẳng có kitô hữu nào ở những nước đó”
Nếu có ai đó dừng chân vào ngày thứ sáu hoặc nhất là trong Tuần Thánh tại Thánh Đường Đức Mẹ Maria ở Dubai, họ sẽ bị thuyết phục ngay tức khắc bởi sự nghịch lý và sẽ trở thành nhân chứng cho một một Giáo Hội đầy sinh lực được hình thành từ các Kitô hữu đến từ hàng trăm quốc gia, nhất là từ Ấn Độ và Philíppin.
Đubai , một trong số bảy tiểu vương quốc của Ả Rập Thống nhất, UAE, đã trở thành một trung tâm thương mại quan trọng nhất trong vùng. Theo dữ liệu từ năm 2003, dân số của UAE là 3,150,000 người. Những tín đồ Kitô giáo chiếm 35% dân số với 1,100,000 người, trong đó có 900,000 là tín đồ Công giáo. 29% dân số sống ở Dubai . Nếu thông tin này là chính xác, hiện có gần 300,000 người Công giáo ở Đubai, nhiều người trong số họ không hoặc hiếm khi hành đạo. Tất cả các Kitô hữu đều là dân nhập cư vì những lý do lao động. Trong số đó, có nhiều người Công giáo nói tiếng Ả Rập đến từ các nhóm thiểu số Kitô hữu của nước Li-băng, Syri , Jordan , Palestin và Irắc.
Thánh Đường Đức Mẹ Maria ở Đubai thuộc giáo xứ rộng nhất trong giáo phận chúng tôi. Trong vài năm nay, có một giáo xứ thứ hai ở Jebel Ali, cách Đubai chừng 30 km, nằm trong một khu vực đang trên đà phát triển. Giống như các quốc gia hồi giáo khác, những người Kitô hữu Đubai hưởng được sự tự do tín ngưỡng bên trong các bức tường của khuôn viên giáo xứ bao gồm: nhà thờ rộng lớn nhất tại Trung Đông (sức chứa 2000 người), nhà xứ với không gian liền kề dành cho những sinh hoạt, nhà của các nữ tu Combonian và ngôi trường lớn do họ điều hành, với gần 2,300 sinh viên (76% là Kitô hữu). Cũng trong thành phố này các Nữ tử Đức Mẹ Vô nhiễm Baghdad điều hành một ngôi trường khác với hơn 1700 sinh viên (95% là người Hồi giáo) Công tác mục vụ của Thánh đường Đức Mẹ Maria được giao phó cho linh mục giáo xứ và bốn tu sĩ, tất cả đều thuộc dòng Capucins: ba vị người Ấn Độ, một vị người Philíppin và một là người Libăng.
Vì ngày thứ sáu là ngày nghỉ của Hồi giáo, Thánh Lễ Chúa Nhật không chỉ được cử hành vào ngày Chúa Nhật mà còn vào chiều thứ năm và ngày thứ sáu nữa..Đó là những Thánh Lễ được mong đợi nhiều nhất. Những người muốn tham dự Thánh Lễ phải đến Thánh Đường Đức Mẹ Maria. Tại đây, các tín đồ tập trung đông đảo hàng tuần, điều khiến cho bất cứ giáo xứ châu Âu nào cũng phải ghen tị. Trong những giờ cao điểm, lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh và Phục Sinh, đám đông thật ấn tượng. Năm 2004, tôi chủ trì thánh lễ Chúa lập bí tích Thánh Thể vào thứ năm tuần thánh: các tín hữu không những tham dự đầy nhà thờ mà còn tràn ngập ở các phòng học, quảng trường phía trước thánh đường và các sân thể thao phía sau thánh đường. Từ những địa điểm này, họ theo dõi các lễ nghi trên những màn hình rộng lớn. Tôi nghe nói ít nhất có đến 30,000 người hiện diện. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Tuy nhiên cũng có những dịch vụ thường xuyên bằng tiếng Ả Rập, Malayalam, Tamil và những ngôn ngữ khác nữa.
