Cuộc lừa gạt bị phanh phui, đức Phanxicô “sẽ biết phải làm gì”
Nhận định của Toà Khâm sứ tại Montevideo, Những xác nhận và những chi tiết mới ở hậu trường trong vụ vị giám chức tại IOR. Nhưng một cơn bão khác đã tới. Về một vụ bổ nhiệm lạ lùng ( xem hình) vào ủy ban mới thành lập để tái cấu trúc hành chánh tại Vatican .
Bài của Sandro Magister
Nguồn : http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350565?eng=y
ROME, ngày 25 tháng Bẩy năm 2013 – Vài ngày nay, chỉ cần vào các văn phòng của Viện Công Tác Tôn Giáo, người ta sẽ hiểu được các lý lẽ được đưa ra để bảo vệ cho đức ông Battista Ricca mới hời hợt đến mức nào. Ông là vị giám chức của IOR mà quá khứ bê bối đã bị tờ L’Espresso phanh phui:
> The Prelate of the Gay Lobby ( Bản tin đã dịch: Vị giáo sĩ cao cấp trong hành lang đồng tính )
Nằm ở ba tầng ngay dưới cửa sổ chỗ đức giáo hoàng đọc kinh Truyền Tin, trong hai phòng đối diện với hàng cột của Quảng trường thánh Phêrô các hoạt động trao đổi tiền, trong quá khứ và trong hiện tại của các thân chủ IOR, lần lượt chạy dọc suốt một dãy màn hình rộng, trước mắt những kiểm tra viên đang soi mói những hoạt động đáng ngờ. Dẫn đầu đội ngũ này là Antonio Montaresi. Với số vốn kinh nghiệm dồi dào từ Mỹ, ông là tân Trưởng Ban Phân Tích Rủi Ro của “nhà băng” Vatican đầy tai tiếng.
Bất cứ giao dịch nào xảy ra cách đều đặn đáng ngờ đều được Thẩm Quyền Thông tin Tài Chính lưu tâm. René Brülhart điều hành Thẩm quyền này. Ông là phó giám đốc mạng lưới quốc tế của Đơn vị Tình báo Tài chính. Đơn vị này, sau đó, sẽ thông báo cho các thẩm quyền tương tự tại các quốc gia có dính líu, và nếu cần sẽ thông báo cho Toà Án Vatican.
“Quản lý kém”: là nhận định mà chủ tịch của IOR, Ernst von Freyberg, đã phê phán về hạnh kiểm của vị giám đốc tiền nhiệm, Paolo Cipriani, người bị buộc phải từ chức cùng với vị đại diện của mình vào ngày Mồng Một tháng Bảy vừa qua.
Theo những người bảo vệ cho Ricca – họ rất tích cực cả trong lẫn ngoài Vatican – công kích ông, “người bảo vệ lão luyện” của giáo triều, có nghĩa là toan ngăn cản việc phục hồi “nhà băng của đức giáo hoàng.”
Nhưng các sự kiện chứng minh ngược lại. Có hay không có vị giám chức, sự phục hồi các tài khoản và guồng máy của IOR vẫn tăng tiến với một nhịp độ càng ngày càng tăng.
*
Vụ bê bối của đức ông Ricca là một trường hợp điển hình cho những cỏ dại mà giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio muốn nhổ tận rễ khỏi giáo triều Roma.
Không hề có những thù địch thiên kiến bất cứ ở đâu trong Giáo Hội chống lại những trường hợp đồng tính nơi những vị sống đời khiết tịnh, bao gồm các linh mục, giám mục, hồng y. Điều này phổ quát rộng rãi đến độ một số các vị này đã và đang trong âm thầm nắm giữ những vị trí quan trọng.
Điều Giáo hội không chấp nhận là những vị đã được thánh hiến ấy, đã từng tuyên bố công khai gắn bó giữ đời độc thân và khiết tịnh “vì Nước Trời,” không nên phản bội lại lời mình hứa.
