Một giáo hoàng không giống vị nào trước giờ

Một giáo hoàng không giống vị nào trước giờ. Ngài có thủ được trọn vai ?

Cuộc du hành đầy tính biểu tượng đến Lampedusa. Rất được dân chúng mến chuộng. Cuộc canh tân giáo triều. Một im lặng có tinh toán về các vấn đề luân lý. Nhưng còn có lỗi lầm đầu tiên về một đề cử trong Viện Công Tác Tôn Giáo – IOR. Cuộc thách đố của đức Phanxicô trong việc thay đổi Giáo hội đã gặp những trở ngại và kẻ thù. Gồm cả từ trong Vatican.
Bài của Sandro Magister
ROME, Ngày  11 tháng 7 năm  2013 –  Vào tháng thứ tư trong vai trò giáo hoàng, đức Jorge Mario Bergoglio đã công bố thông điệp đầu tiên và hoàn tất hành trình đầu tiên của mình. Cả hai hành vi mang một sức biểu tượng mạnh mẽ, nhưng lại trái ngược nhau trong tính cách.
Quả vậy, thông điệp “Ánh Sáng Đức Tin – Lumen Fidei” mang chữ ký của Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng đã được Đức Biển  Đức cưu mang và viết ra gần hết. Khi biến thông điệp này thành của mình, đức Bergoglio đã muốn đưa ra một chứng cớ cho thấy ngài hoàn toàn đồng thuận với vị tiền nhiệm của mình trong việc chu toàn sứ mạng đặc biệt của người kế nhiệm thánh Phêrô: “củng cố đức tin.”
Tuy nhiên, cuộc du hành đến Lampedusa đánh dấu một cuộc tách biệt rõ nét. Để nói lên tiếng nói Kytô bàn về cuộc găp gỡ và đụng độ giữa các nền văn minh, nhà thần học Joseph Ratzinger hẳn sẽ đọc một bài “diễn văn uyên bác – lectio magistralis“  tại đại học Hồi Giáo ở Al Azhar. Trái lại, vị mục tử Bergoglio, lại được gợi hứng từ thánh Phanxicô. Cũng như thánh  Phanxicô thành Assisi khởi đầu sứ mạng mình bằng hành vi hôn các người phong cùi, là những người thời đó bị cấm đoán không được vào thành phố,  vị giáo hoàng mang tên Người, trước tiên đã muốn đi đến một hòn đảo nhỏ ở thật xa, nơi đổ bộ hoặc là chổ chết chìm của hàng ngàn di dân và dân tạm cư. Trong Thánh Lễ, ngài muốn đọc những trang Kinh Thánh kể việc Cain giết Abel, và về cuộc sát hại các hài nhi vô tội. Một cuộc du hành thống hối.
Không ngạc nhiên gì khi, sau cuộc du hành đến Lampedusa, sự nổi tiếng hoàn vũ của đức Phanxicô lên đến tột đỉnh. “Thiên Chúa làm thống kê” ngài đã nói thế. Nhưng có một sự nhất trí hiển nhiên giữa lời nói và việc làm của vị giáo hoàng này và những lời nói việc làm hẳn có thể được một tay lập chương trình đầy tính toán khoa học đã gợi ý cho Ngài để đưa ngài đến thành công. Quan điểm  Công giáo và quan điểm quần chúng thế tục rất khó mà phản bác hầu hết những điều ngài làm hoặc nói ra, bắt đầu với câu “Tôi rất muốn Giáo hội là một Giáo hội khó nghèo và cho người nghèo.”  Câu này đã trở thành căn cước của triều giáo hoàng đương nhiệm.
Khuôn mẫu không thể lầm lẫn
Một yếu tố làm chìa khóa cho sự nổi tiếng của đức Phanxicô chính là tính khả tín cá nhân của ngài. Khi còn làmTổng Giám Mục Buenos Aires, ngài sống trong một căn hộ hai phòng, Ngài tự nấu bếp. Ngài đi đây đi đó bằng xe buýt hay xe điện. Ngài tránh nhũng cuộc xã giao thế tục như tránh bệnh dịch. Ngài không bao giờ muốn tạo cho mình một sự nghiệp, nhưng ngược lại, ngài cẩn thận tránh sang một bên, khi phân viện dòng Tên của ngài, nơi ngài làm bề trên miền ở Achentina trong nhiều năm, đột ngột truất phế và cách ly ngài.
Chính vì lý do này, mỗi lần ngài nhắc đến sự khó nghèo của Giáo Hội và chê trách tham vọng quyền lực và lòng ham hố của cải hiện đang có trong giới giáo sĩ, không một tiếng nói nào cất lên chỉ trích ngài. Ai lại có thể biện minh cho việc áp bức kẻ thất thế, và lại bào chữa cho những tay chuyên nghiệp không xứng đáng? Ai có thể lên án đức Phanxicô đã không thực hành điều ngài rao giảng? Trên môi miệng đức đương kim giáo hoàng, khuôn mẫu một Giáo hội khó nghèo là một điều bất khả ngộ, Điều này thu được một biểu đồng tình hoàn vũ, cả nơi bạn bè và cả từ phía những kẻ thù hung hãn nhất của Giáo Hội, những người muốn thấy Giáo hội nghèo đến độ biến mất luôn cho rồi.
Nhưng rồi còn có một yếu tố khác làm chìa khoá cho sự nổi tiếng của đức Phanxicô. Ví dụ, những lời công kích chống lại những “bạo ngược vô hình” của các trung tâm tài chính quốc tế không đánh vào một mục tiêu nào rõ rệt và đặc biệt có thể nhận ra được. Và vì thế, không một “quyền lực mạnh mẽ” nào, dù có thực hay chỉ là giả định, cảm  thấy thực sự mình bị đụng chạm và bị khiêu khích phải phản ứng lại.
Cả khi những lời khiển trách của ngài nhắm vào những sai trái trong Giáo hội, chúng đều mang tính cách chung chung. Có một lần, khi giáo hoàng Bergoglio, trong một bài gịảng mang tính đối thoại trong Lễ sáng, ngài lêu lên một nghi ngờ minh nhiên về tương lai của IOR, viện Công Tác Tôn giáo, “nhà băng” Vatican đầy tai tiếng, các vị phát ngôn viên ngửa lưng ra sau để làm dịu tình hình. Và khi ngài tố cáo sự kiện là cái “hành lang đồng tính” tại Vatican là “có thật đấy, đúng đấy,” thì chuyện kiểm soát thiệt hại nổi lên từ trên xuống dưới. Cả quan điểm của quần chúng thế tục, ngày nay còn hoang toàng hơn bao giờ hết khi gào thét lên án những kẻ kỳ thị người đồng tính, cũng tha thứ cho ngài  trong nhận xét này, với một sự khoan dung chắc chắn không thể dành cho  vị tiền nhiệm của ngài.
Quả thực, đức Biển Đức thì khác. Ngược với vẻ nhu mì bên ngoài, ngài thường bày tỏ nhận định của mình cách rõ ràng và trực tiếp, khiến người nghe không còn đường tránh né. Cuộc động đất phát sinh do bài diễn văn tại Regensburg vẫn là một hậu quả ngoạn mục của thái độ này. Nhưng còn có một diễn văn khác của ngài minh họa tính cách này còn rõ nét hơn nữa.

