Đức Biển Đức cũng muốn một Giáo hội “nghèo khó“

Thông Điệp của đức Phanxicô do vị tiền nhiệm suy nghĩ và viết ra không chỉ là dấu hiệu duy nhất minh chứng sự liên tục giữa hai vị giáo hoàng mới đây nhất. Có sự hài hoà cả trong suy tư về “sự nghèo khó” của Giáo hội. Chỉ cần đọc lại những điều Ratzinger đã nói tại Freiburg vào năm 2011, một trong những diễn từ quan trọng của triều giáo hoàng ngài, cũng đủ.  

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350539?eng=y

 

ROME, ngày 17 tháng Sáu năm 2013 – Trong những ngày vừa qua có hai điều mới mẻ rọi một ánh sáng mới trên mối tương quan nối kết Giáo Hoàng Phanxicô và vị tiền nhiệm, Đức Biển Đức XVI.

Điều đầu tiên là lời tuyên bố của chính đức Jorge Mario Bergoglio, vào ngày 13 tháng Sáu, về việc sắp sửa công bố một thông điệp, do “hai người viết ra“:

Giáo Hoàng Biển Đức đã chuyển nó cho tôi. Đây là một tài liệu đầy sức mạnh, dù tôi nói ở đây là tôi đã nhận lãnh công trình đồ sộ này: Ngài đã viết ra nó, và tôi tiếp tục.”

Đây là một thông điệp về đức tin giáo hoàng Joseph Ratzinger đã dự tính công bố sau những thông điệp trước đó viết về hai nhân đức đối thần: đức ái và đức cậy trông. Vào lúc Ngài từ nhiệm chức vụ giáo chủ, thông điệp đã gần như hoàn thành.

Điều lạ là, thông điệp đầu tiên của đức Biển Đức XVI , “Deus Caritas Est,” cũng đã dùng một vài chất liệu soạn thảo từ thời giáo hoàng trước. Nhưng trong trường hợp đó, cấu trúc tổng quát của thông điệp, và phần đầu  trong hai phần lớn đặc biệt quan trọng, phần mang tính thần học nhiều nhất, lại đậm nét tiêu biểu của Ratzinger.

Lần này ngược lại, hầu như trọn vẹn bố cục của thông điệp là của Ratzinger. Có lẽ như là giáo hoàng Bergoglio tự hạn chế chỉ  viết phần nhập đề và kết luận. Chữ ký của ngài trở thành một dấu hiệu mạnh mẽ bày tỏ lòng tri ân vị giáo hoàng tiền nhiệm.

Ngược lại, điều mới lạ thứ hai liên quan đến một cuốn sách xuất bản năm nay tại Đức. Sách cũng được  “hai người” viết, do Hồng y Paul Josef Cordes, cựu chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Cor Unum,  và do nhà thần học và phân tâm học Manfred Lütz, thành viên vĩnh viễn của Viện Hàn lâm giáo hoàng, đồng thời là người  cố vấn cho nhiều văn phòng Toà Thánh.

Đây là một cuốn sách đúng từ  tựa đề – “Di sản của đức Biển Đức và sứ mạng của đức Phanxicô: Thanh lọc Giáo Hội khỏi tính trần tục.” – Cuốn sách nhằm vạch ra nét liên tục giữa hai vị giáo hoàng, đặc biệt giữa bài nói chuyện đức Biển Đức XVI ngỏ lời với “Những người Công Giáo dấn thân vào đời sống Giáo Hội và xã hội” vào ngày 25 tháng Chín năm 2011 tại Freiburg, trong chuyến ngài viếng thăm nước Đức lần cuối cùng, và những lời tuyên bố của đức Phanxicô về  một Giáo hội “nghèo và cho người nghèo.”

Hai tác giả giới thiệu sách cho đức Ratzinger vào đầu tháng Sáu gặp Ngài tại tu viện Mater Ecclesiae trong vườn Vatican.

Tôi sống như một thày dòng. Tôi cầu nguyên, đọc sách. Tôi khoẻ lắm.” đức Ratzinger nói với hai vị khách như thế, theo những gì Lütz kể lại trong tạp chí “Bild” số ra ngày 5 tháng Sáu.

