Một trăm ngày của đức Phanxicô và bí ẩn của chiếc ghế trống

Một trăm ngày của đức Phanxicô và bí ẩn của chiếc ghế trống

Sự việc ngài đột ngột từ chối không chịu dự thính bản Giao Hưởng số Chín của Beethoven, được trình tấu dành cho Năm Đức Tin, là một dấu ấn cho khởi đầu một triều giáo hoàng khó giải mã. Sự thành công Ngài hưởng được trong giới truyền thông có một lý do và một cái giá phải trả: sự im lặng của Ngài về những vấn đề trọng yếu như phá thai, an tử và hôn nhân đồng tính . 

Bài của  Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350544?eng=y

 

Description: Description: http://data.kataweb.it/kpmimages/kpm3/misc/chiesa/2013/06/23/jpg_1350545.jpg

 

ROME, ngày 24 tháng Sáu năm 2013 – Một trăm ngày đầu tiên triều giáo hoàng của đức Phanxicô đã khiến cho nhều quan sát viên thử đưa ra một lượng giá.

Đúng ra đã có một yếu tố đánh giá trong sự nổi danh như cồn kéo dài mà đức Jorge Mario Bergoglio đã hưởng được từ ngày ngài được bầu lên làm giáo hoàng. Trong mỗi lần ngài xuất hiện nơi công cộng, ngài đều gặp gỡ một đám đông đầy ắp. Trong mọi cuộc thăm dò ý kiến, sự ca tụng vị giáo hoàng này lên đến mức cao nhất. Điều này cũng được diễn dịch như là một sự tin tưởng càng ngày càng tăng của cả Giáo Hội Công Giáo đặt vào ngài. Và điều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là sự rộng lượng  của ý kiến quần chúng thế tục nhìn vào ngài, trong khi  trước đây họ đã đặc biệt rất gây hấn với Giáo Hội và với giáo hoàng dưới triều của đức Biển Đức XVI  .
Đức Phanxicô không tin vào cách tính toán mức thành công theo thống kê. “Thiên Chúa làm thống kê,” Ngài đã nói như thế trong một bài nói chuyện có lẽ là tiêu biểu nhất nói lên cái nhìn của ngài , trong số các bài nói chuyện ngài đã trình bày cho đến nay : Đó là cuộc nói chuyện ứng khẩu lâu nữa tiếng vào ngày 17 tháng Sáu, khi ngài ngỏ lời với nhiều ngàn tín hữu thuộc Giáo phận Roma của Ngài, đang đứng chật ních trong sảnh đường và cả quảng trường chung quanh.

> “Io non mi vergogno del Vangelo”
Nhưng đồng thời, ngài cũng muốn mình thuộc về dân chúng, và ngài biết phải làm sao. Khác với giáo hoàng  Karol Vojtyla, người rất thành thạo trong việc giao tiếp với đám đông, giáo hoàng Bergoglio biết cách làm sao để thu phục từng cá nhân. Khi Ngài len lỏi qua một đám đông, ngài không nhìn tổng quát, nhưng trao đổi từng ánh mắt, từng cử chỉ, lời nói với người này hay người kia mà ngài gặp trên đường. Và nếu chỉ có ít người, ai cũng biết chuyện ấy có thể xảy ra cho mình. Giáo hoàng Phanxicô có khả năng làm cho mình gần gũi với từng người.

Điều Ngài dạy dỗ lại càng thuộc về quần chúng nhiều hơn. Gồm một ít chân lý sơ đẳng, được lập đi lập lại trên môi ngài theo một ý nghĩa nhất định, được tóm lược lại – như ngài từng làm trong bài diễn văn nói trên vào ngày 17 tháng Sáu – trong một câu đầy sức an ủi  “tất cả đều là hồng ân” : Ân sủng Chúa Kytô tha thứ không ngừng nghĩ, cả khi mọi người vẫn cứ tiếp tục là tội nhân, và như thế, tạo ra được “cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sự nhân loại.”

Cách dạy dỗ của đức Phanxicô độc đáo trong hình thức, trong đó, bản văn viết rất thường được bài ứng khẩu thay thế. Nhưng điều tưởng chừng là kết quả của ngẫu hứng thật sự đã được nghiềm ngẫm kỹ lưỡng, như đã được trực cảm trong lần ngài xuất hiện đầu tiên trên ban công Đền Thánh Phêrô, buổi tối ngài được bầu làm giáo hoàng.