Đó là trong cuộc du hành thứ ba và là lần cuối cùng của ngài về Đức, vào tháng Chín năm 2011. Tại Freiburg, đức giáo hoàng Joseph Ratzinger muốn gặp một nhóm đại diện các người Công giáo Đức “hăng say trong Giáo hội và trong xã hội“, Cho họ và cho các giám mục Đức đang hiện diện gần hết, ngài nghiêm túc nói những điều hết sức nghiêm trọng, hết sức đòi hỏi. Hoàn toàn chú tâm đến bổn phận của một Giáo hội nghèo, “bị tước hết mọi của cải thế gian,” “tách biệt khỏi thế giới,” “được giải phóng khỏi những gánh nặng và đặc ân vật chất và chính trị,” để có thể “dấn thân chính mình vào thế giới cách trọn vẹn hơn và theo một cách thức hợp Kytô giáo hơn.”

 

Nhưng lúc ấy, bài diễn văn của ngài được đón nhận cách lạnh nhạt, và nhanh chóng bị quên lãng quên, trước tiên do những người đích thân đức giáo hoàng nói với. Bởi vì chính họ là mục tiêu ngài nhắm cách chính xác, ngài đòi hỏi một thay đổi: một Giáo hội Đức mà ngài biết quá rõ: giầu có, tự mãn, quan liêu, bị chính trị hóa, nhưng lại nghèo về Phúc Âm.
[ Còn tiếp ]
Nguyễn Đức Khang chuyển ngữ