Còn về sự liên tục giữa ngài và đức Phanxicô, ngài nhận định: “Xét theo quan điểm thần học, chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với nhau.”

Nội dung cuộc gặp gỡ này chỉ được giới truyền thông chú ý hời hợt. Nhưng cũng phải ghi nhận rằng bài nói chuyện của đức Biển Đức XVI khi được phát biểu tại Freiburg, cũng bị bỏ rơi trong im lặng một cách không thể biện minh được, bất kể sự kiện đây là một trong những cuộc viếng thăm mang nhiều ý nghĩa nhất không chỉ vì là chuyến viêng thăm nước Đức, cùng với cuộc viếng thăm Hạ nghị viện Đức tại Berlin, mà còn là chuyến viếng thăm quan trọng cho cả triều giáo hoàng của Ngài.

> “To remove courageously that which is worldly in the Church…”

Chuyên gia về Vatican duy nhất đã nhấn mạnh đến sự việc này từ Roma, chính là Andrea Gagliarducci, trong trang nhật ký hàng tuần trên mạng của ông bằng tiếng Anh :

> MondayVatican
___________

 

 

Là Kytô hữu. Thách đố của Giáo hội theo Phanxicô, Thách đố của Giáo Hội theo Biển Đức 

 

Bài của  Andrea Gagliarducci

Tuy nhiên, trong lịch sử cụ thể của Giáo Hội, một chiều hướng ngược lại cũng đã lộ diện, được gọi đích danh là Giáo hội trở thành tự mãn, định cư ngay tại trần thế này, trở thành độc lập và tự mình thích ứng với những tiêu chuẩn của trần thế.”

Hơn thế nữa: “Không hiếm khi, giáo hội đặt chú trọng vào các tổ chức, định chế hóa hơn là đặt trong tâm vào ơn gọi của mình là mở rộng cửa đón Thiên Chúa , ơn gọi của mình là mở ra thế giới hướng về người khác.” 

Và cuối cùng: “Một khi được giải phóng khỏi vật chất và những gánh nặng chính trị và các đặc quyền, Giáo hội mới dài tay vươn tới toàn thế giới cách hiệu quả,  và với một đường lối Kytô đích thực, Giáo hội mới có thể mở rộng cách đích thực ra cho toàn thế giới. 

Ai đã nói thế ?

Thoạt tiên,- theo trực giác – câu trả lời cho câu hỏi này hẳn sẽ là: đức Giáo hoàng Phanxicô. Ngài đã coi “một Giáo hội khó nghèo và cho người nghèo” thành một dấu ấn của ngài ngay lần đầu tiên tiếp xúc với các nhà báo. Ngài, người liên tục lập đi lập lại rằng “các cơ chế đều quan trọng, nhưng tới một mức nào đó thôi.” Thậm chí ngài khuyến khích các sứ thần Toà thánh tương lai  “hãy giữ lấy sự tự do nội tâm của mình.”

Thực ra, các nhận định ở đầu bài này không phải của đức Phanxicô. Chúng là của đức Biển Đức XVI . Đức giáo hoàng hiện nay về hưu đã phát biểu những nhận xét ấy tại Freiburg, vào ngày 25 tháng Chín năm  2011, khi ngỏ lời với những người Công Giáo dấn thân vào đời sống Giáo Hội và xã hội.

Ngôn từ của của đức Biển Đức XVI vẫn thích hợp cho cả bên ngoài khung cảnh xã hội Đức, thậm chí cả khi quả thật là Giáo hội Đức đang cảm nghiệm được cách đặc biệt cái cạm bẫy này. Giáo hội Đức giầu có nhờ thuế khóa của quốc gia –  kirchensteuer – một số tiền đáng kể – dành cho tôn giáo. Giáo hội Đức có thể tăng thêm các viện xã hội  và các tổ chức từ thiện, và trở thành gần như tự mãn. Như thế Giáo hội Đức mất đi tầm nhìn hướng về Thiên Chúa, trong khi các cơ cấu xã hội của mình trở thành tâm điểm cho hoạt động của mình. Chuyện đau lòng nhất chính là một số nhỏ các Kytô hữu lại được thuê làm nhân viên trong các viện xã hội làm việc theo tiêu chí Công Giáo. Tuy vậy, tình thương và việc chăm sóc kẻ khác, một nét đặc trưng trong sứ mạng Giáo hội, xuất phát từ Kytô giáo. Nhân danh các việc phục vụ xã hội, cái căn tính bị đánh mất. Mà khi mất căn tính, định hướng của sứ mệnh Giáo Hội cũng mất theo.