Nội dung các bài diễn văn của Ngài, cũng như các cử chỉ của ngài, đều đã được cân nhắc cẩn thận, kể cả những lúc im lặng và những chổ bỏ quên. Và có lẽ, nằm ngay tại những điều ngài nói ra, và ngay tại chính những điều Ngài im lặng không nhắc đến, mới là cái lý do tại sao đức Phanxicô hưởng được sự ưu ái “nơi phần đất của Dân Ngoại – in partibus infidelium,“(*) hay trong  truyền thông và trong ý kiến của quần chúng thế tục.

*

Trước nhất, lời kêu gọi đến một Giáo Hội “nghèo và cho người nghèo” – đã gần như trở thành cái thẻ căn cước của đức Phanxicô, và được xác nhận thêm bằng sự đơn giản trong nếp sống thường nhật – lời kêu gọi ấy là một trong những lời hô hào buộc người ta phải trân qúy, cho dù vì những lý do khác biệt nhất.

Rồi những lời tố cáo thường xuyên của đức giáo hoàng chống lại những tay thống trị nền kinh tế toàn cầu cũng là điều không thể tranh cãi. Nhưng bao lâu mà họ được nêu lên một cách chung chung và mơ hồ , thì không vị nào thực sự là, hay được cho là, “quyền lực mạnh mẽ” ấy, lại cảm thấy mình bị tấn công thực sự và bị khiêu khích phải phản ứng lại.

Rồi đến những lời khiển trách đi khiển trách lại những tham vọng nghề nghiệp và lòng thèm muốn giàu có  – nếu không nói toạc ra là tham nhũng  – hiện thấy trong hàng giáo phẩm.

Lần khiển trách mới nhất xảy ra vài ngày trước đây thôi. Khi đón tiếp các Sứ thần Toà thánh và các đại biểu vào ngày 21 tháng Sáu,  giáo hoàng Bergoglio nhắc họ phải thi hành một cách nghiêm túc nhất trách vụ chính của họ , là việc chọn lựa các ứng viên giám mục:

Trong công tác tế nhị thi hành việc điều tra các bổ nhiệm giám mục, các ngài nên chú tâm sao cho các ứng viên là những mục tử gần gũi với dân chúng. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên; mục tử gần gũi với dân chúng. [Nếu] đương sự là nhà thần học nổi tiếng, một đầu óc vĩ đại, hãy để cho đương sự đến viện đại học, nơi đương sự sẽ làm được nhiều điều tốt biết mấy! Còn các mục tử! Chúng ta cần họ! Cần họ là những người cha và những người anh; cần họ hiền dịu, nhẫn nại, và biết thương xót; cần họ yêu thích sự khó nghèo, bên trong thì hoàn toàn tự do dành cho Thiên Chúa, bề ngoài thì đơn sơ và khắc khổ trong nếp sống; cần họ không có cái tâm lý chuộng “nguyên tắc.” Các ngài nên chú tâm sao cho họ không tham vọng,  rằng họ không tìm kiếm chức giám mục. Người ta kể rằng trong những lần Chân Phước Gioan Phaolô II gặp gỡ Hồng y Bộ trưởng thánh bộ Giám Mục, vị này hỏi Ngài về tiêu chuẩn chọn ứng viên giám mục. Đức giáo hoàng trả lời, bằng một giọng rõ ràng: “Tiêu chuẩn đầu tiên : volentes nolumus. – Chúng ta không muốn những người ao ước [chức ấy].” Những người tìm kiếm chức giám mục… Không, điều đó không tốt. Và rằng họ là những người chồng của một Giáo hộị chứ không liên tục tìm kiếm một giáo hội khác.”