Vì quá rộng lớn và phức tạp, một giáo xứ không thể chỉ được điều hành bởi các linh mục. Sức sống của nó có được là nhờ các nữ tu và số đông đàn ông và phụ nữ được ơn đoàn sủng để phục vụ cho nhà thờ. Giáo lý cho trẻ em (năm 2003 có chừng 4300 em) diễn ra vào ngày thứ năm và thứ sáu. Ngoài ra, một nhóm các giáo lý viên tình nguyện và các nữ tu chuẩn bị cho trẻ em xưng tội rước lễ lần đầu (trong năm 2003, có 600 em) và thêm sức (450 em vào năm 2003). Các hội đoàn và các nhóm cầu nguyện (Các đôi vợ chồng vì Đức Kitô, hội Legio Mariae) cũng rất đông và hoạt động tích cực. Một khóa huấn luyện được tổ chức mỗi năm dành cho các vị trưởng nhóm. Nhiều tín hữu dành thời gian để phục vụ cho nhà thờ: ca đoàn, các chú giúp lễ, quét dọn, bảo vệ, v. v.
Đây là một quốc gia Hồi giáo. Vì lý do này tất cả các hoạt động tôn giáo phải diễn ra bên trong các bức tường của nhà thờ và trong khuôn viên giáo xứ. Vì không gian bị hạn chế, không thể tránh khỏi những sự xung đột, do số các tín hữu đông đảo và đa dạng.Điều này cũng giống như tất cả các hoạt động tôn giáo công khai tại Milan phải diễn ra bên trong nhà thờ chính tòa và các khuôn viên liền kề. Sẽ có vấn đề khó khăn ngay tức khắc: ai có thể sử dụng không gian riêng tư, ngày nào giờ nào, trong thời gian bao lâu.Nếu thêm vào sự kiện có nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, ngôn ngữ và nghi lễ khác nhau, chúng ta có thể hiểu rằng để kiểm soát tình hình không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng.
Nhưng ngoài những vấn đề cần được mong đợi trong một giáo xứ đa văn hóa và đa chủng tộc, ở đây tồn tại một niềm tin không thể tưởng tượng được. Đối với nhiều tín đồ, Thánh Đường Đức Mẹ Maria là địa điểm chứng minh căn tính Kitô giáo; ở đây họ cầu nguyện chung, họ gặp gỡ, họ cổ vũ cho nhau, và khi có nhu cầu, họ giúp đỡ lẫn nhau. Điều có thực là các nhóm sắc tộc hoặc ngôn ngữ cố gắng gặp gỡ ngay giữa họ, nhưng trên, đây là một Giáo Hội trong đó mỗi người trải nghiệm tính cách công giáo gây ấn tượng mạnh mẽ đối với bất cứ ai đến Đubai lần đầu tiên.
Thánh Đường Đức Mẹ Maria là điểm tham khảo cố định dành cho những người hành hương. Một vài Kitô hữu vẫn duy trì cả cuộc đời họ ở Đubai . Họ bị cản trở không những bởi các đạo luật nhập cư, nhưng còn bởi nguyện vọng đi đến quốc gia khác (Ox-trây-lia, Hoa Kỳ và Châu Âu) hoặc trở về quê hương của họ. Trong “nơi trung chuyển” trên một sân ga quốc tế này, Giáo Hội giúp cho các Kitô hữu không đánh mất điều cốt yếu của mình: Đức Giêsu Kitô.
Nhưng, mặc dù số đông các tín hữu tham dự vào phụng vụ, thờ phượng và những cuộc gặp gỡ trong giáo xứ Đubai, người ta không thể che giấu sự kiện là có rất nhiều Kitô hữu đã đánh mất niềm tin vì thiếu thốn sự chăm sóc mục vụ (bị hạn chế) cũng như sức quyến rũ và áp lực bắt nguồn từ các nhóm tôn giáo khác và từ Hồi giáo.Lời nói của Chúa Giêsu với Xi-mông Phêrô là một thách thức ở Dubai, không những đối với các vị mục tử, mà còn đối với mỗi tín hữu: “Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất lòng tin. Một khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con trở nên vững mạnh”(Lc, 22-32)
Paul Hinder, giám mục giáo phận Arabia
Bản dịch của Kim Ngân