Như chúng ta đã lưu ý ở trên, đây không chỉ còn là vấn đề của nước Đức. Mới đây đức Tổng Giám mục Mariano Crociata, tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Ý, đứng trước 200 công nhân viên các viện chăn sóc sức khoẻ làm việc theo tiêu chí Công Giáo, đã nhấn mạnh đến nhu cầu mà tất cả – nhân viên làm việc cũng như viện – phải giữ lấy cái căn tính của mình, và phải huấn luyện kỹ lưỡng các nhân viên của mình biết rành các nguyên tắc Công giáo.

Tổng quát hơn –  trong một phạm vị rộng lớn hơn bao gồm mọi công tác phục vụ và mọi viện xã hội tự cho là làm việc theo tiêu chí Công Giáo – cần phải có thêm nhiều tranh luận, ví dụ như,  về căn tính của các viện Đại học Công Giáo. Cuộc tranh luận có thể gay gắt tại Mỹ. Hội Hồng Y Newman là một trong các hiệp hội đang đi tìm căn tính của mình: Trang mạng của hội đầy những tố cáo chính quyền đã can dự vào việc thuê mướn các giáo viên tại các trường và các đại học Công giáo,. Đồng thời Hội Hồng Y Newman  không ngần ngại kêu gọi chú tâm đến các đại học đang càng ngày càng xa rời di sản Công giáo của chính mình. 

Một cuốn sách mới xuất bản đây đã đề cập đến vấn đề. Sách được nhà báo Manfred Luetz và Hồng y Paul Josef Cordes, cựu Chủ tịch Hội Đồng Cor Unum ( một bộ của Toà Thánh chuyên nâng đỡ các việc từ thiện) viết ra. Sách mang tựa đề: “Di sản của Biển Đức và sứ mệnh của Phanxicô” – Benedikts Vermächtnis und Franziskus’ Auftrag: Entweltlichung der Kirche, nhà xuất bản Verlag Herder) đã nêu lên một sự liên tục nào đó giữa bài diễn văn của đức Biển Đức tại Freiburg và ngôn từ của đức Phanxicô.

Cordes and Luetz đã trình một bản in cuốn sách cho đức Biển Đức XVI, khi họ gặp ngài tại tu viện Mater Ecclesiae trong khuôn viên Vatican, nơi ngài ở hiện thời. Người ta tường trình rằng đức Biển Đức đồng ý: Đúng vậy, có một sự liên tục trong khía cạnh thần học giữa bài diễn văn của Ngài tại Freiburg và các lời đức Phanxicô giảng.

Nhưng vẫn còn có điều chưa chắc chắn: không biết làm sao đức giáo hoàng Phanxicô biến sứ điệp này, được phát biểu qua những câu đầy ý nghĩa,  sang thành nỗ lực cụ thể. 

Suốt triều giáo hoàng của mình, không những đức Biển Đức XVI giữ cho Giáo Hội trở thành “bớt trần tục hơn.” Ngài dùng từ  “giải trần tục- demundanization.  Từ này, theo đức cha Ludwig Müller,  có nghĩa “tách biệt và thống nhất” – nhưng cũng còn có nghĩa xây dựng một khung lề luật để vượt thắng nguy cơ mất căn tính. Cuối cùng, đây là một vấn đề đức tin. Nhưng câu hỏi là: làm sao đức tin trưởng thành được nếu không gắn bó thực sự vào Tin Mừng khi rao giảng, khi chăm sóc hay khi tiếp tục công tác bác ái nhân danh Giáo Hội ?