Rồi đức giáo hoàng tiếp tục với một giọng tích cực bằng cách phác họa chân dung một vị giám mục lý tưởng, với những lời huấn dụ ngài đã từng nói với các giám mục Ý khi ngài gặp lần đầu tiên vào ngày 23 tháng Năm:

Các mục tử phải có thể đứng trước đoàn chiên để chỉ đường cho họ, đứng giữa đoàn chiên để giữ họ hiệp nhất, đứng sau đàn chiên để ngăn ngừa không có ai bị bỏ lại phía sau, và vì chính đàn chiên, nói cho ngay, có tài đánh hơi tìm ra được lối đi.”
Vậy, ở đây cũng thế, hoàn toàn tự nhiên là đức giáo hoàng Phanxicô hưởng được sự đồng lòng của đa số. Sự đồng lòng này còn được gia tăng do tiểu sử cá nhân của ngài, một lý lịch rõ ràng xa lạ với đối tượng  ngài tố cáo và xa lạ cả với cái chủ đích ngài tuyên bố nhằm thi hành việc chọn lựa các tân giám mục cách cẩn thận hơn, cũng như cuộc canh tân giáo triều Rôma.

Mà còn hơn thế nữa, sự đồng lòng chung quanh giáo hoàng về khía cạnh này rất chặt chẽ, chặt chẽ đến nổi làm “im miệng” những người “cố chấp .” Giáo triều im lặng, không một giám mục nào phản bác, Đức Bergoglio không nói ngài muốn nhắm vào ai mà công kích hay công kích như thế nào. Tại Vatican, hai thực thể đáng phải cảnh báo nhất lại là hai thực thể ngài ám chỉ cách đặc biệt  nhất cho đến nay : “cái hành lang đồng tính” và Viện Công Tác Tôn Giáo,IOR. Đặc biệt tại Viện này, vào ngày 15 tháng Sáu, người ta thấy ngài đã tự ý đặt một “giám mục” có toàn quyền, Đức Ông Battista Ricca.

Đức Ông Battista Ricca đã chiếm được hoàn toàn sự tín nhiệm của đức giáo hoàng. Ngài nổi tiếng là thanh liêm. Sự thanh liêm ngài có được khi ngài phục vụ trong văn phòng hai của quốc vụ khanh, vì ngài nghiêm khắc với chuyện chi tiêu hoang phí và các vị Sứ thần có thái độ dương dương tự đắc.

Một trong các sứ thần đặc biệt ác cảm với chính đức Bergoglio là tổng giám mục  Adriano Bernardini, đại sứ Toà Thánh tại Achentina từ năm 2003 đến 2011. Cho đến nay, giáo hoàng Phanxicô  đã tránh không tiếp xúc với vị này, bất kể sự kiện Bernadini bây giờ là sứ thần Toà thánh tại Ý.

*

Tuy nhiên, tốt hơn các chi tiết khác,  yếu tố cắt nghĩa sự quảng đại của ý kiến giới quần chúng  thế tục toàn cầu dành cho đức Phanxicô chính là sự im lặng của ngài trong trường chính trị, đặc biệt sự im lặng về bãi mìn nơi thấy được cuộc đối đầu lớn nhất giữa Giáo Hôi Công Giáo và nền văn hóa đang ở thế thượng phong.

Phá thai, trợ tử, hôn nhân đồng tính là những đề tài mà các giáo huấn của đức Phanxicô cho đến nay đã cố ý tránh nhắc đến.

Vào ngày 16 tháng Sáu, ngày mừng thông điệp  “Evangelium Vitae,” một thông điệp đức Gioan Phalô đệ Nhị đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại phá thai và trợ tử, đức Phanxicô quả đã có nói, nhưng chỉ trong vài câu ngắn ngủi chỉ để làm nguôi lòng và nói cách chung chung, nếu đem chúng ra so sánh với cả một cuộc chiến oai hùng mang tầm cỡ toàn cầu, đức Karol Wojtyla dấy lên vào năm 1995 và năm trước đó, với trọng điểm là cuộc hội nghị về dân số và phát triển do Liên Hiệp Quốc triệu tập tại Cairo.

Đức Gioan Phalô II và vị kế nhiệm là đức Biển Đức XVI, đã tiêu tốn nhiều năng lực để chống lại cuộc thách thức mang tầm vóc lịch sử mà ý thức hệ hiện đại về sự sinh nở và sự chết, làm đại diện, đồng thời cũng được đại diện nơi sự phá vỡ cái lưỡng tính nam và nữ.

Đức Joseph Ratzinger đã dành bài diễn văn quan trọng cuối cùng của mình nói với giáo triều để đề cập đến vấn đề thứ hai này, vào ngày Vọng Giáng Sinh năm ngoái.