Khi việc phản bội đã ra công khai, nó trở thành tai tiếng. Và để chữa lành, Giáo Hội đòi hỏi một hành trình thống hối, bắt đầu với sự ăn năn, chứ không phải với việc giả mạo giấy tờ, giấu nhẹm, lừa gạt, và càng tệ hơn nữa khi chuyện này được thực hiện với sự đồng lõa của kẻ khác, trong cái “hành lang” có nhiều quyền lợi chồng chéo nhau, cả hợp pháp lẫn không hợp pháp. Trong trường hợp của Ricca, chuyện lừa bịp đụng chạm đến chính đức giáo hoàng Phanxicô.
Về cái quá khứ bê bối của đức ông, và chuyện giấu nhẹm hiện nay, đức Phanxicô không biết một tí gì, cho đến ngày 15 tháng Sáu, ngài bổ nhiệm ông làm vị giám chức, nghĩa là sự tín nhiệm đặt nơi ông tại Viện IOR. Ngài được trình cho thấy hồ sơ liên quan đến Ricca, vốn được lưu giữ tại phòng nhân sự ở phủ quốc vụ khanh, và mọi điều đều có vẻ đâu vào đấy.
Nhưng vào những ngày sau đó, một số người đáng tin cậy đã lên tiếng báo động với đức giáo hoàng, qua ngôn từ cũng như ngòi viết, về những gì đã xảy ra tại Uruguay giữa những năm 1999 và 2001 tại toà khâm sứ Montevideo nơi Ricca phục vụ. Thêm nhiều thông tin nữa đến với đức giáo hoàng vào ngày 21 và 22, khi ngài gặp gỡ các sứ thần từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về Roma .
Sau khi tin tức về vụ tai tiếng to đùng được công bố trên trang www.chiesa vào ngày 3 tháng Bảy, đức Phanxicô muốn xem hồ sơ cá nhân của Ricca một lần nữa.
Lần này cũng vậy, họ làm cho ông ta thành một người tinh tuyền. Hệ thống điều khiển này gồm hồng y quốc vụ khanh Tarcisio Bertone, vị thay thế là Giovanni Angelo Becciu, và vị đại biểu cho sứ bộ Ngoại giao Toà Thánh, chủ phòng nhân viên Luciano Suriani, lại không hề làm công việc cơ bản là yêu cầu toà khâm sứ Montevideo cung cấp những bản sao các báo cáo của vị khâm sứ vào thời ấy, Janusz Bolonek. Những báo cáo này đã đến Roma, nhưng hiển nhiên đã bị làm cho biến mất.
Tệ hơn nữa, sau khi tờ L’espresso tuần vừa rồi đã công bố những yếu tố của vụ tai tiếng cho mọi người chú ý, họ đã cho phát ngôn viên Federico Lombardi của Vatican nói rằng những điều đã công bố là “không đáng tin cậy.”
Trong khi, thật ra, những điều công bố ấy hoàn toàn phù hợp mọi lẽ với các tài liệu – của giáo quyền và của cả chính quyền dân sự – đang được lưu trữ tại toà khâm sứ, kể cả lá thư của Bolonek khẩn thiết yêu cầu thẩm quyền ở Vatian sai đến với mình một người cố vấn mới và “có đời sống luân lý tốt đẹp” thay thế chỗ của Ricca.
Tại Uruguay, ít nhất có năm vị giám mục là nhân chứng trực tiếp về vụ tai tiếng, đã sẵn sàng để báo cáo. “Es todo verdad – Điều đó hoàn toàn là thật,” các nguồn tin giáo quyền đã nói như thế với tờ báo hàng đầu ở Montevideo là tờ “El País.”
Sau khi đọc tờ L’Espresso, đích thân giáo hoàng Phanxicô đã nhấc điện thoại lên và gọi đến những người mình tin cậy tại quốc gia ấy, để có được những khẳng định dứt khoát về các sự kiện.
“Chắc chắn đức Thánh Cha, với sự khôn ngoan của mình, sẽ biết phải làm gì,” đó là nhận định cô đọng của vị khâm sứ đương nhiệm, Guido Anselmo Pecorari.
***Bài bình luận này được đăng trên tờ “L’Espresso” số 39 năm 2013, phát hành trên sập báo ngày 26 tháng Bẩy , trong mục Ý Kiến Toà Soạn, mang đề mục “Settimo cielo” của Sandro Magister.