Dưới triều đức Biển Đức XVI, cơ quan Caritas quốc tế có cuộc cải tổ dựa trên tiêu chí Caritas in Veritate – Bác ái trong Chân lý . Đây không phải là tựa đề tình cờ của thông điệp xã hội của đức Biển Đức XVI. Tự sắc Intima Ecclesia cũng được ban ra để điều hoà công tác bác ái cấp giáo phận và tăng cường việc giám sát của đức giám mục trên công tác này .

Đây là điểm khởi đầu đức Phanxicô đã thừa hưởng. Từ đó ngài nhắm đến một cuộc cải tổ trong Pastor Bonus, tông hiến bàn về việc điều hoà công tác của các văn phòng Giáo triều. Cuộc cải tổ này có làm thay đổi tâm hồn, hay lại cũng chỉ là một cuộc tái cấu trúc cái tổ chức mà thôi ?

Cuối cùng, “ở đây không phải là một vấn nạn đi tìm một chiến thuật mới để tái phát động Giáo Hội, mà đúng hơn, đây là một câu hỏi nhằm gạt sang một bên cái chiến thuật và chỉ nhằm tìm kiếm sự trong suốt hoàn toàn, không đóng ngoặc hay làm ngơ bất cứ điều gì về sự thật của tình hình hiện thời giáo hội chúng ta, nhưng là sống trọn vẹn đức tin ngay ở đây vào lúc này, được soi rọi trong ánh sáng hoàn toàn minh bạch. đảm nhận đức tin trọn vẹn, tước bỏ nó khỏi mọi những gì chỉ có vẻ thuộc về đức tin, nhưng thật sự chỉ là do quy ước hay thói quen”.

Đức Biển Đức XVI đã nói như thế tại Freiburg. 

Nhưng lúc ấy, hầu như chẳng có một ai để tâm lưu ý đến.  

__________
Cuốn sách:
Paul Josef Cordes, Manfred Lütz: “Benedikts Vermächtnis und Franziskus’ Auftrag: Entweltlichung der Kirche,” Verlag Herder, pp. 160, euro 14.99.
__________

Giáo hoàng Phanxicô công bố thông điệp “do hai người” viết trong cuộc nói chuyện hôm 13 tháng Sáu với các thành viên trong cuộc hội nghị thường niên ban Thư ký Thượng Hội  Đồng Giám mục.

Bài diễn văn chuẩn bị cho dịp này – đã không được đọc – có nói rằng “những khai triển trong tương lai sẽ còn đốc thúc thêm nhiều đối thoại và cộng tác hơn nữa giữa các giám mục với nhau, và giữa họ với giám mục Roma.”

Đức giáo hoàng ứng khẩu thêm rằng bài huấn đức sau Thượng hội Đồng ngài đang sửa soạn viết sẽ bàn về đề tài “phúc âm hóa nói chung,” không chỉ hạn chế trong các quốc gia theo truyền thống Kytô giáo lâu đời.

Trong các đề tài sẽ được bàn tới vào Thượng Hội Đồng sắp đến, ngài kêu gọi chuyển sự chú ý về lại các vấn đề của gia đình, vì ngày nay, nhiều người sống chung mà không kết hôn, và hôn nhân đang trở thành “tạm thời.”

Ngài cũng kêu gọi suy tư về “vấn đề trầm trọng” của thứ nhân loại học duy trần tục. Ngài lưu ý là “ tính trần tục” đã trở thành “duy trần thế.” Và ngài cảnh báo phải chống lại nguy cơ của lạc thuyết Ngộ đạo (**) và lạc thuyết Pêlagiô (***) Sự tiêm nhiễm của thuyết này đang làm phát sinh một thứ “văn hóa mới” gây ra “một vấn đề mang tính nhân loại học hết sức trầm trọng” cho người Công Giáo

__________

Ghi chú:

(*) Nguyên văn : “by four hands” – “do bốn bàn tay”

(**) Lạc thuyết Ngộ Đạo – Gnosticism :

Người ta có thể vì quá tin vào suy luận, muốn biến tôn giáo thành một hệ thống triết học và lấy khoa học thay cho tín lý, đó là Ngộ đạo thuyết. Thuyết này đương nhiên từ chối địa vị Chúa Kitô trong việc mặc khải, từ chối luôn Giáo hội trong việc giải thích Lời Chúa. Đáng kết án hơn nữa, vì nó là một mớ tư tưởng của triết học Platon, Pythagor, thần thoại Đông phương và Do Thái giáo được đem đúc kết với giáo lý Kitô giáo thành một giáo thuyết phức tạp, sai lầm và tai hại. Đại diện cho thuyết này là Basilid, Valentinus, Carpocrates.