Và cả hai vị giáo hoàng này đã có ý thức sắc sảo hơn về bổn phận hành xử như là người hướng dẫn và người “củng cố đức tin” cho tín hữu Công Giáo về các đề tài nghiêm trọng này, chính bởi vì các ngài đã ý thức được tính bất định của nhiều tín hữu và thấy được sự ù lỳ của một vài hội đồng giám mục, ngoại trừ hội đồng giám mục Ý, với hồng y Camillo Ruini và Angelo Bagnasco đứng đầu,  hội đồng giám mục Mỹ, có hồng y Francis George và Timothy Dolan đứng đầu,  và hội đồng giám mục Pháp, với hồng y  André Vingt-Trois đứng đầu.

Trường hợp mới đây tại Pháp, với phản ứng khác thường của giới trí thức và của dân chúng, cả Công giáo lẫn không Công Giáo, chống lại việc hợp thức hoá hôn nhân đồng tính,  là một việc mà đức Phanxicô phải đoán trước để đưa ra lời nhận định .

Vậy mà ngài đã không lên tiếng dù chỉ nói một lời để ủng hộ hành động của Giáo hội Pháp, cà trong ngày 15 tháng Sáu, khi ngài đón tiếp các thành viên của Hội “Thân hữu Pháp –Toà Thánh.” tại Vatican.

Như thế dự đoán là trong tương lai, đức Phanxicô hẳn cũng sẽ tiếp tục giữ sự dè dặt như vậy về những vấn đề liên quan đến môi trường chính trị. Một sự dè dặt khoá miệng quốc vụ khanh. Đức giáo hoàng cứ yên trí là những tuyên bố như thế hẳn  thuộc về hội đồng giám mục mỗi quốc gia. Ngài đã nói với hội đồng giám mục Ý những lời rõ ràng sau đây: “Đối thoại với các định chế chính trị là việc của các ngài.“

Sự  ủy quyền như thế hẳn có nhiều rủi ro, biết rằng đức Bergoglio đã có nhận định bi quan về phẩm chất trung bình của các giám mục trên thế giới. Rồi các giám mục, đến phiên mình,  lại bị cám dỗ để ủy quyền quyết định cho các giáo dân, là những người  cũng có mức tin cậy rất đáng ngờ. Như thế là từ khước vai trò lãnh đạo lẽ ra phải thuộc về những ai được in dấu ấn của chức giám mục.

Nhưng đây là một rủi ro đức Phanxicô không ngần ngại đối diện, vì ngài rất xác tín – và ngài đã từng nói thế thật – là nếu giám mục mà lưỡng lự,  “đoàn chiên có tài đánh hơi tìm ra được lối đi.”

*

Cuối cùng, còn có một sự im lặng khác làm nên đặc điểm cho một trăm ngày đầu tiên của đức giáo hoàng Phanxicô.

Đó là sự im lặng không nói gì đến Công Đồng Chung Vaticanô đệ Nhị. Rất hiếm khi Ngài nhắc đến và chỉ nhân tiện mà nhắc đến thôi. Trong khi đối với đức Biển Đức XVI, đây là một yếu tố trung tâm cho đến ngày cuối cùng: Chỉ cần nhớ tới tầm quan trọng khác thường Ngài đã gán cho Công Đồng này khi nói chuyện với các linh mục của giáo phận Roma chỉ vài ngày trước khi ngài từ nhiệm giáo hoàng .

Ở đây cũng vậy, cái phép lạ là hầu hết các cuộc luận chiến trong nội bộ giáo hội về cách chú giải và áp dụng Công Đồng Vaticanô II đã rơi vào im lặng. Trước đây nó đặc biệt dữ dội nhắm đến giáo hoàng Ratzinger.

Với giáo hoàng Phanxicô, ly phái Lefebvres đã yên ngủ và việc giải quyết ly phái này xem ra rất xa vời.

Trong khi , ở mặt khác, các nhà ủng hộ cho việc dân chủ hóa trong Giáo hội lại đang hát bài ca tụng vị tân giáo hoàng.

Nhưng nếu có ai so sánh một trăm ngày đầu tiên của giáo hoàng Phanxicô với bài nói chuyện “chương trình một trăm ngày” cấp tiến do ba vị Giuseppe Dossetti, Giuseppe Alberigo, và Alberto Melloni gởi cho các hồng y trong hai cuộc mật nghị năm 1978, và được in lại nhân các cuộc mật nghị năm 2005 và 2013, người ta sẽ khám phá ra rằng đức đương kim giáo hoàng, giống một vị Bề Trên Tổng quyền Dòng Tên hơn. Nhưng thuộc thế hệ xưa, lỗi thời .