> “L’Espresso” in seventh heaven
Giữa năm 2001 và 2005, là những năm đức ông Battista Ricca bị bãi nhiệm khỏi chức vụ khâm sứ ở Montevideo, và cuối cùng bị triệu hồi về Vatican, hệ thống điều khiển liên quan đến ông gồm có hồng y quốc vụ khanh Angelo Sodano, vị thay thế là Leonardo Sandri, và vị đại biểu cho sứ bộ Ngoại giao Toà Thánh, chủ phòng nhân viên Carlo Maria Viganò. Vị cuối cùng này tại vị cho đến năm 2009.
Vào ngày mồng Chín tháng Bẩy, giáo hoàng Phanxicô viết một bức thư đầy tình cảm “với một giọng nói liên kết tất cả chúng ta, những người đã sinh ra tại vùng vịnh Rio de la Plata” gửi đến tổng thống Uruguay, José Alberto Mujica Cordano, mà ngài đã tiếp kiến tại Vatican hôm mồng Một tháng Sáu.
Trong thư, đức giáo hoàng thích thú nhắc lại những gì ngài đã nói với tổng thống về “những vấn đề liên quan đến những vấn nạn nền tảng của đời sống con người, kiếm tìm điều thiện ích và những tiến bộ công chính cho họ. “
Và ngài viết như sau, rõ ràng nhắc đến những khẳng định liên tục của Mujica rằng ông đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc hiện hữu:
“Thiên Chúa luôn luôn đứng về phía những ai thương yêu và những ai đặt tình yêu thương quảng đại và bất vụ lợi, trong khi phục vụ người khác, làm tiêu chuẩn cho đời mình, sẽ được Thiên Chúa để cho mình gặp gỡ.”
Đáp lại lời mời đi thăm Uruguay, đức Phanxicô bày tỏ lời cám ơn, nhưng nói rằng “vào lúc này” ngài không thể nhận lời.
____________
Nhưng bây giờ, việc bổ nhiệm cô Francesca Immacolata Chaouqui lại cũng gây nên tiếng tăm.
Sau vụ bổ nhiệm vị giám chức tại IOR, một cuộc bổ nhiệm khác đang dấy lên những chống đối mạnh mẽ tại Vatican và cả bên ngoài.
Chính cô Francesca Immacolata Chaouqui ba mươi tuổi này, người Ý duy nhất trong tám vị của ủy ban giáo hoàng mới thành lập, để báo cáo về cách tổ chức của cơ cấu tài chính và quản trị trong ToàThánh, được giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngày 18 tháng Bẩy.
Đọc bản tự sắc :
> Chirografo del Santo Padre Francesco…
Trong tự sắc thiết lập ủy ban, các thành viên của ủy ban này được phép tiếp cận tất cả “mọi tài liệu, dữ liệu, và thông tin” của mọi ban bệ hành chánh trong Vatican, mà không có bất cứ một mức bảo mật chính thức nào được ngăn cản họ.
Đây là một vụ việc đặc biệt đối với một tay lão luyện trong truyền thông như Francesca Immacolata Chaouqui, người đã làm việc cho công ty đa quốc gia Ernst & Young, nhưng cũng là người đưa tin không mệt mỏi cho trang Dagospia.com, trang mạng số một tại Ý chuyên thu thập những tin tức rò rỉ và bẩn thỉu liên quan đến thế giới của Vatican.
Không chỉ đâu có thế. Từ trang Twitter của cô, phát sinh ra chi tiết rằng Francesca Chaouqui là có liên hệ trực tiếp với Gianluigi Nuzzi, người mà cô cho biết cô ngưỡng mộ.
Nuzzi lại là nhà báo đã tiếp nhận và công bố những tài liệu mật mà viên thư ký Paolo Gabriele ăn cắp từ bàn giấy của đức Biển Đức XVI. Gabriele sau đó bị bắt và bị kết án.
Bức hình ở đầu bài viết là một trong những bức hình Francesca Chaouqui giới thiệu chính mình trên trang Twitter của mình, trước khi được lấy xuống hôm 23 tháng Sáu, năm ngày sau khi cô được bổ nhiệm vào Vatican.
________
Nguyễn Đức Khang chuyển ngữ