Họ chủ trương hai ý niệm cực đoan: một ý niệm về Thiên Chúa cao cả vô cùng, rút trong học thuyết độc thần Do Thái, là ý niệm về con người hết sức hèn hạ. Do đó họ đặt ra hai vấn đề: trước hết vật chất và sự sống phát sinh bởi đâu, nếu Thiên Chúa là Đấng trọn hảo vô cùng, tại sao lại dựng nên vật chất xấu xa được ? Tiếp đến, họ đặt vấn đề về nguồn gốc sự xấu và ác, phải chăng do Thiên Chúa đặt vào bản tính con người ? Và con người có thể thoát được không ? Giáo lý Công giáo trả lời: Vũ trụ bởi Thiên Chúa dựng nên tốt lành, nhưng sự sa ngã của loài người đã đem vào sự xấu và sự ác.

Những người chủ trương Ngộ đạo thuyết cho rằng câu giải đáp của giáo lý Công giáo quá đơn giản, họ muốn tìm một giải đáp “khoa học” hơn. Theo họ, Thiên Chúa trọn hảo, hoàn toàn cách biệt con người; giữa Thiên Chúa và con người có các “hữu thể trung gian” kêu là éon. Các hữu thể này lưu xuất bởi Thiên Chúa theo con đường giáng cấp, tiếp theo chúng phát sinh những hữu thể khác hèn kém hơn, và các hữu thể hèn kém hơn ấy tiếp tục sinh các hữu thể khác hèn kém hơn nữa. Giữa những lớp hữu thể tiếp theo nhau đó một éon đã phạm tội, muốn vượt ra ngoài sự hèn kém của hữu thể để được ngang hàng với Thiên Chúa. Bị đày ra khỏi thế giới thiêng liêng, éon này phải sống trong một vũ trụ trung gian, và vì muốn chống lại Thiên Chúa, éon đó đã tạo ra vũ trụ vật chất, một tác phẩm xấu xa tội lỗi. Éon nầy nhiều người gọi là Demiourgos, có người đồng nhất nó với Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa trong Thánh Kinh.

Giải đáp nh­ư thế, họ quan niệm con người là lưu xuất của éon, con người mang trong mình những yếu tố của thiêng liêng, nhưng bị ràng buộc trong vật chất mà con người cầu mong được giải thoát. Hiện hữu là tốt, nhưng tồn tại là xấu. Những ai chỉ lo sống, lo tồn tại là những người “vật chất”, chắc chắn họ sẽ mất linh hồn. Những ai nhờ suy luận mà tìm ra con đường cứu rỗi, là những người “tâm lý”, là những người “thiêng liêng” họ sẽ được cứu rỗi. Quan niệm như thế, tức là địa vị Chúa Kitô trong vấn đề Cứu chuộc không còn nữa.

Giáo thuyết này đ­ược phổ biến ở nhiều nơi, đe dọa giáo lý truyền thống của Giáo hội. Họ chia ra nhiều phái khác nhau, như Ngộ đạo thuyết ở Syria, rồi truyền qua Roma với Valentinus… Một phần lớn các giáo đoàn Đông phương bị ảnh hưởng của lạc thuyết. Ở xứ Gallia, thánh Ireneô (? 203) viết cuốn Chống các lạc thuyết vạch trần những sai lầm và nguy hiểm của thuyết Ngộ đạo và Montanus.

 

(***) Lạc thuyết Pêlagiô : chủ trương con người không cần đến ơn Chúa giúp. Và giống như chủ thuyết Pêlagiô, chủ hướng tân đại – neo modernism cũng sẽ coi việc Ngôi Lời nhập thể là vô ích.

Nguyễn Đức khang chuyển ngữ