__________

 TÁI BÚT-  Chính vào ngày thứ một trăm làm giáo hoàng, ngày 22 tháng Sáu, đức Phanxicô đã làm một chuyện khiến những người hâm mộ ngài xác tín nhất bị chưng hửng.

Viện cớ “một công việc khẩn cấp và không thể dời lại được” và không xác định là việc gì, được công bố vào phút cuối cùng, và được giữ kín ngay cả báo “L’Osservatore Romano,” cũng không biết, ngài để trống chiếc ghế dành cho ngài ngay giữa lòng thính đường  nơi người ta trình tấu dành cho ngài bản Giao Hưởng số Chín của Ludwig van Beethoven, nhân dịp Năm Đức Tin. Bản giao hưởng đã được trình tấu mà không có ngài.

Tôi không phải là một ông hoàng thời Phục hưng ngồi thưởng thức nhạc thay vì làm việc.” Đây có lẽ là một câu nói một vài người mến chuộng đức Thánh Cha tại giáo triều đã đặt vào miệng ngài. Họ không ý thức rằng làm thế chỉ là làm hại cho ngài mà thôi .

Đối với nhà Giáo sử học Alberto Melloni, cử chỉ này có một nét cao cả của “một hồi chuông trong đại và thâm trầm” xác định phong cách cải tiến của đức Phanxicô.

Nhưng thật ra, nó đã làm cho thời khởi đầu của triều giáo hoàng ngài càng khó giải mã hơn.

Xung lực phúc âm hóa của giáo hoàng Phanxicô, nỗi ao ước vươn tay đạt tới “vùng ngoại vi hiện sinh“ của nhân loại, thực tế lẽ ra phải có cái ngôn ngữ của một thứ âm nhạc vĩ đại làm phương tiện chuyên chở cho sự thành công khác thường của mình.

Trong bản Giao Hưởng số Chín của Beethoven, ngôn ngữ này đã đạt tới một đỉnh cao uyên thâm, khiến nó được hiểu bất chấp mọi ranh giới  đức tin, trở thành “Sân của Dân Ngoại “ mang một khả năng gợi ý không gì có thể sánh bằng .

Đức Biển Đức XVI đã góp thêm vào những lần ngài dự thính các buổi hoà tấu bằng những suy tư có sức đánh động lòng trí những người hiện diện.

Một năm trước đây, sau khi nghe cũng chính bản Giao Hưởng số Chín của Beethoven này, tại thính đường  La Scala ở Milan, đức giáo hoàng Joseph Ratzinger đã kết thúc như sau :

“ Sau buổi hoà nhạc này, nhiều người nên vào Chầu Thánh Thể, đến với Thiên Chúa Đấng đã dìm mình vào bể khổ của chúng ta, và nay vẫn còn đang làm thế, đến với Thiên Chúa đang đau khổ cùng với chúng ta, và vì chúng ta, và như vậy đang làm cho nam nữ chúng ta có thể san sẻ khổ đau cho nhau, và biến đau khổ thành tình yêu. Chính đó là điều mà buổi trình tấu này đã kêu gọi chúng ta thực hiện.”

__________

Ghi Chú 

(*) Sandro Magister dùng theo nghĩa bóng công thức – “in partibus infidelium – nơi phần đất của dân ngoại đạo” Một cách gợi ý rất thú vị của ông.

Truyền thông, và thế giới không có mấy hảo cảm với Giáo hội và nhất là với ngôi vị giáo hoàng, giống như ngày xưa, trước sự tấn công và xâm chiếm của dân man di, các giám mục phải chạy loạn, rời bỏ giáo phận mình mà tạm trú “trong  phần đất của dân ngoại đạo.” Từ đó có cách gọi:  Làm “Giám mục hiệu toà XXX , trong phần đất của dân ngoại ”

Từ năm 1882, công thức “in partibus infidelium”  đã bị bỏ, không dùng kèm với danh xưng “Giám mục hiệu toà” nữa.

Nguyễn Đức Khang chuyển ngữ